A. Đặt vấn đề

Ấn Độ là một đất nước có bề dày lịch sử lâu đời, đây là nơi khởi nguồn của nền văn minh đã có từ rất sớm bên lưu vực sông Ấn, sau đó ngày càng được phát triển và đặc sắc hơn. Cũng chính vì thế tư tưởng triết học bắt nguồn từ Ấn Độ phát triển sớm và rất có chiều sâu, các tư tưởng triết học tiêu biểu có thể kể đến là triết học Hindu, triết học Phật giáo, triết học Jain… Hệ thống tư tưởng triết học Ấn Độ thường hướng đến chân lý,  giúp con người hướng thiện và thường gắn liền với tôn giáo, các thực hành tôn giáo được xem là phương tiện dẫn đến chân lý.

Hình mang tính minh họa.
Hình mang tính minh họa.

Đây cũng là nơi khởi nguồn của 4 tôn giáo lớn trên thế giới bao gồm: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo; ngoài ra Do Thái giáo, Hỏa giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo được truyền đến vào thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên - hình thành nền văn hóa đa dạng.

Trong đó Phật giáo được đức Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) sáng lập ở Ấn Độ vào thế kỷ VI trước Tây lịch. Trong khoảng thời gian 49 năm khi đức Phật còn tại thế, Phật giáo truyền bá ra nhiều nơi, đến nhiều chủng tộc nên lịch sử phát triển của đạo Phật khá đa dạng về các bộ phái cũng như nghi thức hay phương pháp tu học. Tư tưởng triết học Phật giáo ban đầu chỉ là truyền miệng, sau chuyển thể thành văn viết thể trong một khối kinh điển rất lớn, gọi là “Tam Tạng”. Ba tạng này là: Tạng Kinh, Tạng Luật và Tạng Luận. Trong đó thể hiện các quan điểm về thế giới và con người.  

Phật giáo là tôn giáo lớn xuất phát từ Ấn Độ, được cho là đã tạo nên sự thay đổi lớn trong tư tưởng Ấn Độ nói riêng và thế giới nói chung. Tuy có nhiều sự đổi mới, sáng tạo và đặc biệt, tư tưởng về bản thể luận Phật giáo cũng có những tương đồng với triết học Ấn Độ xưa. Vậy các điểm tương đồng đó là gì? Từ trước đến nay đã có nhiều bài nghiên cứu về vấn đề trên nhưng còn nhiều hạn chế, đa phần là các bài viết ngắn gọn và chưa đi sâu vào phân tích cụ thể.

Trong tìm hiểu riêng, tác giả nhận thấy các tác phẩm Lịch sử Phật giáo Ấn Độ của A.K.Warder (2021) và Nguyên thuỷ Phật giáo tư tưởng luận của Kimura Taiken (1969) là hai tác phẩm có nhắc đến vấn đề này nhưng chỉ lướt qua, trình bày hết sức ngắn gọn.

Để góp phần làm sáng tỏ vấn đề này, tác giả phân tích “Điểm tương đồng về bản thể luận của triết học Ấn Độ và triết học Phật giáo.

B. Nội dung

1. Những tương đồng giữa tư tưởng Phật giáo và tư tưởng Ấn Độ

Phật giáo, tuy vượt lên trên tất cả các hệ tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại, nhưng vẫn mang đậm dấu ấn bối cảnh xã hội, văn hóa Ấn Độ nơi nó phát sinh. Như đã nói ở phần trên, Phật giáo luôn có khả năng thích nghi và phát triển phù hợp với từng thời đại và từng hệ tư tưởng đương thời, do đó không thể phủ nhận sự tương đồng nhất định giữa Phật giáo và các trào lưu tư tưởng lớn của Ấn Độ cổ đại. Để hiểu rõ sự hình thành và phát triển của Phật giáo tại Ấn Độ, trước tiên cần lưu ý đến những điểm tương đồng cơ bản sau:

1.1. Vấn đề trung tâm: Giải quyết nhân sinh

Mặc dù hệ thống tư tưởng Ấn Độ vô cùng phong phú và đa dạng, song tựu trung đều hướng đến một mục tiêu trọng yếu: giải quyết vấn đề nhân sinh. Các triết gia Ấn Độ không đơn thuần chỉ suy tưởng những điều viễn vông, mà họ tìm kiếm chân lý để làm cơ sở cho một lẽ sống, một con đường thực tiễn nhằm đưa con người thoát khỏi khổ đau, đạt đến cứu cánh giải thoát. Chính từ đó, việc truy tìm chân lý trở thành trung tâm điểm của tư tưởng Ấn Độ.

Hình mang tính minh họa.
Hình mang tính minh họa.

Phật giáo cũng không nằm ngoài định hướng đó. Giáo pháp của đức Phật xuất phát từ lập trường thực tiễn, nhằm trực diện với khổ đau của kiếp người để tìm phương pháp đoạn trừ. Đức Phật từng lấy ví dụ rằng: một người bị trúng tên độc, điều cần thiết đầu tiên là phải nhổ mũi tên ra và chữa trị vết thương, chứ không phải là truy cứu ai đã bắn mũi tên ấy, điều này thể hiện tinh thần thiết thực và cấp thiết của đạo Phật đối với vấn đề nhân sinh.

Trong Kinh Trung Bộ, đức Phật dạy: “Giáo pháp của Ta là thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, không có thời gian, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”. Đây chính là minh chứng rõ ràng cho tinh thần nhập thế, hướng thượng và nhân bản của tư tưởng Phật giáo.

1.2. Điểm quan sát cơ bản: Từ Bản ngã đến Vô ngã

Khi bàn đến vấn đề giải thoát nhân sinh, các hệ thống triết học Ấn Độ cổ đại đa phần đều tập trung khảo sát và triển khai xoay quanh khái niệm “Bản ngã”. Bản ngã được xem như trung tâm của vũ trụ, là nơi lưu giữ những ý nghĩa sâu xa và mang giá trị tối thượng. Dẫu về sau có những trường phái phản bác hoặc không hoàn toàn tán đồng quan niệm Bản ngã vĩnh cửu, song không thể phủ nhận rằng phần lớn các triết thuyết đều lấy “Bản ngã” làm điểm xuất phát của tư tưởng.

Phật giáo, tuy chủ trương “Vô ngã”, tức phủ nhận sự tồn tại của một “ngã thể” bất biến, song thực chất cũng đặt “ngã” làm trung tâm khảo sát, nhưng tiếp cận theo hướng hoàn toàn mới. Thuyết Vô ngã trong Phật giáo không phủ định kinh nghiệm tồn tại của con người, mà phủ định một cái “tôi” có thực thể trường tồn, không thay đổi. Theo đức Phật, mọi hiện tượng đều do duyên sinh, không có thực thể độc lập, nên không có một “ngã” vững chắc, tự tại. Cái gọi là con người chỉ là sự kết hợp tạm thời của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), một tiến trình luôn biến động, không có chủ thể cố định.

Vô ngã là một trong ba pháp ấn của Phật giáo, cùng với Khổ và Vô thường, tạo thành nguyên lý nền tảng để quán chiếu bản chất của mọi hiện tượng. Cụ thể:

+ Những gì có sinh thì có diệt, nên là Vô thường

+ Cái gì vô thường thì tất yếu dẫn đến Khổ

+ Những gì khổ đau do bị chi phối bởi duyên sinh thì bản chất là Vô ngã.
Từ đó, mọi pháp hữu vi (tức các hiện tượng sinh - diệt) đều mang ba đặc tính: khổ, vô thường, vô ngã. Ngược lại, pháp vô vi, những gì không do tạo tác mà có, như Niết bàn, cũng không có thực thể “ngã”, tuy không bị chi phối bởi vô thường và khổ.

Như vậy, từ nền tảng quan sát “Bản ngã” của triết học Ấn Độ, Phật giáo đi sâu hơn bằng cách phủ định thực thể hóa cái ngã, mở ra một hướng đi giải thoát vượt khỏi mọi khái niệm cố định, điều này không chỉ làm nên bản sắc riêng của Phật giáo, mà còn thể hiện một bước tiến vượt bậc trong tư duy triết học của nhân loại.

1.3. Sự nhất trí về nhân sinh quan và vũ trụ quan

Từ việc quan tâm đến vấn đề nhân sinh, tư tưởng triết học Ấn Độ tất yếu mở rộng sang việc khảo cứu bản chất của vũ trụ. Một đặc điểm nổi bật trong vũ trụ quan của các học phái Ấn Độ là quan niệm cho rằng: vũ trụ là sự phản ánh rộng lớn của con người. Nói cách khác, để nhận thức vũ trụ, cần phải xuất phát từ chính con người, lấy nhân sinh làm điểm tựa để lý giải bản chất của thế giới. Theo đó, con người là “tiểu vũ trụ” trong cái “đại vũ trụ”, và vũ trụ chỉ là sự mở rộng hay phản chiếu của tâm thức con người trên một quy mô lớn hơn.

Hình mang tính minh họa.
Hình mang tính minh họa.

Quan điểm này không xa lạ với Phật giáo. Trên lập trường Duy thức và Duyên khởi, Phật giáo khẳng định rằng vũ trụ cũng chỉ là một hiện tượng do tâm thức biến hiện mà thành. Cảnh giới chúng sinh vốn vô biên, tùy theo tâm mà chiêu cảm nên những thế giới tương thích. Kinh điển nhà Phật phân định rõ Pháp giới chúng sinh theo ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Đây là ba tầng hiện hữu trong luân hồi sinh tử, nơi chúng sinh do nghiệp lực chiêu cảm mà sinh ra, tồn tại và tiếp tục trôi lăn. Những ai tu hành theo chính pháp, tích lũy đủ công đức và trí tuệ sẽ lần lượt vượt qua sinh tử, đạt đến các quả vị Thánh, từ Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát cho đến Phật quả và hoàn toàn thoát khỏi vòng luân hồi.

Vũ trụ quan Phật giáo, tuy “đại đồng tiểu dị” với một số học phái khác, vẫn có những nét đặc thù sâu sắc. Chúng sinh trong Phật giáo không chỉ giới hạn ở con người, mà còn bao gồm mọi loài hữu tình có tâm thức, từ những vi sinh vật nhỏ bé như virus cho đến các chúng sinh vô hình như chư thiên, quỷ thần, A-tu-la; từ địa ngục u ám đến cõi trời cao nhất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tất cả đều có mặt trong vũ trụ bao la nhiều chiều không gian này.

Theo quan điểm Phật giáo, thế giới tồn tại trên nhiều bình diện không gian khác nhau, mỗi không gian tương ứng với nghiệp lực của từng cá nhân (biệt nghiệp) hoặc tập thể (cộng nghiệp). Mỗi thế giới ấy đều có quy luật riêng, được điều hành bởi những nguyên lý tương ứng với tâm thức chiêu cảm của chúng sinh cư trú nơi đó. Cõi người chúng ta chỉ là một trong vô số cảnh giới, và những gì giác quan hay thiết bị khoa học ngày nay có thể nhận biết từ kính thiên văn, hiển vi cho đến máy gia tốc, vẫn chỉ là sự tiếp cận giới hạn, ví như “người mù sờ voi”.

Về phương diện xử lý khổ đau trong thế gian, Phật giáo đề xuất một tiến trình nhận thức rất rõ ràng:

+ Thứ nhất là biết khổ, tức nhận thức đúng về bản chất khổ và vô thường của thế gian.

+ Thứ hai là biết cách giải trừ khổ, tức vận dụng con đường trung đạo, tu tập giới - định -tuệ để chuyển hóa khổ đau;

+ Thứ ba là lìa khổ, tức buông bỏ chấp thủ, diệt trừ phiền não, đạt đến an lạc nội tâm;

+ Và cuối cùng, trên con đường Bồ tát đạo, là cứu khổ, cứu nạn, tức không chỉ tự mình thoát khổ, mà còn phát nguyện giúp tất cả chúng sinh đều thoát khỏi biển khổ sinh tử.

Chính vì vậy, khi Phật giáo nói đến “khổ”, không phải để khiến con người trở nên yếm thế hay tiêu cực, mà để chỉ ra bản chất thật của cuộc đời, từ đó mở lối giải thoát. Đáng tiếc là không ít người vì hiểu sai tư tưởng Phật giáo nên rơi vào thái độ bi quan, phủ định cuộc sống. Điều này đi ngược lại tinh thần giác ngộ và giải thoát của đạo Phật, vốn lấy hiểu biết đúng đắn làm nền tảng để vượt qua mê lầm, đoạn tận khổ đau và đạt đến sự an lạc chân thật.

Tóm lại, khi bàn về nhân sinh và vũ trụ, Phật giáo không những hội nhập được với tư tưởng Ấn Độ cổ đại, mà còn phát triển thành một hệ thống tư tưởng độc lập, siêu việt, có khả năng chuyển hóa khổ đau của con người bằng con đường tuệ giác, từ đó góp phần định hình một vũ trụ quan giải thoát, lấy tâm làm chủ, lấy từ bi và trí tuệ làm nền tảng chuyển hóa thế giới.

1.4. Nghiệp lực chi phối con người

Trong các học thuyết triết học cổ đại Ấn Độ, khi bàn đến yếu tố quyết định vận mệnh con người, hầu hết các giáo phái đều thống nhất cho rằng nguyên lý căn bản chính là nghiệp (karma). Nghiệp được hiểu là tổng thể các hành vi thiện và ác mà một cá nhân đã tạo tác trong quá khứ, đặc biệt là trong các đời trước, rồi được lưu giữ lại trong tàng thức, trở thành động lực tiềm ẩn, chi phối đời sống hiện tại và cả những kiếp sau.

Hình mang tính minh họa.
Hình mang tính minh họa.

Tư tưởng về nghiệp và tái sinh vốn đã manh nha từ thời kỳ Veda, hiện diện rải rác trong nhiều kinh điển cổ xưa. Đến khi các giáo phái triết học phát triển mạnh mẽ, hầu như tất cả đều tiếp thu và phát triển học thuyết này như một phần nền tảng tư tưởng. Phật giáo, mặc dù chủ trương vô ngã, tức phủ nhận một bản ngã thường hằng bất biến, vẫn khẳng định thuyết nghiệp báo và luân hồi như một lẽ vận hành khách quan, phản ánh đúng trào lưu tư tưởng đương thời.

Đi xa hơn, học thuyết nghiệp báo và luân hồi trong Phật giáo mở rộng tầm nhìn về sự tương quan giữa các loài sinh vật. Mọi sinh vật đều luân hồi trong lục đạo, từ người, súc sinh, quỷ thần, cho đến trời, tiên và các loài ở địa ngục, do vậy, chúng có thể từng là thân quyến, bạn hữu của nhau trong vô số kiếp sống. Quan niệm này dẫn đến một nhận thức bao trùm về tính cộng sinh và liên đới giữa tất cả hữu tình chúng sinh. Đây cũng là điểm chung mà nhiều giáo phái Ấn Độ thời bấy giờ cùng công nhận.

1.5. Quan niệm yếm thế và lý tưởng giải thoát

Từ học thuyết luân hồi, người Ấn Độ cổ cho rằng cõi trời là cảnh giới tối thượng của hạnh phúc. Tuy nhiên, về sau, họ nhận ra rằng ngay cả cõi trời cũng không phải nơi trú ngụ vĩnh viễn, bởi vẫn nằm trong vòng sinh tử luân hồi. Chính nhận thức này, cùng với sự phát triển của các hệ tư tưởng triết học, đã dẫn đến một khuynh hướng tư tưởng yếm thế (pessimism), tức chán nản với cuộc sống trần thế và khát vọng thoát ly sinh tử.

Cần hiểu rằng khuynh hướng yếm thế này không hẳn xuất phát từ một thái độ bi quan cực đoan, mà có thể bắt nguồn từ sự tôn sùng lý tưởng thuần tịnh tuyệt đối, tức khát khao một cảnh giới vượt ngoài bất toàn, khổ đau và biến dịch. Và trong dòng tư tưởng đó, thuyết luân hồi lại càng khiến lý tưởng giải thoát trở nên cấp thiết và rõ nét hơn. Đây là một thực tế không thể phủ nhận trong lịch sử triết học Ấn Độ. Chính vì thế, giải thoát trở thành mục tiêu tối hậu của mọi nỗ lực tư tưởng: giải quyết vấn đề nhân sinh là để tìm con đường thoát khỏi sinh tử, đạt đến cảnh giới an lạc vĩnh hằng. Phật giáo, dĩ nhiên, cũng không nằm ngoài xu thế đó.

1.6. Thiền định là phương pháp để giải thoát

Phương pháp để đạt đến giải thoát chính là điểm mấu chốt trong tư tưởng và thực hành của các giáo phái Ấn Độ. Mặc dù mỗi hệ thống tư tưởng có cách tiếp cận riêng, nhưng nếu tìm một điểm chung giữa các truyền thống triết học và tôn giáo thời bấy giờ, thì đó chính là thiền định.

Hình mang tính minh họa.
Hình mang tính minh họa.

Thiền định, với các thuật ngữ như Tam muội (Samādhi), Tĩnh lự (Dhyāna), và Du già (Yoga), được xem là con đường thiết yếu đưa đến sự an tĩnh nội tâm và giác ngộ chân lý. Trong Phật giáo, thiền định thuộc về nhóm Định học trong hệ thống Tam học (Giới - Định - Tuệ), và là một yếu tố quan trọng trong Bát chính đạo với tên gọi Chính định (Sammā Samādhi). Có thể nói, thiền định chính là mẫu số chung trong mọi lộ trình hướng đến giải thoát.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, dù phương pháp có những điểm tương đồng với các truyền thống đương thời, Phật giáo lại mang một đặc trưng nổi bật: con đường thiền định không chỉ dành cho một tầng lớp tinh anh, mà còn được thiết kế để thích ứng với mọi căn cơ. Phật giáo không phải là kết quả của những tư duy trừu tượng tách rời thực tế, mà là một hệ thống thực hành toàn diện, gần gũi với đời sống, mang tính phổ quát và có khả năng giáo hóa cho mọi tầng lớp trong xã hội. Đây chính là một điểm đặc biệt của Phật giáo cần được ghi nhận và nhấn mạnh.

2. Ý nghĩa của triết học Phật giáo đối với Ấn Độ

Phật giáo xuất hiện tại Ấn Độ vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, không chỉ như một tôn giáo mới mẻ, mà còn là một phong trào tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài. Trải qua thời gian, Phật giáo không chỉ đóng vai trò lớn trong đời sống tín ngưỡng, mà còn để lại dấu ấn rõ nét trong nhiều lĩnh vực như triết học, văn học, nghệ thuật và kiến trúc của Ấn Độ.

Hình mang tính minh họa.
Hình mang tính minh họa.

Thời kỳ Phật giáo ra đời là giai đoạn chuyển tiếp từ xã hội thần quyền sang xã hội nhân bản. Trước đó, Bà La Môn giáo nắm giữ vị trí độc tôn, đại diện cho hệ tư tưởng thần thoại - huyền bí, gắn liền với các nghi lễ phức tạp và trật tự đẳng cấp nghiêm ngặt. Sự xuất hiện của Phật giáo vào cuối giai đoạn này đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, tạo tiền đề cho sự chuyển mình về tư tưởng và xã hội, dẫn đến sự hình thành và phát triển của Hindu giáo sau này.

Ngay từ thời kỳ đầu, triết học Phật giáo đã mang một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh văn hóa Ấn Độ. Trước hết, Phật giáo là sự phản tỉnh sâu sắc đối với các thực hành tôn giáo truyền thống, đặc biệt là những nghi lễ tế thần đầy tính sát sinh trong tôn giáo Vệ Đà. Vào thời đó, giới Bà La Môn giữ riêng cho mình đặc quyền tôn giáo, thực hành các lễ hiến tế thần linh (yajña) bằng sữa, bơ, mật ong và cả các sinh vật như dê, bò, ngựa… Nhiều lễ tế quy mô lớn có thể dẫn đến cái chết của hàng trăm sinh vật, làm gia tăng bạo lực dưới danh nghĩa tôn giáo.

Trước thực trạng đó, Phật giáo xuất hiện như một làn gió mới, cổ vũ cho tinh thần bất bạo động (ahiṃsā) và từ chối mọi hình thức sát sinh. Chính từ đây, lý tưởng từ bi và bất bạo lực, những giá trị cốt lõi trong Phật giáo, dần dần được tiếp nhận sâu rộng, và về sau trở thành nền tảng cho các phong trào xã hội và chính trị quan trọng, như phong trào đấu tranh bất bạo động của Mahatma Gandhi trong thời cận đại.

Ngoài ra, Phật giáo còn đóng vai trò tiên phong trong việc phê phán hệ thống đẳng cấp (varna) và bác bỏ tính thiêng liêng tuyệt đối của kinh Veda – hai yếu tố cốt lõi của xã hội Bà La Môn. Theo hệ thống varna, xã hội được chia thành bốn tầng lớp: 1) Bà La Môn (tu sĩ, tế lễ), 2) Sát đế lợi (vương tộc, chiến binh), 3) Phệ xá (thương gia, nông dân), và 4) Thủ đà la (người lao động, phục dịch). Đây là hệ thống mang tính lý thuyết nhưng ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc thực tế của xã hội truyền thống Ấn Độ, gắn liền với sự phân biệt và bất bình đẳng.

Ngược lại, tư tưởng Phật giáo khẳng định rằng mọi chúng sinh đều có khả năng giác ngộ nếu nỗ lực tu tập, bất kể giai cấp hay xuất thân. Từ đó, Phật giáo mở ra con đường giải thoát cho toàn thể quần chúng, chứ không chỉ giới tinh hoa. Đặc biệt, việc đức Phật cho phép phụ nữ xuất gia và thành lập đoàn thể Ni (Bhikkhunī Saṅgha) đã tạo nên bước đột phá chưa từng có, khẳng định sự bình đẳng giới trong lĩnh vực tâm linh và tu chứng, điều chưa từng được thừa nhận trước đó trong xã hội Ấn Độ cổ đại.

Hình mang tính minh họa.
Hình mang tính minh họa.

Về mặt lịch sử, chỉ trong vòng ba thế kỷ kể từ khi Đức Phật thành đạo (thế kỷ VI - III TCN), Phật giáo, từ một phong trào không chính thống, đã trở thành quốc giáo dưới thời vua A Dục (Asoka), vị hoàng đế kiệt xuất của vương triều Maurya. Vua Asoka không chỉ chính thức bảo hộ Phật giáo mà còn truyền bá nó ra khắp Ấn Độ và các nước lân bang. Dưới triều đại của ông, Phật giáo đạt đến đỉnh cao ảnh hưởng, thay thế vị trí thống trị của Bà La Môn giáo và mở ra một thời kỳ vàng son cho văn hóa Phật giáo.

Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của Phật giáo đã làm thay đổi sâu sắc diện mạo tư tưởng và tôn giáo Ấn Độ. Những yếu tố tiến bộ của Phật giáo buộc Bà La Môn giáo phải tự điều chỉnh, đổi mới, và dần dần tái cấu trúc để hình thành nên một dạng mới, đó chính là Hindu giáo. Mặt khác, với sức sống nội tại mạnh mẽ, Phật giáo không chỉ lan rộng trong nội địa, mà còn truyền bá nhanh chóng sang các nước lân cận, trở thành một trong những tôn giáo lớn của phương Đông ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên.

Kết luận

Tư tưởng triết học Ấn Độ, đặc biệt là bản thể luận trong triết học Phật giáo, đã hiến tặng cho nhân loại một kho tàng tri thức sâu sắc về vũ trụ và con người. Trải qua hàng thiên niên kỷ, những tư tưởng này vẫn không ngừng lan tỏa và đóng góp những giá trị vô giá về đạo đức, nhân sinh quan, và cách con người đối diện với khổ đau, bi kịch tồn sinh. Có thể nói, triết lý Phật giáo như dòng suối mát lành không bao giờ cạn, thấm đẫm vào đời sống tinh thần của hàng triệu người dân Ấn Độ và lan tỏa mạnh mẽ khắp toàn cầu.

Hình mang tính minh họa.
Hình mang tính minh họa.

Triết học Phật giáo có nhiều điểm dị biệt và mang tính phản biện mạnh mẽ đối với các quan niệm truyền thống của Bà La Môn giáo, đặc biệt trong các vấn đề về ngã, linh hồn và nghiệp báo. Tuy vậy, nó vẫn hòa nhập vào bối cảnh tư tưởng Ấn Độ, cùng chia sẻ mối quan tâm chung về bản chất của khổ đau và con đường giải thoát. Từ đó, Phật giáo thể hiện rõ tinh thần nhân bản - nhân văn khi đặt con người làm trung tâm của quá trình tu tập và giác ngộ, thay vì phụ thuộc vào thần linh hay quyền lực siêu nhiên. Đây cũng là phản ánh sinh động của những đòi hỏi hiện thực và nhu cầu cải cách xã hội Ấn Độ trong thời kỳ Phật giáo ra đời.

Khác với các hệ thống tín ngưỡng dựa trên niềm tin tuyệt đối, Phật giáo nhấn mạnh nền tảng tự trải nghiệm, sự duy lý, đạo đức và trí tuệ cá nhân. Con đường Phật đạo không yêu cầu sự phục tùng mù quáng hay những nghi lễ mang tính hình thức, mà hướng đến sự thực hành và chiêm nghiệm sâu sắc về bản thân và thế giới. Phật giáo không đặt trọng tâm vào niềm tin vào thần linh hay sự sùng bái, mà là một phương pháp tiếp cận mang tính khoa học và thực nghiệm để con người tự mình khám phá chân lý và đạt tới giải thoát.

Mặc dù thường được xếp vào hệ thống các tôn giáo lớn, Phật giáo lại không mang đặc trưng của một tôn giáo hữu thần theo định nghĩa phổ biến, vì không có khái niệm về một đấng sáng tạo tuyệt đối. Do đó, nhiều học giả và hành giả hiện đại xem Phật giáo như một nền triết lý sống hơn là một tôn giáo theo nghĩa thông thường. Với tinh thần đề cao tự lực và tự tỉnh thức, đạo Phật khuyến khích mỗi cá nhân tìm kiếm bình an và hạnh phúc nơi chính mình, qua sự tu tập và hành trì theo con đường chính pháp.

Tác giả: Thích nữ Huệ Tâm

Tài liệu tham khảo:

[1] Albert Schweitzer (2008), Kiến Văn - Tuyết Minh dịch, Tư tưởng Ấn Độ theo dòng lịch sử, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.

[2] A.K.Warder (2021), Thích Thiện Chánh dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb Lao động, Hà Nội.

[3] Kimura Taiken (1969), Thích Quảng Độ Việt dịch, Nguyên thuỷ Phật giáo tư tưởng luận, Nxb Viện đại học Vạn Hạnh, Tp Hồ Chí Minh.

[4] Will Durant (2018), Nguyễn Hiến Lê dịch, Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nxb Hồng Đức, Tp. Hồ Chí Minh.

[5] Thích Thanh Kiểm (2021), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb Lao động, Hà Nội.

[6] Đại sư Ấn Thuận (2021), Thích Quảng Đại biên dịch, Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, Nxb Lao động, Hà Nội.

[7] Ban Tôn giáo chính phủ (2020), Tập bài giảng môn học lịch sử Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

[8] Nguyễn Văn Dương (2022), “ Sự ra đời, phát triển và nét đặc thù của triết học Ấn Độ cổ, trung đại”, https://luatduonggia.vn/su-ra-doi-phat-trien-va-net-dac-thu-cua-triet-hoc-an-do-co-trung-dai/, truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2022.

[9] Nguyễn Quỳnh (2012), “Tóm lược sử thi Mahabharata”, Nghiên cứu lịch sử, https://nghiencuulichsu.com/2012/09/25/tom-luoc-su-thi-mahabharata/, truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2022.