Tác giả: Đại đức Thích Thiền Như

Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp - GHPGVN thành phố Huế

Tóm tắt

Kể từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã luôn đồng hành cùng dân tộc với vai trò “hộ quốc, an dân”, góp phần duy trì, phát triển nền văn hoá, đạo đức và tinh thần dân tộc. Ngày nay, với phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo không chỉ giữ gìn những giá trị tâm linh mà còn tích cực phát huy và phụng sự hết mình cho đất nước bằng những hành động vô cùng cụ thể và thiết thực, đặc biệt là trong công tác xã hội.

Tham luận này sẽ đi sâu phân tích về tuổi trẻ Phật giáo đối với công tác xã hội. Tìm hiểu về mục đích, hành trang cần thiết của tuổi trẻ khi tham gia công tác xã hội. Đúc kết một số công tác xã hội cụ thể của Phật giáo nhằm khẳng định những cống hiến to lớn của Phật giáo đối với xã hội, xứng đáng với lời dạy: “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”.

Từ khóa: Phật giáo, tuổi trẻ Phật giáo, công tác xã hội, an sinh xã hội, từ thiện xã hội.

Dẫn nhập

Là một hệ thống tôn giáo, triết học, văn hóa, lối sống, Phật giáo du nhập vào đất nước nào cũng tùy duyên để có nhiều nét tương đồng với văn hoá, lối sống, phong cách tư duy của đất nước đó.

Trong kinh điển Phật giáo không có những thuật ngữ của khoa học về "Công tác xã hội", “An sinh xã hội”, “Phúc lợi xã hội”… nhưng những vấn đề xã hội như công bằng bình đẳng, vô ngã vị tha, cứu khổ cứu nạn, mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, lợi ích và thụ hưởng lợi ích… được đề cập và luận giải kĩ càng trong hầu hết các trước tác của Phật giáo.

Công tác xã hội là điều kiện tất yếu để một quốc gia có thể giữ vững ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước đó, đảm bảo công bằng, giúp xã hội phát triển. Thẩm thấu được vấn đề đó, Phật giáo luôn hướng đến việc đào tạo các thế hệ trẻ rải tâm từ rộng lớn, tích cực tham gia vào các hoạt động công tác xã hội; đây cũng là một việc làm đưa đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với các cường quốc văn minh khác.

Nội dung

Tuổi trẻ Phật giáo là ai?

Tuổi trẻ Phật giáo bao gồm hai thành phần chính: Thanh niên Phật tử (tại gia) và Tăng Ni trẻ (xuất gia).

Thanh niên Phật tử

Định nghĩa thanh niên

Thanh niên là những người có độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Đây là lớp người trẻ tuổi đang trong quá trình trưởng thành của con người. Là những con người có sức trẻ, sức khỏe, sự nhiệt huyết và năng động, có nhu cầu khẳng định bản thân cao.

Đặc điểm hoạt động học tập, lao động

Học tập vẫn là hoạt động chủ đạo của lứa tuổi này. Với những yêu cầu cao hơn về tính tích cực và độc lập trí tuệ. Thái độ với việc học tập, lao động cũng có sự thay đổi. Thái độ tự ý thức về tương lai được nâng cao. Thanh niên bắt đầu đánh giá hoạt động chủ yếu theo quan điểm tương lai của mình. Ở lứa tuổi này các hứng thú và khuynh hướng học tập, lao động đã trở nên xác định và thể hiện rõ ràng hơn.

Giao tiếp và đời sống tình cảm của thanh niên

Ở lứa tuổi này quan hệ với bạn bè chiếm vị trí lớn hơn hẳn so với mối quan hệ với người lớn tuổi hoặc ít tuổi hơn. Điều này do lòng khao khát muốn có vị trí bình đẳng trong cuộc sống chi phối. Cùng với sự trưởng thành nhiều mặt, quan hệ dựa dẫm, phụ thuộc vào cha mẹ dần dần cũng được thay thế bằng quan hệ bình đẳng, tự lập. Tuy nhiên, để tổ chức, phân bổ thời gian sinh hoạt, giao tiếp, học tập, lao động một cách hợp lý là một thách thức lớn đối với họ. Đây có thể cũng là một khó khăn tâm lý ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Đời sống tình cảm của thanh niên khá phong phú và đa dạng, được thể hiện ở những khía cạnh sau:

Tình bạn khác giới, cùng giới của thanh niên tiếp tục phát triển theo chiều sâu. Bên cạnh những bạn bè thời phổ thông luôn chiếm vị thế quan trọng trong cuộc sống của thanh niên, bây giờ còn có thêm những người bạn ở giảng đường đại học, bạn cơ quan, bạn cùng sinh hoạt đoàn thể… cũng không kém phần sâu sắc.

Tình yêu lứa tuổi này lãng mạn và đầy thi vị. Song thanh niên cũng đối đầu không ít với những mâu thuẫn giữa những đòi hỏi của tình yêu. Mâu thuẫn giữa bản thân và gia đình, giữa thời gian và địa lý, khi giải quyết những mâu thuẫn này, thanh niên gặp không ít khó khăn và bế tắc.

Một số phẩm chất nhân cách khác

Lứa tuổi này phát triển khá mạnh về khả năng tự đánh giá, lòng tự trọng, sự tự ý thức… những phẩm chất nhân cách bậc cao này, có ý nghĩa quan trọng trong việc tự giáo dục và hoàn thiện nhân cách bản thân.

Ngoài những phẩm chất trên thì thanh niên ở đây chúng tôi muốn nói đến là thanh niên Phật tử. Tức là những thanh niên có quy y Tam bảo và thọ trì năm giới, họ tham gia sinh hoạt gia đình Phật tử, các Câu lạc bộ Thanh thiếu niên và Đạo tràng, đoàn chúng tại các ngôi chùa. Họ sống và thực hành theo giáo lý mà đức Phật dạy.


Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).

Tăng Ni trẻ

Định nghĩa

Thanh niên nói chung và Tăng Ni trẻ nói riêng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tăng Ni sống trong lòng dân tộc và luôn mang hai trọng trách, trách nhiệm tinh thần đối với Phật giáo và bổn phận đối với cộng đồng xã hội, với quốc gia dân tộc. Cả hai đều nặng nề như nhau vì sự tồn vinh của dân tộc cũng là sự tồn vinh của Phật giáo.

Hoạt động học tập, lao động của Tăng Ni

Mục đích thiết yếu quan trọng mà đức Phật hướng dẫn học trò của mình hướng đến đó là sự giác ngộ hoàn toàn, tức là đạt đến cảnh giới hoàn thiện về nhân cách, hướng đến sự hoàn hảo không khiếm khuyết và hoàn toàn trọn vẹn. Điều đó có nghĩa rằng, giáo dục trước hết là phải giúp cho người học giác ngộ hay nhận thức đúng đắn một cách toàn diện, chính xác. Bởi nhận thức là kim chỉ nam cho mọi hành động.

Hoạt động học tập, lao động của Tăng Ni khá phong phú và đa dạng. Ngoài chương trình học tập, lao động ở các trường Đại học, Tăng Ni còn tham gia các hoạt động học tập giáo lý của tổ chức Phật giáo. Một mặt bổ sung thêm kiến thức cho Tăng Ni, mặt khác giúp cho Tăng Ni luôn sống trong tinh thần từ bi - trí tuệ của nhà Phật.

Giao tiếp và đời sống xã hội của Tăng Ni

Không kể là xuất gia hay tại gia, thì bạn bè luôn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Đối với Tăng Ni trẻ, đã là bạn bè thì phải biết thương yêu, giúp đỡ nhau, cùng nhau tiến bộ chứ không phải chỉ để giải trí hay thỏa mãn những mong muốn mang tính chất vị kỷ của bản thân. Cùng nhau vượt qua những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống. Không chỉ thế, đã là bạn bè thì phải biết dẫn dắt bạn đi theo một con đường tốt lành, hướng dẫn bạn vào một cuộc sống lành mạnh, không rũ rê, lôi kéo nhau vào những sinh hoạt thiếu tính lành mạnh. Khi biết bạn mình đi theo con đường xấu thì phải kịp thời ngăn cản. Cổ nhân đã dạy: “Sinh ra ta là cha mẹ, tác thành ta là bạn bè”.

Ngoài bạn bè đồng học thì Tăng Ni trẻ còn có thêm một loại bạn mà ta gọi là “bạn đồng môn”, là những người cùng sống chung trong một ngôi chùa, tu viện, tự viện. Đối với những người bạn này thì Tăng Ni trẻ luôn thực tập và sống theo tinh thần Lục hòa. Lục hòa bao gồm:

1. Thân hòa đồng trú (thân hòa cùng ở một nơi): Ở chung với nhau, sống hòa thuận, thương yêu và chăm sóc lẫn nhau trên tinh thần giới luật.

2. Khẩu hòa vô tránh (lời nói hòa hợp, không tranh cãi): Sống hòa hợp với nhau, không nói những lời nói mang tính chất chia rẽ.

3. Ý hòa đồng duyệt (ý hòa cùng vui): Tâm ý luôn hoan hỷ, biết thông cảm và nghĩ những điều tốt đẹp cho nhau, không sanh tâm đố kỵ, kiêu mạn với nhau.

4. Giới hòa đồng tu (giới hòa cùng nhau tu tập): Sống tôn trọng và thực tập giáo pháp, tuân thủ nội quy chung.

5. Kiến hòa đồng giải (thấy biết cùng giải bày): Cùng nhau chia sẻ những hiểu biết, đóng góp xây đựng cho nhau để cùng nhau tiến bộ.

6. Lợi hòa đồng quân (có lợi thì cùng chia): Phân chia đều cho nhau về vật chất, đồ dùng, của cải, theo thứ bậc lớn nhỏ, không lạm dụng của chung cho riêng mình.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).

Công tác xã hội

Mục đích của hoạt động công tác xã hội trong Phật giáo

Nhằm đáp ứng mong cầu và giáo dục tinh thần nhập thế một cách thiết thực, hiệu quả. Hoạt động công tác xã hội được đưa vào trong chương trình tu học của tuổi trẻ Phật giáo, với mục đích hướng đến phục vụ lợi ích chính đáng của người khác, phục vụ đời sống cộng đồng. Với phương châm “lấy tình thương làm động lực” làm chất liệu cho mọi hoạt động, phát huy tinh thần Từ bi - Trí tuệ Phật giáo. Việc tổ chức các hoạt động xã hội chính là cơ sở, con đường để có thể phát huy được những đức tính đó. Đức Phật đã từng dạy: “Phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật”[1].

Hoạt động này, không chỉ đơn thuần là phát huy truyền thống quý báu của dân tộc “Lá lành đùm lá rách”, “Ngọt bùi có nhau”, mà thông qua đó phát huy tinh thần tự giác, tính tích cực, trân trọng sự sống, hiểu và thông cảm lẫn nhau.

Hoạt động công tác xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong sự hình thành và hoàn thiện nhân cách của lứa tuổi thanh thiếu niên, cũng như ý nghĩa rất lớn đối với xã hội. Thông qua hoạt động này, Thanh niên không chỉ vận dụng những kiến thức, kỹ năng của mình để giải quyết các vấn đề trong xã hội, mà hình thành cho họ những phẩm chất cần thiết trong cuộc sống. Đặc biệt, hoạt động này không chỉ gieo hạt “từ tâm” của những người tham gia, mà chính nó còn mang lại “hoa trái thơm ngon” cho đời.

Hoạt động công tác xã hội không chỉ đơn thuần mang tính giáo dục, mà song song với nó là nhằm mục đích giúp thanh thiếu niên biết thông cảm, chia sẻ để từ đó có thái độ tích cực trong cuộc sống. Mặt khác, khi tham gia các hoạt động này, chính là điều kiện để trải lòng hoan hỷ, điều này giúp gạt đi những nỗi niềm buồn chán, u sầu trong cuộc sống.

Hành trang cần phải có của tuổi trẻ khi tham gia các công tác xã hội

Hành trang cần có của một người con Phật khi hoạt động các công tác xã hội là cần phải thực hành Tứ Vô Lượng Tâm và Tứ Nhiếp Pháp một cách tinh tấn.

Tứ Vô Lượng Tâm

Bốn món tâm này nó rộng lớn vượt ra ngoài sự trói buộc hệ luỵ của các pháp, với tâm này nó phá vỡ mọi chấp trước:“Tâm này không những làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh, dẫn sinh vô lượng phước đức và tạo thành vô lượng quả vị tốt đẹp trong một thế giới và trong một đời, mà còn lan rộng ra đến vô lượng thế giới trong vô lượng kiếp sau và tạo thành vô lượng chư Phật[2] ."

Tâm từ vô lượng

“Ta nguyện đem thân ta chịu hết cả hằng hà sa số đau khổ của tất cả chúng sinh, vì ta nguyện tế độ cho tất cả chúng sinh nên mới nguyện thành Phật”[3].

Tâm từ vô lượng là tình thương vô ngã, và chỉ có tình thương này mới bao trùm hết thảy mọi thứ, mọi loài. Tình thương này bắt nguồn từ hành vi đạo đức, tôn trọng sự sống và làm lợi ích cho muôn loài. Chính nổi khổ của con người có vô lượng nên tình thương của người thực hành công tác xã hội cũng vô lượng không bị ràng buộc bởi tình thương nhân loại, không phân biệt giai cấp, màu da, tôn giáo. Đây là tình thương không đòi hỏi, không ràng buộc, không điều kiện và vì người khác. Từ không phải là tình yêu vị kỷ đôi lứa, bởi tình cảm ấy có sự ràng buộc, có sự bám chấp.

Tâm bi vô lượng

Bi là lòng bi mẫn, xót thương, rung động trước sự đau khổ, bất hạnh của người khác; Là tấm lòng muốn xoa dịu, sẻ chia, an ủi người khác trước nghịch cảnh, đau khổ, tai ương, mất mát.

Phải quán chiếu rằng: Độc ác, bạo tàn, thù hận là mũi tên tẩm độc, là ung nhọt mưng mủ, là cục bướu gớm ghiếc, là lửa nóng địa ngục. Chính chúng làm dơ bẩn tâm ta, làm uế trược tâm ta. Chính chúng là thủ phạm thiêu đốt mọi thiện pháp, cản trở sự tiến bộ tinh thần, tàn hại, hủy diệt mình và nhiều chúng sinh khác. Nơi nào có ác độc, bạo tàn là nơi ấy giết chết bi tâm. Vậy ta phải làm cho chúng lắng dịu, vắng mặt vì hạnh phúc an vui cho mình và người. Chính nhờ quán chiếu sâu mà tìm cách hành động cứu giúp chúng sanh thoát khỏi đau, cứ như vậy mà tu tập tâm bi vô lượng.

Tâm hỷ vô lượng

Tâm Hỷ vô lượng là tâm vui thích, hoan hỷ tuỳ thuận cho tất cả những hạnh phúc an lạc của mọi người, của chúng sanh mà không phân biệt kẻ oán người thân. Vui theo những việc nhân từ phước thiện, tán thán những hạnh phúc của người. Trong khi thực hành từ bi để cứu đời, sau khi thấy chúng sanh bớt khổ, được vui thì cũng nên vui theo niềm vui của chúng sanh. Trong kinh Hoa Nghiêm nói rằng: “Nếu làm cho chúng sinh được vui tức là làm cho tất cả chư Phật vui mừng”[4].

Tâm xả vô lượng

Tâm xả vô lượng đem lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh mà không khởi lên một tâm chấp thủ nào, không bị vướng mắc bởi tâm hữu ngã. Xả là sự buông bỏ để có được sự thư thái, tự tại, an nhiên, vững vàng trước nghịch cảnh, trước các thử thách trong cuộc sống, đồng thời cũng là sự bình thản, điềm tỉnh trước may mắn, khen ngợi hay chê bai của người khác đối với mình.

Với tâm “Từ-Bi-Hỷ-Xả”, mọi công tác xã hội đều không mang bóng dáng của vị kỷ, lo âu, cao ngạo và tự tôn mà đó là một tình thương sâu thẳm, một rung cảm chân thật bộc phát hướng về tất cả nỗi khổ đau của tha nhân. Niềm vui của họ cũng chính là niềm vui của mình, đó là tinh thần hoan hỷ khi phụng sự chúng sinh, giúp họ cũng là cách giúp mình như Kinh Tương Ưng đã nói: “Và này các Tỳ kheo, thế nào trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình? Chính do sự kham nhẫn, do sự vô hại, do lòng từ, do lòng ai mẫn. Như vậy, này các Tỳ kheo, trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.”[5]   

Do vậy, kết quả công tác xã hội trong Phật giáo không chỉ giúp đỡ về mặt vật chất mà còn cả về tinh thần, khi chúng sanh đau khổ, chúng ta luôn lắng nghe, tôn trọng, an ủi, khích lệ, thân cận thăm hỏi, khiến cho sự phân biệt, mặc cảm của họ tan biến, không còn cảm thấy có sự ngăn cách giữa họ và cộng đồng xã hội.

Tứ Nhiếp Pháp

Bốn phương pháp được đức Phật đưa ra nhằm giúp cho các hàng đệ tử của Ngài, nhất là đối với các hàng Bồ Tát phát nguyện nhập thế để giúp ích cho xã hội sử dụng hoá độ chúng sinh hữu tình từ Vô minh phiền não trở về giác ngộ giải thoát, từ khổ đau trở về an vui. “Tứ Nhiếp Pháp được xem là một nghệ thuật cảm hoá lòng người ưu việt nhất, nghệ thuật ở đây không phải là mưu chước mà là một hành động có sức giáo hoá mãnh liệt. Người nào thực hiện được Tứ Nhiếp Pháp thì người đó thành công trong mục đích cảm hoá lòng người”[6].

Bố thí nhiếp

Bố thí nhiếp trong Tứ nhiếp là phương tiện đầu tiên để kết nối tha nhân trong mọi hoàn cảnh một cách thiết thực, là hành động lợi tha của người thực hành công tác xã hội. Đây là pháp tu hành được đức Thế Tôn dạy cho chúng ta biết làm thế nào để nhiếp thọ và cảm hóa người khác.

Vì thế, với người thực hành công tác xã hội thì cần và nên thực hành pháp tu căn bản này. Đồng thời đòi hỏi người thực hành phải thực sự phát tâm nguyện là pháp giúp cho mình với người gần nhau hơn, làm lợi ích cho đời, góp phần cho xã hội phồn vinh và hạnh phúc.

Ái ngữ nhiếp

Nghĩa là dùng lời nói từ ái để thu phục tha nhân, còn gọi là khả năng cảm hoá người khác bằng ái ngữ. Đó chính là sử dụng lời nói hòa ái, dễ nghe; lời nói khôn khéo, thành thực; là lời nói của sự hiểu biết và cảm thông...

Mục đích của Ái ngữ: Y cứ vào căn tính, hoàn cảnh của chúng sinh, dùng lời nói từ ái mà an ủi, khiến cho họ khởi lên tâm thân ái mà chấp nhận vào đạo giải thoát. Bằng chính lòng từ ái mà tường thuật chánh giáo để dẫn họ đến chỗ khai ngộ chân lý. Nền tảng để ái ngữ sinh khởi: Lời nói là sự biểu hiện của tâm hành, ý hành. Nếu tâm hành của một người xấu xa, bao phủ bởi độc tố tham lam, sân hận, chấp thủ và muộn phiền, thì lời nói và mọi hành vi biểu hiện sẽ tác hại đến cộng đồng. Ngược lại, nếu tâm hành của một người có Chính niệm, có chất liệu từ bi rộng lớn, trí tuệ vô ngã, cộng thêm tâm hạnh độ tha thì lời nói và mọi hành động đều đem đến sự an ổn cho tự thân và tha nhân.

Lợi hành nhiếp

Lợi hành nhiếp nghĩa là cảm hóa người khác bằng những hành động thân, khẩu, ý hay những việc kết quả lợi mình, lợi người, lợi cả hai; niệm niệm an trú trong Pháp làm cho Pháp trụ vững giữa cuộc đời là ý nghĩa thù thắng của Lợi nhiếp.

“Tự tha lợi hành” là những hành động của thân, khẩu, ý của mình đem lại lợi lạc cho mình cho và người khác. Nhiếp hóa, cảm hóa người bằng hành động có lợi lạc một cách chính đáng cho người gọi là Lợi hành nhiếp.

Xác lập niềm tin kiên cố vào lời Phật dạy, không nghi ngờ và y giáo phụng hành một tuyệt đối vào lời Ngài dạy thì tự tha mới có thể có được lợi ích viên mãn.

Đồng sự nhiếp

Cũng gọi là Đồng sự nhiếp sự hay Đồng sự tùy phương tiện, tức là bình đẳng với nhau, với mọi người trong công việc, trong vui khổ, hoạn nạn, ngọt bùi, ăn ở, phương tiện, nhu cầu... Đồng sự nhiếp là cùng chung công việc, cùng chung môi trường sống, sinh hoạt, làm việc với mọi người, như mọi người để cảm hóa họ về với chính Pháp.

Đồng sự nhiếp có thể vận hành qua ba mức độ:

Thứ nhất là ý thức cùng với nhau bình đẳng trong mọi công việc, ở mọi lúc, mọi nơi.

Thứ hai, không những mỗi người làm việc theo khả năng và sức khoẻ của mình, cùng nhau bình đẳng, tích cực sẻ chia ngọt bùi, mà còn người này giúp đỡ người kia, làm việc hộ cho người kia một cách tự nguyện và hoan hỷ.

Thứ ba, không những dừng lại ở chỗ cùng nhau cộng sự, giúp đỡ người trong công việc mà còn có mục đích giúp người về với Phật pháp, thoát khỏi mê lầm.

Ngày nay, chúng ta phải hoà nhập vào cộng động bằng tác phong, đạo đức tốt, đúng chuẩn mực thì mới cảm hoá được người khác, gần gũi, ân cần bằng tấm lòng chân thật thì những con người đang bị xã hội kỳ thị, xa lánh sẽ giúp họ có thêm nghị lực để sống và vượt qua như tệ nạn ma tuý, HIV, những người già neo đơn không nơi nương tựa, các em bé mồ côi hay hoàn cảnh gia đình khó khăn thì bằng chất liệu của từ bi, tình thương sẽ giúp họ có chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần.

Một số hoạt động công tác xã hội cụ thể của Phật giáo

Định hướng tư tưởng, nghề nghiệp, cuộc sống cho tuổi trẻ

Tuổi trẻ là nguồn nhân lực đầy tiềm năng cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Định hướng tương lai cho giới trẻ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của xã hội, đem lại rạng ngời cho đất nước, vẻ vang cho dân tộc. Có thể nói giáo dục, định hướng nhân cách thế hệ trẻ toàn thiện cả về thể chất, năng lực, phẩm chất là mối quan tâm không chỉ của gia đình, nhà trường mà của toàn xã hội và đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của Phật giáo.

Bằng một số việc làm cụ thể như: Tổ chức khóa tu mùa hè, tu bát quan trai, dạy Phật pháp và chủ nhật hàng tuần, một số ngôi chùa còn tổ chức dạy thêm về các lớp thư pháp, ngoại ngữ, tư vấn định hướng nghề nghiệp… nhằm mục đích cho mọi người được trãi nghiệm và học hỏi, tu dưỡng tâm hồn, rèn luyện trí tuệ, định hướng thích hợp giúp tuổi trẻ không bị lạc đường, mà còn hướng đến Chân, Thiện, Mỹ. Hình thành nhân cách toàn thiện về năng lực, phẩm chất, có đạo đức, lối sống lành mạnh, góp phần vào sự thích ứng nhanh với những biến đổi xã hội trong hiện tại và tương lai.

Trị liệu tâm lý, chuyển hóa cảm xúc cho con người

Thế giới hôm nay đang bước vào thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng việc đánh dấu nhiều sự khủng hoảng trong các lĩnh vực của cuộc sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người cũng như thế giới tự nhiên, đặc biệt là trong vấn đề môi trường, đạo đức, văn hóa và đáng chú ý hơn hết là sự khủng hoảng cảm xúc con người. Sự hướng đến tôn giáo như là một trong những định hướng quan trọng nhằm tìm ra một giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này. Giữa những hệ thống tôn giáo khác nhau đang hiện hành ở phương Đông cũng như phương Tây, Phật giáo là một tôn giáo được đánh giá cao, đặc biệt là trong vấn đề trị liệu tâm lý, giải quyết khủng hoảng cho nhân sinh.

Phật giáo không hẳn là một tôn giáo mà còn là một hệ thống triết lý với mục đích giúp con người đạt được một cuộc sống hạnh phúc. Giáo lý nhà Phật dạy cho con người những phương pháp để làm chủ cảm xúc, tháo gỡ con người ra khỏi những ràng buộc của những suy nghĩ tiêu cực.

“Đạo Phật gồm tất cả tự lợi và lợi tha, tự giác giác tha và có công hạnh độ mình, độ người được hoàn toàn thành tựu, rốt ráo viên mãn”[7].

Khi thực hành những phương pháp tu tập của đạo Phật qua sự phối hợp giữa sự tĩnh lặng và hoạt động con người sẽ thấy có sự thay đổi lớn ở cảm xúc. Từ buồn rầu, lo âu, sợ hãi thành vui vẻ, thoải mái, bình an và tích cực hơn.

Công tác từ thiện xã hội

Tổ chức các hoạt động thiện nguyện, đóng góp, gây quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống là vấn đề mà Phật giáo luôn ưu tiên và coi trọng. Công tác từ thiện xã hội trong Phật giáo được thể hiện qua nhiều khía cạnh như: Xây dựng trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa, phòng khám Đông y; trung tâm tư vấn và nuôi dưỡng người mắc HIV/AIDS... Những hoạt động đó góp phần khẳng định vai trò của Phật giáo trước vấn đề xã hội của đất nước, đồng thời khẳng định giáo lý của đức Phật là nhân văn, nhân ái vì con người.

Phật giáo luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước. Tích cực tổ chức các hoạt động thiện nguyện, quyên góp, ủng hộ để chia sẻ, giúp đỡ đồng bào chịu thiệt hại do bão lũ, hạn hán.

Vào dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sỹ hằng năm có nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp thương binh, gia đình liệt sỹ, cựu thanh niên xung phong và người có công với cách mạng; tổ chức các chương trình tri ân các anh hùng liệt sỹ, hoạt động về nguồn, giúp đỡ đồng đội... phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, phát xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học.

Xây cầu bê tông, đắp đường giao thông nông thôn, đóng giếng nước sạch, hiến máu nhân đạo, đóng góp các quỹ từ thiện vì người nghèo, học sinh hiếu học, tặng xe đạp cho học sinh, xe lăn, xe lắc cho bệnh nhân nghèo, tặng xuồng ghe, hỗ trợ áo quan, hỗ trợ mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, bệnh tim nhi, phát quà Tết, quà Trung thu cho các cháu thiếu nhi, nồi cháo tình thương, bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa… đều được các Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia.

Bằng sự nhiệt tâm của Tăng Ni, Phật tử Phật giáo đã góp phần “ích đạo lợi đời” tăng cường khối đại đoàn kết trong xã hội, giúp phát triển bản chất tốt đẹp vốn có của người con Phật. Công tác từ thiện xã hội trong Phật giáo đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng, góp phần với xã hội trong việc thực hiện an sinh và đảm bảo công bằng trong cuộc sống.

Kết luận

Nói tóm lại, Phật giáo đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển bền vững của xã hội. Tuổi trẻ Phật giáo đã góp phần chung tay trong công tác hỗ trợ nhà nước thực hiện tốt an sinh, đem lại sự bình đẳng trong xã hội. Với những đóng góp tích cực như vậy, tuổi trẻ Phật giáo xứng đáng là những người tiếp nối ngọn đuốc trí tuệ của các bậc danh tăng đi trước, khẳng định vị trí quan trọng vô cùng đặc biệt của Phật giáo đối với đời sống xã hội. Hoạt động công tác xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội không thể thiếu sự đóng góp của Phật giáo.

Tác giả: Đại đức Thích Thiền Như

Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp - GHPGVN thành phố Huế

Chú thích:

[1] Thích Phước Sơn (2009), Phật Học Khái Yếu, Nxb Văn hóa Sài Gòn, tr.273.

[2]Thích Giới Nghiêm (2010), Mi Tiên vấn đáp, Nxb Văn học, Tr. 625.

[3] Thích Thiện Hoa (2014), Tám quyển sách quý, NXB Tôn Giáo, Tr. 400.

[4] Hòa thượng Thích Trí Tịnh (2011), Trí Tịnh Toàn Tập (tập 4)- Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Nxb Tôn Giáo, Tr.779.

[5] Thích Minh Châu (Dịch) (2016) Kinh Tương Ưng tập 2, Nxb Tôn giáo, Tr.581.

[6] HT. Quang Nhuận (2005), Phật học khái lược tập 2, Nxb Tôn Giáo, Tr 57.

[7] Thích Thiện Hoa (2012), Phật học phổ thông quyển 1, Nxb Tôn Giáo, Tr 14.

Tài liệu tham khảo:

Thích Minh Châu (Dịch) (2016), Kinh Tương Ưng tập 2, Nxb Tôn Giáo.

Thích Thiện Hoa (2012), Phật học phổ thông quyển 1, Nxb Tôn Giáo.

Thích Thiện Hoa (2014), Tám quyển sách quý, Nxb Tôn Giáo.

Quang Nhuận (2005), Phật học khái lược tập 2, Nxb Tôn Giáo.

Thích Giới Nghiêm (2010), Mi Tiên vấn đáp, Nxb Văn học.

Thích Phước Sơn (2009), Phật Học Khái Yếu, Nxb Văn hóa Sài Gòn.

Hòa thượng Thích Trí Tịnh (2011), Trí Tịnh Toàn Tập (tập 4), Nxb Tôn Giáo.