Trang chủ Đời sống Cuộc đời tôn giả Angulimala trong kinh Nikaya

Cuộc đời tôn giả Angulimala trong kinh Nikaya

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Thiện Tâm
Chùa Khánh Thiền, số 107/19/8 Phạm Văn Hai, Phường 3, Quận Tân Bình, Tp.HCM

DẪN NHẬP

Đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn cho đến nay đã hơn hai mươi lăm thế kỷ, nhưng giáo Pháp và những lời dạy của Ngài vẫn còn in đậm trong tâm trí của tất cả hàng đệ tử xuất gia nói riêng và phật tử tại gia nói chung.

Trong suốt con đường hoằng pháp lợi sinh khi còn tại thế, đức Phật đã tùy duyên hóa độ cho rất nhiều hàng đệ tử xuất gia. Có rất nhiều đệ tử đức Phật đã chứng đắc vào hàng Thánh quả A-la-hán. Một trong số đó, không thể không nhắc đến Tôn giả Angulimala, người mà đã từng nổi danh là một tên tướng cướp giết người khiến ai cũng phải khiếp sợ. Tuy nhiên có thể nói sự quay đầu sám hối của Tôn giả Angulimala là sự sám hối chân chính, sự chuyển hóa kì diệu từ một tướng cướp hung bạo trở thành một bậc A- la – hán. Ngài được đức Thế Tôn đánh thức bản tính lương thiện chính trong tâm hồn của mình. Cuộc đời hành đạo của Ngài vô cùng tinh tấn mặc dù có rất nhiều trở ngại và phải chịu quy luật nhân quả chính Tôn giả đã tạo ra, nhưng Ngài không than thở hay hờn giận mà chấp nhận một cách tuyệt đối.

Với phẩm hạnh cao quý và sự sám hối lỗi lầm đã gây ra của Angulimala đã tạo cho con một sự ngưỡng mộ to lớn, cùng với tinh thần cầu học về những tấm gương sáng chói của hàng đệ tử Phật.

NỘI DUNG

Từ những tiền thân trước, giữa Tôn giả Angulimala và đức Phật đã có nhân duyên với nhau. Một trong số tiền thân đó, theo Kinh Tiểu bộ ghi lại rằng thuở xưa khi vua Brahmadatta trị vì nước Ba-la-nại, Bồ-tát đã nhập thai vào làm con hoàng hậu. Hoàng Tử sinh ra được đặt tên là Pancavudhakumara, có nghĩa là hoàng tử có năm thứ vũ khí.

Sau khi lớn lên, Ngài được nhà vua cho đi học với bậc thầy lừng danh tại thành Takkasila, trong nước Gandhara. Hoàng tử đến đây học, học nghề xong, trước khi quay về lại Ba-la-nại, hoàng tử đã được thầy tặng cho năm thứ vũ khí. Trên đường về đi ngang qua khu rừng, có một con quỷ Dạ-xoa tên Silesaloma chặn hoàng tử lại đòi ăn thịt, nhưng Ngài vẫn không sợ hãi cứ nhắm hướng mà đi. Quỷ Dạ-xoa nói: “Ngươi đi đâu đấy? hãy đứng lại. Ngươi là món ăn của ta”[1]. Bị dọa nạt, hoàng tử không nao núng mà còn dùng năm thứ vũ khí của mình đánh nhau với quỷ Dạ-xoa, nhưng tất cả đều không có tác dụng gì cả, mọi thứ bị dính chặt vào lông quỷ Dạ-xoa. Tuy vậy, hoàng tử vẫn tự tin, không chút run sợ. Thấy sự kì lạ này, quỷ Dạ-xoa ngạc nhiên nghĩ chắc đây là không phải một người bình thường mà phải là một người phi thường, nghĩ thế Dạ-xoa không dám ăn thịt Ngài nữa và hỏi: “Này thanh niên Bà-la-môn, vì sao chàng không sợ hãi[2]”. Hoàng tử đáp lại: “Này Dạ-xoa, ta tin ở ta nên không sợ hãi. Ta biết mỗi cá thể nào cũng đi đến cái chết. Nhưng trong bụng ta, ta có vũ khí kim cang. Nếu ngươi ăn ta, ngươi không thể tiêu hóa vũ khí ấy”[3]. Nghe những lời hoàng tử nói, Dạ-xoa cảm thấy đúng như sự thật, nó không nghĩ tới việc ăn thịt Ngài mà tha chết cho Ngài đi. Trước khi đi, hoàng tử như một vị Bồ-tát đã thuyết về sự nguy hiểm của năm giới và lợi ích năm thiện pháp khiến cho Dạ-xoa bị nhiếp phục trở nên nhu thuận, an trú biến thành một vị Thần rừng, được mọi người cúng tế. Quỷ Dạ-xoa ấy kiếp này là Tôn giả Angulimala và vị hoàng tử chính là đức Phật – Bậc giác ngộ.

Nếu nói về niên đại cuộc đời của Tôn giả Angulimala thì quả thật khó khăn, bởi trong Kinh Tạng Nikaya và một số tài liệu tham khảo khác về Ngài đều không đề cập đến vấn đề này.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Cuoc Doi Ton Gia Angulimala Trong Kinh Nikaya 1

Theo Kinh Tiểu Bộ, Tôn giả sinh ra trong một gia đình thuộc giai cấp Bà-la-môn, cha Ngài tên Bhaggava, quan cố vấn cho vua Pasenadi, nước Kosala. Trong đêm Ngài sinh ra, tất cả binh khí, binh giáp khắp cả kinh thành đều phát sáng và lung lắc, điều này làm cho vua cảm thấy lo sợ, thao thức, không ngủ được. Sáng hôm sau, cha Tôn giả vào chầu vua đem câu chuyện đứa con mình sinh ra có những điều kì lạ trình lên với vua. Nhà vua cho mời các vị chiêm tinh tìm hiểu thì mới biết sau này đứa trẻ sẽ là mối nguy họa cho đất nước. Tuy nhiên, với tấm lòng từ bi do được gần gũi kính trọng đức Phật, vua Pasenadi không những không giết đứa bé để diệt trừ mầm họa mà còn khuyên cha Ngài hãy nuôi dưỡng và dạy bảo Ngài nên người.

Đứa trẻ ấy sinh ra làm cho Nhà vua lo sợ, phiền muộn nên cha Ngài đặt tên là Himsaka, về sau không thấy Ngài làm hại ai nên gọi lại thành Ahimsaka – nghĩa là Vô hại. Lớn lên Ahimsaka được cho đi học với vị giáo sư nổi tiếng tại Takkasila, với sự ngoan hiền, thông minh, tài năng của mình, Ngài được giáo sư và vợ vô cùng yêu mến xem như người trong nhà.

Chính vì điều này, các bạn đồng học của Ngài sinh tâm ganh tỵ, tìm đủ mọi cách để hại không cho Ngài ở lại học nữa. Họ đã nói xấu với vị giáo sư rằng Ngài có tình ý, trêu ghẹo với người vợ của giáo sư. Ban đầu, vì lòng quý mến nên giáo sư không tin điều đó là thật, nhưng có lẽ đã khởi lên sự tình nghi đối với người học trò tài giỏi của mình. Rồi sự ghen tuông khi bắt gặp Ahimsaka nói chuyện thân thuyết với vợ mình, mà vị giáo sư đã đuổi chàng đi không cho tiếp tục học.[4]

Theo như tài liệu kiến thức được Giáo thọ dạy tại lớp (HVPGVN tại TP.HCM), sự việc đuổi Ahimsaka đi vì lòng ghen ghét đứa học trò mình và không có chuyện vị giáo sư đòi quà tạ ơn là một ngàn ngón tay người. Bởi vì, xã hội thời bấy giờ đã có luật pháp, một vị giáo sư nổi tiếng như thế mà có những yêu cầu học trò mình như vậy quả thật có lẽ không hợp lí. (*)

Nhưng trong Kinh Tiểu Bộ thì ghi lại rằng vị giáo sư tìm kế ám hại học trò mình bằng cách bảo Ahimsaka trả tiền học phí cho mình bằng một ngàn ngón tay phải.[5] (Bài khảo luận này, tác giả xin phép được sử dụng nguồn tài liệu trên “*”)

Bị thầy đuổi không cho học, về nhà bị cha mắng chửi rồi đuổi đi, mặc cho người mẹ can ngăn nhưng không giữ chân Ngài lại được. Từ một chàng trai ngoan hiền, bỗng xã hội và gia đình quay mặt từ bỏ, Ahimsaka thất vọng, tủi thân, buồn khổ bỏ đi lang thang khắp mọi nơi. Trong lúc đói khát, nhìn thấy một đoàn thương buôn đang ngồi ăn bánh nghỉ chân bên đường. Mặc dù rất đói, nhưng vì thuộc giai cấp Bà-la-môn cao quý nên không cho phép Ngài làm bất cứ điều gì. Thế nhưng, đám người thương buôn ấy ném bánh cho Ngài, sỉ nhục và khinh thường không khác gì một kẻ ăn xin. Sự dồn nén bấy lâu nay đã đến lúc bộc phát, Ngài lao vào đánh đám người ấy và giành lấy thức ăn, nghĩ rằng mình chẳng có lỗi gì sao bị luồng bỏ như thế, có phải đây là cách để Ngài tồn tại hay không?

