Tác giả: Thích nữ Diệu An
Học viên Cao học khoa Triết học Phật giáo - K.III - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế
Dẫn nhập
Muôn loài đều mong hạnh phúc, muôn loài đều tránh khổ đau. Trong ý thức sống, con người muôn thuở không ngừng tìm kiếm hạnh phúc, chối bỏ khổ đau. Khi khát vọng mong muốn đời sống được sung túc vẹn toàn cũng chính là lúc vòng xoáy tâm thức con người đảo điên giữa những tham lam, sân hận, si mê. Bao nhiêu lâu, con người ta còn trầm kha trong dục vọng thì bấy nhiêu lâu bầu trời đen tối của khổ đau vẫn còn che phủ ánh sáng trí tuệ của con người.
Bao cám dỗ, dục lạc, những thứ phù phiếm, không thật mà Đức Thích Tôn chỉ xem như “bụi qua kẽ hở”, ngày nay lại được hàng nghìn người tranh giành, giằng xé lẫn nhau, hầu mong bản thân có một vị thế hay một chỗ đứng trong xã hội vốn vô thường, nhiễu nhương này.
Để sống, người ta cần phải ăn và để đáp ứng cho việc ăn người ta bất chấp giết hại mạng sống của vô số sinh vật khác để dưỡng thân. Cộng với đó, để phát triển sự sống, con người lại cạnh tranh, dẫm đạp, gây sức ép lên tâm thức nhau để tồn tại… Trong thế giới sống, hiện hữu luôn kết nối. Không có hiện hữu nào có thể tồn tại tự nó. Cái này có thì cái kia có và ngược lại. Như vậy, để tồn tại đồng nghĩa với việc bạo lực phát sinh, và một khi bạo lực được phát sinh sẽ khiến không chỉ nơi con người hay không gian bạo lực đó có khổ. Người liên hệ và thế giới liên hệ cũng có khổ. Nếu không có được chất liệu của thương yêu và từ tâm thì tất cả sự sống, sự thành công của một con người chính là sự đánh đổi của việc dẫm đạp, tàn sát lên chúng sinh khác để tồn tại.
Cuộc sống vốn dĩ rất công bằng theo một quy luật nào đó, có vay ắt có trả, có sát sinh ắt sẽ có nghiệp báo khổ đau. Việc một con người bạo lực lên muôn loài sống để tồn tại hẳn nhiên sẽ mang đến những hậu quả không chỉ dừng lại ở kiếp này mà tai ương đến vô số kiếp khác. Và một sự thật không thể chối bỏ rằng, nếu chúng ta phát triển từ tâm, tránh sát hại thì ngay đó bình an, hạt giống thiện lành sẽ lập tức nở hoa, mát dịu cho cả thân và tâm trong khoảnh khắc sống hiện tại. Và câu chuyện của Aṅgulimāla chính là một minh chứng, một hình ảnh đầy chân thật cho những nghiệp báo do việc sát mang lại và điểm nhấn chính hành động từ bỏ nghiệp sát, tu tập đắc được quả vị A-la-hán khi gặp đức Phật.
Sơ lược về bản kinh
Kinh Aṅgulimāla thuộc bài Kinh số 86 Trung Bộ Kinh. Nội dung kinh trình bày về một tên cướp, một kẻ giết người, khát máu sống vào thời đức Phật còn tại thế tên Aṅgulimāla, gây kinh hoàng cho vương quốc của Vua Pasenadi. Aṅgulimāla được biết đến với vòng hoa ngón tay mà hắn cắt đứt khỏi những nạn nhân của mình và đeo quanh cổ. Một con người đại diện cho sự “tàn bạo, bàn tay vấy máu, sát hại, bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sinh. Do vì hắn, các làng trở thành không làng, thị trấn trở thành không phải thị trấn, các quốc độ trở thành không quốc độ”.[1]
Khi Aṅgulimāla gặp đức Phật và cảm động trước lời dạy của Ngài, Aṅgulimāla quyết định từ bỏ bạo lực, ném vũ khí của mình xuống vách đá và cầu xin đức Phật cho xuất gia ngay tại chỗ. Đức Phật chấp thuận và Aṅgulimāla gia nhập cộng đồng Tăng đoàn của đức Phật, tinh tấn tu tập và không lâu sau đắc quả vị A-la-hán.
Aṅgulimāla có thể được coi là hiện thân của bạo lực tàn bạo, không phân biệt và không kiềm chế bởi bất kỳ mối quan tâm nào đối với chúng sinh. Bài kinh này minh họa tiềm năng của giáo lý Phật giáo trong việc hạn chế những xung lực bạo lực, khủng khiếp nhất của nhân loại và biến đổi ngay cả những cá nhân đồi trụy nhất thành những tác nhân của bất bạo động, tôn trọng sự sống của chúng sinh khác. Đồng thời, nhấn mạnh về những Nghiệp quả do việc sát mang lại và những ý nguyện đạt được khi phát khởi từ tâm.
Từ bỏ nghiệp sát – “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”
Qua hình ảnh của Aṅgulimāla, một thời oanh liệt đẫm máu, bởi mắc phải những tà kiến sai lầm, bị nghiệp sát bủa vây, không tìm thấy được phật tính sẵn có của chính mình, rong ruổi khắp nơi hành ác không một chút do dự. May thay, dưới sự từ bi của đức Phật cảm hóa, với lời dạy sâu sắc “Aṅgulimāla, Ta đã đứng lại rồi, với mọi chúng sanh, ta từ bỏ trượng, kiếm. Còn ngươi hữu tình, không tự kiềm chế. Do vậy, ta đứng còn ngươi chưa đứng”[2]. Aṅgulimāla bừng tỉnh, buông bỏ đao kiếm, trở thành đệ tử xuất gia trong Tăng đoàn của đức Phật và không lâu sau đó đắc quả A-la-hán.
Qua đây nhấn mạnh ý nghĩa, Phật giáo tin rằng mọi người đều có phật tính, và những người làm điều ác có thể thành Phật bằng cách từ bỏ điều ác và làm điều tốt.
Phật giáo coi trọng cuộc sống vô điều kiện, đây chính là một giá trị mang tính đạo đức nhân văn cốt lõi trong giáo lý nhà Phật. Theo đó, Phật giáo ngăn cấm việc tước đi mạng sống của chúng sinh khác, dù đó là người hay con vật. Bởi lẽ, mọi loài sinh vật tồn tại trên thế gian này đều muốn thoát khỏi cái chết và sự huỷ diệt của sự sống hay nói đúng hơn thì vạn loài đều mang niệm “ham sống và sợ cái chết”. Nếu chúng ta đặt mình vào vị trí của người khác thì hẳn nhiên chúng ta sẽ không chọn cách giết hại hay khiến một chúng sanh nào đó phải chịu cái chết.
Kinh Phạm Võng có dạy rằng: “Tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhân là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sinh nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng sinh trong lục đạo đều là cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt, thời chính giết cha mẹ ta, mà cũng là giết thân cũ của ta”.[3] Tất cả chúng sinh bởi những nhân duyên vô hình nào đó đã từng là cha mẹ, thân quyến của chúng ta, có khi chính là một hiện thân kiếp sống cũ của chính ta trong hiện tại. Vậy cớ sao chỉ vì một chút dục vọng nhằm thoả mãn nhu cầu sống của bản thân mà chúng ta lại đi làm hại chính bản thân và thân quyến của mình. Đó là một điều đáng để chúng ta suy ngẫm.
Bên cạnh đó, theo Phật giáo, chúng sinh đều có phật tính, có nhu cầu bình đẳng sống và giác ngộ như nhau. Vậy thì tại sao chúng ta lại muốn giết hại chúng sinh khác đề phục vụ cho tham muốn của chính mình? Vậy nên cần tôn trọng và bảo vệ sự sống của chúng sinh khác.
Một khi việc sát hại đã được đoạn diệt, đồng nghĩa với việc đoạn trừ ác nghiệp, xây dựng thiện nghiệp hay tâm Phật nơi mỗi chúng sinh.
Như vậy, cũng đồng nghĩa với châm ngôn “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”.
Theo Kinh Pháp Cú, phẩm Hình Phạt số 129-130 có trình bày rằng:
“Mọi người sợ hình phạt
Mọi người sợ tử vong
Lấy mình làm ví dụ
Không giết, không bảo giết.”[4]
(PC 129)
“Mọi người sợ hình phạt
Mọi người thích sống còn,
Lấy mình làm ví dụ
Không giết, không bảo giết.”[5]
(PC 130)
Toàn bộ Thế giới này được xem là một thánh địa và tất cả mọi sinh vật sống đều ở đó, vì thế mà mạng sống của tất cả chúng sinh đều quý giá như nhau. Để giảm thiểu việc sát hại, đức Phật dạy những người thực hành theo Ngài phải luôn lấy mình làm ví dụ, biết tôn trọng sự sống của đối tượng khác bằng cách đặt mình vào vị trí của người khác để phát triển từ bi, buông bỏ cái tôi bản ngã, mọi dính mắc, tham lam, sân hận, si mê, thì ngay đó, tâm Phật liền hiện ra.
Người đời do tham cầu nhiều mà sinh phiền não, khổ đau, nếu biết nhận chân ra ác nghiệp mang quả xấu và dám buông bỏ để quay trở về sống với thiện nghiệp thì quả lành là đích đến không xa cho người biết buông bỏ.
Nghiệp quả từ việc sát sinh mang lại
Mặc dù đã buông bỏ và tinh tấn tu tập đạt được quả vị A-la-hán, tuy nhiên Aṅgulimāla vẫn còn chịu dư báo trong kiếp hiện tại. Aṅgulimāla bị quần chúng, gia đình của các nạn nhân ném gậy, sỏi vào thân khiến cho bị lỗ đầu, bình bát bị bể, ngoại y bị rách. Đó chính là quả của Nghiệp sát mang lại.
Trong Phật giáo, khái niệm về nghiệp là điều cốt yếu. Trong cuộc sống hằng ngày của một người theo đạo Phật, khái niệm về nghiệp đều ảnh hưởng và chi phối. Thuật ngữ nghiệp trong tiếng Phạn là karma được hiểu là hành động có tác ý (cetana). Về mặt lý thuyết, Nghiệp không phải là thuyết định mệnh hay học thuyết tiền định. Quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại, hiện tại ảnh hưởng đến tương lai. Đồng thời, nghiệp của quá khứ và hiện tại cũng ảnh hưởng đến tương lai. Có cả trong kiếp này và kiếp sau. Do đó, chúng ta nói về nghiệp như là quy luật nhân quả. Con người sẽ gặt những gì mình đã gieo. Chúng ta là kết quả của những gì chúng ta đã từng, và chúng ta sẽ là kết quả của những gì chúng ta đang là. Nỗi đau và hạnh phúc mà con người trải qua là kết quả của những hành động, lời nói và suy nghĩ của chính họ. Bởi lẽ, hành động, lời nói và suy nghĩ của một người là nhân tố tiên yếu tạo ra thất bại, thành công, hạnh phúc hay đau khổ trong cuộc sống.
“Ai ở đời, giữa người
Làm hại chúng sinh khác,
Vị ấy tự hại mình
Đời này và đời sau”[6]
Điểm quan trọng nhất về nghiệp báo là điều tốt sinh ra điều tốt, và điều xấu sinh ra điều xấu. Hạnh phúc được tạo ra bởi những hành động tốt, và đau khổ được tạo ra bởi những hành động xấu. Nghiệp tốt không bao giờ tạo ra kết quả xấu, và nghiệp xấu không bao giờ tạo ra kết quả tốt. Và không cần phải đợi đến kiếp sau để trải nghiệm kết quả của nghiệp. Nghiệp có thể chín muồi trong kiếp này, kiếp sau và trong bất kỳ kiếp nào trong tương lai.
Theo kinh Tiểu Nghiệp phân biệt, đức Phật dạy về nghiệp báo của sát sinh như sau: “Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sinh. Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, mà được đi đến loài người, thời chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải đoản mạng. Con đường ấy đưa đến đoản mạng, này thanh niên, tức là sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đã thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.”[7]
Ở đây, một giả thuyết được đưa ra, nếu Aṅgulimāla không dừng lại nghiệp sát trong đời sống hiện tại khi gặp đức Phật, chắc chắn rằng ông sẽ gánh chịu những nghiệp báo trong vô số kiếp sau nữa, có thể sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh cõi dữ, ác thú, địa ngục…Nhưng với trường hợp của Aṅgulimāla, khi chấm dứt đời sống giết hại và nỗ lực hành thiện, tu tập xuất gia đã gặt được quả thiện chính là đắc A-la-hán. Mặc dù tâm đã giải thoát nhưng thân vẫn phải chịu dư báo do sát sinh mang lại chính là bị đánh, ném đá, gậy vào thân trong hiện tại và nghiệp báo ác ấy sẽ được chấm dứt khi mệnh chung, nhập Niết Bàn, không còn thị khổ báo nữa.
“Ai đời trước phóng dật, sau không phóng dật,
Sáng chói đời này, như trăng thoát mây.
Ai làm ác nghiệp, nhờ thiện chận lại,
Sáng chói đời này, như trăng thoát mây”[8]
Như vậy, qua nhân vật Aṅgulimāla chính là một hình ảnh cho việc “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”. Lúc làm ác thì sẽ gặt quả ác và khi quay đầu thì ngay đó là bỉ ngạn, gặt hái được quả lành. Chính vì thế, người tu tập phải khéo thận trọng với những hành động, lời nói, ý nghĩ của mình để đời sống thiện lành hơn.
Phát triển từ tâm
Sau khi buông bỏ nghiệp sát, xuất gia tu tập, sự kiện Aṅgulimāla gặp một người phụ nữ đang lâm bồn, với từ tâm, lòng thương xót trước sự đau khổ của chúng sinh, đã nói rằng: “Này cô, tôi từ lúc Thánh sinh đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sinh, mong rằng với sự thật ấy, cô được an toàn và sinh đẻ được an toàn”[9]. Đây chính là từ tâm, với từ tâm rộng lớn, khởi lòng thương xót chúng sanh đã tạo nên thành tựu như ý nguyện, chính là người phụ nữ ấy được an toàn và sinh đẻ được an toàn.
Cũng vậy, để mang lại hòa bình cho thế giới, mọi người nên tôn trọng và bảo vệ sự sống của những loài khác, vun đắp lòng từ bi đối với nhau. Càng vun đắp tâm từ, thế giới sẽ càng trở nên thánh thiện, hòa bình hơn. Càng lan tỏa lòng từ bi khắp toàn thể vũ trụ, nơi đó sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn để sống. Khi có lòng từ bi với vạn vật, con người sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi được sinh ra làm người, đây thực sự là một đặc ân hiếm có, không dễ dàng được ban cho hoặc đạt được trong nhiều kiếp sống.
Trong một thế giới bị đe dọa bởi đủ loại sự hủy diệt, con người cạnh tranh nhau để sống, giết hại muôn loài để nuôi mạng thì tâm từ trong hành động, lời nói và suy nghĩ là phương tiện xây dựng duy nhất để mang lại sự hòa hợp, hòa bình và sự hiểu biết lẫn nhau. Nó là một chất liệu để xóa bỏ những đấu tranh căng thẳng, tạo ra hoà bình tuyệt vời trong những xung đột xã hội và là phương thuốc giúp con người hạn chế giết hại chúng sinh.
“Ai với tâm từ bi,
Thương mọi loài hữu tình,
Một người làm như vậy,
Gặt phước đức thật nhiều”[10]
Đối với người thực tập tâm từ, thương mọi loài chúng sinh bình đẳng, không phân biệt thân sơ, thù địch thì chắc chắn vị ấy sẽ gặt hái được nhiều phước đức, không chỉ an lạc về thân lẫn tâm cho chính họ mà rải rộng ra sự an lạc thân và tâm cho mọi loài chúng sinh. Mặt khác, tâm từ bi ấy chính là nền tảng, nhiên liệu tô đắp cho một kiếp sống mới gặp nhiều thiện nghiệp, tốt đẹp hơn.
Như vậy, trong một xã hội, ai cũng phát triển tâm từ thì khả năng để dập tắt các rào cản xã hội ngày càng mạnh, xây dựng các cộng đồng hòa hợp, đánh thức lòng độ lượng, thương yêu muôn loài đang ngủ quên từ lâu của con người. Nếu chúng ta muốn sống trong hòa bình với toàn thể nhân loại, chúng ta phải nhìn bằng con mắt của từ tâm. Một cuộc sống hòa bình bắt đầu với sự thật đơn giản và cơ bản nhất: “Tất cả chúng sinh đều yêu quý sự sống, lo sợ sự chết, mong muốn hạnh phúc và chán ghét khổ đau”[11]. Một khi chúng ta thực sự nhận ra sự thống nhất cốt lõi của mọi sự sống, những sự tương quan duyên khởi với nhau, chúng ta không bao giờ có thể làm tổn thương hoặc giết chết một sinh vật khác.
Kết luận
Bài kinh về Aṅgulimāla có ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc, với hình ảnh Aṅgulimāla là hiện thân cho biểu tượng “Vô hại” thật đúng với tên gọi của Ngài là “Ahimsaka”[12]. Ở đây, “Vô hại” chính là việc không giết hại, làm tổn thương chúng sinh khác và tôn trọng sự sống của muôn loài vạn vật. Mặc dù, ban đầu do tà kiến giết hại vô số chúng sinh, nhưng khi được ánh sáng chính pháp đức Phật giảng dạy, liền buông đao tu tập và được thành tựu quả vị giải thoát. Qua đó, như một tấm gương cho ta nhìn thấy rằng, không gì là không thể, buông đao thì ngay đó Phật tính liền hiển lộ, chỉ sợ chúng ta không dám dứng lại, buông việc sát sinh để sống thiện gặt quả thiện mà thôi.
Đồng thời, qua dư báo mà Aṅgulimāla thọ nhận như một hồi chuông thức tỉnh cho những ai đang mang trong mình những tà kiến, những tâm niệm muốn giết hại mạng sống của sinh vật khác. Tất cả chúng sinh đều phải trải qua cùng một chu kỳ tái sinh và thọ nhận những đau khổ khác nhau. Nếu như biết tôn trọng và bảo vệ sự sống của chúng sinh khác như bảo vệ mạng sống của chính mình thì thế giới này thật đẹp biết bao, nhân gian này sẽ trở nên tươi đẹp và thánh thiện hơn.
Trái lại, giết chóc, tàn sát sinh vật khác để sống với ý niệm dưỡng thân thì chẳng khác nào đang huỷ hoại khả năng làm người của mình ở những đời sống tiếp theo. Bởi vì rằng, luật nhân quả vốn dĩ rất công bằng, “gieo nhân sẽ gặt quả”, nếu từ tâm không có mà thay vào đó sự giết chóc thì sân hận sẽ tràn đầy trái đất này, oan oan tương báo dẫn dắt chúng ta mãi lạc trôi trong vòng luân hồi đau khổ tương tục không có điểm dừng.
Chính vì lẽ đó, chúng ta cần phát khởi từ tâm qua hành động, lời nói, suy nghĩ đối với chúng sinh và hạn chế nhất có thể việc làm tổn thương hay sát hại muôn loài để đời sống trở nên thiện lành hơn không chỉ trong hiện tại mà còn tạo nhân thiện vô số kiếp sống khác nữa.
Tác giả: Thích nữ Diệu An
Học viên Cao học khoa Triết học Phật giáo - K.III - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế
***
CHÚ THÍCH
[1] Thích Minh Châu dịch (2017), Đại Tạng Kinh Nam Truyền, Kinh Trung Bộ tập II, NXB Tôn giáo, Hà Nội, trang 127.
[2] Thích Minh Châu dịch (2017), Đại Tạng Kinh Nam Truyền, Kinh Trung Bộ tập II, NXB Tôn giáo, Hà Nội, trang 127.
[3] HT. Thích Trí Tịnh dịch (1992), Kinh Phạm Võng Bồ Tát giới, Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh, trang 34.
[4] Thích Minh Châu dịch (2018), Đại Tạng Kinh Nam Truyền, Kinh Tiểu Bộ tập 1, NXB Tôn giáo, Hà Nội, trang 60.
[5]Sdd, trang 60.
[6] Thích Minh Châu dịch (2017), Đại Tạng Kinh Nam Truyền, Kinh Tiểu Bộ II, NXB Tôn giáo, Hà Nội, trang 310.
[7] Thích Minh Châu dịch (2017), Đại Tạng Kinh Nam Truyền, Kinh Trung Bộ tập II, NXB Tôn giáo, Hà Nội, trang 540.
[8] Thích Minh Châu dịch (2017), Đại Tạng Kinh Nam Truyền, Kinh Trung Bộ tập II, NXB Tôn giáo, Hà Nội, trang 131.
[9] Sdd, trang 130.
[10] Sdd, trang 311
[11] Thích Minh Châu (2006), Tâm từ mở ra khổ đau khép lại, NXB Tôn giáo, Hà Nội, trang 29.
[12] Aṅgulimāla còn có tên là Ahimsaka tức có nghĩa là người Vô Hại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Thích Minh Châu (2006), Tâm từ mở ra khổ đau khép lại, NXB Tôn giáo, Hà Nội.
Thích Minh Châu dịch (2017), Đại Tạng Kinh Nam Truyền, Kinh Trung Bộ tập II, NXB Tôn giáo, Hà Nội.
Thích Minh Châu dịch (2018), Đại Tạng Kinh Nam Truyền, Kinh Tiểu Bộ tập I, NXB Tôn giáo, Hà Nội.
Thích Minh Châu dịch (2017), Đại Tạng Kinh Nam Truyền, Kinh Tiểu Bộ II, NXB Tôn giáo, Hà Nội.
Thích Trí Tịnh dịch (1992), Kinh Phạm Võng Bồ Tát giới, Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh.
Bình luận (0)