1. Lịch sử chùa Ngọc Hoàng
Chùa Ngọc Hoàng tiền thân là Điện Ngọc Hoàng, tọa lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Chùa Ngọc Hoàng được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX (1892 – 1900), do một người tên Lưu Minh với pháp danh là Lưu Đạo Nguyên người Quảng Đông, Trung Quốc xây dựng. Ban đầu vốn là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, được Lưu Minh sử dụng vừa là nơi thờ phụng, vừa làm nơi họp kín để lên kế hoạch lật đổ nhà Mãn Thanh.
Năm 1982, hòa thượng Thích Vĩnh Khương tiếp quản ngôi điện và chính thức thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; 2 năm sau, Điện Ngọc Hoàng được đổi tên thành Phước Hải Tự nhưng người dân quen gọi là Chùa Ngọc Hoàng.
2. Kiến trúc chùa Ngọc Hoàng
Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa cổ, thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc đền chùa Trung Hoa với mô típ trang trí rực rỡ. Chùa xây gạch, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu. Trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật: tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án... bằng các chất liệu: gỗ, gốm, giấy bồi. Khuôn viên chùa rộng khoảng 2.300 m2. Phía trước cổng chùa có ngôi miếu nhỏ đặt tượng Hộ pháp. Cổng tam quan nổi bật với những đường nét uốn lượn hình sóng nước của hai con rồng theo tư thế "tranh châu".
Chùa Ngọc Hoàng được chia làm 3 gian, mỗi gian mang một lối kiến trúc độc đáo đậm nét cổ xưa và thờ những vị Phật, thần khác nhau.
Gian giữa: Là không gian lớn nhất bao gồm tiền điện, trung điện và chính điện.
Tiền điện: bên trái thờ thần Thổ Địa, bên phải là thần Môn Quan.
Trung điện: thờ Phật Dược Sư, bên cạnh là tượng Phật Chuẩn Đề, hai bên là tượng của Thanh Long Đại Tướng và Phục Hổ Đại Tướng. Ngoài ra còn có tượng Tam Thế Phật, chư vị Bồ tát,...
Chính điện là nơi đặt tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế có thiên binh thiên tướng đứng hầu. Bên trái là Huyền Thiên Bắc Đế, bên phải thờ Phật Chuẩn Đề.
Gian bên trái: Gian này bao gồm 3 điện thờ.
Điện thứ nhất thờ nhị vị Song Án, Mã tướng quân, Thành Hoàng Lỗ Ban, Thái Tuế.
Điện thứ hai thờ Thập Điện Diêm Vương bao gồm 10 bức chạm gỗ tái hiện rõ nét 10 cửa địa ngục, mỗi bên đặt 5 bức.
Điện thứ ba thờ tượng Ông Tơ Bà Nguyệt, Kim Hoa Thánh Mẫu cùng 12 bà mụ coi sóc việc sinh nở và 13 đức thầy.
Gian bên phải: không gian này bao gồm nhà nghỉ và điện thờ Phật Bà cùng bài vị của những người quá vãng. Bên trong điện thờ Phật bà có cầu thang gỗ dẫn lên hướng điện Quán Âm Bồ tát.
3. Nổi tiếng là ngôi chùa linh thiêng tại Thành phố Hồ Chí Minh
Nhờ sự giao thoa giữa việc thờ Phật và thờ các vị thần của Đạo giáo nên chùa Ngọc Hoàng không chỉ là nơi các phật tử tới cầu bình an mà còn là nơi khách thập phương ghé tới trước là chiêm bái Phật, Thánh sau là bày tỏ, nương tựa đức tin tín ngưỡng với việc cầu tự, cầu tình duyên.
Nơi đây có thờ bà Kim Hoa Thánh Mẫu cùng 12 bà mụ coi sóc việc sinh nở, vì vậy theo tín ngưỡng dân gian các cặp vợ chồng mới cưới hay cưới lâu năm nhưng hiếm muộn con cái sẽ nương nhờ, cầu khấn lên Kim Hoa Thánh Mẫu cùng 12 bà mụ với mong muốn sớm có con.
Cách cầu con cũng rất đơn giản, tương truyền rằng sẽ khấn trước Kim Hoa Thánh Mẫu cùng 12 bà mụ. Nếu cầu con trai thì treo vòng chỉ vào tượng bên phải, còn con gái thì treo vào tượng bên trái. Sau đó, sẽ xoa bụng ba cái, và xoa bụng bức tượng trẻ dưới chân bà mụ ba cái, sau đó lại tự xoa bụng thêm ba cái là hoàn tất.
Theo tín ngưỡng dân gian, chùa Ngọc Hoàng là nơi cầu duyên, gia đạo, đến chùa và muốn cầu duyên, tín đồ đến chùa thắp hương, khấn tên mình và tâm niệm trong tâm, sau đó sờ vào tượng ông Tơ bà Nguyệt chùa Ngọc Hoàng để xin viên mãn. Tương truyền, lúc này Thánh Mẫu sẽ thỏa ước nguyện, để ông Tơ, bà Nguyệt kết duyên tơ hồng cho bạn và nửa kia được viên mãn.
Ngoài ra, để cầu sức khỏe tại chùa Ngọc Hoàng du khách tập phương sẽ đến ban thờ Hoa Đà Tiên sư để thực hiện nghi lễ.
Tổng hợp: Thanh Hằng
Bình luận (0)