Từ Nikaya được dịch theo nghĩa đen là “tập hợp”, “nhóm”. Khi nhắc tới khái niệm bộ kinh Nikaya, thuật ngữ này có thể hiểu là “các nhóm kinh”, “tập hợp các bài kinh” hoặc đơn giản là “bộ kinh”.
Kinh tạng Nikaya gồm có 5 bộ:
(1) Trường bộ kinh (Digha Nikaya)
(2) Trung bộ kinh (Majjhima Nikaya)
(3) Tương ưng bộ kinh (Samyutta Nikaya)
(4) Tăng chi bộ kinh (Anguttara Nikaya)
(5) Tiểu bộ kinh (Khuddaka Nikaya)
Giải thích tên gọi các bộ
1. Trường bộ kinh (Digha Nikaya)
“Trường” trong từ trường kỳ, ý nói tới “dài”. Vì các bài giảng được tập hợp trong bộ này có nội dung tương đối dài nên gọi là “Trường bộ”.
Từ digha được dịch là “dài”.
2. Trung bộ kinh (Majjhima Nikaya)
Các bài giảng nằm trong bộ này có nội dung không dài lắm nên được gọi là “trung” và được xếp cùng trong 1 bộ với nhau.
Từ majjhima được dịch ra là “vừa phải”.
3. Tương ưng bộ kinh (Samyutta Nikaya)
Các bài giảng sắp xếp vào bộ kinh này không liên quan tới dung lượng dài, hay ngắn. Bộ này bao gồm các bài kinh đi liền theo nhóm chủ đề, có sự “tương ưng” về mặt bối cảnh, nội dung, lời giảng, ý nghĩa.
Vì thế mà cả bộ được gọi là “tương ưng” (Từ này tương đồng với từ “tương ứng”). Từ samyutta dịch ra là “sự liên kết” hoặc “sự liên quan”.
4. Tăng chi bộ kinh (Anguttara Nikaya)
Tăng chi có khái niệm mang tính thể hiện sự “tăng thêm”, “tăng trưởng”.
Bộ kinh được sắp theo pháp số, từ một pháp đến mười một pháp, phân thành 11 chương. Mỗi chương lại chia thành nhiều phẩm. Chương “Một pháp” gồm các kinh đề cập đến một pháp. Chương “Hai pháp” gồm các kinh có liên quan đến hai pháp, v.v... và tuần tự như thế đến chương “Mười Một pháp” gồm các kinh có đề cập đến mười một pháp.
Từ anguttara dịch ra là “tăng thêm”.
5. Tiểu bộ kinh (Khuddaka Nikaya)
Bộ kinh này tập hợp của các “tác phẩm nhỏ” dạng như kệ, ví dụ, pháp cú, câu chuyện dân gian,… mang tính hình thức văn chương nên được gọi là “tiểu”.
Từ khuddaka dịch là “nhỏ”, “tiểu”.
Lời kết
Theo truyền thống Phật giáo ghi nhận trong hệ thống kinh điển Phật giáo sơ kỳ, kinh tạng mang nội dung là những lời dạy của chính đức Phật Thích ca Mâu ni trong suốt cuộc đời truyền bá giáo pháp của Ngài, bao gồm những giáo lý căn bản như Tứ diệu đế, Duyên khởi, Vô ngã... được lưu truyền bằng cách truyền khẩu, sau đó hệ thống lại qua các kỳ Đại hội kết tập kinh điển.
Phạm Tuấn Minh
Bình luận (0)