Học viên: Thích Nữ Nhật Thanh
Thạc sĩ khoá III – HVPGVN tại Huế
Tóm tắt
Tinh thần Bồ tát đạo luôn gắn liền với cội nguồn Phật giáo, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng với lý tưởng thực hành Bồ tát đạo đã ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn hoá Đông Nam Á.
Kể từ khi đạo Phật xuất hiện tại Ấn Độ, tinh thần bình đẳng đã lan tỏa khắp mọi miền, đặc biệt là sự bình đẳng của nữ giới trong sự dấn thân cho dân tộc và đạo pháp.
Từ khi Phật giáo du nhập tại nước ta, tinh thần Bồ tát đạo đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là tính nhập thế, đã góp phần tích cực cho đạo pháp và dân tộc Việt Nam. Chính nhờ tinh thần này, những hình ảnh Ni giới với chí nguyện “xuất trần thượng sĩ” đã tô đẹp cho người phụ nữ Việt Nam trải qua biết bao thời đại.
Trong bối cảnh xã hội không ngừng phát triển với những tiến bộ vượt bậc về văn hóa, xã hội và công nghệ. Hình ảnh Bồ tát đi vào đời càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc. Phật giáo Châu Á nói chung cũng như Phật giáo Việt Nam nói riêng, hình ảnh Bồ tát giúp chúng ta có cái nhìn về sự bình đẳng của sự giác ngộ, bình đẳng về giới tính cũng như bình đẳng những cống hiến tâm lực và trí lực cho đời. Bên cạnh đó, với phương châm “Phật pháp tại thế gian không thể xa lìa thế gian mà giác ngộ”, hình ảnh Bồ tát còn giúp chúng ta nhìn nhận và tiếp cận sâu sắc hơn những lời đức Phật dạy, giúp chúng ta ứng dụng những triết lý vào cuộc sống hằng ngày qua những hành giả thực hành hạnh Bồ tát đã làm.
Nghiên cứu tinh thần Bồ tát từ Thắng Man phu nhân xứ Ấn Độ cổ đại và sự hiện thân của Ni trưởng Diệu Không thời cận đại là một hình ảnh xuyên suốt của người phụ nữ Châu Á, họ đều có điểm chung là nữ giới và với chí nguyện cao cả, trí tuệ giác ngộ vĩ đại. Cùng với đó là mang tinh thần Bồ tát vào đời, mở ra một con đường mới cho nữ giới. Để từ đó, hình ảnh Bồ tát nhập thế mở ra một hướng đi mới cho việc ứng dụng lời Phật dạy vào việc giải quyết mọi vấn đề của thời đại, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, văn minh, đạo đức và phát triển trong sự hoà bình của đạo Phật.
Từ khoá: Bồ tát, Ni trưởng, Thắng Man, Diệu Không, Phật giáo Việt Nam.

Dẫn nhập
Phật giáo dù ở hoàn cảnh nào cũng luôn hướng con người đến sự giải thoát và giác ngộ, tinh thần Bồ tát không phân biệt xuất gia hay tại gia, người nam hay người nữ, mục đích để thực hành hạnh Bồ tát là tu dưỡng đạo đức, xây dựng đời sống phạm hạnh, giúp đỡ những chúng sinh đau khổ quay về tự tính thanh tịnh vốn có của mình.
Chính vì thế, những phương thức thực hành cũng như hoạt động của hành giả đều xây dựng mẫu người đạo đức để góp phần mang lại giá trị cho xã hội.
Đức Phật ra đời cũng vì mang lại hạnh phúc cho tha nhân và loài người, một người muốn có hạnh phúc điều cốt yếu không thể thiếu lòng nhân ái và đạo đức. Đây cũng chính là vấn đề luôn được những nhà chức trách quan tâm và đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, thực hành hạnh Bồ tát để đi vào đời cũng như xây dựng đạo đức đó là một phương tiện thiện xảo được các chư tổ chủ trương thực hành từ xưa cho đến nay.
Con người chúng ta luôn có tâm phân biệt màu da, tôn giáo, giới tính…, nhưng đức Phật luôn dạy rằng “ai cũng có chung một dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”, dù người châu Á hay châu Phi, nữ giới hay nam giới cũng đều có chung một sự sống.
Xã hội không ngừng phát triển từng ngày, nhưng nhận thức của chúng ta đôi khi vẫn còn hạn chế, giá trị của con người không nằm ở giới tính, mà đỉnh cao của con người là trí tuệ và giải thoát giác ngộ.
Từ thời đức Phật, Thắng Man phu nhân – với niềm tin sâu sắc vào lời dạy của đức Thế Tôn; mang thân nữ nhi nhưng thể hiện tinh thần bình đẳng giải thoát nhờ thực hành hạnh Bồ tát. Trải qua xuyên suốt mấy nghìn năm lịch sử, những câu chuyện về người nữ đã được kinh điển và sử sách lưu truyền vang danh. Phật giáo Việt Nam luôn gắn liền với dân tộc, trong đó từ thời đại nào cũng có những nữ nhân xuất sĩ; truyền thống tiếp nối truyền thống, ý chí của Thắng Man phu nhân đã được Ni sư Diệu Nhân đời Lý tiếp nhận với lý tưởng Bồ tát nối dòng chính pháp thiền tông; Huyền Trân công chúa vì nước mà phải hy sinh tuổi thanh xuân làm dâu nơi xứ người hẻo lánh.
Những bậc Bồ tát hiện thân nữ nhi đóng góp xây dựng đạo pháp, giúp đời, thời nào cũng oanh liệt và vang vọng. Gần đây nhất là Ni trưởng Diệu Không – một bậc Bồ tát dấn thân đấu tranh xây dựng cho hòa bình và dân tộc, biểu tượng cho Phật giáo Việt Nam thời hiện đại trong phong trào chấn hưng Phật giáo, cũng như tấm lòng Bồ tát hiện giữa cõi đời thường bất diệt của người phụ nữ Việt Nam.

Khái niệm về Bồ tát
Có rất nhiều khái niệm về Bồ tát, tuy nhiên theo quan điểm của người viết, Thượng tọa Viên Trí định nghĩa khá trọn vẹn: “Theo từ nguyên học, Bodhisattva (Bồ-tát) là thuật ngữ được ghép thành từ chữ Bodhi, với ý nghĩa là “sự giác ngộ hay chứng ngộ [của một vị Phật], và sattva, có nghĩa là “chúng sinh”. Như thế, Bodhisattva đề cập đến hoặc một người đang mưu cầu giác ngộ (Bodhi) hoặc “một chúng sinh giác ngộ (Bodhi being), nghĩa là chúng sinh ấy chắc chắn sẽ chứng đắc quả vị Phật”[1].
Bên cạnh đó, họ là những người phát nguyện rộng lớn cứu độ tất cả chúng sinh, họ nỗ lực giữ gìn ý chí và hạnh nguyện dấn thân, đồng thời giữ giới để đạt được quả vị giải thoát giác ngộ viên mãn: “xuất hiện thuật ngữ chúng sinh vĩ đại (mahasattva)”[2]. Thuật ngữ “Bồ tát” được cấu thành từ hai từ tiếng Phạn: “Bodhi” - giác ngộ và “sattva” - thực thể, bản chất. Do đó, Bồ tát có thể được hiểu là “người có trí tuệ Bát nhã” hoặc “người có bản chất giác ngộ”. “Người hành Phật đạo mới được gọi là Bồ tát”[3]. Bồ tát đạo (Bodhisattva Path) là con đường tu tập của các Bồ tát, những người phát nguyện đạt đến giác ngộ (Bồ-đề) không chỉ vì lợi ích của bản thân mà còn vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Con đường thực hành Bồ tát đạo có những điều không thể thiếu khi đi đến con đường giác ngộ:
Điều đầu tiên: Bồ tát đích thị là một chúng sinh đang mong cầu sự giải thoát rốt ráo, hoặc có thể họ đã giác ngộ hoàn toàn và đang đi trên lộ trình của con đường giải thoát.
Điều thứ hai: Chắc chắn vị này sẽ thành chính đẳng chính giác, tuy nhiên còn phụ thuộc vào thời gian để thành tựu quả vị, đến sớm hay muộn còn phụ thuộc vào “tín – hạnh – nguyện” của hành giả.
Trong các bộ kinh Đại thừa, đa số thường nhắc đến con đường tu tập của Bồ tát, lộ trình để thành tựu quả vị Phật là tu tập Lục độ, Tứ nhiếp pháp…, nhưng đều quan trọng là những hạnh nguyện đó trọn vẹn trong Ba la mật (paramita), tức là rốt ráo để đạt được trí tuệ của tính Không.
Chúng ta thường nhầm lẫn tinh thần Bồ tát chỉ xuất hiện trong Phật giáo Đại thừa, tuy nhiên rải rác các bộ kinh Nikaya, Bồ tát xuất hiện với nhiều hình thức khác nhau: “Khái niệm Bồ tát trong kinh Bổn sinh rất nhiều và phong phú, qua những hình thức đa dạng như: Chư Thiên, ẩn sĩ, Bà-la-môn, vua, Thái tử, triệu phú, chủ đất, thương buôn, nông dân… hoặc có khi Bồ tát trong hình thức loài súc sinh như: Cá, chim, bò, nai… Tuy nhiên, bởi vì Bồ tát đóng vai trò là tiền nhân của đức Phật nên tính cách của Bồ tát rất đạo đức, tiết hạnh, từ bi, trí tuệ….”[4].
Đối với tinh thần Bồ tát cần có hai điều đáng chú ý đó là con đường thực hành Bồ tát đạo không phân biệt tại gia hay xuất gia, nếu hành giả phát nguyện đều có thể đạt quả vị. Thứ đến là sự bình đẳng giới tính trong quá trình tu tập, sự chứng ngộ khi thực hành Bồ tát không có sự khác biệt.
Nói khác hơn, con đường để thực hành hạnh Bồ tát dành cho tất cả mọi người, nếu chúng sinh muốn phát nguyện và thọ trì thì quả vị sẽ đạt được trọn vẹn. Cho nên, những con đường Bồ tát đạo được trở thành nguồn tư tưởng sống, đáp ứng con đường tu tập cho những người tại gia và xuất gia, không phân biệt màu da hay chủng tộc.
Tinh thần Bồ tát của Thắng Man phu nhân trong dòng chảy Phật giáo Ấn Độ
Trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ tinh thần Bồ tát xuất hiện rất sớm, tuy nhiên giai đoạn rõ rệt nhất phải kể đến sự tranh cãi giữa sự giác ngộ của giới tu sĩ và cư sĩ. Tác phẩm: “Những nghiên cứu Phật học trong 30 năm”, tác giả cho rằng: “Sự cạn kiệt trong lý tưởng A-la-hán và sức ép của giới cư sĩ”[5]. Đều này không phải là không có lý do của nó. Từ khi Phật giáo Đại thừa xuất hiện, tư tưởng Bồ tát bắt đầu thịnh hành, hình ảnh người phụ nữ đã xuất hiện nhiều trong các kinh điển. Thắng Man phu nhân, một người con gái của vua Ba-Tư-Nặc và Hoàng Hậu Mạt Lị[6]. Sau khi kết hôn Thắng Man trở thành vương phi của nước A-xà-dụ, cho nên nhiều người gọi bà là Thắng Man phu nhân.
Với niềm tin sâu sắc vào Tam bảo, sau khi nhận được thư từ người cha, nàng đã phát sinh niềm hoan hỷ, kính trọng đảnh lễ đức Phật. Từ đó Thắng Man phu nhân phát nguyện lực để thực thi con đường Bồ tát hạnh.
Nếu như kinh Pháp Hoa đề cập đến Long Nữ dâng châu và đề cao hạnh bố thí, thì kinh Thắng Man thể hiện rõ một người phụ nữ, thể hiện tinh thần nữ giới, đã chứng minh được tính bình đẳng trong đạo Phật, đây cũng là nét đặc trưng của Phật giáo Đại thừa. Cho nên, về sau sự lan tỏa tinh thần Bồ tát tại các nước Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ.
Trong thời kỳ đầu của Phật giáo bộ phái, sự tranh cãi về mười điều phi pháp, cũng như năm việc của Đại Thiên. Mục đích của sự tranh cãi và chia rẽ bộ phái là sự chứng đắc và con đường tu tập của hành giả đệ tử Phật. Do vậy, kể từ khi Phật giáo Đại thừa phát triển, sự đa dạng trong pháp môn ngày càng phong phú và có tính nhập thế cao.
Bên cạnh đó, lý tưởng để tu tập chứng đắc A-la-hán phần nhiều không còn sức hút đối với quần chúng, chính vì điều đó mà lý tưởng Bồ tát đã được Phật giáo Đại thừa xây dựng và phát triển. Mặc khác, sự xem nhẹ chứng đắc của hàng tại gia giai đoạn Nguyên thuỷ không mấy coi trọng. Trong khi đó, lý tưởng Bồ tát đa số là xây dựng hình ảnh của người tại gia, đặc biệt là đề cao trí tuệ nữ giới, kể từ đó con đường Bồ tát hạnh được nhiều người xiển dương và lan tỏa nhanh chóng. Đây được xem là bước ngoặt phát triển mạnh mẽ của Phật giáo Đại thừa.
Trong nội dung kinh Thắng Man, hình ảnh người phụ nữ đảnh lễ đức Phật bằng sự kính cẩn và niềm tin hướng về Tam bảo, nhờ sự thành tâm mà đức Phật đã thọ ký. Điều này đã thể hiện rõ tư tưởng Đại thừa trong dòng chảy Phật giáo Ấn Độ qua từng giai đoạn. Chúng ta có thể thấy được rằng, với hạnh nguyện của Thắng Man phu nhân đã nâng tầm một nền tư tưởng tiến bộ về bình đẳng nam nữ trong xã hội đầy bất công của sự bất bình đẳng.
Bên cạnh đó, nội dung tư tưởng trong kinh Thắng Man còn thể hiện sâu sắc tinh thần nhập thế cho đến bây giờ, mặc dù trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử cũng như sự thay đổi của thời cuộc trong mọi quốc gia, mọi văn hoá khác nhau, nội dung kinh vẫn bao trùm những triết lý sâu sắc, đưa con người sống với thực tại, thực hành đạo đức, cứu độ giúp đời, để từ đó, càng thể hiện tính nhập thế tất yếu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tâm linh cũng như con đường thực hành lý tưởng Bồ tát để giải thoát giác ngộ. Hơn ai hết, hiện sinh giữa đầu thế kỷ XX, Ni trưởng Diệu Không, xuất thân trong một gia đình quan lại quyền thế, vì thấy sự đau khổ lầm than của đất nước, thấy cảnh cơ hàn của kiếp người cơ cực. Học theo hạnh nguyện Bồ tát của Thắng Man phu nhân, Ni trưởng đã dành trọn cả cuộc đời cho đạo pháp và dân tộc, cống hiến cả thanh xuân vì người quên mình để thực hành con đường Bồ tát hạnh.
Dù xã hội ngày càng văn minh và tiến bộ, nhưng định kiến về giới tính đã ăn sâu và tồn tại trong nhận thức của nhiều người. Không ít phụ nữ vẫn bị xem nhẹ, trí tuệ và sự chứng ngộ của họ bị đánh giá thấp, thậm chí uy tín cũng bị hạ giảm chỉ vì giới tính. Bằng những gì đã làm và thực hành hạnh Bồ tát còn ghi lại vẫn đang còn hiện hữu ở thế gian, Ni trưởng Diệu Không một lần nữa minh chứng cho chúng ta con đường Bồ tát hạnh của Người, cũng như trong quá khứ các tiền bối đã kinh qua rất phù hợp để tu tập và thực hành để trau dồi trí tuệ giải thoát tự thân, cũng như góp phần xây dựng xã hội và cứu giúp tha nhân. Do đó, con đường Bồ tát hạnh không có sự phân biệt giới tính, hay xuất thân xã hội mà mấu chốt nằm ở chỗ phát nguyện và thọ trì. Đây là trọng tâm của hành giả tu tập giải thoát giác ngộ.

Cuộc đời và sự nghiệp của Ni trưởng Diệu Không
Ni trưởng vốn xuất thân là con nhà quý tộc của dòng dõi họ Hồ Đắc, từ nhỏ đã uyên thâm Nho học, am tường Pháp văn, thấm nhuần tư tưởng đạo Thích. Bén duyên xuất gia đầu Phật với Hòa thượng Giác Tiên với pháp tự Diệu Không, pháp danh Trừng Hảo thuộc thiền phái Liễu Quán. Thời niên thiếu, Ni trưởng tinh thông “cầm, kỳ, thi, hoạ”, được người thời bấy giờ ca tụng là: “một kỳ nữ của Cố đô Huế thế kỷ XX”[7]. Là cô con gái út trong gia tộc quyền thế, có cha là Thượng thư bộ học: “cụ Hồ Đắc Trung làm quan đến cực phẩm, tước quận công, thuộc hàng “tứ trụ”.
Cụ còn là “Quốc trượng” (nhạc phụ của vua Khải Định), uy quyền trong triều rất lớn”[8]. Vốn có túc duyên với Phật pháp từ nhỏ, nên khi lớn lên người con gái tên Hạnh đó đã xuất gia lấy pháp tự Diệu Không, Ni trưởng đã cùng với những bậc kỳ cựu trong Phật giáo hộ trì phong trào chấn hưng Phật giáo và thành lập An Nam Phật Học hội để đấu tranh gìn giữ mạng mạch Phật giáo dưới chính quyền Ngô Đình Diệm.
Công tác xã hội
Với tư chất thông minh và lương thiện, năm 15 tuổi Người đã tham gia công tác hội thiện nguyện: “Quận chúa đã tham gia Hội Từ thiện do bà Đạm Phương làm Hội chủ và giữ chân thủ quỹ tài chính của Hội”[9]. Đến năm 1926 thành lập “Hội Nữ Công”, dưới sự chỉ đạo của Ni trưởng, Hội Nữ Công không chỉ phát triển trên đất Thừa Thiên mà dần dần lan tỏa khắp khu vực miền Trung “nêu cao thuần phong mỹ tục, đấu tranh cho nhân quyền và nữ quyền để nâng cao vị thế người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ”[10]. Năm 1928 Ni trưởng thành lập hội “Lạc Thiện”, để: “ phong trào Cường Để ở Nhật, giúp anh em học ở Trung Hoa, một phần bỏ vào quỹ An Nam Du Học Hội, giúp gia đình có người thân hy sinh ở Nghệ An, các cháu mồ côi”[11].
Năm 1944, Ni trưởng xuất gia, Người tiếp tục gánh vác trách nhiệm lớn lao cho xã hội. Với tấm lòng từ bi, Người quyết tâm thành lập những Cô nhi viện trải dài từ Huế cho đến Sài Gòn. Bên cạnh đó, Ni trưởng còn mở thêm những phòng khám cấp thuốc miễn phí tại chùa Hồng Đức – Huế.
Hoạt động văn hóa
Ni trưởng luôn có một lòng tin vẫn chắc với truyền thống văn hoá Việt Nam: “ “luôn ưu tư xây dựng một nền văn hóa bản sắc dân tộc, không đồng hóa với văn hóa phương Tây…, Ni trưởng ý thức rằng, muốn giải thoát những hạn chế của phụ nữ trước tiên cần xây dựng nền văn hóa dân tộc”[12]. Bên cạnh đó, Ni trưởng rất quan tâm đến làng nghề truyền thống, Ni trưởng thành lập một cửa hàng gọi là “Nam hóa”: “Tôi đã mở một cửa hàng hiệu Nam hóa, chuyên bán toàn đồ nội hóa, đồng thời cổ động chị em chuyên dùng hàng nội. Hiệu còn nhận hàng của các nước ngoài đặt hàng của nghệ nhân Việt Nam”[13]. Mặc khác, Ni trưởng cho thành lập tạp chí Nguyệt san Liên Hoa (1952), với chủ trương của báo: “đưa người từ đời vào đạo, lại đưa đạo tham hiệp cùng đời; làm dây liên lạc giữa đời và đạo”[14].
Công tác Giáo dục
Ni trưởng đặc biệt chú trọng đến đào tạo Tăng tài cho Phật giáo. Ở Huế, chùa Diệu Đức là ngôi trường đào tạo Ni giới đầu tiên được Ni trưởng thành lập. Bên cạnh đó, các tự viện Ni lân cận cũng thành lập: “Đầu tiên là ni viện Diệu Đức (Huế), tiếp theo là các ni viện Diệu Viên, Khải Ân, Hồng Ân, Kiều Đàm, Định Huệ, Đông Thuyền, Hồng Đức, Liên Trì, Liên Hoa (tại thừa Thiên-Huế), Bảo Thắng (Hội An), Bảo Quang (Đà Nẵng), Tĩnh Nghiêm (Quảng Ngãi), Diệu Quang (Nha Trang)”[15].
Mặc khác, Ni trưởng tích cực vận động và ủng hộ xây dựng ngôi trường Đại học Phật giáo đầu tiên tại Sài Gòn, do cố Hòa thượng Thích Minh Châu làm hiệu trưởng. Cùng với đó là thành lập Trung tâm Văn hoá Liễu Quán tại Huế, dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Đức Tâm. Đối với Ni trưởng, cuộc đời của Người luôn dành tâm ý cho nền giáo dục dù thế học hay là Pháp học: “Nếu hội đủ duyên, Ni trưởng không bao giờ bỏ lỡ cơ hội phát triển cơ sở giáo dục cho đời cho đạo”[16].
Tiếp Tăng độ chúng
Người sống rất giản dị và gần gũi với đại chúng, luôn tỉ mỉ cẩn thận chỉ dạy từng chút, từ cử chỉ oai nghi và tế hạnh cho đến sự học và tu. Bởi vậy: “hầu hết thời gian trong cuộc đời, Sư Bà đều dành cho công phu tu niệm, tạo dựng các chốn Già-lam, tế độ đồ chúng tu học, một lòng phụng sự đạo pháp nhân sinh”[17].
Ni trưởng luôn lấy hạnh cung kính đối với Tăng, dù đó là một chú tiểu. Đó là tấm gương đức hạnh để lại bài học cho hậu thế về “hạnh khiêm cung”. Điều này minh chứng qua lời kể của Hòa thượng Thích Thái Hòa, “So với tuổi tác, chúng tôi chỉ là hàng con cháu, so với hạ lạp Ni trưởng vượt hơn chúng tôi đến ba mươi hạ lạp, so với công lao đóng góp đạo đời, Ni trưởng thật lớn lao, nhưng mỗi khi gặp chúng tôi, Ni trưởng rất ân cần thăm hỏi cung kính đúng Pháp. Chính điều này đã làm cho Ni trưởng sáng rực lên giữa khung trời đạo hạnh đế đô”[18]. Ni trưởng đã hiểu và hành Bát kỉnh pháp trong suốt cuộc đời của mình, chính vì “Ni trưởng hiểu rõ giá trị mà Đức Phật chế định Bát kỉnh pháp và chư Tổ đã duy trì trong sự truyền thừa mạng mạch Phật pháp”[19].
Phiên dịch và trước tác
Cuộc đời Ni trưởng luôn phụng sự cho đạo và đời, tuy công việc Phật sự luôn đè nặng trên vai, nhưng Người vẫn miệt mài phiên dịch và trước tác nhiều bộ kinh và luận, để lại cho đời những tác phẩm có giá trị như: Lăng Già Tâm Ấn, Đại Trí Độ luận, Thành Duy Thức luận, Du Già Sư Địa luận, Hiện Thật luận, Di Lặc Hạ Sinh kinh, Trung Quán luận lược giải.... đặc biệt nhất là bộ Đại Trí Độ luận được dịch vào những năm cuối đời ở tuổi trên 80. Bên cạnh đó, tập thơ Diệu Không thi tập được tuyển tập với nội dung bao gồm 6 phần, tổng thể gồm 241 bài thơ và câu đối. Đây là tác phẩm không chỉ có giá trị về văn chương mà còn mang một hành trình lịch sử cũng như những thông điệp giải thoát của Ni trưởng trong suốt cuộc đời cống hiến cho đạo pháp.
Tinh thần Bồ tát đạo của Ni trưởng Diệu Không
Quan niệm về Nhân sinh quan và Thế giới quan
Ni trưởng một đời hiểu rõ lý duyên sinh, thấy cõi đời là giả tạm:
“Có ra chi hạc nội mây ngàn
Thân phù thế hợp tan không mấy chốc”[20].
Người ngộ lý vô thường ngay trong sự vật cũng như trong thân xác. Do đó, chứng nhân cho phù thế trôi nổi của muôn vạn hiện hữu trong cõi thế như là một “kiếp hoa”, hay vô tình như “bóng câu”, phù thế nhân sinh “như giấc chiêm bao”. Một đời hoa tan hợp một sớm một chiều như chính số phận nhân sinh nào có khác biệt, bởi “kiếp hoa nọ tối tàn sớm nở/cuộc nhân hoàn xoay trở có lâu chi”[21]
Bên cạnh đó, với triết lý “vô thường, khổ” của thế gian, Ni trưởng đã thấu triệt mọi khổ đau: “vô thường nên biết lệ tràn tuôn” [22]. Sự liễu ngộ đó thể hiện sâu sắc qua bài thơ Cuộc đời:
“Cái kiếp phù sinh có được gì,
Cười khi sum họp khóc chia ly.
Công danh phú quý xem như mộng,
Khanh tướng công hầu chẳng sá chi”[23].
Các pháp tự tính vốn không thật có, chỉ vì chấp mê bất ngộ nên con người mới trôi lăn sinh tử. Tuy nhiên, với con mắt trí tuệ của Ni trưởng, mọi vật vốn là giả tạm:
“Vạn pháp bày ra có ngại chi,
Bởi vì chấp ngã mới thành si.
Trở về bản thể tâm vô trú,
Mới thấy Chơn như tính lạ kỳ”[24].
Tu tập và giải thoát
Niềm tin luôn được Ni trưởng đặt lên hàng đầu, đối với Người, chỉ có tin vào Tam bảo mới thoát được luân hồi sinh tử: “chính là niềm tin sâu sắc, đức tin xác quyết, là sự quy y chân chính, chắc chắn là nhân lành để đạt được nhiều quả công đức”. Do vậy, niềm tin là mẹ của mọi công đức: “lấy niềm tin và sự phát nguyện làm thể tính, cho nên khi đã quy y rồi thì nên đem hết thân tâm mà hướng về Tam bảo, không còn chút ý tưởng nào đoái hoài đến thiên ma ngoại đạo”[25]. Ni trưởng luôn luôn phát nguyện trong cuộc đời tu tập của mình:
“Quy y Tam bảo đặng trường tồn,
Một lòng tin tưởng không dời đổi.”[26]
Kế thừa và phát triển
Là một vị Ni đầy đủ đức hạnh và giới luật, Người là hiện thân của một bậc Bồ tát đi vào đời, Ni trưởng xứng danh bậc “xuất trần thượng sĩ”. Với chế độ đàn áp của chính quyền họ Ngô, Người đã kiên trì giữ gìn ý chí: “Vì sống dưới chế độ bất công, thiên vị nên chúng tôi muốn cúng dường thân này để kêu gọi lẽ phải của loài người trở lại với lương tri, đừng dùng thế lực mạnh mà đàn áp kẻ yếu”[27].
Trong cốt cách của Ni trưởng, người sống giản dị, hết sức mộc mạc, nhưng toát lên đầy khí chất “không dựa dẫm, ỷ lại, không hô hào thuyết giáo, chỉ là tự tại thong dong mà đi giữa tử sinh cát bụi, sao cho không hổ với lòng, không thẹn với ân đức Phật tổ, tiền nhân”[28]. Những cử chỉ bằng thân giáo của Ni trưởng không những làm sáng ngời chân lý của giáo pháp, đưa đạo vào đời, Người còn làm tấm gương sáng giữa đời thường chân thực với hình ảnh gần gũi thân thiết gắn kết với cuộc đời, như là sự thể hiện lời nhắn nhủ với những ai đang trên con đường Bồ tát đạo.
Thực hành lý tưởng Bồ tát để xây dựng và phát triển xã hội hiện nay
Tinh thần Bồ tát hay lý tưởng Bồ tát đạo là một con đường đi đến giải thoát, lợi mình lợi người. Hành giả tu tập thực hành con đường này luôn hy sinh tư lợi bản thân để giúp đỡ mọi người hướng đến điều thiện lành và phát triển xã hội. Trong cuộc sống hiện nay, con người luôn chạy đua với thời gian cũng như nền đạo đức càng tha hoá, để áp dụng pháp môn tu thích hợp thì không gì hơn là phát nguyện hạnh Bồ tát.
Hiện nay, với tinh thần Bồ tát đạo thể hiện tích cực thông qua các hoạt động như từ thiện, xây dựng bảo vệ môi trường, bài trừ tệ nạn xã hội, hay các hoạt động đấu tranh vì sự hoà bình; các hoạt động của Phật giáo cũng được lan toả rộng rãi, những Bồ tát đi vào đời dấn thân bằng các hình thức an sinh xã hội, xây dựng nhà tình thương, lớp học cho trẻ em vùng cao, bệnh viện, hay cấp phát học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó…: “Nhiều nữ giới Phật giáo xuất hiện như là tấm gương cho lòng từ bi tích cực”[29]. Các hoạt động xã hội bởi những Bồ tát nữ giới Phật giáo đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước cũng như các hoạt động của thế giới.
Phật giáo Việt Nam từ thời du nhập cho đến nay, tinh thần Bồ tát đạo luôn được mọi người tiếp nhận và lan tỏa rộng rãi xuyên suốt trong mọi tầng lớp xã hội. Với kho tàng kinh điển đồ sộ và triết lý cao siêu của đức Phật, Phật giáo tiếp biến và phù hợp với mọi quốc độ, luôn đề cao tinh thần từ bi và lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát để góp phần xây dựng và phát triển xã hội. Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, chính vì thế những hoạt động tổ chức các hội thảo khoa học, các khóa tu mùa hè, các hoạt động từ thiện…, đã giúp nhiều người tiếp nhận và đến với Phật giáo bằng tâm yêu thương, có cái nhìn sâu sắc hơn với đạo Phật, để từ đó họ xây dựng bình an nội tâm, thấy yêu thương mọi loài mọi vật, góp phần giảm thiểu những các tệ nạn xã hội, tham gia nhiều hoạt động có ích cho cộng đồng…
Tinh thần Bồ tát đạo một nét đặc trưng của Phật giáo Đại thừa, đã gắn kết chặt chẽ đạo Phật vào cuộc sống đời thường của con người, giúp chúng sinh nương vào ánh sáng Phật pháp quay về tự tính của mình. Với phương châm, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, tinh thần này không chỉ là khẩu hiệu của Phật giáo hiện đại mà đã có thời thành lập nhà nước, đặc biệt là thời Lý – Trần.
Để tinh thần Bồ tát đi vào đời phù hợp với thời đại mới, những hành giả Bồ tát cần có những phương pháp cũng như kỹ năng mềm để nắm bắt xu hướng phát triển của giai đoạn hiện nay. Trong bài tham luận này, người viết đề xuất những phương thức cũng như định hướng, mặc dầu là quan điểm cá nhân, đây cũng là mối quan tâm của những nhà chức trách làm công tác xã hội, để từ đó hoạt động hoằng pháp có ý nghĩa và thực tiễn hơn.
Đối công tác giáo dục: đây là điều cốt yếu để xây dựng xã hội, nếu một Bồ tát đi vào đời, kết hợp lời Phật dạy sử dụng những công nghệ hiện đại như truyền thông, ứng dụng các kỹ năng để tạo ra các khóa học ngắn hạn trực tuyến, cũng như tiếp cận những phương thức hoằng pháp nhằm lan toả những lời Phật dạy rộng rãi hơn. Bên cạnh đó, tạo các diễn đàn giao lưu nhiều cộng đồng phật tử trong nước và quốc tế, để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm cũng như thảo luận trực tiếp nhằm giúp đỡ lẫn nhau trên con đường hoằng pháp lợi sinh. Mặc khác, tổ chức những sự kiện như những buổi thuyết trình, hội thảo để các Phật tử có cơ hội gặp gỡ trao đổi cũng như tạo sân chơi lành mạnh cho các lớp trẻ noi theo. Đồng thời, thường xuyên tăng cường sự sáng tạo nhằm đáp ứng được nhu cầu tất yếu của thời đại để nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng quốc tế.
Để vấn đề hoằng pháp được lan truyền cần phải sử dụng truyền thông hiện đại, như video, podcast, blog, và các ứng dụng mạng xã hội tạo những bài giảng sinh động, sáng tạo những video bắt mắt cùng với nội dung sâu sắc trong lời dạy của đức Phật, kết hợp những câu truyện ngắn mang ý nghĩa giáo dục, cho đến viết các bài chuyên khảo về Phật học nhằm thu hút sự quan tâm của giới trẻ cũng như những bậc phụ huynh.
Thứ đến tăng cường những hoạt động vui chơi của lớp trẻ vào các diễn đàn Phật giáo, tổ chức những cuộc thi năng khiếu như vẽ tranh những chủ đề xoay quanh cuộc đời đức Phật, tranh nhân quả, hay những tranh các vị Bồ tát, sáng tác thơ, ca…, để các em dễ tiếp nhận đến giáo lý. Cùng với đó là tạo sân chơi như khoá tu của bốn mùa, các hoạt động tình nguyện viên cho thanh thiếu niên, đặc biệt là củng cố lại lớp Gia đình Phật tử - đây là những nền móng hộ pháp cho Phật giáo sau này.
Mở rộng đa dạng hóa các tầng lớp xã hội thông qua những hoạt động xã hội cộng đồng để nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hoá địa phương, lồng ghép với giáo lý nhà Phật để nâng cao hoạt động hoằng pháp.
Thứ nữa là xây dựng đội ngũ quản lý chuyên nghiệp như đào tạo tình nguyện viên, thành lập những hội viên, hay những hội đồng hương trên khắp mọi miền đất nước và thế giới để kết nối chia sẻ, xây dựng tính đoàn kết cộng đồng. Tăng cường xây dựng hợp tác với các tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp để phát triển các dự án cộng đồng cũng như các dự án bảo vệ môi trường. Kết nối với các tổ chức Phật giáo quốc tế để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm để hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời hoạt động mạnh đến các trang truyền thông báo chí, cũng như các tạp chí, nguyệt san, tập san nghiên cứu để làm tư liệu trong việc nghiên cứu. Mặc khác, thường xuyên tổ chức những câu lạc bộ Thiền, đây cũng là pháp môn được mọi người quan tâm trong bối cảnh hiện nay nhằm nâng cao sức khỏe cũng như giải thoát tự thân.
Điều kiện cần và đủ để phát triển một Bồ tát đạo đó là tự thân mỗi Tăng, Ni, Phật tử là những người học tu cũng như hướng dẫn chúng sinh thực hành con đường chính kiến đòi hỏi phải đầy đủ Tam vô lậu học tức là Giới – Định – Tuệ.
Nhà sử học Nguyễn Hiến Lê từng nói: “Phật giáo đời Đường toàn thịnh không phải vì mấy hoàng đế: Võ Tắc Thiên, Hiến Tôn, Tuyên Tôn sùng Phật, không phải vì chùa nhiều, tín đồ đông (năm 768, chỉ một buổi giảng kinh ở Kinh đô có đến 1000 xin quy y vào chùa) mà các cao tăng thời đó đã có công tìm hiểu tư tưởng huyền vi của Ấn Độ truyền bá Phật giáo ở Đông Á, cống hiến được nhiều cho Phật giáo phát triển”[30].
Tư tưởng huyền vi tức là kho tàng nội điển mà đức Phật đã để lại. Điều này cho thấy tầm quan trọng của sự tu học của Tăng, Ni, Phật tử là nền tảng để phát triển con đường Bồ tát đạo. Chúng ta không thể tách rời con đường Bát Chính đạo để thực hành lý tưởng tự do, mà thực hành Bồ tát tự thân phải đầy đủ giới và đức. Để từ đó con hướng đi xây dựng hoằng pháp lợi mình lợi người đóng góp cho tha nhân cũng như xã hội được nhiều lợi lạc.
Kết luận
Con đường Bồ tát đạo – một pháp môn tu tập từ thuở thái tử Tất-đạt-đa đang thực hành và chứng quả Bồ đề vô thượng. Phật giáo Đại thừa đã duy trì và phát triển con đường Bồ tát hạnh qua những việc làm của các hành giả như Thắng Man phu nhân, Duy Ma Cật…, tại xứ Ấn Độ hay những Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm tại Trung Hoa…, và có thể gần đây nhất là những Bồ tát đời thường tại Việt Nam, những vị vì pháp thiêu thân trái tim bất diệt như ngài Quảng Đức, Bồ tát đời thường như Ni trưởng Diệu Không…. Con đường Bồ tát hạnh đã lan tỏa khắp các vùng Đông Nam Á, có những vị Bồ tát vẫn đang hiện diện cống hiến trong sự âm thầm và lặng lẽ, đóng góp cho nhân loại nói chung và Phật giáo nói riêng một sự gắn kết chặt chẽ trong tình người cũng như tính cộng đồng năm châu.
Đối với nữ giới nói chung hay những Bồ tát nói riêng đã xây dựng một tinh thần bình đẳng trong sự tu tập cũng như sự hành trì và chứng ngộ. Bên cạnh đó, con đường thực hành Bồ tát hạnh luôn có sự gắn bó giữa đạo và đời, giữa nam và nữ không có sự phân biệt chủng tộc đã tạo cho nền Phật học Đại thừa phát triển khắp mọi miền Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, kể từ khi Phật giáo du nhập, với tinh thần Bồ tát đạo, chư tổ đã đóng góp to lớn cho đạo pháp và dân tộc, kết nối sự đoàn kết trong cộng đồng nông thôn làng xã cũng như những nét văn hoá trên mọi miền tổ quốc. Hình ảnh mái chùa che chở hồn dân tộc đã khắc sâu trong tâm thức người Việt với sự cống hiến to lớn của những bậc Bồ tát đi vào đời, điều này càng cho thấy sự gắn kết giữa giáo lý nhà Phật dù ở quốc độ nào cũng phù hợp với mọi miền văn hoá và ứng xử trong xã hội.
Việc hiện đại hoá tư tưởng Bồ tát đạo là điều kiện cần thiết để xây dựng xã hội hiện đại phát triển. Cùng với sự phát triển như vũ bão về công nghệ cũng như nền khoa học hiện tại, thực hành hiện đại hoá tinh thần Bồ tát là một hướng đi đúng đắn để phát triển đạo Phật, chính vì thế phát triển các con đường giáo dục truyền thống kết hợp với đương đại, ứng dụng các kỹ thuật số để xây dựng những kênh truyền thông cho cộng đồng Phật tử, tạo mọi điều kiện để khuyến khích sự tham gia và hợp tác của mọi tầng lớp trong xã hội. Thực hiện trong những lời Phật dạy thông qua giáo lý Tứ nhiếp pháp, Lục độ, Bát chính đạo…, để con đường thực hành Bồ tát hạnh ngày được ứng dụng thực tiễn cũng như xây dựng một xã hội hạnh phúc với tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật.
Học viên: Thích Nữ Nhật Thanh - Thạc sĩ khoá III – HVPGVN tại Huế
Chú thích:
[1] Viên Trí (2002), Khái niệm về Bồ tát Quán Thế Âm (Lý thuyết và thực hành), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, Tr. 78.
[2] Thích Thiện Chánh dịch (2022), Nền tảng Phật giáo Đại thừa, Nxb Thuận Hóa, tr.103.
[3] Thích Nữ Diệu Không (dịch) (2011), Luận Đại Trí độ, tập 1, Nxb Hồng Đức, tr.134.
[4] Viên Trí (2002), Khái niệm về Bồ tát Quán Thế Âm (Lý thuyết và thực hành), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, Tr. 33.
[5] Edward Conze (Thích Nhuận Châu dịch, 2018), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, Tr.121.
[6] Khả Triết (2011), Các bậc long trượng - Hình tượng người nữ trong Phật giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. Tr,22.
[7] Chùa Hồng Ân (2017), Ái đạo dư hương_tưởng niệm 20 năm Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không viên tịch (1997-2017), Nxb. Thuận Hóa, Huế. Tr, 119.
[8] Thích Nữ Diệu Không (Lê Ngân-Hồ Đắc Hoài biên soạn) (2009), Đường thiền sen nở (Hồi ký), Nxb. Lao Động-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. Tr, 16.
[9] Thích Nữ Diệu Không (Lê Ngân-Hồ Đắc Hoài biên soạn) (2009), Đường thiền sen nở (Hồi ký), Nxb. Lao Động-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. Tr, 31.
[10] Thích Nữ Diệu Không (Lê Ngân-Hồ Đắc Hoài biên soạn) (2009), Đường thiền sen nở (Hồi ký), Nxb. Lao Động-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. Tr, 30.
[11] Chùa Hồng Ân (2017), Ái đạo dư hương_tưởng niệm 20 năm Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không viên tịch (1997- 2017), Nxb. Thuận Hóa, Huế. Tr, 15.
[12] Chùa Hồng Ân (2017), Ái đạo dư hương_tưởng niệm 20 năm Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không viên tịch (1997- 2017), Nxb. Thuận Hóa, Huế. Tr, 13.
[13] Thích Nữ Diệu Không (Lê Ngân - Hồ Đắc Hoài biên soạn) (2009), Đường thiền sen nở (Hồi ký), Nxb. Lao Động-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. Tr, 62.
[14] Tuệ Đăng (2024), “Ni trưởng Thích nữ Diệu Không và Tạp chí Liên Hoa-Huế”, Đặc san Hoa Đàm, https://dacsanhoadam.vn/ni-truong-thich-nu-dieu-khong-va-tap-chi-lien-hoa-hue/, truy cập ngày 7/1/2025.
[15] Thích Nữ Diệu Không (Lê Ngân - Hồ Đắc Hoài biên soạn) (2009), Đường thiền sen nở (Hồi ký), Nxb. Lao Động-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. Tr, 34.
[16] Chùa Hồng Ân (2017), Ái đạo dư hương_tưởng niệm 20 năm Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không viên tịch (1997- 2017), Nxb. Thuận Hóa, Huế. Tr, 13.
[17] Chùa Hồng Ân (2017), Ái đạo dư hương_tưởng niệm 20 năm Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không viên tịch (1997- 2017), Nxb. Thuận Hóa, Huế. Tr, 28.
[18] Chùa Hồng Ân (2017), Ái đạo dư hương_tưởng niệm 20 năm Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không viên tịch (1997- 2017), Nxb. Thuận Hóa, Huế. Tr, 44.
[19] Chùa Hồng Ân (2017), Ái đạo dư hương_tưởng niệm 20 năm Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không viên tịch (1997- 2017), Nxb. Thuận Hóa, Huế. Tr, 44.
[20] Thích Nữ Diệu Không (2007), Diệu Không thi tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế. Tr, 52.
[21] Thích Nữ Diệu Không (2007), Diệu Không thi tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế. Tr, 52.
[22] Thích Nữ Diệu Không (2007), Diệu Không thi tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế. Tr, 24.
[23] Thích Nữ Diệu Không (2007), Diệu Không thi tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế. Tr, 16
[24] Thích Nữ Diệu Không (2007), Diệu Không thi tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế. Tr, 121.
[25] Ấn Thuận (Thích Bổn Huân dịch) (2021), Con đường thành Phật, Nxb. Dân Trí, Hà Nội. Tr, 82.
[26] Thích Nữ Diệu Không (2007), Diệu Không thi tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế. Tr, 94.
[27] Thích Nữ Diệu Không (Lê Ngân-Hồ Đắc Hoài biên soạn) (2009), Đường thiền sen nở (Hồi ký), Nxb. Lao Động-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, Tr, 103.
[28] Chùa Hồng Ân (2017), Ái đạo dư hương_tưởng niệm 20 năm Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không viên tịch (1997- 2017), Nxb. Thuận Hóa, Huế. Tr. 62.
[29] Karma Lekshe Tsomo, Tỳ kheo ni Như Nguyệt biên soạn (2013), Phật giáo giữa đời thường, Nxb, TP HCM, TP. Hồ Chí Minh, Tr.259
[30] Nguyễn Hiến Lê, (1997) Sử Trung Quốc I, Nxb, Văn học, Tr.300
Tài liệu tham khảo
1. Thích Đồng Bổn (2002), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ 20, tập 1, NXxb, Tôn giáo, Hà Nội.
2. Thích Hạnh Bình (2008), Triết học Có và Không của Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Thích Minh Châu (1995), Đạo đức học Phật giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
4. Minh Chi (1995), Các vấn đề Phật học, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
5. Chùa Hồng Ân (2017), Ái đạo dư hương_tưởng niệm 20 năm Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không viên tịch (1997- 2017), Nxb, Thuận Hóa, Huế.
6. Thích Nguyên Đạt (2020), Kinh Pháp Hoa từ hệ chiếu đương đại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
7. Hội đồng Gia tộc Hồ Đắc, Bác sĩ Hồ Đắc Duy (2017), Các câu chuyện trong gia phả họ Hồ Đắc, Lưu hành nội bộ.
8. Thích Thiện Chánh (dịch) (2022), Nền tảng Phật giáo Đại thừa, Nxb, Thuận Hóa, TP. Huế.
9. Chùa Hồng Ân (2017), Ái đạo dư hương_tưởng niệm 20 năm Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không viên tịch (1997- 2017), Nxb. Thuận Hóa, Huế.
10. Thích Nguyên Đạt (2020), Kinh Pháp Hoa từ hệ chiếu đương đại, Nxb, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
11. Thích Quảng Độ dịch (2012), Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
12. Hòa thượng Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, quyển1, Nxb.Tôn giáo.
13. Thích Nữ Diệu Không (2007), Diệu Không thi tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
14. Nhiều Tác giả (2016), Nữ giới Phật giáo Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb. Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh.
15. Phân Ban Ni Giới (2016), Quá trình hình thành và phát triển của Ni giới Bắc tông Thừa Thiên Huế (từ thế kỷ XVII - XX), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
16. Thích Nữ Từ Thảo (biên soạn) (2016), Lược sử Ni giới và Hành trạng chư Ni Phật giáo Việt Nam, Nxb. Văn hóa -Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bình luận (0)