Cư sĩ Phúc Quang lược giải

1. Duyên khởi kinh

Một thời Thế Tôn đang du hành ở Câu – tát – la (Kosala) cùng khoảng 500 vị đại chúng tỳ kheo. Thế Tôn và đại chúng đi đến một làng Bà – la – môn tên là Manasàkata, trú tại vườn xoài trên bờ sông A – trí – la – phạt – đề (Aciravati), nằm ở phía Bắc ngôi làng.

Lúc bấy giờ có hai thanh niên Bà – tất – sá (Vàsettha) và Bạt – la – đà – phạn – xà (Bhàradvàja) đang có một cuộc tranh luận chính đạo, tà đạo xem đâu là hướng đến cộng trú với Phạm thiên. Những luận điểm được đề ra giữa hai người dựa vào thuyết dạy của các Bà – la – môn. Do không thuyết phục được nhau, nên cả hai đến chỗ Thế Tôn để xem ai đúng.

Ảnh: St
Ảnh: St

2. Nội dung kinh

Hỏi đáp giữa Thế Tôn và hai thanh niên

Thế Tôn hỏi các vị Bà – la – môn tuyên thuyết điều đó, tinh thông ba tập Vệ đà đã tận mắt thấy Phạm Thiên chưa? 

Thanh niên đáp: Không có vị nào! 

Thế Tôn hỏi tôn sư, cho tới bảy đời tôn sư, các đại tôn sư của các vị Bà – la – môn tuyên thuyết điều đó, tinh thông ba tập Vệ đà đã tận mắt thấy Phạm Thiên chưa? 

Thanh niên đáp: Không có vị nào! 

Thế Tôn nói các vị Bà – la – môn đó không biết, không thấy Phạm Thiên ở đâu, từ đâu đến, sẽ đi đâu, nhưng lại thuyết về con đường thực hành đi tới cộng trú với Phạm Thiên. Ví như một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cũng không thấy. Đó là những lời tuyên thuyết đáng chê cười, lời nói suông, lời nói không tưởng, nói trống rỗng. 

Thế Tôn hỏi các vị Bà – la – môn thấy chỗ mặt trời, mặt trăng mọc và lặn, tại chỗ đó cầu khấn, tán thán, vừa đi xung quanh, vừa chắp tay, các vị này có thuyết dạy được con đường đưa đến sự cộng trú với mặt trời, mặt trăng không?

Thanh niên đáp: Không có vị nào!

Những vị Bà – la – môn, cho tới bảy đời tôn sư, đại tôn sư, các vị ca tụng các bài kinh điển, đều không thấy, không biết vị Phạm Thiên, nhưng lại tuyên thuyết về con đường cộng trú, cũng giống như một người nói yêu ái luyến một cô gái mà anh ta không biết cô đó là ai, dòng dõi nào, đẳng cấp nào, ở đâu, làm gì,… Hay như người ở giữa ngã tư trống, muốn xây một cái thang để leo lên lầu.

Thế Tôn khai thị

Ví như một con sông, người đứng bờ bên này, nhờ kêu gọi bờ bên kia, cầu khấn, tán thán, hi vọng, mà bờ bên kia đến gần bờ bên này không? Cũng như thế, dù cho các vị Bà la môn có tinh thông ba tập Vệ - đà, có cầu khấn Phạm Thiên hết sức tha thiết, vì hi vọng, vì tán thán, nhưng không thực hành những tác hạnh thành tựu Bà la môn, mà chỉ chạy theo tận hưởng ngũ dục lạc tăng thịnh, mê đắm, bị trói buộc, không thấy sự nguy hiểm của chúng, không nhận thức sự thoát ly của chúng, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ không thể đi đến cộng trú với Phạm Thiên được.

Ngũ dục lạc là những sắc pháp khiến mắt cảm nhận khả ái, mỹ miều, thích thú, hấp dẫn, câu hữu với dục, ái lạc; những tiếng do tai cảm nhận…, mũi cảm nhận…, lưỡi cảm nhận…, thân cảm nhận khả ái, mỹ miều, thích thú, hấp dẫn, câu hữu với dục, ái lạc.

Ví như vẫn là con sông ấy, người ấy, nhưng người đó nằm bờ bên này trùm đầu và đi ngủ. Người ấy có qua sông được không? Cũng vậy, có năm triền cái được gọi là chướng ngại, cũng được gọi là màn che, cũng được gọi là triền phược trong giới luật của bậc Thánh. Thế nào là năm? Dục cái, sân cái, hôn trầm thụy miên cái, trạo cử cái, nghi cái. 

Các Bà - la - môn tinh thông ba tập Vệ đà, bị chướng ngại, bị triền phược, bị che đậy, bị trói buộc bởi năm triền cái này, bỏ những pháp tác thành người Bà-la-môn, tuân theo những pháp không tác thành người Bà-la-môn, bị chướng ngại, bị triền phược, bị che đậy, bị trói buộc bởi năm triền cái, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ không thể cộng trú với Phạm thiên.

Theo kinh Vệ đà, các vị Phạm thiên không có dục ái, không có hận tâm, không có sân tâm, không có nhiễm tâm, có tự tại. Trong khi đó các vị Bà la môn tuyên thuyết con đường cộng trú thì vẫn có vị có dục ái, có sân tâm, có nhiễm tâm, không tự tại. Như vậy việc thuyết giảng của các vị này là không chính lý. 

Thế Tôn thuyết con đường đi tới Phạm thiên 

1). Tuyên thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn nghĩa, truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.

2). Thấy nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt về thân – khẩu – ý nghiệp.

3). Từ bỏ sát sinh, thương xót mọi chúng sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ dâm dục, từ bỏ nói dối, từ bỏ nói sai thời, từ bỏ làm hại các hạt giống, từ bỏ ăn uống phi thời, từ bỏ xem múa, hát, hưởng thụ, từ bỏ sử dụng dầu thơm, trang sức, lụa là, giường cao đẹp, từ bỏ nhận của cải, từ bỏ nhận thịt sống, từ bỏ nhận đàn bà, từ bỏ môi giới đàn bà, đàn ông, từ bỏ gian lận buôn bán.

4). Tránh xa các tà mạng, khi đã nhận tín thí cúng dường, không lợi dụng kiếm tiền từ những việc không chân chính như xem tướng, bói toán, xem chiêm tinh, nói trước tương lai, lựa ngày, giờ, xem tay, sử dụng các trò ảo thuật để trục lợi.

5). Bảo hộ các căn: Khi mắt thấy sắc, tỳ kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, tỳ kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, tỳ kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ nội tâm, không vẩn đục. Như vậy, tỳ kheo hộ trì các căn.

6). Chính niệm tỉnh giác: Đi tới, đi lui, nhìn thẳng, nhìn quanh, co tay, duỗi tay, mang y, mang bình, ăn, uống, nhai, nuốt, đại, tiểu tiện, đi, đứng, nằm, ngồi, nói, yên lặng đều tỉnh giác.

7). Biết đủ: Bằng lòng với y che thân, đồ ăn khất thực nuôi bụng, đi lại mọi chỗ đều biết đủ.

8). Từ bỏ tham ái ở đời, từ bỏ sân hận, từ bỏ hôn trầm, thuỵ miên, từ bỏ trạo cử, hối tiếc, từ bỏ nghi ngờ với thiện pháp. Xả ly 5 triền cái (tham, sân, hôn trầm, trạo cử, nghi).

9). Xả ly ác pháp, giúp tâm định tĩnh an trú vào 4 tầng thiền. 

Nhờ ly dục, ly ác pháp, có tầm có tứ, nên sinh hỷ lạc, chứng đạt tầng thiền đầu tiên.

Nhờ có tầm, tứ, diệt tầm tứ để nhập định, nhờ định sinh ra hỷ lạc, chứng đạt tầng thiền thứ hai.

Xả niệm lạc trú tức ly lạc, không tham hỷ lạc, chính niệm tỉnh giác nên đạt tầng thiền thứ ba.

Diệt cả lạc, cả hỷ, không còn khổ, không còn lạc, xả niệm thanh tịnh, nhập tầng thứ tư.

10). Nhờ tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, tỳ kheo dẫn tâm, hướng tâm đến chính trí, chính kiến, biết vô thường, vô ngã.

Nhờ vậy mà an trú, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết mọi phương xứ, khắp vô biên giới, tâm câu hữu với tâm từ, quảng đại. Lại nữa, từ chỗ an trú tâm từ, vị đó cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết mọi phương xứ, khắp vô biên giới, tâm câu hữu với tâm xả, quảng đại.

3. Kết luận

Với những lời Thế Tôn tuyên thuyết về cách hành trì, như vậy người hành theo có thể nhìn thấy và đi trên con đường cộng trú với Phạm Thiên. Hai thanh niên Bà la môn sau khi được Thế Tôn khai thị xin quy y Tam bảo.

Cư sĩ Phúc Quang lược giải
***
TÀI LIỆU NGUỒN
Đại Tạng kinh Việt Nam - Trường Bộ kinh (Digha Nikaya)/ Tập 1 - Kinh Tam minh (Tevijja sutta)