Câu chuyện khi cha mẹ không nhất quán trong dạy con

Dạy con là một nghệ thuật đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực giữa cha mẹ. Khi cha nghiêm, mẹ nhu, như đôi cánh chim cân bằng, trẻ mới có thể bay cao bay xa trong bầu trời nhân cách. Nếu một bên quá cứng, một bên lại quá mềm, đứa trẻ sẽ chông chênh như chiếc thuyền lạc hướng giữa sóng đời.

Từ bài học đời thường, hãy chiêm nghiệm thêm ánh sáng minh triết từ lời Phật dạy.

Cạnh nhà tôi có đôi vợ chồng trẻ mới dọn về sống chưa lâu, tính tình hiền hậu, chan hòa với xóm giềng. Song trong cách dạy con trai 6 tuổi của họ, tôi nhận thấy sự bất đồng đáng tiếc. Người cha giữ lối giáo dưỡng nghiêm khắc, kỷ luật, lễ nghi đều đặt vào khuôn phép rõ ràng. Ngược lại, người mẹ lại quá nuông chiều con bất chấp những yêu cầu vô lý. Hễ con đòi điện thoại, người mẹ liền đáp ứng ngay bất kể thời gian, không cần biết con đã học xong hay chưa.

Trong một lần, người cha bất chợt thấy con đang mải mê điện thoại trong khi cô giáo cũng vừa nhắn tin thông báo con học kém, không chú ý nghe giảng. Quá tức giận, anh đánh con để răn đe. Người mẹ từ bếp lao ra, khóc lóc trách chồng "vũ phu", rồi hai vợ chồng cãi vã, to tiếng chì vì không đồng nhất trong việc rèn con giờ nào việc nấy. Nếu hàng xóm không kịp can ngăn, sự việc có thể đã vượt quá giới hạn, từ bé xé ra to.

Câu chuyện ấy như hồi chuông cảnh tỉnh rằng: khi cha mẹ thiếu đồng nhất trong việc dạy dỗ, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, trẻ sẽ bị kéo vào vòng xoáy của những thông điệp trái ngược không biết phải làm như thế nào mới đúng đắn.

Trong Kinh Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya) IV.255 có dạy về 5 bổn phận của cha mẹ đối với con cái, trong đó có việc “ngăn con làm điều ác, khuyến khích làm điều thiện”. Điện thoại, nếu sử dụng hợp lý, có thể là công cụ học tập hữu ích. Nhưng khi cha mẹ buông lỏng quản lý, để trẻ dùng điện thoại vô tội vạ, thì chẳng khác nào người làm vườn để cỏ dại lan tràn, cướp mất dinh dưỡng của cây trồng.

Với trẻ nhỏ, thói quen sử dụng điện thoại bừa bãi chính là một nhân gieo từ sự buông thả của cha mẹ.

Từ đó gây nên hậu quả tiếp tục trong tương lai khi trẻ quen dán mắt vào điện thoại, trò chơi điện tử sẽ chiếm dụng thời gian dành cho học tập và rèn luyện tư duy.

Khi nền tảng học vấn bị lung lay, việc học kém là quả báo trước mắt, về lâu dài cánh cửa của tri thức, của cơ hội trong cuộc đời trẻ sẽ dần khép lại. Trẻ mải mê vào trò chơi giải trí mà quên mất bổn phận học tập, xao nhãng những việc khác, chẳng khác nào người lữ hành say ngủ bên đường, dễ bị những cám dỗ dẫn dắt vào lối lầm khó khắc phục. 

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).

Sự thiếu nhất quán trong giáo dục là mảnh đất gieo mầm bất an trong tâm con trẻ

Không chỉ riêng gia đình như câu chuyện đã nêu, rất nhiều bậc phụ huynh ngày nay cũng vướng phải vòng xoáy tương tự. Có nhà, người cha nghiêm khắc dạy bảo, trong khi người mẹ lại dễ dãi bao dung quá mức; có nhà thì ngược lại, người mẹ giữ kỷ luật nghiêm ngặt, nhưng người cha lại xuề xòa, dễ dãi. Tệ hơn nữa, có những gia đình cha mẹ đã cố gắng giữ kỷ cương, nhưng ông bà vì thương cháu mà âm thầm phá vỡ nguyên tắc, nuông chiều quá đà, khiến mọi nỗ lực của cha mẹ trở thành công cốc.

Kinh Thiện Sinh (Siṅgālovāda Sutta) viết rằng: "Cha mẹ là phương Đông của con cái."

Phương Đông là nơi mặt trời mọc, là nguồn sáng đầu tiên soi rọi cuộc đời trẻ thơ. Nếu ánh sáng ấy bị mây mù che lấp, trẻ sẽ hoang mang không biết đâu là hướng đi đúng đắn. Một người cha nghiêm khắc mà thiếu sự phối hợp nhịp nhàng với người mẹ, thì chẳng khác nào người cầm đèn nhưng không châm lửa thì ngọn đèn ấy sao có thể soi tỏ cho trẻ bước đi?

Sự bất đồng trong cách dạy dỗ làm trẻ dễ dao động, mất phương hướng, khó hình thành niềm tin vững chắc vào định hướng từ gia đình. Từ đó, trẻ hoặc phát sinh tâm phản kháng, chống đối, hoặc rơi vào trạng thái thụ động, ỷ lại. Đây là biểu hiện rõ ràng của tâm "phóng dật".

Trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), kệ 27 cảnh tỉnh: "Người phóng dật, buông thả theo dục lạc, trí tuệ không thể phát sinh, càng ngày càng xa rời chân lý." (theo bản dịch của HT.Thích Minh Châu)

Một tâm hồn thiếu kỷ cương như chiếc thuyền không lái, dễ bị cuốn trôi bởi những cơn sóng tham dục. Khi những thói quen xấu hình thành từ thuở bé, hậu quả sẽ theo trẻ như cái bóng suốt chặng đường dài của cuộc đời.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).

Đồng lòng dạy con là chiếc chìa khóa vàng mở cánh cửa thành tựu

Trong nghệ thuật giáo dục con cái, sự nhất quán không có nghĩa là khắc nghiệt, mà là sự thống nhất nhịp nhàng, hài hòa giữa nghiêm khắc và ôn nhu, giữa tình thương và kỷ luật. Ông bà ta từng dạy: “Dạy con từ thuở còn thơ” bởi trẻ nhỏ giống như cây non, cần được chăm sóc, uốn nắn từ khi còn mềm dẻo.

Trong Kinh Tương Ưng Bộ (Saṃyutta Nikāya), chương Nhân Duyên có lấy nhiều ví dụ về hình ảnh hạt giống để giải thích về nhân quả và duyên khởi trong các bài giảng của đức Phật, theo đó, hạt giống tốt gieo vào đất phì nhiêu, gặp mưa thuận gió hòa thì hạt giống ấy sẽ nảy mầm, tăng trưởng, phát triển và đạt tới thành tựu viên mãn.

Gia đình chính là mảnh đất ấy, cha mẹ là người vun trồng. Nếu một người cần mẫn tưới nước mà người kia lại để mặc đất khô cằn, hoặc tệ hơn là nhổ bật cây non lên, thì làm sao mong cây có thể đâm chồi, trổ lá và kết hoa?

Sự đồng thuận của cha mẹ không chỉ giúp trẻ có nền tảng nhân cách vững vàng, mà còn là cách gieo vào tâm thức trẻ những hạt giống an lành của tình yêu thương, sự kính trọng và tinh thần kỷ luật. Chính từ đây, trẻ sẽ lớn lên với hiểu biết rằng: yêu thương không đồng nghĩa với nuông chiều, mà yêu thương chân thật phải là sự dẫn dắt đúng hướng.

Đây cũng chính là tinh thần Trung đạo mà đức Phật đã chỉ dạy, con đường vượt thoát hai cực đoan: khổ hạnh ép xác và buông thả hưởng dục. Trung đạo là sự quân bình để tâm hồn được an định, trí tuệ được khai mở, từ đó đưa con người đến giải thoát. Trong giáo dục gia đình cũng vậy: không quá nghiêm khắc để trẻ bị áp lực nặng nề, nhưng cũng không buông lỏng để trẻ sa vào cám dỗ.

Hơn thế nữa, khi cha mẹ hòa thuận, cùng nhìn về một hướng trong việc dạy con, thì chính sự hòa hợp ấy trở thành tấm gương sống động nhất để trẻ noi theo. Trẻ sẽ học được không chỉ bài học về tri thức, mà còn học cách sống thuận thảo, biết ứng xử hài hòa với mọi người xung quanh, từ đó trưởng thành vững vàng trong gia đình và xã hội.

Lời kết: Hành trình nuôi dạy con là sự đồng hành bền bỉ của cha mẹ

Giữa muôn vàn cám dỗ của thời đại số, khi những thiết bị điện tử ngày càng len lỏi vào từng góc nhỏ của cuộc sống, sự đồng tâm hiệp lực của cha mẹ chính là món quà quý giá nhất mà con trẻ có thể nhận được.

Trong Kinh Pháp Cú, kệ 81 có dạy:

"Như tảng đá kiên cố,
Gió nào cũng không lay,
Cũng vậy, người trí tuệ,
Khen chê chẳng động tâm".

Cha mẹ khi đồng thuận với nhau về tư tưởng từ việc nuôi dạy con cái cho tới những chuyện khác, như tảng đá vững vàng trước gió bão, sẽ là chỗ dựa vững chắc giúp con trẻ an tâm học hỏi, vượt qua những cám dỗ nhất thời để xây dựng một tương lai sáng rõ. Khi cha mẹ cùng chung chí hướng, con trẻ không chỉ lĩnh hội tri thức, mà còn hấp thụ những bài học sâu sắc về đạo đức làm người, những bài học không có trong sách vở mà chỉ có trong nếp sống kỷ luật thường ngày.

Đó chính là sự trưởng thành toàn diện trong cả gia đình và xã hội, đồng thời là bước đường vững chãi giúp con trẻ tinh tấn trên lộ trình phát triển bản thân, dưới ánh sáng của Chính pháp nhà Phật. Như trong lời dạy của nhà Phật, người biết giữ tâm ngay thẳng, nhất quán trong hành động, lời nói và ý nghĩ, thì mọi chướng ngại sẽ không còn là trở lực, mà trở thành bàn đạp để tiến tới an vui và thành tựu trong công việc và cuộc sống.

Tác giả: Lê Thị Hiệp - Trường CĐSP Trung ương

Địa chỉ: Đội 6, Thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội