Thích Nữ Tịnh Trí Học viên Thạc sĩ Khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023

Tổng quan về đạo đức và hạnh phúc

Vấn đề đạo đức luôn là một phạm trù lớn của triết học Phật giáo. Trung tâm của tôn giáo là thượng đế, trung tâm của đạo đức đối tượng hướng đến là con người. Vai trò con người là tối thượng trong quan niệm của đạo đức Tây phương, đối với tôn giáo thượng đế là khởi nguồn của mọi thứ. Con người sống ở đời nhờ tu dưỡng đạo đức mà được hoàn thiện. Đạo Phật nhờ tu luyện đạo đức mà trở thành người giác ngộ giải thoát.

Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đi đôi lạc không đi đôi với khổ, đề cao một kinh nghiệm bản thân của đức Phật. “Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc cho con người, đề cao giá trị con người, một nếp sống trong sạch thanh tịnh, lành mạnh, loại bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp”(1). Sống đạo đức còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với tự thân cũng như đối với gia đình và xã hội, vì lẽ, đạo đức là hạnh phúc và việc xây dựng hạnh phúc cho tự thân, gia đình và xã hội là trách nhiệm của mỗi người sống nếp sống đạo đức, tức là người có trách nhiệm cao trong các mối quan hệ với gia đình và xã hội.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Dao Duc La Thuc Hanh Nam Gioi 1

Theo từ điển Graw Hill Book: “Đạo đức là môn học đánh giá các hành vi thiện ác của con người biểu hiện qua thân, khẩu, ý và được thực hiện bởi lý trí, tình cảm và ý chí”(2). Theo Aristote thì hạnh phúc chính là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ đức tính của một con người… Hạnh phúc đồng nghĩa với đạo đức. Chiếu theo định nghĩa này ta có thể hiểu rằng đạo Phật là đạo của hạnh phúc và tỉnh thức, giáo lý đạo phật chính là con đường đạo đức đưa chúng sinh đến hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại. Đây chính là phương tiện để con người từng bước phát triển hoàn thiện bản thân nhân cách. “Giới luật Phật giáo có công năng tạo ra hạnh phúc và lợi ích thật sự cho cuộc sống con người”(3), giáo lý Phật giáo chính là con đường hướng chúng sinh đến hạnh phúc tối hậu, đó chính là sự chứng đắt Niết Bàn giải thoát, đức Phật dạy: “xưa cũng như nay ta chỉ nói hai vấn đề là sự khổ và con đường diệt khổ”(4).

Nếu ở thế gian bất cứ quốc gia nào cũng đều có luật pháp, thì trong Phật giáo giới luật chính là bờ đê can ngăn dòng nước lũ si mê khổ não của con người.

2. Đạo đức Phật giáo qua việc thực hành 5 Giới

Muốn thiết lập một chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống của mỗi cá nhân hoặc cộng đồng xã hội, trước tiên cần phải có những quy chuẩn căn bản để con người y cứ vào đó mà đánh giá hành động đó là thiện hay ác. Đối với Phật giáo, quy chuẩn căn bản để dựa vào để đánh giá hành vi con người đó chính là giới luật. Giới có nhiều loại, tuỳ theo cấp độ tu tập khác nhau của mỗi người mà thọ trì như giới Tỳ Kheo, giới Tỳ Kheo Ni, Sa Di, Sa Di Ni,…và cũng tuỳ theo môi trường sống, phong tục tập quán của từng địa phương mà khai mở ứng dụng giới luật cho phù hợp. Một người muốn sống một cuộc đời đạo đức hướng thiện thì không cách gì khác hơn là phải tuân giữ giới luật. Theo quan điểm của Christppher Queen, một tác giả hiện đại về Phật giáo tiếp hiện đã phân loại đạo đức Phật giáo thành 4 dạng thức:

- Đạo đức giới luật, - Đạo đức đức hạnh - Đạo đức vị tha - Đạo đức dấn thân

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Dao Duc La Thuc Hanh Nam Gioi 2

Tuy nhiên phần trình bày ở đây chỉ đi sâu vào đạo đức giới luật, tức năm giới căn bản của người phật tử tại gia. “Năm giới này là năm điều kiện tối thiểu của một người Phật tử, và cũng là những chuẩn mực đạo đức tạo ra con người lí tưởng theo đúng chân nghĩa của nó”(5). Năm giới bao gồm: - Không sát sinh, - Không trộm cắp, - Không tà dâm, - Không nói dối, - Không uống rượu.

Nếu như người theo đạo Nho phải sống đúng theo Tam cương, Ngũ thường, thì người theo đạo Phật cũng không thể chỉ thọ Tam quy mà không trì Ngũ giới. “Năm giới này không những đưa người mạnh tiến trên đường giài thoát, mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, quốc gia, xã hội nữa. Ngũ giới chính là giềng mối chắc thật tạo hạnh phúc cho cá nhân và đoàn thể, chính la ông thầy ngăn ngừa chúng ta làm điều xằng bậy trong thời mạt pháp”(6).

• Không sát sinh

Phật dạy: "Ai ai cũng sợ gươm dao, ai ai cũng sợ sự chết. Vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết! Chớ bảo giết!"(7). Đó là tôn trọng sự sống bình đẳng, nuôi dưỡng lòng từ bi, lòng từ bi của đức Phật xem mọi loài như con thương yêu tất cả muôn loài, nếu đem tâm giết hại sinh mạng là độc ác vô cùng, tâm từ bi bị bóp chết. Nhẫn tâm vô cớ giết một con vật, tính bạo ác không kém giết một con người thì người ấy hoàn toàn không có đạo đức.

Càng tạo nghiệp sát, càng lao mình vào vòng đau khổ. Phật dạy trong Kinh Lăng Già: "Người thường sinh tâm sát hại, càng tăng trưởng nghiệp khổ, mãi xoay vần trong sinh tử, không có ngày ra khỏi".

Không sát sinh là nếp sống tôn trọng sự sống, yêu quý sự sống được bảo vệ, tránh mọi lo âu về huỷ diệt. Người phật tử phát nguyện không sát sinh, không làm tổn hại đến các loại sinh vật, tức là đang kiến tạo thái bình, cho xứ sở, cùng lúc đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh huỷ hoại sự sống của con người và muôn loài. Đây là trách nhiệm đạo đức đầu tiên mà người phật tử cần thực hiện nhằm xây dựng hạnh phúc cho tự thân, cho gia đình và xã hội.

• Không trộm cắp

Một người tử tế, muốn có một đời sống hạnh phúc giữa thế gian này không kể người theo hay không theo tôn giáo vẫn phải tránh việc trộm cắp, vì đó là chuẩn mực đạo đức của con người để bản thân và gia đình được nhiều lợi lạc, được tôn trọng và nếu xã hội không ai có tâm gian ham thì thiên hạ sẽ được an ổn thái bình.

• Không tà dâm

Sở dĩ Đức Phật dạy giới không nên tà dâm nghĩa là vị ấy đang giữ gìn hạnh phúc gia đình của chính mình. “Tại gia ngũ giới duy chế tà dâm, xuất gia thập giới toàn đoạn dâm dục”, là lời Phật dạy trong luật Sa Di. Bởi vì người xuất gia là người phát tâm sống đời phạm hạnh cho nên những việc dâm dục là phải đoạn trừ. Người phật tử phải thực hành 5 giới, hạn chế tà dâm sống đời chính hạnh một vợ một chồng. Ở thế gian muốn gia đình mình luôn êm ấm hạnh phúc thì trước tiên mỗi người phải sống theo con đường chính hạnh. Phật dạy trong kinh Tứ Thập Nhị Chương: "Người ôm lòng ái dục cũng như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, quyết bị nạn cháy tay". Cho nên trong xã hội mà mỗi người luôn sống chính hạnh, thì hiện tại gia đình luôn được hạnh phúc, bản thân được kính trọng và xã hội đất nước sẽ càng cường thịnh.

• Không được nói sai sự thật

Nói sai sự thật có bốn cách: Nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác. Đạo Phật là đạo của sự thật, người tu theo Phật phải luôn tôn trọng sự thật và không nói điều gian trá. Trong một gia đình, một đoàn thể, một xã hội mà không ai tin ai, thì mọi công cuộc từ nhỏ đến lớn đều thất bại. Trong đạo Nho, một trong 5 đức tính căn bản là lòng tin. "Nhơn vô tín bất lập", đó là lời dạy của Khổng Tử. Hạnh phúc gia đình và xã hội không thể có được trong sự dối trá. nghi ngờ, đố kỵ.

• Không được uống rượu

Chất kích thích làm say mê tâm trí con người, khiến họ mất tự chủ, mất trí tuệ làm những điều băng hoại đạo đức, trái luân thường đạo lý. Người say sưa nghiện ngập sẽ làm mất hạt giống trí tuệ, tâm trí mê mờ. Rượu chính nó không phải là một tội lỗi như sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nhưng nó có thể làm nhân cho những tội lỗi kia sinh ra. Khi đã uống rượu vào say sưa, thì tội nào cũng có thể phạm được.

Năm giới nói trên không có gì là cao siêu, huyền bí. Ðó là một bài học nền tảng căn bản trong quy chuẩn sống làm một con người lương thiện có đạo đức mà bất cứ một xã hội nào, một quốc gia nào muốn phồn thịnh, hùng cường cũng không thể bỏ sót được. Cho nên 5 điều luật ấy không phải chỉ để áp dụng riêng cho người theo đạo Phật, mà còn chung cho tất cả những ai muốn sống một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc, có lễ nghĩa và tiến bộ.

Kết quả việc giữ giới như thế tựu trung tính chất của nó là đem lại an vui cho mình và cho người, điều hòa được sinh hoạt của tập thể, tạo nên lòng tin cho kẻ khác. Ðem lại lợi ích an lạc và giải thoát cho tự thân người giữ giới, đấy là trí tuệ; đem lại lợi ích an lạc cho tha nhân và các loài khác, đấy là từ bi. Trí tuệ và từ bi là nền tảng trên đó Giới được thiết lập.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Dao Duc La Thuc Hanh Nam Gioi 3

3. Giữ Giới chính là đang giữ gìn đạo đức

Giới luật hay pháp luật là những điều không được vi phạm, cần phải tránh để bảo vệ đạo đức và nhân phẩm của một con người. Nếu giữ được năm giới này chính là một người đang sống một cuộc đời hướng thượng hướng thiện và đạo đức. Từ đó bản thân họ sẽ luôn được tự tại thảnh thơi và cảm nhận được sự hạnh phúc an lạc ngay hiện tại từ lợi ích của việc hành trì giới mang lại. Vì vậy có thể nói “năm giới là năm điều kiện sống tất yếu của một con người, là năm điều kiện cần và đủ để làm người”(8), đó là điều tất yếu.

Hướng đi của giới là đem lại lợi ích, an lạc cho mình và người, nên giới giúp đỡ người tu tập thấy nhẹ nhàng thân và tâm, an lạc trong từng bước đi. Giới đúng nghĩa của nó, không có ý nghĩa nào trói buộc hay tù túng cả(9). Giới chính là đạo đức, không chỉ áp dụng riêng cho Phật giáo, mà cho tất cả thành phần của xã hội.

Theo Aristoste: “Mục đích trực tiếp của con người không phải là cái hay, cái đẹp mà chính là hạnh phúc. Hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ đức tính của một con người… hạnh phúc đồng nghĩa với đạo đức”, để thấy rằng đạo đức đóng vai trò chủ đạo và vị trí quan trọng đối với xã hội.

Đạo đức của người con Phật được xây dựng và phát triển trên nền tảng của giới luật. Đạo Phật có một sức sống dồi dào bất động, sức sống ấy là Chính Pháp cũng chính là Giới. Giới là lộ trình sống thực của chân lý, được kết tinh từ nhân cách phẩm chất đạo đức, nhằm nuôi dưỡng lớn công hạnh tự lợi, lợi tha, một yếu tố tác thành Phật quả. Ðem lại sự hiểu biết về giá trị của con người làm cho con người nhận ra được lẽ thực, không ỷ lại vào tha lực và nhận trách nhiệm về những gì mình làm “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”(10). Giáo dục của đạo Phật tôn trọng sự thật, chữa trị thân bệnh và tâm bệnh, chống đối mọi hình thức nô lệ, phát huy thái độ trí thức với chủ đích nâng cao giá trị của con người. Đức Phật dạy “chỉ có con người mới giáo dục cho chính mình, chỉ có con người mới giải thoát cho mình, đức Phật chỉ đóng vai trò một người chỉ đường”(11). Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Thế Tôn có dạy: “hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác…dùng Chính pháp làm ngọn đèn, dùng Chính pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác”(12), lời dạy trên nói lên sự tin tưởng của đức Phật ở giá trị và khả năng của con người, và một nền giáo dục chân chính phải là một nền giáo dục nhắm đến sự hướng thượng của con người.

Giới không phải là người trên, cấm kẻ dưới không được làm, nếu làm thì bị trừng phạt, mà Giới là điều mình tự nguyện làm, đề cao tính tự chịu trách nhiệm của mỗi người, vì các điều ấy phù hợp với đạo lý và khi thực hành chúng ta có được sự an vui về tinh thần và thể chất. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, trình bày rõ ràng về trường hợp này. Ví như một nắm muối thả vào một hồ nước lớn hay con sông lớn thì độ mặn không đáng kể, nhưng nếu để nắm muối ấy vào một ghè nước thì độ mặn lại đáng kể. Cũng thế, cùng phạm một tội, với người tâm tư bủn xỉn, không tu tập Giới, Ðịnh, Tuệ thì kết quả có thể đi vào địa ngục; nhưng với người có tu tập Giới, Ðịnh, Tuệ, có từ tâm rộng rãi thì xem như kết quả không có (triệt tiêu)(13). Trong Kinh Trường Bộ, đức Phật đặc biệt đề cao Giới Đức: “Chỗ nào có Giới hạnh chỗ ấy có trí tuệ, chỗ nào có trí huệ, chỗ ấy có Giới hạnh. Người có Giới hạnh nhất định có trí tuệ, người có trí tuệ nhất định có Giới hạnh. Giới hạnh và trí huệ phải được xem là tối thắng ở trên đời”(14). Như thế ta có thể khẳng định là nơi nào có người giữ Giới thì nơi đó sẽ có mọi sự hạnh phúc an lành.

Nếu hạnh phúc là đối tượng mà nhân loại mãi đi tìm, thì hẳn đúng giới là những gì mà nhân loại cần nắm giữ trên đường đi đến hạnh phúc ấy. Ðã đến lúc con người cần loại bỏ hết thảy ngộ nhận về giới của giáo lý Phật giáo để tiến lại gần hơn với giới và nắm giữ giới thân ái như nắm giữ chính hạnh phúc của mình(15). Nếu cứ muốn tìm cầu an vui hạnh phúc mà đi ngược lại với năm điều đạo đức trên thì cũng như người khát nước mà cứ uống nước biển vậy.

Không phải chỉ ngày nay đạo đức mới tỏ lộ tiếng nói của mình như là điều kiện tất yếu cho hạnh phúc của con người và thái bình của xứ sở. Hơn 25 thế kỷ trước, đức Phật đã nói đến đạo đức và cuộc sống của Ngài là tấm gương sáng về đạo đức. Quả vậy nếp sống Giới đức, Hạnh đức và Trí đức của Ngài mãi mãi là tấm gương soi sáng cho nhân loại muôn đời trên bước đường thực hành an lạc, hạnh phúc.

Thích Nữ Tịnh Trí Học viên Thạc sĩ Khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023 ***

CHÚ THÍCH: (1) Thích Minh Châu, Đạo Đức Phật Giáo & Hạnh Phúc Con Người, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2002, Tr 23. (2) Câu Chuyện Triết Học, Will Durant, Bửu Đích dịch, Tu Thư Vạn Hạnh, 1971. (3) Viên Trí, Ý Nghĩa Giới Luật, NXB Hồng Đức, 2019, tr 109. (4) Trung Bộ Kinh, Kinh Thánh Cầu, HT. Minh Châu dịch. (5) Viên Trí, Ý Nghĩa Giới Luật, NXB Hồng Đức, 2019, tr 108. (6) Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, Tr 71. (7) HT Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú, Phẩm Hình Phạt số 130, Nxb Hồng Đức, 2017, tr 62. (8) Viên Trí, Ý Nghĩa Giới Luật, NXB Hồng Đức, 2019, tr 108. (9) Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, NXB Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2009, Tr 337. (10) Kinh Tăng Chi Bộ 2, HT Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr 422. (11) Thích Minh Châu, Đức Phật nhà đại giáo dục, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, Tr 10. (12) Kinh Trường Bộ 1, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr 584. (13) Kinh Tăng Chi Bộ1, HT Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1996, Tr 453. (14) Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo Hà Nội, 1991, tr 222. (15) Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, NXB Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2009, Tr 342. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, Chương II, Tương ưng Thiên Tử, Phẩm các ngoại đạo, (1993), HT. Thích Minh Châu dịch từ Pali, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 2. Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, Chương V, Tương ưng Kassapa, (1993), HT. Thích Minh Châu dịch từ Pali sang Việt ngữ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 3. Kinh Tiểu Bộ, tập 1, (1999), HT. Thích Minh Châu dịch từ Pali sang Việt ngữ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 4. Kinh Trung Bộ, tập 3, (1992), HT. Thích Minh Châu dịch từ Pali sang Việt ngữ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 5. Kinh Tăng chi bộ, tập 1, (1996), HT. Thích Minh Châu dịch từ Pali sang Việt ngữ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 6. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, (2014), Tâm Minh Lê Đình Thám dịch từ Hán sang Việt, NXB. Tôn giáo, Hà Nội 7. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, (2012), HT. Thích Trí Tịnh dịch từ Hán sang Việt, NXB. Tôn giáo, Hà Nội 8. Nguyễn Thị Thu Hằng (2022): The basic human nature of someone who brings the Buddha-Dharma into life. 9. Thích Minh Cảnh (chủ biên), 2016, Từ điển Phật học Huệ Quang, Tập I, NXB. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh 10. Thích Minh Cảnh (chủ biên), 2016, Từ điển Phật học Huệ Quang, Tập V, NXB. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh