Trang chủ Lịch sử - Triết học Bồ tát Quảng Đức – người hiện thực hóa tinh thần Bồ tát đạo của Phật giáo Việt Nam

Bồ tát Quảng Đức – người hiện thực hóa tinh thần Bồ tát đạo của Phật giáo Việt Nam

Bồ Tát Thích Quảng Đức đã hoà nhập thực sự vào dòng chảy nhập thế của Phật giáo Việt Nam, đã trở thành biểu tượng cho tính dân tộc và đạo pháp của Phật giáo Việt Nam. Trái tim bất diệt ấy bất tử với thời gian và chạm đến hàng triệu triệu trái tim người con Phật, cũng như toàn nhân loại về thông điệp hòa bình, hòa hợp

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Bồ Tát Thích Quảng Đức đã hoà nhập thực sự vào dòng chảy nhập thế của Phật giáo Việt Nam, đã trở thành biểu tượng cho tính dân tộc và đạo pháp của Phật giáo Việt Nam. Trái tim bất diệt ấy bất tử với thời gian và chạm đến hàng triệu triệu trái tim người con Phật, cũng như toàn nhân loại về thông điệp hòa bình, hòa hợp

TT.TS Thích Hạnh Tuệ
Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Nghiên cứu PGVN, Phó khoa Phật giáo Việt Nam, Học viện PGVN tại Tp.HCM
ThS NCS Thích Nữ Huệ Nhật
Thành viên Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Tóm tắt: Trên con đường từ tập hướng đến quả vị giác ngộ viên mãn, hàng giả thực hành Bồ Tát đạo vừa tự trang nghiêm pháp thân, vừa giúp tha nhân luôn được an vui, chạm đến cánh cửa vô sinh. Đó cũng chính là con đường Phật giáo Việt Nam đã từng khởi đầu qua mấy nghìn năm lịch sử đồng hành cùng dân tộc, cùng đưa đất nước đến đỉnh vinh quang. Với tinh thần Bồ Tát hạnh của các vị vua phật tử như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông xây dựng quốc gia phát triển cực thịnh mọi phương diện mang đậm triết lý nhân sinh. Tinh thần ấy vẫn truyền đăng tục diệm đến muôn đời sau, sự kiện Bồ Tát Thích Quảng Đức thiêu thân yêu cầu Chính quyền Ngô Đình Diệm phải thực thi 5 nguyện vọng của Phật giáo Nước nhà, chấm dứt chính sách kỳ thị tôn giáo đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh tội ác của thế lực đen tối, trả lại hòa bình cho Phật giáo và dân tộc. Trái tim của Ngài chính là minh chứng của bậc chân tu đất Việt, minh chứng sống động tinh thần Bồ Tát trong Phật giáo Việt Nam: Đại lực, đại bi và vô úy.

1. Dẫn nhập

Với bề dày lịch sử hơn 2000 năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước, chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều”. Trên tinh thần Bi -Trí -Dũng của đạo Phật đã có sự tiếp nối công hạnh rạng ngời của chư vị Tăng Ni và Phật tử phát nguyện dấn thân đi vào cuộc đời độ sinh vẫn còn đó trong trang sử vàng đất Việt. Trong thời cận đại, sự tiếp nối của Bồ Tát Thích Quảng Đức đã hiện thực hóa tinh thần Bồ Tát đạo của Phật giáo Việt Nam trong sự kiện lịch sử chấn động toàn cầu “vị pháp thiêu thân”. Trái tim bất diệt ấy đã đánh động lương tri của những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới và soi thẳng tâm hồn tăm tối của những kẻ cầm quyền khát máu hung tàn.

2. Khái niệm Bồ Tát

Bồ Tát được phiên âm từ tiếng Phạn Bodhisattva, Hán-Việt là Bồ đề tát đỏa: Bồ-đề nghĩa là giác, Tát-đỏa là hữu tình. Bồ Tát nghĩa là giác hữu tình. Bồ Tát là hữu tình có giác ngộ. Giác ngộ về nỗi khổ của tất cả chúng sinh, đồng tình và thông cảm với nỗi khổ đó, và phát nguyện cứu giúp chúng sinh vượt thoát vòng luân hồi khổ đau vô tận.

Theo Pali gọi là Bodhisatta: “Bodhi” là trí tuệ hay giác tuệ; “Sattva” là chuyên chú, chỉ cho con đường tu tập của hành giả có trí tuệ, gia tăng thêm nhiều công năng để phụng sự cho lý tưởng tìm cầu quả vô thượng chính đẳng giác.

Phật Quang Đại từ điển[1] định nghĩa Bồ Tát là chỉ cho người tu hành trên cầu quả vô thượng bồ đề bằng trí tuệ, dưới hóa độ tất cả chúng sinh bằng tâm từ bi, tu các hạnh 6 pháp Ba la mật và trong vị lai sẽ thành tựu quả vị Phật. Cũng tức là người dũng mãnh cầu bồ đề, tròn đủ hai hạnh lợi mình và lợi người.

Theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa cho rằng “Bồ Tát” chỉ cho các hành giả sau khi hành trì Ba la mật đa (Paramità = lục độ) đã chứng Phật quả, nhưng do các vị phát nguyện dấn thân vào hồng trần để cứu độ chúng sinh cùng được giác ngộ, rồi mới nhập Niết Bàn (Nirvana). Trong Kinh Pháp Bảo Đàn có câu: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”[2] (Dịch: Phật pháp tại thế gian, không lìa thế gian mà tìm giác ngộ). Phật pháp ở ngay trong đời, quả vị giác ngộ không lìa đời mà tựu thành, tách xa trần thế tìm bồ đề thì cũng tựa như đi tìm lông rùa sừng thỏ. Bất cứ ở thời đại nào, Phật pháp cũng đều thích hợp với những hiểu biết, với trí tuệ của thế gian.

Muốn làm Bồ Tát thì trước hết phải có tâm nguyện lớn, hành trì giới Bồ Tát theo Tứ hoằng thệ nguyện: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. (Dịch: Phát lời nguyện độ thoát cho vô số lượng chúng sinh; đoạn trừ vô số lượng phiền não; nguyện học tập vô số lượng pháp môn; thành tựu Phật đạo vô thượng)[3]. Đây chính là nền tảng, nơi bắt nguồn các thiện pháp và thành tựu các giới đức viên mãn.

Các Bồ Tát đều là bậc Nhất sinh bổ xứ, thần thông đạt đến chỗ cao tột biến khắp mười phương, chỉ dẫn đường tốt cho chúng sinh, mở bày tạng pháp của chư Phật, chỉ dạy con đường Niết bàn, thâm nhập vào căn tính của mỗi người[4]. Trong tiến trình tu tập và nhập thế độ sinh, Bồ Tát thường thực hành nhiều đại hạnh như Lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ); Tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự);… Đệ tử Phật trên con đường tu tập hoàn thiện bản thân còn phải phát tâm thực hành hạnh Bồ Tát, tận dụng Ngũ minh để hoàn thiện việc độ sinh (nội minh, nhân minh, thanh minh, y phương minh, công xảo minh) vào việc hoằng pháp độ sinh tùy theo căn cơ của mỗi chúng sinh. Tất cả những lời nói, việc làm đêm đến sự an vui và lợi lạc cho chúng sinh đều gọi là thiện hạnh, lưu xuất từ tâm hạnh trên tinh thần Bồ Tát hạnh.

Qua đó có thể thấy Bồ Tát không giới hạn hình thức cư sĩ hay tu sĩ, chỉ chung cho những vị tu pháp Ba la mật cho mình, vừa nhập thế cứu độ tất cả chúng sinh, dấn thân phụng sự trên khắp lĩnh vực, góp hương thơm cho đời và đạo ngày một khởi sắc trên tinh thần từ bi, trí tuệ và bình đẳng. Phật giáo Việt Nam trước thế kỷ XX đã sản sinh nên những bậc Bồ Tát cùng chung tay xây dựng góp phần bảo vệ văn hóa dân tộc và phát triển đạo mầu đến khắp nhân sinh.

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2019 Thich Quang Duc tu thieu nam 1963 1

3. Tinh thần Bồ Tát đạo của Phật giáo Việt Nam trước thế kỷ XX

Theo Mahavagga (Đại phẩm) ghi lại rằng, sau khi Đức Phật Thích Ca hóa độ cho chàng thanh niên Yasa và hơn 50 người bạn, Ngài đã mong đem lại lợi ích cho chúng sinh, truyền trao giáo lý, khuyên dạy: “Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”[5]. Với hạnh nguyện của người con Phật, hàng tăng sĩ đi đến đâu đều giảng pháp, giúp mọi người cải đổi tâm tính và tìm ra hạnh phúc chân thật trong cuộc sống.

Trong thời Lý – Trần (thế kỷ X-XIV), các vị thiền sư nối gót hạnh Bồ Tát đạo của chư Phật, chư Tổ phò vua giúp nước như: quốc sư Vạn Hạnh có công trong việc đưa vua Lý Công Uẩn lên ngôi, thiền sư Lâm Huệ Sinh theo vua Lý Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành năm 1069… Khi đất nước yên bình trở lại, các ngài giúp ổn định lại đời sống nhân dân, cụ thể hoá giáo lý nhà Phật bằng cách tùy duyên dấn thân vào đời với nhiều vai diễn, tùy theo căn cơ trình độ và khả năng thích ứng của mỗi chúng sinh mà chỉ bày cho các phương thuốc khác nhau. Lúc đóng vai tu sĩ trên núi sâu mây ngàn, lúc làm người chèo đò tiếp sứ, khi làm quốc sư tham gia chính trị, làm thầy dạy học, có khi làm thầy thuốc chữa trị bệnh cho dân nghèo… Nhận xét của giáo sư Minh Chi cũng cho thấy rõ được vai trò của Phật giáo “Nhờ công lao của các thiền sư Việt Nam, đã tạo ra một nền văn hóa Việt Nam đích thực”[6]. Phật giáo được xem như là quốc giáo, với tinh thần tùy duyên, hòa quang đồng trần, Phật giáo hòa vào tâm thức người dân Việt và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu.

Tinh thần Bồ Tát đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông là sự kết hợp lý tưởng Phật quốc và lý tưởng đất nước “Sống mà không giúp gì cho đời là điều đáng hổ thẹn của kẻ trượng phu”. Người đã xây dựng một nền Giáo hội Trúc Lâm thống nhất mang đậm tinh thần từ bi và tính nhập thế. Vốn là một vị vua anh minh có tài lãnh đạo sáng suốt, đến khi lãnh đạo Giáo hội lại càng phát xuất phong thái của bậc tăng thống tôn nghiêm và cao quý, lấy Thập thiện nghiệp làm nền tảng căn bản đạo đức cho toàn dân đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn trong công cuộc hoằng pháp và độ sinh, cảm hóa được dân chúng “triều đình Đại Việt đã sống theo tinh thần cư trần lạc đạo và mở ra một phong trào Phật tử cư sĩ trong triều đình nhà Trần”[7]. Nối gót sư phụ, tổ Pháp Loa đã điều hành Giáo hội suất sắc, nâng lên tầm mới với nhiều hoạt động đào tạo tăng tài, xây dựng chùa chiền, tổ chức đạo tràng tu học ngày càng nhiều đáp ứng nhu cầu học Phật của các tầng lớp trong xã hội. Tiếp đến “Huyền Quang tiếp bước, tập trung nâng tầm trí tuệ, giải thoát về mặt tinh thần cho con dân Đại Việt theo tông chỉ của Phật giáo Trúc Lâm trong giai đoạn này”[8]. Với tinh thần vô ngã vị tha, thiền sư thường làm những bài thơ viết đến sự “quên”, mà trước hết là quên đi những ham muốn của bản thân mà toàn tâm phụng sự đến cho lợi ích quốc gia và dân tộc.

Sang thế kỷ XV – XIX, Phật giáo tuy có rơi vào tình trạng suy thoái nhưng với tinh thần Bồ Tát đạo, tinh thần hộ quốc an dân, các vị thiền sư cùng Phật tử đã cùng chung tay xây dựng điểm tựa tâm linh vững chắc cho người dân qua biến động thăng trầm lịch sử, Phật giáo đã luôn sống và tồn tại như thế trong lòng dân tộc Việt. Thời kỳ này phải kể đến Minh Châu Hương Hải thiền sư (1628 – 1715), người có vai trò quan trọng trong việc kế thừa và phát huy tinh thần nhập thế của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Với tâm nguyện tiếp dẫn hậu lai, báo đền ơn Phật, thiền sư sau khi ẩn tu đã phát đại từ bi tâm phụng sự chúng sinh, hòa mình vào thế gian “Tại thế tính hằng ly thế. Cư trần, lòng vốn viễn trần, ắt rằng thật là cứu cánh pháp”[9]. Thiền sư Chân Nguyên đau đáu nỗi đau của nhân dân, dốc lòng phụng sự việc đạo: “Sãi chưng nay, Mộ đạo tu hành, Xả đường kinh lịch. Chí dốc nên Phật Tổ siêu thăng, Lòng nguyện độ chúng sinh trầm nịch”. Các tác phẩm của Người phản ánh lên tình trạng xã hội lúc bấy giờ, châm ngòi cho những thế hệ sau dám nhìn thẳng vào thực tại, khuyên mọi người không nên kẹt vào trong mọi ý niệm, tuy sống trong cõi trần với muôn ngàn cám dỗ danh lợi nhưng tâm thế vẫn an nhiên như đã từng.

Trong thời cuộc vốn đẫy rẫy những cám dỗ danh lợi, Hải Lượng Ngô Thì Nhậm vẫn giữ được tâm bồ đề vì ông đã thấm đượm tư tưởng Phật giáo, sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng hi sinh quyền lợi bản thân mà hết lòng vì dân, vì nước. Ông đã ưu tư và thấu hiểu đến những nỗi lầm than của con người lúc bấy giờ, những bất công của xã hội đáng lên án: “Hà thời vũ khố thác cung thỉ, Hạc cốt sương đề phản cố lâm”. (Bao giờ đút túi cung tên cất vào kho vũ khí Xương hạc, móng sương trở về rừng xưa)[10]. Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài cổ động quần chúng tinh tiến tu hành Phật giáo theo quan niệm nhân gian “Ví như cái vạc ba chân, Nếu mà khuyết một ngả nghiêng đâu còn. Vật trong vạc ấy chẳng toàn, Ắt là trút đổ chỉn liền hư hao”[11]. Xã hội phải vững vàng trong ba mối quan hệ giữa nước với dân, cha với con, vợ với chồng (tam cương: quân thần cương, phụ tử cương, phu thê cương). Thông qua sự tu tập và bằng ngòi bút tinh tế mang đậm chất liệu thiền vị, Thiền sư đã thành công trong việc truyền đến năng lượng tích cực, cảm hóa người dân lòng tin vào Phật pháp trong thời đại vốn nhiễu nhương, bế tắc.

Phật giáo ảnh hưởng nhiều đến cách nhìn nhận, tư duy và lối sống sinh hoạt trong người Việt tạo nên sự đậm nét trong văn hóa Việt như lời nhận xét của vị cư sĩ trí thức Chánh Trí Mai Thọ Truyền “Đạo Phật hiện nay đã trở thành một nhu cầu tối yếu cho người dân Việt. Trước kia là một đạo của xứ ngoài, Phật giáo nay là một đạo của dân tộc”[12]. Với tinh thần Bồ Tát đạo, Phật giáo sẵn sàng bản địa hóa để hòa nhập với con người Việt nhưng không làm mất đi phần cốt yếu tinh túy của Phật giáo. Lịch sử dân tộc ta luôn gắn liền với lịch sử Phật giáo và giáo lý mầu nhiệm đã đi sâu gần gũi với mọi tầng lớp người dân Việt, xây dựng nền tảng đạo đức thiết thực cho người dân thực hành tìm đến hạnh phúc thực tại và chuyển hóa khổ đau.

4. Bồ Tát Quảng Đức – Người hành Bồ Tát đạo trong thế kỷ XX

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Phật giáo đóng góp to lớn vào thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, thống nhất đất nước “Những gì chúng tôi làm cho Phật giáo cũng có nghĩa là làm cho dân tộc, những gì chúng tôi làm cho dân tộc cũng có nghĩa là làm cho Phật giáo”[13]. Sự kiện bồ tát Quảng Đức thiêu thân vì đạo pháp vào ngày 11-6-1963 tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng đã phản ánh chế độ độc tài cực kỳ tàn bạo của chính quyền Mỹ – Diệm và gây chấn động dư luận toàn thế giới.

4.1  Hành trạng của Bồ Tát Quảng Đức

Bồ Tát thế danh là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; thân phụ tên Lâm Hữu Ứng và thân mẫu Nguyễn Thị Nương. Ngài được Bổn sư Như Đạt và cũng là cậu ruột đổi tên họ Ngài thành Nguyễn Văn Khiết, cho pháp danh là Thị Thủy, pháp tự Hạnh Pháp, pháp hiệu Quảng Đức, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 42.

Năm 15 tuổi thọ giới Sa Di, 20 tuổi, thọ đại giới Tỳ Kheo. Sau khi thọ đại giới, ngài phát tâm chuyên tu hạnh Đầu đà, vân du hóa đạo khắp nơi không từ nan mệt nhọc. Sau về nhập thất chuyên tu tại chùa Thiên Ân, thành phố Nha Trang. Năm 1935, Ngài được thỉnh cử giữ chức Kiểm Tăng cho Tỉnh Hội Phật Giáo Khánh Hòa.

Từ năm 1940 – 1945, Thích Quảng Đức Ngài trụ trì Tổ đình Linh Sơn tại Khánh Hòa, Nha Trang. Cũng trong thời gian này, Ngài đã kiến tạo và trùng tu tất cả là 14 ngôi chùa tại miền Trung. Đặt chân đến miền Nam (1948 – 1963), Ngài đã trùng tu và xây dựng 17 ngôi chùa lớn nhỏ, đặc biệt là Chùa Quán Thế Âm tại Gia Định, ngày nay đã trở thành nơi chốn tâm linh quan trọng của Tăng Ni và Phật tử qua nhiều thế hệ.

Năm 1953, ngài được cung thỉnh làm Trưởng Ban Nghi Lễ của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, trụ trì chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ – trụ sở đầu tiên của Hội Phật Học Nam Việt. Từ năm1954 – 1956, Ngài đi đến Nam Vang (Kampuchia) để giúp đỡ các Kiều bào và nghiên cứu Kinh tạng Pali và Phật giáo Nam Tông.

Năm 1963, phong trào tranh đấu của Phật giáo miền Nam diễn ra mạnh mẽ nhằm đấu tranh giành lại quyền bình đẳng tôn giáo, Ngài tích cực tham gia. Chính sách kỳ thị tôn giáo và đàn áp Phật tử của Ngô Đình Diệm khiến lòng dân ngày càng phẫn nộ, chúng tấn công vào các chùa lớn trong nước, bắt nhốt cả tu sĩ lẫn cư sĩ. Đứng trước cảnh tiêu vong của nước nhà, của Phật giáo dân tộc, chư Tăng Ni và Phật tử đã dõng mãnh phát tâm theo hạnh nguyện Bồ Tát, sẵn sàng thiêu thân cúng dường chư Phật và bảo vệ đạo pháp trước ách thống trị tàn bạo.

Ngày 11/06/1963 đã diễn ra cuộc diễn hành rước di ảnh chư vị Thánh tử đạo với sự tham gia trên dưới 800 Tăng Ni và Phật tử từ chùa Phật Bửu đến chùa Xá Lợi. Đến ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, Thích Quảng Đức bước từ trên xe xuống, tự mình tẩm xăng vào chiếc ca sa, ngồi kiết già kiết ấn tam muội và tự châm lửa thiêu thân giữa tiếng niệm Phật vang rền của chư Tăng Ni và Phật tử chấp tay cầu nguyện. Lửa đã tàn, Ngài ngã xuống trong lúc tay vẫn còn kiết ấn tam muội, sau đó nhục thân của Ngài được rước về quàn tại chùa Xá Lợi. Đến ngày 20/06/1963, Ủy Ban Liên Phái bảo vệ Phật giáo, Tăng Ni và Phật tử cử hành lễ trà tỳ, các phần xương thịt đều cháy hết chỉ duy nhất trái tim Bồ tát vẫn bất diệt dù bị nung nóng trên 4000 độ C. Hiện nay, trái tim của Bồ tát Quảng Đức được phụng thờ trong bảo tháp Việt Nam Quốc Tự – Thành phố Hồ chí minh.

4.2  Biểu hiện của tinh thần Bồ Tát đạo qua cuộc đời của Bồ Tát Quảng Đức

Thể theo tinh thần Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, mỗi khi dân tộc gặp đau thương, chết chóc thì người con Phật không thể an nhiên tụng kinh niệm Phật mà phải dấn thân hòa mình vào xã hội cứu khổ cho người dân. Bồ tát Quảng Đức là một trong những minh chứng sống động của công hạnh viên mãn của bậc xuất sĩ thời hiện đại “vui vẻ phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo”[14]. Trái tim ngọc xá lợi của Ngài chứa đựng trọn vẹn tâm hạnh Bồ Tát đạo, biểu hiện của những giá trị tâm linh tinh thần của Phật giáo.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ngon lua bo tat thich quang duc trong mat ban be quoc te 2

Từ nhỏ ngài đã bén duyên cửa Phật, thích nhập thất và chuyên tu hạnh đầu đà trong nhiều năm. Đi đến đâu, ngài lại dốc sức dựng chùa chiền đến đó, mở rộng đạo tràng làm nơi tâm linh trong niềm tin kính của người dân Việt. Phải có một tinh thần kiên định, chịu được sự thiếu thốn về vật chất, sự sự cô liêu tịch mịch nơi núi cao mây ngàn thanh vắng hay nơi đồng hoang khô cằn sỏi đá mới có thể thiết lập được đạo tràng hoằng dương Phật Pháp, làm tròn nhiệm vụ của bậc sứ giả Như Lai.

Con số kiến tạo và trùng tu cả thảy 31 ngôi chùa không phải nhỏ cho thời cuộc khó khăn lúc bấy giờ (Chùa Thiên Tứ, Phật Ân, Thiên Ân, Thiên Phước, Pháp Hải, Long Phước…). Dọc theo miền sông nước Cửu Long, Hà Tiên hẻo lánh, ngài một y một bát đặt chân hành đạo đến với người dân còn quá đỗi nghèo nàn và ít học, ít hiểu biết Phật pháp. Với tâm hạnh Bồ Tát đạo, ngài khéo léo và uyển chuyển trong mọi tình huống, lấy được niềm kính tin sâu sắc của chính quyền địa phương và các đồng bào, hòa nhập vào con người và nếp sống từng vùng miền theo đúng tinh thần hòa quang đồng trần.

Với tấm lòng vị tha, tinh thần vô ngã, Bồ tát phát nguyện xây dựng chùa chiền và độ sinh là thế nhưng không vướng mắc, ngài sẵn sàng giao lại cho các vị Tăng Ni hữu duyên tiếp nối và tiếp tục cuộc hành trình của mình. Thật đúng với lời thơ của thiền sư Hương Hải “Nhạn bay trên không, Bóng chìm đáy nước. Nhạn không để ý dấu, Nước không tâm lưu bóng”. Âm: “Nhạn quá trường không, Ảnh trầm hàn thủy.  Nhạn vô di tích chi ý, Thủy vô lưu ảnh chi tâm”. Hình ảnh con chim nhạn bay qua trên bầu trời, bóng nó trải dài trên mặt nước. Con chim nhạn không cố ý lưu giữ hình bóng của mình trong nước, mặt nước cũng không cố ý lưu giữ bóng hình của con chim. Cũng như Ngài khi tiếp xúc với cuộc đời trần thế, ngài không mong cầu, không chờ đợi, không phụ thuộc và không vướng mắc.

Dù bận nhiều công tác Phật sự, Ngài vẫn không từ nan nhận lãnh trách nhiệm mà Giáo hội giao phó, tạo nên sự hòa hợp giữa Tăng già và Phật tử “Phật tử chúng ta hãy cùng nhau tự giác, tự nguyện, bền chí với sứ mạng duy trì chánh pháp, bảo vệ lá cờ Phật giáo”[15]. Ngài không những không trốn trách trách nhiệm mà còn hoàn thành thật tốt những Phật sự mà Đại Tăng tin tưởng giao phó.

Trước khi Ngài ngài phát nguyện tự thiêu thân bảo vệ Đạo pháp và Dân tộc, dường như Người đã thấu đạt đến cảnh giới vô ngã, thân tứ đại hãy trả về tứ đại. Không một niệm sân hận dấy khởi “chúng tôi tuyên bố không coi ai là kẻ thù, nhất là đối với đạo Thiên Chúa (…) Chúng tôi tranh đấu là tranh đấu cho lý tưởng công bình, chứ không phải tranh đấu với tư cách một tôn giáo chồng lên một tôn giáo”[16]. Câu nói toát lên tâm hạnh của bậc Bồ Tát từ bi vô lượng, chỉ muốn thức tỉnh lương tri của chính quyền bạo ác, những thế lực đang bức hại Phật giáo một cách tàn nhẫn và vô lý.

Khi ngọn lửa cháy bùng khắp châu thân, Bồ Tát vẫn trong tư thế an nhiên tọa thiền niệm Phật nhập vào đại định tam muội, không ngọn lửa nào có thể đốt cháy chân tâm bất diệt của bậc đại hùng đại lực đại từ bi. Không ngọn lửa nào đốt cháy được đức nhẫn nhục bất khả tư nghì của Ngài, đây cũng là một pháp trong sáu pháp Ba la mật thành tựu Bồ tát đạo, sẵn sàng hi sinh thân mình vì sự tồn vong của đạo mầu dân tộc.

Chí nguyện vững chắc như kim cương bởi đạo lực của bậc Bồ Tát đã thành tựu thì không một thế lực nào có thể bức phá được thành tường kiên cố này, dù nội ma hay ngoại chướng bao quanh thử thách, bức hại. Tinh thần lợi tha và bổn nguyện của Ngài được thể hiện qua nhiều câu nói “trọn đời hy sinh”, “sống lợi quần sinh, sống từ bi hỷ xả mong có hy vọng đạt thành quả vị giác ngộ, đem lại không khí an bình với tình thương chân thật cho mọi loài” đáng làm tấm gương cho hậu thế muôn đời.

Lòng từ bi của ngài không phân biệt kẻ thân người sơ, đến giờ phút gần về Phật ngài vẫn một lòng nguyện cầu Phật Tổ gia hộ cho Ông Ngô Đình Diệm sáng suốt giải quyết 5 nguyện vọng chánh đáng của Phật giáo Việt Nam “Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở”.

Quan trọng hơn đó chính là thông điệp hòa bình, tình yêu thương con người mà Bồ Tát muốn gửi đến cho chính quyền độc tài đương nhiệm và cho cả thế giới. Sự hi sinh của Ngài sẽ góp phần khơi gợi trong tư duy toàn nhân loại ngẫm suy về giá trị đích thực của đời người và sự khao khát có được sự an ổn từ những đất nước nhỏ bé đang phải hứng chịu cảnh nước mất nhà tan. Mỗi con người cần tôn trọng quyền bình đẳng, quyền tự do và  hơn hết là quyền lợi và sự sống còn của dân tộc, của đất nước, của đạo pháp.

5. Thay lời kết

Tinh thần Bồ Tát đạo của Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ đã nói lên vai trò tích cực của Phật giáo trên nhiều phương diện tinh thần và vật chất đối với dân tộc Việt, tiếp nối hướng đi đúng đắn và có ý nghĩa, đã hiện thực hóa tinh thần Bồ Tát đạo qua những hành động và những giá trị thiết thực mà Phật giáo đem lại. Phật giáo thời Lý – Trần với sự xuất hiện của các bậc thiền sư ngộ đạo với cuộc đời tu tập và phụng sự đạo pháp. Phật giáo các giai đoạn về sau dù không phát triển được như thời kỳ Lý – Trần nhưng vẫn được chư vị cao tăng thực hành Bồ Tát đạo cùng nhau nối tiếp huyết mạch tổ tông, hoằng truyền Phật pháp đến hôm nay suốt chiều dài lịch sử. Phật giáo Việt Nam đóng vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp  (1945-1954) và kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), đóng góp to lớn vào thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, thống nhất đất nước.

Sự kiện Bồ Tát Quảng Đức thiêu thân vì đạo pháp và dân tộc vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 đã trở thành sự kiện trọng đại trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung trong thời cận đại. Bồ Tát Thích Quảng Đức đã hoà nhập thực sự vào dòng chảy nhập thế của Phật giáo Việt Nam, đã trở thành biểu tượng cho tính dân tộc và đạo pháp của Phật giáo Việt Nam. Trái tim bất diệt ấy bất tử với thời gian và chạm đến hàng triệu triệu trái tim người con Phật, cũng như toàn nhân loại về thông điệp hòa bình, hòa hợp, đánh động tâm thức đến những thế lực tàn ác phải dè chừng khiếp sợ và trở thành tấm gương sáng mãi bất diệt trong lòng người dân Việt và bạn bè khắp thế giới. Qua đó cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của tinh thần Bồ Tát đạo của Phật giáo trong việc nhập thế hộ quốc an dân, Phật giáo cần đóng góp và phát huy hơn nữa các yếu tố tích cực nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại cho phù hợp và khẳng định vị thế của mình trong việc phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo, văn hóa Việt Nam trong lòng dân tộc Việt Nam ta.

TT.TS Thích Hạnh Tuệ
Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Nghiên cứu PGVN, Phó khoa Phật giáo Việt Nam, Học viện PGVN tại Tp.HCM
ThS NCS Thích Nữ Huệ Nhật
Thành viên Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Thư mục tham khảo:
1. Minh Chi (2003), Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo.
2. Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Tương Ưng Bộ 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
3. Thích Quảng Độ (2014), Phật Quang Đại từ điển, Tập 1, Nxb. Phương Đông.
4. Hòa Thượng Tuyên Hóa (2010), Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
5. Thích Tịnh Hạnh (2000), Kinh Bản Nghiệp Của Bồ Tát, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc.
6. Mai Quốc Liên chủ biên (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, Tập I, Nxb. Văn Học.
7. Thích Giác Tâm (2014), “Lời giáo huấn của các bậc Cao Tăng”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Số 1, Xuân Giáp Ngọ.
8. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn Tập Minh Châu Hương Hải, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Lê Mạnh Thát (1979), Toàn Nhật Thiền sư toàn tập, Tập II.
11. Chánh Trí Mai Thọ Truyền (2007), Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo.
12. Thích Hạnh Tuệ (2019), Văn Học Phật Giáo Việt Nam – Một hướng tiếp cận, Nxb Khoa học Xã hội.
13. Thích Nhật Từ chủ biên (2014), Bồ Tát Thích Quảng Đức: Cuộc đời và lửa từ bi, Nxb. Phương Đông.
14. Thích Thiện Siêu (2002), Cương Yếu Giới Luật, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.

Chú thích:

[1] Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại từ điển, Tập 1, Nxb. Phương Đông, 2014, Tr. 765.
[2] Hòa Thượng Tuyên Hóa, Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, Tr. 153.
[3] Thích Thiện Siêu, Cương Yếu Giới Luật, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2002, Tr. 243.
[4] Thích Tịnh Hạnh, Kinh Bản Nghiệp Của Bồ Tát, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, Tr. 815.
[5] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng Bộ 1, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, Tr. 178.
[6] Minh Chi, Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 2003, Tr. 190.
[7] Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, Tr. 202.
[8] Thích Hạnh Tuệ, Văn Học Phật Giáo Việt Nam – Một hướng tiếp cận, Nxb Khoa học Xã hội, 2019, Tr.197.
[9] Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Minh Châu Hương Hải, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.228
[10] Mai Quốc Liên chủ biên, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, Tập I, Nxb. Văn Học, 2001, Tr. 305.
[11] Lê Mạnh Thát, Toàn Nhật Thiền sư toàn tập, Tập II , 1979, Tr. 22.
[12] Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 2007, Tr. 43.
[13] Thích Giác Tâm, “Lời giáo huấn của các bậc Cao Tăng”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1, Xuân Giáp Ngọ, 2014.
[14] Thích Nhật Từ chủ biên, Bồ Tát Thích Quảng Đức: Cuộc đời và lửa từ bi, Nxb. Phương Đông 2014, Tr. 58.
[15] Thích Nhật Từ chủ biên, Bồ Tát Thích Quảng Đức: Cuộc đời và lửa từ bi, Nxb. Phương Đông, 2014, Tr. 52.
[16] Thích Nhật Từ chủ biên, Sđd, Nxb. Phương Đông, 2014, Tr. 156.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường