Trang chủ Bài viết nổi bật Chùa Vạn Phước ở Cát Tiên, Lâm Đồng

Chùa Vạn Phước ở Cát Tiên, Lâm Đồng

Chùa Vạn Phước như một minh chứng cho nếp sống muôn đời của dân tộc. Nét văn hóa ấy cần được giữ gìn và phát huy hơn nữa để những giá trị và vai trò của ngôi chùa luôn được lan tỏa và là giá trị thiết thực cho đời sống văn hóa người dân.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Chùa Vạn Phước có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng như một minh chứng cho nếp sống muôn đời của dân tộc. Nét văn hóa ấy cần được giữ gìn và phát huy hơn nữa để những giá trị và vai trò của ngôi chùa luôn được lan tỏa và là giá trị thiết thực cho đời sống văn hóa tín ngưỡng tinh thần của người dân, trước hết là ở khu vực Cát Tiên, Lâm Đồng.

Tác giả: Thích Nữ Quảng Hiền
Lớp Thạc sĩ Phật học khóa V Học viện PGVN tại Tp.HCM

DẪN NHẬP

“In rõ rệt chân trời quá khứ
Chùa không thôi tình tự thuở xa xăm
Tuổi thơ tôi là cả một đêm rằm
Trăng tỏ rạng sáng chầu quang đức Phật.”[1]

Với người dân nước Việt Nam, ngôi chùa là một khoảng lặng của tâm hồn, là nơi để trở về nguồn cội, là cả một bầu trời tuổi thơ, một thế giới bình an vô tư lự. Chùa vừa uy nghiêm, tịch mịch nhưng lại thân quen đến lạ.

Mái chùa Việt Nam đã trở thành biểu tượng quen thuộc, là điểm tựa tinh thần, là ngôi nhà tâm linh của người dân Việt Nam. Từ bao giờ chùa có một vị trí quan trọng trong đời sống của người dân. Bất kỳ lễ hội gì trong nhà tổ chức, việc đầu tiên là đi đến chùa hỏi ý kiến chư tăng ni, sau đó mới sắp xếp bố trí công việc thích ứng.

Chùa Vạn Phước ở huyện Cát Tiên cũng vậy. Chùa gắn bó với biết bao cuộc xoay vần của một kiếp người từ lễ đầy tháng, thôi nôi, đến lễ trưởng thành, lễ hằng thuận, lễ mừng thọ, lễ cầu an, cầu siêu,… tất tật đều đến chùa. Chùa Vạn Phước trở thành một thành phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa người dân Cát Tiên.

Người con Cát Tiên đi làm ăn xa đến mấy, khi trở về quê hương, điều đầu tiên họ nghĩ cần phải đến đó là chùa Vạn Phước. Dù người dân và chùa còn gặp nhiều khó khăn nhưng mối liên hệ giữa con người và chùa vẫn luôn chan chứa và gắn bó keo sơn thấm tình đạo vị – dân tộc. Chùa Vạn Phước chính là trung tâm văn hóa lễ hội của người dân Cát Tiên.

CHƯƠNG I. PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ VĂN HÓA DÂN TỘC

1.1. Sơ lược về Phật giáo Việt Nam

Phật giáo du nhập trực tiếp vào Việt Nam từ Ấn Độ[2]. Do tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên Buddha được gọi là Bụt[3]. Hoa đem cúng Bụt gọi là hoa dâng Bụt. Trung tâm ghi dấu ấn sớm nhất là trung tâm Phật giáo Luy Lâu, có sớm hơn so với trung tâm Lạc Dương và Bành Thành thuộc Trung Quốc xưa.

Nguyễn Lang đã nhận xét: “Đạo Phật thấm vào văn minh Giao Châu tự nhiên, dễ dàng như nước thấm vào lòng đất.”[4] Phật giáo Việt Nam thời kỳ du nhập được tác phẩm Lý Hoặc Luận của Mâu Tử vẽ lên một bức tranh tổng thể và chi tiết.

Đến thế kỷ thứ III, Phật giáo phát triển với thiền học do Khương Tăng Hội khởi nguyên. Thế kỷ V Phật giáo Việt Nam chỉ lưu tên 2 vị thiền sư là Huệ Thắng và Đạt-ma-đề-bà. Thế kỷ VI có hai vị là Quán Duyên và Pháp Hiền, cũng trong thế kỷ này thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi ra đời. Thế kỷ thứ VII và VIII tuy chế độ cai trị hà khắc nhưng cao tăng xuất hiện rất nhiều. Điều này thể hiện sự phát triển và thâm nhập của Phật giáo vào Việt Nam ngày càng lan rộng và lớn mạnh.

Thế kỷ IX có thiền phái Vô Ngôn Thông từ Trung Hoa truyền vào. Thiền phái Thảo Đường vào thế kỷ XI cũng phát triển. Như vậy Phật giáo từ khi du nhập đến khi nước nhà được tự chủ đã thâm nhập và phát triển với nhiều hình thức tu tập đa dạng. Từ cuối thời kỳ Bắc thuộc, Phật giáo đã lan rộng khắp mọi miền của xứ An Nam đô hộ phủ[5]. Các nhà sư và tín đồ đã tham gia vào cuộc vận động giải phóng dân tộc, đứng vào trong hàng ngũ nhân dân chống áp bức, giành lại nền độc lập cho dân tộc.

Năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng định giai cấp cho tăng sĩ và ban chức tăng thống cho Ngô Chân Lưu của thiền phái Vô Ngôn Thông hiệu là Khuông Việt thái sư. Thiền sư Pháp Thuận và Vạn Hạnh được Lê Đại Hành mời làm cố vấn chính sự. Thế kỷ XIII, thiền Lâm Tế được truyền vào Đại Việt.

Phật giáo thời nhà Lý kết sức phát triển. Đa phần các thiền sư thời Lý đều tham gia chính sự. Bản thân Lý Công Uẩn được dạy và đào tạo ở chùa Lục Tổ[6] từ khi còn nhỏ.

Phật giáo thời Lý được dân tộc hóa phong tục hóa, trở thành Phật giáo dân gian, nhiều ngồi chùa được xây dựng, tư tưởng giáo lý tác động mạnh mẽ đến chuẩn mực đạo đức và nét văn hóa con người, Phật giáo thấm nhuần trong đời sống người dân thời Lý. An Nam tứ khí là bốn kiến trúc đồ sộ và có tiếng thời bấy giờ gồm tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, đỉnh Phổ Minh và tượng Quỳnh Lâm.

Phật giáo thời Trần đạt đến cực thịnh, đặc biệt là sự xuất hiện của thiền phái Trúc Lâm, là thiền phái của dân tộc Việt Nam. Nhiều vị vua đã khước từ vương vị để xuất gia tu học. Phật giáo thời Trần là Phật giáo nhập thế, tu sĩ tham gia vào công việc chính trị, Phật giáo trở thành yếu tố tâm lý liên kết toàn dân trong mục đích xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Cuối thế kỷ XIV trở đi Phật giáo dần suy vi, đạo Phật rút lui về căn cứ cũ, ẩn tu trên núi và thôn quê, nhưng vẫn giữ được vị trí trong nét văn hóa dân tộc.

Phật giáo thời Lê Mạc lâm vào cảnh suy đồi, nhưng đứng về phương diện tín ngưỡng dân gian đạo Phật trong thời đại ấy vẫn tiếp tục phát triển. Giữa thế kỷ XVII, Phật giáo Trúc Lâm dần được phục hưng. Chúa Trịnh, chúa Nguyễn quy hướng đạo Phật, thiền phái Lâm Tế lại được truyền vào nước ta, đàng ngoài thì do thiền sư Chuyết Chuyết và Minh Hành, đàng trong có Nguyên Thiều và Minh Hoàn.

Thiền Tào Động cũng được thiền sư Thủy Nguyệt, Hưng Liên truyền vào Việt Nam. Đặc biệt Phật giáo đàng trong rất phát triển, bởi trong thâm ý của chúa Nguyễn đạo Phật có thể làm nơi nương tựa tinh thần cho quá trình lập quốc của dòng họ Nguyễn.

Phật giáo dưới triều Nguyễn TK XIX vẫn được đề cao và ủng hộ dù chịu một số chính sách hà khắc của vua như cấm đúc chuông, làm tượng. Chùa Thiên Mụ được xây dựng là biểu tượng linh thiêng của triều đình Nguyễn nói riêng và nhân dân nói chung. Phật giáo phát triển mạnh trong dân gian, bởi “phép vua thua lệ làng”, chùa Dâu, chùa Bút Tháp được khôi phục.

Thời kỳ Pháp thuộc Phật giáo bị đàn áp nặng nề. Tăng, ni, phật tử tham gia vào chính trị, có khuynh hướng nhập thế. Chùa là nơi hội họp của các nhà yêu nước, các nhà sư tổ chức hoạt động cách mạng. Các phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX diễn ra sôi nổi, 1930 Phật giáo Nam tông tái du nhập vào Viêt Nam. 1944 Phật giáo Khất sĩ ra đời.

Năm 1963 Phật giáo bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp. 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập và hoạt động cho đến ngày nay. GHPGVN phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết các tôn giáo, cùng nhân dân bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước. Phật giáo thâm nhập vào tâm hồn, nếp nghĩ, lối sống của dân tộc và trở thành bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Như vậy, Phật giáo du nhập, tồn tại và phát triển ở Việt Nam gần hai nghìn năm. Tuy có lúc thăng trầm, thịnh suy theo thời thế nhưng Phật giáo đã ăn sâu, bén rễ trong đời sống tinh thần người Việt. “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Chùa và Bụt là thành phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, gần gũi và thiêng liêng. Phật giáo đã dân gian hóa, hòa nhập vào đời sống tâm linh người Việt và chuyển hóa theo tín ngưỡng dân gian bản địa.

Phật trở thành vị thần cứu nhân độ thế, đây là sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng dân gian Việt Nam đối với Phật giáo. Ngược lại tín ngưỡng dân gian Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng và tác động to lớn của Phật giáo như Phật Mẫu Man Nương, tứ pháp, Quan Âm Thị Kính.

1.2. Vị trí của ngôi chùa qua các thời kỳ lịch sử Phật giáo

Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, Hoa Lư là các trung tâm văn hóa Phật giáo lớn. Phật giáo từ khi du nhập đã góp phần làm cho vùng đất Giao Châu thêm đa dạng văn hóa và những nét phong tục tốt đẹp, như đi lễ chùa, làm thiện duyên, lễ hội chùa Dâu, thờ Tứ pháp. Bốn ngôi chùa thờ tứ pháp: chùa Dâu thờ tượng Pháp Vân, chùa Đậu thờ Pháp Vũ, chùa Tướng thờ Pháp Lôi, chùa Dàn thờ Pháp Điện.[7]

Phật giáo Luy Lâu gắn liền với tín ngưỡng dân gian, được dân gian hóa, phong tục hóa. Là thế giới quan thể hiện lòng mong ước của người dân trồng lúa nước. Người dân Việt quan niệm Phật Pháp Vân là Phật Việt Nam nên bảo vệ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược.

Dưới triều nhà Lý, Phật Pháp Vân được rước lên Thái Nguyên, theo quân ta chiến đấu giành thắng lợi vẻ vang. Phật Pháp Vân không chỉ tham gia chống ngoại xâm mà còn giúp bà con nhân dân được mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.[8] Đời Lý Nhân Tông, vua hai lần sai rước Phật Pháp Vân về kinh đô ở chùa Báo Thiên và chùa Khâu Sơn để vua đích thân làm lễ cầu mưa thuận gió hòa. Đời Lý Thần Tông, trong nước đại hạn, Phật Pháp Vân cũng được rước về Thăng Long để hoàng thái hậu đích thân cầu đảo.

Chùa Báo Thiên ở Thăng Long thời Lý trở thành nơi làm lễ cầu mưa khi hạn hán và cầu tạnh khi có mưa dầm, mỗi lần làm lễ như vậy người ta thường rước tượng Pháp Vân ở chùa Dâu về.[9] Ở đây ta thấy có sự gắn bó giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, điều này cho thấy tính quần chúng rộng rãi của tín ngưỡng tứ pháp, một tín ngưỡng bản địa đậm màu sắc dân tộc. Chùa cũng là nơi cưu mang những thân phận khổ cực như nàng Man Nương.[10]

Nơi nào có chùa thờ Phật, có tăng thì ma quỷ phải rời đi, thú dữ phải kiêng dè. Chùa Tiên Châu Sơn có nhiều hổ, khi ngài Đạo Thiền đến thì nạn hổ không còn.[11] Chùa không những là nơi nương tựa tâm linh cho người dân mà còn mang ý nghĩa dựng nước, giữ nước. Lý Nam Đế dựng chùa Khai Quốc tức chùa Trấn Quốc ở Hà Nội ngày nay.[12] Chùa Bà Ngô ở Hoa Lư được xây dựng thời Đinh là một danh lam của nước Đại Cồ Việt.

Phật giáo gắn liền với sùng bái các nữ thần nông nghiệp. Từ buổi đầu du nhập, Phật giáo đã kết hợp chặt chẽ với tín ngưỡng dân gian. Khi Phật giáo có tầm ảnh hưởng, nó vẫn giữ phương thức cũ là hòa hợp với các tín ngưỡng.

Với tinh thần sùng Phật giáo, thời Lý chùa gắn liền với lễ hội đã trở thành một nét văn hóa nổi bật. Do việc xây chùa tháp ở khắp nơi, luôn có những lễ hội để khánh thành, có những hội lớn do nhà vua tổ chức. Chùa Diên Hựu là một kiến trúc độc đáo được xây dựng vào năm 1049.

Năm 1118 mở hội thỉnh Phật để khánh thành chùa Thắng Nghiêm, Thánh Thọ. Năm 1119 mở hội khánh thành chùa Tịnh Lự, 1121 mở hội khánh thành chùa Báo Thiên, 1122 mở hội khánh thành bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh, 1123 mở hội khánh thành chùa Phụng Từ và chùa Quảng Giáo, 1127 mở hội khánh thành chùa Trùng Hưng Diên Thọ.[13]

“Đến khi làm lễ khánh thành, sai phục thường chỉnh đốn kiệu xe khiến phong bá quét sạch bụi bẩn. Khói trầm đàm như mây tỏa khắp sơn khê, bóng cờ phướn như ráng phố đầy các ngả, chuông trống vang ầm, khánh tiêu inh ỏi, … .”[14]

Dựng chùa có hội, tạc tượng đúc chuông cũng có hội. Chùa là nơi tổ chức các lễ hội, những ngày lễ Phật trong năm, như lễ tắm Phật, ngày Phật đản, lễ vu lan, lễ an cư kiết hạ. Nhà chùa thời Lý không những là nơi của các nhà sư tu hành, dân chúng cúng Phật, mà còn là trung tâm sinh hoạt lễ hội văn hóa và trường học. Có những chùa lớn là trường dạy tăng sĩ, nhưng cũng có nhiều chùa cho con em nhân dân tới học chữ.

Nhà Trần ý thức được rõ ràng vai trò của Phật giáo đối với xã hội. Ngay trong bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam, Trần Thái Tông đã viết: “Cái phương tiện để mở lòng mê mụi, con đường tắt để rõ lẽ tử sinh ấy là đạo giáo của đức Phật.”[15] 1304 Trần Nhân Tông đã đi khắp các chốn thôn quê, trừ bỏ các dâm từ, dạy dân thực hành thập thiện. Ông muốn đưa thập thiện của Phật giáo làm nền tảng cho đạo đức xã hội.[16]

Chùa Vĩnh Nghiêm trở thành trụ sở trung ương của giáo hội Trúc Lâm. 1316 Pháp Loa lập viện Quỳnh Lâm, mỗi lần dựng chùa tô tượng vua và quý tộc quan liêu quyên cúng rất nhiều tài sản, mở các hội giảng kinh và ấn loát các tài liệu Phật giáo, in ấn kinh tạng, trích máu in kinh. Tháp Huệ Quang thời Trần ở Yên Tử, tháp Phổ Minh thời Trần ở Hà Nam Ninh, chùa Keo thế kỷ thứ XVII ở Thái Bình, tượng gỗ Quan Âm nghìn mắt nghìn tay của chùa Bút Tháp ở Hà Bắc.

Phật giáo thời nhà Nguyễn tuy bị nhiều sắc lệnh ngăn cấm nhưng vẫn phát triển trong dân gian, gần cuối triều Nguyễn các vương công, vua chúa xây dựng chùa trong gia thất để được gần Phật hơn, sớm tối có thể tụng kinh gõ mõ. Dưới thời Gia Long, vua cho đặt đàn chay lớn ở chùa Thiên Mụ. Thái trưởng công chúa Ngọc Tú thường xin làm chay tiếu để truy tiến tiên đế. Nhiều người lấy cảnh chùa làm nơi thăm viếng thả lòng hòa nhập với thiên nhiên, chùa là nơi để âm hồn siêu thoát, nên người không phải đạo Phật cũng thể hiện thiện cảm với chùa.

Ngoài dân gian, việc thay đổi triều đại không làm thay đổi tín ngưỡng của họ, những quy định khắt khe của triều đình nhà Nguyễn về các ban hành xây chùa chỉ có giá trị tạm thời và trong phạm vi nhỏ hẹp, phép vua thua lệ làng, người dân vẫn hướng về Phật Tổ, vẫn hành hương và lễ bái, tất cả là những nhu cầu tâm linh không thể thiếu trong họ.

Cứ đến ngày sóc vọng, bất kể trong Nam hay ngoài Bắc, suôi hay ngược, người dân đều lũ lượt rủ nhau đến chùa, khi đi phấn chấn hồ hởi, đến nơi thì thành kính lễ bái bày tỏ những khổ đau và sự thỉnh cầu của mình, khi về thì hớn hở mãn nguyện. Các chu trình như thế cứ kế tiếp mãi trong suốt cuộc đời, nhờ như vậy mà họ có thêm sức hăng hái lao vào cuộc sống và sẵn sàng vượt qua khó khăn gian khổ.

Với lòng tin, người dân coi việc đóng góp như một nghĩa vụ tự nguyện, chùa thì có trách nhiệm ghi công cho họ lên chuông, tấm bia, sắm hương hoa và cầu siêu khi họ chết. Chùa hỏng thì lại được xây, chưa có chùa thì lập chùa. Chùa chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong lòng người dân.

Dưới triều Nguyễn chùa chiền phát triển thành một hệ thống gồm đủ loại, lớn đi liền với nhỏ, mới đi liền với cũ, chùa nhà đi liền với chùa làng và chùa nước. Chùa chiền vẫn là nơi diễn ra các cuộc hội hè, nơi kế thừa và đổi mới những trò chơi và phong tục tập quán chốn thôn giã, chùa chính là môi trường đã ấp ủ biết bao tài nghệ và sự khéo léo của bàn tay khối óc con người. Biết bao nghệ nhân đã trưởng thành trong đó, ngũ giới chính là những điều răn dạy về đạo đức làm người.

Dưới triều Nguyễn hệ thống chùa tháp được trùng tu, như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Keo, chùa Tây Phương, chùa Thiên Mụ được trùng tu nhiều lần.[17] Chùa có sự ảnh hưởng lớn đến nền văn học thời Nguyễn. Chùa là nơi có thể thỏa mãn nhu cầu thẫm mĩ của con người, đặc biệt là về kiến trúc chùa. Người ta đến chùa để chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn, để tìm nguồn cảm hứng các đề tài sáng tác.

Chùa là nơi tịch tịnh vắng lặng tách biệt với sự huyên náo của thế gian, điều này có lợi cho việc thư thả tâm hồn và thể hiện cho cảm xúc tự thân. Đến chùa để tìm lại thế cân bằng nơi cuộc sống, lấy thảnh thơi để bù lại cái cơ cực. Như Nguyễn Du viết trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh:

“Ai ơi lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát ở trong luân hồi.”

Trong thời kì Pháp thuộc, vị trí của ngôi chùa lúc này đã có nhiều thay đổi. Một mặt chùa vẫn là trung tâm tín ngưỡng và hoạt động tinh thần ở các làng quê, là nơi tụ họp và trình diễn các tài năng, nơi cứu độ và an ủi những người hoạn nạn. Mặt khác chùa còn là nơi ẩn náu đợi thời cơ, nơi hội họp của những nhà yêu nước, là nơi cất dấu các tài liệu bí mật chuẩn bị cho các cuộc kháng chiến nổi dậy. Chùa làm hai chức năng, tín ngưỡng và cơ sở hoạt động chính trị. Như chùa Châu Quang ở Sơn Tây, chùa Núi Cấm, chùa Tam Đảo.[18]

Các chùa làng trở thành tụ điểm văn hóa, là nơi dân chúng ngoài việc hành lễ, còn có thể đến để học hỏi kinh nghiệm canh tác, được nhà sư chữa bệnh, dạy học chữ, thậm chí còn là nơi gửi gắm tâm sự riêng tư.

Từ năm 1981 đến nay, với sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo đã hình thành một hệ thống chùa chiền thống nhất, tiếp tục là thành phần của khối đoàn kết toàn dân, “Đạo pháp và Dân tộc” trở thành khẩu hiệu quan trọng cho mục tiêu phát triển. Chùa vẫn giữ được vị trí trung tâm văn hóa của đất nước, chùa là điểm tựa tâm linh, là nơi quy ngưỡng và trở về chốn an bình sau những ngày xa quê. Chùa cũng là nơi trở về nguồn cội, nơi lưu giữ di hài người mất, an ủi những mảnh đời đang chịu khổ cả về thân và tâm.

1.3. Văn hóa dân tộc

Ngày 21/01/1988, trong diễn văn của Tổng giám đốc Unesco, ông Mayor đã nói: Văn hóa là tổng thể sống động của các hoạt động sáng tạo của con người đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại. Qua hàng thế kỷ các hoạt động sáng tạo ấy đã cấu thành một hệ thống các giá trị, truyền thống, thị hiếu thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình.

“Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác của con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.”[19]

Như vậy, văn hóa là những gì diễn ra trong hoạt động đời sống của con người mà những hoạt động ấy đem lại giá trị hữu ích cho đời sống tâm linh và vật chất của họ. Văn hóa được hình thành và chắt lọc qua thời gian và tạo nên nét tinh hoa văn hóa của mỗi dân tộc.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Vai tro ngoi chua Van Phuoc tinh Lam Dong 3

CHƯƠNG II. TỔNG QUAN VỀ NGÔI CHÙA VẠN PHƯỚC

2.1. Quá trình hình thành và phát triển

Cố thượng tọa Thích Minh Hạnh sau một thời gian hành đạo tại chùa Khánh Hỷ ở thị trấn Madagui, đã được dân chúng hiến cúng rất nhiều mảnh đất với ước nguyện mỗi làng quê đều có một ngôi chùa để tiện cho nhân dân sinh hoạt đời sống tâm linh. Thể theo nguyện vọng ấy, thầy Thích Minh Hạnh đã đi đến nhiều nơi trong thị trấn cũng như các vùng lân cận để hành đạo, dựng chùa, độ tăng ni, lập các đàn tràng phật tử.

Năm 1995, sau một lần đi về vùng quê nghèo ở huyện Cát Tiên để làm lễ cúng cầu siêu cho gia đình ông Nguyễn Văn Hai. Qua quá trình tiếp xúc và trao đổi, thầy biết tâm tư và nguyện vọng của người dân huyện Cát Tiên về việc mong có một ngôi chùa để có thể lễ Phật mà không phải đi xa xôi như hiện tại.

Bởi tình hình khi ấy, cả huyện Cát Tiên không có một ngôi chùa, tịnh thất hay am tranh nào. Hình ảnh tu sĩ thì càng xa lạ với họ. Người phật tử thuận thành muốn chiêm bái Phật thì phải ra tận chùa Khánh Hỷ ở Madagui, cách trung tâm Cát Tiên 68km. Trong khi đạo Thiên Chúa đã có một nhà thờ khang trang cho các con chiên đến làm lễ và học đạo[20].

Tâm nguyện kiến thiết chùa, xây dựng ngôi Tam bảo luôn trong tâm trí của thầy Minh Hạnh. Dù Cát Tiên khi đó rất hoang vu, là tận cùng của tỉnh Lâm Đồng và cũng là vùng có tình trạng dân cư phức tạp, đa vùng miền, đa dân tộc và đa tín ngưỡng quy tụ về làm kinh tế mới. Nhưng Thầy vẫn hoan hỷ theo thể nguyện vọng của người phật tử, về đây mua mảnh đất nhỏ và xây dựng một ngôi tịnh thất để làm ngôi nhà tâm linh cho người dân tu hành[21].

Sau khi thấy được hạnh nguyện lớn lao của thầy, người dân bắt đầu đồn về một vì thầy luôn hy sinh để cứu khổ độ sinh, một vị thầy giỏi về cúng tế ma chay cho người chết, khiến cho họ được siêu thoát và giúp cho trong nhà luôn hòa thuận, bình an, làm ăn thịnh vượng,…

Từ nhu cầu thực tế và bản thân người dân thì đang mong cầu một nơi nương tựa, cùng với tịnh thất khi ấy đã có một nhóm các phật tử tín thành tại huyện Cát Tiên, phật tử khắp nơi đặc biệt là phật tử địa phương đã cùng với các nhà thiện nguyện xa gần, người công kẻ của, người bao gạo, kẻ cây cột, người mái tranh, kẻ chút tịnh tài cứ thế góp nhặt lại,… cúng dường và xây dựng nên ngôi chùa Vạn Phước khang trang và bề thế trên diện tích đất rộng khoảng 8ha.

Lễ đặt đá xây chùa Vạn Phước được diễn ra vào ngày 17-3 Kỷ Mão (nhằm ngày 26/04/1999). Chùa được cho khởi công xây dựng trên địa hình cực kỳ khó khăn, lởm chởm, mặt bằng trước đây khi chưa xây dựng chùa chỉ là bãi đất hoang, cỏ dại mọc um tùm, vùng đất trũng và thường xuyên bị lũ lụt, máy móc và các trang thiết bị hiện đại rất hạn chế để xây dựng chùa. Dưới sự góp sức của nhân dân Cát Tiên, một khu đất bằng phẳng hiện ra ngự trên một mô đất cao nhân tạo, từ đây diện mạo ngôi chùa dần được hình thành.

Sau hơn hai năm xây dựng trong tinh thần nỗ lực và cống hiến của đại đa số người dân địa phương, đến ngày 2-11 năm Tân Tỵ (tức nhằm ngày 16/12/2001) lễ khánh thành chùa Vạn Phước được tổ chức trong khung cảnh long trọng, dưới sự hồ hởi và hân hoan của toàn thể nhân dân Cát Tiên[22]. Khi ấy tất cả ban ngành chính quyền địa phương ở các xã, các huyện lân cận và có cả đại diện các ban ngành ở tỉnh Lâm Đồng cũng về tham dự, chúc mừng, chia vui với nhân dân vùng núi xa xôi và còn nhiều thiếu thốn của tỉnh.

Đây là ngôi chùa đầu tiên xuất hiện tại huyện Cát Tiên và chiếm được rất nhiều thiện cảm, sự ủng hộ, sự tôn kính của người dân.

Chùa Vạn Phước thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Từ trung tâm thị trấn Cát Tiên đến chùa Vạn Phước khoảng 2 km. Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, chùa không chỉ có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng đến người dân như vốn dĩ giá trị của các ngôi chùa từ thời du nhập đến nay trong nét văn hóa dân tộc Việt Nam mà chùa Vạn Phước còn có một ví trí hết sức quan trọng là không một ngôi chùa nào có thể thay thế được trong lòng nhân dân Cát Tiên.

Chính vì thế chúng ta không lạ khi tên chùa Vạn Phước thì ít được gọi, nhưng tên chùa Cát Tiên lại là tên quen thuộc của bao thế hệ. Chùa Cát Tiên là chùa của huyện Cát Tiên. Chùa hiện nay vẫn là một điểm đến tâm linh đông nhất ở huyện nhà. Dù rằng qua thời gian có nhiều ngôi chùa khác được xây dựng khang trang và đẹp hơn ở các xã, nhưng chùa vẫn giữ vị trí “độc tôn” và là chùa tổ, là cội nguồn của người dân.

Trong thân tâm mỗi người, không ai bảo ai, muốn đi đâu về đâu phải đến chùa Vạn Phước thắp nén hương, chiêm bái, đảnh lễ, thăm viếng chư tăng là việc đầu tiên họ cần phải làm.

2.2. Các đời vị sư trụ trì

2.2.1. Tổ sơ khai Thích Minh Hạnh

Buổi ban sơ khi chùa Vạn Phước mới còn là tịnh thất nhỏ và chưa có biển hiệu chùa thì cố thượng tọa Thích Minh Hạnh đã nỗ lực khất thực thập phương để mong xây dựng nên một ngôi tự viên đúng theo quy định pháp luật nhà nước, ngõ hầu sau này có thể đáp ứng được nhiều hoạt động sinh hoạt tôn giáo cũng như chính thức hóa mọi thủ tục giấy tờ liên quan.

Cố thượng tọa Thích Minh Hạnh nguyên là trụ trì tổ đình Khánh Hỷ, đồng xây dựng và kiến thiết 13 ngôi chùa, 5 ngôi tịnh thất trong khu vực Madagui, huyện Đạ Tẻ, huyện Cát Tiên và huyện Bảo Lâm. Thầy là một vị cao tăng chuyên tu trì miên mật ở những nơi thâm sơn cùng cốc.[23]

Nhưng một cơ duyên thù thắng, khi thầy nghe được lòng khao khát và ước vọng của rất nhiều phật tử mong có những ngôi chùa gần nhà để có thể sớm hôm lên chùa kinh kệ mà thầy đã từ bỏ nơi tịnh thất u huyền và trở về nơi bụi trần, bắt đầu hành trình xây chùa, dựng tượng và thỉnh Tăng để nhân dân được thừa hưởng công đức. Hơn ai hết, thầy là người biết rõ vai trò và vị trí quan trọng của ngôi chùa đối với đời sống văn hóa của người dân.

Từ thời du nhập, đến phát triển trải qua biết bao thăng trầm, thịnh suy của thời cuộc nhưng ngôi chùa vẫn uy nghiêm và sừng sững, vẫn thể hiện được bản lĩnh của một mái nhà tâm linh vững chắc, đảm bảo an toàn và là điểm đáng tin cậy nhất để nương tựa trong lòng người dân Việt Nam.

Cũng như bao ngôi chùa thầy khai sơn khác, khi chùa có đầy đủ tính pháp lý và có cơ sở thờ tự vững chắc, kiên cố thì thầy lại bàn giao cho tăng, ni có tài đức tiếp quản. Thầy lại lên đường khai hóa vùng đất mới để xây chùa cho người dân.

2.2.2. Thượng tọa Thích Như Trấn

Năm 2003, Đại đức Thích Như Trấn được thầy Thích Minh Hạnh thỉnh về chùa Cát Tiên và bàn giao lại để thầy chông nom và dẫn dắt đạo tràng. Sau khi tiếp nhận nhiệm vụ, thầy Như Trấn bắt đầu tổ chức các khóa tu bát quan trai, truyền thọ ngũ giới, tam quy và mở các lớp học để dạy giáo lý Phật Đà song song với các khóa học anh ngữ, toán học,… cho các con em phật tử.

Thầy cũng lập các nhóm phật tử ở các khu vực thôn, xã khác nhau để dễ dàng truyền đạo và giúp những người dân nghèo, gặp khó khăn về vốn và phương thức sản xuất trong quá trình làm kinh tế.

Từ đó đến nay, thầy luôn làm mới các hoạt động và luôn khiến cho ngôi tổ đình Vạn Phước được phát triển khang trang, thịnh vượng. Thầy đã xây cất lại chính điện cổ kính với những cây cột gỗ quý mà nhân dân hùn phước đóng góp, các cơ sở hạ tầng phụ được thầy xây cất quy mô và khuôn khổ, từ đây tạo nên một hệ thống các công trình kiến trúc uy nghiêm, bài bản và có bố cục nề nếp.

Từ một ngôi chùa nhỏ, nay được thầy xây dựng đồ sộ và mang thêm nét trầm tịnh của trốn thiền môn, điều này tạo nên nét đẹp độc đáo thu hút rất nhiều khách thập phương về chiêm bái. Chùa Vạn Phước những năm gần đây có thêm một vị trí nữa là ngôi chùa du lịch tâm linh cho nhiều du khách ở nơi phố phường tấp nập có tư tưởng tìm về vùng quê để hưởng không khí trong lành, tối đến được nghe tiếng chuông chùa trầm bổng nơi heo hút đại ngàn và lắng chìm trong hơi thở của muốn thú râm rang trên từng tấc cỏ.

Kể từ khi về tiếp nhận ngôi chùa Vạn Phước, thầy đã noi theo hạnh nguyện của cố Thượng tọa Thích Minh Hạnh xây dựng thêm các ngôi chùa trên các vùng thôn quê để bà con, nhất là những cụ già có nơi đến lễ Phật mà không phải đi xa xôi hay phải làm phiền con cháu mỗi khi muốn đến cửa chùa kinh kệ.

Bốn ngôi chùa được thầy tổ chức và vận động xây dựng trên bốn xã thuộc huyện Cát Tiên[24] bao gồm: chùa Tiên Hoàng tại thôn 5, xã Tiên Hoàng. Chùa Gia Viễn tại thôn Gia Trung, xã Gia Viễn. Chùa Đức Phổ tại thôn Mỹ Lâm, xã Đức Phổ. Và chùa Nam Ninh tại xã Nam Ninh. Mỗi ngôi chùa không có tên gọi mang tính Phật học mà lại mang chính tên của các xã ở các làng quê để gần gũi với người dân địa phương.

Thầy tiếp nhận độ tăng ni rất đông và tạo điều kiện cho chúng đệ tử đi học tập trên các trường Phật học thuộc tỉnh và thành phố. Thầy mong chúng đệ tử sẽ kế nghiệp thầy và cố Thượng tọa Thích Minh Hạnh để các ngôi chùa tiếp tục được xây dựng trên các vùng sâu xa, hẻo lánh.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Vai tro ngoi chua Van Phuoc tinh Lam Dong 4

CHƯƠNG III. VAI TRÒ CỦA NGÔI CHÙA VẠN PHƯỚC

3.1. Đối với người phật tử

Chùa Vạn Phước là cơ sở thờ tự của đạo Phật ở huyện Cát Tiên. Ngay từ khi mới xây dựng, chùa Vạn Phước đã có nhóm phật tử phụng sự và phật tử học pháp. Nhóm hoạt động rất năng động và lan tỏa đạo pháp trong các thôn xã tinh thần học Phật và các hoạt động nghi lễ tâm linh. Mỗi thôn đều có các nhóm phật tử liên kết với nhau để tạo nên thâm tình trong làng xóm.

Trong mỗi nhóm phật tử ấy luôn có vị trưởng nhóm rất giỏi cả pháp học và pháp hành thay mặt tăng ni chỉ dạy cho các thành viên trong nhóm, sách tấn, thông báo các Phật sự và các pháp thiện để cùng nhau thực hành góp nhặt công đức. Mỗi khi có vấn đề khúc mắc thì các vị nhóm trưởng này đều đến thưa sư trụ trì chùa để giải tỏa hoài nghi và tăng trưởng trí tuệ. Mỗi tháng các nhóm phật tử ở các thôn tụ họp và giao lưu với nhau.

Một năm một lần toàn thể phật tử các nhóm trong xã cùng tụ họp tại chùa Vạn Phước vào ngày 12 tháng 12 (vía đức Bổn Sư thành đạo) để cùng nhau nhìn lại sự phát triển và những vấn đề cần khắc phục cho năm tới càng gắn bó và ngày càng lan tỏa phật pháp trong dân gian. Trong các buổi họp này có thêm việc chia sẻ khó khăn với các thành viên trong nhóm. Phật tử đều tùy tâm đóng góp ít nhiều cho hội để từ đây làm kinh phí giúp các gia đình phật tử khó khăn, ổn định cuộc sống để có thời gian đi chùa học Phật.

Chính vì vậy, phật tử quy hội rất đông tại chùa trong những ngày sóc vọng, ngày lễ kỷ niệm của chùa, những ngày lễ vía chư Phật và Bồ-tát. Những ngày lễ truyền thống của chùa như một lịch hẹn cố định cho tất cả chúng đệ tử tại gia tụ họp để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm quá khứ, thăm hỏi tình hình đồng đạo và sách tấn khích lệ nhau tinh tấn tu tập.

Trong những ngày lễ này, các con em của gia đình phật tử được gặp gỡ nhau và làm quen với nhau trong tinh thần pháp lữ. Từ đây tạo sự gắn kết, truyền đăng, kế thừa và tiếp nối truyền thống của phật tử huyện Cát Tiên.

Các lớp dạy học cho các em trong gia đình phật tử như lớp oanh vũ, lớp thiếu nữ hay lớp đào tạo các huynh trưởng … được diễn ra sôi động. Chùa không những tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh cho con em của các gia đình phật tử mà còn là nơi giúp các em trao đổi kiến thức, học Phật, sống có đạo đức nhân phẩm và biết hiếu thảo với cha mẹ ông bà.

Chùa thường xuyên tổ chức các buổi truyền giới, thọ trì bát quan trai để cho quý phật tử xa gần về tu học. Các phật tử có tuổi càng hăng say và tinh tấn lên chùa để mong sức khỏe, sống thảnh thơi với con cháu. Ngoài ra, chùa còn kết hợp tổ chức các khóa tu khác nhau, thuyết giảng Phật pháp cho phật tử, góp phần xây dựng xã hội an vui và thịnh đạt, giúp mọi người có lối sống tích cực hơn.

Chùa không những là điểm tựa tinh thần cho người phật tử mà còn kết hợp với các buổi tu học để phát quà cho phật tử vào các ngày lễ tết, vu lan, Phật đản. Vật chất tuy đơn sơ nhưng phần nào chia sẻ được những khó khăn với phật tử ham tu ham học.

Các thành viên trong gia đình phật tử có hữu sự như bệnh tật, qua đời … đều được chư tăng ni quan tâm thăm hỏi và trợ duyên bằng các buổi tụng kinh cầu an, cầu siêu trang nghiêm và ấm áp.

Chùa Vạn Phước trở thành ngôi nhà tổ tâm linh của người phật tử. Họ đi đâu về đâu, dù làm ăn ở nơi xa xôi như thế nào nhưng đều có nguyện vọng được trở về quê, quy y với Tam bảo nơi đây. Không những thế họ còn hướng dẫn con cháu họ cũng về chùa để quy y dù đã nhập khẩu ở một nơi xa khác.

Như vậy, mái chùa luôn là điểm an bình trở về cho mọi người phật tử, là nơi để người dân học hỏi và trao đổi giáo lý Phật Đà để từ đó có chất liệu sống, khiến cuộc sống này an vui, lành mạnh, ý nghĩa. Chùa Vạn Phước không những kế thừa và phát huy được giá trị vốn có của một ngôi chùa nói chung mà còn là một ngôi chùa chuẩn mực hướng người phật tử đi đúng đạo lộ, xóa tan mọi niềm tin mù quáng sai lạc về một đạo Phật yếm thế, bi quan vốn ngự trị trên vùng núi xa xôi và còn nhiều lạc hậu.

3.2. Đối với người dân Cát Tiên

Dân gian có câu “của chùa”. Điều này có nghĩa rằng chùa là chung, không của riêng ai. Vậy nên chùa xây dựng không phải chỉ riêng cho người phật tử mà chùa là cho thập phương bá tính, chùa là nơi bao dung và chứa đựng mọi nỗi khổ niềm đau của con người, là nơi nuôi dưỡng tâm linh, là môi trường giáo dục đạo đức, hun đúc phẩm hạnh thanh cao và giá trị cho con người. Ngôi chùa hiện giữ một vị trí đáng kể trong đời sống tín ngưỡng dân gian của người dân nơi đây.

Với vị trí là một ngôi chùa đầu tiên của Cát Tiên, vì vậy nó có vai trò rất quan trọng đối với người dân của huyện. Dù không là phật tử nhưng người dân vẫn thường xuyên lui tới cửa chùa thắp nhang lễ Phật, cầu nguyện. Đi ngang về dọc họ hễ thấy chùa là ghé thăm. Vì nơi đây cho họ sự bình an và gửi gắm ước nguyện mong cầu. Đặc biệt chùa là nơi người dân gửi các hương linh thân nhân quá vãng, nên cứ ngày húy kỵ hay ngày lễ của gia đình họ đều ra chùa thắp nhang và khấn vái mời thân nhân quá vãng về nhà dự lễ.

Đặc biệt chùa thường hay tổ chức các khóa tu trong dịp nghỉ hè, khóa tu một ngày chủ nhật … cho các em thanh thiếu niên. Các em luôn hằng hái và thích thú khi được tham gia các khóa tu với những sinh hoạt ngoại khóa đặc sắc và vui nhộn nhưng ẩn trong đó là giáo lý Phật giáo và đạo đức sống, cách ứng xử … để thành người mẫu mực. Vai trò giáo dục thanh thiếu niên của ngôi chùa ảnh hưởng mạnh đối với quần chúng nhân dân.

Giới trẻ nếu được hướng dẫn cách sống và cách giải quyết những khó khăn trong cuộc sống thì chúng sẽ hạn chế khổ đau khi phải gặp những nghịch cảnh trong hiện tại và tương lai, biết vạch ra được mục đích sống và làm việc giúp ích cho chính bản thân, gia đình và xã hội.

Giới trẻ sẽ có cách nhìn đúng đắn và tích cực về đạo Phật, sống lành mạnh. Bên cạnh đó chùa thường tổ chức các lễ hội trung thu cho các em nhỏ diễn văn nghệ, ngày vu lan cho các em dâng hoa hồng đến cha mẹ và nói lên tình cảm của mình với các bậc sinh thành.

Hàng năm chùa thường cử hành lễ cầu an giải hạn, cầu siêu cho các gia đình vào ngày đầu năm. Vì thế người dân nao nức lên chùa để trước là xin lộc, lễ chùa sau nữa là ghi tên gia đình để cầu an lành, may mắn và xem sao giải hạn, ghi cầu siêu cho người thân đã mất. Điều này theo quan điểm của Phật giáo thì không có, nhưng việc cầu an cầu siêu như một hình thức làm an tâm cho người dân nên các ngôi chùa làm theo. Lễ chùa đầu năm trở thành nét tín ngưỡng văn hóa dân gian của người dân Việt.

Ngoài ra, trong quá trình sinh hoạt tại chùa, mọi người có cơ hội gặp gỡ, kết bạn, tìm hiểu, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đạo Phật giúp con người thấu hiểu, cảm thông để từ đó có thể quan tâm, chia sẻ, tương hỗ lẫn nhau trong cuộc sống. Hơn thế nữa, chùa còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa khác như phát từ thiện cho những bạn học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ những người già neo đơn, người tàn tật, mở lớp mầm non, lớp học toán và ngoại ngữ … đây chính là nơi đã đào tạo ra nhiều nhân tài, hiếu học và giúp ích cho đời.

Chùa thường xuyên là trung tâm văn hóa lễ hội, các hoạt động mang tính tâm linh đều diễn ra tại chùa. Mọi người dân dù ở xa cũng tranh thủ về quê và tham gia vào các hoạt động văn hóa tâm linh. Những gia đình hữu sự không phải là phật tử quy y đạo Phật khi đến chùa thỉnh cầu giúp đỡ cũng được chư tăng ni nhiệt tình hỗ trợ. Chùa không chỉ là nơi cho họ đến thăm viếng, lễ Phật mà còn là nơi cho người dân tìm đến để chia sẻ những niềm vui nỗi buồn, những khó khăn hay thành đạt trong cuộc sống.

Các cặp tình nhân đến chùa để mong cho duyên phận dài lâu, hai người đến với nhau được thuận duyên và hạnh phúc bên nhau trọn đời. Họ dẫn nhau đến chùa để xin thầy xem có hợp số hợp tuổi, xem ngày lành tháng tốt làm lễ đón dâu. Khi trong nhà có ma chay, người dân cũng đến chùa thỉnh thầy coi ngày làm đám, thỉnh thầy về nhà làm lễ tụng kinh và tiễn đưa người đã khuất.

Khi có đủ điều kiện để làm nhà mới, họ cũng tìm đến nhà chùa để xin thầy xem năm nay có hợp tuổi làm nhà hay không, nếu được thì ngày nào bỏ móng, đặt nóc nhà đẹp nhất, … khi hoàn tất lại ra thỉnh thầy xem ngày khánh thành và thỉnh thầy về làm lễ cầu an.

Bất luận họ là người đã quy y hay chưa tất tật các công việc liên quan đến một đời người thì dân làng đều lên chùa xin ý kiến của chư tăng ni. Hoạt động ấy như một thói quen và là nét văn hóa của người dân từ bao đời. Dù biết xem có khi đúng sai nhưng họ vẫn tin tưởng tìm đến chùa.

KẾT LUẬN

Như vậy chùa nói chung và chùa Vạn Phước nói riêng luôn giữ một vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Chùa là ngôi nhà tâm linh, nơi linh thiêng bất khả phạm, là nơi hun đúc những người đức hạnh tài ba, nơi gieo mầm từ bi và trí tuệ, nơi cưu mang bao mảnh đời cơ nhỡ, nơi chất chứa bao tuổi thơ và kỷ niệm, nơi chan hòa tình người, nơi khơi nguồn cảm xúc, nơi giữ được hồn quê và là nơi nương tựa để trở về cho bao kiếp số khác nhau của một con người. Thật đúng với câu nói:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.”

Trong nét sinh hoạt văn hóa, ngôi chùa Vạn Phước như một minh chứng cho nếp sống muôn đời của dân tộc. Nét văn hóa ấy cần được giữ gìn và phát huy hơn nữa để những giá trị và vai trò của ngôi chùa luôn được lan tỏa và là giá trị thiết thực cho đời sống văn hóa người dân.

Có thể nói, ngôi chùa như hồn quê dân tộc mà ai trong chúng ta dù là thuộc bất kỳ một tôn giáo nào khi nghĩ về chùa đều cảm nhận được sự thanh bình, an nhiên, ấm áp, gần gũi và thân quen đến lạ kỳ. Cửa chùa từ bi là vậy, trí tuệ luôn đi đầu thế nhưng đâu đó trong ấy lại là tín ngưỡng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Vẫn là coi bói, giải săm, giải sao, cầu an, cầu siêu, bạt độ, cứu khổ và ước nguyện nhưng tinh thần và tư tưởng con người được khai phóng lên tầm cao mới mà không hề mang hơi hướng của tà kiến mê tín dị đoan. Bởi tất cả chỉ là phương tiện để gây dựng niềm tin, làm động lực để phấn đấu và an tâm trong sinh hoạt mà không hề ảnh hưởng đến kinh tế, tinh thần và phẩm chất của người dân.

Tác giả: Thích Nữ Quảng Hiền
Lớp Thạc sĩ Phật học khóa V Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Vai tro ngoi chua Van Phuoc tinh Lam Dong 1 Tap chi Nghien cuu Phat hoc Vai tro ngoi chua Van Phuoc tinh Lam Dong 2

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường