Ẩn mình giữa những cánh đồng thanh bình của xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, chùa Cổ Am là nơi lưu giữ dấu ấn văn hóa, lịch sử và tinh thần từ ngàn đời. Với vị trí non nước hữu tình, chùa không chỉ là nơi tu học của chư Tăng và Phật tử, mà còn là điểm tựa tâm linh của người dân địa phương.
Lịch sử và kiến trúc độc đáo
Theo truyền thuyết và các ghi chép dân gian, chùa Cổ Am có từ thời Hậu Lê, trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính. Ngay từ tên gọi "Cổ Am", đã gợi lên hình ảnh một am nhỏ xưa cũ, nơi các vị thiền sư tìm về tu hành giữa thiên nhiên yên bình.
Chuyện kể lại, vào cuối thời Hậu Lê, chùa được nhân dân chuyển xuống chân lèn và đổi tên là Hương Phúc Tự. Tuy nhiên vào đời vua Minh Mạng thứ 11, chùa được chuyển về vị trí cũ với tên gọi Cổ Am tự như ngày nay.
Sau cải cách ruộng đất, chùa Cổ Am bị bỏ lại hoang phế và quanh chùa cũng có 2 sự kiện ghi dấu ấn trong lịch sử. Đó là trận huyết chiến Lê - Mạc của Lai Quận công Phan Công Tính và Mạc tướng Nguyễn Quyện giữa vùng đầm lầy dưới núi Hai Vai. Phút cuối dũng tướng phù Lê nổi tiếng đã bị vây trong vùng tử trận, ngài tả xung hữu đột nhưng không ra nổi, các tướng sĩ đã ngã xuống gần hết.
Nguyễn Quyện biết Phan tướng công là bậc dũng lược liền có lời cảm kích: “Lai huynh xin hãy thuận theo hàng”. Mạc tướng chưa dứt lời, Phan tướng công đã đứng trên thớt voi: “Ruột gan ta đây, hãy moi ra cho các ngươi biết” và ngài tuẫn tiết. Lúc ấy trời quang mây tạnh, quân sĩ hai bên bàng hoàng trước cảnh ấy, trời đất như thấu hiểu đấng can trường, bỗng có tiếng sét nổ vang trời lộng đất. Nhân dân thương tiếc sau lập đền thờ Phan tướng công tại làng Hào Kiệt (quê nhà) cách đó không xa gọi là đền thờ thần Độc Lôi. Tháng 12/1994, chùa Cổ Am được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia.

Trải qua hơn 600 năm với nhiều dấu ấn thăng trầm của lịch sử, chùa bị hư hỏng và xuống cấp. Nhận thấy ý nghĩa và giá trị tâm linh của ngôi chùa, thầy chủ trì cùng bà con phật tử đã trùng tu, khôi phục lại chùa. Năm 2013, ngôi chùa cổ chính thức được trùng tu sau khi UBND tỉnh Nghệ An cho phép phục dựng vào năm 2010. Theo đó, ngôi chùa được quy hoạch xây dựng trên diện tích 14ha, trải qua nhiều giai đoạn với các hạng mục như: Đại hùng bảo điện, nhà tăng, bảo tháp, vườn La – Hán, động Như Ý, động Quán Âm 3 mặt...
Chùa tọa lạc trên thế đất cao ráo, mặt hướng về đồng lúa bát ngát, lưng tựa vào dãy núi thấp. Kiến trúc chùa mang đậm phong cách truyền thống với mái ngói cong vút, các bức tường gạch mộc, hành lang lát gạch Bát Tràng đỏ au. Gian chính điện thờ Phật được bài trí trang nghiêm, với tượng Tam Thế Phật, tượng Bồ tát Quán Thế Âm và nhiều pho tượng cổ quý giá.
Tăng đường chùa nằm phía sau Đại hùng bảo điện với thiết kế 3 tầng chia làm 3 khu rõ rệt. Bảo tháp 5 tầng với tổng diện tích 720m2. Vườn La hán nằm phía hông chính điện với các điểm nhấn: tượng đức Phật Thích Ca bằng phù điêu, khắc trực tiếp lên bề mặt núi đá, xung quanh Phật đài bố trí 18 vị La hán bằng đá xanh. Những bức tượng tại khu vườn càng khiến khung cảnh đầy tĩnh lặng và huyền bí. Cách đó không xa là hang động Như Ý được tôn trí một bảo tượng Quán Âm và một tượng ngài Cấp Cô Độc.
Ngoài khu chính điện, chùa còn có nhà Tổ, lầu chuông và gác trống. Chiếc đại hồng chung được đúc công phu, mỗi tiếng chuông ngân vang như lan tỏa khắp không gian, mang lại cảm giác an yên cho người hành hương.

Hoạt động văn hóa tại chùa Cổ Am
Chùa Cổ Am không chỉ là điểm đến của người dân địa phương mà còn thu hút đông đảo du khách thập phương, nhất là vào các dịp lễ lớn như Đại lễ Vu Lan, lễ Phật đản và ngày rằm, mùng một hàng tháng.
Mỗi sự kiện tại chùa đều được tổ chức trang trọng với các nghi thức truyền thống như lễ cầu an, cầu siêu, tụng kinh, phóng sinh, thắp đèn hoa đăng.
Đặc biệt, vào dịp đầu xuân, chùa là nơi tổ chức lễ hội lớn, quy tụ đông đảo Phật tử và du khách về dâng hương, cầu quốc thái dân an. Đây cũng là dịp người dân vùng Diễn Châu thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn", gắn bó keo sơn giữa đạo và đời.
Không chỉ dừng lại ở các nghi lễ Phật giáo, chùa Cổ Am còn là trung tâm của các hoạt động thiện nguyện và giáo dục phật pháp. Nhà chùa thường xuyên tổ chức khóa tu một ngày an lạc, các lớp học giáo lý cho thanh thiếu niên Phật tử, và các chương trình từ thiện giúp đỡ người nghèo trong vùng.
Với những ai tìm về sự bình yên trong tâm hồn, chùa Cổ Am là chốn dừng chân lý tưởng. Tiếng chuông chùa ngân vang giữa không gian tĩnh lặng, hương trầm lan tỏa khắp sân chùa, những nụ cười hiền hậu của chư tăng và phật tử như làm dịu đi những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật.

Ý nghĩa Phật giáo sâu sắc của chùa Cổ Am
Không chỉ là nơi thờ tự tôn nghiêm, chùa Cổ Am còn là biểu tượng sống động của tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa hợp trong giáo lý nhà Phật.
Mỗi pho tượng, mỗi nén hương, mỗi hồi chuông ngân đều mang thông điệp nhắc nhở mọi người sống chính niệm, nuôi dưỡng tâm thiện lành và hướng về sự an lạc nội tâm. Từ tên chùa cho đến từng câu chữ lời răn của đức Phật đều được ghi bằng tiếng Việt và được đặt ở những vị trí trang nghiêm nhất. Chiêm ngưỡng những nét chữ chân phương nhưng lại rất thanh nhã, ta mới thấy được rằng thầy trụ trì đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu tâm tình để thập phương có thể một phần nào đó ngộ ra ý nghĩa thông qua câu chữ mang đậm hồn cốt quê hương.
Chùa Cổ Am là nơi gieo trồng hạt giống hướng thiện trong lòng đại chúng, giúp mọi người tìm lại sự cân bằng giữa bộn bề cuộc sống.
Thông qua các buổi tụng kinh, pháp thoại và khóa tu, Phật tử và khách thập phương được học hỏi giáo lý nhà Phật, thấu hiểu sâu sắc hơn về nhân quả, vô thường và con đường chuyển hóa khổ đau thành an lạc. Điều này giúp mỗi người biết sống yêu thương hơn, bao dung hơn với bản thân và người khác.
Không gian thanh tịnh và tấm lòng từ bi của chư tăng nơi đây còn giúp khơi gợi trong cộng đồng tinh thần sẻ chia, phụng sự. Những hoạt động thiện nguyện, phóng sinh, hay giúp đỡ người nghèo tại địa phương không chỉ là việc thiện đơn thuần, mà còn là sự lan tỏa tâm nguyện Bồ tát đạo: lấy niềm vui của người làm niềm vui của mình, lấy nỗi khổ của người làm sự trăn trở để chuyển hóa.
Chùa Cổ Am vì thế còn là nơi vun bồi đạo đức xã hội, nơi mọi người được thắp sáng niềm tin vào những giá trị bền vững của chân - thiện - mỹ. Khi bước chân vào chùa, ai nấy như gột rửa những ưu phiền, để tâm hồn nhẹ nhàng hơn, tươi mới hơn, từ đó lan tỏa bình an trong từng hành động của đời sống thường nhật.
Một số hình ảnh tại chùa Cổ Am, ảnh sưu tầm:







Tổng hợp: Bình An
Tham khảo: Facebook chùa Cổ Am ; https://baophapluat.vn/
Bình luận (0)