Âm đức và Dương đức là hai khái niệm trong triết học phương Đông, đặc biệt là trong tư tưởng Nho giáo và Phật giáo, nhằm mô tả những việc làm tốt lành của con người. Trong việc tu phước thì phước đức, phước báo được chia ra làm hai loại: Âm đức và Dương đức.
1. Âm đức (陰德):
Âm đức là những việc thiện, việc tốt mà con người làm trong thầm lặng, không công khai, không mong cầu được người khác biết đến hoặc ghi nhận. Những hành động này thường được thực hiện một cách vô tư, không vì danh lợi hay sự ca ngợi từ người khác. Ví dụ như giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh khó khăn mà không để lộ danh tính, làm từ thiện nhưng không công khai.
“Có đức mặc sức mà ăn”. Câu nói không chỉ đơn giản, ngắn gọn như những con chữ cấu thành nên nó mà ẩn chứa bao hàm ý sâu xa. Chữ “ăn” không đơn thuần là động từ chỉ hành động mà là phép ẩn dụ để nói về cả một đời sống với quả ngọt trổ từ cây phước đức. Ông bà ta cũng luôn nhắc nhở con cháu phải: “Tích đức hành thiện” như một điều hay, lẽ phải cần tuân theo. Ngay cả đại thi hào Nguyễn Du cũng từng viết: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Trong Kinh Pháp Cú có viết rằng:
“Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc Chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời”.
(Kinh Pháp Cú 54)
Như vậy, âm đức hiểu đơn giản là làm việc tốt mà không để người khác biết. Âm đức dù không được ai biết đến, không được ai biểu dương, nhưng phúc báo lớn, tích được lâu dài. Đừng sợ làm việc tốt thì sẽ phải chịu thiệt. Hành thiện sẽ tích đức, phước đức ấy vĩnh viễn là của bạn, người khác không thể trộm được, không thể cướp được. Tự mình tu đức thì tự mình được phúc báo, vì đức là một loại năng lượng. Tuy đức nhìn không thấy, sờ không được, nhưng không lúc nào và không nơi nào là không tồn tại.
Âm đức còn có thể hiểu là hỗ trợ "người âm”. Trong đời sống tinh thần của người Việt, tín ngưỡng dân gian thờ phụng tổ tiên là một nét đẹp văn hoá vẫn luôn được duy trì qua nhiều thế kỷ. Việc con cháu, người đang còn sống tu tập, tụng kinh, hồi hướng giúp cho những người đã khuất là bạn bè, thân quyến của mình cũng được cho là việc làm tích âm đức.
2. Dương đức (陽德)
Dương đức là những việc thiện được thực hiện một cách công khai, được nhiều người biết đến, và đôi khi cũng được đánh giá cao hay khen ngợi bởi cộng đồng. Dương đức không nhất thiết là xấu, nhưng nó có thể dẫn đến việc con người làm thiện để được nhận lại sự tán thưởng hoặc danh tiếng.
Có câu nói: “Khi làm công đức mà kể ra, thì công đức đó đã mất đi rồi.” Nhưng không phải ai cũng hiểu và muốn hiểu điều này. Ngày nay, những người nổi tiếng, các doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân thường là những người trẻ tuổi, mỗi khi làm từ thiện thường đăng lên mạng xã hội nhằm mục đích xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân để nâng cao uy tín của bản thân, từ đó tạo thuận lợi trong công việc, quảng bá hình ảnh để kiếm được nhiều lợi nhuận trong lĩnh vực hoạt động của họ,…Dương đức lúc này là thứ dễ có, dễ mất, không tích lại được gì ngoài những lời khen ngợi, tán dương của cộng đồng xã hội, khoe khoang để được nhận những đánh giá là người tốt, có điều kiện,…
Nói như vậy, không có nghĩa chúng ta không coi trọng việc thực hành Dương đức. Trên thực tế, Dương đức được thể hiện đúng nghĩa của nó sẽ có tác dụng truyền cảm hứng, giúp mọi người có cái nhìn yêu thương và lạc quan hơn.
Có những dương đức đến từ việc làm tốt đẹp như Bếp ăn từ thiện, những Chương trình thực tế đã và đang phát sóng trên VTV như “Điều ước thứ 7” làm lay động trái tim người xem truyền hình, là nơi hiện thực hóa những mong muốn, hạnh phúc giản đơn của nhân vật.
Chương trình “Lục lạc vàng – kết nối những miền quê” thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.
Chương trình “Vượt lên chính mình” giúp người xem thấy được tình yêu thương, giúp đỡ giữa con người với con người, qua gameshow đã có nhiều gia đình thoát khỏi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và còn nhiều nữa những chương trình nhân văn như thế. Lúc này, dương đức cần được công khai để lan toả và truyền cảm hứng tới đông đảo cộng đồng hơn để cùng chung tay xây dựng một xã hội ngày càng nhiều sự sẻ chia, giúp đỡ, nhiều những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn để cùng vươn lên trong cuộc sống.
Phước đức giống như những hạt mầm khi chúng ta gieo xuống thì sẽ đến ngày trổ quả, nhưng những hạt mầm vừa mới gieo đã vội vàng thu hoạch thì sẽ không còn hạt giống để ươm mầm, tưới tẩm hàng ngày và nó không có khả năng lớn thêm nữa. Bởi vậy, khi chúng ta làm việc tốt, hay giúp đỡ ai đó không nhất thiết phải cho người khác biết mà hãy cứ làm nó trong âm thầm, kín kẽ, không vì hư danh mà làm bằng chính cái tâm trong sáng nhất thì đó mới chính là thứ phước đức quý báu và trường tồn mãi.
Tổng hợp: Anh Đức
Tham khảo
Bình luận (0)