Đại đức Thích Giác Huệ Học viên Cao học khóa II, Học viện PGVN tại Huế

Tóm tắt: Khi đề cập đến đời sống văn hóa của dân tộc thì không thể bỏ qua một bộ phận cấu thành nó, đó là đạo đức Phật giáo. Từ những ngày đầu của quá trình du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã không ngừng biến đổi nhằm thích nghi với phong tục, tập quán, truyền thống và tâm thức của người dân bản địa. Với bản chất tùy duyên, Phật giáo đã thâm nhập vào đời sống người dân Việt Nam một cách tự nhiên. Vì thế, Phật giáo được xem là một tôn giáo có truyền thống gắn bó với dân tộc ta từ lâu đời và có vai trò quan trọng trong đời sống đạo đức, tâm linh của dân tộc. Với hệ thống giáo lý mang đậm tính nhân bản, Phật giáo đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong đời sống tâm linh, văn hóa, đạo đức của người Việt Nam, đặc biệt là với thế hệ trẻ, họ là một tầng lớp quan trọng trong xã hội, là tương lai của đất nước, là những người đóng góp quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban đầu, giáo dục Phật giáo chủ yếu nhằm đến đối tượng là tu sĩ, nhưng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của dân cư thì cho đến nay, nền giáo dục Phật giáo đã mở rộng hơn, bên cạnh các hệ thống giáo dục Phật giáo được đào tạo từ sơ cấp và đại học Phật giáo cho các tu sĩ thì còn có các khóa tu, khóa thiền cho rất nhiều người, điển hình cho giới trẻ. Đặc biệt phải kể đến như việc tổ chức các khóa tu ngắn hạn (một ngày hay một vài ngày, một tuần…) cho thanh niên, sinh viên tại nhiều ngôi chùa trên khắp các địa phương trong cả nước. Từ những ý nghĩa đó, khi xây dựng một nền văn hóa hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đòi hỏi chúng ta cần phải nghiên cứu những giá trị đạo đức Phật giáo, giáo dục Phật giáo và tác động biện chứng của nó với nền văn hóa, đạo đức của dân tộc, sự đóng góp tích cực của giáo dục Phật giáo đối với giáo dục đạo đức cho thanh niên ở nước ta hiện nay.

Mở đầu

Hành vi đạo đức là một hành động tự giác, được thức đẩy bởi một động cơ có ý nghĩa về mặt đạo đức, hành vi đạo đức được biểu hiện trong cách ứng xử, trong lối sống, trong giao tiếp, trong lời ăn, tiếng nói hằng ngày. Hành vi đạo đức có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, vì vậy, uốn nắn hành vi đạo đức cho thanh niên là việc làm vô cùng quan trọng.

1. Giáo dục Phật giáo với việc hoàn thiện đạo đức cá nhân

Đạo Phật hướng con người đến những giá trị nhân bản, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện đạo đức cá nhân. Tinh thần từ bi trong đạo Phật không chỉ hướng đến con người, mà còn đến cả muôn vật, cỏ cây. Phật giáo kêu gọi lòng nhân đạo, yêu thương và bảo vệ sự sống. Đặc biệt trong quan hệ giữa con người với con người, Phật giáo muốn tình yêu thương ấy phải biến thành hành động “bố thí”, cứu giúp những người đau khổ. Muốn giải thoát khỏi đau khổ, con người phải tự hoàn thiện đạo đức cá nhân, diệt trừ tham, sân, si, xóa bỏ vô minh, chặt đứt cây “nghiệp” để vượt qua biển khổ luân hồi.

Quá trình toàn cầu hóa làm cho những giá trị văn hóa được truyền đi nhanh chóng hơn, ngoài việc đưa những tiện ích, hiệu quả trong công việc và cuộc sống thì cũng để lại những mặt tiêu cực, đó là sự tha hóa về nhân cách, đạo đức cá nhân, đặc biệt là gây nên sự bão hòa và phai nhạt những giá trị truyền thống trong giới trẻ. Một bộ phận giới trẻ có xu hướng chạy theo lối sống thực dụng, sùng bái đồng tiền, quay lưng lại với vấn đề đạo đức xã hội truyền thống. Phật giáo với những giáo lý của mình đã không ngừng truyền bá vào nước ta những tư tưởng và giáo lý nhân văn, thấm dần trong mỗi cành cây, ngọn cỏ, trong từng câu hò, điệu lý của con người Việt Nam. Có thể nói từ xưa tới nay chưa có tôn giáo nào chiếm được nhiều tình cảm của nhân dân như Phật giáo, nó gần gũi với đời sống nhân dân, đóng góp quan trọng trong việc hình thành những quan niệm sống tích cực, nhân bản của con người Việt Nam nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng.

Khóa tu mùa hè cho các "Phật tử nhí". Ảnh: St

2. Giáo dục Phật giáo điều chỉnh hành vi đạo đức trong quan hệ gia đình

Gia đình là “tế bào” của xã hội, vì vậy xã hội muốn phát triển tốt thì những tế bào ấy phải thực sự khỏe mạnh. Tuy nhiên thực tế ngày nay cho thấy, khi xã hội càng phát triển thì gia đình lại đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Tỷ lệ ly hôn, ly thân trong những gia đình trẻ đang gia tăng, rất nhiều mẹ đơn thân đang nuôi con trong độ tuổi thanh niên. Khi gia đình rạn nứt hay chia ly thì con người phải tự mình làm lành vết thương hoặc đi tìm hạnh phúc khác, mỗi người có cách thức khác nhau, có nhiều người đã tìm đến với đạo Phật bởi lẽ họ tìm thấy ở Phật giáo chứa đựng những giá trị đạo đức cơ bản giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Theo kinh Tăng Chi, đức phật dạy: “muốn quan hệ hôn nhân bền vững thì ít nhất phải có bốn sự tương đồng: tương đồng về nhận thức, tương đồng về niềm tin, tương đồng về chuẩn mực đạo đức và tương đồng về lòng hỷ xả, vị tha”. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay những tương đồng này đang bị xem nhẹ. Không chỉ một bộ phận giới trẻ mà ngay cả những người có công danh, sự nghiệp cũng chưa nhận thức hết giá trị của hôn nhân và ý nghĩa thiêng liêng của hai từ “gia đình”. Khi cảm xúc thăng hoa, họ bắt đầu “sống thử” hoặc vội vàng kết hôn để rồi khi hạnh phúc tan vỡ thì dù có vượt qua được vấp váp đầu đời ấy thì nó cũng đã trở thành vết thương theo họ suốt cuộc đời.

Phật giáo ảnh hưởng như thế nào đến thanh niên trong điều chỉnh mối quan hệ gia đình? Nghiệp trong đạo Phật không phải là định mệnh hay số mệnh mà chính con người tạo tác, có tính chất duyên sinh, bất định tính và vô ngã nên có thể chuyển hóa được. Hôn nhân lâu dài hay phút chốc lụi tàn nằm ở chính bản thân người vợ và người chồng. Hôn nhân phải xuất phát từ tìm hiểu, yêu thương, cảm thông, có như vậy thì cho dù cuộc sống có sung sướng hay khổ đau, thành đạt hay thất bại, con người đều có thể cùng nhau vượt qua, bởi “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Hòa cùng guồng quay của sự phát triển kinh tế, thời gian dành cho gia đình giảm dần bởi sự bận rộn của công việc, bởi sự “chiếm lĩnh” thời gian của thời đại công nghệ, của game, của mạng xã hội, của những giải trí, tiện ích trên internet.

Theo đó, quan hệ vợ chồng bị chi phối bởi nhiều yếu tố của đời sống hiện đại. Đức Phật dạy rằng: “chồng đối với vợ có năm điều cơ bản: lấy lễ đối đãi với nhau, oai nghiêm đĩnh đạc, ăn mặc tùy thời, trang sức hợp thời, giao phó việc nhà. Vợ cũng phải lấy năm điều sau để cung kính với chồng: Dậy trước, ngủ sau, nói lời hòa nhã, kính nhường tùy thuận, sớm nhận lĩnh ý chồng. Làm được điều này chắc chắn hôn nhân sẽ được lâu bền”. Hiện nay, tại một số ngôi chùa ở nước ta, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, nhiều đôi nam nữ thanh niên nhờ nhà chùa tổ chức Lễ Hằng thuận tại chùa. Đây là một nghi thức cưới đặc biệt được tổ chức trong không gian tâm linh tín ngưỡng của Phật pháp, dưới ban Tam bảo và sự chứng kiến của các tăng, ni và quan khách. Ngoài những nghi lễ theo truyền thống dân tộc, thanh niên Phật tử tổ chức thêm lễ Hằng Thuận ở chùa để kiến tạo cho mình một đời sống an lạc trong hiện tại và xây dựng một đời sống gia đình hạnh phúc bền chặt.

Thanh niên phật tử tự nguyện giữ gìn ngũ giới, tiến đến tu hành thập thiện, đồng thời trau dồi bốn đức hạnh từ - bi - hỷ - xả, sống một đời sống thiện lành, đạo đức vị tha, nghiêm khắc với mình, khoan dung độ lượng với người, suy nghĩ điều chính đáng, nói lời chính ngữ, hành xử chính nghiệp. Lễ Hằng Thuận của Phật giáo là nét văn hóa mang bản sắc dân tộc và phát huy nền tảng trí tuệ, đạo đức tâm linh, định hướng thanh niên sống hữu ích trong đời sống gia đình, xã hội.

Những thanh niên chưa phải là phật tử, trước khi tổ chức lễ Hằng thuận, nhà chùa sẽ thực hiện nghi lễ Quy y Tam bảo để trở thành phật tử, sau đó mới tiến hành lễ Hằng thuận. Khởi đầu cho một bước ngoặt lớn trong đời người mà được tổ chức tại chốn thiền môn nghiêm tịnh là phước duyên lớn lao cho đôi vợ chồng. Đôi vợ chồng trẻ lại được nghe những lời giáo huấn quý báu do thầy chủ lễ giảng giải về nền tảng quan trọng để đảm bảo xây dựng nên một cuộc sống hạnh phúc bền vững cho gia đình và cho cả con cháu sau này cùng những lời chúc phúc của chư Tăng, chư Ni trong ngày trọng đại. Nó mang lại nguồn cảm hứng "sống đạo" rất sâu lắng giữa đời thường mà đôi vợ chồng dễ dàng cảm nhận được và cho tất cả những ai tham dự lễ Hằng thuận một luồng sinh khí tươi sáng, lành mạnh và thánh thiện.

Bên cạnh việc điều chỉnh hành vi của thanh niên trong mối quan hệ vợ chồng thì đạo Phật còn ảnh hưởng tích cực tới việc điều chỉnh hành vi đạo đức trong mối quan hệ giữa con cháu với ông bà, cha mẹ. Gia đình có hòa thuận hay không là do cách đối nhân xử thế và gia giáo của từng thành viên trong gia đình. Với ông bà cha mẹ muốn con cháu hiếu thuận thì bản thân người lớn phải sống mẫu mực, đạo đức, bao dung, độ lượng, biết yêu thương và giúp đỡ người khác, có như vậy mới là tấm gương cho con cháu noi theo. Còn con cháu phải lấy chữ “hiếu” làm kim chỉ nam cho mọi hành động, suy nghĩ, lời nói. Đạo Phật dạy rằng: “Phận làm con phải lấy năm điều để kính thuận cha mẹ, đó là: cung phụng, hiếu dưỡng, làm điều gì phải nói cho cha mẹ biết, không được chống báng cha mẹ, không làm trái lời cha mẹ dạy, không ngăn việc làm thiện, tu phúc của cha mẹ; còn cha mẹ phải quan tâm tới con cái với năm điều sau: ngăn không cho con nghe, xem và làm điều ác, chỉ dạy cho con điều chân chính như làm lành tránh dữ, tu tập các pháp lành, tin nhân quả tội phúc, thương yêu thắm thiết tận xương tủy, đối xử với các con công bằng, chọn nơi nhân hậu để dựng vợ, gả chồng cho con, tùy thời mà phân chia tài sản, cung cấp cho con những thứ cần dùng”.

Những điều răn dạy của đức Phật dù đã qua hơn hai ngàn năm nhưng cho đến nay vẫn còn ý nghĩa nhất định trong việc xây dựng gia đình bền vững. Nếu mỗi con người chúng ta nói chung và thanh niên nói riêng hiểu được những điều Phật dạy thì sẽ xây đắp được sự thuận hòa, hạnh phúc cho cuộc sống vợ chồng, cha mẹ vui mừng sống lâu trăm tuổi.

3. Giáo dục Phật giáo điều chỉnh hành vi đạo đức của thanh niên trong các mối quan hệ xã hội

Trong các phương diện điều chỉnh hành vi, các mối quan hệ xã hội là một biểu hiện. Con người ta khi sinh ra và lớn lên dù giàu có bao nhiêu về tài sản cũng không thể “thân cô, thế cô” giữa cuộc đời. Vì vậy, cách ứng xử trong các mối quan hệ xã hội sẽ quyết định việc tạo nghiệp lành hay ác với chúng sinh. Vì lẽ đó mà trong quan hệ giữa anh em, bà con láng giềng và xa hơn nữa là với những cộng đồng lớn hơn, nhà Phật khuyên chúng ta là phải biết giữ tình cảm thủy chung, không bỏ nhau lúc khó khăn, biết giúp đỡ nhau những khi hoạn nạn.

Mối quan hệ giữa con người với xã hội hay nói cách khác là với những người xung quanh là mối quan hệ biết đoàn kết, biết ăn ở thuận hòa để cùng nhau lo những công việc chung. Phật dạy, với người lãnh đạo phải biết thương dân, cần dân, gần dân và giáo dục dân. Những người là dân thì phải biết theo luật định và kính trọng những người lãnh đạo của mình. Phàm là con người, không kể tăng hay tục đều phải thiết lập cho mình mối quan hệ tốt với những người xung quanh mình, bởi qua những mối quan hệ ấy, thì lòng thương yêu, tình cảm, tình người mới được sẻ chia, đồng cảm. Điều răn dạy về phương diện này của đạo Phật thể hiện rất rõ trong Bát chính đạo. Trong Bát chính đạo, chính ngữ là một trong các điều kiện để có thể ứng xử phù hợp với tha nhân. Đức Phật dạy rằng, phải nói lời hòa nhã, nói lời tử tế, không nói lời cay độc, không nói dối, không tâng bốc hay mạt sát, không được đề cao thái quá cũng không được hạ thấp tận cùng.

Tuy nhiên, đức Phật cũng dạy rằng: “nếu nói sự thật mà gây đau lòng thì không nên nói, còn nói điều hữu ích mà không đúng sự thật thì cũng không nên nói”. Phật giáo chủ trương thiết lập quan hệ bình đẳng trong các mối quan hệ xã hội, không kể thành phần xuất thân hay điều kiện sống. Quan điểm này được thể hiện rõ trong câu nói nổi tiếng của đức Phật “ta là Phật đã thành còn các ngươi là Phật sẽ thành”. Ngoài ra, trong ứng xử với những người xung quanh thì việc giao tiếp là không vụ lợi về mặt mục đích, hay thi ân với người khác là không có điều kiện và không mong được trả ân. Để đạt được mục đích chính niệm, chính tư duy cũng là điều kiện cần bởi không có quan niệm đúng, không có tư duy sáng suốt, thì khó có thể giúp đỡ người khác. Những quan niệm của Phật giáo đã được Việt hóa, trở thành những giá trị văn hóa của dân tộc như “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”... Một điều nữa, chúng ta biết rằng cạnh tranh là một nguyên tắc trong xã hội, đồng thời là thuộc tính của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, phương pháp và mục đích của mỗi người không giống nhau. Dù thế nào đi nữa, cạnh tranh là vấn đề nhạy cảm, dễ bị đẩy lên tầm thái quá làm tổn hại đến các quan hệ xã hội. Để hạn chế điều này, đạo Phật đưa ra lời khuyên có tính luân lí và được dựa trên một căn bản triết lý rất vững chắc và sâu rộng, đó là chữ “hòa”, chữ “hòa” ấy được dựa trên căn bản trí tuệ, trên sự bình đẳng tuyệt đối của Phật tính.

Xét theo mọi triết lý đạo đức, tôn giáo thì giáo lý đạo Phật là một giáo lý đề cao tinh thần bình đẳng hơn cả. Đức Phật dạy: “không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ như nhau”. Mặt khác, chữ “hòa” của đạo Phật còn dựa trên căn bản của từ bi. Tình thương yêu sẽ giúp con người vượt qua những khó khăn bởi một xã hội thiếu tình thương sẽ là mầm mống cho sự bất hòa, chia rẽ. Trong xã hội ngày nay, chúng ta xác lập được sự cân bằng xã hội và cá nhân thì đó là hạnh phúc của số đông trên nền hạnh phúc cá nhân. Nhưng hạnh phúc nào cũng không thể xây dựng trên lòng ích kỉ và bất nhân, cho nên Lục hòa (sáu phép hòa hợp) trở thành cốt lõi cho tiến trình xây dựng đạo đức, đem lại hạnh phúc cho toàn xã hội. Đó cũng là phương thuốc giúp con người trở về với “Bản lai diện mục” của chính mình.

Sinh hoạt Gia đình Phật tử. Ảnh: St

4. Giáo dục Phật giáo góp phần điều chỉnh hành vi đạo đức của thanh niên trong việc bảo vệ môi trường

Theo quan điểm Phật giáo sự hủy hoại môi sinh, ô nhiễm môi trường là hậu quả đỉnh cao của tư duy hữu ngã, con đường tư duy và hưởng lạc thú của con người. Thế nên nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng lớn về môi sinh đang được báo động là do vô minh và tham ái. Học thuyết duyên khởi của Phật giáo chỉ ra rằng con người là tập hợp 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Trong đó, sắc uẩn của một con người là bao gồm thân vật lý của con người ấy và toàn thể thế giới vật lý. Điều đó có nghĩa là thiên nhiên là cơ thể của con người hay một phần rất lớn của cơ thể con người. Con người không thể tồn tại được nếu không có thiên nhiên. Với lời răn dạy này, những người hiểu rõ sự thật duyên khởi thì con người sẽ tự nguyện bảo vệ môi sinh khỏi ô nhiễm, đây là trách nhiệm không của riêng ai mà của toàn nhân loại.

Thái độ sống mà đức Phật giảng dạy cho mọi người là luôn ý thức sống hài hòa với thiên nhiên. Muốn hài hòa với thiên nhiên, thì con người phải tôn trọng sự sống ngay cả loài vật và cỏ cây, một thái độ trên tinh thần duyên khởi.

Trên cơ sở những điều răn dạy của đức Phật, chúng ta cần rút ra được những bài học, biện pháp xây dựng một môi trường sống hạnh phúc thật sự. Quan điểm của Phật giáo về thái độ sống bảo vệ tự nhiên là:

Thứ nhất là: Giáo dục con người nhận thức rõ về mới liên hệ mật thiết với thiên nhiên và môi trường sống.

Thức hai là: Giáo dục mọi người thực hành nếp sống trên nền tảng đạo đức Phật giáo là hướng thiện, tôn trọng sự sống, thực thi hạnh từ - bi - hỷ - xả. Vì thế, mọi người hãy sống gần thiên nhiên, yêu thiên nhiên là yêu sự sống của chính mình và của cộng đồng.

Thứ ba là: Nhận thức mọi ham muốn của bất cứ ai về sự mong cầu hưởng lợi lộc từ việc khai thác các nguồn năng lượng dự trữ của thiên nhiên, vô ý thức để chuộc lợi làm giàu thì sẽ bị thiên nhiên trừng phạt vì đã phá vỡ sự mất cân bằng sinh thái, gây ra đau khổ cho con người.

Thứ tư là: Có biện pháp cụ thể, thiết thực không chỉ dựa trên văn bản của luật bảo vệ môi sinh, hay trông chờ vào thành tựu của ngành khoa học của môi sinh mà trên hết vẫn là thực hành nếp sống yêu thiên nhiên, hài hòa với thiên nhiên.

KẾT LUẬN

Ngày nay, đất nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập vào nền kinh tế thị trường của thế giới. Đời sống đạo đức xã hội cũng theo xu hướng toàn cầu hóa để vận hành. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực của kinh tế thị trường tới kinh tế, văn hóa, đạo đức thì nó cũng có những mặt trái nhất định, trong cơ chế thị trường hiện nay, bản năng ích kỷ trong con người dễ có cơ hội nảy sinh và phát triển.

Dục vọng, đam mê, đồng tiền và sự sùng bái vật chất làm cho một bộ phận dân cư trong xã hội có sự suy thoái về đạo đức, đặc biệt nghiêm trọng là điều này đang xảy ra ở tầng lớp thanh niên, những người được coi là rường cột, là tương lai của nước nhà. Vì vậy, hơn bao giờ hết, việc giáo dục đạo đức cho thanh niên là vô cùng cần thiết. Với quá trình du nhập và phát triển lâu dài ở Việt Nam, đạo Phật đã trở thành một bộ phận của nền văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc. Những giáo lý của Phật giáo chuyển tải tư tưởng bình đẳng, bác ái cứu khổ, cứu nạn, gần gũi với tín ngưỡng văn hóa Việt Nam nên được người dân Việt Nam dễ dàng chấp nhận.

Văn hóa tinh thần và đạo đức truyền thống Việt Nam luôn lấy chân-thiện-mỹ làm thước đo giá trị đạo đức con người Việt Nam, luôn đề cao các giá trị tốt đẹp, nhân ái, tình người. Phật giáo lấy con người làm trọng tâm, thấu hiểu được nỗi khổ của con người và chỉ ra con đường giải thoát khỏi vòng trầm luân biển khổ. Những quan niệm về thiện- ác, Thập Nhị Nhân Duyên, Nghiệp, Thuyết nhân quả, Nghiêp báo- Luân hồi, Ngũ giới,…có ý nghĩa nhất định, mang lại cho cá nhân một thái độ sống có trách nhiệm, góp phần răn đe, hạn chế suy nghĩ, lời nói, hành động không đúng đắn và ngăn chặn tội ác từ trong trứng nước.

Với sự nhập thế tích cực, Phật giáo đã đa dạng hoá các hình thức hoạt động của mình. Bên cạnh những nghi lễ linh thiêng, những lễ hội tổ chức hàng năm tại các chùa ở các địa phương là những hoạt động rất cụ thể nhằm giúp con người giảm bớt những tâm tư, hòa mình vào đời sống cộng đồng, tăng cường tình đoàn kết dân tộc.

Đại đức Thích Giác Huệ Học viên Cao học khóa II, Học viện PGVN tại Huế ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. HT.Thích Minh Châu. (2012). Đại tạng kinh Việt Nam-Nam Truyền. Tôn Giáo. 2. Chu Hy, Tứ thư tập chú, Luận ngữ, XVII (Nguyễn Đức Lân dịch), Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội. 3. Chu Hy, Tứ thư tập chú, Luận ngữ, XIV (Nguyễn Đức Lân dịch), Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội. 4. Chu Hy, Tứ thư tập chú, Luận ngữ, VI (Nguyễn Đức Lân dịch), Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội. 5. Chu Hy, Tứ thư tập chú, Trung dung (Nguyễn Đức Lân dịch), Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội 6. Đặng Thị Lan (2006), Đạo đức Phật giáo với đạo đức con người Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 7. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1995), Đạo đức học Phật giáo. Nxb. Tp Hồ Chí Minh 8. Hồ Chí Minh (1990), Về vấn đề giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 9. Trí Quảng (dịch) (1998), Kinh Bồ tát giới, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 10. Thích Thiện Siêu (dịch) (1994), Kinh Pháp Cú, Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh 11. Hoàng Thị Thơ (2002), Đạo đức Phật giáo với vấn đề xây dựng nhân cách con người Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, tr.44 – 49. 12. Huỳnh Văn Vinh, (2010). một số vấn đề lối sống, đạo đức, chuẩn giá tri xã hội. hà nội: chính trị quốc gia.