Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Sự khác biệt giữa tư tưởng thiền học của thiền sư Viên Chiếu và Tuệ Trung Thượng Sĩ

Sự khác biệt giữa tư tưởng thiền học của thiền sư Viên Chiếu và Tuệ Trung Thượng Sĩ

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích nữ Trung Tâm
NCS Ths Khóa IV, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Dẫn nhập

Thơ văn là dấu ấn, là tình cảm, là quan điểm, là hiện thân của đời sống tinh thần của người dân. Thời đại nào thơ văn đó, mỗi thời đại mỗi phong cách. Ngày nay, nếu như trên thế giới, người ta không thể quên nền văn học cổ đại Hy Lạp và thời Phục hưng Ánh sáng. Đồng thời, ở Trung Hoa, học giả không thể không nhắc đến văn học, thơ ca thời Đường… Tương tự như vậy, tại Việt Nam chúng ta điển hình rõ nhất chính là thơ thiền Lý-Trần. Đây là thể loại thơ đặc biệt do người tu Phật giác ngộ giáo lý khi đạt đến trạng thái thiền định viết ra.

Thật vậy, Phật giáo Việt Nam dù có nguồn gốc từ Ấn Độ hay Trung Quốc truyền sang và có chịu ảnh hưởng của nền Phật giáo hai nước này, nhưng qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần… Phật giáo Việt Nam được kết tinh dần từ truyền thống tinh hoa của dân tộc, chuyển mình thể nhập sinh động trong lòng dân tộc và hài hòa trở thành tôn giáo của dân tộc.

Trong giai đoạn từ thế kỷ X đến XIV, để có được điều này nhờ vào sự có mặt của chư vị Tổ sư, đại sư, điển hình qua hai vị Thiền sư Viên Chiếu và Tuệ Trung Thượng Sĩ,… Chư vị thiền sư các thời kỳ này đã có công rất lớn đối với Phật giáo nói chung và đất nước nói riêng.

1. Xuất thân và cách hành đạo của Thiền sư Viên Chiếu và Tuệ Trung Thượng sĩ có sự khác nhau.

Tư tưởng thiền học và tư tưởng giáo hóa mà các Ngài có được đều bắt nguồn từ những sự xuất thân từ các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Ngoài ra, còn là cách hành đạo, giai đoạn lịch sử và tư tưởng nhập thế của mỗi Ngài có những đặc thù riêng.

Thiền sư Viên Chiếu (999 – 1090)[1] thế danh Mai Trực, quê ở huyện Long Đàm, châu Phúc Đường, vốn là con của người anh của bà Linh Cảm Thái hậu nhà Lý (vợ vua Lý Thái Tông, mẹ của vua Lý Thánh Tông), sư gọi bà bằng cô ruột. Thuở nhỏ thông minh hiếu học, nghe lời vị trưởng lão ở chùa Mật Nghiêm, nên sư đã đến chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) theo học với Định Hương trưởng lão. Thiền sư tinh thông thiền học, lại trì kinh và chứng ngộ được yếu chỉ của kinh Viên giác nên đã tinh thông phép Tam quán, hiểu rõ các lẽ tử sinh, thông tỏ quy luật tuần hoàn của vạn pháp. Tam quán là ba loại phép quán (ba phép tu thiền định) được nêu ra trong kinh nhằm giúp hành giả đạt đến giác ngộ hoàn toàn. Ngài thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông ở Việt Nam.[2]Thiền sư đã từng tham chính, cố vấn việc đạo, việc nước[3].

Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) tên là Trần Quốc Tung, con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Thái Vương, tước hiệu của An Sinh Vương Trần Liễu do vua Trần Thái Tông ban, anh cả của Hoàng Thái Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm vợ vua Trần Thánh Tông. Khi đại vương mất (1251), Trần Thái Tông cảm nghĩa phong Thượng Sĩ. Thủa nhỏ, Thượng Sĩ đã có bản chất hùng hậu, cao sáng và kính mến đạo Phật. Khi lớn lên Thượng Sĩ được cử trấn đất Hồng La, tức Hải Dương bây giờ. Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ cầm quân đánh giặc, hai lần ngăn giặc Bắc (Nguyên) xâm lăng Đại Việt; sau được thăng chuyển chức Tiết Độ Sứ trấn hải đảo Thái Bình. Gần cuối đời, Tuệ Trung Thượng Sĩ về ấp Tịnh Bang (nay thuộc huyện Vĩnh Lại làng Yên Quảng) đổi tên là làng Vạn Niên tức thuộc ấp của vua ban tự hiệu Tuệ Trung, vua Thánh Tông tặng là Thượng Sĩ và gọi bằng sư huynh. Ở đây ông có lập Dưỡng Chân Trang là nơi tu Thiền nói Đạo. Tuệ Trung Thượng Sĩ được nhận định như mẫu người lý tưởng tiêu biểu làm nên sự nghiệp hào hùng của dân tộc Đại Việt[4].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tinh Khong 1

2. Tinh thần phá chấp của Thiền sư Viên Chiếu và Tuệ Trung Thượng sĩ có sự khác nhau.

Tinh thần của Thiền sư Tuệ Trung với cơ phong rất sắc bén, tinh thần phá chấp triệt để. Trong các thiền sư Việt Nam, thiền sư Tuệ Trung sắc bén nhất, khác hẳn Phật hoàng Trần Nhân Tông, Trần Thái Tông, Viên Chiếu. Tuệ Trung còn khác với nhiều đồng đạo đương thời, khi đạt đạo ông không còn để thì giờ luận thuyết các đề tài Phật giáo hay chú giải các kinh điển Phật giáo. Thượng sĩ chú trọng đề cao con đường “đốn ngộ” hơn là viện vào giáo lí, khái niệm để đạt đạo. Tuy nhiên phần nhiều những người mới tham thiền ít hiểu rõ điều này. Bởi vậy khi tìm đến với Phật pháp, họ còn tự trói mình vào những khái niệm cụ thể và từ bỏ mất cơ duyên ngộ đạo. Là một thiền gia uyên thâm theo lẽ sống tiến bộ của Thiền tông, trong tác phẩm của mình, Tuệ Trung Thượng sĩ đả phá mạnh mẽ tinh thần chấp vào khái niệm, táo bạo lật ngược một số vấn đề trong kinh bổn giáo lí cho phù hợp với thực tế Việt Nam. Đúng vậy, theo Tuệ Trung, “nguyên tắc đơn giản của đạo Phật là sống cuộc đời tự tại với chính mình, hòa nhập với thế giới khách quan, khỏi tìm đâu cả”[5].

Tuệ Trung đã đi ngược lại điều được nói trong kinh giáo: “sắc chẳng phải không, không chẳng phải sắc”. Ở đây Thượng sĩ không hề có tư tưởng chống báng kinh giáo. Người chỉ muốn chỉ rõ kinh điển chỉ là “phương tiện” dẫn con người đến với đạo, không phải là cái đích để con người bám víu vào đó. Đạo chỉ có thể thực hiện bằng Thiền định, bằng nếp sống giới – định – tuệ, nhưng không cứ ở trong tu viện hay nơi thanh tĩnh mà ngay giữa cuộc đời, trong sinh hoạt hàng ngày.

Theo Tuệ Trung sở dĩ con người thường mê lầm, bám víu vào khái niệm như thế là do họ có cái nhìn “nhị kiến”, do cách nhận thức lưỡng phân về thế giới thực tại. Nhắc đến Tuệ Trung ít ai quên giai thoại lý thú về việc đối đáp giữa ông với em gái là Nguyên Thánh Thiên Cảm Thái hậu được Trần Nhân Tông chép rất sinh động trong Thượng sĩ hành trạng đã minh chứng cho tinh thần phá chấp đó của Tuệ Trung. Tinh thần của Thiền sư Viên Chiếu được thể hiện ra nhẹ nhàng văn chương hơn, nặng về tinh thần lý giải hơn. Tham đồ hiển quyết của Thiền sư Viên Chiếu đã thể hiện rõ đặc điểm này.

Bài kệ được thiền sư đọc trước lúc lâm chung vào ngày lành tháng chín năm Canh Ngọ, niên hiệu Quảng Hựu thứ 6 (1090). Lúc này, thiền sư không bệnh đau gì, đã gọi đồ chúng đến dạy rằng: “Trong thân ta đây, thịt xương gân cốt, tứ đại giả hợp, đều là vô thường, ví như ngôi nhà kia sụp đổ”. Theo quy luật, vòng đời của mỗi kiếp người phải trải qua bốn cảnh: sinh, lão, bệnh, tử. Khi con người ta qua bên kia dốc của cuộc đời, cũng là lúc bệnh tật kéo đến, cận kề cái chết, thì lúc này thân thể chẳng khác nào bức tường bức vách lung lay, sắp đổ sập. Trước cảnh trạng ấy, người đời đều vội vã lật đật, ai mà chẳng buồn. Có hiện tượng này bởi do người ta bị vô minh che lấp, nên không hiểu được cảnh trạng trên chỉ là giả tướng, thân con người cũng vậy, chỉ là tạm bợ và cuộc đời chỉ là phù du. Thông điệp mà thiền sư muốn nhắn nhủ với đồ chúng là cần nhận thức rõ quy luật tuần hoàn ấy để chấp nhận thực tại, có như thế mới rõ cái lẽ “nhậm vận”, hiểu được cái quy luật thịnh suy của cuộc đời, thì mới có tinh thần “vô uý” (không sợ hãi) trước bất kỳ hiện tượng thực tế nào. Bài kệ của Viên Chiếu thể hiện cái nhìn Trung quán, đạt đến Trung đạo: Chẳng phải có chẳng phải không, vừa có vừa không của kinh Hoa nghiêm mà ở trên có nêu. Bằng cái nhìn này, sư Viên Chiếu đã khuyên đồ chúng rằng: nếu con người ta nhận thức rốt ráo được cái tâm là không, sắc tướng cũng là không, thì con người đó mới đạt đến cảnh giới tự tại, lòng lặng lẽ trong suốt an nhiên thanh tịnh, bởi lúc này sắc và không cũng như nhau, dù chúng có ẩn hiện, đổi dời cũng mặc, chẳng có gì đáng để bận tâm. Cảnh giới ấy là Niết bàn, là Như lai, là Phật tính, bởi “tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật” (lòng lặng lẽ mà biết, đó chính là Phật vậy). Một tư tưởng Thiền học uyên áo, sâu sắc bàn về quy luật vô thường của cuộc đời, của kiếp người, về lẽ sắc không của tất cả các hiện tượng trong thế giới khách quan: chúng có đó, hiện hữu đó, người ta ai cũng thấy đó, nhưng tất cả không phải là thật tướng. Tư tưởng ấy được thiền sư diễn đạt bằng hình ảnh văn chương cụ thể, sinh động qua lối so sánh ví von thường gặp trong cách nói của dân tộc, nhờ vậy mà người nghe người đọc, ai cũng có thể hiểu và nhận thức được ý nghĩa của nó.

3. Tinh thần diễn đạt về thiền và Phật của Thiền sư Viên Chiếu và Tuệ Trung Thượng sĩ có sự khác nhau.

Tinh thần thiền của ngài Tuệ Trung Thượng sĩ mạnh mẽ, triệt để. Còn văn chương, hình ảnh về thiền của ngài Viên Chiếu thì mượt mà hơn. Trong ngôn ngữ về thiền của Tuệ Trung đâu đâu cũng thấy sắc màu triết lý của tôn giáo, lúc bàng bạc dư vị của tâm ngộ, khi mơ mơ tỉnh tỉnh trong những mê ngộ. “Mộng trung tác sinh tế sinh thô; Giác hậu vô tuyệt liêm tuyệt hào” (Lúc đang mộng nào thô nào tế; Tỉnh ra rồi chẳng một mẩy may)

Điểm qua mấy chục bài thơ Thiền của Tuệ Trung những khái niệm được ông sử dụng trong thơ chứa chan màu sắc tôn giáo, ngôn ngữ giàu triết lý Phật giáo: những từ như Phật, Tâm, Không, “nhân duyên”, “tứ đại”, Thiền, “niệm”, “giả danh”, “tâm vương”, “sát na”, “nhị kiến”, “sinh tử”, “phiền não bồ đề”, “ngã nhân”, “sắc không”, “hữu vô”, “mê ngộ”, “thị phi”, “vọng chân”, “bất nhị”, “tức tâm tức Phật”, “tức Phật tức tâm”, “nương sinh diện”. Đó là những khái niệm mà Tuệ Trung dùng trong thơ của mình. Những phạm trù mang tính triết lý đạo Phật.

Ở ngôn ngữ thơ của Tuệ Trung Thượng sĩ không giàu hình ảnh, không khiến người ta xiêu lòng bởi những du dương mà khiến người ta lắng đọng và suy tưởng nhiều hơn. Từng câu chữ từng cụm từ lúc nào cũng đánh thức người đọc từ bến mê tìm về bến giác. Thơ là người, thơ của Tuệ Trung Thượng sĩ phản chiếu tâm hồn Tuệ Trung, khi thét lên trời xanh tiếng hét rợn người, khi lắng lại trong khúc hát tiêu dao của kẻ mặc khách, lúc lại trầm ngâm suy tư của người quân tử, khi trầm mình lắng đọng của bậc Thiền giả. Qua ngôn ngữ thơ Tuệ Trung Thượng sĩ đủ để thấy được nhiều tâm trạng của thi nhân, tâm trạng của kẻ lữ thứ giữa chốn tùy tục, của kẻ sĩ bất đắc chí trong chốn quan trường, của những lời thơ tri ân ca ngợi đức hạnh của các bậc đại sư đi trước. Nếu phân nhóm thơ của Tuệ Trung thành những nhóm khu biệt, có thể tìm trong đó nhóm thơ về cảm tác trước vũ trụ bao la sinh tử niết bản, giải thoát giác ngộ, nhóm thơ về vui thú tiêu dao, nhóm thơ về cảnh vật trong dưỡng chân trang và nhóm tri ân ca ngợi công đức của các Thiền sư đi trước. Trong thơ của Tuệ Trung còn chất chứa những câu hỏi phản vấn, và những câu hỏi tự thân, hỏi để hỏi mà cũng không để hỏi: “Thôi hỏi tử sinh, ma với Phật”; “sinh tử từ đâu chớ hỏi mà”; “người mất trước kia là ai đó? Người sinh sau này lại là ai?”[[6]].

Ngôn ngữ trong thơ Thiền nói chung và thơ Tuệ Trung Thượng sĩ nói riêng là thư ngôn ngữ vô ngôn. Cách nói vô ngôn có thể gói trong những thí dụ sau: Nói nghịch, Nói vượt qua, Nói chối bỏ, Nói quyết, Nói nhại, Hét, Phép im lặng, Lý luận vòng tròn. Ở thơ Tuệ Trung có đủ những cách nói như thế. “Hét” là những âm thanh kết thúc bài thơ. Một tiếng hét lên, tác động cực lớn tới người tiếp nhận, tạo sự giật mình trong trạng thái chông chênh để tìm đến trạng thái vô thức của chứng ngộ.

“Hát” trong bài “Phật tâm ca”, “đốt” trong “Phàm thánh bất dị”; “Trữ từ tự cảnh văn”. Kết thúc bài thơ là tiếng hét xuất hiện, lý giải vòng vo có, nói nghịch có, nói quyết có. Ngôn ngữ thơ Thiền đặc trưng và khác ngôn ngữ thơ đơn thuần khác.

Với thiền sư Viên Chiếu, qua Tham Đồ Hiển Quyết là một tác phẩm được trình bày theo thể vấn đáp, những vấn đề nan giải như Chân như, Phật tính, về những vấn đề trừu tượng, siêu hình. Tất cả đã được Sư giải đáp tài tình bằng những câu thơ đơn giản mà vô cùng thâm thúy. Điều đáng ghi nhận là khi Thiền sư Thảo Đường xuất hiện ở Việt Nam (1609), mang Tuyết Đậu Ngữ Lục từ Trung Hoa sang thì trước đó đã có Thiền Lão dùng hình ảnh thi ca làm Thiền ngữ, tiếp theo là Viên Chiếu và rất nhiều Thiền sư thi sĩ thuộc phái Vô Ngôn Thông ra đời. Tuyết Đậu Trùng Hiển là nhân vật đại biểu của Trung Hoa, còn Viên Chiếu là tinh hoa của Đại Việt. Đọc Tham Đồ Hiển Quyết của Viên Chiếu, ta cứ ngỡ như đang nghe được lời tự tình của trăng sao hoa cỏ, mà nghĩa đạo, hồn thơ như hòa quyện vô ngần.

Khỏi cần lý giải, khỏi cần phân tích. Hãy lắng nghe, hãy ngắm nhìn, may đâu có thể nghe ra hồn vạn vật. Nếu hành giả biết đắm mình trong dòng thực tại hiện hữu, biết nhảy vào ngay giữa hai sát-na vọng tưởng, nhìn ngắm cỏ hoa như là chính nó, như cúc vàng bên giậu thu, như oanh đề cành xuân ấm, thì bất chợt thấy ra nghĩa Thánh nghĩa phàm, thấy ra cõi miền chân như tương ứng.

Tham Đồ Hiển Quyết nghĩa là chỉ rõ bí quyết cho người tham vấn. Bí quyết ở đâu sau mỗi câu thi kệ đơn sơ gẫy gọn ấy?

Tăng hỏi: “Kiến tính thành Phật, nghĩa ấy như thế nào?” Viên Chiếu đáp: “Khô mộc phùng xuân hoa cạnh phát; Phong xuy thiên lý phức thần hương” (Cây héo xuân về hoa nở rộ; Gió lay ngàn dặm nức mùi hương).

Càng đọc các câu vấn đáp đầy thi vị của Tham Đồ Hiển Quyết, ta có cảm tưởng Thiền sư đã dắt người đọc vào nhởn nhơ trong khu vườn đầy thơ mộng, có bướm có hoa, có trăng trong mây trắng, có tất cả những hình ảnh đẹp nhất của trần gian mà tuyệt nhiên không có sự vướng víu của tự ngã, không có yêu ghét khổ vui. Cứ ngỡ bao nhiêu nếp suy tư hằn trên trán người học như những công án ngàn đời bí hiểm, khi được hỏi, sự giải đáp chỉ là chỉ ra cái sờ sờ trước mắt.

Đọc Tham Đồ Hiển Quyết của Viên Chiếu Thiền Sư, cũng như đọc những ngữ lục Thiền Tông giàu hình ảnh thi ca.

4. Tư tưởng hòa quang đồng trần của Tuệ Trung khác hẳn với tư tưởng của thiền sư Viên Chiếu

Có thể nói, tư tưởng chính xuyên suốt của toàn bộ tác phẩm văn học Thiền của Tuệ Trung là hòa quang đồng trần. Chính Trần Nhân Tông đã nhận định như sau: “Hỗn tục hòa quang, dữ vật vị thường xúc ngỗ. Cố năng thiệu long pháp chủng, du dịch sơ cơ” (Thượng sĩ nhờ hòa quang đồng trần, cùng vật chưa từng xúc phạm nên có thể thiệu long giống pháp, dỗ dắt kẻ sơ cơ).

Thực ra, đây cũng là chủ trương có từ thời Đức Phật, sự chứng đạt là do tự thân tu tập mà vượt thoát từ trong cuộc sống trần tục.

Với thiền sư Viên Chiếu thì thể hiện tinh thần nhập thế, hòa quang đồng trần phản ánh rõ chủ trương phá chấp, tức là cởi bỏ sự vướng mắc và câu chấp phân biệt nhị nguyên, tịch tĩnh vô trụ xứ. Bởi thế cần phải hết sức dõng mãnh thực hành những điều khó hành nhất trong đời sống của người hành đạo, có thế mới chứng ngộ chân lý tối thượng tự giải phóng mình ra khỏi sự ràng buộc của đời sống.

Thiền Tông còn chủ trương “Đốn Ngộ” và yếu chỉ của Thiền có thể tóm gọn là: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”[7] (truyền riêng ngoài giáo, không lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tính thành Phật). Đây là phương pháp chóng trừ tà kiến vọng niệm, phương pháp tu tập không phụ thuộc vào giáo lý kinh điển tuy vẫn dùng kinh điển để khai tâm, đi thẳng vào lòng người tu hành để họ liễu ngộ được chân lý, thấy được Phật tính.

Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính” nhưng vì bị vô minh che lấp nên trôi lăn trong sinh tử luân hồi và lục thức làm hôn ám nên sinh ra mê tưởng, điên đảo, chìm đắm trong bể khổ. Bởi “Phật tại tâm” nên nếu phá được màn vô minh, phá được lưới vọng kiến thì Phật tính liền hiển hiện. Lúc đó tinh hoa của bậc giác gia đột nhiên hiển hiện sáng rỡ như ánh bình minh, ngạt ngào như kỳ hương dị thảo. Đó là ý nghĩa câu trả lời của Thiền sư Viên Chiếu khi trả lời câu “Thế nào là kiến tính thành Phật?” của đệ tử: “Khô mộc phùng hoa xuân cạnh phát; Phong xuy thiên lý phức thần hương” (Cây khô gặp xuân hoa đua nở; Gió thổi hương thần thơm rất xa)[[8]].

Tất cả vấn đề chỉ là thấy tính, phát triển được mầm giác ngộ sẵn có trong mỗi con người. Lâu nay, người ta thường hiểu lầm, cho rằng đạo Phật là huyền bí, cao siêu, nhưng thật ra, đạo Phật rất thực tế vì luôn chủ trương xoay tìm lại con người thật của chính mình là một điều hết sức thực tế.

Chân lý trong con người, con người là chân lý. Phật tính trong con người, con người là Phật không sai. Cho nên thấy cảnh là Bồ đề, sống trong cảnh tức là sống trong Bồ đề. Như vậy, chủ thể và đối tượng là một. Chân lý thực tại không phải ở đâu xa, mà ở chính trong ta, ở trước mắt chúng ta. Chân lý đó phải được nắm bắt trong hiện tại và hiện tiền. Mọi tìm cầu ở quá khứ, tương lai hay ở đâu xa bên ngoài đều sai lầm. Và càng sai lầm hơn nữa nếu cứ chấp vào văn tự để tìm kiếm chân lý ấy. Ngôn ngữ, văn tự chỉ là phương tiện diễn tả chứ không thể hiện được trọn vẹn thực tại tuyệt đối là chân như. Dựa vào kinh điển nhưng lại chủ trương phải xa lìa văn tự, vượt lên trên ngôn ngữ, văn tự mới đạt chân lý. Như người đi đò qua sông lên bờ rồi phải vứt đò đi.

Viên Chiếu Thiền sư cũng đã nói: “Độ hà tu dụng phiệt, đáo ngạn bất tu thuyền”[[9]] (Qua sông phải dùng đò, đến bờ chẳng cần thuyền) không ngoài ý nghĩa trên. Thiền sư đi vào cuộc đời mà không bị lợi danh quyền thế làm hoen ố vẩn đục, tâm hồn. Ngài luôn thanh thoát như những đóa hoa sen thơm ngát giữa bùn lầy mà không bị bùn nhơ làm ô nhiễm đã thể hiện trọn vẹn tinh thần “Vô ngã – Tùy duyên – Hòa quang đồng trần”.

Thái độ ung dung của Thiền sư cho ta thấy Ngài đã sống giữa lòng thế tục, hòa ánh sáng mình trong cuộc đời bụi bặm; trong mọi cuộc tiếp xúc Ngài luôn luôn giữ thái độ hòa ái nên chưa bao giờ gặp phải những trường hợp phiền nghịch. Do đó, Ngài có thể làm tiếp nối được hạt giống chính pháp, dìu dắt được những kẻ mới học. Ai đến tham cứu tìm học với Ngài cũng được Ngài chỉ dẫn tường tận thấy được phần cương yếu của đạo pháp khiến tâm họ có chổ vào.

Tinh thần “hòa quang đồng trần” là tất cả những gì các vị Thiền sư mang theo suốt cuộc vân du trên khắp nẽo đường đất nước. Đem ánh sáng từ bi và trí tuệ rọi chiếu vào cuộc sống đồng thời chuyển hóa nó thành cõi Niết bàn. Niết bàn ở ngay đây và giải thoát cũng ở ngay đây. Vì Niết bàn chỉ hiện diện khi và chỉ khi con người thể hiện hành vi ban vui cứu khổ. Thể hiện hành vi đó là thể hiện đức tính từ bi nhằm mục đích đưa con người đến cuộc sống an lạc, hạnh phúc.

Kết luận

Thiền sư Viên Chiếu và Tuệ Trung Thượng sĩ là hai thiền sư tiêu biểu của hai thời kỳ tiêu biểu của lịch sử dân tộc triều Lý, triều Trần. Dù trải qua hai triều đại nhưng về tư tưởng của hai vị vẫn có những điểm tương đồng về sự dung thông tư tưởng Nho – Phật và sự thống nhất tư tưởng Phật tại tâm, ngộ tâm thành Phật. Bên cạnh đó, mục đích cuối cùng của sự tu tập trong Phật giáo qua hai vị thiền sư đều đồng hướng đến sự ngộ đạo, hiểu Phật, giải thoát. Điểm tương đồng về văn chương đều đạt được trình độ cao, thiền ngữ trong cách giảng giải Phật học, văn chương ngôn ngữ nghệ thuật đều rất thâm sâu.

Ngoài ra, Viên Chiếu và Tuệ Trung Thượng sĩ cũng có những điểm dị biệt trong tư tưởng đó là về xuất thân và cách hành đạo của Thiền sư Viên Chiếu và Tuệ Trung Thượng sĩ có sự khác nhau. Từ những yếu tố ngoại duyên này, những quan điểm, tư tưởng của hai vị có nhiều sự khác biệt rõ rệt như về  tinh thần phá chấp, sự diễn đạt về thiền, Phật và tư tưởng hòa quang đồng trần của Tuệ Trung khác hẳn với tư tưởng của thiền sư Viên Chiếu.

Triều đại Lý Trần đã hun đúc nên hai vị đại thiền sư với những tư tưởng thiền học tuy có những điểm khác biệt nhưng đồng thời cũng có nhiều điểm tương đồng. Chính điều này đã tạo bước đà để dần hình thành nên thiền học đặc trưng của Phật giáo Việt Nam.

Tác giả: Thích nữ Trung Tâm
NCS Ths Khóa IV, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Chú thích:
[1] TS. Thích Phước Đạt, TS. Thích Hạnh Tuệ, TS. Thích Nữ Thanh Quế, TS. Đinh Văn Viễn, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2022, tr. 128.
[2] Thích Hạnh Thành biên soạn (2016), Biên Niên Sử Thiền Tông Việt Nam (1010 – 2000), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 735.
[3] Thích Đồng Bổn (2019), Phật giáo và những dòng suy tư, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 29 – 30.
[4] TS. Thích Phước Đạt, TS. Thích Hạnh Tuệ, TS. Thích nữ Thanh Quế, Đại Cương Tư Tưởng Phật Giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, 2021, tr. 210.
[5] Thích Minh Tuệ, Lược sử Phật Giáo Việt Nam, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992, tr. 337.
[6] Trúc Thiên (1968), Ngữ lục, Nxb Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.
[7] HT. Thích Chơn Thiện, Tìm Vào Thực Tại, Nxb. TP.HCM, TP.HCM, 2000, tr. 178.
[8] T. Thanh Từ, Tham Đồ Hiển Quyết và thi tụng các Thiền sư thời Lý, GHPGVN Ban Văn Hóa Trung Ương, Thiền Viện Thường Chiếu ấn hành, 1995, trang 124.
[9] Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, Thiền Uyển Tập Anh, Phân Viện NCPH – NXB Văn học, H, 1990.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. TS. Thích Phước Đạt, TS. Thích Hạnh Tuệ, TS. Thích Nữ Thanh Quế, TS. Đinh Văn Viễn, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2022.
2. Thích Hạnh Thành biên soạn (2016), Biên Niên Sử Thiền Tông Việt Nam (1010 – 2000), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
3. Thích Đồng Bổn (2019), Phật giáo và những dòng suy tư, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
4. TS. Thích Phước Đạt, TS. Thích Hạnh Tuệ, TS. Thích nữ Thanh Quế, Đại Cương Tư Tưởng Phật Giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, 2021.
5. Thích Minh Tuệ, Lược sử Phật Giáo Việt Nam, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992.
6. Trúc Thiên (1968), Ngữ lục, Nxb Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.
7. HT. Thích Chơn Thiện, Tìm Vào Thực Tại, Nxb. TP.HCM, TP.HCM, 2000.
8. T. Thanh Từ, Tham Đồ Hiển Quyết và thi tụng các Thiền sư thời Lý, GHPGVN Ban Văn Hóa Trung Ương, Thiền Viện Thường Chiếu ấn hành, 1995.
9. Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, Thiền Uyển Tập Anh, Phân Viện NCPH – NXB Văn học, Hà Nội, 1990.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường