Chùa Hoằng Phúc đã có lịch sử hơn 700 năm, là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung, Việt Nam. Tương truyền năm 1301 (Tân Sửu), Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm và cầu phúc đức cho dân, lúc đó chùa gọi là am Tri Kiến.
Tác giả: Đặng Việt Thuỷ
Đường Hoàng Hoa Thám, P.Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội
Chùa Hoằng Phúc có tên cổ là chùa Kính Thiên. Chùa tọa lạc ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lê Thủy, tỉnh Quảng Bình. Chùa ở phía hữu ngạn sông Kiến Giang trên một vùng đất cao rộng gần 10.000 mét vuông, cách trung tâm huyện Lệ Thủy 4 km về phía Nam. Đây là ngôi chùa lớn ở phủ Tân Bình - địa danh cũ đời Lê của tỉnh Quảng Bình ngày nay. Chùa đã có lịch sử hơn 700 năm, là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung, Việt Nam. Tương truyền năm 1301 (Tân Sửu), Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm và cầu phúc đức cho dân, lúc đó chùa gọi là am Tri Kiến. Ngôi chùa còn có tên gọi dân gian thân thiết là chùa Quan, chùa Trạm.
Sách Ô Châu cận lục (ghi chép thiết yếu về châu Ô) của Dương Văn An (1514 - 1591) soạn năm 1553, sửa chữa và ấn hành năm 1555, một trong những cuốn địa chí sớm nhất của nước ta có ghi: "Chùa ở gần trạm Bình Giang, huyện Lệ Thủy, nước biếc uốn quanh, non xanh chầu về. Hẳn nhiên là một ngôi chùa u tịch, một cõi thần tiên vậy. Nhà cửa, thôn xóm chẳng xa nhưng tuyệt nhiên không nghe tiếng gà gáy, chó sủa. Thật là một ngôi chùa lớn ở Tân Bình vậy. Chùa có đại hồng chung nặng ngàn cân, có Tăng quan (vị sư được nhà vua phong cho một chức để trông coi trong Tăng giới) và người quét dọn bốn mùa phụng thờ. Nay hoa rụng, chim kêu, chỉ còn trơ lại nền mà thôi".
Năm Kỷ Dậu (1609), tức năm thứ 52 sau khi vào trấn thủ Thuận Hóa, Đoan quốc công Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên) cho xây dựng lại chùa trên nền am cũ, đặt tên là chùa Kính Thiên. Năm Bính Thân (1716) chúa Nguyễn Phúc Chu (Quôc Chúa) đã cấp tiền tu sửa, ban một biển đề tên chùa, một bức đại tự đề "Vô song phúc địa" (Đất phúc khôn sánh), lại ngự đề 5 bộ câu chữ Hán treo ở chùa, trong đó có 3 câu đối sau:
"Huyền bảo kinh ư đương không, sâm la vạn tượng,
Xán tâm đăng ư tính địa, diệu chứng vô vi".
Nghĩa là:
Nhà không khoáng treo gương quý, muôn tượng giăng bày,
Chỗ tính linh rạng đèn lòng vô vi màu nhiệm.
"Đại đạo hoằng nhân, địa bố hoàng kim, liên hoa pháp giới,
Hằng sa hiện tướng, tọa liên bích ngọc, thủy nguyệt thiền tâm".
Nghĩa là:
Đạo rộng lớn mở người, cõi pháp hoa sen vàng khắp đất.
Cát hằng hà hiện tướng, lòng thiền trăng nước ngọc liền tòa.
"Đài tâm lý chi hương, kim lô bảo triện tường vân hợp,
Thức huyền trung chi diệu, bối diệp linh văn pháp vũ quân".
Diệu huyền hiểu được, văn thiêng lá bối, mưa ngọt tưới đều.
Việc ban biển đề tên chùa và các câu đối của chúa Nguyễn Phúc Chu cho chùa Hoằng Phúc với hàm ý súc tích ca ngợi sự huyền diệu của giáo lý Phật giáo, lòng bác ái, từ bi và những thiền tích của Cổ Phật trong giác ngộ thiện tâm con người cũng như sự soi chiếu tương quan chứng ngộ pháp vô vi nhiệm màu giữa Đời và Đạo.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa bị hư hỏng, năm Tân Tỵ (1821) trong chuyến ngự giá Bắc tuần, vua Minh Mạng (1820 - 1840) đã ghé thăm chùa và đổi tên chùa là "Hoằng Phúc tự". Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), nhà vua lấy 100 lạng bạc kho ban cho để sửa chữa lại, năm Minh Mạng thứ 7 (1826) lại ban cho 150 lạng bạc để sửa chữa thêm. Năm Kỷ Hợi (1839) niên hiệu Minh Mạng thứ 20, nhân dân đã quyên góp đúc lại Đại hồng chung năm xưa đã bị thất lạc và đề tên "Hoằng Phúc linh chung".
Đến đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) nhà vua ngự giá Bắc tuần, có lên thăm chùa Hoằng Phúc, ban cho 300 quan tiền để tu bổ chùa. Vua dụ rằng: "Chùa này do liệt thánh đời trước dựng lên, nét chữ của tiên thánh còn chói lọi lưu mãi tại ngôi chùa. Trong năm Minh Mạng thưởng cấp bạc lạng, đặt cho tên hay, thực là một thắng tích về cảnh Phật. Nay qua đất này, truy nghĩ đến việc đời trước, cấp cho tiền 300 quan". Cảm khái về lịch sử hình thành của chùa, vua Thiệu Trị đã làm thơ để ghi thắng tích, bài thơ được khắc bằng đồng treo trên vách trong chùa.
Phật nhật thêm ngời, đạo vua ngày càng thêm thịnh.
Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) gặp tiết vạn thọ tứ tuần đại khánh (mừng thọ 40 tuổi của vua), chùa được thưởng 300 quan tiền.
Chùa Hoằng Phúc không những là nơi thờ đức Phật, hoằng dương phật pháp mà còn gắn liền với những sự kiện lịch sử của địa phương và đất nước. Chùa hiện còn lưu giữ được những hiện vật cổ xưa như như tượng Phật Bà Quán Thế Âm Bồ tát từ thời nhà Trần, chuông đồng nặng 80kg, cao 1,15m, đường kính 0,57m, chu vi 1,45m được đúc từ thời vua Minh Mạng, Địa Tạng Vương Bồ Tát, lư hương, tòa sen, bình hoa... Chùa còn lưu giữ được bức hoành phi nổi tiếng của chúa Nguyên đã ban tặng với dòng chữ "Vô song phúc địa"...
Chùa Hoằng Phúc là di sản của một trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo của Đại Việt được cộng đồng dân cư mang theo trong quá trình di dân mở cõi phương Nam, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Đại Việt khi đến vùng đất mới, để an cư lạc nghiệp, cố kết cộng đồng, vừa có sức hút của hội nhập lại vừa có sức lan tỏa. Đây là ngôi cổ tự linh thiêng, danh tiếng của Quảng Bình, của miền Trung và của Việt Nam. Ngày 9/12/ 2015, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định xếp hạng chùa Hoằng Phúc là Di tích cấp quốc gia.
Tác giả: Đặng Việt Thuỷ
Đường Hoàng Hoa Thám, P.Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội
Khuông Việt Đại sư nằm mộng thấy một vị thần mặc áo giáp vàng nói: "Ta là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, Thiên đế có chỉ lệnh sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với người, nên đến đây báo cho ngươi biết".
Ngôi chùa Manbulsa tọa lạc tại Vạn Phật sơn, 46, Gogi-ri, Bugan-myeon, Tp.Yeong Cheon (Vĩnh Xuyên), tỉnh GyeongSangBuk-Do, Hàn Quốc. Ngôi Già lam này bắt đầu khởi sự xây dựng vào năm 1981, do Hòa thượng Haksung sáng lập và Phương trượng trụ trì.
Vân Trụ Cổ Tự hiện có 80 tòa kiến trúc và 80 pho tượng Phật còn sót lại từ 1.000 pho tượng Phật và 1.000 tòa kiến trúc. Mỗi bức tôn tượng Phật lại có hình dáng, kích cỡ khác nhau...
Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc tọa lạc ở thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Chùa có địa thế cao ráo, xung quanh rợp bóng cây xanh tốt, tạo không khí bình yên, thanh tịnh nhưng cũng rất trang nghiêm.
Chùa Đại Tuệ tọa lạc trên đỉnh động Thăng Thiên của dãy núi Đại Huệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là một trong những ngôi chùa cổ nổi bật với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và không gian tĩnh lặng.
Chùa Phố Cũ đã trở thành nơi giao thoa giữa giá trị truyền thống và hơi thở hiện đại. Chùa Phố Cũ ngày nay không chỉ là nơi lưu giữ giá trị lịch sử, mà còn là chốn an yên, giúp lan tỏa hương từ bi giữa lòng phố thị.
Hiện nay, chùa Báo Quốc còn lưu giữ nhiều di sản Phật giáo quý giá như Kinh sách Hán Nôm cổ, phản ánh lịch sử Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ. Đây là nguồn tư liệu quý báu, đóng góp cho việc nghiên cứu văn hóa và Phật giáo.
Ẩn mình trên một ngọn đồi cao 3000 mét, nằm cạnh thác Voi hùng vĩ tại Thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt có một ngôi cổ tự mang nét kiến trúc độc đáo và là một điểm đến tâm linh nổi tiếng Việt Nam.
Bình luận (0)