Tác giả: Đặng Việt Thủy
Từ xa xưa, để thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh, người Việt Nam đã sáng tạo một thế giới huyền thoại, trong đó tồn tại những vị thần linh có nguồn gốc thuần Việt.
Trong số rất nhiều những vị thần linh ấy, có bốn vị được tôn vinh là "Tứ Bất Tử - Thánh Bất Tử", đó là: Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Thánh Gióng và Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Tản Viên Sơn Thánh, vị thần núi Tản Viên (Ba Vì), biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết, chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai như mưa gió, lũ lụt.
Thánh Gióng hay Phù Đổng Thiên Vương, biểu tượng cho tinh thần chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền đất nước và sức mạnh của tuổi trẻ.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh hay Công chúa Liễu Hạnh, là sự khẳng định quyền sống của con người, quyền tự do bình đẳng giới, khát vọng vươn tới đạt được những ước vọng hạnh phúc gia đình.
Chử Đồng Tử còn được gọi là Chử Đạo Tổ, biểu tượng của tình yêu đôi lứa vượt lên trên tiền tài và địa vị, đại diện cho lòng can đảm và trí thông minh trong giao thương, với ước muốn dựng xây một xã hội ổn định, công bằng, cùng nghĩa cử cứu độ chúng sinh đảm bảo sự trường tồn của cộng đồng.
Nói về Chử Đồng Tử, chúng ta đều có thể biết đến thiên tình sử giữa Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung.
Công chúa Tiên Dung có lẽ là một trong những nàng công chúa có quá trình hiện thế lâu nhất trong các nàng công chúa Việt Nam mà lịch sử đến nay còn ghi lại được.
Công chúa Tiên Dung là con gái của vua Hùng Vương thứ 18 (nhiều truyền thuyết cho là vua Hùng Vương thứ 3). Nàng là vợ của Chử Đồng Tử, nay đã thành thần, hiện có đền thờ ở xã Đa Hòa (Hưng Yên).
Ngày xưa, văn học và tín ngưỡng song hành với nhau. Xung quanh tín ngưỡng thường có một số cổ tích, truyền thuyết lưu hành. Văn học thì phản ánh thực tại của xã hội. Một số truyện từ thời cổ truyền đến nay thường bị nhiều lớp bụi của thời gian che phủ, làm lu mờ những nét đặc biệt của thực tại đương thời, nhưng nếu phân tích kỹ, vẫn có thể thấy đôi chút dấu tích của xã hội vào thời đại mà truyện mới xuất hiện.
Chính vì lẽ đó mà chúng ta tìm hiểu về nàng công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử đã được ghi lại trong sách "Lĩnh Nam chích quái" - một trong những sách sưu tập cổ tích, truyền thuyết của dân tộc khá sớm ở Việt Nam.
Sách có nội dung như sau:
Vua Hùng Vương thứ 18 có cô con gái là Tiên Dung (dung mạo của tiên), vua rất nuông chiều. Năm Tiên Dung 18 tuổi, nhan sắc rất đẹp. Nhưng nàng tự nguyện không lấy chồng, chỉ thích phong cảnh thiên nhiên, đi du ngoạn khắp trong nước. Được cha cho phép, Tiên Dung sắm sửa thuyền, mỗi năm vào khoảng mùa Xuân, đi ra tận ngoài biển, có lúc vui quá quên về.
Hồi đó, ở làng Chử Xá (nay là xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) có người tên là Chử Cù Vân và con trai là Chử Đồng Tử (thằng bé Chử). Tình cha con rất thắm thiết. Vì một trận cháy nên cửa nhà sa sút, đồ vải chỉ còn mỗi một chiếc khố vải. Hai cha con thay phiên nhau mặc mỗi lần đi ra ngoài. Khi Chử Cù Vân bị bệnh nặng sắp mất, dặn con cứ chôn mình xác trần, giữ khố lại mà mặc. Nhưng Đồng Tử không đang tâm để cha thân trần, dùng chiếc khố độc nhất đó liệm cha lại mà chôn.
Từ đấy Đồng Tử năng đi câu cá về đêm, sáng mai lội nước ngập nửa người đến cạnh các thuyền để bán vài con cá mà chàng bắt được hoặc để xin ăn.
Không ngờ một bữa nọ, thuyền công chúa Tiên Dung đi đến vùng đó. Chử Đồng Tử nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thêm thấy nghi trượng cờ quạt lấy làm hoảng sợ, bèn chạy vào bụi lau ở bãi bới cát thành một cái hố, giấu mình xuống đó và phủ cát lên.
Vừa lúc, Tiên Dung rời thuyền, lên đi dạo chơi trên bãi. Thấy cảnh tươi đẹp, nàng đến bên mô cát để ngắm cảnh rõ hơn. Lại thấy nơi này sạch sẽ, nàng quyết định tắm mát. Và tình cờ nàng còn sai người hầu quây màn ở bụi lau để làm chỗ cho mình tắm, đúng vào chỗ Đồng Tử vùi mình. Khi Tiên Dung giội nước, cát trôi đi để lộ thân hình trần truồng cường tráng của anh chàng. Công chúa hoảng hốt, xấu hổ, lo sợ hỏi rằng: "Ngươi là ai, sao ở chốn này?". Chử Đồng Tử kể lại với nàng về cuộc đời khốn khổ của mình.
Nghe xong công chúa cảm động bảo: "Ta đã nguyện không lấy chồng. Nay bỗng nhiên gặp anh như thế này, chắc có trời xui khiến. Anh hãy dậy tắm rửa đi!". Đoạn Tiên Dung cho áo quần mặc và cùng xuống thuyền mở tiệc vui. Người trong thuyền hiểu chuyện, cho là một cuộc gặp gỡ lạ lùng. Tiên Dung đòi kết làm vợ chồng. Đồng Tử chối từ không dám chấp nhận, nhưng nàng nói: "Đây là do trời tác hợp sao anh lại từ chối". Và rồi hôn lễ cử hành ngay trên sông.
Tin về đến vua, Hùng Vương rất giận, nói với mọi người rằng: "Con gái ta không kể danh tiết, hạ giá với kẻ nghèo hèn, còn mặt mũi nào trông thấy ta nữa. Từ nay mặc kệ nó muốn đi đâu thì đi, không cho về cung". Nghe tin, Tiên Dung sợ không dám về, bèn cùng chồng mở chợ sinh nhai về nghề buôn bán, đổi chác trong dân gian. Lâu dần thành chợ lớn - là chợ Hà Thám - có phố xá, khách buôn nước ngoài lui tới giao dịch ngày càng thịnh.
Một hôm có khách buôn lớn rủ Tiên Dung đem vàng cùng y xuất dương mua hàng đem về bán sẽ có lãi to. Tiên Dung bảo chồng rằng: "Chúng ta tác hợp do trời định, cơm áo cũng do trời cho. Vậy việc này chúng ta nên làm".
Đồng Tử bèn cùng khách buôn nọ ra đi. Đến một hòn núi giữa biển tên gọi là Quỳnh Viên, thuyền dừng lại lấy nước ngọt. Đồng Tử vui chân trèo lên một cái am nhỏ trên núi, gặp một sư trẻ tên là Phật Quang (ánh sáng Phật). Sau cuộc hội ngộ, Đồng Tử nhận lời Phật Quang, giao vàng cho khách buôn rồi ở lại học đạo.
Khi thuyền trở lại, đón Đồng Tử về đất liền. Nhà sư Phật Quang tặng Đồng Tử một cái gậy, một cái nón và bảo: "Linh thông đều ở đấy cả".
Về đến nhà, Đồng Tử truyền đạo Phật lại cho vợ. Tiên Dung giác ngộ và bỏ việc buôn bán cùng chồng vân du tìm thầy học đạo(1).
Trở lại câu chuyện về vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung: Một hôm, trời đã tối mà chưa gặp chỗ trú chân, họ nghỉ lại và cắm gậy che nón rồi nằm ở dưới. Vào khoảng canh ba, tự nhiên tại khoảng đất ấy nổi lên thành quách nhà cửa, nào lâu đài bằng châu ngọc, nào kho tàng đầy của cải, nào màn che chiếu trải không thiếu thứ gì. Rồi còn tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ lính hầu xúm xít quanh vợ chồng Tiên Dung. Sáng hôm sau, nhân dân quanh vùng đều kinh hãi, ai nấy cũng mang hương hoa thực phẩm đến xin làm tôi. Họ vào thành thấy văn võ bách quan, lính tráng tấp nập như một quốc gia riêng biệt.
Hùng Vương lần này nghe tin báo cho là con gái làm loạn vội phái quân đi đánh. Quan quân sắp đến, bộ hạ Tiên Dung xin đem quân chống cự, nhưng nàng cười và bảo: "Tất cả mọi việc do trời chứ không phải ta. Ta đâu dám cự lại phụ vương. Sống và chết đều nhờ trời. Ta có bị phụ vương giết cũng không dám oán hận".
Trời đã tối, đại quân Hùng Vương chưa kịp tiến công, bèn dừng lại đóng ở bãi Tự nhiên, còn cách thành địch một con sông lớn. Đến nửa đêm bỗng có một trận bão làm nổi sóng, nhổ cây, quan quân đại loạn. Chỉ trong chốc lát, thành quách nhà cửa và bộ hạ của Tiên Dung đều bay lên trời. Đến sáng hôm sau, mọi người đều kinh ngạc thấy chỗ đó chỉ là một cái đầm lớn. Họ lập đền thờ thường năm cúng tế, gọi đầm ấy là đầm Một đêm (Nhất Dạ Trạch).
Thần phả do Nguyễn Bính soạn vào đầu thế kỷ XVI ghi rằng: Sau khi Chử Đồng Tử và Tiên Dung về trời, vua Hùng Duệ Vương xa giá tới bên bờ đầm, xem xét sự tình, cảm động đã xuống chiếu cho dân lập đền thờ ở đây cũng như nhiều nơi khác.
Tương truyền Đức Thánh Chử Đồng Tử thường hiện thân ở chốn trần gian để cứu nhân độ thế. Ngài còn hiển linh những lúc đất nước có giặc ngoại xâm để giúp những vị anh tài chiến thắng.
Chuyện kể rằng, sau này vào thế kỷ thứ VI, lúc Triệu Quang Phục chống quân xâm lược nhà Lương đã dùng đầm Dạ Trạch làm chỗ ẩn nấp kháng chiến trong ba bốn năm. Đêm đêm quân của Quang Phục dùng thuyền độc mộc tiến ra đánh úp làm cho giặc ngày một hao tổn. Một hôm Quang Phục lập đàn cầu thần ủng hộ. Bỗng thấy Đồng Tử cưỡi rồng giáng xuống hứa giúp diệt giặc. Lại cho Quang Phục một cái móng rồng bảo gắn vào mũ đâu mâu làm bùa thiêng. Trận đó quả đại thắng, giết được tướng nhà Lương là Dương Sàn ở trận tiền. Quang Phục tự lập làm vua tức là Triệu Việt Vương (548 - 571).
Một truyền thuyết khác lại kể, khi giặc Minh xâm lược nước ta, Nguyễn Trãi quyết chí đi tìm minh chủ để mưu đồ giải phóng đất nước. Ông và Trần Nguyên Hãn đến cầu mộng ở đền Chử Đồng Tử. Trong mộng các ông được nghe nhiều chuyện lạ. Bà Tiên Dung không đi họp ở trên trời, vì ở nhà có khách quý, bỏ đi sợ thất lễ. Đầu canh năm, các thần đi họp về, kể cho Tiên Dung biết trời đã định cho Lê Lợi làm vua nước Nam. Nhờ thế, anh em Nguyễn Trãi tìm về Lam Sơn tụ nghĩa...
Từ một chàng trai nghèo, hiếu thảo, trở thành vị thánh trong tâm thức người Việt, biểu tượng cho tình yêu và khát vọng của con người. Truyền thuyết về thiên tình sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung cho thấy Chử Đồng Tử là người lao động nghèo sinh ra trong một gia đình lao động. Chàng trai đã cùng cha chăm chỉ nghề mò cua bắt cá, sống vui vầy với sông nước. Với cha, chàng là người con hiếu thảo. Sau trở thành chồng của công chúa Tiên Dung chàng vẫn sống cuộc đời của một người lao động, làm ăn buôn bán để sinh sống. Học đạo giác ngộ rồi truyền đạo cho vợ, cùng vợ đi các nơi cứu nhân độ thế. Với đất nước, ngài hiển linh đúng lúc, giúp các bậc anh tài đánh thắng giặc ngoại xâm.
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, nhân vật đầu tiên tạo ra sự giao lưu giữa dân tộc và cộng đồng bên ngoài chính là Chử Đồng Tử.
Lắng đọng trong tâm thức bao thế hệ con người là thiên tình sử diễm lệ Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Mối tình không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo ấy mãi là tấm gương sáng, là khát vọng nhân văn của con người.
Vì vậy có thể nói, mối tình của họ đã trở thành tượng đài của một tình yêu vĩnh cửu, của đạo vợ chồng tình nghĩa thủy chung, trường tồn son sắc.
Tác giả: Đặng Việt Thủy
***
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Minh San, Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội - 1994.
- Đặng Việt Thủy - Đặng Thành Trung, 18 vị Công chúa Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2008.
Chú thích:
(1) Từ sự kiện Chử Đồng Tử cùng khách buôn trên đường đi dừng thuyền, lên hòn núi Quỳnh Viên ở biển, gặp được nhà sư trẻ Phật Quang, được nhà sư giác ngộ truyền đạo cho. Sau đó về nhà Chử Đồng Tử lại truyền đạo lại cho công chúa Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ, hai vợ chồng không buôn bán nữa, cùng nhau đi tìm thầy học đạo. Do vậy, ngày nay có những nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng: Chử Đồng Tử chính là Phật tử Việt Nam đầu tiên được nhà sư truyền giáo lý đạo Phật.
Bình luận (0)