Tác giả: Thích Phước Tiến Học viên Thạc sĩ Khóa V Học viện PGVN tại Tp.HCM
DẪN NHẬP Con người cứ bị nghiệp lực trói buộc và dẫn dắt vào con đường tội lỗi mãi không có khi nào dừng nghỉ và không có một chút tâm trí hay hành động nào thể hiện sự ăn năn hối lỗi. Có nhiều trường hợp, con người hiểu biết và nhận thức ra việc làm bất thiện cần phải được đoạn trừ và diệt tận để hoán chuyển nổi khổ niềm đau thì đó là việc làm đáng trân trọng và tán dương; song có những hành động chỉ để ứng phó với hình tướng bên ngoài, chứ sâu trong nội tâm thì tội lỗi vẫn hiện hữu và không thể mất đi. Một ví dụ như Bà-la-môn giáo đã dùng máu thịt thú vật để xin rửa tội với thần linh và chủ trương xuống tắm ở những con sông mà họ cho là linh thiêng thì tội sẽ tiêu tan; thêm vào nữa, có đạo giáo đã thực hành khổ hạnh, ép xác như tự đánh đập vào thân mình, nhịn đói nhịn khát chỉ để được giải thoát cái thân đầy tội lỗi. Những cách sám hối như thế đều cực đoan sai lầm và mang đậm chất mê tín và tà kiến. Phật giáo đề cao sự thức tỉnh nơi tâm, nhận ra lỗi lầm để rồi dừng lại tất cả việc ác như cuộc đời của Tôn giả Angulimāla [1], một câu chuyện có thật của một tên tướng cướp giết người không gớm tay chỉ vì nhận thức sai lầm và bị xã hội dồn ép vào bước đường cùng. Nhân tố quan trọng góp phần vào việc truy xét lỗi lầm đó là sự tỉnh thức. Trong Phật giáo, sự tỉnh thức được gọi là sám hối, đây là việc làm không phải chỉ cho lời nói suông hay một hành động qua loa mà có thể tiêu trừ tội lỗi. Những lợi ích của việc sám hối đem lại những gì cho người đang học và hành theo đạo Phật nhằm thấu rõ được những điều vi diệu và nhiệm mầu của pháp sám hối. Hơn nữa, đề cao lòng từ bi vô hạn của đạo Phật đối với những con người mang trên mình hai chữ tội lỗi, thông qua cuộc đời và đạo nghiệp của ngài Angulimāla, một nhân vật lịch sử minh chứng cụ thể cho việc ăn năn và từ bỏ nghiệp bất thiện.
NỘI DUNG
1. Vài nét về Tôn giả Angulimāla
Dưới triều đại vua Pasenadi, vương quốc Kosala, một tên cướp giết người khét tiếng xuất hiện; khiến cho dân chúng trong vùng hoảng sợ khi nghe đến tên Angulimāla. Sự kiện ra đời của ông được mô tả như “vũ khí của binh lính lóe sáng bất thường vào lúc cậu bé sinh ra là điềm không hay về tương lai của cậu bé. Từ những hiện tượng đã xảy ra và theo tính toán của tôi, khi lớn lên cậu bé sẽ trở thành một tên giết người khét tiếng” [2]. Tên thật của tôn giả Angulimāla là Ahimsaka (Bất hại). Cha ông, Bhaggavā Gagga, một vị quan chức trong triều đình xứ Kosala. Khi trưởng thành, Ahimsaka thành một cậu bé khỏe mạnh; ông chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự giáo dục của gia đình, tôn trọng, vâng lời cha mẹ để duy trì danh dự và uy tín của dòng họ. Ahimsaka luôn thương yêu người khác, không bao giờ giết hại hoặc làm tổn thương các con vật; hơn nữa, Ahimsaka luôn tỏ ra là học sinh thông minh và lễ phép. Ông được gửi đi học tại Takkasila, trung tâm học vấn nổi tiếng đương thời ở Bắc Ấn Độ, với vị thầy Bà-la-môn, Acariya Disapamuk, nổi tiếng.
Lúc mới đến Takkasila, Ahimsaka có nhiều bạn gần gũi, nhưng dần dần các bạn học có thái độ xa lánh Ahimsaka. Họ ganh tị với những thành tích và cách đối xử ân cần thầy giáo dành cho Ahimsaka. Họ tức tối với những lời khen của thầy Disapamuk dành cho Ahimsaka, “chúng ta phải chấm dứt tình trạng khó xử gây ra bởi Ahimsaka. Khi lòng đố kị trở thành hận thù, họ bắt đầu có ý đồ hãm hại Ahimsaka” [3]. Các bạn đồng học ghen tức với ông, vu cáo ông với thầy giáo và “người thầy giáo cả tin đâm ra căm thù ông, và muốn giết ông bằng cách bắt ông trả học phí bằng một nghìn ngón tay phải của con người” [4]. Ông không đồng ý và cũng không muốn nghĩ đến một việc làm thật sự kinh khủng như thế, bởi vì bản tính của ông luôn lương thiện; vì lẽ đó, ông đã bị tống cổ ra khỏi nhà trường và trở về gia đình với cha mẹ. Cha ông biết được lý do vì sao ông bị đuổi học, cha ông vô cùng tức giận với ông và nhất quyết không nghe lời Ahimsaka giải thích. Chính trong ngày ấy, trời đổ mưa nặng hạt; người cha đã đuổi Ahimsaka phải ra khỏi nhà, ông ra đi trong nỗi buồn tủi khổ đau. Không còn đường sống, Ahimsaka dồn hết sức lực để thực hiện việc giết người hàng lọat ở phía biên giới của Kosala. Ông quyết định phải hoàn thành nhiệm vụ với bất cứ giá nào để đạt được nguyện vọng của mình để trả học phí và được tiếp tục đi học lại. Trang bị gươm, dao và giáo; Ahimsaka đi vào khu rừng Jālinī. “Tại đây, ông trở thành tên cướp Agulimāla, là một thợ săn, tay vấy máu, sát hại, bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sanh. Vì nó, các làng trở thành không làng, các thị trấn trở thành không thị trấn, quốc độ trở thành không quốc độ. Do nó luôn luôn giết người, nó mang một vòng hoa làm bằng ngón tay người” [5]. Mẹ của Ahimsaka, bà Mantani, biết được lệnh truy nã của vua, bà chạy vào rừng với những nỗ lực tuyệt vọng để cứu con. Vòng đeo cổ của Angulimāla còn thiếu một ngón tay để đủ số một nghìn; ông sẵn sàng tấn công mẹ mình để hoàn thành nạn nhân thứ một nghìn. Đức Phật quán sát việc trên nên Ngài đi tới; ngay bấy giờ, Angulimāla quyết định giết chết người du sĩ kia để thay cho mẹ mình. Ông vung dao chạy theo sau đức Phật; nhưng không thể đuổi kịp được đức Phật, ông hét lớn: “-Hãy đứng lại, Sa-môn! Hãy đứng lại, Sa-môn!
-Ta đã đứng rồi, này Angulimāla! Và Ngươi hãy đứng lại!” [6]
Sau khi được đức Phật giảng Pháp, thiện nghiệp ngày xưa của Angulimāla tác động vào tư tưởng của ông. Ông biết rằng: mình đang đứng trước mặt đức Phật Thích Ca, Ngài đã vì lòng thương xót ông mà đến cứu ông ra khỏi vòng tội lỗi. Ông vứt gươm xuống đất, xin đức Phật cho ông được xuất gia làm Tăng [7].
2. Nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội
+ Môi trường giáo dục
Người thầy có vai trò rất lớn trong việc đào tạo, giảng dạy ra một người học trò giỏi tài ba và bổn phận của người thầy rất nặng nề vì khi không làm trọn vẹn trách nhiệm như trong Yết Ma Yếu Chỉ ghi rất rõ: “Làm bậc thầy thâu nhận đệ tử mà không biết giáo dục là một trọng tội” [8]. Mối quan hệ giữa Thầy-Trò có giá trị đạo đức thiêng liêng hơn bao giờ hết, chính yếu tố đạo đức này là cầu nối gắn kết giữa người thầy và học trò. Mối quan hệ giữa tình thầy nghĩa trò được đậm nét hơn bằng cách: “hằng ngày chúng ta sống đạo đức, trong ý nghĩ, lời nói và việc làm, tức là chúng ta diệt khổ. Hằng ngày chúng ta siêng năng giữ vững chính niệm, suy xét đúng đắn, có quan điểm đứng đắn về cuộc đời, biết tập trung tư tưởng, tức là chúng ta diệt khổ” [9].Một người thầy đạo đức là phải có một khả năng nắm bắt tâm lý của người học trò; hiểu rõ đối tượng, hiểu rõ những biến chuyển tâm lý của học trò để khích lệ và tưởng thưởng người học trò. Nhưng trong trường hợp của Tôn giả Angulimāla, ta thấy rõ ràng rằng: khi lòng đố kị, ghen ghét đã xâm chiếm hết phần tâm trí thì con người không còn tự chủ được bản thân và một điều đau buồn hơn chính người thầy đã cố tâm cố hại người học trò của mình phải đi đến con đường phạm tội và nặng hơn có thể đó là cái chết.
Một người thầy tà kiến, vô cùng ác độc vì tin vào những lời vu khống mà hãm hại Ahimsaka. Lợi dụng vào niềm tin tôn giáo quá mãnh liệt nơi Ahimsaka mà đưa ra một lời nói vô cùng trái với giá trị đạo đức của một người thầy rằng: “Disapamuk chỉ tiếp tục dạy cho Ahimsaka khi nào nhận đủ lễ vật tạ ơn là một ngàn ngón tay út. Những ngón tay út phải do đích thân Ahimsaka thu thập được từ bàn tay phải của nạn nhân” [10]. Sự bức ép đến cùng cực cộng với áp lực của xã hội, của gia đình và của tôn giáo quá lớn đã ảnh hưởng đến tinh thần của Ahimsaka; hơn nữa, đã biến đổi một thanh niên với ý chí mong cầu sự tu học mãnh liệt đến con đường trở thành tội nhân bị mọi người ghê sợ. Gốc rễ, cội nguồn của việc phạm tội xuất phát từ đây và giá trị đạo đức không còn đựợc đề cao ở trong vai trò của người thầy như lời đức Phật dạy: “người có giới hạnh nhất định có trí tuệ, người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời” [11].
+ Môi trường gia đình và xã hội
Mối quan hệ giao lưu với bạn bè trong xã hội cũng là nguyên nhân góp phần không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách của Ahimsaka. Bởi vì, một cá nhân sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi sự tác động của các yếu tố từ môi trường xung quanh, “không có con đường đơn lẻ nào dẫn đến phạm pháp” [12]. Khi bị gia đình xa lánh, ruồng bỏ không chấp nhận, bạn bè tìm cách hãm hại do lòng đố kị, ganh tị rất dễ làm nảy sinh tinh thần tiêu cực nơi Ahimsaka. Điều đó dẫn đến bản năng của một con ác thú khởi sinh vì sự đói khát, sự dè bỉu, sự khinh thường và coi rẻ của mọi người xung quanh; thêm nữa, “sự sợ hãi là một thuộc tính gắn kết với con người từ khi lọt lòng cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay” [13]. Nỗi sợ gia đình, bạn bè, thầy cô ruồng bỏ, sợ túng thiếu, sợ kẻ thù, sợ sự cô đơn…; khi lâm vào tình trạng đó, tâm trạng con người vô cùng bối rối và bất an; kéo theo sau là đau khổ sẽ xuất hiện, làm khô cằn và héo úa tâm tư cũng giống như là từ trên cao nhìn xuống vực thẳm mà không có đường leo lên. Đức Phật ca ngợi làm bạn với thiện tri thức là hợp với con đường Thánh đạo, “như ánh sáng hừng đông (arunuggam) là dấu hiệu của một ngày mới” [14].
3. Nhận thức chính kiến và việc tỉnh ngộ những lỗi lầm
Chính kiến được đặt đứng đầu trong tám nguyên tắc hành động chân chính (Bát chính đạo), một đức tính quan trọng để thành tựu sự nghiệp giác ngộ. Người tu học Phật, một khi đã có được “chính kiến” thì liền dứt hết tà kiến, phá lưới si mê, trừ mọi tội lỗi [15]. Đức Phật đã dạy về chính kiến: ”Kẻ từ bỏ sát sinh cùng hòa hợp, cùng đi với kẻ từ bỏ sát sinh… Kẻ từ bỏ tà hạnh trong các dục cùng hòa hợp, cùng đi với kẻ từ bỏ tà hạnh trong các dục…. Kẻ từ bỏ sân tâm cùng hòa hợp, cùng đi với kẻ từ bỏ sân tâm. Kẻ chính kiến cùng hòa hợp, cùng đi với kẻ chính kiến” [16]. Đoạn kinh văn đề cập đến những con người phạm sai lầm mà biết quay đầu hướng thiện, giống như trường hợp của Tôn giả Angulimāla. Đức Phật thấy Tôn giả Angulimāla có đầy đủ phẩm hạnh, và tin rằng Angulimāla có thể đạt quả vị thông qua lòng từ bi và nhẫn nhục. Lần đầu tiên, từ khi trở thành kẻ giết người khét tiếng mà mọi người lo sợ sẽ thấy mặt, nụ cười rạng rỡ xuất hiện trên gương mặt mệt mỏi của tôn giả Angulimāla. Sự thức tỉnh giác ngộ của Tôn giả được thực tế hóa qua công năng tu tập của Ngài và qua sự phát nguyện cúng dường tứ sự của vua Pasanedi: “Thưa Tôn giả, mong Tôn giả Gagga Mantāniputta được hoan hỉ. Tôi sẽ cố gắng lo bốn sự cúng dường là y phục, ẩm thực, sàng tọa, y dược trị bệnh cho Tôn giả” [17]. Đạo Phật đề cao sự tỉnh thức thật sự có mặt khi chúng ta thấy rằng chúng ta có thể thanh lọc đạo đức của mình, tỉnh thức có được thông qua rèn luyện, chứ không do ai cho ta [18]. Tiêu biểu là cuộc đời và tấm gương đạo đức của tôn giả Angulimāla trong Tăng đoàn dưới sự hướng dẫn của đức Phật. “Ông đã thay đổi một cách lạ thường, gương mặt sát nhân, bản tính khủng bố, tàn bạo mang lại khổ đau cho người tuyệt nhiên không còn nữa; ông trở nên rất hiền từ, đạo đức, cách cư xử hiền hòa vui vẻ thể hiện ra trên gương mặt, trong mỗi bước chân. Từ đây ông có đời sống hoàn toàn mới” [19]. Chân lí đạo Phật như ánh sáng soi rọi vào nơi tối tăm sâu thẳm nhất của tâm thức con người, mở ra một cuộc đời mới cho những con người phạm tội, một pháp học của sự tỉnh thức và đem lại cứu cánh cho những con người mang hai chữ tội nhân.
4. Chuyên cần tu tập như một pháp sám hối
Người học theo giáo lý của Phật, hành giả luôn nhận biết được nhiều chướng ngại mà mình phải đối mặt trong suốt hành trình, không bao giờ từ bỏ tinh thần quyết tâm của bản thân. Ý chí và tính kiên định có vai trò rất lớn, rất quan trọng; bởi vì, làm bất cứ việc gì mà không có tính chuyên cần và bền bỉ thì khó mà có thể đạt được thành công. Phật dạy về sự tinh tấn diệt trừ các pháp bất thiện đối với những ai đã phạm lỗi lầm: ” …đối với các ác, bất thiện pháp đã sinh, khởi lên ý muốn trừ diệt; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp chưa sinh, khởi lên ý muốn khiến cho sinh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí” [20]. Điều cần thiết và làm ngay, đó là phải thường xuyên quán xét thái độ và hành động của bản thân, dùng chính niệm và sự tỉnh giác quán xét chính bản thân mỗi ngày để không rơi vào những việc làm bất thiện hoặc lời nói bất thiện, đây là thực hiện công cuộc sám hối bản thân trong từng giây phút hiện tại của tự thân. Nhận biết những suy nghĩ, động cơ và biểu hiện của các pháp bất thiện thông qua các hành động bên ngoài; thì chắc chắn rằng hành giả sẽ có khả năng thay đổi, sự chuyển hóa và sẽ có sự tiến bộ của tự thân đang bắt đầu khai mở bên trong tâm thức. Khi hành giả cảm thấy phấn khởi với việc tu tập chính niệm này thì “hãy tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chính Pháp là ngọn đèn, dùng chính pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác” [21].
Hãy luôn ghi nhớ, quyết tâm mạnh mẽ rằng trong tương lai, đặc biệt trong một ngày, hành giả luôn thực tập như lý tác ý vào những ứng xử đúng đắn, phù hợp với những vấn đề phát sinh trong cuộc sống và trong mối quan hệ với xã hội. Thường xuyên nghĩ rằng mình sẽ quan tâm giúp đỡ người khác theo đúng chính pháp, giúp đỡ người một cách thiện lành bằng lòng yêu thương; nếu không thể hỗ trợ người thì ít nhất cũng đừng làm cho người khác bị tổn thương. Trong ngày, hãy nhắc nhở bản thân về quyết tâm và động lực đó, hãy khuyến khích người khác thực hiện theo như thế. Dùng lời nói hay hành động thiện lành hoặc khuyến dụ người làm việc thiện lành, tức đã tiêu trừ những việc làm bất thiện trong quá khứ, tức là thực hiện việc ăn năn và sửa lỗi. Hành động này được đức Phật tán dương và khen ngợi: ”Và này, này các Tỳ-kheo, có người có chính tri kiến, còn khích lệ người khác có chính tri kiến; có chính tư duy…; có chính ngữ…; có chính nghiệp…; có chính mạng…; có chính tinh tấn…; có chính niệm…; có chính định và còn khích lệ người khác có chính định. Người này, này các Tỳ-kheo, đây gọi là gọi là bậc Chân nhân hơn cả bậc Chân nhân” [22].Tâm giận dữ và lòng thù hận như là kẻ thù của chúng ta; đó là những đối tượng mà hành giả cần đối đầu và đánh bại nó. Chứ không phải những “kẻ thù” xuất hiện tạm thời, từ người này đến người kia hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.
5. Sự kiện thọ nghiệp của tôn giả, liên hệ với sự giải tội
Trong đạo Phật, sám hối không phải "rửa tội" hay xá tội như một số quan niệm của các tôn giáo khác; phải thật sự hiểu sám hối đây là hành động mạnh dạn nhận ra lỗi lầm để rồi sau đó tự mình ăn năn và sửa đổi. Phật giáo không chủ trương có một vị thần thánh nào có thể xá tội hay buộc tội hoặc nhận tội thay thế cho chúng sinh. Đây là con đường chuyển hóa ác nghiệp trong quá trình hoàn thiện nhân cách của một con người từ địa vị phàm phu bước lên Phật quả. Hành giả có thể nhận ra điều này thông qua cuộc đời và sự nghiệp của tôn giả Angulimāla, một nhân vật lịch sử, đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một ác nhân mà ai ai cũng khiếp sợ khi nghe đến tên. Với lòng nhiệt tâm cải đổi, Tôn giả Angulimāla giữ nghiêm các tịnh giới, sống viễn ly, nổ lực tấn tu đạo hạnh, không phóng dật. Ngài tự thân chứng ngộ, không coi trọng đến những nhu cầu vật chất để tinh thần được giải thoát. Sau khi chứng quả ông nói lên quả chứng của mình:
“Ai trước làm nghiệp ác, Nay lấy thiện chận lại, Chói sáng thế giới này, Như trăng thoát mây che.”[23]
Phẩm hạnh của con người được nâng cao, các hạnh lành càng ngày càng thăng hoa; vì không tạo nhân xấu trong hiện tại mà tiêu trừ đi những ác pháp của quá khứ để thân tâm luôn luôn nhẹ nhàng vì không lo âu sầu muộn. Theo Phật giáo thì tội lỗi thuộc về tâm lý, nó không có hình tướng và rất vi tế; chính vì thế, người tu theo giáo lý Phật đạo phải gia công trì chí sửa đổi bản thân liên tục không ngừng nghỉ để không buông lung, giải đãi và phóng tâm, luôn ghi nhớ về hành động thiện nhằm đem đến sự an lạc và hạnh phúc cho người khác. Liên cử đến hành động Tôn giả Angulimāla đã dùng sức mạnh từ bi để làm giảm đau đớn giúp người phụ nữ: “Thưa bà chị, vì rằng tôi từ khi được thánh sinh đến nay, chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sinh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn, và sinh đẻ được an toàn!” Và người đàn bà được an toàn, sinh đẻ được an toàn” [24].
Sám hối phải làm liên tục không dừng nghỉ nơi thân tâm thì mới có thể đạt được thành công; có đôi khi cũng phải trả giá bằng máu thông qua sự kiện Tôn giả Angulimāla bị lỗ đầu, chảy máu, bình bát bị bể, ngoại y bị rách, mới có thể chuộc lại lỗi lầm chứ không phải chỉ với một vài hành động qua loa, làm cho có thì có thể ăn năn cải đổi được. Ngày nay xã hội càng phát triển, người phật tử ít khi để tâm đến sự kiện này, chỉ chạy theo hình thức nhiều hơn hoặc theo số đông, chỉ biết cứ đến ngày sám hối là đến Chùa hay Tịnh xá quỳ lạy Phật cầu xin sám hối; việc làm này chỉ đem lại mệt mỏi và ít đạt hiệu quả. Bởi quỳ lạy chỉ là phần “sự” bên ngoài, không phải phần “lý” để ăn năn sửa lỗi của thân tâm theo đúng tinh thần của Phật dạy: “đối với cái ác, bất thiện pháp chưa sinh, khởi lên ý muốn không cho sinh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với cái ác, bất thiện pháp đã sinh, khởi lên ý muốn trừ diệt; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp chưa sinh; khởi lên ý muốn khiến cho sinh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp đã sinh khởi, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.”[25]. Giáo lý đạo Phật khuyên răn mọi người, “không nên bi lụy về quá khứ, vì bi lụy quá nhiều không ích lợi gì, nó chỉ làm cho mình đau khổ hơn mà thôi. Vấn đề quan trọng bây giờ là phải biết làm mới chính mình” [26].
Trước nhất, phải thay đổi các nhận thức của bản thân, song song với những việc làm cụ thể như ăn năn, hối lỗi, can ngăn người khác không nên làm những việc xấu ác như mình trước đây; thêm nữa, hãy lấy đau khổ của mình làm tấm gương cho mọi người nhìn vào đó mà thay đổi tâm thức, đó là phương thức hồi đầu đáng được tán dương và khen ngợi. Sống một cuộc đời hướng thiện là một cuộc chiến đấu kiên trì chống lại những thói quen tật xấu. Mỗi ngày hành giả chừa bỏ được một hành vi xấu ác là mỗi lần hành giả vươn tới điều thiện lành nhiều hơn. Nỗ lực sống hướng thiện, thì mỗi con người phải biết mình làm gì, làm như thế nào để được cuộc sống thiện lương. Quá trình đó, ý thức và sự nỗ lực của bản thân luôn là điều cốt lõi. Hằng ngày, dù bận rộn hành giả cũng đừng quên dành cho mình chút ít thời gian để nhìn lại tâm tư mình mỗi ngày.
KẾT LUẬN
Cuộc đời và đạo nghiệp của Tôn giả Angulimāla là một minh chứng cụ thể cho lòng từ bi vô hạn của Phật giáo đối với chúng sinh. Cho dù con người thuộc tầng lớp nào trong xã hội thì nhân cách và đời sống đạo đức luôn là điều quan trọng nhất. Trong xã hội ngày nay, cuộc sống rất là đa dạng và hỗn tạp, nhận thức con người thì lệch lạc, do đó rất dễ dẫn đến phạm lỗi, muốn hành động đúng đắn thì đòi hỏi nhiều nỗ lực và cố gắng vươn lên từ những sai lầm. Do vậy, chúng ta không tránh khỏi những lúc không phân biệt được việc tốt - xấu trong cuộc sống; chính vì thế, mỗi chúng ta cần tinh cần học hỏi, không ngừng vun bồi kiến thức cho bản thân mỗi ngày để có tầm hiểu biết rộng rãi về xã hội, về đời sống, phân biệt được đúng - sai, tốt - xấu, thiện - ác, chính - tà. Mỗi chúng ta hãy tự làm nên cuộc đời mình thông qua những hành động và lời nói cụ thể hằng ngày. Hành trình hoàn thiện bản thân, hành giả không nên bằng lòng với những thành quả hay phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà mình tạm có được; mà hãy kiên cường tiến xa hơn nữa trên con đường đạo đức bằng những việc thiện lành, nổ lực thanh lọc thân tâm không ngừng nghỉ. Chính vì vậy, hằng ngày chúng ta hãy đặt ra những mục tiêu cụ thể, mang tính tích cực để bản thân cần phải đạt được; một khi sống có mục tiêu mỗi ngày như vậy, ta càng có thêm động lực thúc đẩy chính mình hoàn thiện nhân cách của bản thân. Lâu ngày, những hành động tốt đẹp sẽ trở thành thói quen tốt, đây chính là sự biểu hiện một trình độ phát triển cao của lòng hướng thiện ở nơi thân và tâm của hành giả học và tu theo giáo lý Phật. Hãy lấy hình ảnh của tôn giả Angulimāla làm tấm gương phản chiếu, nhân vật lịch sử của Phật giáo, một biểu tượng của việc cải ác tùng thiện, một cuộc đời nổ lực sửa chữa tội ác không bao giờ ngừng nghỉ và là một tấm gương sửa đổi cho những con người lầm đường lạc lối.
Tác giả: Thích Phước Tiến Học viên Thạc sĩ Khóa V Học viện PGVN tại Tp.HCM ***CHÚ THÍCH [1] Bhante Walpola Piyananda, Love in Buddhism, USA: Dhamma Vijaya Buddhist Vihara, 2013, p.14. [2] Ananda Kumarasiri, Angulimāla, Malaysia; Selangor Darul Ehsan, 2004, tr. 2-3. [3] Ananda Kumarasiri, Angulimāla, 2004, tr. 12. [4] Thích Minh Châu, Lịch Sử Đức Phật Thích Ca, Chuyển sang ebook 16-08-2009. tr. 34. [5] Thích Minh Châu, (dịch) Kinh Trung Bộ 2, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 125. [6] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 2, 2012, tr. 126. [7] Thích Minh Châu, Lịch Sử Đức Phật Thích Ca, tr. 35. [8] Thích Trí Thủ, Yết Ma Yếu Chỉ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2006, tr. 82. [9] Minh Chi (1995), Các Vấn Đề Phật Học, Nxb. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1995, tr. 90. [10] Ananda Kumarasiri, Angulimāla, 2004, tr. 19. [11] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Nxb. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 221. [12] Michael Shader, Risk Factors for Delinquency: An Overview, Washington, DC: Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, p. 1. [13] Thích Chúc Phú, Vài vấn đề về Phật giáo & nhân sinh, Nxb. Hồng Đức, 2013, tr.113. [14] Thích Minh Châu, (dịch) Kinh Tương Ưng Bộ, Nxb. Tôn Giáo, 2002, tr. 51. [15] Hạnh Cơ, Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản, Nxb. Tổng Hợp, TP. Hồ Chí Minh, 2009, tr. 120. [16] Thích Minh Châu, (dịch) Kinh Tương Ưng Bộ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, tr. 519. [17] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 2, 2012, tr. 129. [18] Thích Nhật Từ - Thích Đức Thiện, Giáo Dục Phật Giáo Và Chương Trình Đại Học, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2014, tr. 10. [19] Thích Nhật Từ, Quay Đầu Là Bờ, Nxb. Phương Đông, tr. 70. [20] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 2, 2012, tr. 592. [21] Thích Minh Châu, Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Nxb. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 9. [22] Thích Minh Châu, (dịch) Kinh Tăng Chi Bộ 2, Nxb. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 245. [23] Thích Minh Châu, (dịch) Kinh Tiểu Bộ 3, Nxb. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 417. [24] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 2, 2012, tr. 130. [25] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 2, 2012, tr. 592. [26] Thích Nhật Từ, Quay Đầu Là Bờ, tr. 58. TÀI LIỆU THAM KHẢO Nguồn chính Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu (dịch), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996. Kinh Tiểu Bộ, Thích Minh Châu (dịch), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001. Kinh Tương Ưng Bộ, Thích Minh Châu (dịch), NXB Tôn Giáo, 2002-2013. Kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu (dịch), NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. Kinh Trường Bộ, Thích Minh Châu (dịch), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991. Nguồn phụ Bhante Walpola Piyananda, Love in Buddhism, USA: Dhamma Vijaya Buddhist Vihara, 2013. Ananda Kumarasiri, Angulimāla, Malaysia; Selangor Darul Ehsan, 2004. Thích Minh Châu, Lịch Sử Đức Phật Thích Ca, Chuyển sang ebook 16-08-2009. Thích Trí Thủ, Yết Ma Yếu Chỉ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2006. Minh Chi, Các Vấn Đề Phật Học, Nxb. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1995. Michael Shader, Risk Factors for Delinquency: An Overview, Washington, DC: Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Thích Chúc Phú, Vài vấn đề về Phật giáo & nhân sinh, Nxb. Hồng Đức, 2013. Hạnh Cơ, Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản, Nxb. Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2009. Thích Nhật Từ - Thích Đức Thiện, Giáo Dục Phật Giáo Và Chương Trình Đại Học, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2014. Thích Nhật Từ, Quay Đầu Là Bờ, Nxb. Phương Đông. Thích Minh Châu, Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Nxb. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1998.
Bình luận (0)