Tác giả: Thích Nữ Hòa Tấn Lớp Cao học PG khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

“Lý tưởng Bồ Tát đạo trong kinh Thập Địa” là một trong những bài kinh rất cần thiết cho sự tu tập. Kinh Thập Địa thuộc phẩm thứ 26 trong kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm đề cập đến 50 giai vị tu tập của một vị Bồ Tát từ sơ phát tâm đến quả vị Phật. Thập Địa là bản kinh quan trọng và thiết thực, không thể thiếu cho hành giả trên bước đường tu tập đến giác ngộ, giải thoát. Trong suốt quá trình tu tập Bồ Tát chẳng rời niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

1. Thế nào là Bồ Tát?

Bồ Tát (菩薩) là từ viết tắt của chữ Bồ-đề-tát-đỏa (菩提薩埵), tiếng Phạn (Bodhisattva), tiếng Anh (Bodhisatta hay Bodhisatva), nghĩa là Giác hữu tình (覺有情). Theo quan điểm Thượng Tọa bộ Bồ Tát thực hành mười pháp Ba-la-mật- đa. Phật giáo Đại thừa tu sáu pháp Ba-la-mật-đa. Mười hạnh Bồ Tát theo Nam truyền Phật giáo gồm: “Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Xuất gia, Trí tuệ, Chân thật, Quyết định, Xả, Từ”.

Bồ Tát có ba hạng: Một là, Trí tuệ Bồ Tát (Pannadhika): chú trọng vào công phu tu tập, ít thiên về sùng đạo. Hai là, Tín đức Bồ-tát (Saddhadhika): thiên về lễ bái mượn tượng Phật tạo nên nguồn cảm hứng. Ba là, Tinh tấn Bồ Tát (Viriyadhika): thiên về lợi ít phục vụ chúng sinh. Bồ Tát là từ chỉ chung cho cư sĩ, tu sĩ như: giới Bồ Tát cả tu sĩ và cư sĩ điều lãnh thọ như nhau vậy.

2. Thập Địa là gì

Thập là mười, Địa là đất, nơi. Thập Địa (十地, Daśabhūmi) cũng gọi là Thập Trụ, chỉ cho mười quả vị tu chứng của Bồ Tát. Thập Địa xuất xứ từ kinh Đại phẩm Bát Nhã quyển 17, vì chỉ chung cho cả Tam Thừa, nên gọi là tam thừa cộng Thập Địa. Theo Thiên Thai tông gọi là Thông giáo Thập Địa. Trong đó Thập Tín thuộc bậc Nhập môn, Thập Trụ, Thập Hạnh và Thập Hồi Hướng thuộc bậc Tam Hiền, Thập Địa thuộc bậc Bồ Tát. Thập Địa (十地, Daśabhūmi) chỉ cho mười quả vị tu chứng của Bồ Tát. Qua các nguồn dữ liệu đã được ghi nhận cả ba bộ kinh Bồ Tát Địa (菩薩地, Bodhisattva-Bhūmi) và Thập Địa kinh (十地經, Daśabhūmika-Sūtra), Phạm Võng kinh Chùa Phật Quang, đều cho rằng Thập Địa có 10 bậc như: “Hoan Hỷ Địa, Ly Cấu Địa, Phát Quang Địa, Diệm Huệ Địa, Nan Thắng Địa, Hiện tiền Địa, Viễn Hành Địa, Bất Động Địa, Thiện Huệ Địa, Pháp Vân Địa” [1].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Ly Tuong Bo Tat Qua Kinh Thap Dia 1

3. Tư tưởng Bồ Tát qua Thập Địa

Hạnh nguyện Bồ Tát trên gánh vác Phật pháp, dưới giáo hóa chúng sinh, là chỗ quy về về của các công đức, trí tuệ, sinh ra từ bi phương tiện khéo léo, cho nên gọi là Địa. Theo Biệt giáo thì Bình đẳng tuệ là Hoan Hỷ Địa, Phật giáo là Pháp Vân Địa, theo Viên giáo thì trong Thập Địa từ Hoan Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa, đều đầy đủ ý nghĩa “Bình Đẳng, Thiện Tuệ, Quang Minh, Nhĩ Diệm, Tuệ Chiếu, Tuệ Quang, Mãn Túc, Phật Hẩu, Hoa Nghiêm và Phật Giới” [2]. Ở mỗi Địa ví như từng cấp bậc của Thập Địa, Bồ Tát chuyên tu một pháp chính yếu trong mười pháp Ba-la-mật.

• Hoan Hỷ Địa (歡喜地, Pramuditā-Bhūmi) tâm ý hoan hỷ

Bồ Tát Sơ Địa tu hạnh Bố thí Ba-la-mật là chính, nhưng vẫn phải thực hành Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ, Nguyện, Lực, Trí. “Tất cả những việc làm như bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự, đều chẳng rời niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Chẳng rời niệm Bồ Tát đồng hạnh, niệm lực Vô úy, pháp Bất cộng, niệm Nhứt thiết chủng trí” [3]. Như đức Thế Tôn dạy rằng: “Bồ Tát hành đạo, nếu tâm không nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng là đã lạc ra phàm phu thì không được Phật hộ niệm sẽ bị đọa lạc” [4]. Bồ Tát tu tập 40 giai vị đầu gồm: (Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng) chứng đắc an lạc thanh tịnh, đoạn trừ kiến hoặc chứng đắc nhân không và pháp không, đắc được tâm hoan hỷ, phát thệ nguyện cứu độ tất cả các chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi (Saṃsāra), chứng được tính Pháp (Dharma), Vô ngã (Anātman). Ví như câu chuyện một vị Thiền sư Nhật Bản “Cô gái mang bầu nói với cha mẹ là cô quan hệ với sư. Cha mẹ cô rất bực tức liền đến xỉ vả, sư vẫn làm thinh, chỉ nói “thế à”. Gia đình cô giao đứa bé cho sư nuôi. Sư nói “thế à”. Đứa bé lớn lên, mẹ đứa bé mới thú thật cha của đứa bé là người bán cá ngoài chợ. Cha mẹ cô sau khi nghe vậy vội đến sám hối xin đem cháu về nuôi. Sư nói “thế à” [5]. Trong mười điều tâm niệm có câu “Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả” [6]. Việt Nam có vua Trần Nhân Tông, khi các quan dâng biểu tên các tướng giặc đầu hàng, ngài không xem mà ra lệnh đốt hết, để họ khỏi mặc cảm những việc làm trước kia gây ra cho dân tộc Việt.

Ai nói gì thôi kệ, chúng ta luôn sống với tâm hoan hỷ một bề chuyên tâm tu tập, ấy là bổn phận và trách nhiệm của mình. Trong Thiền học đời Trần, Tuệ Trung dạy việc bổn phận cho vua Trần Nhân Tông “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc. Xem lại chính mình và việc bổn phận, chẳng từ nơi khác mà được” [7]. Nhờ có nghịch cảnh mới biết mình tới đâu. Cũng vậy, đức Thế Tôn từng nói Đề-bà-đạt-đa là thiện tri thức của ta. “Bồ Tát an trụ ở cõi Thật Báo Vô Chương Ngại, lại chứng được từng phần ở cõi Thường Tịch Quang. Các đại nguyện biện tài, công đức Phật Địa Ta đều được vào, xả bỏ tính phàm phu, gọi là Hoan Hỷ Địa” [8].

• Ly Cấu Địa (離垢地, Vimalā- Bhūmi) xa lìa phiền não

Địa thứ hai này, Bồ Tát tu tập Trì giới Ba-la-mật, “Bồ Tát trụ Ly Cấu Địa tính tự xa rời tất cả sát sinh, chẳng chứa dao gậy, chẳng có lòng oán hận, có tàm, có quý. Tất cả chúng sinh có mạng sống thời thương, sinh lòng từ làm lợi ích” [9]. Bồ Tát giữ Giới (Śīla) và tu tập Thiền định (Dhyāna Samādhi), xa lìa cấu uế: (thiện căn thanh tịnh, thấu suốt rõ ràng) [10]. Thực tế chúng ta dễ thấy điều này. Nhìn bề ngoài chùa cao Phật lớn, nhưng các huynh đệ ở đó tu chưa cao nên có những đòi hỏi, tranh chấp, phải trái, hơn thua thực nặng nề. Thiền sư Thảo Đường tuy ở am tranh một mình nhưng vẫn an lạc [11]. Vì vậy, người tu không quan trọng ở chùa lớn hay am tranh, thậm chí ở hang đá cũng vẫn an lạc và có cơm ăn hay nhịn đói cũng an lạc. Đó là người thật tu có thể đắc đạo” [12]. Vì giới là điều đức Phật chế định chung cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của (thân, khẩu, ý), tạo nhân lành hỗ trợ cho người an ổn tu tập. Công đức của sự trì giới, giúp thành tựu (Định, Huệ), ba nghiệp thanh tịnh, đoạn trừ phiền não: quá khứ, hiện tại, chứng quả Bồ-đề như trong Kinh Di Giáo đức Phật dạy: “sau khi Như Lai diệt độ phải trân trọng tôn kính tịnh giới…phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các ngươi. Nếu Như Lai có ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy” [13]. Kinh Phạm Võng có viết “Giới như đèn sáng lớn, soi sáng đêm tối tăm. Giới như gương báu sáng, chiếu rõ tất cả pháp. Giới như châu Ma ni, rưới của giúp kẻ nghèo” [14]. Qua đó, ở địa thứ hai này vô cùng quan trọng, cho dù ở cương vị nào cũng phải giữ giới vì nhân giới sinh định, nhân định phát tuệ. Giới khác nào như cây đèn (trí tuệ) để soi sáng đêm tối (cấu uế phiền não). “Bồ Tát từ vô lượng trăm ngàn ức na do tha kiếp vì đã xa rời tội tham giận phá giới nên hạnh bố thí, trì giới, được thanh tịnh toàn vẹn” [15]. Ngay cả vị Bồ Tát còn giữ giới, bởi thế Địa thứ hai này vô cùng quan trọng.

• Phát Quang Địa (發光地, Prabhākārī-Bhūmi) trí tuệ chói sáng

Ở tầng Địa thứ ba này, Bồ Tát tu hạnh Nhẫn nhục Ba-la-mật (Kṣānti), trừ được (tham, sân, si), hành Tứ Thiền (Dhyāna ), dùng Tam-muội Giải Liễu Trí, chứng đắc Lục Thông (Abhijñā), chứng Vô Thường (Anitya). Bồ Tát an trụ đệ Tam địa quán sát tất cả pháp hữu vi đúng với tướng chân thật của nó: Vô thường, khổ, bất tịnh…[16]. Bồ Tát kham nhẫn để làm cho người an vui và sống với pháp Phật. Vì vậy, Phật nói Bồ Tát Đệ tam địa thường làm vua cõi trời Đao Lợi có nhiều phước báu, nhưng không thụ hưởng mà thường dấn thân vào việc giúp đỡ người nhằm chuyển hóa họ theo chính đạo [17].

• Diệm Huệ Địa (燄慧地, Arciṣmatī-Bhūmi) trí tuệ rực rỡ

Kinh Hoa Nghiêm có nói: Địa thứ tư này gọi là Nhĩ, Bồ Tát tu tập Tinh tấn Ba-la-mật cơ duyên ngoài ba cõi không thể nghĩ bàn, nên chỉ có tín ngưỡng mà thôi [18]. Bồ Tát ở trong pháp Tam-muội Đảnh Lạc tu tập 37 phẩm trợ đạo: (Tứ Đế, Tứ Chính Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ-đề Phần, Bát Chính Đạo), đoạn sạch kiến hoặc và tư hoặc, chẳng bị đảnh đọa, không còn những quan niệm sai lầm. Vị Bồ Tát này thực hành bốn nhiếp pháp cố gắng tạo nhiều công đức hơn nữa, không làm các ác hạnh, thực hành các thần túc, thực hành “đồng sự nhiếp” trong bốn nhiếp pháp, Tinh tấn nhiều hơn, phát triển sâu rộng hơn các địa trước. Bồ Tát thường thực hành hạnh “Tinh tấn Ba-la-mật” mà thành tựu được đạo quả. “Bồ Tát an trụ Diệm Huệ Địa có thể dùng mười pháp do trí tuệ thành thục nện được nội pháp, sinh vào nhà Như Lai” [19]. Địa thứ tư này Bồ Tát làm vua cõi trời Dạ Ma tu hạnh Tinh tấn cộng thêm đồng sự nhiếp để hài hòa với mọi người.

• Nan Thắng Địa (極難勝地, Sudurjayā-Bhūmi)

Địa thứ năm này, Bồ Tát tu tập Thiền định Ba-la-mật đạt được mười lực diệu tuệ, chiếu soi tất cả pháp đều thông suốt. Mười lực này do Bồ Tát khéo tu tập mà sinh ra, pháp này có công năng sinh ra tất cả hạnh công đức. Những gì là mười? “1, biết rõ nghiệp thiện, ác. 2, biết tất cả việc làm thiện, ác, nghiệp duyên của chúng sinh. 3, biết rõ mong cầu của chúng sinh. 4, biết rõ chủng tính trong sáu đường khác nhau. 5, biết rõ tất cả nguồn gốc trong sáu đường thượng, trung, hạ khác nhau. 6, Bồ Tát biết tà định, chính định, bất định của chúng sinh. 7, Bồ Tát biết nhân quả thế gian và xuất thế gian. 8, Bồ Tát dùng ngũ nhãn biết tất cả pháp. 9, Bồ Tát biết rõ mọi việc trong trăm kiếp. 10, Bồ Tát diệt hết tất cả phiền não” [20]. “Đại Bồ Tát dùng mười tâm bình đẳng thanh tịnh này mà được vào bực ngũ Nan Thắng Địa” [21]. Bồ Tát đệ ngũ địa làm vua ở cung trời Đâu Suất.

• Hiện Tiền Địa (現前地,Abhimukhī-Bhūmi) chân như hiển hiện

Địa thứ sáu, Bồ Tát tu tập Trí tuệ Ba-la-mật, thấy tất cả pháp là vô ngã do Duyên khởi: cái này có mặt cái kia có mặt, cái này diệt cái kia diệt. “Hết thảy pháp hữu vi đều từ nhân duyên sinh, đó là nhân duyên, thứ đệ duyên, duyên duyên, tăng thượng duyên” [22], chuyển hoá trí phân biệt thành trí Bát-nhã. Địa thứ sáu này lấy trí tuệ Ba-la-mật làm pháp môn hành trì. Địa thứ sáu này phải quán sát mười pháp bình đẳng. “Vì vô tướng, vô thể, vô sinh, vô diệt, bổn lai thanh tịnh, không hý luận, không thủ xả, tịch tịnh, như huyễn, như mộng, như bóng, như vang,… vì không bất nhị nên bình đẳng” [23]. Bồ Tát đệ lục địa ở cõi Hóa Lạc Thiên.

• Viễn Hành Địa (遠行地, Dūraṅgamā-Bhūmi) đi xa

Địa thứ bảy, “Bồ Tát tu tập pháp Phương tiện Ba-la-mật, đầy đủ mười tám pháp bất cộng, hiển lộ chân như hoàn toàn, nên gọi là Mãn túc, cũng gọi là Viễn hành địa, có công năng chuyển hoá ba thời khắp mười phương” [24]. Rõ biết tất cả pháp đúng như thật. Địa thứ bảy, Bồ Tát ở cõi trời Tha hóa tự tại.

• Bất Động Địa (不動地, Acalā-Bhūmi) không lay động

Địa thứ tám này, Bồ Tát tu tập hạnh Nguyện Ba-la-mật, sống với tâm nhất chân như gọi là bất động, đồng thể với Phật. Bồ Tát không còn bị ngoại cảnh làm dao động. Theo kinh Giải Thâm Mật nói rằng: những phiền não vi tế được tiêu trừ. Ở Địa này, Bồ Tát biết được khi nào thế giới hình thành khi nào bị hoại diệt. Đại Bồ Tát chẳng hiện khởi tâm Bồ Tát, tâm Phật, tâm Bồ-đề, tâm Niết-bàn. Địa thứ tám này, Bồ Tát cõi trời sinh về cõi Phạm thứ nhất gồm có 1.000 thế giới.

• Thiện Huệ Địa (善慧地, Sādhumatī-Bhūmi) trí tuệ diệu dụng

Địa thứ chín này, Bồ Tát tu tập Lực Ba-la-mật, chứng được Trí tuệ viên mãn, đắc Thập lực (Daśabala), Lục thông (Saḍabhijñā), Tứ vô sở uý, Bát giải thoát. Bồ Tát trụ bực Thiện Huệ Địa này, đúng như thật biết các pháp hành thiện, bất thiện, vô ký, hữu lậu, thế gian, xuất thế gian, Thanh Văn, Độc Giác Bồ Tát, Như Lai Địa, pháp hành hữu vi, vô vi” [25]. Địa thứ chín này, vị Bồ Tát cai quản cõi trời Phạm thứ hai gồm có 2.000 thế giới.

• Pháp Vân Địa (法雲地, Dharmameghā-Bhūmi)

Đại Bồ Tát đầy đủ Trí Ba-la-mật đạt được vị trí của trụ bậc Pháp Vân Địa có thể an thọ nhiếp trì đại pháp minh, pháp chiếu, pháp vũ của một đức Phật nhẫn đến vô lượng đức Phật. Bồ Tát chứng được Pháp thân viên mãn, chứng Nhất thiết trí (Sarvajñatā): thông đạt trí tuệ, tùy thuận vô lượng Bồ-đề, thành tựu thiện xảo định lực, tiến lên quả vị Phật. Bồ Tát Thập Địa cai quản cõi trời Phạm thứ ba gồm có 3.000 thế giới.

Tóm lại, Ý nghĩa từng Địa trong Thập Địa, mỗi một Địa như bước thang cơ bản, những bậc tam cấp giúp ta tiến bước từ quả vị Bồ Tát tiến lên quả vị Phật. Cho dù tu tập ở tầng Địa nào đi chăng nữa, thì vị Bồ Tát cũng không rời niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng vì ba đời chư Phật, Bồ Tát đều lấy giới làm thầy: Vì nhân Giới sinh định, nhân Định phát tuệ, thứ cơ thành tựu Thánh đạo. Thật vậy, khi phân tích từng Địa trong Mười Địa, con thấy công hạnh, hạnh nguyện của các vị Bồ Tát vô cùng quảng đại, chúng ta sao có thể làm được như các ngài đây. Quả thật đúng như Thượng tọa Chơn Minh có nói rằng: “Chúng ta chỉ học theo công hạnh của các ngài thôi, chứ làm được như Bồ Tát thì còn rất xa lắm, chúng ta với không tới đâu” [26]. Muốn đạt được “Lý tưởng Bồ Tát” trước tiên mình phải làm chủ mình, như người biết bơi mới dám cứu kẻ đuối nước, như người sáng mắt mới tiên phong làm mũi tàu dẫn kẻ tối tăm. Mười Địa này chỉ có những vị Đại Bồ Tát mới làm được vậy. Mình chỉ phát nguyện, đời đời học theo công hạnh, hạnh nguyện của các ngài, có thế mới mong được chút phần tương ưng và trong nhiều kiếp về sau chúng ta mới làm được như các ngài, vì đâu phải thành Phật chỉ trong một sớm, một chiều có thể thành tựu được đâu kinh nói: “phải trải qua Ba-a-tăng-kỳ mới thành đạo quả”. Cũng như chúng ta muốn về cõi Tây Phương thì phải “niệm nhất tâm bất loạn”, chứ không phải muốn về là về cõi Tây Phương đơn giản như nhiều người lầm nhận vậy đâu. Chính mình không cùng tần số, thì sao ở được, lên trên đó chắc sinh sự (gây chuyện) à, người ta cũng trả về thôi. “Qua đó, tiến tu Bồ Tát hạnh theo kinh Hoa Nghiêm, trải qua 52 cấp bậc, từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng cho đến Thập địa và viên mãn hạnh tu của Bồ Tát Thập địa thì đạt quả vị Bồ Tát Đẳng giác và tiến lên Bồ Tát Diệu giác. Bồ Tát Đẳng giác tương đương với Phật về trí tuệ, nhưng phải thành tựu phần diệu dụng giống như Phật mới ngang bằng với Phật là Diệu giác Bồ Tát, hay còn gọi là Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ. Đó là lộ trình thể nghiệm pháp tu của Bồ Tát từ nhân hướng quả để thành Phật theo kinh Hoa Nghiêm” [27].

4. Ứng dụng thực tiễn

“Lý tưởng Bồ Tát đạo trong kinh Thập Địa”, “Hoàn thành mười pháp Ba-la-mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, phương tiện, nguyện, lực và trí là đầy đủ Thập độ Ba-la-mật của Bồ Tát thì đạt quả vị của Bồ Tát Đẳng giác, Diệu giác có đầy đủ điều kiện làm Phật” [28], nhưng phải đủ duyên đúng người đủ khả năng như Bồ Tát thì mới hạ sinh làm Phật. Muốn chỉ cho mỗi chúng ta phương pháp phải làm như thế nào để nhận chân ra được cái chân thật, biết phản quan lại chính mình ấy là bổn phận, đồng thời nói đến hạnh nguyện Bồ Tát, luôn vì chúng sinh nhưng trước hết chúng ta phải thắng được những phiền não do (tham, sân, si) chi phối như trong kinh Pháp Cú có câu: “Thắng hàng nghìn quân giặc cũng không bằng tự thắng chính mình, thắng chính mình mới là chiến thắng vẻ vang nhất” [29], chứ quý vàng bạc châu báu, kim cương, chùa to, Phật lớn, những thứ ấy chỉ là quy ước minh chứng cho cái quý của thế gian mà thôi. Vàng bạc chỉ cho chúng ta một đời sống đầy đủ, nhưng không phải ai cũng nghĩ như vậy, quyển Hộ Pháp Luận đức Khổng Tử nói rằng: “Buổi sáng được nghe đạo, chiều có chết cũng vui” [30]. Đạo ở đây muốn chỉ cho đạo hết khổ, đạo đạt được đến sự an lạc cả thân lẫn tâm. Nhà Phật quan trọng giác ngộ giải thoát. Trải qua từng giai vị Bồ Tát giúp con lấy đó làm hành trang, làm kim chỉ nam trên bước đường tìm về Bảo sở, tinh thần đó được thể hiện rất rõ trong “Lý tưởng Bồ Tát đạo trong kinh Thập Địa”. Chúng ta phải lấy đó để làm kinh nghiệm tu tập giúp chuyển hóa tâm Tham tâm Sân và tâm Si của chính mình, và phải sống với tâm Giới, tâm Định và tâm Tuệ.

Chính đây là bài pháp không lời vô cùng quý giá cho những ai đã và đang đi trên con đường giải thoát. Trên mỗi một con đường thành công phải bỏ lại những điều thất bại đã qua, chứ không phải đã qua sông rồi, mà chiếc bè vẫn còn vác. Chính Bồ Tát đã đi và nhận chân ra được chân lý đạo mầu, chia sẻ chúng sinh giác ngộ như ngài. Mỗi chúng ta hãy tạm gác lại những gì cái riêng tư cá nhân, mà phải cùng nhau chung sức nối dài dòng tay, để điểm tô cho ngôi nhà Phật pháp được tốt đẹp hơn. Cái quý nhất, giá trị nhất là tu đạo và hành đạo; chứ đừng chỉ biết dùng lời nói suông hoa mỹ cho vui thôi mà rốt cuộc không làm thì cũng bằng không thôi, ví như một cái thùng rỗng kêu to, cái muỗng trong nồi canh mãi mãi không biết vị của canh.

Tóm lại, “Lý tưởng Bồ Tát đạo trong kinh Thập Địa” giúp chúng ta nhận ra rất nhiều điều, như thế nào để không bị lui sụt, làm thế nào để được tăng tiến và đặc biệt phải làm thế nào cho đúng với ý nghĩa một người học pháp và hành pháp. Theo riêng cá nhân của con cảm nhận thì người học pháp phải là hành giả chứ không phải là học giả. Vị này có “Văn- Tư- Tu” hay “Giới- Định- Tuệ”. Chỉ có hành giả mới uống được dòng sữa pháp, cũng chính vị này hiểu được ý đức Thế Tôn chỉ dạy không nhầm, tuệ tri như thật. Chỉ có hành giả mới hiểu thấu đáo, như người lạnh nóng tự biết. Có như vậy chúng ta mới không cô phụ chí nguyện xuất gia của mình “Thượng cầu Phật đạo, Hạ hóa chúng sinh”. Đồng thời không cô phụ tứ ân trọng. Người hành giả mới làm cho Phật pháp được cửu trụ. Chúng ta phải tự làm hòn đảo cho chính mình, tự thắp đuốc lên mà đi, ngã đâu thì ngay chỗ ấy đứng dậy, là người biết chở về với ông chủ, bộ mặt xưa nay của chính mình. Thật đúng với mẫu hình “Lý tưởng Bồ Tát đạo trong kinh Thập Địa” vậy. Hoàn thành mười pháp Ba-la-mật là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ, Phương tiện, nguyện, Lực và Trí. Tuy cách dạy có khác nhau, nhưng chung quy luôn thống nhất nhau hỗ trợ cho nhau hướng đến cái “Chân Thiện Mỹ”, giác ngộ, giải thoát.

Tác giả: Thích Nữ Hòa Tấn Lớp Cao học PG khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Thích Minh Châu (2017), “Kinh Pháp Cú (DHAMMAPADA)”, Nhà Sách Đuốc Tuệ, tr.53. [2]. Thanh Kiểm (2003), “Khóa Hư Lục”, Nxb Tôn Giáo. [3]. Thích Chơn Minh (2022), “Phật giáo Ấn Độ Lịch sử và Học thuyết”, dạy Lớp Cao học khóa V, Tp. Hồ Chí Minh. [4]. Thích Thiện Siêu (1997), “Luận Đại Trí Độ 2”, Giải Thích Phẩm Tựa Đầu - Chương 44: Giải Thích Nghĩa 4 Duyên, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, trang 437. [5]. Thích Trí Tịnh (2021), “Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm”, Nxb Tôn Giáo, tr. 542. [6]. Thích Minh Thông dịch (2015), “Kinh Phạm Võng Hiệp Chú”, Nxb Đồng Nai, tr. 155-157. [7]. Ban Giáo Dục Tăng Ni Trung Ương (2017), “Kinh Di Giáo”, Nxb Phương Đông, tr. 15. [8]. Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam (1995), “Thiền học đời Trần”, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr. 51. [9]. Trích Luận Bảo Vương Tam Muội. [10]. Trích ấn phẩm: “Bardo-Bí mật Nghệ thuật Sinh Tử”, Nxb Tôn giáo, 2012. [11]. Giấy phép số 109/GP-BC do Bộ VHTT cấp ngày 19/03/2008. Tổng biên tập: HT. Thích Trí Quảng. 2008-2020 Bản quyền thuộc về Báo Giác Ngộ.