La Sơn Phúc Cường tổng hợp
Phật giáo Tạng truyền chia giáo pháp đức Phật trong ba thời chuyển pháp luân: thời thứ nhất, đức Phật truyền trao những giáo pháp Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo; thời thứ hai, đức Phật truyền trao giáo pháp Đại thừa và thời thứ ba, đức Phật truyền trao giáo pháp Mật thừa. Bài viết xin được lược lại một số quan điểm cơ bản của thuyết này.
Lần chuyển pháp luân thứ nhất
Lần chuyển pháp luân lần thứ nhất tại Varanasi, thánh địa mà chúng ta có thể viếng thăm ngày nay tại Ấn Độ. Đức Phật truyền trao giáo pháp tại vườn Nai mà ngày nay ta thường gọi là Samath, đó là một nơi chốn xa xôi và ít người biết tới.
Sau khi chứng đạt giác ngộ, đức Phật đã im lặng, không truyền pháp trong bảy tuần. Lý do là bởi giáo pháp vô cùng tôn quý, hy hữu và lợi lạc. Ngài chỉ truyền trao giáo pháp khi chư thiên thiết tha thỉnh cầu giáo pháp. Chư thiên bao gồm cả Phạm Thiên đã thỉnh cầu ngài truyền trao giáo pháp, sau đó ngài đã tới Varanasi và truyền pháp tại vườn Nai.
Ngài truyền pháp cho năm người đệ tử đầu tiên, những người có kết nối nghiệp sâu sắc trong các đời trước với ngài. “Giáo pháp trong lần chuyển pháp luân thứ nhất là Tứ diệu đế, bao gồm Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Ngài dạy về bản chất, chức năng và hiệu quả của bốn chân lý cao quý này. Nền tảng của toàn bộ Phật giáo đều dựa trên bốn chân lý cao quý này”(1). Trong Tứ diệu đế, đức Phật đã dạy về khổ đau, nhân khổ đau, giải thoát và con đường tiến tới giải thoát, giác ngộ. Nhân của khổ đau là vô minh, nhưng vô minh có thể được tận trừ bằng trí tuệ.
Đức Phật truyền trao Tứ diệu đế rất dễ hiểu với những người thực hành, ngài luận giảng lý do tại sao phải thực hành, các quả vị đạt được nếu thực hành. Ngài đã chỉ rõ rằng nếu chúng sinh không thực hành giáo pháp, họ sẽ mãi lang thang trong luân hồi sinh tử nhưng nếu thực sự hành Pháp, sẽ nếm trải quả vị giải thoát của Niết bàn. Trước hết Đức Phật dạy rằng khổ đau là bản chất cố hữu của luân hồi và muốn muốn có hạnh phúc, an lạc đích thực phải vượt thoát được luân hồi. Thứ hai, ngài dạy rằng nhân của khổ là các phiền não, các kiết sử hay nghiệp. Để vượt thoát luân hồi khổ não chúng ta phải tỉnh thức, nhận diện và diệt trừ những nhân tạo nên khổ đau. Chân lý về Diệt đế chỉ ra rằng khi ấy chúng ta có thể đạt tới an lạc. Niết bàn là sự chấm dứt hoàn toàn khổ đau và mang lại an lạc đích thực. Và thứ tư con đường đạt tới Niết bàn là Đạo đế.
Bởi vì bản chất luân hồi là khổ đau, cho nên muốn vượt thoát luân hồi phải tận trừ các nhân tạo nên luân hồi. Bởi vì Niết bàn là an lạc đích thực nên đây là cảnh giới chúng ta phải nỗ lực thành tựu. Nhưng thành tựu Niết bàn và tận trừ luân hồi không phải tự nhiên mà có thể đạt được mà cần phải thực hành qua đối trị các nhân tạo nên luân hồi và kiến tạo các nhân đạt tới Niết bàn an lạc. Đó là lý do đức Phật truyền trao giáo pháp Tứ diệu đế thông qua lý Nhân-quả. Nhân của luân hồi là các phiền não như tham, sân, si và nghiệp cần phải được tận trừ. Tương tự như vậy, nhân của an lạc và hỷ lạc Niết bàn là con đường cần phải được nuôi dưỡng.
Giới, định, tuệ là con đường chung cho những ai muốn vượt thoát khổ đau, đạt tới an lạc đích thực mặc dù có sự khác nhau về số lượng và mức độ những giới nguyện mà từng đối tượng thọ lĩnh. “Cấu trúc tổng quát của con đường Phật giáo, trong lần chuyển pháp luân thứ nhất, bao hàm ba mươi Bồ-đề đạo phẩm. Tứ niệm xứ với sự thực hành chính niệm về thân, cảm thọ, tâm và các pháp, tỉnh thức về bản chất khổ đau của luân hồi để từ đó phát triển dòng tâm xả ly, vượt thoát luân hồi. Tứ chính cần với bốn sự tỉnh thức giúp dấn thân từ bỏ những nhân khổ đau và nuôi dưỡng những nhân của an lạc. Sự điều phục các dòng tâm và hành động bất thiện, trưởng dưỡng các nhân thiện lành trong dòng tâm được thực hiện qua Tứ như ý túc, Ngũ lực, Bát chính đạo, Thất giác chi của lộ trình giác ngộ”(2).
Lần chuyển pháp luân thứ hai
Tiếp đến, trong lần chuyển pháp luân lần thứ hai đức Phật truyền trao giáo pháp tại các nơi chốn như tại đỉnh Linh Thứu ở Rajagriha, Ấn Độ. “Đại chúng hiện diện lắng nghe giáo pháp là các La hán và vô số các vị Bồ tát. Những giáo pháp được đức Phật truyền trao trong lần chuyển pháp luân thứ hai, chủ yếu đề cập tới tính không của pháp và tâm. Các giáo pháp này bao gồm cả Bát nhã Tâm kinh rất phổ biến trong các truyền thống Phật giáo Đại thừa, đó là đối thoại giữa ngài Xá Lợi Phất và Bồ Tát Quán Thế Âm. Giáo pháp này đã không được truyền trao rộng khắp đại chúng, mà chỉ cho những đệ tử đã có nghiệp thanh tịnh, có năng lực thấy nghe được lời Bồ tát Quán thế âm và ngài Xá Lợi Phất”(3).
Trong lần chuyển pháp luân thứ nhất, đức Phật đã dạy rằng phải xả ly luân hồi để đạt tới Niết bàn. Nhưng bằng cách nào có thể thành tựu mục đích này? Mục đích này phải chăng có nghĩa để tới Niết bàn, chúng ta cần phải một hành trình dài để tới một nơi chốn mà mình chưa từng tới? Điều đó có nghĩa chúng ta phải tạo ra những nơi chốn và phẩm chất mới để có được Niết bàn? Thực sự không phải như vậy. “Tất thảy chỉ có ý nghĩa là chúng ta phải thấu hiểu bản chất chân thực của vạn pháp, chúng ta phải thấu hiểu tri kiến hiện thời của mình về thực tại là lầm sai và chúng ta phải tận trừ tất thảy các phiền não, che chướng trong dòng tâm thức. Và ngay khi chúng ta thấy vạn pháp như đúng bản chất của chúng thì khi ấy chúng ta sẽ thành tựu quả vị Phật”(4).
Trong lần chuyển Pháp luân thứ nhất, đức Phật đã truyền trao Tứ Diệu Đế, giáo pháp được phổ biến cho đại chúng, bởi đã được ghi chép lại trong lịch sử, lần chuyển Pháp luân thứ hai được xem như sự mở rộng trên các chủ đề mà đức Phật đã giảng trong lần chuyển pháp luân thứ nhất. “Trong lần chuyển thứ hai này, Ngài đã dạy không chỉ bản thân chân lý về khổ đau, sự cần thiết phải tỉnh thức và diệt trừ khổ đau của riêng bản thân mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận diện khổ đau của toàn thảy chúng sinh, vì thế nội dung bao quát hơn rất nhiều. Ngài không chỉ giảng về những phiền não là cội nguồn của đau khổ trong luân hồi, mà cả những dấu vết vi tế của chúng lưu lại trong dòng tâm”(5).
Trong lần chuyển pháp luân thứ nhất, sự tận diệt các khổ đau chỉ đơn thuần được xác minh, tuy nhiên trong lần chuyển pháp luân lần thứ hai, đức Phật giải thích bản chất, đặc trưng của lộ trình tận diệt những khổ đau trong luân hồi.
Đạo đế cũng được đề cập một cách sâu xa hơn trong lần chuyển pháp luân này, ví như trong Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa, Đức Phật đã dạy lộ trình, đặc trưng sự thực chứng về tính Không, bản tính của mọi pháp, kết hợp với từ bi tâm và tâm thức giác ngộ, nguyện lực vị tha để đạt đến giác ngộ vì lợi ích của toàn thể chúng sinh. Ngài dạy về sự hợp nhất phương tiện và trí tuệ trong lần chuyển pháp luân thứ hai, nên chúng ta thấy rằng chủ đề lần thứ hai mở rộng và phát triển trên cơ sở lần chuyển pháp luân thứ nhất.
Các luận giảng trong lần chuyển pháp luân thứ hai không mâu thuẫn với mục đích, bản chất và cấu trúc tổng quát của giáo pháp được truyền trao trong lần chuyển pháp thứ nhất. Đó là lý do trong Đại thừa phân thành hai loại kinh điển, liễu nghĩa và bất liễu nghĩa, tức là một số tiếp nhận giá trị bề mặt và tư tưởng đúng như văn tự trình bày, một số đòi hỏi sự diễn giải sâu xa của trí tuệ không dựa trên cái thấy biết thông thường. Kinh điển Đại thừa cần căn cứ trên bốn loại xác tín: Y pháp bất y nhân, ý nghĩa bất y ngữ, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa và y trí bất y thức.
Ngoài làm rõ rõ ý nghĩa của Diệt đế, khả năng và các lộ trình tiến tới giác ngộ, truyền trao các giáo pháp về trí tuệ Bát nhã, lần chuyển pháp luân lần thứ hai, đức Phật cũng chỉ rõ những phẩm hạnh của một vị Phật. "Chúng ta thấy rằng giác ngộ là có thể bởi vì không có sự khác biệt giữa bản chất tính không của tâm chúng ta và tâm của một vị Phật. Bởi vì tâm không tồn tại cố hữu, nên chúng ta có thể tận trừ các phiền não. Chúng hòa tan vào Như thị và khi đó chúng ta được tịnh hóa khỏi các phiền não. Và khi đó chúng ta đồng thời phát triển những phẩm chất giác ngộ của một vị Phật”(6).
Bản chất vô ngã cũng được đức Thế Tôn nhắc tới trong lần chuyển pháp luân lần thứ nhất, nhưng giáo pháp Trí tuệ Bát nhã trong lần chuyển pháp luân thứ hai đã luận giải vạn pháp đều không có tự tính cố hữu. Nhưng bởi vì vạn pháp vẫn còn hiện khởi như là tồn tại cố hữu, ngay cả khi ta đã hiểu chúng không thật như vậy, thì cũng nên thường quán vạn pháp hiện khởi như mộng huyễn. Phương pháp này giúp tránh bám chấp vào các hiện tướng là nền tảng cho sự khởi sinh các phiền não như sân hận, tham lam. Vô minh là nền tảng của tất cả các phiền não. Tận trừ được vô minh, hết thảy các phiền não khác sẽ được điều phục.
Lần chuyển pháp luân thứ ba
Lần chuyển pháp thứ ba, đức Phật truyền trao các giáo tại Shravasti và nhiều thánh địa khác tại Ấn Độ, đôi khi đức Phật truyền giáo pháp này ở các cõi trời như cõi trời Đâu suất trước sự hiện diện của tất thảy các đại Bồ tát. Các giáo pháp này hiển lộ rằng bản chất Phật hiện diện trong dòng tâm của tất thảy chúng sinh. Chúng ta có thể đặt câu hỏi tại sao giáo pháp này lại được truyền trao sau cùng? “Lý do là trong lần chuyển pháp lần thứ hai đức Phật đã dạy về vạn pháp đều không có bản chất cố hữu. Các giáo pháp này có thể dẫn tới niềm tin rằng mục đích của con đường Phật giáo, đạt tới Niết bàn đơn giản chỉ là tính không hoàn toàn hay sự trống rỗng hoàn toàn. Để tránh những hiểu lầm này, đức Phật đã truyền trao giáo pháp chỉ ra rằng dòng tâm không phải trống rỗng. Khi một người đạt tới quả vị Phật, sự rực rỡ nguyên thủy của tâm bản lai sẽ hiển lộ”(7). Sự rực rỡ hay tính quang minh của dòng tâm có nghĩa tâm về bản lai không phải là che chướng, xấu ác mà bản chất là toàn tri, rực rỡ. Ngay khi tận trừ được các che chướng và si mê thì bản chất rực rỡ và quang minh của dòng tâm sẽ hiển lộ đầy đủ nhất. Ngay khi sự sáng rõ này của dòng tâm hiển lộ, khi ấy có thể thấu hiểu vạn pháp của luân hồi và Niết bàn một cách rõ ràng.
Lần chuyển pháp luân thứ ba được kết tập trong nhiều Mật điển khác nhau. Đức Phật đã giảng chi tiết thêm những chủ đề trong lần chuyển pháp luân thứ hai, đặc biệt là chủ đề về tính Không. Trí tuệ Tính không đã được luận giảng ở mức độ hoàn hảo, thâm sâu và toàn diện nhất trong lần chuyển pháp luân thứ hai nhưng trong lần chuyển pháp luân thứ ba đức Phật đã dạy những con đường cụ thể để nhanh chóng chứng đạt trí tuệ tính Không. Đức Phật truyền trao những giáo pháp về tự tính Phật và bản chất tịnh quang của tâm thức, và các phương pháp để thể nhập các cảnh giới này. Đây chính là nền tảng của việc thực hành các chân ngôn bí mật hay giáo pháp Mật thừa. Như vậy có một mối liên hệ chặt chẽ và rất logic về nội dung giữa những kinh điển Đại thừa và Mật điển trong Mật thừa. Bởi căn cứ này nên nhiều học giả phân chia Mật thừa là một bộ phận của Đại thừa. Giáo pháp Đại thừa được chia ra gồm Ba-la-mật thừa và Mật thừa. Trong Ba-la-mật thừa, người thực hành trưởng dưỡng các thứ lớp tu tập, dần dần qua bốn thứ lớp để tiến tới mức độ thứ năm là quả vị Phật. “Trong Mật thừa, hành giả thực hành đồng thời bốn cảnh giới thanh tịnh của quả vị Phật là thân thanh tịnh, môi trường thanh tịnh, cảm thọ và hành động thanh tịnh. Lần chuyển Pháp luân thứ hai và thứ ba không phổ biến rộng rãi cho đại chúng mà cho những nhóm đệ tử có căn cơ nhất định, đặc biệt Kim cương thừa được thực hành trong bí mật; bởi vậy được gọi là Mật thừa”(8).
Kinh điển đã lưu chứa các giáo pháp vô cùng sâu rộng về bản chất vạn pháp nhưng trong hệ Mật thừa, đức Phật đã truyền trao cho người đệ tử khả năng đạt tới quả vị Phật qua con đường nhanh chóng. Giáo pháp Mật thừa có thể mang lại những quả vị này bởi vì cung cấp các phương tiện thiện xảo đặc biệt các kỹ thuật thiền quán về giai đoạn phát sinh, giai đoạn thành tựu của một vị Phật bản tôn và sử dụng các kỹ thuật thiền định để trực nhân bản chất dòng tâm. Như vậy trong lần chuyển Pháp luân thứ ba, đức Phật đã truyền trao các giáo pháp cho những ai đã thấu đạt những giáo pháp trong lần chuyển pháp luân thứ hai, rằng vạn pháp đều không có thực tướng và khát ngưỡng đạt nhanh chóng đạt tới quả vị giải thoát tối thượng để làm lợi ích tối đa cho chúng sinh. Đức Phật đã luận giảng từ một góc độ khác liên quan tới bản chất bất hoại, toàn hảo và thanh tịnh của vạn pháp.
Lần chuyển pháp luân thứ ba cũng luận giải về tâm vi tế, đó là nền tảng của Mật điển. Liên quan tới đến Phật tính, giáo pháp Mật thừa cho rằng nguồn gốc tối hậu của tâm Phật là tâm vi tế. Mỗi con người đều có tiềm năng đó trong dạng thức tâm vi tế nhất của mình. Các phiền não có thể bị tiêu trừ bởi những pháp đối trị các phương diện thô của tâm, nhưng các dấu ấn vi tế của các phiền não chỉ có thể bị tiêu trừ bởi tâm vi tế này. Các Mật điển luận giảng kỹ về những năng lực này qua thân, khẩu, ý vi tế. Bởi lý do này dẫn tới giác ngộ nên các bậc thầy trong Mật thừa đều khuyên rằng sau khi thuần thục sáu Ba-la-mật, có được sự thành tựu hợp nhất thiền định và trí tuệ và thấm nhuần con đường Đại thừa, người thực hành hãy bước vào con đường Mật thừa (Tantra).
Trong thực hành Mật thừa, có nhiều cách phân loại các Mật điển. Ngài Pháp Xứng phân loại về năm thứ lớp Mật điển như sau:
1. Giai đoạn phát khởi
2. Giai đoạn hoàn thành
3. Giai đoạn xả ly
4. Giai đoạn huyễn thân và tịnh quang
5. Giai đoạn hợp nhất
Giai đoạn phát khởi liên quan đến việc quán tưởng các Bản tôn. Trong các pháp tu Mật điển Du già (Yoga Tantra) cao cấp nhất, việc thực hành cần hợp nhất ba thân Phật, gồm: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân trên con đường thực hành thông qua các tiến trình chết, giai đoạn trung gian và tái sinh. Trong khi các kinh điển Hiển giáo dạy rằng: cần phải mất ba ATăng tỳ kiếp hoặc nhiều hơn nữa mới có thể chứng đạt Phật quả thì kinh điển Mật giáo dạy rằng có thể chứng đạt tới quả vị Phật trong một đời ngay trong một thân người.
Vậy tại sao đức Phật lại truyền trao các giáo pháp ở các thừa khác nhau như vậy? Câu trả lời là mỗi chúng sinh có nhu cầu và căn cơ khác nhau. Tâm nguyện chính của hàng Thanh Văn, Duyên giác là đạt giải thoát và các ngài tập trung thực hành Tứ Diệu Đế cùng 37 phẩm trợ đạo, Thập nhị Nhân duyên. Đối với Đại thừa, các Bồ tát có mục tiêu không phải là sự giải thoát của riêng bản thân, mà hướng tới giảm thiểu những khổ đau của tất thảy chúng sinh. Con đường Bồ tát tập trung vào tam học và chứng đạt Phật quả.
Về cuộc tranh luận vị trí của Phật giáo Đại thừa và Kim cương thừa, có người cho rằng đó không phải do chính đức Phật tuyên thuyết. Một số quan điểm cho rằng, những tư tưởng Đại thừa và Mật thừa bắt nguồn từ tôn giáo, tín ngưỡng bản địa như đạo Bà-la-môn hay đạo Bon. Ví như nhiều quan điểm cho rằng Mật điển Thời Luân Kim Cương mãi tới thế kỷ thứ VII mới xuất hiện và có nhiều hình tướng tương đồng với đạo Hindu. “Nhưng ngày nay Mật điển Thời luân Kim cương được chính đức Đạt Lai Lạt-ma và nhiều luận sư xác quyết được đức Phật truyền trao một tháng trước khi ngài Niết bàn tại Dharanikota (Dhanvakatakam)- một địa phương tại thung lũng Krishna, thuộc Guntur, bang Andhara Pradesh. Nơi đây từng là thủ đô của vương quốc Satavahana (thế kỷ thứ I tới thứ II) và cũng là thủ đô của triều đại Kota Vamsa trong suốt thời Trung cổ cho đến giữa thế kỷ XII”(9).
Thêm nữa nếu suy xét kỹ càng, chúng ta sẽ thấy nguồn gốc, mục đích, kinh điển, sự hành trì và tu tập của Phật giáo khác về bản chất với các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa đó. Về vấn đề này, Đức Đạt Lai Lạt-ma khuyên nên học hỏi cách tiếp cận của các luận sư Ấn Độ như đức Long Thọ, Trần Na, Thế Thân, đức Di Lặc (Maitreya), Thánh Thiên, Tịch Thiên v.v…Các ngài đã lập luận và minh chứng trong các bộ luận của mình rất lôgic và khoa học vệ tính chân xác của Đại thừa, lập luận rằng các hệ giáo pháp này chính là được truyền trao bởi chính đức Phật.
Đức Phật đã chuyển pháp luân ba lần và truyền trao nhiều giáo pháp Nguyên thủy, Đại thừa và Mật thừa ở những nơi chốn khác nhau cho những đệ tử có căn cơ khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Nhưng bởi vì ngài đang giảng cho các đệ tử có căn cơ vô cùng khác nhau, dường như với nhiều người, đức Phật chủ yếu chỉ giảng về Phật giáo Nguyên thủy, đôi khi dường như với họ, ngài chỉ truyền trao giáo pháp Đại thừa và với những người đủ nhân duyên, phẩm chất, ngài truyền trao Mật thừa. Tất nhiên đây là cách thức mà mọi người thụ nhận giáo pháp từ đức Phật, với nhiều người dường như đức Phật truyền trao hoàn toàn giáo pháp Nguyên thủy, với nhiều người cho rằng ngài hoàn toàn chỉ truyền trao Đại thừa.
Bởi vì điều này nhiều người cho rằng đức Phật chỉ truyền trao giáo pháp Nguyên thủy và không truyền trao giáo pháp Đại thừa, mà giáo pháp Đại thừa là do những người thế hệ sau tạo nên. Nhiều người khác lại tin rằng đức Phật truyền trao giáo pháp Đại thừa nhưng không truyền trao giáo pháp Mật thừa, mà lại cho Mật thừa được sáng tạo bởi những tổ sư của các tông phái, bởi các lạt-ma Tây Tạng v.v... Những người giữ luận điểm cho rằng giáo pháp Đại thừa và Mật thừa được sáng tạo bởi những người thế hệ sau là do họ dựa vào tri kiến cho rằng đức Phật chỉ là một người bình thường không có bất kỳ năng lực nào, thay cho việc nhìn đức Phật là bậc giác ngộ thị hiện trên thế gian để cứu độ chúng sinh do lòng từ của mình, và dẫn đạo cho chúng sinh tới giải thoát giác ngộ. Khi đã thành Phật, đức Phật có thể hiện diện ở bất cứ nơi chốn nào và thông qua những năng lực siêu việt của mình, truyền trao giáo pháp cho vô số chúng đệ tử khác nhau. Ngay khi mọi người nhớ nghĩ ngài chỉ là một người Ấn Độ bình thường, khi ấy họ sẽ có những nghi ngờ như: có thực sự ngài truyền những giáo pháp khác nhau và họ bắt đầu lựa chọn các giáo pháp của các thừa khác nhau.
Sẽ thật hạn hẹp và sai lầm khi cho rằng đức Phật chỉ là một người thông thường và không có trí tuệ toàn tri hoặc cho ngài không thể truyền dạy những loại giáo pháp Đại thừa hay Mật thừa ở các cõi khác nhau mà chỉ truyền trao cho cõi người. Bởi vì đức Phật không phải là con người thông thường hay một vị trời có thể ban phúc giáng họa cho một người. Nhưng cho luân điểm cho rằng: đức Phật không phải là một vị trời không có nghĩa là chúng ta cho rằng đức Phật chỉ là một người thường không có những năng lực đặc biệt, không có trí tuệ toàn tri, năng lực trực giác. Giáo pháp mà đức Phật truyền trao trong các thời chuyển pháp luân không mâu thuẫn với nhau. Mỗi giáo pháp mà ngài truyền trao dùng để đối trị các loại phiền não khác nhau với những chúng sinh ở mức độ khác nhau. Bất kỳ ai thực hành giáo pháp ở cấp độ nào hay ở thừa nào chắc chắn sẽ có thể đạt tới được các quả vị tương ứng.
Ngày nay các hệ thống tông phái trong Phật giáo cũng có sự giao thoa, kế thừa lẫn nhau, đặc biệt về phương pháp hành trì, mỗi người con Phật tùy vào trải nghiệm, trí tuệ của mình lựa chọn pháp môn phù hợp với bản thân để tinh tiến, vững chãi trên các đạo lộ giải thoát mà đức Thế Tôn đã từ bi truyền trao.
La Sơn Phúc Cường tổng hợp
***
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. The Venerable Thrangu Rinpoche Geshe Lharampa, The Three Vehicles of Buddhist Practice (Translated by Ken Holmes), p.15, Pub. the Namo Buddhar, 2003.
2. Đạt-lai Lạt-ma 14, Mật tông Tây Tạng, (Việt dịch, Thích Nhuận Châu), tr. 25, Nxb phương Đông 2014.
3. The Dalai Lama, Luận giải về Phật giáo Kim cương thừa – các truyền thống Tạng truyền tại trường đại học Shuchi, Nhật Bản (Việt dịch, Phúc Cường), www.Thuvienhoasen.org, 2014.
4. Tenzin Gyatso, Tantra in Tibet, (English tran. by Jeffrey Hopkins), p.32, Pub. Snow Lion, 1987.
5. The Venerable Thrangu Rinpoche Geshe Lharampa, The Mahayana Councils and the Sutras, Tantras and Shastras, (extracted from History of Buddhism in India), Pub. The Namo Buddha, 1986.
6. Kyabje Khamtrul Rinpoche Jigme Pema Nyinjadh, Bản tôn, chân ngôn, trí tuệ Kim cương thừa, tr.125, Nxb Tôn giáo, 2011.
7. Kyabje Khamtrul Rinpoche Jigme Pema Nyinjadh, Tam thừa Phật giáo và truyền thừa tinh túy, tr.87, Nxb Tôn giáo, 2011.
8. Kyabje Khamtrul Rinpoche Jigme Pema Nyinjadh, Sđd, tr.89, Nxb Tôn giáo, 2011.
9. Đạt-lai Lạt-ma 14, Mật tông Tây Tạng, (Việt dịch, Thích Nhuận Châu), tr. 198, Nxb phương Đông 2014.
Bình luận (0)