Chùa Long Quang là một ngôi chùa độc đáo mang đậm nét văn hóa Phật giáo Mật tông. Chùa Long Quang theo pháp môn Mật tông Kim Cang thừa, truyền thống Phật giáo phổ biến tại Nepal, Bhutan và Tây Tạng.
Tác giả: Diệu Linh
Hà Nội Thủ đô ngàn năm văn hiến không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử văn hóa lâu đời mà còn có rất nhiều ngôi chùa cổ kính, linh thiêng. Trong đó, chùa Long Quang là một ngôi chùa độc đáo mang đậm nét văn hóa Phật giáo Mật tông.
Năm 2000, nhà chùa xây dựng lại Tam quan theo nền móng cũ và cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt, phát tích của các bậc tiền nhân đã làm rạng rỡ vẻ vang non sông xứ sở như: Đô hồ Đại vương Phạm Tu, Tiên triết Chu Văn An, Thiền gia Pháp chủ sư Tổ Vĩnh Nghiêm.
Năm 2011, ngôi tam bảo xuống cấp không đảm bảo an toàn để phục vụ tín ngưỡng cho bà con, phật tử nên chùa được trùng tu để có được vẻ khang trang như hiện tại.
Sau khi được trùng tu, không chỉ những người theo Mật Tông (pháp môn bắt nguồn từ Phật giáo Đại thừa) mà cả người dân trong vùng cũng cảm thấy ngỡ ngàng vì ngay giữa Hà Nội lại có một không gian đậm chất Tây Tạng ở chùa Long Quang.
Với diện tích 7.000m2, khuôn viên rộng rãi, xây dựng theo kiến trúc mandala (vòng tròn, trung tâm của tinh túy, cốt lõi cuộc sống) để nguyện cầu cho quốc thái dân an, thế giới được hòa bình, nhân dân được an lạc.
Ngoài ra, đây cũng là không gian văn hóa giới thiệu và trưng bày rất nhiều các pháp khí Mật Tông. Ngôi đại hùng bảo điện ở tầng 2 với những bức tường rực sắc đỏ - cam - trắng cùng những hoa văn, hình họa xung quanh các gian thờ là những nét tinh hoa riêng có theo phong cách Tây Tạng.
Phái Mật Tông theo tiếng Phạm là “Mantra”, nghĩa là những lời nói chân thật. Đây là pháp môn kết hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo Đại thừa. Cụ thể, chùa Long Quang theo pháp môn Mật tông Kim Cang thừa, phổ biến tại Nepal, Bhutan và Tây Tạng. Bước vào điện thờ bên trong, ngước lên trên, du khách sẽ thấy trần nhà được trang trí theo phong cách Kim cương thừa điển hình. Còn các họa tiết được thiết kế tỉ mỉ, tinh xảo với những vòng tròn mandala - biểu tượng quan trọng trong pháp môn Mật tông Kim cang thừa.
Bên cạnh đó, những dải cờ nhiều màu sặc sỡ được giăng khắp nơi không chỉ tô điểm phong cách kiến trúc khác lạ cho ngôi chùa này mà còn làm du khách gợi nhớ đến hình ảnh thường thấy ở những ngôi chùa Tây Tạng hay Nepal, Bhutan. Những lá cờ này trong tiếng Tây Tạng nghĩa là "ngựa gió", biểu tượng cho sự chuyển hóa của cái ác thành thiện, những điều không may thành cát tường. Ngoài ra, lá cờ có 5 màu, tượng trưng cho 5 trí tuệ của Phật.
Trong chùa có 2 gian, bên ngoài là ngôi tam bảo, bên trong là nhà tổ. Trên tầng hai là ngôi đại hùng bửu điện, nổi bật với những bức tường rực rỡ cùng những hoa văn, hình họa xung quanh các gian thờ.
Bên trong khu vực này được trang trí ấn tượng bằng nhiều tranh, tượng các vị Bồ Tát cũng như thần linh khác nhau. Đây là một đặc điểm nổi bật thường thấy ở những ngôi chùa truyền thống tại Bhutan, Nepal và Tây Tạng. Phật tử có thể lên nóc chùa để tận mắt chiêm ngưỡng bảo tháp Kim cang thừa. Đây cũng là điểm nhấn kiến trúc độc đáo giúp ngôi chùa Long Quang này càng trở nên độc nhất tại Hà Nội.
Tuy khác biệt về kiến trúc và trường phái nhưng chùa Long Quang cũng như mọi ngôi chùa khác đều đem lại cảm giác an yên cho bất kỳ phật tử nào ghé thăm nhờ không gian thanh tịnh, hòa cùng mùi gỗ đàn hương phảng phất khắp nơi.
Ngày thường buổi sáng, chùa Long Quang mở cửa từ 6h30 đến 11h30, chiều từ 13h30 đến 17h30. Riêng tuần Rằm, mùng Một, chùa Long Quang mở cửa từ 5h sáng đến 9h tối.
Tác giả: Diệu Linh (t/h)
Nguồn tham khảo: phatgiao.org.vn
Bình luận (0)