Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Việc cầu đảo của các vương triều quân chủ Việt Nam (thế kỷ XI-XVIII)

Việc cầu đảo của các vương triều quân chủ Việt Nam (thế kỷ XI-XVIII)

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

ThS. Mai Thị Huyền – Th.S Trần Thị Nhung
Viện Sử học
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022

Tóm tắt:
Bài viết đề cập đến các nghi lễ cầu đảo, cầu tạnh của các triều đình quân chủ khi có sự xuất hiện của thiên tai, lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh,…hoặc những tai dị khác. Việc thực hiện các nghi lễ cầu đảo, cầu mưa thể hiện sự quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của nhà nước quân chủ đối với nhân dân. Mặt khác, thể hiện thái độ kính trọng thần linh, tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có Phật giáo và Đạo giáo.
Từ khóa: Cầu đảo, nghi lễ, vương triều, cầu mưa, cầu tạnh.

Mở đầu

Nghi lễ cầu đảo của các triều đại quân chủ vừa là sự kết hợp giữa tính huyền bí của Đạo giáo nhưng cũng mang màu sắc của Phật giáo, đặc biệt là chịu ảnh hưởng của Phật giáo Mật tông. Vì vậy, tìm hiểu về việc cầu đảo sẽ góp phần làm rõ thêm dấu ấn của Đạo giáo và Phật giáo ở Việt Nam thời trung đại.

Dựa trên phương pháp sưu tầm tư liệu trong các bộ sử truyền thống và những tài liệu khảo sát tại địa phương, bài viết làm rõ quá trình phát sinh, diễn biến và hiệu quả của nghi lễ cầu đảo này.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Viec Cau Dao Cua Cac Vuong Trieu Quan Chu Viet Nam 1

1. Cơ sở của việc thực hiện nghi lễ cầu đảo

Cơ sở đầu tiên khiến cho các nghi lễ cầu đảo được thực hiện đó là xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa nước, do vậy yếu tố thời tiết thuận lợi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng. Đặc biệt là lượng mưa vừa đủ sẽ khiến cây lúa phát triển, đem lại sự bội thu cho mùa màng. Tuy nhiên, khi lượng nước quá dư thừa hoặc thiếu hụt, ví như những năm hạn hán hay lụt lội đều có tác động mạnh đến nền sản xuất, nguồn thu của nhà nước và đời sống của người dân.

Cầu đảo cúng tế là việc làm vốn xuất hiện từ rất sớm trong tư tưởng cổ đại của Trung Quốc. Trong Kinh Dịch, lời bàn của Chu Hy cho biết mỗi quẻ đơn của Bát quái đều có 3 vạch, biểu thị cho 3 cõi, gọi là Tam tài, sau này phát triển thành quẻ kép 6 hào(1). Như vậy, con người đứng ở vị trí thứ ba nhưng lại tồn tại giữa Trời và Đất, có liên hệ tương tác thuận nghịch chặt chẽ với trời đất, vạn vật và xã hội.

Bên cạnh triết lý Thiên- Địa- Nhân, thì thuyết thiên nhân hợp nhất là một tư tưởng giữ vị trí chủ đạo trong hệ thống lý luận Nho học. “Thiên nhân hợp nhất” là mệnh đề khẳng định con người và tự nhiên đều có giá trị tồn tại độc lập của mình và cho rằng giữa tự nhiên và con người nên hình thành quan hệ hài hòa và thống nhất. Chỉ có sự hài hòa và thống nhất trong quan hệ giữa con người với tự nhiên mới có thể tạo cho con người một môi trường lí tưởng để sinh tồn và phát triển”(2).

Các vị vua đứng đầu đất nước đều cho rằng, trời ban phước lành là năm đó thời tiết mưa thuậngió hòa, ngược lại, những năm xảy ra thiên tai, dịch bệnh, mất mùa,…thì nhà vua cho rằng đức, nhân của mình chưa đủ hoặc đã làm những việc sai trái nên bị Trời trừng phạt, giáng tai họa. Vì thế, các vua đã nhiều lần xuống chiếu tự răn, sửa mình đồng thời tự thân tế lễ, cầu đảo nhằm an dân.

2. Việc cầu đảo của các vương triều quân chủ thế kỷ XI- XVIII

Thời gian, địa điểm thực hiện cầu đảo

Việc cầu đảo, đặc biệt là nghi lễ cầu tạnh được nhà Lý thực hiện thường xuyên. Ví như năm Quý Sửu (1073): “Bấy giờ mưa dầm, rước Phật Pháp Vân về Kinh để cầu tạnh. Cúng thần núi Tản Viên”(3). Tính tổng cộng trong thời gian trị vì của triều Lý, nhà vua đã thực hiện 6 lần cầu tạnh vào các năm: Nhâm Tý (1072), Quý Sửu (1073), Bính Ngọ (1126), Canh Tuất (1130), Tân Hợi (1131), Giáp Dần (1134) và cầu đảo vào các năm: 1124, 1130, 1140, 1148, 1152(4).

Thời Trần, không thấy sử chép về việc cầu đảo, cầu mưa hay cầu tạnh, do vậy chúng tôi không biết rõ nghi lễ này được thực hiện như thế nào.

Thời Lê sơ, đa phần các nghi lễ cầu đảo của triều đình là cầu mưa vào những năm nắng hạn. Năm 1449, vua Lê Nhân Tông đã làm lễ cầu mưa để giảm cảnh hạn hán nhưng không ứng nghiệm, do vậy nhà vua đã xuống chiếu nhận lỗi, tự kiểm điểm bản thân, sau đó lần cầu mưa này đã có kết quả. Vào năm 1476, do nắng hạn kéo dài, mùa hè rất ít mưa, vua Lê Thánh Tông đã kiểm điểm lại việc trị nước của bản thân và làm biểu tạ tội với trời, cầu đảo xin mưa.

Trong bài biểu của Lê Thánh Tông, có đoạn viết: “Kẻ không có đức, thần Lê mỗ xin dốc hết lòng chí thành, dâng lời kêu với đức Thái thượng khai thiên chấp phù ngự lịch hàm chân thể đạo hạo thiên chí tôn ngọc hoàng thượng đế bệ hạ: Nay từ mùa đông đến mùa hạ ít mưa, nắng suốt, việc dân vất vả. Người làm thợ, đi buôn không chỗ nương nhờ, kẻ cày ruộng chăn tằm hết bề trông ngóng. Chỉ vì thần không có đức, để đến nỗi trâm họ chịu tai ương. Bọn dân ngu nhớn nhác kêu thương, cơ hồ đến hết phương sinh sống. Vì thế, thần dám đâu không gõ cửa Đế đình để giãi tỏ lòng xót thương, để tâu bày niềm kinh sợ. Cúi xin ngài tha thứ cho tội lỗi, đổi tai họa thành điềm lành, ban cho mưa móc lớn, thấu khắp đến mọi nơi. Thần kính cẩn xin tâu lời cầu khẩn”(5). Đặc biệt, vào năm 1496, trời hạn hán không mưa, vua Lê Hiến Tông đã tự thân cầu đảo, viết các bài thơ trong tập thơ của mình ra 4 tờ giấy rồi sai Nguyễn Đôn dán trên tường đền thờ thần, hiệu quả là đến đêm hôm đó mưa to “nước tràn trề”(6).

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Viec Cau Dao Cua Cac Vuong Trieu Quan Chu Viet Nam 2

Thời Lê trung hưng, vua Lê và các chúa Trịnh quan niệm rằng thiên tai xảy ra là do bản thân làm gì đó trái với tự nhiên nên bị trời giáng tai họa. Do vậy, để trừ bớt tai dị, triều đình tiến hành các nghi lễ cầu đảo, cúng tế vào những năm xảy ra thiên tai. Bên cạnh đó, các chúa Trịnh còn xuống chiếu cầu lời nói thẳng, kiểm điểm, sửa đổi bản thân. Sử ít chép về các nghi lễ cầu tạnh, mà phần nhiều là các nghi lễ cầu mưa của chúa Trịnh và việc trai giới, tu thân của nhà chúa để giảm bớt sự xa hoa trong sinh hoạt của mình.

Sách Cương mục chép là từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1599, do hạn hán lâu ngày, nhà vua đã đích thân đi cầu đảo: “Suốt mùa này đến mùa khác không mưa. Nhà vua hạ lệnh lập đàn ở Xạ Đôi (gò tập bắn), thân hành cầu đảo, bèn được mưa”(7). Năm 1617, núi Đồng Cổ sụt, chúa Trịnh hạ lệnh sai quan đến tế(9). Do hiện tượng dịch bệnh xảy ra ở Nghệ An vào năm 1714, nên “chúa hạ lệnh cho hai ty Thừa chính và Hiến sát lập đàn tràng ở nơi sạch sẽ, hội đồng bách thần trong hạt để cầu đảo”(9).

Vào năm 1715, ở Nghệ An đã xảy ra dịch bệnh khiến nhân dân nhiều nơi chịu thiệt hại, chúa Trịnh đã truyền các quan hai ty Thừa chính và Hiến sát chọn lấy chỗ đất sạch, lập đàn thờ đề cầu cúng. Nghi lễ này được sử chép lại là: “Lập đàn thờ, trích tiền công, mua sắm lễ vật (5 con trâu, 5 con dê, 5 con lợn, 15 ván xôi, 15 vò rượu, 15 mâm tàu vàng lá bạc và hương, dầu trầu cau đủ dùng), nhằm ngày mồng 4 tháng 4 năm nay, tế chung các thần linh thượng đẳng, trung đẳng và hạ đẳng ở xứ Nghệ An để cầu thần phù hộ cho dân”(10).

Những năm 1759 và 1762, xảy ra dịch bệnh và sâu cắn lúa, triều đình cũng đã cho lập đàn cầu đảo. Đặc biệt là vào năm 1767, lâu ngày không có mưa, nên chúa Trịnh Sâm đã đích thân cầu đảo ở điện Kính Thiên, đồng thời hạ lệnh cho các quan dâng tờ khải . Năm 1777, vì trời đại hạn lâu ngày nên chúa Trịnh trai giới cầu đảo. Khi được mưa, chúa Trịnh dụ rằng: ta ngày đêm xót ruột nghĩ rằng: chính sự có điều gì không phải, nên thương tổn hòa khí. Một mình ta sai trái, chứ trăm họ có tội gì, nếu dân đói tức là ta đã làm cho dân đói, vì thế vẫn lo ngay ngáy”(12).

Sau đây là thống kê về số lần cầu đảo của các vương triều quân chủ từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII:

Bảng 1: Thống kê số lần cầu đảo của các vương triều quân chủ (thế kỷ XI-XVIII)

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Viec Cau Dao Cua Cac Vuong Trieu Quan Chu Viet Nam 3 Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Viec Cau Dao Cua Cac Vuong Trieu Quan Chu Viet Nam 4 Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Viec Cau Dao Cua Cac Vuong Trieu Quan Chu Viet Nam 5

Nguồn: Việt Sử lược (1960), Nxb. Văn Sử địa; Cương mục (1998), I, II, Nxb. Giáo dục; Lịch triều tạp kỷ (1995), Ngô Cao Lãng, Nxb. Khoa học xã hội; Đại Việt sử ký toàn thư (1993), I, II, III, Nxb. Khoa học xã hội; Đại Việt sử ký tục biên (2011), Nxb. Văn hóa thông tin.

Như vậy, bảng thống kê 1 cho biết số lần cầu đảo của cả nhà vua và triều đình là 53 lần, trong đó vua/chúa cầu đảo là 30 lần, cao hơn so với triều đình.

Theo bảng thống kê trên, thì các nơi nhà nước quân chủ thực hiện nghi lễ cầu đảo nhiều nhất là các chùa Pháp Vân, Báo Ân, Báo Thiên và điện Kính Thiên.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Viec Cau Dao Cua Cac Vuong Trieu Quan Chu Viet Nam 6

Vào thời Lý, nghi lễ cầu đảo được thực hiện chủ yếu ở chùa Pháp Vân, hoặc nhà vua cho rước tượng Pháp Vân về kinh đô để thực hiện các nghi thức cầu tạnh. Ví như năm Mậu Thân (1188), vào tháng 5, xảy ra hạn hán, vua Lý đã đến chùa Pháp Vân, chính mình làm lễ đảo vũ và: “lại rước tượng Phật ở chùa Pháp Vân về chùa Báo thiên để cầu đảo. Nhà vua đi chơi khắp núi sông, ngự giá đến đâu đều ban phong hiệu cho thần linh ở đó, và cho dân lập miếu thờ”(13). Năm Giáp Dần (1434), vua Lê đã rước Phật ở đây về kinh thành để làm lễ cầu mưa. Sử chép: “Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, vua sai các quan rước Phật chùa Pháp Vân ở Cát Châu về Đông Kinh để cầu mưa”(14).

Vào thời Lê sơ, địa điểm thực hiện các nghi lễ cầu đảo của nhà vua thường là chùa Báo Ân, điện Kính thiên và chùa Báo Thiên. Đây cũng là những địa điểm được coi là linh thiêng trong việc thực hiện các nghi lễ cầu đảo. Báo Ân là ngôi chùa được xây dựng khá sớm dưới thời Trần. Là ngôi chùa lớn thời bấy giờ có quan hệ với cuộc đời tu hành của các vị Tổ sư thuộc phái Trúc lâm như vua Trần Nhân Tông, sư Pháp Loa và Huyền Quang(15). Sử chép về nghi lễ cầu đảo ở chùa Báo Ân như sau: “Mậu Thìn (1448): Xuống chiếu cho các quan văn võ phải trai giới đến chùa Báo Ân ở cung Cảnh Linh làm lễ cầu mưa. Vua đích thân tới vái xin; năm Kỷ Tỵ (1449): tháng 4, tháng ấy bị hạn. Vua thân đến cung Cảnh Linh làm lễ cầu mưa”(16). Ngoài ra, dưới thời Lê sơ, điện Kính thiên cũng được sử dụng làm nơi thờ cúng và tế lễ của triều đình và chùa Báo Thiên được triều đình thực hiện các lễ cầu đảo cầu cho mưa thuận gió hòa(17).

Thời Lê Trung Hưng, các nghi lễ cầu đảo được tiến hành tại điện Kính thiên. Ngoài ra, những lần cầu đảo, tế lễ hoặc để trai giới, nhà vua hoặc chúa Trịnh đã lập đàn ở những nơi tập bắn hoặc các địa phương xảy ra thiên tai, dịch bệnh để cầu đảo.

Đặc biệt, dưới thời Lê sơ, triều đình còn có những quy định về việc cầu đảo, quyền lợi cho các quan thực hiện nghi lễ cầu mưa và lệ lấy người phục vụ cho công việc này. Năm 1463, triều đình quy định dùng tiền thuế cho việc thực hiện lễ cầu mưa, vào năm 1468, định nghi chú cầu mưa, cầu nắng. Chính sử cho biết: “Giáp Thìn (1484), tháng 4, định lệ lấy người các xã phục dịch lễ đảo vũ. Các quan vâng mệnh đi đảo vũ ở đền chùa nơi nào, cho lấy người xã gần đó và người xã bản xứ để đốt hương, đóng oản, phục dịch các quan và nuôi dưỡng tăng sĩ, mỗi ngày 10 người, luân phiên thay đổi để tiện việc cày cấy”(18).

Tuy nhiên, do khan hiếm về nguồn tư liệu, nên chúng tôi chưa thể biết trình tự các nghi thức cầu đảo của nhà vua và triều đình diễn ra theo trình tự thế nào. Trong giai đoạn trung đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII, chỉ có thể dựa vào những ghi chép của chính sử để khẳng định về diễn tiến của các lần cầu đảo. Nhà vua hoặc những người trong thành phần cầu đảo đều thực hiện ăn chay, trai giới để tỏ lòng kính thần, sau đó mới thực hiện các nghi lễ cầu đảo. Bên cạnh đó, nhà vua còn kết hợp giữa cầu đảo và lập đàn để tế thần linh, ví như năm Đinh Dậu (1597), vua Lê thực hiện các nghi lễ này thì trời mới có mưa: “tháng 5 hạn, lúa đậu chết khô. Ngày 20, vua mật đảo trong cung cấm, lại dựng đàn ở Cầu Muống, thành Đại La để hợp tế các linh thần núi sông mới được mưa”(19). Giáo lý của Phật giáo không quy định cụ thể việc cầu cúng là nhất thiết phải ăn chay hay không, nhưng đa phần những người chủ tế thường ăn chay để tỏ lòng kính Phật, tránh sát sinh, nhờ vậy có thể cảm được lòng Trời, giảm đi tai họa thiên nhiên mà Trời giáng xuống. Việc làm trai giới, ăn chay này được phản ánh khá rõ trong các tài liệu viết về các hệ phái của Phật giáo. Trong cuốn “Hệ phái bùa chú Việt Nam” những người làm bùa và thực hiện nghi lễ cầu đảo, mật đảo đều thực hiện trai giới và ăn chay trong khoảng thời gian mà họ cầu cúng thì kết quả mới hiệu nghiệm(20).

Hiệu quả của cầu đảo

Đa số những lần cầu đảo của triều đình hoặc nhà vua đều mang lại hiệu quả. Sử chép vào các năm triều đình làm lễ cầu mưa hoặc cầu tạnh, thì vài ngày sau đó hoặc tháng sau đó liền có mưa. Điều này lại càng khẳng định thêm nghi lễ cầu đảo tỏ ra hiệu nghiệm, có tác dụng an dân trong thời điểm bấy giờ. Ví như thời Lý: vào tháng 3 năm Đinh Tỵ (1137) trời không mưa, nhà vua đã cầu đảo ở chùa Báo Thiên, và kết quả là “tối hôm ấy mưa”(21).

Thời Lê sơ, năm Quý Tỵ (1473), hạn hán xảy ra vào tháng 3, nhà vua đã cầu đảo ở Thái Miếu và sai quan cầu đảo khắp các thần thì hai ngày sau có mưa. Năm 1714, chúa Trịnh cầu đảo cũng ứng nghiệm, có mưa. Hay lần cầu mưa năm Đinh Dậu (1777) của chúa Trịnh là: “Mưa to. Từ mùa thu năm ngoái đến mùa hạ năm ấy, đại hạn luôn, mỗi khi cầu mưa, chỉ mưa nhỏ, chưa mưa to, dân gian cấy trồng rất khó khăn. Chúa Trịnh Sâm sai các trấn kiêm làm quan khuyến nông, bàn việc khuyên bảo dạy dân trồng trọt. Chúa có ý khẩn thiết lo lắng vì thời tiết bất thường. Chúa hỏi han về nắng mưa của nhà nông sai cho 3 ngày một lần báo lên […] Đến bấy giờ, chúa lại xin Kính Thiên mật đảo, ngày hôm ấy mưa to. Xa gần vui mừng, qua vài ngày lại mưa suốt đêm như rót nước xuống. Chính phủ đem các quan vào lạy mừng […] Rồi thì các lộ đều báo tin được mưa, dân cấy trồng được. Mùa đông năm ấy vụ mùa thu hoạch cao”(24).

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Viec Cau Dao Cua Cac Vuong Trieu Quan Chu Viet Nam 7

Tuy nhiên, cũng có những lần cầu đảo không thành công, hoặc phải cầu đảo nhiều lần mới có kết quả. Ví như năm Kỷ Dậu (1129), dù nhà vua đã thực hiện ân xá, tha những người có tội trong nước và trai giới cầu đảo nhưng không có kết quả: “Từ tháng 2 năm ấy đến mãi tháng 3 không mưa, nhà vua thân đi đảo vũ, không linh ứng, nhân bảo các quan hầu: “Trẫm là người ít đức, can phạm đến Trời, làm mất hòa khí: mùa xuân năm ngoái mưa dầm, mùa xuân năm nay đại hạn; Trẫm thấy lo quá! Các khanh nên nghĩ xem trẫm có điều gì lầm lỗi thì bổ cứu lại cho”. Sau đó vua nghe lời can gián của viên ngoại lang Trần Ngọc Khánh rằng “do chính lệnh của nhà vua mà sai lệch vì quá nghiêm khắc, thì điềm dữ sẽ phản ứng lại là nắng nhiều. Vậy xin bệ hạ nghĩ lại”, thì nhà vua cho là phải, xuống chiếu tha các tội nhân trong nước, đến tháng 4 có mưa”(25). Hoặc vào năm Kỷ Tỵ (1449), vua Lê Nhân Tông cầu đảo không ứng nghiệm, phải xuống chiếu tự trách bản thân thì trời mới có mưa: “Tháng 4, tháng ấy bị hạn. Vua thân đến cung Cảnh Linh làm lễ cầu mưa. Sai Tham tri Bùi Cầm Hổ, Lễ bộ lang trung Nguyễn Cảnh đi cầu đảo ở núi Tản Viên và Tam Đảo đều không ứng nghiệm. Ngày Quý Mùi, xuống chiếu tự trách mình. Tờ chiếu ban xuống, đêm hôm ấy có mưa”(26).

3. Nhận xét

Cầu đảo là nghi lễ mang tính tâm linh, tôn giáo, thể hiện rõ tư tưởng “thiên nhân cảm ứng” của các triều đại quân chủ trong quá trình trị nước.

Cơ sở của việc thực hiện nghi lễ cầu đảo là do xuất phát từ nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, yếu tố thuận lợi của thời tiết giữ vai trò quan trọng. Đặc biệt, nhà vua, những quan lại trong triều và quan địa phương đã thực hiện trai giới, ăn chay, kiểm điểm bản thân và thực hiện cầu đảo, tế lễ. Nhà vua, người nhiều lần đích thân cầu đảo, làm gương cho các quan trong triều. Đây được coi là nét đẹp, là sự thể hiện tinh thần vì dân của những người lãnh đạo đất nước.
Địa điểm thực hiện nghi lễ cầu đảo thường là những ngôi chùa lớn, nơi có vị trí quan trọng đối với đất nước trong các thế kỷ X đến XVIII, có sự tín nhiệm, đem lại hiệu quả ứng nghiệm. Điều đó cũng góp phần thúc đẩy hoạt động cầu đảo của triều đình lâu dài hơn đến các thế kỷ sau.

Nghi lễ cầu đảo tại các chùa như đã phân tích ở trên chứng tỏ nhà nước rất coi trọng đạo Phật, nhà vua thể hiện thái độ kính trọng thần linh, tôn sùng Phật giáo. Có thể khẳng định Phật giáo ở Việt Nam trong các thế kỷ nêu trên đã có vị trí khá quan trọng đối với nhà nước, đối với nhân dân, không những là một tôn giáo nó còn là một thành tố quan trọng trong văn hóa của người Việt. Mặt khác, nghi lễ cầu đảo đa phần thuộc về phương thức tế lễ, mật đảo mang tính chất của Đạo giáo, nhưng lại được thực hiện chủ yếu ở các ngôi chùa, nó đã cho thấy sự kết hợp, ảnh hưởng giữa Đạo giáo và Phật giáo trong một thời gian dài. Đặc biệt, nghi lễ cầu đảo được thực hiện nhiều nhất dưới thời Lý, Lê sơ, Lê Trung Hưng. Điều đó cho thấy yếu tố Đạo giáo đã tồn tại lâu dài trong đời sống tâm linh của một bộ phận tầng lớp cấp cao trong triều đình và cũng là khía cạnh cho thấy biểu hiện của “tam giáo đồng nguyên” (Nho- Phật- Lão) ở Việt Nam.

ThS. Mai Thị Huyền – Th.S Trần Thị Nhung
Viện Sử học
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022

***

CHÚ THÍCH:
(1) Các quẻ đơn trong Bát quái gồm: ☰ (quẻ Càn), ☵ (quẻ Khảm), ☶ (quẻ Cấn), ☳ (quẻ Chấn), ☳ (quẻ Tốn), ☲ (quẻ Ly), ☷ (quẻ Khôn) , ☱ (quẻ Đoài), từ đó hình thành quẻ kép. 6 hào kép có hình tượng của các hào đều biểu thị là: 2 hào trên là thiên, hào giữa là nhân và hào dưới cùng là địa, tượng trưng cho quan hệ tam tài: Thiên- địa- nhân, con người luôn nằm giữa Trời và đất, hòa hợp với trời đất thì mới có thể sinh tồn. Theo Thiệu Vĩ Hoa, Chu dịch với dự đoán học, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1997, tr. 34: Một ví dụ cụ thể cho tượng quẻ bát quái là quẻ trạch lôi tùy.
(2) Nguyễn Thanh Hà, Trí tuệ Nho giáo với cuộc sống và con người thời hiện đại (Quan niệm “Thiên nhân hợp nhất” của Nho giáo và vấn đề bảo vệ môi trường), Thông báo Hán Nôm học, 2011, tr. 590.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 277.
(4) Việt Sử lược, Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải, Nxb. Văn Sử địa, Hà Nội, 1960, tr. 108, 134, 143, 144.
(5) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 467.
(6) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 513.
(7) Cương mục, tập II, Sđd, tr. 233
(8) Cương mục, tập II, Sđd, tr. 238.
(9) Cương mục, tập II, Sđd, tr. 407.
(10) Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỷ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 199-200.
(11) Cương mục, tập II, Sđd, tr. 672.
(12) Đại việt sử ký tục biên, Sđd, tr. 438.
(13) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 423.
(14) Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 313. Theo tư liệu cho biết, hiện nay chùa Pháp Vân tọa lạc trên địa bàn thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Trước đó, chùa có tên là Bồ Đà Tự, còn có tên là Pháp Vân, tên gọi ban đầu của chùa là Đại Thiền tự, đến thời Tiền Lê mới thờ thêm bà Pháp Vân, được coi là một trong tứ đại Phật pháp rất nổi tiếng thời bấy giờ. Ngôi chùa này là một trong số ít nơi theo tín ngưỡng Tứ pháp, thờ các thần vân, vũ, lôi, điện (mây, mưa, sấm, chớp) của Hà Nội nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung. Tương truyền là sau khi ở Đại La (sau đổi là Thăng Long) có mưa, thì tượng Pháp Vân được rước về lại chùa Dâu (Bắc Ninh). Chùa Pháp Vân về sau trở thành địa điểm rất linh thiêng để cầu mưa cho nhân dân.
(15) Chùa Báo Ân nằm ở tả ngạn sông Thiên Đức, hiện nay thuộc thôn Trung, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây là địa điểm giáp ranh giữa Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Báo Ân cũng là ngôi chùa diễn ra các hoạt động sôi nổi về Thiền học của Thăng Long đương thời.
(16) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 362, 370.
(17) Chùa Báo Thiên do vua Lý Thánh Tông lập năm 1057, thuộc huyện Thọ Xương, quận Hoàn Kiếm, nay thuộc khu vực phố Nhà Chung, Hà Nội. Chùa được trùng tu vào năm 1443, dưới thời Lê sơ, đến thế kỷ XIX lại được triều Nguyễn trùng tu, bảo tồn. Năm 1883, chùa Báo Thiên bị Pháp tháo dỡ để xây nhà thờ lớn, hiện nay chỉ còn dấu tích là chiếc giếng cổ trong một nhà dân thuộc phố Nhà Chung.
(18) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 313, tr. 398, 434, 490.
(19) Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 197.
(20) Theo sách “Hệ phái bùa chú Việt Nam”, Sài Gòn, 1975, tr. 130, 193, 194, các trường phái làm bùa kiêng ăn một số thực phẩm như khế, thịt rắn, chó, rùa, cá không vảy…vì những con vật và cây cỏ đó tương truyền là vật hộ thân, hộ mệnh cho Phật Tổ (Thích Ca Mâu Ni) trong quá trình Ngài đi thuyết giảng, truyền bá đạo Phật ở Ấn Độ.
(21) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 391.
(22) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 461.
(23) Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỷ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 192.
(24) Trung tâm khoa học và nhân văn quốc gia, Đại Việt sử ký tục biên, Nxb. Văn hóa thông tin, 2011, tr. 438.
(25) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 385.
(26) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 370.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, II, III, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
2. Nguyễn Thanh Hà, Trí tuệ Nho giáo với cuộc sống con người thời hiện đại (Quan niệm “Thiên nhân hợp nhất” của Nho giáo và vấn đề bảo vệ môi trường), Thông báo Hán Nôm học, 2011, tr. 590-594.
3. Thiệu Vĩ Hoa, Chu dịch với dự đoán học, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1997.
4. Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỷ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.
5. P.V. Bapat, 2500 năm Phật giáo, Nguyễn Đức Tư, Hữu Song dịch, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2007.
6. Phật Quang đại từ điển (佛光大辭典), Phật Quang đại từ điển biên tu ủy viên hội, Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
8. Tâm Linh Việt, Hệ phái bùa chú Việt Nam, Sài Gòn, 1975.
9. Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải, Việt Sử lược, Nxb. Văn Sử địa, 1960.
10. Trung tâm khoa học và nhân văn quốc gia, Đại Việt sử ký tục biên, Nxb. Văn hóa thông tin, 2011.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường