Tác giả: Nguyễn Thị Hải

Trường Đại học Văn Hoá

Thi thoảng, vào buổi chiều cuối tuần, tôi thường đưa con ra chơi ở khu vực sân chung của khu dân cư, bởi ở đó có lắp đặt một số mô hình trò chơi hình các con thú, kết hợp với nhiều loại hình trò chơi khác, nên trẻ nhỏ rất thích. Chẳng riêng con gái 4 tuổi của tôi, mà nhiều trẻ nhỏ của các gia đình khác cũng thường đòi bố mẹ đưa ra đây chơi. Cứ ra tới nơi là con gái tôi bỏ mặc mẹ, rồi bé tự quanh quẩn tìm các mô hình trò chơi để tự chơi, tự nhún nhảy, hoặc chơi đùa cùng các bạn nhỏ khác…

Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet
Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet

Nhiều bé chơi cầu trượt, thú nhún, bập bênh, nhà bóng, xích đu… Tôi thấy, cạnh góc sân, một cô bé khoảng 4-5 tuổi đang chơi ngựa gỗ trong lúc mẹ bé cũng quanh quẩn đâu đó. Lúc này, một cậu bé vừa được đưa tới sân chơi, liền chạy ngay đến con ngựa gỗ, nằng nặc đòi leo lên lưng ngựa bằng được. Mẹ của cậu bé sà đến bảo cô bé nhường con ngựa cho con trai mình. Cô bé lắc đầu, mẹ cậu bé lập tức to tiếng nói: “Là con nhà ai mà bướng bỉnh vậy! Của nhà mày à mà đòi chiếm…”. Rồi mẹ của cậu bé nhìn cô bé với ánh mắt… “tóe lửa” kiểu hằn học, doạ nạt, khiến cô bé sợ hãi rời ngựa gỗ, òa khóc bỏ chạy đi tìm mẹ.

Hình mang tính minh họa được tạo bởi AI.
Hình mang tính minh họa được tạo bởi AI.

Cậu bé, con của người phụ nữ kia cứ thế tiến đến chiếm lấy món đồ chơi, với vẻ mặt hả hê… chứng kiến sự việc, tôi thấy hơi bất bình và cũng buồn cho xử sự của người phụ nữ có con trai nhỏ kia, bởi đáng lẽ chị phải đợi cho bé gái đang chơi kia chơi xong thì mới tới lượt con mình, hoặc nếu muốn đáp ứng ngay đòi hỏi của con trai mình, thì chị ta cũng phải nịnh bé gái nhường đồ chơi cho con mình, chứ ai lại quát nạt, nói năng kiểu mất lịch sự với trẻ như vậy…(?!)

Ở đây, tôi chợt nghĩ đến lời Phật dạy về việc “giữ khẩu nghiệp”, bởi một lời nói thiếu từ tâm có thể gieo nỗi sợ và tổn thương rất sâu trong tâm hồn một đứa trẻ.

Đức Phật từng dạy: “Lời nói không có ác ý, không mang hận thù, mới là lời nói chân thật”, trẻ nhỏ vốn như tờ giấy trắng, mọi hành xử của người lớn đều là những nét bút đầu đời vẽ nên nhân cách của con trẻ sau này. Nếu những nét bút đó đầy giận dữ và ích kỷ, ta đang góp phần tạo ra một thế hệ bất an, bất thiện.

Thực ra, kiểu hành xử như trên hiện nay không hiếm gặp.

Ví như ở các khu vui chơi, các trường mẫu giáo, nhà trẻ luôn có nhiều ông bố bà mẹ tiến sát bên chiếc đu quay, chờ đu quay vừa ngừng là nhào tới chiếm chỗ tốt nhất dành cho con mình. Nhiều người tay ẵm con, luôn miệng chen ngang mua vé đi ngựa, xe lửa để kịp chiếm chỗ ngồi đầu xe, mặc cho nhiều người khác xếp hàng chờ đợi. Nhiều ông bố, bà mẹ dạy con khi chơi phải giành, phải vượt lên người khác, chiếm phần hơn… Tôi cũng thấy, tại một số siêu thị có kê những chiếc bàn nhỏ cho các cháu vui chơi tự chọn, không ít cha mẹ gom thật nhiều mảnh lego ghép hình về cho con mình dù bé ghép không kịp, phớt lờ những em bé khác đứng vây quanh mếu máo vì hết đồ chơi.

Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet
Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet

Gieo nhân nào thì gặp quả nấy. Nếu mỗi ngày, cha mẹ vì chiều lòng con mà gieo vào lòng trẻ hạt giống của sự hơn thua, của cái tôi, của lòng vị kỷ, thì sau này khó trách sao trẻ lại lớn lên với tâm thế chỉ biết đến bản thân, sống không hài hòa với người khác. Trong giáo lý nhà Phật, sự tu tập không chỉ dành cho người lớn, mà còn là một tiến trình có thể được khơi mở từ tấm bé, từ những hành động nhỏ. Thực hành từ bi không phải là điều cao siêu, mà chính là khoảnh khắc biết nhường nhau một món đồ chơi, biết nói lời cảm ơn, biết đợi đến lượt mình.

Có lẽ nhiều ông bố, bà mẹ chưa nghĩ đến việc chiều theo đòi hỏi của con và cách họ giành giật mọi thứ trước mắt con trẻ sẽ làm lệch lạc nhân cách về sau, tạo cho các bé lối sống ích kỷ và ỷ lại vào cha mẹ. Bởi từ nhỏ các bé đã quen có cha mẹ giải quyết mọi khó khăn, lớn lên sẽ không biết cách tạo lập mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp xung quanh; không thể tự mình giải quyết những khó khăn khi va chạm với người khác để đạt được những thứ bản thân mong muốn khi đi học, đi làm…

Nhìn lại, ta thấy rõ: lòng từ và sự buông xả không phải là điều gì xa vời. Đôi khi, bắt đầu từ một hành động nhỏ: nhường món đồ chơi cho một đứa trẻ khác. Đó cũng chính là lúc cha mẹ đang lặng lẽ gieo hạt giống thiện lành trong tâm con - thứ hạt giống sẽ lớn dần lên cùng với trí tuệ và lòng từ, như lời đức Phật từng dạy: “Chiến thắng vạn quân không bằng tự thắng mình. Thắng được mình là chiến thắng lớn nhất”. Đôi khi, “thắng mình” chỉ là lùi một bước, để con học cách yêu thương.

Tác giả: Nguyễn Thị Hải - Trường Đại học Văn Hóa