Từ hôm ấy, chàng trai Ahimsaka bỏ vào rừng sâu, chờ có đoàn thương buôn đi ngang để chặn lại giết người, cướp lấy thức ăn. Để chứng minh khủng bố tinh thần mỗi khi giết người, Ahimsaka chặt lấy ngón tay xỏ thành xâu đeo lên cổ. Tiếng xấu đồn xa, cái tên của chàng trai Ahimsaka khôi ngô tử tế ngày nào đã không còn mà thay vào đó chỉ có tên tướng cướp hung bạo râu róc ghê trợn Angulimala – nghĩa là vòng hoa làm bằng ngón tay. Kể từ ấy, hễ có mặt Angulimala là “các làng trở thành không làng, các thị trấn trở thành không thị trấn, các quốc độ trở thành không quốc độ”[6]  Vua Pasenadi sai một đoàn binh lính vào rừng truy tìm để bắt giết tên tướng cướp Angulimala giúp dân làng. Bằng linh cảm của một người mẹ, mẹ Angulimala nhận ra tên giết người ấy chính đứa con trai của mình, bà đã khăn gói tự mình vào rừng kiếm con để ngăn chặn không cho làm điều ác nữa. Hai mẹ con gặp nhau, tình mẩu tử lâu ngày không gặp họ ôm nhau khóc, mặc dù hết lời khuyên bảo của mẹ nhưng Angulimala vẫn không chịu quay đầu lại làm một con người lương thiện.

Ngay lúc ấy, thời khắc hóa độ tên tướng cướp đã đến, sau khi khất thực xong, Đức Phật đã đi đến khu rừng Jalini có tên tướng cướp. Thấy đức Phật đi vào chỗ nguy hiểm mọi người khuyên Ngài không nên “Thưa Sa-môn, chớ có đi trên con đường này. Thưa Sa-môn, trên con đường này có tên cướp Angulimala, là một thợ săn, tay vấu máu, sát hại, bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sinh”[7]. Đức Phật im lặng vẫn tiếp tục đi. Từ nơi xa nhìn thấy chỉ một mình đức Phật đi đến, Angulimala cảm thấy lạ: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Con đường này, cho đến mười người, hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người, năm mười người tụ họp lại, tụ họp lại rồi cùng đi; tuy vậy chúng vẫn rơi vào tay ta. Nay người Sa-môn này chỉ một mình, không có người thứ hai, lại đi đến, hình như do một sức mạnh gì? vậy ta hãy giết mạng sống của người Sa-môn này!”[8]. Angulimala rút gươm chạy đuổi theo đức Phật nhưng không tài nào theo kịp mặc dù đức Phật đi với tốc độ rất bình thản. Angulimal đứng lại và bảo đức Phật: “Hãy đứng lại Sa-môn! Hãy đứng lại Sa-môn!”[9] Phật trả lời: “Ta đã đứng rồi, này Angulimala, và ngươi hãy đứng lại”[10]. Nghe xong Angulimala không hiểu ý của Phật nói, nhưng tin rằng các vị Sa-môn luôn nói lên sự thật nên đã hỏi đức Phật tiếp:

“Này Sa-môn, Ngài đi                               Sa-môn, ta hỏi Ngài

Lại nói: ta đứng rồi                                    Về ý nghĩa việc gì

Ta đứng, Ngài lại nói                                 Sao Ngài đã đứng lại

“sao nhà ngươi chưa đứng?”                     Còn ta lại còn đi.”[11]

Đức Phật đã giải thích cho Angulimala hiểu Ngài đã dừng lại tất cả các ác pháp, còn Angulimala thì chưa dừng. Nghe xong lời này, Angulimala như được rưới mát tâm hồn, thấm nhuần toàn thân, buông bỏ đao kiếm quỳ dưới chân đức Phật xin xuất gia.

868“Đã lâu con tôn kính                           869. Nói xong tên tướng cướp

Bậc vĩ đại tiên nhân                                   Liền quăng bỏ cây kiếm

Nay bậc Sa-môn này                                 Quăng bỏ cả khí giới

Đã bước vào đại lâm                                 Xuống vực núi thăm sâu

Con nay sẽ sẵn sàng                                  Tên tướng cướp đãnh lễ

Từ bỏ ngàn điều ác                                    Dưới chân bậc Thiện Thệ

Sau khi nghe kệ Ngài                                Chính ngay tại chỗ ấy

Liên hệ đến chính pháp.                            Xin Đức Phật xuất gia.”[12]

Vua Pasenadi nghe tin tướng cướp Angulimala đã theo Phật, liền đem quân đến tinh xá Anathapindika. Trên đường vào đãnh lễ đức Phật vua đã đi ngang qua một vị Tỳ kheo ngồi thiền trên tảng đá rất oai nghi và nhà vua đã đãnh lễ vị Tỳ kheo ấy. Sau khi, đãnh lễ đức Phật xong, vua đã hỏi về tên tướng cướp hung bạo, đức Phật bèn hỏi nhà vua nếu như thấy Angulimala cạo bỏ râu tóc xuất gia, sống đời sống khất sĩ, phạm hạnh thiện pháp sẽ làm gì với Angulimala. Nhà vua trả lời đức Phật: “Bạch Thế Tôn, con sẽ đãnh lễ, hay đứng dậy, hay đưa ghế mời ngồi, hay lo liệu bốn sự cúng dường Angulimala”[13]. Bấy giờ, đức Phật mới nói cho vua biết rằng Tỳ-Kheo vua đãnh lễ trước khi vào đây chính Angulimala. Cũng kể từ đó, người ta không còn nhìn thấy tên tướng cướp hung bạo mang tên Angulimala nữa mà thay vào đó là một vị Tỳ-kheo Angulimala phạm hạnh.

Ngày nọ, trong lúc đi khất thực, Tôn giả đã gặp một đứa bé đang nô đùa, Ngài đến và hỏi cha đứa bé đâu, đứa bé nói cha của con đã bị tên cướp Angulimala giết chết rồi. Nghe xong Tôn giả cảm thấy đau nhói hối hận về những ác nghiệp mà mình đang tạo ra làm cho một đứa bé vô tội phải mất đi người thân. Ngài quay về tinh xá, từ hôm đó trở đi mỗi khi nhập thiền, Tôn giả đều bị ám ảnh bởi hình ảnh của những đứa bé đến mắng rủa Ngài là tên sát nhân. Sau đó, Ngài vào rừng tìm đức Phật, trong một lần cùng Phật thiền hành, bỗng có một người phụ nữ chạy đến nói rằng phía trước có người sắp sinh con, mong đức Phật và Tôn giả đừng nên đi hướng đó. Lát sau, người phụ nữa ấy lại đến lần nữa, cầu xin tìm cách để giúp người phụ nữ kia sinh con. Bấy giờ, đức Phật bảo Tôn giả Angulimala lại nơi đó và nói với người phụ nữa sắp sinh rằng: “Này bà chị, vì rằng tôi từ khi sinh ra chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sinh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn và sinh đẻ được an toàn”[14]. Tôn giả liền bạch Phật nếu nói như thế thì chẳng khác nào nói dối không đúng sự thật, bởi vì Ngài đã giết rất nhiều người. Khi ấy, đức Phật liền bảo Tôn giả, vậy hãy nói như sau: “Này bà chị, vì rằng tôi từ khi được Thánh sinh này, chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sinh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn và sinh đẻ an toàn”[15]. Quả nhiên khi nói xong người phụ nữ ấy sinh được con an toàn và rất biết ơn Tôn giả.

Kể từ đó, Tôn giả Angulimala không còn gặp ác mộng khi nhập thiền, Ngài tinh tấn hành trì, sống viễn ly, không phóng dật và không bao lâu sau Tôn giả chứng đắc thánh quả A-la-hán.

172. “Ai sống trước buông lung                  Chói sáng rực đời này

Sau sống không phóng dật                       Như trăng thoát mây che”[16]

173. “Ai dùng các hạnh lành                     382. “Tỳ-kheo tuy nhỏ tuổi

Làm xóa mờ ác nghiệp                              Siêng tu giáp pháp Phật

Chói sáng rực đời này                               Soi sáng thế gian này

Như trăng thoát mấy che”[17]                    Như trăng thoát khỏi mây.”[18]

Mặc dù đã chứng quả A-la-hán nhưng nghiệp cũ đã gieo, thương đau đã tạo cho bao người, Tôn giả Angulimala không thể tránh khỏi quả báo của mình:

127. “Không trên trời dưới biển                       Không chỗ nào trên đời

Không lánh vào động hang                     Trốn được quả ác nghiệp”[19]

Một hôm, Tôn giả đi vào Savatthi để khất thực, mọi người nhận ra Tôn giả chính là tên tướng cướp giết người lúc trước nên đã hoảng sợ bỏ chạy, sau đó, họ ném đất đá, gậy vào người Tôn giả rất nhiều. Biết được nghiệp của mình đã tới, Ngài vẫn im lặng đứng chịu, họ lao vào đánh Ngài đến chảy máu, rách hết y, bể bình bát, đau đớn nhưng Tôn giả vẫn cố gắng về gặp đức Phật. Thấy Tôn Giả Angulimala từ xa đi đến với máu me đầy người, đức Phật đã nói: “Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Ông đang gặt hái ngay trong hiện tại quả báo của nghiệp mà đáng lẽ ông phải chịu nấu sôi ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm”.[20] Chính trong đêm đó, Tôn giả Angulimala trút hơi thở cuối cùng đi vào Niết Bàn.

KẾT LUẬN

Mặc dù đã nhập Niết bàn hơn hai ngàn thế kỷ qua, cho đến ngày nay cuộc đời và công hạnh của Tôn giả Angulimala đóng góp cho giáo pháp vô cùng to lớn và đáng kính trọng. Xuất thân vốn là một vị Bà-la-môn cao quý nhưng vì hoàn cảnh đã biến Tôn giả thành một tên ác nhân. Tuy nhiên, dưới ánh sáng diệu Pháp của đức Thế Tôn đã giúp cho Tôn giả quay đầu phát tâm sám hối trở thành một thánh A-la-hán đầy lòng từ bi với chúng sinh.

Trong quá trình xuất gia và hành đạo của mình Tôn giả luôn luôn chuyên cần tinh tấn, không bao giờ phóng giật, biết lắng nghe, biết nhận thấy lỗi sai và sám hối, biết chấp nhận nghiệp báo của mình mà không chút than vãn hay sợ hãi. Qua đây, chúng con cảm thấy xúc động và ngưỡng mộ, chúng con những vị tu sỉ trẻ học được những phẩm hạnh cao quý trên của Ngài, chúng con sẽ noi  theo tấm gương Tôn giả Angulimala, hầu nâng cao phẩm hạnh đạo đức giúp ích cho đạo, lợi lạc cho đời và làm tư lương cho con đường tiến lên chân trời giác ngộ và giải thoát.

Tác giả: Thích Thiện Tâm
Chùa Khánh Thiền, số 107/19/8 Phạm Văn Hai, Phường 3, Quận Tân Bình, Tp.HCM

***

Chú thích
[1] Kinh Tiểu Bộ, Tập III, Chuyện Tiền Thân, Tr 255.
[2] Sđd, Tr 225.
[3] Sđd, Tr 255.
[4] Kinh Tiểu Bộ, Tập II, Trưởng Lão Tăng Kệ (Thera. 80), Tr 444.
[5] Sđd, Tr 445.
[6] Kinh Trung Bộ, Tập II, Kinh Angulimala 86, Tr 125.
[7] Sđd, Tr 125
[8] Kinh Trung Bộ, Tập II, Kinh Angulimala 86, Tr 126.
[9] Sđd, Tr 126.
[10] Sđd, Tr 126.
[11] Kinh Tiểu Bộ, Tập II, Trưởng Lão Tăng Kệ (Thera. 80), Tr 445~446.
[12] Sđd, Tr 446.
[13] Kinh Trung Bộ, Tập II, Kinh Angulimala 86, Tr 128.
[14] Sđd, Tr 130.
[15] Sđd, Tr 130.
[16] Kinh Tiểu Bộ, Tập I, Pháp Cú, Tr 66.
[17] Kinh Tiểu Bộ, Tập I, Pháp Cú, Tr 66.
[18] Sđd, Tr 96.
[19] Sđd, Tr 59.
[20] Kinh Tiểu Bộ, Tập II, Trưởng Lão Tăng Kệ (Thera. 80), Tr 444~445.

Tài liệu tham khảo
1. Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Trung Bộ, tập II, NXB Tôn Giáo, Hà Nội
2. Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tiểu Bộ, tập II, tập IV, NXB Tôn Giáo, Hà Nội

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường