Trang chủ Lịch sử - Triết học Hình tượng ngọn lửa trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức trong tác phẩm Lửa từ bi của Thi bá Vũ Hoàng Chương

Hình tượng ngọn lửa trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức trong tác phẩm Lửa từ bi của Thi bá Vũ Hoàng Chương

Hình tượng ngọn lửa trái tim của Bồ tát Quảng Đức trong sự kiện năm 1963 của Phật giáo Việt Nam đã trở thành biểu tượng của tâm từ bi về hòa bình, tự do tín ngưỡng tôn giáo. Hình tượng ngọn lửa trái tim là sự kết nối, truyền thừa tinh thần, khí phách hiên ngang của lịch sử dân tộc và đạo Pháp

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Tóm tắt

Hình tượng ngọn lửa trái tim Bồ tát Quảng Đức đã trở thành biểu tượng của tự do, bình đẳng tín ngưỡng tôn giáo từ phong trào bảo vệ Phật giáo chống lại sự kỳ thị tôn giáo của chính quyền gia đình trị Ngô Đình Diệm năm 1963. Bằng nghệ thuật ngôn từ Thi bá Vũ Hoàng Chương đã khắc họa hình tượng ngọn lửa trái tim rất đỗi chân thật nhưng lại đầy triết lý nhân sinh sâu sắc qua tác phẩm Lửa từ bi. Từ đó, hình tượng ngọn lửa trái tim đã mang lại là hiện thân cho chí khí xuất trần, khí phách hiên ngang của bậc Bồ tát nhập thế. Mỗi một vần thơ trong thi phẩm là mỗi một ngọn lửa đang bừng cháy về khác vọng được tự do, về khác vọng được hạnh phúc. Ngọn lửa đó chính là ngọn Hỏa quang tam muội đủ khả năng phá tan lối nhìn thiên lệch, quan điểm thiên lệch để mang lại chân lý thực thụ. Bằng khả năng thơ văn của mình, Thi bá Vũ Hoàng Chương đã trước tác nên thi phẩm có giá trị và khẳng định được vị trí của tác phẩm trong lịch sử văn học Phật giáo Việt Nam. Thi phẩm Lửa từ bi đã đạt được hiệu ứng ảnh hưởng trên thi đàn dân tộc.

Từ khóa: Hình tượng ngọn lửa, trái tim, Bồ tát, Thích Quảng Đức.

Tác giả: ĐĐ.NCS Thích Minh Niệm & TT. TS Thích Hạnh Tuệ

1. Đặt vấn đề

Chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm được thiết lập kể từ sau khi ông lên nắm chính quyền. Đây là chuỗi chính sách được thi hành nhằm hạn chế sự vận động và phát triển của Phật giáo và đồng thời cũng là mục tiêu chính đi đến đánh bại các phong trào giải phóng dân tộc. Đỉnh cao của chính sách kỳ thị này là Công điện 9195 ngày 6-5-1963 với mục đích là triệt hạ cờ Phật giáo nhân Đại lễ Phật đản năm 1963. Kể từ đó phong trào vận động đòi tự do tín ngưỡng của Phật giáo được nổ ra và lan rộng. Phong trào này bắt đầu từ Huế tiếp đến Sài Gòn và sau đó lan rộng ra khắp cả nước đã được Tăng ni, Phật tử và quần chúng trên cả nước hưởng ứng tích cực.

Kể từ sau Pháp nạn năm 1963, Hình tượng trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức đã trở thành biểu tượng thiêng liêng bất tử cho sự tự do, hòa bình và từ bi tính sâu sắc. Trên nền tảng của phong trào vận động đòi tự do tín ngưỡng của Phật giáo năm 1963, Bồ tát Thích Quảng Đức đã thể hiện được khí chất đại hùng, đại lực và đại từ bi trên ba phương diện dận tộc, đạo pháp và nhân sinh. Có thể nói sự kiện vận động đòi tự do tín ngưỡng của Phật giáo năm 1963 đã đánh dấu bước ngoặc mới cho lịch sử Phật giáo Việt Nam. Điều đó thể hiện trên hai phương diện cả về lý luận và thực tiễn.

Trước sự kiện “Vị pháp thiêu thân” của Hoà Thượng Quảng Đức, nhà văn, nhà giáo với thi pháp và bút pháp tài hoa – Thi bá Vũ Hoàng Chương đã viết nên tác phẩm Lửa từ bi đầy cảm xúc với cả tấc lòng thành kính vô biên. Bài thơ như là diễn ngôn của phẩm hạnh và chí nguyện cao vời của Bồ tát Thích Quảng Đức. Quan trọng hơn là hình tượng ngọn lửa trái tim từ bi đã trở thành biểu tượng thiêng liêng bất diệt trong lòng đồng bào Phật tử Việt Nam. Biểu tượng đại diện cho hòa bình, cho tự do tín ngưỡng, cho tinh thần từ bi hỷ xả của đạo Phật.

2. Thi bá Vũ Hoàng Chương

S6479463 202

Thi bác Vũ Hoàng Chương (1915-1976).

Vũ Hoàng Chương (1915 – 1976), sinh tại Nam Định. Từ thuở thiếu thời, Vũ Hoàng Chương đã tiếp nhận nền Nho học tại gia đình. Đây chính là nền tảng để sau này ông viết văn học mang tính chất hoài cổ và đầy triết lý. Vào năm 1931 ông nhập học trường Albert Sarraut ở Hà Nội cho đến năm 1937 thì đỗ Tú tài. Cuộc đời và sự nghiệp học vấn của Vũ Hoàng Chương gắn liền với chuyên ngành khác nhau. Mỗi một chuyên ngành mà ông theo học đều dở dang và mang tính tạm thời do hoàn cảnh lịch sử tạo nên. Có thể thấy, đây là nhược điểm trên con đường học vấn của ông nhưng đó cũng chính là ưu điểm và thế mạnh cho ông để ông có cơ hội tiếp cận với nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Quá trình đó được thể hiện qua những giai đoạn và chặng đường học tập và hoạt động của ông. Năm 1938 ông theo học ở Trường Luật và một năm sau đó thì theo đuổi công việc Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương.

Năm 1941, ông thôi công việc tại Sở hỏa xa để đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, sau đó việc học còn đang dở dang thì ông lại đi dạy ở Hải Phòng. Có thể khẳng định rằng đây là khoảng thời gian mà thi bá Vũ Hoàng Chương đã đầu tư trí tuệ rất nhiều. Ông đã cho ra đời số lượng lớn thơ và kịch. Việc sáng tác nhiều tác phẩm thơ và kịch là cơ sở để ông trở lui về lại Hà Nội thành lập Ban kịch Hà Nội cùng với hai cộng tác viên là Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1944 ông đã kết hôn với Đinh Thục Oanh là chị ruột của nhà thơ Đinh Hùng. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 giành thắng lợi, Vũ Hoàng Chương đã không ở lại Hà Nội nữa mà chọn cách trở về sinh sống ở Nam Định và cũng thời gian này ông đã cho diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Chiến tranh lại nổ ra, con đường nghệ thuật của Vũ Hoàng Chương dường như cũng bị gián đoạn bởi hoàn cảnh lịch sử. Vũ Hoàng Chương đã tản cư cùng gia đình về Thái Bình làm nghề dạy học. Năm 1950, quân Pháp càn quét đến bắt cả nhà. Trước hoàn cảnh đó, ông phải bỏ Nam Định để trở về Hà Nội theo nghiệp giáo viên, dạy toán rồi chuyển sang dạy văn, tiếp tục sự nghiệp cho đến ngày đất nước được thống nhất.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 1954, Vũ Hoàng Chương đã vào ở Sài Gòn sinh sống. Ông tiếp tục sự nghiệp sáng tác và dạy học ở các trường trung học và Đại học Văn khoa Sài Gòn. Trong khoảng thời gian này Vũ Hoàng Chương đạt nhiều giải thưởng về văn học và nghệ thuật tiêu biểu. Điều đó thể hiện sự cống hiến to lớn của Vũ Hoàng Chương trong tiến trình cống hiến và phát triển về văn học và nghệ thuật.

Là một người nghiên cứu về văn học nghệ thuật, Vũ Hoàng Chương không thể bỏ qua được đề tài văn học Phật giáo. Đây là mảng đề tài rất quan trọng và chủ đạo của văn học trung đại Việt Nam. Nếu bỏ qua mảng đề tài này thì việc nghiên cứu về văn hóa, văn học trung đại hoàn sẽ không tránh khỏi khiếm khuyết. Với tư cách là một người giảng dạy văn học, sáng tác văn học nghệ thuật thì chắc chắn mảng văn học Phật giáo trung đại đã được Vũ Hoàng Chương nghiên cứu một cách chuyên sâu. Đó là nhân nguyên nhân mà Vũ Hoàng Chương ảnh hưởng rất sâu đậm tư tưởng Phật giáo thông qua văn học Phật giáo cũng như tiếp nhận từ nhiều khía cạnh khách quan khác nhau. Để sau này, khi phong trào đấu tranh đòi tự do bình đẳng tôn giáo tín ngưỡng nổ ra, Vũ Hoàng Chương đã bằng nhiệt huyết, bằng tinh thần ái đạo sâu sắc mà viết nên tác phẩm Lửa từ bi, tạo nên một dư chấn lớn lúc bấy giờ.

Ông đã từng làm Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam trong khoảng thời gian 1967 – 1973. Cho đến năm 1972 ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai. Kể từ đây trên thi đàn, ông được tôn vinh là Thi bá Việt Nam. Năm 1972, Vũ Hoàng Chương lần đầu tiên được đề cử giải Nobel văn học. Ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn. Đối với Thi bá Vũ Hoàng Chương, sự ra đi của ông đã để lại sự hoài niệm lớn trong quần chúng mà đặc biệt là giới tu sĩ và cư sĩ Phật giáo. Những vần thơ cháy bỏng qua Lửa từ bi đã thắp lên khác vọng tự do, hòa bình.

3. Vị trí tác phẩm Lửa Từ Bi trong Văn học Phật giáo Việt Nam

Có thể nhận thấy rất rõ rằng Lửa từ bi của Vũ Hoàng Chương là sự kế thừa, là sự kết tinh từ văn hóa, văn học, lịch sử,… của dân tộc.

Khi tác phẩm Lửa từ bi ra đời là hệ quả tất yếu của một mốc lịch sử quan trọng trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam. Chính vì vậy, trên nền tảng văn học, lịch sử dân tộc Vũ Hoàng Chương đã kế thừa và dung hợp dấu ấn văn học Phật giáo trong lịch sử mà ở đây là sự kế thừa hai tác gia lớn của Phật giáo triều Lê. Đó là Thiền sư Pháp Thuận và Thiền sư Khuông Việt.

Tác phẩm Lửa từ bi là sự tiếp nối nối tinh thần biện tài vô ngại của thiền sư Pháp Thuận.

Sau khi nhà Tiền Lê thành lập, vua Lê Đại Hành đã mời những thiền sư, những bậc cao tăng thạc đức ra hộ trì đất nước. Trong đó có nhà sư Pháp Thuận, Thiền sư giúp cho nhà vua soạn những văn kiện, thư từ cửa đất nước. Ông là một nhà sư đại tài, tài văn chương và ứng khẩu vô cùng xuất sắc. Tất cả toát lên khí chất của bậc xuất trần với khí phách hiên ngang. Năm 986, sứ giả nhà Tống là Lý Giác sang phong tước hiệu cho vua Lê Đại Hành. Trên thực tế đây là cuộc khảo sát về tình hình văn hiến, tri thức cũng như quân sự của đất nước ta. Nếu như sách lược của vua Lê Đại Hành không khéo léo thì nguy cơ thôn tính của nhà Tống với đất nước ta là rất lớn. Trước những chuyển biến thực tế, vua Lê Đại Hành đã nhờ Thiền sư Pháp Thuận giả làm người lái đò để ứng khẩu thi văn với sứ giả Lý Giác, người vốn có tài về văn chương. Khi đưa sứ giả Lý Giác sang sông thì vô tình sứ giả Lý Giác thấy hai con ngỗng trên bơi trên mặt nước liền ngâm 2 câu thơ đầu:

鵝鵝兩鵝鵝,

仰面向天涯.

Nga nga, lưỡng nga nga,

Ngưỡng diện hướng thiên nha.

Nghĩa là:

Ngỗng kia ngỗng một đôi

Ngửa mặt nhìn chân trời.

Sau đó Thiền sư Pháp Thuận liền đáp lại:

白毛鋪綠水,

紅棹擺青波。

Bạch mao phô lục thuỷ,

Hồng trạo bãi thanh ba.

Nghĩa là:

Lông trắng phô nước biếc

Chèo hồng rẽ sóng bơi.

Thi bá Vũ Hoàng Chương đã thừa kế tinh thần biện tài vô ngại của Thiền sư Pháp Thuận qua Lửa từ bi. Biện tài trên tinh thần bảo vệ hòa bình, an lạc cho nhân sinh. Tinh thần biện tài vô ngại của Vũ Hoàng Chương là tinh thần dung hợp biện tài nhưng vô úy. Đó là khả năng ngoại giao thể hiện bằng nghệ thuật ngôn từ thông qua thi ca mà Thiền sư Pháp Thuận đã ứng khẩu với Lý Giải. Tác phẩm Lửa từ bi đã dùng ngôn ngữ thi ca cũng để đối thoại với một chính sách mang tính cực đoan mà gia đình Ngô Đình Diệm đã áp dụng cho Phật giáo thời kỳ bấy giờ. Đây là lời tuyên ngôn hào hùng, là ngọn lửa bất diệt có khả năng đốt đi bao nhiều tà kiến về cách nhìn nhận các khía cạnh xã hội cũng như nhìn nhận về tôn giáo. Thi bá Vũ Hoàng Chương đã tiếp nối tinh thần vô úy, đại hùng lực mà Thiền sư Pháp Thuận đã từng đối diện và khéo léo ứng xử với sứ giả Lý Giải:

Giờ là hoàng đạo nguy nga

Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt

Nhìn nhau: tình huynh đệ bao la

Nam mô Đức Phật Di Đà.

Có thể nói rằng trên nền tảng mạch chảy cội nguồn Thiền bất ly thế gian trong tác phẩm Lửa từ bi của Thi bá Vũ Hoàng Chương đã kế thừa từ dòng chảy văn học Phật giáo Việt Nam. Trên thực tế, sự ứng khẩu của Thiền sư Pháp Thuận đã đánh đòn tâm lý vào sứ giả Lý Giải. Quan điểm xem thường người Việt bị phá vỡ, nhận định của ông về nước Việt là một nước có văn hiến bền vững. Kết hợp với tài phô diễn quân sự của Lê Đại Hành thì cuộc ngoại giao của triều đình nhà Lê đã thành công. Tác phẩm Lửa từ bi của Vũ Hoàng Chương đã làm chiến thắng về mặt tư tưởng cũng như tinh thần đấu tranh bất bạo động với chính sách cực đoan của chính quyền họ Ngô. Có thể nói sự tiếp nối, mạch chảy xuyên suốt chiều dài thơ văn Phật giáo của những bậc Đại sư Phật giáo đến với Vũ Hoàng Chương là mạch chảy tương tục, không gián đoạn.

Luatubi

Bìa tập thơ Lửa từ bi.

Lửa từ bi đã tiếp nối tinh thần khoan dung của Thiền sư Khuông Việt.

Sau khi sứ giả Lý Giải hoàn thành công việt đi sứ và trở về nước. Thiền sư Khuông Việt như bày tỏ nỗi bịn rịn khó tả khôn nguôi. Đó là sự nghệ thuật ngoại giao của Thiền sư Khuông Việt. Sự khéo léo trong giao tiếp từ Khuông Việt Thiền sư đã để lại ấn tượng sâu đậm trong sứ giả Lý Giải.Ngọc lang quy là minh chứng cho vấn đề này. Qua tác phẩm này đã thể hiện mối quan hệ ngoại giao đầy nhân văn và đầy tính nghệ thuật của triều Lê và Thiền sư Khuông Việt. Nếu như nói tác phẩm của Thiền sư Pháp Thuận là ngoại kích thì tác phẩm của Thiền sư Khuông Việt là tác phẩm nội công thực thụ. Những tình cảm mà Thiền sư Khuông Việt dành cho sứ giả Lý Giải không phải chỉ là tình cảm ngoại giao mà đó là tình cảm xuất phát tinh thần, tình cảm chân thật. Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp trong tác phẩm Lửa từ bi của Thi bá Vũ Hoàng Chương. Tác phẩm vừa mang tính hào hung mạnh mẽ nhưng cũng từ bi, hỹ xã và tràn ngập triết lý nhân văn. Mỗi một lời thơ của Vũ Hoàng Chương là mỗi một xúc cảm được kết hợp hài hòa trong hệ tư tưởng của Thiền sư Khuông Việt. Vì vậy, đọc thơ Vũ Hoàng Chương thì thấp thoáng đâu đó lại hiện lên hình tượng của Khuông Việt Thiền sư, còn hiện lên tinh thần khéo léo bất bạo động, hy sinh cá nhân để mang lại lợi ích cho số đông và sự an lạc, tự do cho quần chúng.

玉郎歸

祥光風好錦帆張,

神僊復帝鄉。

千重萬里涉滄浪,

九天歸路長。

人情慘切對離觴,

攀戀星星郎。

願將深意為邊疆,

分明報我皇。

Ngọc lang quy

Tường quang phong hảo cẩm phàm trương,

Thần tiên phục đế hương.

Thiên trùng vạn lý thiệp thương lang

Cửu thiên quy lộ trường.

Nhân tình thảm thiết đối ly trường!

Phan luyến tinh tinh lang.

Nguyện tương thâm ý vị biên cương,

Phân minh báo ngã hoàng.

Nghĩa là:

Gió xuân đầm ấm cánh buồm giương,

Ngóng vị thần tiên lại đế hương.

Non nước nghìn trùng vượt đại dương,

Trời xa bao dặm trường!

Tình thảm thiết,

Chén đưa đường.

Vin xe sứ giả vấn vương!

Dám xin tâu rõ cùng thánh thượng:

Lưu ý chốn biên cương.

Khẳng định tinh thần trong thời hiện đại

Bằng tinh thần dung hòa của nhà Phật kết hợp với mạch chảy của nền văn học Phật giáo Việt Nam, Vũ Hoàng Chương đã viết nên tác phẩm Lửa từ bi đầy tính khoan dung nhưng cũng đầy mạch cảm xúc tràn đầy. Đó là đặc điểm cũng như sự phối hợp hài hòa của Vũ Hoàng Chương để làm sáng tỏ hơn về hình tượng Bồ tát Thích Quảng Đức và biểu tượng trái tim bất diệt. Mỗi ý thơ của Vũ Hoàng Chương là sự kế thừa có nền tảng của dòng chảy văn hóa, văn học mang tính xuyên suốt trong lịch sử dân tộc. Từ đó, khai triển hình tượng Trái tim bất diệt là hình tượng được kết tinh bằng một chuỗi dài của tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật mang tính chất thời đại.

Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc

Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi

Chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác

Trong vô hình sáng chói nét từ bi.

Bài thơ Lửa từ bi của Vũ Hoàng Chương là sự đồng điệu, giao cảm, hỗ tương với bài bài thơ Lửa đốt em tôi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Đây là hạnh nguyện mà quý Ngài đã noi gương Đức Dược vương Bồ tát. Tiếp nối ngọn lửa của Bồ tát Thích Quảng Đức để mang lại hạnh phúc cho số đông, mang lại tự do tín ngưỡng tôn giáo, hòa bình cho dân tộc, Đại đức Thích Thanh Tuệ đã tự thiêu ngày 13.8.1963, tức là ngày 24.6. Quý Mão để mang lại sự chí khí và tinh thần của đạo Pháp. Đồng thời sự kiện này cũng nhằm mục đích nâng cao lý tưởng và tinh thần hy sinh vì đạo Pháp cho của quần chúng Thanh niên Phật tử Việt Nam lúc bấy giờ. Sự tự thiêu của Đại đức Thích Thanh Tuệ là cái chết cho sự sống còn của đạo pháp. Đại đức nguyện tự chết để yêu cầu chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm đáp ứng Năm nguyện vọng của Phật giáo đồ Việt Nam. Trong bức thư gửi đến Tổng thống Ngô Đình Diệm bấy giờ.

Nội dung bức thư ghi rằng: Tôi tăng sinh Thích Thanh Tuệ, 17 tuổi, kính gởi đến Ông, những nguyện vọng độc nhất trước khi tôi về cõi Phật.

  1. Hãy chấm dứt mọi tình trạng khủng bố và áp bức Phật giáo đồ, và thả gấp tất cả những Phật tử bị bắt giam kể từ ngày mồng 8 tháng 05 năm 1963 đến nay.
  2. Hãy giải quyết thỏa đáng gấp những nguyện vọng của Phật giáo đồ đã nêu trong các biểu ngữ.
  3. Triệt để không cho bà Ngô Đình Nhu lên đài phát thanh, tiếng nói Việt Nam Cộng Hòa để nhục mạ Phật giáo, báng bổ cố Hòa thượng Thích Quảng Đức, vì việc làm ấy không những làm giảm giá trị của Phật giáo, mà trái lại gây sự căm phẫn trong quần chúng”.

Bức thư gửi cho Tăng Ni và toàn thể tín đồ Phật giáo Việt Nam, có nội dung: Trước khi về cõi Phật, tôi trân trọng gởi đến quý Ngài lời chào tối hậu và tôi xin thành kính cầu nguyện hồng ân Tam bảo, Bồ tát Quảng Đức, liệt vị Thánh tử đạo gia hộ quý Ngài pháp thể khinh an, để đoàn kết chặt chẽ sau lưng Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết và Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo, tranh đấu cho nền tín ngưỡng của dân tộc và yêu cầu chính phủ thực thi những nguyện vọng tối thiểu mà quý Ngài đã ghi trong các biểu ngữ, trong các báo chí Phật giáo.

Vì hiểu được chính quyền Ngô Đình Diệm sẽ gây khó khăn cho gia đình mình nên Đại đức đã viết thư cho gia đình: Con chết đi, Cậu phải đương đầu với mọi đe dọa, nhưng Cậu đừng sợ, đừng xiêu lòng, khi họ dùng những mánh lới khác, mà Cậu phải hy sinh hoàn toàn cho Phật giáo, dù cho bản thân tứ đại của Cậu phải bị diệt vong. Lần cuối cùng, con kính lời đến gia đình con, quý bác, chú, thím, cô, dì, cậu, mợ và quý anh, chị em họ hàng thúc bá nội ngoại xa gần, lời chúc vĩnh biệt, trước khi con về cõi Phật.

Khuya 13.8.1963, ngọn lửa đã bừng lên trước chùa Phước Duyên và Đại đức đã về cõi Phật trong niền thương cảm của Tăng ni và Phật tử. Trước sự hy sinh của Đại đức trên nền tảng tiếp nối ngọn lửa của Bồ tát Thích Quảng Đức, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết:

LỬA ĐỐT EM TÔI

Lửa đốt cháy lòng tôi, đau thế gian,

Ngã gục người học tăng bé nhỏ

Em đốt Tuổi Xanh thành Lửa Đỏ

Cháy ngất trời cao ngọn đuốc

Rực về sông núi âm u

Ôi thịt xương em

Cho tôi quỳ ngàn năm bên đống tro yêu quý

Luyện phép linh thiêng

Biến em thành  hoa hồng trở lại

Những đóa sen búp đầu mùa chưa kịp hái

Chưa từng nở thấy ánh thiều quang

Tôi nghe rồi em, mưa gió phũ phàng,

Tôi nghe rồi em,

Từng tế bào rưng rưng trong cơ thể

Tôi nghe rồi, tiếng gọi em vang –

Không ai vô tâm đâu – địa ngục hay thiên đàng

Đều ngó về em, tim thế gian ngừng đập ;

Trời đất nhìn nhau : trời cao hay thấp ?

Tên em viết bằng chữ trăng sao.

Lửa đốt em tôi

Ôi là da là thịt

Em có đau không ? nước mắt tôi không đủ

Để tưới lên, mát dịu hồn bé nhỏ linh thiêng

Tôi còn đây, thương tích dẫu nặng nề,

Mang nguyện lớn chuyển trao về thế hệ.

Tôi còn đây, chúng tôi hứa chẳng bao giờ phản bội.

Em nghe không ? – chẳng bao giờ phản bội,

Vì tim em đã hóa trái tim tôi.

(Bài thơ hiện khắc trong bia tháp Đại đức Thích Thanh Tuệ trong khuôn viên chùa Phước Duyên – Huế).

Qua tác phẩm Lửa từ bi, hình tượng Trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức đã thể hiện vị trí của văn chương hiện tại mang tính kế thừa và phát triển vững mạnh. Tác phẩm là kết tinh của ý mang tính thời đại, là đặc điểm là hiện tượng văn học có tầm anht hưởng trong một mốc lịch sử quan trọng. Như vậy, những gì mà Vũ Hoàng Chương đã trình bày trong tác phẩm đã khẳng định được vị trí của tác phẩm. Chính điều này, đã đưa tác phẩm Lửa từ bi lên tầm cao mới, thể hiện chí khí kiên cường, thể hiện bản lĩnh hiên ngang để tìm lại hòa bình và tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Những gì mà thể chế Ngô Đình Diệm đã mang lại thì dưới góc nhìn của Vũ Hoàng Chương nó như là điều kiện khẳng định, thể thử thách tinh thần đại bi, đại dũng mà Phật giáo luôn xiểng dương. Vấn đề này được xem là đặc điểm nổi bậc của tác phẩm để khẳng định vị trí tác phẩm trong dòng chảy văn học Phật giáo Việt Nam.

Img 3896.jpg

4. Hình tượng nghệ thuật Ngọn lửa trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức

Ngọn lửa trái tim là biểu tượng cho hỏa quang tam muội soi sáng vô minh, phá tan nỗi khổ niềm đau của chúng hữu tình.

Lửa, lửa cháy ngất tòa sen,

Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ, quỳ cả xuống

Hai vầng sáng rưng rưng

Đông Tây nhòa lệ ngọc

Chắp tay đón một mặt trời mới mọc

Hỏa quang chính là ánh sáng của ngọn lửa. Ánh sáng này được đốt lên bằng sự Thiền định mới có được nên gọi là Hỏa quang tam muội. Bởi lẽ Tam muội (Tam ma địa) sẽ được hiểu: Chánh định—Samaya—Samadhi—Từ nầy có nhiều nghĩa khác nhau. Theo Phật giáo, Tam Muội có nghĩa là tâm định tĩnh, không bị quấy rối. Sự nối kết giữa người quán tưởng và đối tượng thiền. Trong nhà Thiền, Tam Muội chẳng những ám chỉ sự quân bình, tĩnh lặng hay nhất tâm bất loạn, mà nó còn ám chỉ trạng thái tập trung mãnh liệt nhưng không hề gắng sức, mà là sự thấm nhập trọn vẹn của tâm trong chính nó hay là sự trực quan cao rộng (nhập chánh định).

Sự hiện hữu của Bồ tát Thích Quảng Đức giờ đây không phải là sự hiện hữu của một hành giả bình thường mà chính là sự hiện hữu của một bậc Bồ tát nhập thế. Ngọn lửa kia đã thiêu đốt ngay nơi vị trí Bồ tát đang ngự tọa. Chính vị trí đó là vị trí tòa sen xuất hiện. Tòa sen ở đây chính là tòa sen tâm kết bằng sự tinh khiết, vô nhiễm của bậc tu hành phạm hạnh. Ngọn lửa cháy lên tòa sen không còn là ngọn lửa thường tình của thế gian. Vì ngọn lửa của thế gian thì chỉ đốt lên với nguồn nhiệt lượng cụ thể, có khả năng đốt cháy một hiện vật cụ thể nhưng ngọn lửa của Bồ tát Thích Quảng Đức là hỏa quang tam muội. Ngọn lửa này ngoài chức năng phát ra nhiệt lượng, ngoài chức năng đốt cháy thì còn phát ra được nguồn năng lượng cảm hóa quần sanh, có khả năng khai mở đường mê để bày ra lối về nẻo giác. Chính vì vậy, mới Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ, quỳ cả xuống. Ngọn lửa này đã thức tỉnh nhân sinh, hướng cho nhân sinh có cái nhìn chánh định. Trước ngọn lửa thiêu đốt Bồ tát Thích Quảng Đức nhưng Ngài vẫn điềm nhiên. Điều này khác xa với tâm thế một người bình thường. Giờ phút ngọn lửa phát lên cũng là giờ phút mà Ngài đã nhập vào tam muội. Cho nên, ngọn lửa Tam muội có khả năng tương thích với một Thiền sư đi vào tam muội mà không còn bị chi phối bởi cảm giác nóng lạnh thường tình.

Trời đất vũ trụ cũng giao cảm trước ngọn lửa đại ngọn lửa chánh định này.

Hai vầng sáng rưng rưng

Đông Tây nhòa lệ ngọc.

Tinh thần của Vũ Hoàng Chương đã hòa vào tinh thần hồn thiên của sông núi để mới cảm nhận thế giới hiện tượng như đang diễn ra xung quanh mình. Đây là sự cảm nhận từ trái tim của thi sĩ đồng điệu với trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức.

Ngọn lửa trái tim là biểu tượng của sự kết tinh từ bi và trí tuệ.

Ánh Đạo vàng phơi phới đang bừng lên, dâng lên

Ô đích thực hôm nay trời có mặt

Giờ là hoàng đạo nguy nga

Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt

Nhìn nhau: tình huynh đệ bao la

Nam mô Đức Phật Di Đà

Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay.

Ngọn lửa này bừng cháy được xuất phát từ một trái tim vị tha, trái tim không vị kỷ. Trái tim đó là trái tim của trí tuệ của Phật giáo. Chỉ có Phật giáo mới có khả năng chuyển hóa từ một trái tim của tâm thức thường tình sang trái tim đầy trí tuệ. Ngọn lửa được đốt lên luôn mang ánh sáng của tuệ giác, mang ánh sáng của sự thức tỉnh, bao dung và ý vị.

Ngọn lửa trái tim là biểu tượng cho khả năng vô sinh bất diệt của chân lý.

Thương chúng sinh trầm luân bể khổ

Người rẽ phăng đêm tối đất dày

Bước ra ngồi nhập định về hướng Tây

Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ

Phật Pháp chẳng rời tay

Sáu ngã luân hồi đâu đó

Mang mang cùng nín thở

Tiếng nấc lên từng nhịp báng xe quay

Không khí vặn mình theo, khóc òa lên nổi gió

Người siêu thăng… giông bảo lắng từ đây

Bóng người vượt chín tầng mây

Nhân gian mát rượi bóng cây Bồ đề.

Tuy nhục thân của Bồ tát Thích Quảng Đức đã không còn nữa nhưng sự Pháp thân, sự hiện hữu của Ngài là vô sinh bất diệt:

Người rẽ phăng đêm tối đất dày

Bước ra ngồi nhập định về hướng Tây.

Ngài đã an trú nơi thế giới vô tung nhưng Pháp hưởng của Ngài để lại đã làm cho quần chúng lợi lạc thực thụ. Đó là sự lợi lạc được thiết lập trên nền tảng sức mạnh của chính giới, chính định và chính tuệ.

Ngọn lửa trái tim là biểu tượng chí khí của bậc xuất trần thượng sĩ.

Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc

Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi

Chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác

Trong vô hình sáng chói nét từ bi.

Rồi đây…rồi mai sau…còn chi ?

Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát

Với thời gian, lê vết máu qua đi

Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ tát

Dội hào quang xuống chốn A tì

Ôi ngọn lửa huyền vi…

Lịch sử sẽ mãi ghi tên Ngài, một bậc xuất trần thượng sĩ. Sống trong khó khăn mà quên đi khó khăn, sống trong nguy hiểm mà quên đi nguy hiểm để mang lại những giá trị phụng sự nhân sinh cao nhất. Nếu động cơ đó không được thiết lập trên cơ sở hạnh và nguyện lớn mạnh của một người người xuất trần thì khó làm được việc đó. Cho nên:

Chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác

Trong vô hình sáng chói nét từ bi.

Khí phách hiên ngang của Bồ tát Thích Quảng Đức đã làm sống dậy biết bao con tim hướng về với đường chân nẻo chính. Tất cả sẳn sàng hy sinh để bảo vệ đạo pháp. Nguồn khí phách được dâng lên cao trào khi ngọn lửa trái tim đang đạt đến đỉnh cao của ánh sáng. Trái tim bất diệt đã hóa thành biểu tượng.

Ngọn lửa trái tim là biểu tượng cho sự hy sinh quên mình vì đạo pháp, dân tộc.

Thế giới ba nghìn, phút giây ngơ ngác

Từ cõi vô minh

Hướng về cực lạc

Vần điệu thi nhân chỉ còn là rơm rác

Và cũng chỉ nguyện được là rơm rác

Thơ cháy lên theo với lời kinh

Tụng cho nhân loại hòa bình

Trước sau bền vững tình huynh đệ này

Thổn thức nghe lòng trái đất

Mong thành quả phúc về cây

Nam Mô Thích ca Mưu Ni Phật

Đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt

Tình thương hiện tháp chín tầng xây.

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương

Tinh thần từ bi Bồ tát Thích Quảng Đức đang hiện hữu trong mọi không gian và thời gian. Sự hưng thịnh của đạo Phật ngày nay một phần là nhờ vào sự hiện hữu hình tượng của một vị Bồ tát giàu lòng thương đạo và thương đời.

Thơ cháy lên theo với lời kinh

Tụng cho nhân loại hòa bình.

Ngọn lửa trái tim đã ăn sâu vào mỗi một con người đang hiện hữu, đã lấy tất cả đau thương để kết nên sự tự do và hòa bình, Nó là kết tinh cho tinh thần hy sinh, vị tha và vô ngã.

5. Lời kết

Hình tượng ngọn lửa trái tim của Bồ tát Quảng Đức trong sự kiện năm 1963 của Phật giáo Việt Nam đã trở thành biểu tượng của tâm từ bi về hòa bình, tự do tín ngưỡng tôn giáo. Hình tượng ngọn lửa trái tim là sự kết nối, truyền thừa tinh thần, khí phách hiên ngang của lịch sử dân tộc và đạo Pháp, tất cả như hòa quyện vào nhau để hun đức lên tinh thần tự cường của dân tộc, tinh thần đại hùng đại lực của Phật giáo.

Hình tượng ngọn lửa trái tim đã và đang mang lại cho mỗi một con người trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng một cách nhìn về tinh thần bất tử của niềm tin vào chánh Pháp. Một khi niềm tin tinh thần đã được thiết lập thì sức sống đạo Pháp hiện hữu. Tri thức có thể được mổ xẻ, phân tích đúng sai nhưng đối với niềm tin tinh thần thì bất diệt. Biểu tượng ngọn lửa trái tim từ bi bất diệt của Bồ Tát Quảng Đức không chỉ nằm trong phạm trù khái niệm nhận thức đúng sai hữu hạn mà còn là minh chứng xác thực sống động cho sức mạnh tinh thần được biểu hiện thực tế trong đời sống con người dựa trên nền tảng của chân lý đức Thế Tôn đã truyền dạy

Tác giả: ĐĐ.NCS Thích Minh Niệm & TT.TS Thích Hạnh Tuệ

***

Tài liệu tham khảo

1. Lê Cung (2013), 50 năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam, NXB Đại học Huế, Huế.
2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Ban hoằng Pháp tỉnh Thừa Thiên Huế, Tư liệu Cuộc vận động đòi tự do tín ngưỡng của Phật giáo năm 1963, Lưu hành nội bộ.
3. Thích Nhật Từ – Nguyễn Kha (Đồng chủ biên-2013), Pháp nạn Phật giáo 1963 – Nguyên nhân, bản chất và tiến trình, NXB Hồng Đức.
4. Lê Mạnh Thát (2005), Một số tư liệu mới về Bồ Tát Quảng Đức, Nxb Tổng hợp TP HCM
5. Thích Hạnh Tuệ (2018), Văn học Phật giáo Việt Nam, Nxb KHXH HN

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường