Phạm Tuấn Minh tóm lược

The Lotus and the Cross: Jesus Talks with Buddha của Ravi Zacharias, tôi tạm dịch tên là "Hoa sen và Thánh giá: Chúa Jesus nói chuyện với Đức Phật", đây là một tác phẩm đặc biệt thuộc thể loại đối thoại tưởng tượng, trong đó tác giả hình dung ra một cuộc trò chuyện giữa Chúa Jesus và đức Phật.

Từ đây, Zacharias chia sẻ những luận điểm về cuộc sống dưới phương diện giáo lý đôi bên để làm nổi bật góc tương đồng và khác biệt trong tư tưởng của hai tôn giáo lớn này dựa trên nghiên cứu tìm hiểu của riêng tác giả.

Cuốn sách mở đầu với việc giới thiệu hoàn cảnh cuộc đối thoại. Tác giả đặt ra một bối cảnh giả tưởng, nơi Chúa Jesus và đức Phật gặp nhau trên một con thuyền. Họ bắt đầu thảo luận về bản chất của sự khổ đau, sự cứu rỗi, và ý nghĩa cuộc sống.

Ảnh chụp bìa sách, sưu tầm
Ảnh chụp bìa sách, sưu tầm

Chương I: Về bản chất của khổ đau

Chương này tập trung vào vấn đề khổ đau - một trong những chủ đề cốt lõi trong cả đạo Phật và Thiên Chúa. Đây là một chương nối bật vì nó làm rõ sự khác biệt cơ bản trong cách tiếp cận của Chúa Jesus và đức Phật đối với vấn đề này.

1. Sự khổ đau và nguồn gốc của nó (dukkha)

Đức Phật mở đầu cuộc trò chuyện bằng cách nói về khổ đau, hay "dukkha", là nền tảng của giáo pháp Tứ Diệu Đế. Ngài giải thích rằng cuộc sống là khổ đau, và sự khổ đau bắt nguồn từ những tham ái, khao khát và sự bám víu vào những điều vô thường. Đây là quan điểm của đức Phật về bản chất của sự tồn tại, khi mọi sự vật đều biến đổi, và chính sự bám víu vào chúng gây ra đau khổ cho con người.

Một đoạn đáng chú ý là khi đức Phật nói về sự cần thiết của việc hiểu thấu được bản chất của khổ đau để có thể giải thoát khỏi vòng luân hồi (samsara).

2. Quan điểm của Chúa Jesus về sự khổ đau

Chúa Jesus trả lời bằng cách nhấn mạnh rằng khổ đau có thể bắt nguồn từ tội lỗi. Ngài chỉ ra rằng nguyên nhân sâu xa của khổ đau không chỉ là tham ái hay sự vô thường mà còn nằm ở sự đổ vỡ của mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa. Sự xa cách này dẫn đến đau khổ và mất mát.

Một đoạn tiêu biểu ở đây là khi Chúa Jesus nhắc đến tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, rằng sự khổ đau có thể được vượt qua thông qua sự chuộc tội và lòng tin vào Thiên Chúa.

Chương II: Về cứu rỗi

Chương này tập trung vào vấn đề cứu rỗi, chúa Jesus và đức Phật tiếp tục trao đối quan điểm về cách con người có thể được giải thoát khỏi sự khổ đau và luân hồi. Những phân đoạn nổi bật của chương này minh họa rõ rệt sự khác biệt về con đường cứu rồi giữa hai hệ thống niềm tin.

1. Đức Phật nói về con đường Bát Chính đạo (Eightfold Path)

Đức Phật giải thích về con đường Bát Chính Đạo (Eightfold Path) như một phương tiện giúp con người thoát khỏi luân hồi và đạt tới Niết bàn (nirvana).

Bằng cách thực hành tám nguyên tắc chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, và chính định, con người mới có thể vượt qua mọi tham ái, thoát khỏi vòng sinh tử. Đức Phật xem sự giải thoát là một quá trình tự thân, tự mình nỗ lực để giác ngộ và không ai có thể ban phát được sự an lạc, giác ngộ. 

Đức Phật mô tả Niết bàn là trạng thái tĩnh lặng tuyệt đối, nơi mọi khổ đau và vô thường đều không còn tồn tại. Ngài khẳng định rằng việc đạt đến trạng thái này là đích đến của mọi nỗ lực tu tập.

2. Chúa Jesus và khái niệm cứu rỗi qua đức tin

Chúa Jesus phản hồi bằng cách trình bày quan điểm về sự cứu rỗi qua đức tin vào Ngài và Thiên Chúa. Theo Chúa Jesus, con người không thể tự mình đạt được sự cứu rỗi mà cần đến ân điển của Thiên Chúa. Ngài nhấn mạnh rằng Ngài đã hy sinh trên thập tự giá để chuộc tội cho nhân loại, và chỉ qua việc tin tưởng, chấp nhận sự hy sinh đó, con người mới có thể được cứu

Một phân đoạn nổi bật ở đây là khi Chúa Jesus nói về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đối với con người, rằng sự cứu rỗi là một món quà không dựa trên công lao hay nỗ lực cá nhân, mà là do ân điển của Thiên Chúa ban cho qua Chúa Jesus.

Sự khác biệt

Một điểm nhấn quan trọng trong chương là khi Chúa Jesus nói về sự tha thứ từ Thiên Chúa. Ngài mô tả rằng, bất kể tội lỗi của con người nặng nề thế nào, Thiên Chúa luôn sẵn lòng tha thứ cho những ai ăn năn và tin tưởng vào Ngài. Điều này khác biệt khác với khái niệm của đức Phật về nghiệp (karma), khi mà hậu quả của mọi hành động đều phải được giải quyết qua thọ lãnh, tức người gây nhân thì nhận quả, mà không thể khác.

Chương III: Về mục đích của cuộc sống

1. Đức Phật nói về giác ngộ và sự chấm dứt của khổ đau

Đức Phật giải thích rằng mục đích của cuộc sống là thoát khỏi sự khổ đau thông qua việc đạt được giác ngộ (bodhi) và cuối cùng là Niết bàn (nirvana). Theo quan điểm Phật giáo, không có mục đích nào khác ngoài việc chấm dứt khổ đau.

Để đạt được điều này, con người phải tự mình thức tỉnh khỏi sự vô minh, bám víu và tham ái. Đức Phật nói rằng mục tiêu cuối cùng không phải là tiếp tục tồn tại, mà là vượt thoát khỏi mọi dạng thức tồn tại, đạt đến trạng thái tĩnh lặng tuyệt đối, nơi không còn vòng luân hồi (samsara).

2. Chúa Jesus nhấn mạnh mục đích sống vĩnh cửu với Thiên Chúa

Chúa Jesus, ngược lại, cho rằng mục đích của cuộc sống là tìm đến mối quan hệ với Thiên Chúa, và qua đó, đạt đến sự sống vĩnh cửu. Ngài giải thích rằng Thiên Chúa đã tạo ra con người để yêu thương và sống trong sự vĩnh cửu với Ngài. Cuộc sống trần gian chỉ là bước đệm, và mục tiêu cuối cùng là sự hợp nhất với Thiên Chúa ở Thiên Đàng.

Chúa Jesus nói về việc con người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa và rằng con người có một sứ mệnh thiêng liêng để yêu mến và phục vụ Thiên Chúa.

Sự khác biệt về mục đích và phương pháp đạt được cứu cánh

Đức Phật tiếp tục làm rõ rằng con người cần giải thoát khỏi những trói buộc của dục vọng và vô minh để đạt tới sự tự do tối thượng, còn chúa Jesus lại cho rằng sự tự do thực sự nằm trong việc trở về với Thiên Chúa qua đức tin vào Ngài.

Đức Phật nhấn mạnh vào sự tự lực và quá trình tu tập cá nhân, đạt đến tỉnh thức về chân lý bằng tự thân, trong khi Chúa Jesus lại đặt nền tảng vào ân điển và lòng tin vào sự cứu rỗi của Ngài, cho rằng con người không thể tự mình tìm thấy lối giải thoát

Tầm quan trọng của mối quan hệ với người khác

Trong chương này, cả đức Phật và chúa Jesus đều nói về việc đối xử với người khác và mối quan hệ giữa con người với nhau. Đức Phật nói về lòng từ bi (karuna) và việc hiểu rõ bản chất của khổ đau để giúp đỡ người khác đạt đến sự giải thoát. Đối với đức Phật, việc thực hành lòng từ bi là một phần không thể thiếu trong hành trình đến giác ngộ.

Chúa Jesus cũng nhấn mạnh đến tình yêu thương đối với người khác, nhưng Ngài bao gồm cả việc thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa: "Ngươi phải yêu thương Đức Chúa Trời hết lòng, hết linh hồn, hết trí tuệ, và yêu thương người lân cận như chính mình."

Chương IV: Tình yêu và lòng từ bi

Chương này tập trung vào chủ đề tình yêu và lòng từ bi, chúa Jesus và đức Phật so sánh, đối chiếu cách mà tình yêu và lòng từ bi được thế hiện trong giáo lý của họ.

1. Lòng từ bi của đức Phật

Đức Phật giải thích về lòng từ bi (karunã) trong đạo Phật. Ngài nói rằng lòng từ bi không chỉ là sự đồng cảm với sự đau khổ của người khác mà còn là hành động giúp đỡ để giảm bớt khổ đau cho họ. Lòng từ bi là một phần quan trọng trong con đường Bát Chính Đạo và là yếu tố thiết yếu trong việc đạt đến giác ngộ.

Đức Phật mô tả lòng từ bi như là sự phát triển từ sự hiếu biết về bản chất của khổ đau và một quyết tâm mạnh mẽ để giúp đỡ người khác vượt qua khổ đau đó. Ngài nói rằng từ bi không chỉ dừng lại ở cảm xúc mà còn cần phải được thể hiện qua hành động cụ thể.

2. Tình yêu của Thiên Chúa

Chúa Jesus chia sẻ quan điểm về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đối với nhân loại. Ngài giải thích rằng tình yêu của Thiên Chúa không phụ thuộc vào hành vi hay phẩm hạnh của con người mà là một món quà không điều kiện.

Tình yêu này được thể hiện rõ nhất qua sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá để chuộc tội cho nhân loại. "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu của mình." Đây là một đoạn thể hiện cho tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa dành cho con người, và việc chấp nhận tình yêu đó là con đường dẫn đến sự cứu rỗi.

Tình yêu đối với kẻ thù và tha thứ

Chúa Jesus nói về việc yêu kẻ thù và tha thứ. Ngài giảng dạy rằng: "Hãy yêu kẻ thù của các ngươi và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các ngươi."

Đức Phật cũng nhấn mạnh sự cần thiết của lòng từ bi ngay cả với những người đã làm hại mình, nhưng cách tiếp cận của Ngài chủ yếu tập trung vào việc không để bản thân bị tổn thương bởi sự ác độc của người khác và thực hành lòng từ bi một cách tự giác, cũng như thấu hiểu thông cảm cho người hại mình.

Chương V : Mối quan hệ giữa con người và cái tôi (self)

Chương này tập trung vào cách mà hai nhân vật này nhìn nhận về bản chất của "cái tôi" (hay bản ngã) và cách vượt qua nó.

1. Đức Phật về cái tôi và sự giải thoát

Đức Phật giải thích rằng cái tôi (self) là nguồn gốc của mọi khổ đau và ràng buộc. Ngài cho rằng bản ngã (ego) là nguyên nhân chính của sự bám víu dẫn đến khổ đau. Để đạt được sự giải thoát, một người cần phải từ bỏ bản ngã và hiểu rằng cái tôi là một khái niệm không thực, chỉ là một ảo tưởng.

Đức Phật mô tả quá trình buông bỏ bản ngã thông qua việc thực hành thiền định và trí tuệ, giúp nhận ra sự vô ngã (anatta). Việc nhận thức sự vô ngã và từ bỏ cái tôi là điều kiện cần thiết để đạt đến Niết bàn (nirvana).

2. Chúa Jesus về cái tôi và sự cứu rỗi

Chúa Jesus nhìn nhận cái tôi và sự tự mãn như là những trở ngại trong việc đạt được sự cứu rỗi và mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa. Ngài dạy rằng để theo Ngài, con người cần phải từ bỏ cái tôi ích kỷ và sống theo ý muốn của Thiên Chúa. Việc từ bỏ cái tôi và chấp nhận sự lãnh đạo của Thiên Chúa là con đường dẫn đến sự cứu rỗi.

"Nếu ai muốn theo ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo ta." Việc từ bỏ cái tôi là cần thiết để sống một cuộc đời đầy đủ và có ý nghĩa theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Sự khác biệt trong cách tiếp cận cái tôi

Đức Phật nhấn mạnh rằng cái tôi cần phải được hoàn toàn vượt qua để đạt được giác ngộ. Ngài coi cái tôi như là một ảo tưởng và việc từ bỏ nó là điều quan trọng để giải thoát khỏi khổ đau và luân hồi. Còn chúa Jesus không bác bỏ cái tôi hoàn toàn nhưng chỉ ra rằng cái tôi cần phải được làm cho phục tùng theo ý muốn của Thiên Chúa. Ngài dạy rằng việc từ bỏ cái tôi không phải là xóa bỏ bản thân mà là để bản thân phục vụ và sống theo cách mà Thiên Chua đã định.

Chương VI : Sự cứu rỗi và cứu cánh

Chương 6 tập trung vào chủ đề của sự cứu rỗi, sự cứu cánh, cách mà điều này được hiểu và thực hiện trong hai hệ thống tôn giáo. Chương này làm nổi bật các quan điểm khác nhau về việc giải thoát con người khỏi tội lỗi và khổ đau.

1. Đức Phật về cứu cánh

Đức Phật giải thích rằng trong đạo Phật, không có khái niệm về sự cứu rỗi từ một đấng siêu nhiên. Thay vào đó, sự giải thoát (Đạt tới Niết bàn) được hiểu là kết quả của việc tự giải thoát khỏi vô minh thông qua sự hiểu biết, trí tuệ và thực hành. Quá trình này không phải là một món quà từ một đấng thần thánh mà là kết quả của quá trình tu tập cá nhân và nhận thức. Không có ai khác có thể cứu rỗi một người ngoài chính bản thân người đó thông qua việc thành hành giới luật nghiêm chỉnh. 

2. Chúa Jesus về sự cứu rỗi

Chúa Jesus nói về sự cứu rỗi như là một món quà từ Thiên Chúa, không phải do hoàn toàn công lao của con người mà là do ân điển của Thiên Chúa.

"Ta là con đường, lẽ thật và sự sống. Không ai đến được với Cha, nếu không qua ta." Ngài khẳng định rằng sự cứu rỗi không thể đạt được bằng nỗ lực cá nhân mà là thông qua việc tin vào sự hy sinh của Ngài.

Chương VII : Quyền lực và sự tự do trong cuộc sống con người

1. Đức Phật về quyền lực và tự do

Đức Phật mô tả quyền lực như là một yếu tố có thể dẫn đến khổ đau và sự ràng buộc nếu không được kiểm soát đúng cách. Theo quan điểm của Ngài, quyền lực thường liên quan đến sự tham lam và bám víu, chính những điều này là một trong những nguyên nhân gây ra hệ luỵ khổ đau. 

Ngài giải thích rằng tự do thực sự đến từ việc giải thoát khỏi sự ràng buộc của tham ái và bản ngã. Sự tự do không phải là tự do hành động theo ý muốn mà là tự do từ sự hiểu biết và vượt qua những ràng buộc tinh thần. Đức Phật nhấn mạnh rằng tự do thực sự là sự giải thoát khỏi các ràng buộc nội tâm và đạt đến trạng thái tĩnh lặng tuyệt đối.

2. Chúa Jesus về quyền lực và tự do

Ngài dạy rằng quyền lực thực sự không phải là quyền lực thống trị người khác mà là quyền lực để sống một cuộc đời yêu thương và phục vụ theo ý muốn của Thiên Chúa.

Ngài giải thích rằng tự do đến từ việc sống theo các điều răn của Thiên Chúa và làm theo ý Ngài. Tự do không phải là tự do để làm mọi thứ mà là tự do để sống theo sự dẫn dắt và ân điển của Thiên Chúa.

Chương VIII : Sự thật và ánh sáng.

Chương này khám phá cách mà đức Phật và chúa Jesus giảng dạy về sự thật và ánh sáng trong cuộc sống và giáo lý của họ.

1. Đức Phật về sự thật và ánh sáng

Đức Phật giải thích rằng sự thật trong đạo Phật liên quan đến việc hiểu biết rõ ràng về bản chất của thực tại, đặc biệt là sự hiểu biết về khổ đau, nguyên nhân của nó, cách diệt khổ đau và con đường giải thoát. Ánh sáng trong đạo Phật tượng trưng cho trí tuệ và sự hiểu biết, giúp giải thoát con người khỏi vọng tưởng mê lầm.

Đức Phật nói rằng sự thật không phải là một khái niệm trừu tượng mà là sự hiểu biết thực tiễn về cách mà mọi thứ hoạt động và cách mà chúng ta có thể sống đúng đắn để đạt được sự giác ngộ. Ánh sáng của trí tuệ là tin rõ nhân quả.

2. Chúa Jesus về sự thật và ánh sáng

Chúa Jesus trình bày rằng sự thật là bản chất của Thiên Chúa và mối quan hệ của con người với Ngài. Ngài tự nhận mình là "Con đường, Lẽ thật và Sự sống", khẳng định rằng sự thật đến từ sự hiểu biết và mối quan hệ với Thiên Chúa qua Ngài.

Ánh sáng này không chỉ là ánh sáng vật lý mà là ánh sáng tinh thần và đạo đức, giúp con người hiểu biết, sống theo ý muốn của Thiên Chúa.

Lời kết

Cuốn The Lotus and the Cross: Jesus Talks with Buddha của Ravi Zacharias xây dựng cuộc đối thoại tưởng tượng giữa đức Phật và chúa Jesus để so sánh phần nào giáo lý đôi bên nhưng vẫn khuyến khích sự tôn trọng giữa các tôn giáo.

Cuốn sách này kết thúc bằng một cái nhìn tổng quát về sự khác biệt và tương đồng giữa giáo lý của đức Phật và Chúa Jesus. Cuốn sách không chỉ phân tích sự khác biệt mà còn tìm kiếm sự chung sống hòa bình hay hiểu biết sâu sắc hơn về các hệ thống tôn giáo.

Phạm Tuấn Minh tóm lược

***

Sách nguồn: The Lotus and the Cross: Jesus Talks with Buddha, Ravi Zacharias, NXB Multnomah Publishers, Inc, 2001