Trang chủ Đời sống Nghệ thuật giáo dục tuổi trẻ của đức Phật

Nghệ thuật giáo dục tuổi trẻ của đức Phật

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nhuận Thông
Chùa Vạn Phước, 55 Tuệ Tĩnh, Phường 13, Quận 11, TP.HCM

Đức Thế Tôn thị hiện ở đời với mục đích “khai thị chúng sinh, ngộ nhập Phật tri kiến”, không những thế Ngài còn là một nhà chính trị tài ba, một nhà giáo dục vĩ đại, một bậc Thầy tâm lý, đã để lại cho nhân loại một kho tàng vô giá là tam tạng Thánh điển nói chung, và những phẩm chất tốt đẹp dành cho tuổi trẻ nói riêng, hầu vạch ra con đường dẫn đến sự hoàn thiện về nhân cách sống và đạo đức cho giới trẻ. Đây là một bước ngoặt đánh dấu tinh thần giáo dục của bậc chính đẳng giác đối với toàn nhân loại.

1. Bậc thầy tâm lý

Ngang qua lịch sử đức Phật, chúng ta thấy được rằng cuộc hành trình hoằng dương chính pháp, hóa độ chúng sinh với lòng đại từ, đại bi của Ngài chưa bao giờ ngừng nghỉ. Ngài vân du khắp nơi trên đất Ấn, độ tận các chúng sinh hữu duyên với Ngài, đưa ra những lý luận thiết thực nhằm giúp cho những nhà chính trị đả thông tư tưởng mà ngưng sự chiến tranh trên phương diện tôn giáo, giai cấp và củng cố tính “bình quyền” giữa con người với nhau.

Ngài còn là một bậc thầy về tâm lý, tùy nhân duyên khế hợp với chúng sinh nào thì Ngài đưa ra những khế cơ, khế lý để hóa độ chúng sinh hữu duyên đó. Biết được tâm lý của tuổi trẻ có những thay đổi thất thường, có khi tinh nghịch, lại có lúc dối gian, cho nên bằng tuệ giác của đức Phật, Ngài đưa ra những liệu pháp giáo hóa, dìu dắt giới trẻ từ bỏ những cố chấp, sân giận, tham lam, tật đố, hơn thua, thay vào đó là thiết lập tinh thần “hòa bình” ngay trong nội tâm của từng cá thể.

Điển hình là cách giáo dục tuổi trẻ của đức Phật thông qua hình ảnh La Hầu La.

“Rồi Thế Tôn, sau khi để một ít nước còn lại trong chậu nước, bảo Tôn giả Rahula:

– Này Rahula, Ông có thấy một ít nước còn lại này trong chậu nước không?

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

– Cũng ít vậy, này Rahula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý”[1].

Qua đây, Thế Tôn muốn dạy cho La Hầu La về hạnh chân thật, tác hại của những người biết mà nói dối, không có tàm quý khiến cho người khác sẽ không còn tin tưởng mình nữa, lại càng không có phẩm hạnh của một bậc sa môn cần phải có. Những người đó giống như nước còn lại rất ít ở trong chậu, lại bỏ đi chút nước trong chậu nữa, rồi úp cái chậu xuống, lại ngửa cái chậu lên, người biết mà cố tình nói dối, không có tàm quý cũng giống như thế, không còn gì nữa, không dùng ngôn ngữ nào để diễn tả nỗi. Đức Phật dạy La Hầu La hạnh sống chân thật, đừng bao giờ nối dối, nếu người vẫn cố tình nói dối thì không có việc xấu xa nào mà người đó không dám làm.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Nghe Thuat Giao Duc Tuoi Tre Cua Duc Phat 1

Đức Phật lại dùng hình ảnh con voi: “Này Rāhula, nhưng khi con voi của vua, có ngà dài như một cán cày, to lớn, khéo luyện, thường hay có mặt ở chiến trường. Khi lâm trận, con voi này dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi, dùng vòi. Ở đây, người này nghĩ rằng: “Con voi của vua này có ngà dài như một cán cày, to lớn, khéo luyện, thường hay có mặt ở chiến trường… ( như trên)… dùng đuôi, dùng vòi. Con voi của vua (như vậy) đã quăng bỏ mạng sống (của mình), và nay con voi của vua không có việc gì mà không làm”[2].

Thế Tôn dạy cho La Hầu La con người phải biết tàm quý, không nói láo, biết hổ thẹn khi đã làm việc gì sai phạm, biết phòng hộ các căn, người này ví như con voi khi lâm trận biết bảo vệ cái vòi. Còn người nào không biết tàm quý, cứ nói láo, không biết hổ thẹn việc làm của mình, không biết phòng hộ các căn, người này ví như con voi khi lâm trận không biết bảo vệ cái vòi, nghĩa là con voi này đã quăng bỏ mạng sống của chính nó. Đến cả mạng sống của chính nó còn không trân quý thì con voi đó không có việc gì mà không dám làm. Cuối cùng, đức Phật muốn nhấn mạnh đến La Hầu La, “Cũng vậy, này Rāhula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy, này Rāhula: “Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi,” này Rāhula, ông phải học tập như vậy”[3].

Thứ đến, đức Phật lấy hình ảnh chiếc gương để nói về “thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp”:

“Này Rāhula, ông nghĩ thế nào? Mục đích của cái gương là gì?

– Bạch Thế Tôn, mục đích là để phản tỉnh.

– Cũng vậy, này Rāhula, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành khẩu nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành ý nghiệp”[4].

Cái gương dùng để phản tỉnh lại thân hành, khẩu hành, ý hành những việc bất thiện hay thiện dẫn tới ba nghiệp đó gây ra khổ đau, phiền não hay an lạc, hạnh phúc đều do ba nghiệp tạo nên. Nếu trong khi phản tỉnh biết được thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này của ta không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc, như vậy cần phải tiếp tục làm. Còn trong khi phản tỉnh biết được thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp ta đã làm đều bất thiện đưa đến khổ đau, thời cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước các vị đạo sư hay trước các vị đồng phạm hạnh có trí.

Sau khi đã sám hối xong, thời không được tái phạm trong tương lai, đồng thời khi phát lồ sám hối rồi sẽ thấy thân nghiệp này thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc, và tự mình phải tiếp tục tu học ngày đêm trong các thiện pháp. “Như thế ấy, La-hầu-la, con phải cố gắng luyện tập, luôn luôn suy luận để giữ trong sạch mọi hành động bằng thân, khẩu, ý”[5].

Tuổi trẻ cũng như vậy, có lúc biết mình đã sai nhưng vẫn cố làm, rồi lại che giấu, nói dối những gì mình đã làm, có lúc háo thắng chỉ nghĩ đến lợi lạc bản thân mà không nghĩ đến sau việc làm của mình đã để lại một hệ lụy đau khổ cho kẻ khác.

Đức Phật khéo léo chỉ dạy cho giới trẻ giữ gìn ba nghiệp cho trong sạch ngay khi còn nhỏ và hãy có gắng duy trì những điều thiện lành ngay trong từng suy nghĩ của mình.

Biết tâm lý của tuổi trẻ thích những điều mới lạ, ngay khi lục căn tiếp xúc lục trần khởi lên những pháp bất thiện, Ngài liền dạy rằng:

“Con mắt là thường hay vô thường?

– Bạch Thế Tôn, là vô thường.

– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Bạch Thế Tôn, là khổ.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy,: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”

– Thưa không vậy, bạch Thế Tôn”[6].

Rồi Thế Tôn hỏi tiếp về “Tai, Mũi, Lưỡi, Pháp, Ý” tất cả đều vô thường, đã là vô thường đều đem tới khổ đau.

2. Giáo dục tuổi trẻ qua hình ảnh Đất, Nước, Lửa, Gió

Ngài dạy La Hầu La hãy học theo “hạnh của Đất” dù cho có quăng bỏ các thứ đồ bất tịnh hay đồ tịnh đi nữa, đất vẫn đón nhận mà không hề có phản hồi. “ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy, đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán; cũng vậy, này Rāhula, hãy tu tập như đất. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại”[7]. Không chỉ La-hầu-la mà hầu hết tuổi trẻ nên cần học hạnh của đất để bổ túc cho đời sống thường nhật của mình, không nề hà trước chuyện khen chê, không sân giận trước những điều nghịch lý, càng phải điềm tĩnh trước những chướng duyên, chuyển hóa tập khí của bản thân từ nhiều đời, nhiều kiếp, có như vậy thì tâm ngày càng tĩnh lặng, con đường tu tập sẽ không còn chất chứa những muộn phiền, ưu não, oán trách và khổ đau nữa. Do đó hãy học hạnh của đất, hành xử như đất.

Học cách “rộng lượng như Nước”, dù cho người ta có quăng bỏ các đồ tịnh hay bất tịnh xuống nước, nước vẫn dung hòa một cách bình đẳng, ôm cả vào lòng mà không phân biệt, “ví như trong nước người ta rửa đồ tịnh, rửa đồ không tịnh, rửa sạch phân uế, rửa sạch nước tiểu, rửa sạch nước miếng, rửa sạch mủ, rửa sạch máu; tuy vậy, nước không lo âu, không dao động, không nhàm chán”[8]. Nên tập cách ứng xử của nước để tâm luôn bao la rộng mở, dung chứa tất cả mọi thứ, nhưng phải gạn lọc, chuyển hóa các bất thiện pháp, mặt khác cố gắng hành trì các thiện pháp để đưa đến sự an lạc giải thoát nơi nội tâm.

“Mạnh mẽ như Lửa”, dù lửa có đốt cháy các thứ nhơ uế, tịnh hay bất tịnh, lửa vẫn không hề thấy tủi nhục, bất mãn, “ví như lửa đốt các đồ tịnh, đốt các đồ không tịnh, đốt phân uế, đốt nước tiểu, đốt nước miếng, đốt mủ, đốt máu; tuy vậy lửa không lo âu, không dao động, không nhàm chán”[9]. Hãy để tâm mạnh mẽ như lửa nhưng không bị vướng mặc, kỳ thị, vì lửa có thể đốt cháy mọi thứ, không e sợ trước một vật thể nào. Qua lời dạy của đức Phật dành cho La-hầu-la trong kinh điển, Ngài muốn hướng dẫn cho các giới trẻ trong hiện tại và ở vị lai chớ trùng bước trước hoàn cảnh xấu, hay vội bỏ cuộc trước những thử thách, mà hãy sống một cách mạnh mẽ như lửa thêu cháy mọi ác pháp, tà niệm, chướng duyên.

Học cách “ứng xử của Gió”, hào phóng đón nhận những mùi dù thơm hay hôi, thổi bay tất cả mà không hề lo âu, dao động: “Này Rāhula, như gió thổi các đồ tịnh, thổi các đồ không tịnh, thổi phân uế, thổi nước tiểu, thổi nước miếng, thổi mủ, thổi máu; tuy vậy, gió không lo âu, không dao động, không nhàm chán”[10]. Nên học theo cách ứng xử của gió, không hề bị mùi hôi hoặc thơm làm cho vướng mắc, như thể người khác có nói xấu gì về bản thân mình hay làm cho ta đau khổ, hãy nhìn nhận những điều đó như một cơn gió thoảng qua không còn lưu dấu hay để lại nơi tâm một nội thương nào, không còn bị chi phối bởi ngoại duyên.

Thông qua các việc mà đức Phật đã truyền dạy cho La Hầu La ta thấy được rằng Ngài chính là một nhà giáo dục vĩ đại. Ngoài việc truyền đạt giáo lý thâm diệu của mình cho chúng sinh, Ngài còn là một bậc thầy tâm lý, không những tâm lý ở các vị lớn tuổi mà ngay cả các vị nhỏ tuổi cũng hết sức tuyệt vời, điển hình là tôn giả La-hầu-la, và hơn hết là các giới trẻ.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Nghe Thuat Giao Duc Tuoi Tre Cua Duc Phat 2

3. Hướng tuổi trẻ hoàn thiện về nhân cách và đạo đức

Mục đích giáo dục của đức Phật là muốn cho chúng sinh hoàn thiện hơn về nhân cách sống cũng như đạo đức. Do đó, muốn trưởng thành trong sự từ bi, bác ái thì phải giáo dục từ ngay lúc nhỏ. Thế gian có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ” ngay lúc nhỏ phải hướng dẫn cho tuổi trẻ nhũng tư tưởng mang tính tích cực, biết yêu thương bản thân và mọi người, sống với tinh thần “Vô ngã vị tha”, không làm tổn thương và khổ đau cho chính mình và cho người khác, dù đó là những sinh vật nhỏ bé. Cụ thể, một lần đức Phật đi khất thực thấy một số thiếu niên hành hạ các con cá, Ngài đến bên và hỏi:

– “Này các Thiếu niên, các Em có sợ đau khổ không? Các Em không ưa thích khổ phải không?”

– “Thưa vâng, bạch Thế Tôn, chúng con sợ đau khổ. Chúng con không ưa thích khổ”[11].

Thế Tôn dạy các em thiếu niên trong cuộc sống này ai cũng sợ thân thể bị đau, thế sao lại hành hạ các chú cá như vậy. Ở đây, đức Phật muốn nhấn mạnh, con người vì những thú vui riêng mà có thể sẵn tay đùa giỡn trên thân mạng của các loài thấp bé hơn mình, hoặc để thỏa mãn về nhu cầu ăn uống mà đang tâm giết hại chúng. Đặc biệt là trẻ con, vì chưa có nhận thức rõ về sự thiện-ác, cho nên dễ làm những điều gây hại cho kẻ khác, điển hình là sát sinh. Bởi thế, đức Phật dạy rằng:

“Không làm mọi điều ác
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm Ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.”
(Kinh Pháp Cú – Phẩm Phật Đà – câu 183)

Đức Phật vô cùng tinh tế trong việc giáo dục dù cho các em còn rất nhỏ, Ngài cũng nhẹ nhàng chỉ bảo, hoặc tán thán, khen ngợi khi các em làm những điều tốt đẹp. Nhằm nâng cao và phát huy những giá trị đạo đức, hoàn thiện hơn về nhân cách sống. Đạo đức ấy phải được huân tập ngay từ khi bé, vì đó là một cung cách tối thiểu của một con người cần phải có. Đạo đức là cốt tuỷ, là tinh hoa, là một nền tảng để hướng đến sự giải thoát. Nếu con người không có đạo đức thì chẳng có việc gì mà không dám làm, còn đối với hành giả xuất gia lấy đạo đức làm căn bản cho sự giải thoát, nếu không tô bồi cho nền tảng đạo đức thì sẽ dễ trở thành người đáng trách nhất trong thiên hạ.

Kết luận

Đức Phật là một nhà giáo dục vĩ đại của nhân loại, một vị lương y thời đại, vì không những Ngài cho thuốc trị lành các tâm bệnh của chúng sinh ở quá khứ, mà cho đến bây giờ lương dược ấy vẫn tồn tại và chữa lành muôn ngàn khổ bệnh của chúng sinh ở vị lai. Bởi lẽ chúng sinh đa bệnh đều do nghiệp lực của mỗi cá nhân, nên tùy theo mức độ bệnh mà Ngài cho thuốc. Lương dược ấy chính là những giáo pháp của Ngài được ghi lại trong tam tạng Thánh điển để giáo dục cho chúng sinh.

Giáo lý đạo Phật đã khai mở cho chúng sinh còn chìm đắm trong vô minh, mê muội, hướng các tầng lớp con người quay về với tri túc thượng nhật, bình đẳng không có sự phân biệt giai cấp, tất cả đều có thể tu tập và thành tựu được sự giác ngộ giống như nhau.

Tác giả: Thích Nhuận Thông
Chùa Vạn Phước, 55 Tuệ Tĩnh, Phường 13, Quận 11, TP.HCM

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kinh Trung Bộ, 2 tập, HT Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
2. Kinh Tiểu Bộ, 6 tập, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015.
3. Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Bộ A-Hàm VI, Kinh Tạp A-Hàm Số 2, Sa Môn Thích Tịnh Hạnh dịch, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường