Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Hình ảnh Đông Phương Trì Quốc Thiên Vương trong giai thoại Chử Đồng Từ của Việt Nam

Hình ảnh Đông Phương Trì Quốc Thiên Vương trong giai thoại Chử Đồng Từ của Việt Nam

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tổng quan: Là người Việt Nam không ai không biết đến Chử Đạo Tổ – Chử Đại Thiên Vương được truyền tụng là một trong “Tứ Bất Tử” của Thần Điện Việt. Tuy rằng về mặt sử liệu ghi chép về hiện tượng Tứ Bất Tử chỉ xuất hiện sớm nhất là thế kỷ XV nhưng trong tâm thức dân gian ông là một vị Thánh lớn của dân tộc Việt Nam, có tầm ảnh hưởng sâu rộng tại Đồng bằng châu thổ sông Hồng đặc biệt là tại xứ Đông (Hưng Yên).

Từ khóa: Chử Đồng Tử, Tiên Dung, Phật giáo, Luy Lâu, truyền thuyết, xứ Đông,

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2020 Hinh anh Dong Phuong Tri Quoc Thien Vuong 1

Phật giáo gắn bó với dân tộc Việt Nam từ buổi đầu dựng nước. Chử Đồng Tử vốn là một vị Nhiên Thần đại diện của Sông Nước, Đầm Hồ mà chủ thể chính là Đầm Dạ Trạch và sông Hồng Hà.

Ông vốn được tôn thờ một cách tự nhiên chứ chẳng có xuất thân gia thế với lai lịch rõ ràng?! Có lẽ đến khi khái niệm “Chính Thần”, “Thượng Đẳng Thần” có gốc tích rõ ràng, đối lập với hàng “Dâm, Tà Thần” có sự tích mờ mịt, người ta mới sáng tạo cho ông một truyền thuyết lãng mạn xen lẫn linh dị. Và trên một nền tảng văn hóa xã hội đượm chất dân gian Phật giáo thì các yếu tố truyện tích có vay mượn của nhiều yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo như Tứ Đại Thiên Vương, Càn Thát Bà, sư Phật Quang… là lẽ thích nghi của người Việt.

Câu chuyện dân gian về Ngài được tóm lược như sau: “Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Cù Vân (渚衢雲), hoặc Chử Vi Tử (渚微子), tại thôn Chử Xá. Chẳng may nhà cháy, của cải sạch không, chỉ còn một chiếc khố vải, vì thế chỉ ai đi đâu mới dùng. Một ngày kia, Chử Vi Tử ốm nặng, ông dặn con “khi nào cha chết, con cứ chôn mình trần, giữ chiếc khố lại mà mặc” Chử Đồng Tử thương cha vô cùng, nhưng biết cha đang đau yếu, nên chỉ im lặng cúi đầu.

Khi người cha qua đời, dân làng kéo đến, ai cũng khuyên nên làm theo lời cha dặn, nhưng Chử Đồng Tử một mực lắc đầu. Chàng đem chiếc khố độc nhất khâm liệm cho cha, còn mình thay khố bằng một mảnh mo cau. Dân làng thấy chàng làm như vậy không ai nỡ chê cười, mà càng chỉ thêm khâm phục chàng là một người con chí hiếu, Những ngày sau, Chử Đồng Tử hầu như suốt ngày phải ngâm mình dưới nước, đêm tối mới dám lên bờ về nhà. Chàng mò tôm, mò cá, bắt trai, bắt ốc… rồi bơi đến các thuyền đang neo đậu trên sông, để đổi lấy gạo, lấy cơm. Những hôm không bắt được cua cá, chàng phải xin các chủ thuyền cơm ăn.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2020 Hinh anh Dong Phuong Tri Quoc Thien Vuong 2

Bấy giờ, vua Hùng (Lĩnh nam chích quái ghi là đời thứ 3), có cô con gái tên là Tiên Dung (仙 容), đến tuổi cập kê mà vẫn chỉ thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một hôm thuyền rồng của Tiên Dung đến thăm vùng Chử Xá. Nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thấy nghi trượng, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát. Tiên Dung kinh ngạc bèn hỏi han sự tình, nghĩ ngợi rồi xin được cùng nên duyên vợ chồng.

Hùng Vương nghe chuyện thì giận dữ vô cùng, không cho Tiên Dung về cung. Nàng biết ý nên cùng chồng mở chợ Hà Thám, đổi chác với dân gian. Buôn bán tấp nập, phồn thịnh, ai cũng kính thờ Tiên Dung và Chử Đồng Tử làm chúa[4]. Một hôm, có người bày cho cách ra ngoài buôn bán nhiều lãi, Tiên Dung khuyên chồng nghe theo. Chử Đồng Tử bèn theo khách buôn đi khắp ngược xuôi. Một hôm qua ngọn núi giữa biển tên Quỳnh Viên Sơn (瓊園山), Chử Đồng Tử trèo lên am trên núi và gặp một tăng sĩ tên Phật Quang (佛 光). Chử Đồng Tử bèn giao tiền cho khách buôn đi mua hàng, còn mình thì ở lại học phép thuật. Sau thuyền quay lại đón, Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá, dụ rằng đây là vật thần thông.

Về nhà, Chử Đồng Tử truyền mọi sự lại cho vợ. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán, cùng chồng chu du tìm thầy học đạo. Một hôm tối trời, đã mệt mà không có hàng quán ven đường, hai vợ chồng dừng lại cắm gậy úp nón lên trên cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm, chỗ đó nổi dậy thành quách, cung vàng điện ngọc sung túc, người hầu lính tráng, văn võ bá quan lẫn tiên đồng ngọc nữ đều sẵn sàng để hầu hạ. Sáng hôm sau, dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn dâng hương hoa quả ngọt đến xin làm bầy tôi. Từ đấy chỗ đó phồn thịnh, sung túc như một nước riêng.

Nghe tin, Hùng Vương cho là có ý tạo phản, vội xuất binh đi đánh. Quân nhà vua đến, mọi người xin ra chống cự nhưng Tiên Dung chỉ cười và từ chối không kháng cự cha mình. Trời tối, quân triều đình đóng ở Bãi Tự Nhiên cách đó một con sông. Đến nửa đêm bỗng nhiên bão to gió lớn nổi lên, thành trì, cung điện và cả bầy tôi của Tiên Dung-Chử Đồng Tử phút chốc bay lên trời. Chỗ nền đất cũ bỗng sụp xuống thành một cái đầm rất lớn.

Nhân dân cho đó là điều linh dị bèn lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế, và gọi đầm đó là đầm Nhất Dạ Trạch (Đầm Một Đêm), bãi cát đó là Bãi Tự Nhiên hoặc Bãi Màn Trù và chợ đó là Hà Thị.”

Bây giờ, chúng ta sẽ phân tích các yếu tố tương quan đến hình ảnh của Trì Quốc Thiên vương vị chúa tể của các loại Càn Thát Bà (Hương Thần).

Không biết từ bao giờ, ngoài danh hiệu Chử Đạo Tổ, Chử Đồng Tử còn được gọi là Chử Thiên vương để tề danh với Phù Đổng Thiên vương, ngay chữ Thiên vương đã gợi cho chúng ta nghĩ đến các nhân vật Hộ Pháp của Phật giáo mà cụ thể là Tứ Đại Thiên vương.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2020 Hinh anh Dong Phuong Tri Quoc Thien Vuong 4

Nếu Phù Đổng Thiên vương xứ Kinh Bắc với truyền thuyết gắn với Quốc sư Ngô Chân Lưu, khi đến gặp sư Thần xưng rằng “Tỳ Sa Môn Thiên vương” và tên khác “Sóc Thiên vương” cũng là chỉ vị thần thủ hộ phương Bắc (Sóc). Thì ở Chử Thiên vương xứ Đông chúng ta cũng thấy hình ảnh của Trì Quốc Thiên vương thủ hộ phương Đông.

Thiên vương Dhatarattha (持國天) ngụ ở hướng Đông của núi Tu Di, có trách nhiệm hộ trì chúng sinh nên được gọi là Trì Quốc Thiên vương hay Đông Thiên vương. Tùy ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ hay Trung Hoa mà hình tượng của Thiên vương Dhatarattha có khác biệt, đặc trưng của vị Thiên vương này là cầm cây đàn Tỳ bà như một pháp khí. Vì ở hướng Đông núi Tu di nên vị Thiên vương này có da màu trắng.

Trì Quốc Thiên vương cai quản hội chúng Càn Thát Bà (Gandhabba). Đây là hạng chúng sinh sống dựa vào những cây cối có mùi hương, đời sống gắn liền với cội cây mà họ đã cư ngụ lúc đầu, cho dầu cội cây ấy có bị đốn đem về để cất nhà hay làm vật dụng thì họ cũng đi theo khúc gỗ ấy, chớ không chịu bỏ đi. Khúc gỗ ấy được làm thành cái gì thì vị Càn Thát Bà trú ngụ trong cái ấy rồi hiện hình ra cho người chủ vật đó thấy hoặc xui khiến cho họ bị tai ương, hoạn nạn như đau bệnh chẳng hạn, thậm chí có thể làm cho người chủ ngôi nhà (nếu cây được làm nhà) hay chủ của món đồ bằng gỗ đó bị phá sản, sạt nghiệp. Có tất cả mười loài Càn Thát Bà hay Hương mộc thần, các vị này còn được gọi là Katthayakkha (Mộc Dạ xoa).

Càn Thát Bà (乾闥婆) là một loại nhạc thần chuyên tấu nhạc cho Thiên Đế Thích, ngoài ra đây còn là danh từ chỉ một tộc người trong các sử thi Ấn Độ. Một khía cạnh khác đáng chú ý đó là Càn Thát Bà còn được hiểu là một thuật ngữ ám chỉ sự tự do kết hôn, yêu đương dựa trên tự do luyến ái, vượt qua mọi rào cản của giai cấp luật lệ, đám cưới Càn Thát Bà chỉ cần sự đồng thuận của hai người yêu nhau mà không cần đến các nghi lễ, thủ tục được ước định bởi cộng đồng.

Đây chính là tình tiết tương đồng với câu chuyện Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung nơi bãi tắm trần và rồi kết duyên vợ chồng bất chấp địa vị xã hội giữa một công chúa và một chàng trai nghèo không có khố, trần như nhộng!

Tuy vậy, nếu chỉ với một tình tiết và sự đồng dạng về tên gọi, phương vị thì còn khiên cưỡng quá, ngoài các yếu tố như trên, Càn Thát Bà còn có một đặc điểm đó là giỏi thần thông hóa hiện, có cung điện đẹp và tráng lệ giữa hư không, trên mặt biển, rừng, núi… gọi là Gandhavarnagara (Càn Thát Bà Thành, Cung điện thành quách của Càn Thát Bà).

Mặc dù đẹp đẽ nhưng các thành trì này huyễn hóa như một ảo giác, giấc mộng, có thể biến mất trong phút chốc.

Chi tiết này có lẽ đã tạo cảm hứng cho chuyện Chử Đồng Tử có pháp thuật biến ra cung điện thành quách trong một đêm và rồi thành cũng biến đi (bay vụt lên trời) chỉ trong một đêm. Thành trì của vợ chồng Chử Đồng Tử Tiên Dung gọi đúng ra phải là Hóa Thành, Càn Thát Bà Thành, một loại thành trì ảo huyễn không thật chất.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2020 Hinh anh Dong Phuong Tri Quoc Thien Vuong 3

Trong truyền thuyết còn nói đến một chi tiết nhỏ như “dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn dâng hương hoa quả ngọt đến xin làm bầy tôi” Đây cũng là một điều đáng chú ý, chuyện dâng hương hoa cho người còn sống về lý là chấp nhận được nhưng về tình thì không phù hợp cho lắm.

Càn Thát Bà sở dĩ được gọi là Hương Thần vì loài này không ăn thịt, rau… mà chỉ ưa mùi hương thơm, ngửi mùi hương để sống và từ đó thân thể tỏa ra hương thơm. Như vậy, đây cũng là một dấu vết cho thấy chuyện Chử Đồng Tử mang nhiều yếu tố của đặc tính về khẩu vị, thần biến và khái niệm hôn nhân từ loài Càn Thát Bà.

Cuối cùng, nhà sư Phật Quang-thầy của vợ chồng Chử Đạo Tổ xuất hiện như ấn chứng về sự ảnh hưởng của Phật giáo lên câu chuyện, hai người Chử Đồng Tử, Tiên Dung khi đó vừa tu tập vừa hành thiện giúp đời y như các bậc Hộ Pháp, y như Trì Quốc Thiên vương ở phương Đông, y như Càn Thát Bà một trong Thiên Long Bát Bộ hộ vệ cho Phật giáo.

Cùng với thăng trầm của Phật giáo trong lịch sử Việt Nam, sự thoái trào từ địa vị Quốc giáo xuống hàng tôn giáo bị hạn chế bởi các triều đình sùng Nho Lê Nguyễn, hình ảnh vị Thiên vương được thờ cúng rộng rãi ở xứ Đông đã nhạt nhòa thành vị Nhiên thân nửa Nhân thần, có xuất thân phàm tục, kết hôn với người phàm thậm chí học Phật nhưng tu Tiên, tu Đạo thuật nhưng những dấu vết trong câu chuyện vẫn minh chứng mạnh mẽ quá trình tồn tại và phát triển của Phật giáo trong lòng dân tộc ngay từ thưở đầu dựng nước.

Tác giả: Vich ky Le
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2020

——————————–

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Nxb Văn học, 1972
2. Hội Chân biên, để tại đình Chử Xá
3. Nguyễn Bính, Thần tích làng Chử Xá

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường