Trang chủ Lịch sử - Triết học Vai trò lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm đời Trần của Thiền sư Pháp Loa

Vai trò lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm đời Trần của Thiền sư Pháp Loa

Thiền sư Pháp Loa, một người có trình độ Phật học uyên thâm, có tài đức và là một thiền sư đắc đạo, được Trần Nhân Tông chọn lựa, kế thừa, tiếp nối thiền phái và đặt kỳ vọng vào vai trò lãnh đạo của ông đối với Giáo hội Trúc Lâm.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Thiền sư Pháp Loa, một người có trình độ Phật học uyên thâm, có tài đức và là một thiền sư được Trần Nhân Tông chọn lựa, kế thừa, tiếp nối thiền phái và đặt kỳ vọng vào vai trò lãnh đạo của ông đối với Giáo hội Trúc Lâm.

Vai trò lãnh đạo giáo hội Trúc Lâm đời Trần của Thiền sư Pháp Loa

Tác giả: TT.TS.Thích Lệ Quang

Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM.

Tóm tắt: Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do thiền sư Trần Nhân Tông sáng lập vào thời nhà Trần. Đây là dòng thiền mới mang yếu tố nội sinh, chứa đựng tư tưởng mới, thể hiện tính tự do, tự chủ, nhập thế tích cực và phong cách đặc thù của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XIII – XIV. Thiền phái Trúc Lâm có sức ảnh hưởng đặc biệt đối với thiền học Phật giáo Việt Nam và gắn liền với hoạt động xã hội, có tiếng nói nhất định trong vương triều nhà Trần. Sự thành lập Giáo hội Trúc Lâm, đánh dấu một bước đi chiến lược của việc quản lý chùa chiền và tăng lữ có hệ thống, tổ chức hết sức sâu sắc. Đây có thể nói là mô hình quản lý mới mẻ của Phật giáo thời Trần; Đặc biệt, thiền sư Pháp Loa, một người có trình độ Phật học uyên thâm, có tài đức và là một thiền sư đắc đạo, được Trần Nhân Tông chọn lựa, kế thừa, tiếp nối thiền phái và đặt kỳ vọng vào vai trò lãnh đạo của ông đối với Giáo hội Trúc Lâm. Bài viết tập trung trình bày một số nét về Thiền sư Pháp Loa cùng vai trò lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm của thiền sư Pháp Loa.

Từ khoá: Thiền sư Pháp Loa, Giáo hội, lãnh đạo, Phật giáo Trúc Lâm.

Dẫn nhập

Thiền phái Trúc Lâm là một trong bốn thiền phái của Phật giáo Việt Nam, phát triển cùng với các dòng thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thiền phái Vô Ngôn Thông, thiền phái Thảo Đường. Khai sáng dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Đứng về mặt truyền thừa, Trần Nhân Tông là Tổ thứ 6, tiếp nối thiền sư Huệ Tuệ dòng thiền Yên Tử. Tuy nhiên, Trần Nhân Tông đã thành lập một dòng thiền mới, đó là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và trở thành Tổ thứ nhất của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Đây là dòng thiền mới mang yếu tố nội sinh, chứa đựng tư tưởng mới, thể hiện tính tự do, tự chủ, tính nhập thế tích cực và phong cách đặc thù của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn thế kỷ XIII – XIV. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hay thiền phái Nhất tông, có sức ảnh hưởng đặc biệt đối với thiền học Phật giáo Việt Nam và gắn liền với hoạt động xã hội, có tiếng nói nhất định trong vương triều nhà Trần. Tuy nhiên, ngoài đặc điểm nổi bật mang tính nhập thế tích cực, nó còn có điểm nhấn quan trọng đó là thành lập nên một tổ chức Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm để quản lý chùa chiền và tăng lữ một cách có hệ thống. Trong đó, thiền sư Pháp Loa là đệ nhị Tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được xem là một nhân vật đóng vai trò quan trọng trong quản lý hoạt động của Giáo hội Trúc Lâm.

Nội dung

1. Đôi nét về Thiền sư Pháp Loa

Thien su OpHAP lOA tapchinghiencuuphathoc.vn

Thiền sư Pháp Loa có tên tục là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thân (tức 23 tháng 5 năm 1284), niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 đời vua Trần Nhân Tông, quê ở hương Cửu La, huyện Chí Linh, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang

Theo sách Tam tổ thực lục chép rằng, thiền sư Pháp Loa[1] tên tục là Đồng Kiên Cương, sinh giờ Mão, ngày 17 tháng 5 năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284), tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, bên sông Nam Sách. Cha họ Đồng, pháp danh Thuần Mậu, mẹ là Vũ Thị. Trước đó vào tháng 8 năm Quý Mùi, mẹ sư đêm nằm mộng thấy dị nhân trao cho kiếm thần, bà vui mừng ôm vào lòng, đến khi thức giấc, bà biết có thai. Khi sư ra đời có mùi hương lạ bay khắp nhà, hồi lâu mới hết. Năm 1304, niên hiệu Hưng Long thứ 12, Trần Nhân Tông đi thuyết giảng trong nhân gian, đến sông Nam Sách thì gặp được Pháp Loa, lúc đó mới vừa 21 tuổi. Trần Nhân Tông nói: “Đứa bé này có đạo nhãn, sau này hẳn là bậc pháp khí” [2], khi trở về Liêu Kỳ Lân núi Linh sơn, Điều Ngự đã thế phát xuất gia cho Pháp Loa và bảo đến Quỳnh Quán học với thiền sư Tính Giác. Mặc dù, Pháp Loa là đệ tử mới xuất gia, nhưng Trần Nhân Tông đã thấu rõ Pháp Loa là người có căn trí linh lợi, là bậc pháp khí tòng lâm và kỳ vọng rằng, người này có thể gánh vác vai trò, trách nhiệm lớn lao của Giáo hội Trúc Lâm cũng như là người thừa kế, chân truyền của dòng thiền phái Trúc Lâm mới còn non trẻ. Trong số bảy, tám người đệ tử, nhưng Trần Nhân Tông chỉ giảng Truyền Đăng lục và Đại Tuệ Ngữ lục cho Pháp Loa. Đặc biệt, năm 1307, khi Pháp Loa mới vừa 24 tuổi, Trần Nhân Tông đã viết tâm kệ cho Pháp Loa và truyền y bát cho Pháp Loa, trước khi viên tịch ở am Ngọa Vân, núi Yên Tử. Giai thoại ngộ thiền của Pháp Loa khởi nguồn từ bài kệ “Thái dương ô kê” của Điều Ngự và được ấn chứng, truyền giới Thanh văn và Bồ tát giới, ban hiệu là Pháp Loa. Trần Nhân Tông đã uỷ thác cho thiền sư Pháp Loa trụ trì chùa Siêu Loại, làm Tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm, trước sự chứng kiến của vua Anh Tông. Sách Tam tổ thực lục ghi rằng: “Ngày mồng một tháng giêng năm Mậu Thân, niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308), sư phụng mệnh nối dòng pháp, trụ trì Cam Lộ Đường chùa Siêu Loại” [3]; đồng thời đem 100 hộp kinh sử ngoại điển và 20 hộp Đại tạng cỡ nhỏ viết bằng máu trao cho thiền sư Pháp Loa.

Chúng ta thấy rằng việc truyền y bát theo truyền thống thường diễn ra trong không gian mang tính nội bộ, trong dòng phái với số lượng ít người chứng kiến. Tuy nhiên, Trần Nhân Tông đã tổ chức một buổi lễ long trọng với nhiều lễ nghi như tấu đại nhạc, đánh trống pháp, đốt danh hương… đặc biệt, là sự có mặt của vua Anh Tông và các quan đại thần triều đình. Đây là một hành động có nhiều ý nghĩa, ẩn chứa nhiều mục đích, nhằm giúp cho thiền sư Pháp Loa “đưa thuyền vượt biển cả” trước bão tố phong ba, khó khăn, gian nan của xã hội lúc bấy giờ một cách thuận lợi và hoàn thành những tâm nguyện mà Trần Nhân Tông đã cố gắng dày công thành lập Giáo hội Trúc Lâm, mong muốn nó được phát triển lâu dài như kỳ vọng của Ngài. Với mục đích: Một là, chứng minh cho mọi người biết người kế thừa thiền phái Trúc Lâm một cách hợp pháp; hai là, tạo tiền đề tích cực cho Pháp Loa sau này lãnh đạo Giáo hội, đặt nền móng vững chắc cho Phật giáo thống nhất và nhập thế mà Trần Nhân Tông đã cố gắng xây dựng, đào tạo thế hệ tăng sĩ Phật giáo trong nhiều năm. Tuy nhiên, Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm không bao lâu, thì ngài mất sớm ở tuổi 47. Niên hiệu Khai Hựu thứ hai (1330), ngày mùng 4 tháng 3, Pháp Loa viết bài kệ để lại rồi thị tịch:

Muôn duyên cắt đứt, một thân nhàn

Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng

Nhắc bảo mọi người thôi chớ hỏi

Bên kia trăng gió rộng thênh thang [4] .

Ngày 11 tháng 3, Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông ngự bút ban hiệu là Tịnh Trí Tôn giả, đặt tên tháp là Viên Thông, để ghi nhớ công trạng của Ngài Pháp Loa.

Cuộc đời của Pháp Loa gắn liền với sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, phụng sự dân tộc, kế thừa và phát huy tinh thần Phật giáo đời Trần, ông là người có công lớn trong việc in bộ Đại tạng kinh, một pháp bảo giá trị của Phật giáo Việt Nam; cùng với nhiều tác phẩm Phật giáo có giá trị khác như: Đoạn sách lục, Tham thiền chỉ yếu, Kim Cương đạo tràng Đà la ni kinh, Tán Pháp hoa kinh khoa số, Bát nhã tâm kinh khoa…góp phần làm giàu thêm kho tàng văn học Phật giáo nước nhà ngày càng phong phú về nhiều thể loại của Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, Pháp Loa là người đã kế thừa Trần Nhân Tông lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm, làm cho nó ngày càng phát triển có chiều sâu về mặt tổ chức, quản lý Tăng, Ni một cách có hệ thống.

thien su phap loa tapchinghiencuuphathoc.vn

Ảnh minh họa: Internet.

2. Xây dựng hệ thống Giáo hội Trúc Lâm thống nhất

Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch, mọi sinh hoạt của tăng sĩ, quản lý chùa chiền là do người đứng đầu các chùa, các trưởng môn phong, pháp phái có quyền quyết định đối với tất cả công việc đối nội, đối ngoại, mang tính chất nội bộ của các chùa chiền, tông phái. Tuy nhiên, đến thời nhà Đinh thì có chức Tăng Thống, Tăng Lục, nhưng chưa có một tổ chức Giáo hội nào quản lý Tăng – Ni, tự viện một cách có tổ chức mang tính hệ thống. Sự phát triển tổ chức Giáo hội chỉ xuất hiện khi Phật giáo đời Trần nhận thấy rằng nhu cầu cấp thiết của việc quản lý chùa chiền và tăng sĩ lúc bấy giờ quá nhiều trên ba vạn tăng sĩ và hơn 3500 ngôi chùa lớn nhỏ được xây dựng do các vương hầu, quan lại, quần chúng nhân dân đóng góp xây dựng, sửa chữa. Nhất là số lượng tăng sĩ càng nhiều, phát sinh nhiều hệ lụy tình cảm, lợi dưỡng, quyền lực nội bộ, đấu đá tranh giành lẫn nhau, phe phái… làm ảnh hưởng đến Phật giáo. Đồng thời, chúng ta cũng thấy rằng thực tế trong tăng đoàn xuất hiện nhiều thành phần trong xã hội đi tu mang nhiều tính cách và màu sắc khác nhau, đó là do đặc thù của Phật giáo với tinh thần Từ bi cứu độ chúng sinh, ai cũng có thể tu hành và thành tựu kết quả như mong đợi. Mặc dù vậy, về cơ bản hình thành hai lớp người căn cơ đi tu: Thứ nhất, lớp người có tri thức, học vấn uyên thâm, có trình độ nghiên cứu Phật học, nghiên cứu thế học sâu rộng và đỗ Trạng nguyên, tiến sĩ, có địa vị, vai trò, trọng trách trong xã hội…họ hướng về Phật giáo, đào sâu nghiên cứu, rèn luyện tu tập và đạt được những kết quả đáng khâm phục; trong số đó có những người là thiền sư lỗi lạc, có tiếng nói quan trọng và sức ảnh hưởng không nhỏ đối với chính quyền đương thời.

Thứ hai, lớp người có học vấn vừa phải, đôi lúc học vấn thấp kém hoặc không có học hành bài bản, mồ côi từ thuở nhỏ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn…có duyên lành đi xuất gia theo các sư thầy học đạo tu hành. Lớp người này thường có tính chất sống gần gửi với đại chúng với tầng lớp thường dân và có tác động không nhỏ đến Phật giáo đại chúng. Chính vì vậy, Phật giáo phát triển ngày càng đông, càng mạnh về số lượng cũng như chất lượng. Tuy nhiên, điều đó chưa phải là dấu chấm hết cho một lý tưởng cao đẹp của Phật giáo, mà vấn đề ở đây là sự xuất hiện “không đáng có”, sự pha lẫn những mầm móng phá hoại của ngoại đạo, những tăng đồ thiếu phẩm hạnh, đạo đức, nhân cách, lối sống sa đoạ, làm chệch hướng, mục tiêu của lý tưởng giác ngộ, làm ảnh hưởng, suy thoái đến Phật giáo. Như là dưới triều nhà Lý, vua Cao Tông nghe lời tấu của thái phó Đàm Dỉ Mông, xuống chiếu bắt ép các tăng đồ hoàn tục; nhà Nho Trương Hán Siêu – thời Trần, nhiều lần ra sức công kích, bài bác Phật giáo. Cho nên để thống nhất và quản lý chặt chẻ tăng sĩ và các tự viện, lãnh đạo Phật giáo Trúc Lâm là Trần Nhân Tông cùng với Pháp Loa tiến hành thành lập Giáo hội Trúc Lâm dưới sự bảo trợ, ủng hộ của triều đình.

Screenshot 12

Tôn ảnh Đệ nhị Tổ Pháp Loa Tôn giả. Ảnh: Internet.

Tháng chín năm Quý Sửu (1313), Pháp Loa phụng chiếu của vua Anh Tông đến cư trú tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, đặt văn phòng Trung ương Giáo hội và ban hành các quy định chức vụ của tăng sĩ trong Giáo hội, kiểm tra tự viện và làm sổ tăng tịch. Lần đầu tiên tăng sĩ Phật giáo được thống nhất trong một tổ chức Giáo hội và có hồ sơ gốc tại Trung ương Giáo hội. Giáo hội Trúc Lâm là một nét mới và đặc sắc của Phật giáo đời Trần, không chỉ mới về đường lối tu hành mà còn mới về tổ chức quản lý tăng sĩ so với các triều đại trước. Điển hình như các thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thiền phái Vô Ngôn Thông, thiền phái Thảo Đường đều do người đứng đầu tông phái quản lý, sắp đặt và các chức vụ như Quốc sư, Tăng Thống, Tăng Lục… là chức vụ trong triều đình, được nhà vua ban, chịu sự ảnh hưởng của triều đình. Trần Nhân Tông và Pháp Loa muốn đổi mới cách tiếp cận của tăng sĩ với triều đình, mọi vấn đề của Phật giáo sẽ do Giáo hội quyết định, nhưng vẫn không ngoài luật pháp và được triều đình chấp thuận. Một mặt, là muốn thống nhất tăng sĩ các hệ phái, môn phong trên khắp cả nước đi vào một quỹ đạo tổ chức thống nhất từ cách sinh hoạt cộng đồng, phương hướng hoạt động, cho đến đường lối tu hành trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm. Mặt khác, tập hợp được lực lượng tinh thần đoàn kết từ tăng sĩ và tín đồ Phật tử trong cả nước gắn kết cộng đồng, cùng nhau bảo vệ xã tắc khi có chiến tranh với ngoại bang. Do đó, Giáo hội Trúc Lâm hội đủ điều kiện cơ bản từ nội lực và sự ủng hộ của triều đình nhà Trần. Pháp Loa đã được Trần Nhân Tông ủy nhiệm là người đủ tư cách thay thế ông đứng đầu Giáo hội. Pháp Loa đã được vua Anh Tông tin tưởng về nhân cách, năng lực lãnh đạo, xem trọng như là bậc thầy của mình và phụng chiếu xuất gia cho Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu và cung phi Thiên Trinh Trưởng công chúa ở chùa Siêu Loại.

Trong Tam tổ thực lục ghi rằng, năm 1308 vua Anh Tông đã sai Trung thư Thị lang Vương Công Trứ cấp độ điệp để sư ra vào nơi tăng chúng không phải theo quy định luật lệ thông thường: “Trường tuyển Phật cần phải tinh tuyển, chỗ cầu Phật chẳng cầu bên ngoài” [5] . Đây là một đặt ân quan trọng mà vua Anh Tông ban cho Pháp Loa để ngài có đủ thẩm quyền làm việc trong Giáo hội mà không bị ràng buộc bởi những quy định thông thường trong xã hội. Độ điệp là một giấy thông hành dành riêng quản lý tăng sĩ, được phép đi lại trong các chùa chiền, những vị tăng nào được cấp giấy này xem như chính thức gia nhập Giáo hội Trúc Lâm và được Giáo hội bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.

Trước thực trạng tăng sĩ ngày càng đông, mà không học tập và nghiêm trì giới luật thì Phật giáo sẽ nguy ngập, Tăng – Ni mất phẩm hạnh, ảnh hưởng đến hệ thống Giáo hội Trúc Lâm còn non trẻ. Do đó, để hạn chế và kiểm soát tăng sĩ, tháng 3 năm Canh Tuất, niên hiệu Hưng Long thứ 18 (1310), vua Anh Tông ban chiếu: “Cứ ba năm độ Tăng một lần; lại ban cho 80 mẫu ruộng tốt tại làng An Đinh, khiến nông phu canh tác để cung cấp lương thực cho chúng Tăng, và sau bốn, năm năm thì trả lại” [6] . Vì vậy, Pháp Loa đã hạn chế tổ chức giới đàn, cứ ba năm một lần và mỗi lần như thế loại ra hàng nghìn thí sinh không đủ điều kiện phẩm hạnh, không có trình độ nhất định về học vấn. Tuy nhiên, theo sách Việt Nam Phật giáo sử luận – Nguyễn Lang ghi rằng, tính từ năm hạn chế số lượng người xuất gia, ba năm một lần từ năm 1313 đến 1329, trong dòng 16 năm đã có 15.000 người. Bên cạnh đó, thiền sư Pháp Loa còn tổ chức các lớp học về giáo lý nhà Phật và sách luật học để đào tạo tăng tài cho Giáo hội Trúc Lâm. Năm 1322 Pháp Loa cho khắc in đầu tiên 5000 bản Tứ phần luật và thỉnh mời các vị quốc sư Tông Cảnh, quốc sư Bảo Phác về giảng dạy giới luật cho Tăng sĩ.

Năm Tân Hợi, niên hiệu Hưng Long thứ 19 (1311), Pháp Loa phụng chiếu vua Anh Tông tiếp tục trùng san bộ Đại tạng kinh, một công trình văn hóa lớn nhất của Phật giáo đời Trần, thực hiện kéo dài 24 năm từ năm 1295 – 1319. Đại tạng kinh, một tác phẩm văn hóa có giá trị lịch sử về mặt văn hóa Phật giáo nói riêng, về mặt văn học nước nhà nói chung, thể hiện tính độc lập, tự chủ của một dân tộc lúc bấy giờ. Văn hóa Phật giáo đời Trần góp phần tạo nên sự đa dạng phong phú của văn hóa dân tộc, thể hiện qua các tác phẩm văn học Phật giáo được sáng tác và lưu truyền do các vị thiền sư đời Trần như Thiền tông chỉ nam của Trần Thái Tông, Thượng Sĩ hành trạng, Cư Trần Lạc Đạo và Đắc Thú Lâm Tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông, bài phú Vịnh Vân Yên Tự của Huyền Quang.

Giáo hội Trúc Lâm được thành lập, phần lớn là do công đầu của Tổ Trần Nhân Tông khởi xướng với nhiều yếu tố rất thuận lợi về mọi mặt từ nguồn lực nội tại cho đến ngoại tại. Bởi lẽ, Trần Nhân Tông đã là vua của một nước và người kế nhiệm làm vua, lại là con của ông. Vì vậy, việc thành lập Giáo hội Trúc Lâm và chuyển giao quyền lực cho Pháp Loa lãnh đạo Trúc Lâm rất thuận duyên, không trở ngại. Tuy nhiên vấn đề là sau khi Trần Nhân Tông viên tịch, Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm, thống nhất tăng chúng, lại là một câu chuyện không phải dễ dàng, mà không phải ai trong số những người đệ tử của Trần Nhân Tông có thể làm được. Điều đó, cho chúng ta hiểu được rằng “độ khó” của công tác quản lý Giáo hội, để quy phục “tăng chúng” và quy tụ tăng chúng về một tổ chức, là vấn đề của câu chuyện tương lai, không phải là câu chuyện của hiện tại. Huống chi, lịch sử đã cho chúng ta có một cái nhìn thực tế về giai đoạn lịch sử suy tàn cuối thời Lý về đời sống, văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội, kéo theo sự suy tàn của nền đạo đức lúc bấy giờ; trong đó Phật giáo thời Trần chịu đựng một di sản suy vi nặng nề của Phật giáo cuối thời Lý để lại. Mặt khác, xã hội thời Trần cũng như xã hội ngày nay, còn có nhiều mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau như quan hệ thầy trò, quan hệ tình cảm, quan hệ lợi ích, quan hệ danh tiếng, quan hệ uy tín, quan hệ quyền lực…tác động và ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của các cá nhân, nhóm người, tổ chức; thì việc thống nhất nhau dưới sự lãnh đạo của Pháp Loa là một công tác vô cùng khó khăn. Mặc dù vậy, với tài đức của Pháp Loa và sự ủng hộ của vua Trần Anh Tông, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng, là duy trì được Giáo hội Trúc Lâm và giao lại cho Tổ Huyền Quang kế thừa, phát triển, lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm, trước khi ông viên tịch ở tuổi 47.

Kết luận

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền phái mới mẻ, mang sắc thái riêng biệt của Phật giáo Việt Nam. Với tinh thần nhập thế tích cực, tham gia vào xã hội, phụng vụ lợi ích của nhân dân; đồng thời đem ánh sáng của đạo Phật “hoà quang đồng trần” vào trong đời sống xã hội, nhằm thực hiện giúp đỡ người nghèo khó khăn, cứu trợ thiên tai, ngăn chặn các tệ nạn và góp phần giải quyết những khủng hoảng, mâu thuẫn của xã hội, vấn đề ý thức hệ… xây dựng xã hội theo tinh thần của Phật giáo. Trần Nhân Tông muốn gửi một thông điệp về sự kết hợp giữa thần quyền với vương quyền, nhằm xây dựng một tổ chức, Giáo hội mới mang bản sắc văn hoá của dân tộc Đại Việt, mà đại diện là Giáo hội Trúc Lâm với những đặc điểm, đặc trưng là con người Đại Việt. Do đó, để những thành quả mà ông dày công xây dựng không bị mai một, bị đứt đoạn, ông đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mọi mặt để đào tạo nguồn nhân lực lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm còn non trẻ. Trong số đó, thiền sư Pháp Loa là người xứng đáng tiếp nhận, có độ tin cậy cao và đặc biệt là người đắc pháp, được truyền y bát, tiếp nối dòng pháp thứ hai của thiền phái Trúc Lâm. Là thiền sư đắc đạo, ông đã tiếp nối được tư tưởng thiền học của Trần Nhân Tông một cách sâu sắc; là một vị lãnh đạo Giáo hội, ông là người có tài năng, đức độ, có trách nhiệm, đối với tăng chúng và Giáo hội. Đặc biệt, là ông đã nhận được sự ủng hộ hết sức to lớn của vua, quan triều đình phong kiến lúc bấy giờ. Sự ủng hộ của vua Trần Anh Tông đối với ông, đóng một vai trò rất to lớn trong công tác quản lý Giáo hội Trúc Lâm, nó như một “lá chắn” vững chắc, nhằm vô hiệu hoá các thế lực cực đoan, bất lợi, giúp ông hoàn thành tốt nhiệm vụ, vai trò lãnh đạo Giáo hội, mà Tổ Trần Nhân Tông, tin cậy, giao phó, uỷ thác sứ mệnh lịch sử, ông là người tiếp nối, kế thừa, duy trì, phát triển Giáo hội Trúc Lâm trong tương lai.

Tác giả: TT. TS. Thích Lệ Quang

Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM.

Chú thích:

[1] Thích Phước Sơn (dịch và chú), Tam tổ thực lục, NXB. Tp HCM, Viện Nghiên cứu Phật học, ấn hành 1995, tr 37.

[2] Thích Phước Sơn (dịch và chú), Tam tổ thực lục, NXB. Tp HCM, Viện Nghiên cứu Phật học, ấn hành 1995, tr 38.

[3] Thích Phước Sơn (dịch và chú), Tam tổ thực lục, NXB. Tp HCM, Viện Nghiên cứu Phật học, ấn hành 1995, tr 40.

[4] Thích Phước Sơn (dịch và chú), Tam tổ thực lục, NXB. Tp HCM, Viện Nghiên cứu Phật học, ấn hành 1995, tr 57.

[5] Thích Phước Sơn (dịch và chú), Tam tổ thục lục, NXB. Tp HCM, Viện nghiên cứu Phật học, ấn hành 1995, tr 41.

[6] Thích Phước Sơn (dịch và chú), Tam tổ thục lục, NXB. Tp HCM, Viện nghiên cứu Phật học, ấn hành 1995, tr 42.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008.

2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, II, III, NXB. Văn học, Hà Nội, 2000.

3. PGS. TS. Doãn Chính, PGS.TS. Trương Văn Chung, Tư tưởng Việt Nam thời Lý – Trần, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.

4. PGS.TS. Trương Văn Chung, Tư tưởng triết học của thiền phái Trúc Lâm đời Trần, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.

5. Thích Phước Sơn, Tam tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, ấn hành, 1995.

Để cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtube.

Xem thêm: Thiền học của Đệ nhị Tổ Pháp Loa

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường