Tác giả: Thích nữ Thánh Thảo
Học viên Thạc sĩ K4 tại HVPG TPHCM

Mở đầu

Từng có câu nói rằng: “Còn đi trong sinh tử là còn cần phước đức”. Con người ai cũng mong cuộc sống được khổ ít vui nhiều. Đa phần họ thường cầu nguyện một thế lực tâm linh ban phước lành xuống, gia hộ cho họ được hạnh phúc, bình an, nhưng không tự thường hỏi phước đức từ đâu sanh, cái gì mới thật sự đem phước lành đến với mình, và làm thế nào mới có thể gặt hái được nhiều điều hạnh phúc.

Khái niệm hạnh phúc đã được bàn luận từ thời cổ xưa, mọi người vẫn thường đua nhau đi tìm niềm vui đích thực trong cuộc sống. Căn bản nhân loại đã đạt được một vài hạnh phúc hữu hạn tương ứng với mức độ nhận thức và mong cầu của mình, nhưng không phân định được đó chỉ là những niềm vui trong sự thành tựu nhỏ, nhằm thỏa mãn cảm xúc hay thỏa mãn ý chí khi đạt được mục tiêu, cũng không biết rằng niềm vui ấy mau tan và mỏng manh bất chợt.

Trong kinh tạng Pāḷi, có rất nhiều bài kinh đức Phật dạy về con đường đưa đến an lạc, hạnh phúc tối thượng, trong đó có bài kinh Điềm Lành (Maṅgalasutta) thuộc Tiểu Bộ kinh (Khuddakanikāya) chứa đựng nội dung khá đầy đủ về ý nghĩa và phương cách mong cầu hạnh phúc, phác họa một lộ trình từ thấp đến cao, chỉ ra những điềm lành mà con người cần hướng đến, từ hạnh phúc đơn giản đến tối thượng, từ điềm lành thế gian đến xuất thế gian, giúp con người nương vào đó mà tìm thấy hướng sáng để bước tới chân trời mãn túc.

Nguồn: st
Nguồn: st

Nội dung

Chương 1: Tìm hiểu ý nghĩa “Maṅgala”

1.1.“Maṅgala” là gì

Theo Từ điển Pali – Việt của ngài Bửu Chơn, “Maṅgala” với nghĩa tính từ là “có điềm lành, vận may, sang trọng, vui vẻ”, với nghĩa danh từ là “sự hoan lạc, điềm lành, lễ lộc, thịnh vượng”[1]. Hòa thượng Minh Châu dùng từ “điềm lành”[2] cũng như Thiền sư Nhất hạnh dùng từ “phước đức”[3] để diễn tả cho từ maṅgala này, tựu chung đều để biểu thị niềm mong cầu của nhân loại về những điều tốt lành, và ta tạm gọi là những điều dẫn đến hạnh phúc.

Con người ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc, nhưng ý niệm về hạnh phúc mỗi người lại không giống nhau. Hạnh phúc là một quan niệm mang tính ước lệ, là những ý niệm mà mỗi cá nhân tin là cần thiết và mang lại thỏa mãn cho mình trong cuộc sống. Baruch Spinoza, một triết gia người Hà Lan từng nhận định: “Hạnh phúc là mục đích của mọi hành động. Hạnh phúc là sự có mặt của các cảm giác thoải mái và sự vắng mặt của khổ đau”[4].

Đối với một đứa bé, hạnh phúc đơn giản chỉ là được cho quà, được dẫn đi chơi; hạnh phúc của người lớn là đạt được những thành tựu mà bản thân vẽ ra trong cuộc sống và sự nghiệp. Nhưng những hạnh phúc ấy liệu có mãi theo ta, mãi hiện diện với ta không, hay chỉ là những trạng thái cảm xúc thỏa mãn nhất thời, đạt đến thì khó rồi vụt mất quá vội vàng, khiến chúng ta loay hoay đi tìm, cố gắng đạt đến một mục tiêu khác mà ta cho là có hạnh phúc. Đó là lý do vì sao nhân loại đến nay vẫn mãi kiếm tìm hạnh phúc cho đời mình, bởi cứ mãi chạy theo những nhu cầu cảm xúc cá nhân, mà cảm xúc ấy thì chỉ mang lại cho chúng ta một thứ nghiện ngập, tham cầu ái luyến không có điểm dừng.

1.2.“Maṅgala” thế gian và xuất thế gian

Tâm chúng sinh như thế giới muôn màu, nên sự nhận thức về hạnh phúc cũng mang nhiều cấp độ ý nghĩa khác nhau, nhưng tựu chung ta có thể chia hạnh phúc thành hai loại. Thứ nhất, những hạnh phúc do nhân loại tự mình tìm thấy, một nguyên do nào đem hạnh phúc lại cho mình, rồi đưa ra chuẩn mực ấy cũng là mong muốn hạnh phúc của nhân loại.

Ví dụ tiêu chuẩn “một vợ, hai con, ba lầu, bốn bánh” là thước đo hạnh phúc của tầng lớp thanh niên trẻ một thời và trở thành ước mơ, khát vọng sự nghiệp của nhiều người. Những hạnh phúc ấy được xây dựng trên nền tảng của dục tưởng, đôi khi nhuốm màu tranh đua lợi ích, danh vọng cá nhân. Loại hạnh phúc này chỉ mang tính chất hữu hạn, dễ biến hoại, gọi là Maṅgala thế gian, không phải là hạnh phúc tuyệt đối.

Thứ hai, so với những định lượng trên, đệ tử Phật cho rằng trí tuệ mới là ước vọng cao cả nhất. Bởi bản chất cuộc đời là khổ, vô thường, vô ngã, không có gì là hạnh phúc bền lâu. Do đó nếp sống đạo đức qua việc thực hành Giới - Định - Tuệ mới chính là con đường dẫn đến phước lành lớn nhất (Maṅgala xuất thế gian). Đây mới là hạnh phúc của đức Phật thuyết ra, theo chính pháp Ngài đã chứng đắc nhờ công đức Ba La Mật[5].

Tóm lại, dù là hạnh phúc nào thì khả năng thiết lập hạnh phúc chỉ có thể được tìm thấy trong mỗi con người. Hạnh phúc hay khổ đau, thế gian hay xuất thế là do tâm thức mỗi cá nhân quyết định

Nguồn: st
Nguồn: st

Chương 2: Nhận thức về những điềm lành trong Maṅgalasutta

Trong Pali tạng, Kinh Điềm lành (Maṅgalasutta) là một bài kinh ngắn được trích trong Kinh Tiểu Tụng (Khuddakapāṭha) và cũng xuất hiện trong chương II Tiểu Phẩm (Cūḷavaggo) thuộc Kinh Tập (Suttanipāta) của Tiểu Bộ kinh (Khuddakanikāya)[6]. Bài kinh này tương đương với Kinh Điềm Lành Lớn Nhất, thuộc chương 39, phẩm Cát Tường trong Pháp Cú Kinh của Hán tạng[7], được Thiền sư Nhất Hạnh dịch nghĩa và lấy tên là Kinh Phước Đức[8].

Duyên khởi bài kinh này được Thế Tôn thuyết tại Sāvatthi, vào lúc đêm gần mãn, có vị thiên tử xuống thỉnh ý và được đức Phật giảng về những điềm lành tối thượng. Ngài thuyết mười câu kệ, tương ứng với 38 pháp hạnh phúc từ thấp đến cao, như một lộ trình dẫn dắt mọi người hướng đến niềm an lạc tối thượng.

2.1.Xác định hướng đi

“Asevanā ca bālānaṃ                         Không thân cận kẻ ngu

Paṇḍitānañca sevanā;                         Nhưng gần gũi bậc Trí   

Pūjā ca pūjaneyyānaṃ                         Ðảnh lễ người đáng lễ   

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ                     Là điềm lành tối thượng”.

Nền tảng đầu tiên đối với một người muốn hướng đến nếp sống thiện lành đó là thành tựu chính kiến trong việc lựa chọn đối tượng tiếp cận, gồm có ba điều. Thứ nhất là tránh xa (asevanā) kẻ ngu (bāla). Việc không gần gũi bạn xấu xưa nay chúng ta vẫn thường luôn được nhắc nhở, nhưng có nhiều người vẫn không phân biệt được như thế nào gọi là người xấu, người ngu.

Ví dụ chú tiểu trong chùa được khuyên can không được chơi với đứa bé hay nói láo, ăn cắp vặt vì sợ chú nhiễm thói hư của bạn, nhưng chú vẫn hay thắc mắc vì sao chú không được chơi với bạn trong khi bạn đối xử với chú rất tốt. Điều này khiến ta tự đặt lại vấn đề, không phải ai cũng có khả năng nhận thức được người bạn bên cạnh mình là xấu hay tốt.

Trong kinh Hiền Ngu, đức Phật chỉ rõ người ngu ba có đặc ấn là “tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ và hành các ác hạnh”[9]. Nếu thật sự một người có những đặc điểm này, thì ta nên không quá gần gũi, để tránh những ảnh hưởng xấu đến mình, như Ajātasattu bị sự xúi giục của Devadatta âm mưu giết hại cha và làm thương đức Phật, đó là hệ quả từ việc gần gũi kẻ ác. Thế nên, xa rời được người ác là một điều hạnh phúc rất lớn.

Thứ hai là thân cận thiện tri thức (paṇḍita). Bậc trí hiền là người có đạo đức, hiểu rõ tội phước, tinh cần học và hành giáo pháp. Chúng ta thân cận (sevanā) một phần là để thừa hưởng năng lượng lành từ người đó, một phần là để nghe và học theo những thiện pháp mà người ấy trao truyền. “Nhờ gần gũi các bậc chân nhân mà được nghe diệu pháp...sinh khởi niềm tin...tư duy đúng đắn...có chánh niệm tỉnh giác...các căn chế ngự...đạt được Minh giải thoát”[10].

Thứ ba là kính lễ và cúng dường những bậc xứng đáng (pūjaneyyānaṃ), gồm chư Phật; cha mẹ; thầy tổ và các bậc tôn túc có phẩm hạnh thanh cao.

Sự tôn kính bậc đáng kính cũng là một trong bảy pháp bất thối khiến một tập thể hay một quốc gia trở nên cường thịnh[11].

Như vậy, việc thấy rõ thiện và ác và biết cách lựa chọn người thân cận thích hợp chính là những nhân tố đầu tiên để thành tựu phước đức.

Patirūpadesavāso ca                         Ở trú xứ thích hợp

Pubbe ca katapuññatā                         Công đức trước đã làm

Attasammāpaṇidhi ca                          Chân chánh hướng tự tâm

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ”.                 Là điềm lành tối thượng.

Ngoài thể hiện sự chính kiến trong việc chọn người tiếp xúc thì còn một điều cần cân nhắc nữa đó là chọn nơi ở thích hợp (paderūpadesa). Môi trường sống cũng là một yếu tố quyết định sự hoàn thiện đạo đức cho con người. Theo Chú Giải của 38 điều Hạnh phúc[12] thì nên ở xứ nào có đủ ba điều kiện là có các hàng trí thức; có nơi thuận tiện cho mình làm những điều phước thiện và có lời giảng giải phật pháp.

Trong kinh Khu Rừng[13] cũng khuyên dạy người hành trì nên lựa chọn nơi ở phù hợp để phát triển tâm linh. Thứ đến, “Công đức trước đã làm” nghĩa là nếu trong quá khứ, đã tạo các công đức thì quả phước lành sẽ được gặt hái trong hiện tại. Nhân của phước là điều mà mình đã làm với tâm trong sạch vui vẻ; quả của phước là sự an vui mà mình đang được thừa hưởng và  lý của phước là sự may mắn đến với ta và khiến ta tránh khỏi được tai nạn. Phước là vật thực trong đời vị lai của người chưa đi đến Niết Bàn. “Người trồng cây hạnh người chơi, ta trồng cây phước để đời về sau”.

Vậy nên mỗi ngày, nguyện được làm cho được một điều phước thiện, dù là một việc lành, một lời nói lành hay một ý nghĩ tốt. Tiếp đến, một điềm lành nữa là tâm ta có được sự định hướng chân chánh, đúng đắn. “atta” nghĩa là mình, là ta, và ngụ ý sâu rộng hơn, là chỉ cho tâm. Câu này ý muốn dạy ta phải uốn nắn tâm theo Chính Đạo, hướng đến những pháp như đức tin - trì giới - nghe Pháp - bố thí - trí tuệ là những "saradhamma”, nghĩa là pháp có lõi, tạo cho mình một thành trì kiên cố để những pháp hữu lậu không thể xâm nhập.

"Bāhusaccañca sippañca           Học nhiều, nghề nghiệp giỏi

Vinayo ca susikkhito                 Khéo huấn luyện học tập      

Subhāsitā ca yā vācā                 Nói những lời khéo nói        

Etaṃ maṅgalamuttama            Là điềm lành tối thượng”.

Câu kệ tiếp theo, Thế Tôn định hướng cho mọi người bốn điều cần huân tập tốt để hướng tới những điềm lành trong cuộc sống. Đầu tiên là học nhiều (bāhusacca), có hai loại học nhiều hiểu rộng gồm kiến thức theo đời của người tại gia, kiến thức theo đạo của người xuất gia. Cư sĩ học gì cũng được, miễn là chánh nghiệp và chánh mạng, còn bậc xuất gia thì cần tinh thông các pháp học trong tam tạng và thành tựu các pháp hành.

Tiếp theo, trong đời có nhiều nghề khác nhau, người phật tử cần phải chọn nghề chân chính thì mới sinh phúc lành. Người có nghề nghiệp giỏi (sippañca) thì đi tới nơi nào cũng an ổn, cũng đều hữu dụng, mang lại lợi ích cho tự thân, gia đình và xã hội. Một phương diện phước đức khác là “khéo huấn luyện học tập”. Trong nguyên văn Pali, “Vinayo” cũng có thể hiểu là người khéo léo trong luật pháp và đạo đức, được rèn luyện và học tập tốt (susikkhito) những pháp phải quấy và biết cách tuân theo.

Cuối cùng là “Nói những lời khéo nói”. “Subhāsitā” có nhiều ý nghĩa như: lời nói ra không hại người và cũng không hại mình, lời nói đem sự lợí ích lại cho người và cho mình, lời nói không làm cho người nghe bị khó chịu. Khi một người nói ra điều gì là biểu hiện một phần nội tâm đang chứa đựng, nhìn vào ta có thể biết họ có thừa hưởng được điềm lành và hạnh phúc hay không.

Mười pháp trên đây được đức Phật nói lên đầu tiên để xác định đường đi cho người phật tử, dạy chúng ta phân biệt được thiện ác, tốt xấu để có thể huân tập cho mình những thói quen hợp chánh pháp ngày từ bước đầu.

2.2. Cách sống trong đời

“Mātāpitu upaṭṭhānaṃ                         Hiếu dưỡng mẹ và cha          

Puttadārassa saṅgaho                          Nuôi nấng vợ và con          

Attasammāpaṇidhi ca                          Làm nghề không rắc rối                      

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ                    Là điềm lành tối thượng”.

Câu kệ tiếp theo dạy con người những trách nhiệm cơ bản nhất mà ai cũng phải biết. Đầu tiên, kinh điển Phật giáo ví cha mẹ (mātāpitu) như Phạm Thiên[14] để chuyển tải phẩm vị tối thắng, thiêng liêng, không thể vượt qua của cha mẹ trong nhận thức con cái. Thế nên, phận làm con cần hoàn thành những trách vụ cơ bản, không những hiếu dưỡng (upaṭṭhānaṃ) về vật chất mà còn giúp cho cha mẹ biết tu hành để giải thoát.

Thứ đến, có được hạnh phúc khi sống chung là cả một nghệ thuật sâu sắc và tế nhị, khởi đầu bằng sự thể hiện trọn vẹn trách nhiệm giữa vợ chồng và chăm lo cho con cái. Hình ảnh người thiện nam chuẩn mực là một người đầy đủ sự tháo vát[15], tạo dựng được tài sản “tự làm mình an lạc; làm cho mẹ cha an lạc; làm cho vợ con, người phục vụ, các người làm công được an lạc...”[16].

Không những thế còn khéo “làm nghề không rắc rối”, làm những việc không gây xung đột (anākulā) với người khác. Sự hiếu dưỡng mẹ cha và làm sung mãn cho gia đình đã được đức Phật dạy rất rõ trong singālovādasutta[17], và đó là những trách nhiệm cơ bản mà một người đệ tử Phật hay ai cũng phải học theo và hành trì.

“Dānañca dhammacariyā ca               Bố thí, hành, đúng pháp

Ñātakānañca saṅgaho                        Săn sóc các bà con

Anavajjāni kammāni                           Làm nghiệp không lỗi lầm

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ                    Là điềm lành tối thượng”.

Kế đến, có bốn điềm lành thể hiện trách nhiệm đối với xã hội.

Thứ nhất là có lòng bố thí rộng rãi. Dāna nghĩa là cho cơm nước, quần áo, chỗ ở, thuốc chữa bịnh cho người thiếu thốn với hàm ý cắt đứt sự bỏn sẻn trong lòng. Bố thí là nết hạnh học trước nhất trong Phật giáo, cũng là pháp đứng đầu trong 30 pháp ba la mật.

Thứ hai là có phẩm hạnh trong sạch theo giáo Pháp, nghĩa là luôn luôn hành đúng pháp (dhammacariyā), sống đúng tinh thần người con Phật.

Thứ ba, trong năm sự thành tựu của loài hữu tình được đức Phật dạy trong kinh Tăng chi thì thành tựu bà con[18]  là yếu tố đi đầu và cơ bản, Ngài cũng khẳng định rằng “bóng mát của thân tộc hơn người ngoài”[19]. Thế cho nên, việc giúp đỡ bà con (ñātakānañca saṅgaho) được xem là một việc làm phước thiện bởi “người vì bà con huyết thống làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn”[20].

Cuối cùng là phước lành từ sự “làm nghiệp không lỗi lầm”, tức có những hành động giao tiếp trong sạch, không bị chê trách (anavajjāni). Phật dạy có mười điều là: Thường hành bát quan trai giới; giúp đỡ nhau hợp theo lẽ đạo; cất chùa; trồng cây; làm cầu; đào giếng; để nước theo đường cho người uống; làm nhà theo đường cho người ở; bố thí, tham thiền v.v...và có giới hạnh trong sạch[21].

Tóm lại, có tâm hồn trong sáng, hành xử đúng với ta và người là nền tảng của bình an và là thành tựu của phước đức.

“Āratī viratī pāpā                                 Chấm dứt, từ bỏ ác                

Majjapānā ca saṃyamo                      Chế ngự đam mê rượu  

Appamādo ca dhammesu                   Trong Pháp, không phóng dật

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ                    Là điềm lành tối thượng”.

Kế đến là bốn điềm lành truyền tải ý nghĩa tự bảo hộ mình.

Thứ nhất, “Aratī” nghĩa là không ưa hoặc ghê sợ, “viratī” nghĩa là chừa hay trốn lánh, hai điềm lành thù thắng của hành giả đó là biết ghê sợ và lánh xa ác pháp (pāpā). Khi người biết sợ tội thì cố nhiên phải gắng diệt trừ tội, trong đó có cả sự “chế ngự đam mê rượu”. Saññama có nghĩa là thu thúc, ý khuyên cẩn thận trong sự không uống rượu. Say sưa và nghiện ngập là hai yếu tố quan trọng khiến tổn giảm phước đức nhanh chóng.

Này Thiện Sinh, sáu nghiệp tổn tài là: Đam mê rượu chè, cờ bạc, phóng đãng, say mê kỹ nhạc, kết bạn người ác, biếng lười”[22]. Đức Phật dạy không nên để tâm chạy theo dục vọng nhất thời mà đem chất say tai hại ấy vào mình, “Uống rượu men, uống rượu nấu...đây là uế nhiễm thứ nhất...các Sa-môn, Bà-la-môn không có rực sáng”[23]; “Như có người tâm thích uống rượu, chỗ sanh ra không có trí tuệ, thường chịu ngu si”[24].

Thế nên, người từ bỏ được rượu chè không những mang lại điềm lành cho bản thân mà còn mang lại sự bình an cho gia đình và xã hội. Tiếp đến là “trong pháp, không phóng dật”, “Appamāda” nghĩa là không dễ duôi. Dễ duôi là sự không đầy đủ chánh niệm để đàn áp tâm phóng túng, lung lạc theo ngũ dục. Lời dạy này ngụ ý chúng ta phải bảo tồn và phát triển phước lành bằng cách luôn tinh tấn thường trực với sự hành pháp trong mọi hoàn cảnh.

“Gāravo ca nivāto ca                          Kính lễ và hạ mình

Santuṭṭhi ca kataññutā                       Biết đủ và biết ơn            

Kālena dhammassavanaṃ                 Ðúng thời, nghe Chính Pháp         

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ                  Là điềm lành tối thượng”.

Câu kệ tiếp theo gồm có năm điềm lành từ sự trưởng dưỡng các phẩm hạnh và thái độ lễ phép có văn hóa đó là: Sống lễ độ; biết khiêm cung; sống tri túc; biết tri ân và đúng thời nghe Pháp. Kính lễ (gāravo) là vì mình nhận thấy nhân vật nào đó có đặc ân cao quý, khiêm nhượng (nivāto) là tự mình làm cho tâm mình lễ phép với mọi người, hằng suy nghĩ đến cái hại của sự chấp “ta” đối với ngã ái để mà hạ mình.

Thứ nữa, người sống biết đủ (santuṭṭhi) là người sống trong trạng thái hài lòng với của mà mình đã có và có sự thỏa thích vừa phải, để ngăn chặn sự trưởng dưỡng của lòng tham. Và người biết ơn (kataññutā) nghĩa là biết ơn người khác đã giúp mình, biết ơn Tam bảo, thầy tổ, cha mẹ, bằng hữu và mọi loại chúng sinh, hằng ngày không quên niệm tưởng. Người biết ơn là người luôn không quên cội nguồn ân đức và sẽ được sống trong sự ngập tràn ân đức. Tiếp theo, học pháp và nghe pháp (dhammassavanaṃ)  là điều hết sức cần thiết để nuôi dưỡng tuệ đức cho cá nhân và đóng góp tiếng nói trí tuệ cho con người vào cuộc đời[25]. Người học Phật nghe thuyết pháp để tăng trưởng phước, để tìm hiểu lý lẽ của pháp và hành theo. Những ai làm được như vậy thì phước đức sẽ ngày càng tăng thêm, và đó là biểu hiện cho những điềm lành tối thượng.

2.3.Phát triển tâm linh

Bốn câu kệ trên tương ứng với mười sáu pháp lành được đức Phật hướng dẫn về cách đối nhân xử thế trong đời cũng như thái độ ân cần với chánh pháp, hướng đến những điềm lành đáng quý trong cuộc sống của người cư sĩ. Tiếp theo đây là ba câu kệ tương ứng với mười hai pháp lành thể hiện sự thăng tiến trên con đường tâm linh, là sự thăng hoa đối với những pháp lành đưa đến mức độ hạnh phúc thù thắng hơn, hợp với giải thoát hơn.

“Khantī ca sovacassatā                       Nhẫn nhục, lời hòa nhã

Samaṇānañca dassanaṃ                    Yết kiến các Sa-môn       

Kālena dhammasākacchā                   Ðúng thời, đàm luận Pháp

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ                   Là điềm lành tối thượng"                     

Điều kiện cơ bản làm tư lương trên lộ trình thăng tiến tâm linh đó là làm điều mà thế gian khó làm được, đó là hạnh nhẫn nhục (khantī). Đức Phật dạy, sự nhẫn nại sẽ thắng được các sự khó khăn trên đời, ví như lưỡi gươm rất bén, cắt đứt được tất cả trở ngại trên đường đời như trong đường đạo[26]. Nhờ có nhẫn lực mới sanh bi lực, nhờ có bi lực nên trong ứng xử cũng trở nên nhu nhuyến, hòa nhã và biết phục thiện dễ dạy (sovacassatā).

Tiếp đến, hành giả bắt đầu tiếp cận đời sống xuất ly qua việc yết kiến các Sa-môn (Samaṇānañca dassanaṃ) và đúng thời đàm luận pháp (Kālena dhammasākacchā). Sa môn là những bậc đã xa thập ác, phiền não đã vắng lặng, thường hay quán tưởng để sưu tầm chân lý và là người đang hành trình trên con đường của các bậc thánh nhân. Sự biện luận Phật pháp theo thời làm cho trí tuệ tăng trưởng, làm cho tâm được an vui trở nên thấy xa hiểu rộng, rõ lý của Phật ngôn, là nhân đem lại hạnh phúc cho những ai muốn tìm lấy con đường giải thoát cho mình.

“Tapo ca brahmacariyañca                Khắc khổ và Phạm hạnh           

Ariyasaccāna dassanaṃ                    Thấy được lý Thánh đế

Nibbānasacchikiriyā ca                      Giác ngộ quả Niết Bàn   

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ                   Là điềm lành tối thượng”.

Câu kệ tiếp theo thể hiện sự thực chứng pháp không thối chuyển, khó khổ (tapo) không lùi bước, dù thân này có tiều tụy cũng không bỏ sự tinh tấn diệt trừ phiền não. Hành Phạm hạnh (brahmacariyañca) có nghĩa là hành theo các pháp mà các bậc trí thức ngợi khen, như Giới - Định - Huệ; Tứ vô lượng tâm...để chuyển hóa ba nghiệp cho được trong sạch.

Từ đó, tuệ giác mới được khai mở và thấy được lý Thánh đế (ariyasaccāna), hiểu rõ toàn bộ sự thật cao quý của thế gian và xuất thế gian, tiến đến giác ngộ quả Niết Bàn, tức đã ra khỏi vòng cương tỏa của ái dục, dập tắt lửa tham, sân, si và vượt khỏi sanh tử luân hồi. “Việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống”, đến đây thì hành giả hoàn toàn thong dong tự tại và còn mang phước lành ngược lại tỏa rạng cho đời."

“Phuṭṭhassa lokadhammehi                 Khi xúc chạm việc đời

Cittaṃ yassa na kampati                      Tâm không động, không sầu

Asokaṃ virajaṃ khemaṃ                     Không uế nhiễm, an ổn   

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ                     Là điềm lành tối thượng”.

Khi tâm đã bất động, không lay chuyển khi bị gió đời hay pháp thế gian như khen chê, được mất, vinh nhục, buồn vui thổi đến, thì hình ảnh người hành giả trở nên tự tại như chú mục đồng thỏng tay vào chợ. Bởi không bị nhiễu loạn nên không còn sầu não (asoka), thoát khỏi sự kinh sợ, thoát khỏi tất cả nạn tai và trở ngại, sống an nhiên (khema) cũng như không còn uế nhiễm (virajam) với những pháp hữu lậu trong đời.

Và cuối cùng, là kết quả từ tất cả những điềm lành ở trên, hành giả trở nên thành tựu và kiện toàn (sabbatthamaparājitā) về phước đức, đi đâu cũng an toàn, ở đâu cũng mang lại lợi lạc cho bản thân và tất cả mọi người xung quanh. Phước lành ấy là phước lành tối thượng, thù thắng, hợp với giác ngộ và giải thoát, là thứ hạnh phúc mà bản thân mình tự thể nghiệm được và không ai có thể cướp mất đi. 

“Etādisāni katvāna                              Làm sự việc như vầy            

Sabbatthamaparājitā                          Không chỗ nào thất bại    

Sabbattha sotthiṃ gacchanti             Khắp nơi được an toàn  

Taṃ tesaṃ maṅgalamuttama’’nti       Là điềm lành tối thượng”.

Chương 3: Ứng dụng

3.1.Bài học từ kinh Điềm lành

Điềm lành luôn mang các thuộc tính có lợi ích cho mình và người, tạo ra hiệu ứng an lành trong hiện tại và tương lai. Xuyên suốt bản kinh, ta có thể thấy được cách đức Phật dẫn dắt mọi người hướng về con đường tự vun bồi phước lành chứ không hề nhuốm một màu sắc nào về sự ban phước giáng họa từ đấng tâm linh tối cao.

Bởi lẽ giải thoát không đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong, thế nên không có chuyện xin phước mà chỉ có phận sự cần phải làm, đó là tu tập và hành trì đúng chánh pháp để tạo ra phước đức và bình an tùy theo sự tinh tấn của mỗi hạng, mức độ thâm nhập của mỗi người. “Tự mình, làm điều ác / Tự mình làm nhiễm ô/ Tự mình không làm ác / Tự mình làm thanh tịnh/ Tịnh, không tịnh tự mình / Không ai thanh tịnh ai!”[27].

Hành động, lời nói và suy nghĩ của mình hằng ngày diễn ra như thế nào  thì sẽ huân tập thói quen và chiêu cảm nghiệp thức như thế ấy. Hành động bất thiện sẽ đi theo hướng tăng lên về nghiệp ác, hành động thiện sẽ đi theo hướng trưởng dưỡng nhiều nghiệp lành,“tâm được khéo giữ sẽ đem lại an lạc, hạnh phúc”[28]. Do đó, trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: “Chớ chê khinh điều thiện/ Cho rằng chưa đến mình/ Như nước nhỏ từng giọt/ Rồi bình cũng đầy tràn/ Người trí chứa đầy thiện/ Do chất chứa dần dần”[29].

Hiểu được như vậy thì mong ước về điềm lành bấy giờ trở thành một sự phát nguyện vun bồi phước đức, thể hiện qua việc chuyển hóa ba nghiệp theo hướng thiện lành, để bình an và phước đức được tạo dựng không những trong hiện tại, mà còn làm nhân thù thắng cho sự tăng trưởng phước trí trong cuộc sống mai sau, tiến xa hơn là sự thấm đượm vào trong pháp vị giác ngộ và giải thoát.

3.2.Lý tưởng đối với ước mong điềm lành trong đời sống tự thân

Học hiểu bài kinh Điềm lành khiến người viết suy ngẫm và tự vấn lại bản thân, trong cuộc sống hằng ngày mình đang đi theo con đường hành trì như thế nào, phước lành của mình thành tựu được bao nhiêu. Sự trưởng dưỡng tâm tuệ, con đường chính niệm và tư lương trí sáng của mình có đang thăng tiến không. Những điều mình đối diện trong đời sống hằng ngày có được an lành như trong kinh nói, người gieo duyên phước đức thì “cho đến các sự tai vạ còn không hề vào đến cửa, huống nữa là đến nơi thân”[30] hay chưa?

Chúng ta hoàn toàn có thể thẩm định được sự phước lành có đang hiện hữu trong cuộc sống mình không thông qua cách chúng ta đang sống và cảm nhận. Nhiều người cho rằng hạnh phúc là một điều gì đó ở phía trước, rất xa xôi. Đó là lý do vì sao con người cứ mãi chạy theo những đối tượng mà mình mong cầu mà quên đi hạnh phúc chính là khi biết an trú trong giờ phút hiện tại[31]. Nếu mọi lúc mọi nơi, thâm tâm đều cảm thấy an lạc, dù ở đâu, làm gì cũng hoan hỷ như ngồi nơi tịnh độ thì đó chính là điềm lành, hạnh phúc.

Là người xuất gia, bản thân người viết ý thức được rằng, chỉ với một chút ít phước báu từ sự thực tập con đường đạo đức phạm hạnh mà đã giúp con người có được hạnh phúc trong đời sống như thế, huống hồ đối với lý tưởng giác ngộ cao hơn, niềm hạnh phúc ấy sẽ càng thù thắng hơn, đưa hành giả tiến xa hơn trên lộ trình tu đạo, vượt khỏi thế gian hướng đến quả vị xuất thế gian và mang lại lợi ích không thể suy lường. Thế nên, đối với ước mong điềm lành trong đời sống tu tập, bản thân xin nguyện không dừng lại với chánh báo và y báo hiện tại, mà sẽ tinh tấn lướt tới, vượt qua giới hạn của mình, hướng đến một chân trời giải thoát sáng rạng và cao rộng hơn, để được thừa hưởng ân đức và điềm lành tối thượng lớn nhất mà Thế Tôn đã để lại.

Kết luận

Maṅgalasutta là một bài kinh có nội dung tuy ngắn gọn, súc tích mà lại chứa đựng giáo nghĩa vô cùng sâu sắc. Nội dung truyền tải thông điệp rằng việc xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc phải được đặt trên nền tảng tự thân vận động, thông qua quá trình rèn rũa đạo đức và thực hành những pháp chân chính từ thấp đến cao, từ thế gian cho đến xuất thế.

Chữ điềm lành như nói lên hệ quả nhân duyên phước báu sẽ ứng theo những hành động mình tạo tác, tùy theo trình độ tinh tấn của mỗi cá nhân mà duyên lành ấy sẽ được lớn mạnh dần cho tới khi phước báu được tròn đầy. Bài kinh trở thành một bài pháp chuẩn mực và thông dụng cho hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia và được nhiều chùa đưa vào trong khóa lễ để mọi người đọc tụng mỗi ngày.

Hãy để lời kinh ấy ngày càng được khắc sâu vào tâm trí, để khuôn vàng thước ngọc trở thành ngọn đèn soi sáng con đường hướng thượng của tự thân, làm động lực cũng như nguồn sách tấn cho mình và người có đủ niềm tin dũng mãnh hơn trên lộ trình tâm linh giải thoát. Trước nhất là được hạnh phúc, an ổn trong mỗi giây mỗi phút của hiện tại, sau là đưa đến vị ngọt của những điềm lành tối tượng về sau.

Tác giả: Thích nữ Thánh Thảo
Học viên Thạc sĩ K4 tại HVPG TPHCM

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu chính:

Hòa thượng (HT) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Nhà xuất bản (NXB) Tôn Giáo, Hà Nội, 2013.
HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1-2, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ 1-2, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2015.
HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ 1, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1999.

大正新脩大藏經, 《法 句 經》卷 下, T04, no.210, CBETA 電子佛典.
Thích Trí Đức (tuyển dịch), Kinh Trường A Hàm, NXB Tôn Giáo, 2003.
HT Thích Thanh Từ (dịch), Kinh Tăng Nhất A Hàm, Tập 1, NXB Tôn giáo, 2005.

Tài liệu phụ:

HT Thích Phước Sơn, Phật Học Khái Yếu, Văn Hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2009.

Thích Minh Châu, Đạo Đức Phật Giáo & Hạnh Phúc Con Người, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2002.

Mahā Thongkham Medhivongs, Tỳ kheo Giới Đức (dịch), 38 Pháp hạnh phúc, NXB Tôn Giáo, 2007.

Minh Niệm, Hiểu về trái tim – nghệ thuật sống hạnh phúc, NXB Trẻ, 2012.

Tỳ Kheo Bửu Chơn (soạn dịch), Từ điển Pali – Việt, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2016.

Thích Chơn Thiện, Lý thuyết Nhân tính qua tạng Kinh Pàli, NXB TP Hồ Chí Minh, 2006.

Thích Chúc Phú, Vài vấn đề về Phật giáo và nhân sinh, NXB Hồng Đức, 2013.

Thích Nhất Hạnh (dịch), Nhật tụng thiền môn, NXB Lá Bối, 1997.

Trí Hải và Bửu Ðích (dịch), Câu Chuyện Triết Học, NXB Nhà Tu Thư và Sưu Khảo Viện Ðại Học Vạn Hạnh, 1971.

Chú thích:

[1] Tỳ Kheo Bửu Chơn (soạn dịch), Từ điển Pali – Việt, tr.252.

[2] Hòa Thượng Thích Minh Châu, Đạo Đức Phật Giáo & Hạnh Phúc Con Người, tr.269.

[3] Thích Nhất Hạnh (dịch), Nhật tụng thiền môn, Kinh Phước Đức, tr.109.

[4] Will Durant, Trí Hải và Bửu Ðích (dịch), Câu Chuyện Triết Học, tr.228.

[5] Mahā Thongkham Medhivongs, Tỳ kheo Giới Đức (dịch), 38 Pháp hạnh phúc, tr.11.

[6] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ 1, tr.11. 

[7] 《法 句 經》卷 下, (CBETA, T04, no.210, p.0575, b.08).

[8] Thích Nhất Hạnh (dịch), Nhật tụng thiền môn, Kinh Phước Đức, tr.109.

[9] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, Tập 2, tr. 495.

[10] HT Thích Phước Sơn, Phật Học Khái Yếu, Biện biệt tà chánh, tr.147.

[11] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ,  tr.279.

[12] Mahā Thongkham Medhivongs, Tỳ kheo Giới Đức (dịch), 38 Pháp hạnh phúc, tr.42

[13] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1, Kinh Khu Rừng, tr.145

[14] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ 1, Kinh Ngang bằng với Phạm Thiên, tr.326.

[15] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập 3, tr.662.

[16] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập 1, tr. 645.

[17] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ 2,  Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt, tr.529.

[18] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập 2, kinh Thành tựu, tr.547.

[19] Thích Chúc Phú, Vài vấn đề về Phật giáo và nhân sinh, tr.104.

[20] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, tập 2, Kinh Dhananjani, tr.763.

[21] Mahā Thongkham Medhivongs, Tỳ kheo Giới Đức (dịch), 38 Pháp hạnh phúc, tr.151.

[22] Thích Trí Đức (dịch), Kinh Trường A Hàm, tr.233.

[23] HT.Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập 1, tr.395.

[24] HT.Thích Thanh Từ (dịch), Kinh Tăng Nhất A Hàm, Tập 1, tr.190.

[25] Thích Minh Châu, Đạo Đức Phật Giáo & Hạnh Phúc Con Người, tr.275.

[26] Mahā Thongkham Medhivongs, Tỳ kheo Giới Đức (dịch), 38 Pháp hạnh phúc, tr.216.

[27] Nguyên tác: “Attanā va kataṃ pāpaṃ attanā saṅkilissati; Attanā akataṃ pāpaṃ attanā va visujjhati; Suddhi  asuddhi paccattaṃ nāñño aññaṃ visodhaye”; HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, tr. 64.

[28] Thích Chơn Thiện, Lý thuyết Nhân tính qua tạng Kinh Pali, tr.10.

[29] HT Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, tr. 38.

[30] Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, tr.169.

[31] Thích Nhất Hạnh, Hạnh phúc đích thực, tr.27.