Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Tìm hiểu tư tưởng Phá chấp của Tuệ Trung Thượng sĩ

Tìm hiểu tư tưởng Phá chấp của Tuệ Trung Thượng sĩ

Tuệ Trung Thượng sĩ đã đạt đến đỉnh cao của thiền học, là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong giới tu thiền và nghiên cứu Phật học. Mặc dù, là một cư sĩ tu tại gia, nhưng ông sống một cuộc đời hết sức bình dị, thanh thản, an nhàn, không bị ràng buộc thị, phi, thế tục.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tuệ Trung Thượng sĩ đã đạt đến đỉnh cao của thiền học, là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong giới tu thiền và nghiên cứu Phật học. Mặc dù, là một cư sĩ tu tại gia, nhưng ông sống một cuộc đời hết sức bình dị, thanh thản, an nhàn, không bị ràng buộc thị, phi, thế tục.

TT.TS.Thích Lệ Quang, Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024

Tóm tắt: Tuệ Trung Thượng sĩ là một võ tướng nhà Trần, ông tham gia vào công cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông xâm lược, bảo vệ giang sơn xã tắc Đại Việt và được phong chức Tiết độ sứ cai quản phủ Thái Bình. Ông rũ áo từ quan lui về ấp Tịnh Bang lập Dưỡng Chân trang để hướng Phật, sống cuộc đời thanh thản, chuyên tâm nghiên cứu thiền học; tư tưởng thiền của ông sâu sắc, đạt đến đỉnh cao của thiền học, đặc biệt là tư tưởng phá chấp của ông hết sức sâu sắc.

Ông không những là “cây đại thụ của thiền học Việt Nam” thời bấy giờ, mà ông còn là một thiền gia cư sĩ đại diện cho giới cư sĩ nghiên cứu về thiền học.
Từ khoá: Tuệ Trung Thượng sĩ, cư sĩ, thời Trần, tư tưởng phá chấp.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Tu tuong pha chap cua Tue Trung thuong si 1

Tháp Phổ Minh (Nam Định) – Ảnh: Minh Khang

Thời kỳ Lý – Trần Phật giáo phát triển rất rực rỡ so với các thời kỳ Phật giáo trước đó, đỉnh cao của nó là tư tưởng thiền học hết sức phong phú, đa dạng từ hình thức cho đến nội dung tư tưởng thiền học, đặc biệt là Phật giáo thời đại nhà Trần.

Thiền học thời kỳ này đã mang đến cho con người một hơi thở mới của cuộc sống vượt ngoài khuôn khổ của thiền môn, trở thành triết lý sống của thời đại với những ý nghĩa và hành động hết sức thiết thực, thể hiện tinh thần dân tộc, cứu dân, cứu nước, đưa dân tộc Đại Việt vươn lên một đỉnh cao, khẳng định nền độc lập, thống nhất, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ.

Điểm nổi bật của thời kỳ này là sự xuất hiện của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền mang bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Trần Nhân Tông là người đã sáng lập nên tư tưởng nhập thế hết sức sâu sắc, mang ý nghĩa to lớn đối với dân tộc Đại Việt lúc bấy giờ.

Có thể nói sự ảnh hưởng to lớn đối với tư tưởng của Trần Nhân Tông đó là Tuệ Trung Thượng sĩ. Trần Nhân Tông không những tôn kính Tuệ Trung Thượng sĩ là bậc thiền gia nổi tiếng đương thời, mà ông còn tôn kính Tuệ Trung Thượng sĩ là bậc thầy của mình.

Trong Thượng sĩ hành trạng, Trần Nhân Tông viết: “Ta biết môn phong của Thượng sĩ thật là siêu việt. Một ngày ta hỏi về cái gốc của tôn chỉ thiền, Thượng sĩ ứng đáp: Hãy quay lại nhìn cái gốc của mình, chứ không tìm đâu khác được. Ta bỗng bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo thờ người làm thầy”(1).

Mặc dù, ông là cư sĩ tu tại gia, nhưng phong cách, tư tưởng của ông đã đạt đến đỉnh cao của thiền học, chứng ngộ được bản thể của các pháp; tư tưởng của ông còn chứa đựng tinh thần phóng khoáng, tự do, phá chấp, táo bạo, nhưng thể hiện tính thực tế trong cuộc sống, giúp con người đạt được hạnh phúc thực tại.

1. Thân thế và sự nghiệp

Tuệ Trung Thượng sĩ (1230 – 1291) người Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay thuộc tỉnh Nam Định, là con trai của Trần Liễu, anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm húy Thiều, vợ vua Trần Thánh Tông(2). Sau khi Trần Liễu mất, vì cảm nghĩa tình thân, Thượng hoàng Trần Thái Tông đã phong cho ông là Hưng Ninh Vương.

Trần Tung là một võ tướng nổi tiếng thời nhà Trần, ông tham gia vào nhiều trận đánh quan trọng chống lại sự xâm lược giặc Nguyên – Mông. Trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông (1257 – 1258; 1285; 1287 -1288), Trần Tung đã trực tiếp tham gia chống giặc cùng với Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn đem hơn hai vạn quân giao chiến với tướng nhà Nguyên là Lưu Thế Anh và đuổi Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt (sông Cầu).

Kháng chiến thành công, ông được phong chức Tiết độ sứ cai quản phủ Thái Bình. Tuy nhiên, Thượng sĩ là một vị tướng có một tâm hồn hướng về đạo Phật. Ông rũ áo từ quan lui về ấp Tịnh Bang (nay ở huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng) lập Dưỡng Chân trang sống cuộc đời thanh thản, chuyên tâm nghiên cứu thiền học. Trần Nhân Tông đã ca ngợi khí chất của ông:

“Ôi! Thượng sĩ là người thần thái nghiêm túc, cử chỉ đĩnh đạc. Khi người đàm luận về lẽ cao siêu huyền diệu thì như gió mát trăng thanh. Đương thời, các bậc đạo cao đức trọng đâu đâu cũng đều tôn trọng, cho Thượng sĩ là người tin sâu biết rõ, ngược xuôi, thật khó mà lường được”(3).

Tuệ Trung Thượng sĩ mất vào ngày mồng Một tháng Tư năm Tân Mão (1291), hưởng thọ 61 tuổi. Ông đã cống hiến cho thế hệ sau những tài liệu quý giá về thiền học, trong đó có bộ Thượng sĩ ngữ lục gồm ba phần: Phần ngữ lục, là những bài giảng cho học trò và những công án của ông; phần thứ hai gồm có 49 bài thơ được viết dưới nhiều đề tài và thể loại khác nhau; phần thứ ba gồm một bài Thượng sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông, tám bài tán của tám nhà thiền học phái Trúc Lâm.

Song, tư tưởng thiền học của ông đã để lại cho thế hệ sau một tầm nhìn sâu sắc về thiền học, là con đường hướng đến tu tập và nghiên cứu về thiền học của mọi thế hệ về sau. Đặc biệt là tư tưởng phá chấp của ông.

2. Tư tưởng phá chấp của Tuệ Trung Thượng sĩ

Tuệ Trung Thượng sĩ đã đạt đến đỉnh cao của thiền học, là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong giới tu thiền và nghiên cứu Phật học. Mặc dù, là một cư sĩ tu tại gia, nhưng ông sống một cuộc đời hết sức bình dị, thanh thản, an nhàn, không bị ràng buộc thị, phi, thế tục.

Có thể nói ông là đại diện cho giới cư sĩ tại gia nghiên cứu tu tập về thiền hết sức xuất sắc. Thiền không chỉ dành cho giới tu sĩ tu tập, mà tất cả mọi người đều có thể tu tập và chứng ngộ. Cốt yếu của vấn đề là ở chỗ nhận thức cái tâm của chính mình.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Tu tuong pha chap cua Tue Trung thuong si 2

Tượng rồng bậc thềm đá chùa Phổ Minh (Nam Định) – Ảnh: Minh Khang

Ông đã nhận thức điều đó và ông đã khám phá tâm thức con người đến tuyệt cùng của sự chứng ngộ bản tính. Không cần phải chạy Đông, Tây, Nam, Bắc mà tìm cầu Phật.

Trong bài Phật tâm ca, Tuệ Trung Thượng sĩ viết: “Phật Phật Phật không thể tìm thấy, tâm tâm tâm không thể nói được. Khi tâm sinh thì Phật sinh, khi Phật diệt thì tâm diệt”(4). Cùng một hoàn cảnh sống, bằng cái tâm tĩnh lặng thì thấy sinh tử là Niết bàn, tâm là Phật, phàm là Thánh. Còn bằng cái tâm lăng xăng xao động, vọng niệm thì sinh tử, phiền não nhiễm ô, tất cả chỉ từ một nguồn tâm.

Thượng sĩ chú trọng về mặt tâm thức con người, khai thác sâu về mặt tâm thức, tâm lý và phương pháp để giải quyết vấn đề trung tâm của mọi pháp từ nơi bản tâm. Tâm cũng chính là nguồn ban đầu của bản thể, tự tính của mọi sự vật. Vạn vật đều từ tâm sinh, muôn pháp cũng từ tâm diệt.

Thiền sư Vô Ngôn Thông trước khi tịch đã để lại bài kệ cho đệ tử Cảm Thành rằng: “Nhất thiết chư pháp, giai tòng tâm sinh, tâm vô sở sinh, pháp vô sở trụ”(5). Chưa ngộ thì bỉ thử, tâm cảnh, vô minh xuất hiện. Ngộ rồi ta không, người cũng không, tâm cảnh đều không.

Cho nên cần phải loại trừ cái tâm sai biệt, vọng niệm, vì đó là nguồn gốc sinh ra mọi giả hợp. Trần Nhân Tông cho rằng vì con người phân tán, suy nghĩ, vọng tưởng nên mới bị vô minh che tối, tính giác lu mờ, nếu nhất tâm bất loạn thì sẽ trừ được lậu hoặc. Trong Cư trần lạc đạo, ông viết: “Miễn cốc một lòng, thì rồi mọi hoặc”(6). Phật chính là lòng mình, tâm mình chẳng phải đâu bên ngoài: “Bụt ở trong nhà, chẳng phải đâu xa; nhân khuấy bổn nên ta tìm bụt, đến cốc hay chỉn Bụt là ta”(7).

Tuệ Trung nhìn nỗi khổ con người như trục bánh xe quay mãi không ngừng trong lục đạo, cứ luân hồi lên xuống. Bởi con người còn mang nghiệp ái dục, nên bập bềnh trôi nổi trong biển khổ mênh mông không lối thoát: “Nẻo khổ cứ luân hồi như trục bánh xe quay mãi, sông ái chìm nổi như bọt nước bập bềnh”(8). Theo ông, nếu còn một chút tình ái, yêu thương, ghét bỏ, khởi vọng phân biệt, dù bằng sợi tóc cũng bị luân hồi sinh tử. Sự suy nghĩ ác tâm là khỏi đầu của cuộc sống trần tục luân chuyển.

Trong bài văn Trữ tình tự răn, ông viết: “Một chút tình giây lát cũng báo ứng ba đường, một ý nghĩ tóc tơ cũng luân hồi lục đạo”(9). Con người không thể thoát khỏi sinh tử và người ta không thể chạy trốn khỏi sinh tử để tìm cầu Niết bàn. Ngược lại phải ngay trong sinh tử mà thấu rõ Niết bàn.

Tuệ Trung Thượng sĩ cho rằng Niết bàn chẳng qua là xả bỏ hết vọng niệm, không còn tham, sân, si, không còn vướng vào chân, vọng và đạt đến vô thực vô phi, phải trái đều không, thì lòng tự tại.

Đối với ông, cuộc đời tôi luyện cho con người thành giác ngộ, là môi trường thử thách con người, giống như hoa sen mọc dưới bùn dơ, trong lò lửa mà vẫn nở hoa sen: “Nên biết rằng đời có vị Phật trong đám người bình thường, thì đừng lạ gì đoá sen nở ra trong lò lửa”(10), chỉ vì con người đã đánh mất nó, bị hư vọng che đậy, lạc mất chính niệm, bị tà tâm dẫn dắt nên con người đánh mất chính bản thân mình.

Chính vì vậy, Tuệ Trung Thượng sĩ đã thể hiện tinh thần “hòa quang đồng trần” hết sức thiết thực và độc đáo trong cuộc sống xã hội. Hòa quang đồng trần là danh từ của Lão giáo dùng trong Đạo Đức Kinh: “Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” để diễn tả thái độ dấn thân và hòa mình vào xã hội để góp phần phụng sự xã hội, với tinh thần vị tha của Bồ tát.

Hình thức xuất gia hay tại gia đối với Tuệ Trung Thượng sĩ không còn là quan trọng, mà làm sao sống giữa lòng thế tục, đem sự hiểu biết, tuệ giác, tri thức của mình cống hiến cho con người, xây dựng con người mới với những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, bảo vệ dân tộc, đó mới chính là tinh thần của ông. Ông không bị ràng buộc bởi hình thức, không chấp vào hình danh sắc tướng. Ông luôn luôn giữ thái độ hòa ái, thân thiện đúng với tinh thần giác ngộ nhà Phật.

Tuệ Trung Thượng sĩ đã dung hợp triết lý giải thoát của Phật giáo với quan điểm vô vi, sự giác ngộ với tinh thần tự do tuyệt đối của Lão – Trang.

Ông đề cao tự do với tinh thần phóng khoáng, tiêu dao của Trang Tử. Trong bài Tự tại, ông viết:

“Trở về gởi thân nơi núi rừng đến trọn tuổi già,
Cửa liếp nhà tranh, ăn ở thảnh thơi,
Không “thị” không “phi”, lòng ung dung tự tại”(11).

Ông vừa trung thành với yếu chỉ của thiền học nhưng lại vượt lên tất cả, cả giới luật phật pháp để giữ lại một lẽ sống hai mặt. Một mặt, là nội tâm, ung dung tự tại, tiêu dao, thoát tục; mặt kia, là sống sôi nổi mạnh mẽ của người quân tử vào sinh ra tử coi sự sống chết tựa “hòn bọt con”. Tuệ Trung Thượng sĩ thông cả tam giáo, biết sử dụng phong cách Nho giáo, xem giàu sang như đám mây nổi, “dụng tắc hành, xã tắc tàng”, danh lợi, giàu sang, đường quan chức nhiều nổi gai góc, gian truân, đấu đá, tranh giành.

Có thể nói thời đại Lý – Trần, tư tưởng Nho gia và Lão gia có sức ảnh hưởng, tác động đến đời sống của quần chúng và nhất là trong các tác phẩm văn học Thiền lúc bấy giờ. Tinh thần nhập thế hay tinh thần hòa quang đồng trần của ông thể hiện giá trị đạo đức của Phật giáo hết sức sâu sắc.

Tuệ Trung Thượng sĩ đã phát huy tích cực tính nhập thế vào trong cuộc sống đời thường, coi lẽ sống chính là hành động Thiền. Một hành động đưa con người đến với tự do, tiêu dao, bình dị, hòa đồng, yêu mến thiên nhiên; một sự kết hợp hết sức chặt chẽ, sâu sắc giữa cuộc đời bình thường đầy tục lụy với thế giới thánh thiện tinh khiết, ông viết:

“Ngắm trong trời đất sao mà mênh mông, chống gậy nhởn nhơ ngoài thế gian. Hoặc đến chỗ núi mây cao cao, hoặc đến chỗ biển nước sâu sâu. Đói thì ăn cơm hòa la. Mệt thì ngủ làng “không có làng”(12).

Đặc biệt, tư tưởng phá chấp là đặc trưng của Tuệ Trung Thượng sĩ trong giới thiền học Việt Nam, tư tưởng này phá vỡ những vỏ bọc mang tính hình thức “oai nghi, tế hạnh”, những cố chấp vốn có từ quan điểm của con người cho rằng học đạo phải bắt đầu tu từ đầu và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong nhà thiền; những cố chấp của thiền sinh mới học thiền bằng nguyên tắc tham cứu một khái niệm về thực tại, trong khi vấn đề là sống với chính thực tại;

Đồng thời ông bẻ gãy những quan điểm, luận thuyết “lỗi thời” không phù hợp trong xã hội ngày nay, khi cho rằng người xuất gia mới đủ điều kiện, giới luật đầy đủ, là “đệ tử của Như Lai” mới có khả năng tu hành chứng đắc, còn người cư sĩ tại gia, khó tu, khó chứng.

Tuệ Trung đã đập vỡ cái cố chấp “thâm căn cố đế” của những quan niệm lệch lạc của một số “ý thức hệ” chấp vào giới luật, phân biệt giữa tại gia và xuất gia, thậm chí còn xem nhẹ người phụ nữ trong xã hội. Tuệ Trung Thượng sĩ đã làm cho người học đạo sửng sốt trước tuyên bố rằng:

Trì giới và nhẫn nhục
Thêm tội chẳng được phước
Muốn siêu việt tội phúc
Ðừng trì giới nhẫn nhục(13).

Ông còn bẻ gãy quan điểm của hoàng hậu Thiên Cảm cho rằng: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?”. Ông chỉ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh; anh không cần thành Phật, Phật không cần thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát” đó sao?”.

Quan điểm này đã được Trần Nhân Tông chấp nhận và tôn kính Tuệ Trung Thượng sĩ làm thầy trong giới thiền học. Đối với Tuệ Trung phá chấp không có nghĩa là phá đạo, phá nguyên tắc của giới luật nhà Phật, mà phá chấp để chỉ rõ bản chất thực của vạn vật, thấy rõ bên trong của vạn pháp, làm cho người học không còn chấp vào khái niệm “có”, “không”, những hình thức giả có của thế giới hữu hình. Ông viết:

“Từ “không” hiện “có”, “có” “không” thông,
Có có, không không, rốt cuộc chung.
Phiền não, bồ đề nguyên chẳng khác,
Chân như, vọng niệm thảy đều không”(14).

Mặt khác, ông đưa ra khái niệm “nhị kiến” để chỉ ra nguyên nhân mà con người bị mắc kẹt trong ranh giới phân biệt, bị ràng buộc trong mê lầm, bị trói trong sợi dây sinh tử, mãi mãi là phàm nhân. Nhận thức này gọi là nhận thức lưỡng nguyên trong thực tại. Phương pháp của Tuệ Trung là hướng dẫn người học đạo đập bỏ bức tường “nhị kiến” giữa mê và ngộ; giữa phàm và thánh; sinh tử và Niết bàn. Ông viết:

“Thân từ “vô tướng”, vốn là không,
Vì huyễn hóa mà chia biệt thành nhị kiến.
Ta và người như móc cũng như sương,
Phàm và thánh, như sấm cũng như chớp”(15).

Nhận thức “nhị kiến” theo ông không ngồi thiền như Thanh Văn, không nói pháp như Bồ tát, sống được đời sống như hằng ngày trong thiền thì cần gì phải ngồi, nói pháp, đâu có quan trọng bằng sự sống thực tại, sống an vui, tự tại, ung dung, vô tu vô chứng, đó mới chính là quan điểm của đạo Thiền. Trong tác phẩm phóng cuồng ca, Tuệ Trung Thượng sĩ viết:

Đói thì ăn cơm hoà la,
Mệt thì ngủ làng “không có làng”.
Khi hứng thì thổi sáo không lỗ,
Nơi yên tĩnh thì thắp hương giải thoát.
Mệt thì nghỉ tạm ở đất hoan hỉ,
Khát thì uống no thang tiêu dao” (16),

Tuệ Trung phá tan mọi thứ chấp vào hình thức như là tỉnh tọa, bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm; tất cả đều trong trạng thái tỉnh giác và không bị bó buộc vào hoàn cảnh, phải tùy hoàn cảnh con người có thể tu tập và ngộ được chân lý thiền trong cuộc sống.

Ông khuyên đệ tử nên vượt qua ý niệm chân – vọng, bởi có ý niệm chân – vọng con người sẽ rơi vào những phạm trù đối đãi như là sinh tử – Niết bàn; Bồ đề – phiền não; địa ngục – thiên đường… những cập phạm trù đối đãi, phân biệt đó khiến cho con người bị rơi vào trần tục, theo ông cần phải phá bỏ bức tường “nhị kiến”. Sự giác ngộ là ngộ nơi tâm của mỗi chúng sinh, không có tìm Phật ở ngoài tâm.

Ngoài tâm không bao giờ có Phật tồn tại, nếu chúng ta cố tìm Phật bên ngoài là chúng ta không hiểu được giá trị cốt lõi của đạo Thiền. Trong bài “Phật tâm ca”, ông viết:

Lòng là Phật,
Phật là lòng:
Diệu chỉ sáng thiêng, kim cổ thông.
Xuân đến, tự nhiên hoa xuân nở,
Thu sang, đâu chẳng nước thu trong.(17)

Tóm lại, Tuệ Trung Thượng sĩ không những được xem là cây đại thụ của thiền học Việt Nam; mà ông còn là một thiền gia cư sĩ đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tư tưởng thiền học của ông đã hình thành nên một lối thiền sống động, thực dụng, nhập thế, phá chấp mà người học thiền luôn luôn tôn trọng và lấy đó làm kim chỉ nam trên lộ trình thực hành thiền.

Tư tưởng chủ đạo của ông là tinh thần phá chấp, phá bỏ “nhị kiến” sống hòa mình trong thế giới trần tục, đó mới chính là sự sống giác ngộ của Phật giáo. Những triết thuyết, lý luận kinh điển suông sẽ làm cản trở nhận thức, tầm nhìn chân lý thực tại, không thấy được sự huyền diệu của đạo Thiền. Tuệ Trung Thượng sĩ đã thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo, đem đạo vào đời, làm đẹp cho đời, thể hiện tinh thần yêu nước, thương dân.

Phong cách của ông quá siêu việt, không mắc kẹt trong hình thức đối đãi, mê – ngộ, Niết bàn – sinh tử, phàm – thánh, cho nên vua Trần Nhân Tông đánh giá cao nhân cách và phẩm hạnh đạo đức của ông: “Thượng sĩ trộn lẫn cùng thế tục, hòa cùng ánh sáng, chứ không trái hẳn với người đời. Nhờ đó mà nối theo được hạt giống pháp, và dìu dắt được kẻ sơ cơ”.

Song song đó, ông không những là đại diện cho lớp người cư sĩ tu thiền trong Phật giáo Việt Nam, mà còn là một cư sĩ thời danh được sánh như cư sĩ Duy Ma Cật, cư sĩ Cấp Cô Độc của Phật giáo Ấn Độ.

Nhân cách của ông đóng vai trò quan trọng, góp phần xây dựng lối sống, phong cách, đạo đức, tư tưởng cho thế hệ trẻ tu sĩ, cũng như cư sĩ trong đời sống xã hội hiện nay.

TT.TS.Thích Lệ Quang, Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Tu tuong pha chap cua Tue Trung thuong si 4

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường