Hoàng Hạnh
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2024
Lời ngỏ: Tuệ Trung Thượng sĩ là một thiền sư, cư sĩ nổi tiếng thời nhà Trần. Người vừa là một đạo sư, một tướng quân, và một nhà thơ. Đọc qua bài thơ Điệu tiên sư (Thương tiếc thầy xưa) của ông, chỉ thấy hành trạng của một người đang sống chứ không phải để nói về một người đã mất. Vậy Tuệ Trung Thượng sĩ gửi gắm gì qua nội dung bài thơ này? Bàn về thơ của Tuệ Trung Thượng sĩ giống như kẻ mù sờ voi. Tuy nhiên với tinh thần tìm hiểu để học tập, chứ không dám nghĩ đúng sai, người viết không ngần ngại trình bày những cảm nhận của mình.
Nguyên tác: 悼 先 師
一 曲 無 生 唱 了 時
擔 橫 篳 栗 故 鄉 歸
上 頭 打 過 胡 何 有
一 箇 泥 牛 任 倒 騎
Phiên âm: Điệu Tiên sư
Nhất khúc vô sinh xướng liễu thì
Đảm hoành tất lật cố hương quy
Thượng đầu đả quá hồ hà hữu
Nhất cá nê ngưu nhậm đảo ky
Tạm dịch: Thương tiếc thầy xưa
Từ lúc vô sinh liễu khúc ca
Cầm ngang sáo trúc trở về nhà
Trên đầu đã vượt nghi- gì có?
Cưỡi ngược trâu bùn mặc sức ta.
Tuệ Trung Thượng sĩ (1230-1291) tên thật là Trần Tung, tước Hưng Ninh Vương, anh ruột Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Thời trẻ, ông không thích công danh chỉ ham nghiên cứu về thiền. Sau ông học đạo với Thiền sư Tiêu Dao, đã lãnh hội được yếu chỉ. Nhưng ông không xuất gia vẫn sống với gia đình và nhận các công việc triều đình giao.Trong đời thường ông được biết đến như một cư sĩ đắc pháp, được cả vua, quan, tu sĩ và người học thiền đến vấn đạo.
Thiền sư Tiêu Dao, thầy của Tuệ Trung Thượng sĩ thuộc thế hệ thứ 15 Thiền phái Vô Ngôn Thông, sống vào cuối đời Lý, đầu Trần. Không biết vì lý do gì ngài ít được mọi người biết đến. Tương truyền An Sinh Vương Trần Liễu cha của Tuệ Trung Thượng sĩ đã không hài lòng khi nghe ông theo Thiền sư Tiêu Dao học đạo.
Bài thơ Thương tiếc thầy xưa chưa biết Tuệ Trung Thượng sĩ sáng tác vào thời gian nào, chỉ đoán là sau khi thầy Tiêu Dao mất.
- Từ lúc vô sinh liễu khúc ca:
Vô sinh là không sinh, không diệt. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni dạy rằng trong cái thân vô thường sinh diệt của con người có cái thường hằng không sinh diệt. Cái đó là bản tính thanh tịnh hay còn gọi là phật tính của mỗi người. Người tu nhận biết được Phật tính của mình và thường sống trong cái thanh tịnh đó thì được gọi là kiến tính hay ngộ đạo.
Liễu là biết rõ. Vô sinh liễu khúc ca là nỗi hân hoan của tác giả khi đã nhận biết rõ phật tính của mình. Đệ tử mà được liễu đạo thì rõ ràng thầy Tiêu Dao cũng phải là bậc cao tăng đắc đạo vậy.
- Cầm ngang sáo trúc trở về nhà:
Sáo trúc cầm ngang là cầm trong tư thế thổi. Không ai vừa đi vừa thổi sáo, chỉ có mục đồng cưỡi trâu thổi sáo về nhà là hình ảnh thường thấy. Nhưng ở đây, tác giả là người học đạo trở về.
Vậy câu thơ này, có thể tác giả muốn nói đến bức tranh ‘cưỡi trâu về nhà’ trong “Thập mục ngưu đồ” của Thiền tông.
Thập mục ngưu đồ là mười bức tranh chăn trâu minh họa cho mười giai đoạn điều phục tâm của người tu thiền từ lúc bắt đầu cho đến lúc đạt giải thoát. Bức thứ nhất là tìm trâu vẽ hình mục đồng tìm con trâu đi lạc, như người khởi tu tìm lại cái tâm phóng dật của mình. Các bức tiếp theo: Thấy dấu/ Thấy trâu/ Bắt trâu/ Chăn trâu/ Cưỡi trâu về nhà…Cưỡi trâu về nhà là bức thứ sáu vẽ hình mục đồng cưỡi trâu thổi sáo về nhà là trâu đã thuần, tương ứng với giai đoạn người tu đã làm chủ tâm ý nên được thảnh thơi an lạc.
Với câu thơ này, có lẽ Tuệ Trung Thượng sĩ có ý giới thiệu mình đã đắc pháp thiền tông, là một pháp môn tu Phật được coi trọng lúc bấy giờ.
- Trên đầu đã vượt nghi- gì có?:
Không và có là những ý niệm thường gây nhiều thắc mắc cho người mới học Phật.
Khi Phật Thích ca còn tại thế có những người đến hỏi rằng:
- Xin ngài cho biết có ngã hay không?
- Thế giới có biên giới hay không có biên giới?...
Phật đều im lặng không trả lời. Sau Phật giải thích cho các đệ tử là ngài chỉ trả lời những câu hỏi về đạo pháp có liên hệ tới thực hành tu tập nhằm giải thoát khỏi khổ đau mà thôi.
Có một câu chuyện thiền như sau:
Có một người lái buôn đến gặp một thiền sư, hỏi:
- Xin ngài cho biết có địa ngục hay không?. Vị thiền sư đáp: có.
Sau đó một người nông dân đến lại hỏi như trên. Thiền sư trả lời: không.
Các đệ tử lấy làm thắc mắc. Thiền sư giải thích rằng: Ta thấy người lái buôn có tâm địa đen tối thể hiện qua ánh mắt, hành vi nên nói có địa ngục. Còn người nông dân ngược lại nên đáp không.
Như vậy, có tâm địa đen tối, có hành vi gian dối thì sẽ có địa ngục. Đây là lý duyên sinh của nhà Phật. Hễ cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Mọi sự vật đều là tương sinh, tương diệt.
Ở đây, có lẽ Tuệ Trung Thượng sĩ muốn nói sau khi ngộ đạo, mình đã vượt thoát các ý niệm chấp trước về có và không, trong đầu chẳng còn nghi ngờ gì nữa.
- Cưỡi ngược trâu bùn mặc sức ta:
Ba câu đầu bài thơ nêu những nhận thức của tác giả về thiền lý, câu cuối này là cách hành xử độc đáo của ông sau khi ngộ đạo.
Cưỡi ngược trâu bùn mặc sức ta có nghĩa là vẫn đang cưỡi trâu, vẫn làm chủ thân tâm nhưng không suy nghĩ rập khuôn theo những lề lối có tính giáo điều, hình thức mà tự do hành động một cách đầy tự tin vào tuệ giác của mình trước thực tại.
Thực tế cuộc đời ông, tuy đã tu hành ngộ đạo nhưng vì đất nước ông vẫn làm tướng cầm quân đánh giặc Nguyên- Mông năm 1285 lúc đã 55 tuổi. Năm 1288 giặc lại sang, ông hiến kế trá hàng để làm chậm bước tiến quân của giặc để quân ta đủ thời gian rút lui khỏi Thăng Long, và xin làm sứ giả. Chính nhờ đắc đạo, ông đã an nhiên và mưu trí biện luận trước mũi giáo quân thù: cùng là tước vương nên không chịu quỳ lạy Thoát Hoan, mà vẫn thi hành được kế sách, góp phần giúp cho đại cuộc chống giặc thành công.
Trong đời thường ông không giữ trường chay, vẫn sống chung với gia đình có nhiều thê thiếp. Nhưng lại được rất nhiều người đến cầu học đạo trong đó có nhiều người xuất gia. Ông đã nhiệt tình chỉ giúp cho mọi người bằng thiền pháp phá chấp khác thường của mình. Ông được công nhận là thầy khai tâm cho vua Trần Nhân Tông và có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành hệ tư tưởng của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam: dân tộc và nhập thế.
Đến đây, nhìn lại nội dung, hầu như bài thơ Thương tiếc thầy xưa chỉ nói về việc ngộ đạo của tác giả. Có thể nói rằng nếu đặt tựa đề bài thơ là Liễu đạo ca thì hợp logic hơn. Tuy nhiên nếu như vậy thì khó thể nói Tuệ Trung Thượng sĩ là người liễu đạo.
Chính cái tựa đề “Thương tiếc thầy xưa” với nội dung là sự ngộ đạo của người đệ tử đã gây sự tò mò chú ý cho người đọc. Vì một lý do nào đó, không thấy Tuệ Trung Thượng sĩ nhắc nhiều đến thân thế và hành trạng thầy Tiêu Dao trong các tác phẩm của mình.
Có lẽ thời đó không ai muốn làm trái ý Thái sư Trần Thủ Độ và những người muốn xóa hết mọi vết tích của triều đại nhà Lý trên đời.
Vì vậy, có thể là bằng bài thơ trên, Tuệ Trung Thượng sĩ bộc lộ sự liễu đạo của mình để nhằm gián tiếp chứng tỏ thầy Tiêu Dao cũng là bậc cao tăng đắc đạo với mọi người. Đó là cách làm khéo léo để tôn vinh và tri ân thầy vậy.
Hoàng Hạnh
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2024
Bình luận (0)