Trang chủ Bài viết nổi bật Triết lý Phật giáo trong việc ứng xử với môi trường sinh thái

Triết lý Phật giáo trong việc ứng xử với môi trường sinh thái

Môi trường sinh thái an lành từ việc mỗi chúng ta cùng cộng đồng nỗ lực không ngừng để bảo hộ đất mẹ, nhìn sâu vào những điều xảy ra trong quá khứ, nhìn sâu vào những gì đang có ở hiện tại để nguyện mỗi giây phút này chúng ta sẽ tư duy và hành động vì nhân loại, vì thế giới bảo vệ môi trường sinh thái và đó cũng là vì bảo vệ sự sống của chính chúng ta.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Môi trường sinh thái an lành từ việc mỗi chúng ta cùng cộng đồng nỗ lực không ngừng để bảo hộ đất mẹ, nhìn sâu vào những điều xảy ra trong quá khứ, nhìn sâu vào những gì đang có ở hiện tại để nguyện mỗi giây phút này chúng ta sẽ tư duy và hành động vì nhân loại, vì thế giới bảo vệ môi trường sinh thái và đó cũng là vì bảo vệ sự sống của chính chúng ta.

Tác giả: TT.TS Thích Hạnh Tuệ – BTV Lưu Hồng Hoa

Tóm tắt:

Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường trên thế giới và tại Việt Nam là vô cùng nghiêm trọng. Để mỗi một cá nhân trên quả địa cầu này có ý thức trách nhiệm cũng như hành động góp phần bảo vệ môi trường sinh thái là việc làm vô cùng bức thiết. Mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp vào công việc bảo vệ và chăm sóc hành tinh xinh đẹp này. Phải sống như thế nào để con cháu chúng ta có một tương lai tươi sáng, đó là gia tài đích thực để lại cho con cháu chúng ta. Kho tàng tinh hoa triết lý của Phật giáo nói chung, lời dạy của đức Phật hơn hai ngàn năm trăm năm trước nói riêng về sự tôn trọng và bảo vệ môi trường sinh thái là những bài học vô cùng quý giá cho nhân loại chúng ta ngày nay mà chúng ta cần nghiêm túc chiêm nghiệm học hỏi.

Từ khóa: Phật giáo, môi trường, sinh thái, từ bi.

1. Những vấn đề về môi trường sinh thái toàn cầu và ở Việt Nam

Ngày nay, xã hội càng phát triển chúng ta sống trong một thế giới có nhiều biến đổi lớn về môi trường như: khí hậu biến đổi, nhiệt độ trái đất đang nóng lên từng ngày, các hệ sinh thái rừng, đất, nước đang bị tàn phá và có nguy cơ bị thu hẹp, ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề, dân số tăng nhanh, sức ép của công nghiệp hóa và thương mại toàn cầu ngày càng lớn… Tất cả những thay đổi đó đang ảnh hưởng đến công cuộc phát triển của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta.

Thảm họa trọng tâm của Thế giới là đại dịch Covid – 19, nhưng sự hiện diện của các thảm họa thiên tai trong năm 2020 cộng hưởng với Covid – 19 khiến thiệt hại khủng khiếp hơn, một mùa bão kỷ lục, lũ quét, động đất, núi lửa phun trào và cháy rừng đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Có thể kể đến, vụ cháy rừng ở Úc thực tế đã khiến 445 người chết ngạt, lũ quét làm hơn 150 người ở Afghanistan mất mạng, động đất mạnh tới 7,0 độ Richter và sóng thần giết chết 117 người ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ…. Không đâu xa hơn, trên đất mẹ hình chữ S của chúng ta, năm 2020 là một năm thiên tai dị thường, bởi lẽ Việt Nam đã trải qua một năm đáng nhớ với thiên tai khốc liệt, dị thường nhất trong hai thập niên với bão dồn dập, đỉnh lũ lịch sử liên tiếp thiết lập, hạn mặn nghiêm trọng chưa từng có, sạt lở quy mô lớn khiến 132 người chết và mất tích; hậu quả đợt mưa lũ tại miền Trung không thể tính toán bằng con số, bao nhiêu người mất đi kế sinh nhai, phải rời bỏ quê hương.

Tapchinghiencuuphathoc.vn Triết Lý Phật Giáo Trong Việc ứng Xử Với Môi Trường Sinh Thái

Trái đất của chúng ta sở dĩ lâm vào tình trạng nguy khốn như hiện nay là vì chúng ta sống không có chính niệm.

2. Quan điểm của Phật giáo về bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên

Trong ngày lễ Phật Đản năm 2011, đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đã có thông điệp như sau: “Thế giới nói chung và đất nước ta nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn tác hại do bởi ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, nhiệt độ trái đất gia tăng, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, sóng thần, động đất, nước biển dâng… đang là những thảm họa đe dọa đến sự an nguy của sự sống con người. Hơn lúc nào hết, Tôi kêu gọi mỗi tăng, ni, phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của giáo lý Phật đà về luật vô thường, về tôn trọng sự sống và mối liên hệ hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, để chung tay với cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường xã hội và sự an nguy của trái đất, đó là việc làm thiết thực để kính dâng ngày đản sinh đức Từ Phụ của chúng ta”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề cao việc bảo vệ môi trường, kêu gọi tăng, ni, những người con Phật tích cực phát huy tinh thần tôn trọng sự sống, chung tay với cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường và sự an nguy của trái đất.

Cư sĩ Lê Văn Tâm còn chỉ rõ: cội nguồn của cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay thực chất là cuộc khủng hoảng văn hóa và tâm linh, phát sinh từ tham sân si của con người. Ông cũng cho biết vũ khí để ứng phó với tham sân si chính là vũ khí bi trí dũng mà đức Phật đã trao tặng .

Cách đây hơn 2.500 năm trước, có một nhà môi trường học vĩ đại, đó là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã quán chiếu sự tác hại của việc huỷ hoại môi trường. Ngài đã dạy môn đồ rằng: “Hãy đến với thiên nhiên như loài ong hút mật mà không làm tổn hại đến hoa”.

Tinh thần Phật giáo về môi trường có thể thấy rõ ràng trong sự diễn đạt của Đức Dalai Lama, về sự phát triển Tây Tạng thành khu vực bất bạo động (Ahimsa) – “Lãnh thổ Tây Tạng sẽ được chuyển thành một công viên thiên nhiên lớn nhất thế giới hay một khối cầu về hệ sinh thái. Luật lệ nghiêm khắc cần phải được đẩy mạnh để bảo vệ đời sống hoang dã và đời sống thực vật; những việc làm phương hại đến các tài nguyên thiên nhiên cần được cẩn thận chỉnh đốn do vậy sẽ không phá hủy hệ sinh thái; và chính sách về sự có thể duy trì phát triển sẽ được chọn áp dụng nơi những khu vực có đông dân cư.” (H.H. The 14th Dalai Lama, Giải Nobel Hòa Bình, ngày 11.12.1989).

2.1 Cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni gắn với môi trường sinh thái tự nhiên

Mỗi sự kiện về cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều gắn liền với thiên nhiên và cỏ cây, như đản sinh dưới gốc cây Vô ưu, thành đạo dưới cội Bồ đề, nhập Niết bàn ở bên hai cây Sala…Chúng ta thấy rõ những sự kiện trọng đại trong cuộc đời của đức Phật có mối liên quan mật thiết với môi trường tự nhiên.

2.1.1 Sự kiện Đản sinh

Đức Phật đản sinh trong vườn Lâm-tì-ni (Lumbini) dưới gốc cây Vô ưu, trong một khu vườn xinh đẹp, hoa nở vui mừng, bóng mát êm dịu phủ khắp.

Trong Kinh Phật Bản Hạnh Tập kể lại sự kiện này như sau: “Trong khu vườn này cây cối xanh tốt, không đâu có được. Trong đó có rất nhiều loài cây có hoa và có rất nhiều loài cây ăn quả thẳng hàng. Lại có rất nhiều ao hồ rộng lớn, bao quanh rất nhiều chủng loại cây… Đặt biệt trong vườn có một loài cây có tên là Ba-la-xoa, thân cây vững chãi, từ thân đến ngọn thẳng đẹp, cành lá tươi tốt sum suê, lá vừa xanh lại vừa tím như sắc lông của chim khổng tước, mềm mại đung đưa như thiên y của trời Ca-lân-đề, hoa của nó có mùi thơm dịu, ngửi vào thì thấy thoải mái. Ma Ya phu nhân an tường đi đến dưới gốc cây. Lúc đó, cây nhờ vào uy đức của Bồ Tát mà cành tự nhiên vươn ra, rũ bóng mát dịu dàng. Ma-ya phu nhân đưa cánh tay phải lên, như chiếc cầu vồng trên hư không, an tường vươn vai, vin vào cành cây Ba-la-xoa…” . Đức Phật đản sinh trong một hoàn cảnh gắn liền với thiên nhiên hoa cỏ, bầu trời êm dịu, chim chóc reo ca, cây xanh tỏa bóng mát, hoa quý đua nở.

Trong văn học Phật giáo mô tả về khung cảnh liên quan đến sự kiện đản sinh của đức Phật không chỉ trong lịch sử mà cả trong truyền thuyết đều phản ánh ý niệm bên trong của Phật giáo, cũng là một thông điệp có ý nghĩa trong việc giáo dục bảo vệ môi sinh của nhân loại. Cuộc đời chúng ta không chỉ bó hẹp mà gồm cả thiên nhiên hoa cỏ, động vật và môi sinh. Như vậy, con người và hoàn cảnh luôn chan hòa với nhau, thiếu đi một mặt thì sự cân bằng sinh thái sẽ có vấn đề.

2.1.2 Sự kiện Thành đạo

Thời đức Phật, xã hội cổ đại Ấn Độ đơn vị hành chính có thôn làng và thành thị, ngoài ra chủ yếu là rừng rậm. Trong những khu rừng thường là nơi tu luyện của các đạo sĩ tu khổ hạnh, họ từ bỏ đời sống ồn ào và náo nhiệt, tìm vào cuộc sống nội tâm. Đây là một loại hình sinh hoạt đặc biệt cấu thành văn hóa cổ đại không thể thiếu ở Ấn Độ. Những cánh rừng kế tiếp nhau trở thành nơi lí tưởng cho các đạo sĩ ẩn cư, tu thiền, lập thuyết. Tất cả những hình thái sinh hoạt của con người đều liên quan đến thiên nhiên và cây cỏ.

Thái tử Tất Đạt Đa, lúc đang còn ở trong cung điện, cũng nhận thấy sức mạnh của thiên nhiên, Ngài từ bỏ mọi vinh hoa phú quý, đi vào rừng sâu, ẩn tu làm đạo sĩ. Trong kinh điển Phật giáo có ghi: sau khi trải qua sáu năm tu hành khổ hạnh, thái tử Tất Đạt Đa nhận ra mục đích tu hành không phải để ép xác cũng không đắm say trong hưởng thụ. Ngài đi bằng con đường của chính mình, con đường Trung đạo. Rồi thái tử tìm đến bên một khu rừng, ngồi thiền định dưới cội cây Bồ Đề và chứng quả vô thượng.

Trong kinh Phật Bản Hạnh kể về những cảm nhận và chia sẻ của đức Phật đối với thiên nhiên và cây cỏ như chính một con người vừa có cảm xúc vừa có suy nghĩ. Đôi lúc còn xem như một thần cây: “Lúc bấy giờ, Bồ Tát ngồi xuống dưới gốc cây Bồ đề xong, thì thần gìn giữ cây Bồ đề liền rất hoan hỉ, tâm ý thư thái, toàn thân vui không gì tả được…, liền ra lệnh cho các thuộc hạ và quyến thuộc bảo vệ Bồ Tát, cung kính nghiêm túc. Lúc đó, bốn bề cây cối không kể lớn nhỏ, các vị thần cây đều từ cây bước ra, đến bên cây Bồ đề…” Đối với đức Phật cây cối vẫn có cảm xúc, chúng sống cùng với con người, thậm chí cùng có một giá trị giống như con người và cùng tồn tại với con người. Trong Đại Phẩm kể lại rằng, sau khi đức Phật thành đạo, Ngài ngồi thọ pháp lạc dưới cội cây Bồ đề như thầm cảm ơn, Ngài nhìn không nháy mắt về phía cội cây, thần cây bèn khuyên hai thương nhân Miến Điện đến cúng dường mật ong và bánh gạo.

2.1.3. Sự kiện nhập Niết Bàn

Sau khi đã làm xong những việc đã làm, đức Phật đến thành Câu Thi na, Ngài nằm nghỉ trong rừng, giữa hai gốc cây Sala, an tường viên tịch. Cũng giống như lần Ngài giáng thế dưới cội cây Vô Ưu, nay giờ phút nhập Niết bàn dưới hai gốc cây Sala. Trong kinh kể rằng, lúc này rừng cây buồn bã, lá ngả màu, thân cành cong gãy như con người không khác đau buồn không kiềm chế được.

Khi Phật giáo ở Ấn Độ được lan rộng sang những quốc gia lân cận, những phái đoàn của đại đế A Dục được phái đi, họ mang theo ngoài những kinh điển ra thì là một nhánh cây Bồ đề được đem theo như một tín vật thiêng liêng. Cây Bồ đề được trồng đến đâu thì bóng mát của Phật pháp được tươi nhuận đến đó. Cũng từ đó, tự viện cũng được kiến thiết ở trong núi rừng u tịch, chùa chiền còn gọi là chốn “Tòng Lâm”, cây chụm lại cây thành núi cao, tăng sum họp tăng thân hòa hợp. Thời đức Phật có hai tịnh xá lớn nhất đó là tịnh xá Trúc Lâm do vua Tần-bà-sa-la dâng cúng. Tịnh xá Trúc Lâm được trang nghiêm bằng một rừng trúc và trở thành một nơi tu hành lý tưởng của chư Tăng. Tịnh xá thứ hai là tịnh xá Kì Hoàn. Tịnh xá này do trưởng giả Cấp Cô Độc và thái tử Kỳ Đà dâng cúng. Tịnh xá này có một câu chuyện cực kì lý thú là khi trưởng giả Cấp Cô Độc vì lòng tín mộ đức Phật và chư Tăng, ông tìm cách chọn một nơi lý tưởng để lập tịnh xá cúng dường. Trưởng giả đi khắp nơi chỉ chọn được vườn cây của thái tử Kì Đà là vừa ý. Trưởng giả ngỏ ý với thái tử để mua. Thái tử vốn không thích bán, nhưng cũng đùa với trưởng giả như một lời thách đố, nếu đem vàng ra trải đến đâu thì lấy đến đó. Trưởng giả đồng ý thực hiện lời giao ước. Thái tử hết sức ngạc nhiên không kiềm nổi mới hỏi tại sao trưởng giả phải làm một việc mà không ai dám làm. Trưởng giả giải thích cho thái tử biết ý nghĩa việc làm của mình. Thái tử Kì Đà nghe xong lòng rất khâm phục và phát tâm cúng toàn bộ số đất còn lại và cây cối ở trong khu vườn. Từ đó về sau, vườn cây được làm tịnh xá dâng cúng cho đức Phật và chư Tăng làm cơ sở để tu hành. Đức Phật đã an cư ở đây 25 mùa hạ, thuyết nhiều bộ kinh Đại thừa vô cùng quan trọng.

Kinh điển Phật giáo, chúng ta có thể vẽ lại bức tranh như sau: Đức Phật và Tăng chúng đệ tử trong quá trình tu hành và sinh hoạt trên một đất nước Ấn Độ cây cối tươi tốt, rừng phủ dày đặc. Những tịnh xá mà chư Tăng sinh sống bốn bề là rừng cây sum xuê. Đời sống của người xuất gia lúc bấy giờ thật lý tưởng, họ sống yên lặng trong rừng xanh, kết am tranh, hay ngồi thiền định trên những thảm cỏ, ở dưới một cội cây không được trú lần thứ hai. Như trong kinh Tứ Thập Nhị Chương mô tả: “Thọ hạ nhất túc, thận vật tái hỉ.” Chư Tăng mỗi ngày ngồi tu tập thiền quán và đi kinh hành quanh khu rừng yên vắng, đây là hai công việc thường ngày của họ, chỉ có lúc đi khất thực mới rời rừng vắng đi vào thôn làng hóa duyên. Có lúc trong làng có Phật tử mời cơm trưa và cúng dường bốn sự. Thọ thực xong, chư Tăng thuyết pháp cho Phật tử và tín đồ, rồi trở lại tịnh xá trong rừng vắng tiếp tục công việc tu hành của mình. Đối với người xuất gia, việc tu tập sinh sống ở nơi phố phường là một trở ngại, họ làm bạn với thiên nhiên cỏ cây mây nước, nơi u tịch vắng lặng là nhà, việc tu tạo chùa chiền chỉ là phương tiện hóa độ số đông chứ không phải là tài sản sở hữu của riêng ai.

Chúng ta có thể nhận thức được rằng chân lý cũng nằm trong cả thế giới hoa cỏ và động vật, chúng ta bảo vệ môi sinh cũng là đang thể nhập vào thế giới duyên sinh mầu nhiệm, không có ai hay một đấng tạo hóa nào có quyền năng hủy diệt và sinh ra chúng, mà chỉ cộng sinh trong tương tác. Qua những giá trị về Duyên sinh vô ngã, chúng ta có thể liên tưởng rằng, nếu tâm con người được thanh tịnh thì chúng ta có thể thể nghiệm được pháp âm vi diệu từ thế giới hoa cỏ chim thú. Cũng vậy, thế giới tự nhiên được tôn trọng và hiểu đúng như sự hiện hữu của thế giới con người và tự nhiên không tách rời nhau, bảo vệ môi sinh là xây dựng thế giới Cực lạc, thế giới không nhiễm ô, không chiến tranh và không tham lam ích kỉ.

Nhiều lời dạy của đức Phật trong các kinh điển Nguyên thủy có liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Trong kinh Anguttara Sutra, Ngài dạy rằng: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”. Hoặc kinh Vinaya-matrka-sastra dạy rằng: “Một Tỳ kheo trồng ba loại cây: cây ăn trái, cây cho hoa và cây cho lá để cúng dường Tam bảo thì sẽ ân hưởng sự gia trì và sẽ không phạm tội”, hoặc: “Có năm loại cây mà một người không được chặt, đó là cây bồ đề, cây thuốc, những cây lớn mọc bên đường, cây trong rừng xứ lạnh và cây đa”. Đức Phật cũng khuyên mọi người không nên lãng phí, mà phải biết quý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên.

Sau khi chứng ngộ, Đức phật khuyên chư đệ tử không nên chặt phá cây cối, cho dù là chặt cành hay bẻ lá: “Cây xanh cho chúng ta bóng mát trong lành, giúp chúng ta có nơi ngủ nghỉ qua đêm hay ngồi thiền định. Chặt cành hay bẻ lá của cây đều là hành vi phi đạo đức’. Vào mùa mưa, đức Phật dạy tăng đoàn tìm chỗ an cư thích hợp để tránh việc đi ra đường dẫm đạp lên cỏ non và giết hại côn trùng. Điều này, chẳng những chứng tỏ thái độ tôn trọng sự sống muôn loài của Ngài mà còn biểu hiện lòng từ mẫn vô biên của Ngài đối với tất cả chúng hữu tình.

Hệ thống đạo đức Phật giáo thiết yếu chứa đựng các giới luật (là một phần của Bát Chính Đạo) nhằm duy trì đời sống trong sạch điều này bao gồm sự giữ giới, thực hành chính niệm và phát triển tuệ giác. Chúng không chỉ là những quy luật chỉ cần chấp hành mà vấn đề nằm ở sự thanh lọc tâm và phát triển nhân cách đó chính là điểm cốt yếu (của giới) vậy. Đức Phật cũng nhấn mạnh rằng môi trường thiên nhiên trong sạch sẽ nâng cao đời sống nội tâm.

Ngài dạy rằng: “khi một vị tỷ kheo nhận y áo, những y phục cũ không bỏ đi mà được dùng làm khăn trải giường; khi những khăn trải này cũ đi thì nhồi vải lại làm thành nệm đắp; khi nệm vải nhồi cũ quá thì cắt thành những khăn đắp nhỏ; rồi thành giẻ lau và thậm chí khi giẻ lau mục nát thì nhồi chúng với đất sét để trám các vết nứt trên sàn hay trên tường.” (VinayaII;291). Tính tiết kiệm, tâm rộng lượng, sự cẩn thận, hay chia sẻ, cần cù siêng năng và tiền kiếm được bằng sức lao động từ mồ hôi nước mắt, tất cả những điều này tạo thành một tấm thảm phong phú hứa hẹn một đời sống đơn giản và yên vui (de Silva, 1998, 156). Cuối cùng, những việc làm trên nhằm đóng góp vào việc ngăn chặn sự phá hoại không đáng và sự lãng phí các nguồn dự trữ của thiên nhiên.

2.2 Giới luật Phật giáo về Cấm sát sinh không được vô cớ chặt cây, dẫm trên cỏ

Trên ý nghĩa cơ bản, giới được đặt trên nền tảng từ bi thương xót đến tất cả muôn loài chúng sinh, không làm những gì có hại cho mình, cho chúng sinh, hoặc hại cả hai, về ba phương diện thân, khẩu, ý thì phải tích cực làm mọi việc để đem lại hạnh phúc, an lạc cho mình và cho chúng sinh. Sự sống vô cùng quý giá, nên Đức Thế Tôn luôn tôn trọng sự sống, bất cứ sự sống nào, từ sự sống của côn trùng cho đến sự sống của cỏ cây. Kinh sách dạy rằng, Ngài không đổ các đồ ăn dư thừa của mình trên bãi cỏ xanh hay trong nước có các loài côn trùng nhỏ.

Đức Phật thuyết giới thứ nhất như sau: “Người Phật tử không được hoặc tự mình giết hoặc bảo người giết, dùng phương tiện giết, khen tặng sự giết, thấy giết mà tùy hỷ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết, vân vân, phàm tất cả các loài hữu tình có mạng sống, đều không được cố ý giết chúng.” Đối tượng chúng sinh trong giới cấm thứ nhất của đạo Phật là hữu tình chúng sinh, tức là những chúng sinh có hệ thần kinh, có tình cảm, biết cảm giác, biết đau đớn và vui sướng. Chúng sinh ấy bao gồm từ người cho tới các loài động vật trên bộ, trên không và dưới nước, từ những con vật lớn như voi tượng, như cá ông cho đến các con vật nhỏ bé như kiến, như sâu trùng. Từ quan điểm nơi mỗi cá thể chúng sinh đều có Phật tính, đều có khả năng thành Phật nên có đặc tính bình đẳng, do đó người Phật tử chúng ta không những không thể sát hại chúng sinh mà còn phải tôn trọng và bảo vệ chúng sinh dù là loài vật vì chúng cũng có quyền sống, có quyền được chia sẻ môi sinh trên trái đất, nơi mà con người đang ở. Bản chất của chúng sinh, dù loài nào, cũng đều ham sống sợ chết.

Giết hại chúng sinh tức là gây cho chúng sinh sự đau đớn về thân thể và sự tuyệt vọng khi lòng ham sống bị đe dọa và xâm phạm. Hơn nữa, cái chết của một chúng sinh luôn luôn đồng nghĩa với sự chia lìa thân quyến. Khi một chúng sinh bị đe dọa đến mạng sống, chúng cũng có những phản ứng tự vệ, ít nhất là phát ra những nỗi oán hờn thù hận đến những ai định tâm sát hại chúng. Chúng cũng khởi nên những năng lượng tiêu cực, chất độc trong thịt, xương, da của chúng khi chúng bị giết hại. Không có con vật nào tự nguyện chết cả.

Tại sao chúng ta làm đau đớn hay hủy hoại mạng sống của chúng trong khi chúng ta muốn sống và không muốn ai hành hạ chúng ta?

Hoà Thượng Thích Thiện Hoa nói về giới không sát sinh, khuyên chúng ta không nên sát hại chúng sinh vì bốn lý do:

Tôn trọng sự công bằng:

– Chúng ta coi sinh mạng mình là quý, là một của báu tuyệt đối. Nếu ai mưu hại, là mình chống trả triệt để bảo vệ sinh mạng. Mình đã biết quý trong thân mạng mình, tại sao lại muốn chà đạp sinh mạng người? Suy rộng ra, các loài vật cũng biết quý trọng mạng chúng. Như một con bò hay một con heo sắp bị đập đầu, thọc huyết, ta thấy sự phản kháng mãnh liệt, sự đau thương cùng cực của chúng, bằng những tiếng kêu gào, những cái dãy dụa mong thoát chết! Theo lẽ công bình, điều ta không muốn ai làm cho ta, thì ta cũng đừng làm cho người khác, hay loài khác. Phật dạy: “Ai ai cũng sợ gươm dao, ai ai cũng sợ sự chết. Vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết! Chớ bảo giết!”.

Tôn trọng Phật tính bình đẳng:

– Chúng ta mỗi loài tuy thân hình khác nhau, mà vẫn đồng một Phật tính. Phật tính đã bình đẳng thì không thể viện lý do gì để nói rằng Phật tính ở người giá trị hơn ở vật, ở giai cấp này màu da này giá trị hơn giai cấp kia màu da kia.

Nuôi dưỡng lòng từ bi.

– Lòng từ bi của đức Phật xem mọi loài như con, nên Ngài không đồng ý cho đệ tử Ngài sát hại sinh vật, bất cứ trong trường hợp nào. Bởi vì đem tâm giết hại sinh mạng hay nhẫn tâm vô cớ giết một con vật, tính bạo ác không kém giết một con người. Nhẫn tâm làm cho kẻ khác hay vật khác phải dãy dụa, rên siết, quằn quại trong máu đào, trong lệ nóng trước khi trút hơi thở cuối cùng, là tự giết lòng từ bi của mình, là bóp chết cái mầm thương yêu rất quý báu trong tâm hồn chúng ta. Đức Khổng Tử có dạy:”Văn kỳ thanh bất nhẫn kiến kỳ thực, Kiến kỳ sinh bất nhẫn kiến kỳ tử”. (nghe tiếng kêu la của con vật, không nỡ ăn thịt nó, thấy nó sống không đành thấy nó chết). Như vậy người có tâm từ bi hay lòng nhân từ đều không nỡ giết hại người hay loài vật.

Tránh nhân quả báo ứng oán thù.

– Khi chúng ta giết một người hay một con vật thì sự oán hận của họ tràn trề khó dập tắt được. Họ vì cô thế, vì yếu sức nên bị ta giết hại. Trong khi ấy, họ ôm lòng căm hận, chờ gặp dịp báo thù, hay con cái thân nhân họ sẽ báo thù lại. Cứ thế mỗi ngày ta đều gieo căm hờn cho người và vật, tích lũy lâu ngày, khối oan gia ấy to hơn sức ta, chừng ấy ta bị nó sát hại lại.Càng tạo nghiệp sát, càng lao mình vào đau khổ. Phật dạy: “Người thường sinh tâm sát hại, càng tăng trưởng nghiệp khổ, mãi xoay vần trong sinh tử, không có ngày ra khỏi”.

Vì những lý do trên, đức Phật cấm phật tử không giết hại. Không giết hại, sẽ có những điểm lợi ích sau đây:

Một người không tàn nhẫn sát nhân, hại vật, không độc ác làm đổ máu, không lóc da, xẻ thịt, chặt đầu, thắt cổ, thì trong lòng không bứt rứt, hối hận, thân tâm được nhẹ nhàng, thơ thới, giấc ngủ được an lành, nét mặt được hiền hòa, trong sáng.
Nếu tất cả nhân loại trên thế giới này đều giữ đúng giới thứ nhất của Phật dạy, thì chiến tranh sẽ không có, cho nên Tổ xưa có dạy: “Hết thảy chúng sinh không nghiệp giết, mười phương nào có nổi đao binh. Mỗi nhà, mỗi chốn đều tu Thiện. Lo gì thiên hạ chẳng thái bình”.

Căn cứ vào đời sống gương mẫu của đức Phật, chúng ta hiểu rằng khi đặt ra giới cấm không sát sinh này, Phật không chỉ giới hạn vào việc tôn trọng và bảo vệ sự sống của con người, mà còn là tôn trọng và bảo vệ sự sống của tất cả mọi sinh vật. Ngay cả đến cỏ cây hoa lá, dù không phải là hữu tình chúng sinh, không có tình cảm khổ vui, Ngài cũng dạy rằng nên tôn trọng, không tàn phá bừa bãi. Đó là thói quen tốt của người Phật tử, không sử dụng bạo lực. Từ sự giác ngộ lại được bản thể chân tâm, đức Phật đã thấy tất cả chúng sinh hữu tình đều trải qua những vòng sinh tử luân hồi và thấy rõ những mối liên hệ với nhau qua nhiều dạng thể khác nhau. Bây giờ một số chúng sinh đang sống dưới hình thức những con vật thấp kém nhưng trước đây họ có thể đã mang hình dạng cơ thể con người. Vì lòng từ bi vô bờ bến Ngài không muốn chúng ta ăn thịt lẫn nhau nên Ngài đã ban hành giới cấm đầu tiên là giới không sát sinh. Ngài nói: “Tất cả chúng sinh vì tâm tưởng khác nhau, do vậy có sự xoay vần trong các loài”. Ngài nói rõ thêm “Hữu tình luân hồi thọ sinh trong sáu đường như bánh xe quay không có đầu mối trước sau, hoặc làm cha mẹ, hoặc làm con cái, đời đời kiếp kiếp mang ân lẫn nhau…”

Nói về giới không sát sinh này, Ngài Trần Thái Tông, vị vua khai sáng ra triều đại nhà Trần, cũng đã viết trong Khóa Hư Lục như sau: “Phàm các loài sinh từ trứng, thai, ẩm, hóa, tính vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết đâu khác. Chỉ do tạo nghiệp kết oán, nên thọ tên khác hiệu khác. Ngày trước vốn loài người, nay sinh đàn giống khác nhau. Hoặc là bạn bè, hoặc là anh em. Thay đổi áo xiêm đai mũ, biến làm mai vẩy cánh lông. Vợ quên chồng, chồng quên vợ, con trái cha, cha trái con. Đã thấy đổi đầu khác mặt, lôi về mổ bụng chặt chân. Chỉ lo tham sống sợ chết, lại không một lời kêu đau khổ. Ngươi giết nó, nó giết ngươi, hắn ăn mày, mày ăn lại hắn, hằng không ngày dứt, mãi tạo oan trái. Kiếp kiếp trả nhau, đời đời thù nhau. Người quay đầu liền đến quê nhà, kẻ phóng tâm hằng chìm địa ngục”. Sách Nho dạy: “Thi ân bố đức”. Kinh Đạo dạy: “Ái vật hiếu sinh”. Phật ngăn cấm sát là giữ giới, ngươi phải để ý tuân hành chớ phạm”. Đây là Ngài căn cứ theo quy luật nhân quả để nhắc nhở chúng ta nên cẩn thận trong mọi hành vi bao gồm thân làm, miệng nói và ý thức suy tư mà đạo Phật gọi là ba nghiệp thân khẩu ý. Nghiệp là hành động sẽ đưa đến kết quả tốt hay xấu. Do đó nếu chúng ta làm những điều xấu ác thì chúng ta sẽ bị quả xấu mà thường hay gọi là nghiệp báo.

Những tai họa, tật nguyền hay hình dáng của chúng sinh mà ngày nay chúng ta thấy khác nhau đều có nguyên nhân nếu không xảy ra trong đời hiện tại thì cũng đã được tạo ra trong khoảng thời gian của vô lượng kiếp quá khứ. Do sức mạnh của nghiệp, nghiệp lực thúc đẩy những hành động thiện hay bất thiện đã tồn trữ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ đó hiện hành, tạo ra những kết quả mà ngày nay chúng ta đang gặp. Nói tóm lại, sát sinh nghĩa là giết hại, dùng bạo lực chấm dứt sự sống của những sinh vật cũng thiết tha muốn sống như mình. Nếu đã khởi tâm muốn giết đưa tới thực hiện thì tất cả các hành động sát sinh, bất luận loại nào, tuy có nặng nhẹ khác nhau, cũng đều phạm tội sát sinh.

Tại Hoa Kỳ, người ta ước lượng hàng năm có đến 135 triệu súc vật và 3 tỷ gia cầm bị giết để cung cấp thịt làm thực phẩm cho dân chúng. Trong khi mọi người vui vẻ thưởng thức các món ăn khoái khẩu, có mấy ai liên tưởng đến số lượng khổng lồ các loài động vật đang bị giết chết một cách thảm thương trong các lò sát sinh chăng? Bạn đã bao giờ đến lò sát sinh, đã bao giờ tận mắt chứng kiến tại đó có rất nhiều tiếng kêu la thất thanh của những con vật bị đập đầu, bị điện giật hay là bị bắn giết?

“ Ở Tây Tạng các loài dã thú đều được bảo vệ theo giới luật của Phật Giáo. Vào đầu thế kỷ thứ 17, chúng tôi đã ban hành một đạo luật về bảo vệ môi trường và phát triển. Vì thế, Tây Tạng có thể là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có những kế hoạch về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chính yếu môi trường của chúng tôi được bảo vệ tốt đẹp là đều tùy thuộc vào bổn phận, trách nhiệm và đức tin đã thấm nhuần và ăn sâu vào tâm tư của mỗi người dân chúng tôi từ thuở thiếu thời.” Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng phát biểu:

Có một số người tưởng rằng sự ăn chay của đạo Phật cũng giống như của một số tôn giáo khác. Ví dụ như vẫn ăn thịt các loài chúng sinh khác, hoặc chỉ ăn chay một số ngày trong tháng để cầu xin gì đó, giống như một sự đổi chác với thần linh. Không phải vậy, đạo Phật ăn chay vì lòng từ bi, vì để bảo vệ quyền sống, không những chỉ quyền sống của loài Người (Human Rights), mà cả Quyền Sống của Loài Vật (Animal Rights) nữa, theo đúng với tâm nguyện từ bi bình đẳng của đức Bổn Sư Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nhà thơ Gary Snyder (1930) người Mỹ đã sử dụng giáo lý Phật giáo và thế giới quan của người Mỹ bản địa thành lập Đạo đức học sinh thái của ông. Ông cho rằng: “Cỏ cây và động vật đều là người (people), phải có nhân quyền giống con người”. Gary Snyder đề xướng tất cả vạn vật trong giới tự nhiên đều có quyền lợi cơ bản của nó, chẳng hạn như động vật có “quyền của động vật”, cỏ cây có “quyền của cỏ cây”, ông cũng tin cỏ cây có “tiềm lực giải thoát”. Hay như thí nghiệm của IKEA – hãng nội thất danh tiếng của Thụy Điển đã tiến hành một thí nghiệm tại một trường học ở các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), thí nghiệm này ban đầu không gây nhiều chú ý, nhưng kết quả của nó đã gây chấn động thế giới, chậu cây bị dọa nạt, bạo lực bằng lời nói như: “ Bạn là đồ bỏ đi, đồ vô dụng, bạn không tươi xanh chút nào hay bạn chẳng được ai yêu thích không có công dụng gì… đã héo úa, còn chậu cây nhận được những lời nói khích lệ và yêu thương thì tươi xanh.

Trái đất của chúng ta sở dĩ lâm vào tình trạng nguy khốn như hiện nay là vì chúng ta sống không có chính niệm, chúng ta sản xuất và tiêu thụ một cách thiếu ý thức, tạo ra quá nhiều chất độc gây ô nhiễm cho môi trường, làm trái đất bị nóng lên, khí hậu trở nên khắc nghiệt; bạo động, kỳ thị, hận thù và tuyệt vọng ngày càng gia tăng ở khắp nơi. Đó là con đường thực tập chính niệm. Nếu chúng ta không thực tập tiêu thụ có chính niệm đối với bốn loại thức ăn: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực,thức thực mà Phật đã dạy thì chúng ta khó mà cứu vãn được hành tinh của chúng ta. Mỗi người chúng ta phải đánh thức đức Bụt trong ta dậy, bởi vì chúng ta cần tuệ giác của toàn thể cộng đồng nhân loại thì mới có đủ khả năng và điều kiện để khôi phục lại sức sống của hành tinh thân yêu của chúng ta.

Tapchinghiencuuphathoc.vn Triết Lý Phật Giáo Trong Việc ứng Xử Với Môi Trường Sinh Thái

Chúng ta phải nhìn cây cối, sông nước, bầu không khí cũng cần phải được bảo vệ, vì tất cả đều có sự sống.

2.3 Phóng sinh (Bảo vệ sinh mạng)

Phóng sinh (Tsethar) là một hành động và nghi lễ truyền thống trong Phật giáo chỉ về cách thực hành để cứu súc vật, chim chóc, cá khỏi bị giết hại hay giam nhốt. Phóng sinh thường được hiểu đơn giản là khi gặp một con vật bị nạn, thì ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết, thì bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Phóng sinh là trao cho sinh vật nào đó cơ hội tiếp tục sống.

Theo quan niệm của Phật giáo, phóng sinh là cứu mạng người, kéo dài sự sống của họ hay sinh vật nào đó. Chuyện phóng sinh là thể hiện tâm từ bi của người thực hiện. Trong đạo Phật phát triển sau này, phóng sinh chỉ là một phương tiện để tu tập. Về mặt hình thức phóng sinh có nghĩa là mình đừng có cùm kẹp mà để cho các loài vật được tự do. Còn về nghĩa bóng, phóng sinh là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham, cái tâm đố kị, hơn thua và thù hận ra khỏi con người mình để mình được tự do thoải mái.

Luận Đại Trí độ dạy rằng: “Trong tất cả các tội ác, tội sát sinh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất.” Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Nếu ác nghiệp này có hình tướng thì cho đến cùng tận hư không cũng không dung chứa hết.” Chúng ta ngay trong kiếp này tạo nghiệp giết hại chúng sinh quả thật đã không thể tính đếm được, huống chi là đã tạo trong nhiều đời nhiều kiếp! Nên biết chân lý: “Có nợ phải trả, có tội phải báo.” Việc phóng sinh có thể trưởng dưỡng tấm lòng từ bi của mình. Nên khởi lòng bi mẫn phóng sinh, xem sinh mạng của loài vật như sinh mạng của chính mình. Thực hiện được điều ấy thì không tạo nghiệp giết hại nữa, không thiếu món nợ sát sinh nữa, nên chẳng phải luân hồi thọ báo nữa.

Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Từ bi Toàn cầu tại Đại học California Irvine: “Chúng ta phải nỗ lực, ngay cả khi ngay cả khi thất bại, chúng ta cũng sẽ không có gì phải hối tiếc. Trên hết đây là vấn đề sinh tồn của loài người. Tôi nhớ những người bạn đã chia sẻ về một dòng sông chảy qua Stockholm, có thời gian dài không có loài cá nào sống ở đó được. Tuy nhiên, sau rất nhiều biện pháp thực hiện để giảm thiểu ô nhiễm của dòng sông, các loài cá đã xuất hiện trở lại ở đó. Chăm sóc hành tinh chính là chăm sóc ngôi nhà của chúng ta”.

Kinh Dược Sư Lưu Ly bổn nguyện công đức dạy rằng: “Cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn.” Người phóng sinh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn.

Công đức phóng sinh rộng lớn vô biên, có thể kể tới:

1. Không có nạn đao binh, tránh được tai họa chiến tranh tàn sát.

2. Sống lâu, mạnh khỏe, ít bệnh tật.

3. Tránh được thiên tai, dịch họa, không gặp các tai nạn.

4. Con cháu đông đúc, đời đời xương thạnh, nối dõi không ngừng.

5. Chỗ mong cầu được toại nguyện.

6. Công việc làm ăn phát triển, hưng thịnh, gặp nhiều thuận lợi.

7. Hợp lòng trời, thuận tính Phật, loài vật cảm ơn, chư Phật hoan hỷ.

8. Giải trừ oán hận, các điều ác tiêu diệt, không lo buồn, sầu não.

9. Vui hưởng an lành, quanh năm đều được an ổn.

10. Tái sinh về cõi trời, hưởng phước vô cùng. Nếu có tu Tịnh độ thì được vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc.

Trong kinh Hoa nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện dạy rằng: “Chúng sinh thương yêu nhất là sinh mạng, chư Phật thương yêu nhất là chúng sinh. Cứu được thân mạng chúng sinh thì thành tựu được tâm nguyện của chư Phật.” Trong kinh Phật diệt độ hậu quan liệm táng tống có dạy rằng: “Nên giữ theo tâm từ, ban trải ân huệ đến muôn loài, xem thân mạng muôn loài chúng sinh như thân mạng của chính mình. Mở rộng lòng từ bi, dùng thân mình mà giúp an ổn cho muôn loài, tức là mở con đường hạnh phúc cho chúng sinh. Bảo hộ thân mạng muôn loài, thấm nhuần đến cả cỏ cây, khiến cho muôn loài đều không phải dứt tuyệt.”

Để ngăn ngừa việc sát sinh, đệ tử Phật khi lấy nước thì phải dùng túi lọc để lọc qua, đem sinh vật nhỏ bỏ vào trong đồ đựng riêng biệt, rồi sau thả chúng về với sông suối ao hồ, đây là một kiểu phóng sinh. Sau này, do nhu cầu cao, phóng sinh lại dẫn đến dịch vụ bắt và bán vật phóng sinh. Có người chuyên đi bắt và buôn bán các loại chim để thỏa mãn ý muốn phóng sinh của một số người. Kiểu phóng sinh này thực tế làm mất đi mọi ý nghĩa tích cực.

2.4 Tư tưởng từ bi bất hại

Bất hại (zh. bù hài 不害, ja. fugai, sa., pi. ahiṃsā), cũng gọi Bất sát sinh hay bất tổn sinh (zh. 不殺生, pi. pāṇāṭipātā paṭivirati, pāṇāṭipātā veramaṇī), là một trong những tư tưởng, giới luật quan trọng nhất của đạo Phật. Tư tưởng Bất hại lúc nào cũng giữ một vai trò quan trọng trong các tôn giáo Ấn Độ thời trước Phật Thích-ca nhưng Phật cùng với một vị giáo chủ ngoại đạo là Ni-kiền-tử Nhã-đề-tử (pi. nigaṇṭha nātaputta) là người đầu tiên hệ thống hoá và dùng lý thuyết tâm lý để chứng minh, lấy nó làm cơ bản cho tư tưởng này. Từ đó, tư tưởng bất hại đã trở thành một nguyên lý đạo đức vô song trong các tôn giáo Ấn Độ, đặc biệt trong tất cả các trường phái Phật giáo.

Về mặt tâm lý, đạo đức thì lý do chính vì sao mọi người nên thực hành đạo lý bất hại rất đơn giản: bởi vì ai cũng yêu quý cuộc sống của chính mình, không muốn bị hành hạ hoặc giết hại. Từ tình yêu thương chính mình, lấy đó suy ra hoàn cảnh của tất cả các loài khác kể cả hữu tình và vô tình, không kể là người hay là thú, là con voi hoặc con kiến, là cây cối hay ngọn cỏ, đặt mình vào trạng thái của chúng sinh, mọi vật và cảm nhận điều đó, người ta sẽ từ bỏ việc sát hại. Phật thuyết trong kinh Pháp cú (pi. dhammapada, 129):

Hình phạt ai cũng sợ.
Mất mạng, ai cũng khiếp.
Lấy ta suy ra người.
Chớ giết, chớ bảo giết

Như vậy, tư tưởng Bất hại xuất phát từ lòng bi (sa.,pi. karuṇā) và lòng từ (sa. maitrī, pi. mettā) đối với tất cả chúng sinh. Ai có lòng từ bi, người đó không bao giờ sát hại. Mặt khác, tư tưởng Bất hại cũng mang lợi ích, niềm vui cụ thể cho chính người thực hành, không chỉ là niềm “vui cùng với người” và niềm vui về việc đã thực hiện, một “hành động cao quý” nhất thời. Về mặt này thì đạo Phật có quan niệm không giống với những tôn giáo khác. Theo luật nhân quả (nghiệp, sa. karma) thì người làm lành, không giết hại sẽ gặp hạnh phúc và không bị hại. Từ đó người ta có thể suy ngược lại rằng, ai ôm ấp tư tưởng sát hại, không có lòng từ bi sẽ tự đưa mình đến những hoàn cảnh bất hạnh. Phật trình bày rất rõ trong kệ thứ năm và 225 của Pháp cú kinh:

Hận thù diệt hận thù.
Đời này không thể có.
Từ bi diệt hận thù.
Là định luật nghìn thu.
Hiền sĩ không sát hại.
Điều phục thân mệnh hoài.
Đạt cảnh giới bất tử.
Giải thoát hết bi ai.

Cũng vì những lý do nêu trên mà tăng, ni trong phần lớn các tông phái Phật giáo cũng như nhiều phật tử tại gia đều ăn chay. Bất hại cũng được xếp là một trong 10 Đại thiện địa pháp theo A-tì-đạt-ma-câu-xá luận, là một trong 10 Thiện tâm sở trong giáo lý của Du-già hành phái. Là tâm sở pháp không hãm hại loài khác. Theo giáo lý Duy thức, Bất hại chỉ là danh xưng giả lập từ tâm sở Vô sân (zh. 無瞋), nó sinh khởi tùy theo tác dụng của Vô sân.

Thế giới đầy dẫy những căm thù và bạo động. Chiến tranh là do chúng ta không nuôi dưỡng lòng từ bi. Ăn chay là một trong những phương pháp nuôi dưỡng lòng từ bi của chúng ta. Ăn chay là thực tập bất hại (non harming). Hại (harming) tức là làm hư hoại, tan nát, hại mình, hại người, hại thiên nhiên và những hình thái khác của sự sống xung quanh. Ăn chay là thực tập bất hại. Có người ăn chay chỉ vì muốn thêm sức khoẻ, vì sợ ăn chất béo. Nhưng trong khi ăn chay ta có thể nuôi dưỡng đức từ bi. Ta quan sát thấy một con vật đang bị giết chết để làm thực phẩm, ta không chịu nổi. Ban đầu ta thấy đó là chuyện bình thường và không quá ghê gợn vì khi sinh ra và lớn lên ta đã thấy những cảnh tương tự như thế nên thành quen mắt, quen tai. Nhưng khi ta có đủ trí tuệ và lòng từ bi , ta suy nghĩ nếu bản thân ta cũng giống con vật đó, bị giết hại, bị cắt cổ rồi giãy giụa đau đớn như thế, thì trong ta thấy đau khổ, đau khổ trong tâm và cả thân mình. Vì vậy, khi ta chứng kiến những con gia súc bị giết mổ làm thức ăn, thấy máu, thấy sự quằn quại đau đớn của chúng, ta cảm thấy lòng mình bất an, thiếu an ổn và quặn lên sự đau xót. Nhiều người chứng kiến cảnh đó một lần thì phát nguyện ăn chay trường luôn.

Ngoài ra, chúng ta phải nhìn cây cối, sông nước, bầu không khí cũng cần phải được bảo vệ, vì tất cả đều có sự sống. Bất hại (ahimsa) là một đức rất lớn trong đạo Bụt. Khi chúng ta thiếu tâm bất hại, chúng kiến sự giết chóc và tàn hại đời sống mà không động lòng, thì chúng ta không có hạnh phúc, không có niềm an vui, an ổn. Không có tình thương thì không có hạnh phúc. Ngày xưa có một thi sĩ viết về bát canh thịt như sau:

Ngàn năm qua một bát canh
Oán sâu biển cả hận thành non cao
Muốn hay nguồn gốc binh đao
Lắng nghe quán thịt tiếng gào thâu đêm.

Chỉ cần nhìn vào trong bát canh và miếng thịt trong đó. ta sẽ thấy niềm oán hận của các loài bị tàn sát; nỗi oán hận này sâu như biển, lớn như núi. Nếu muốn biết được bản chất của chiến tranh ở trên thế giới, chỉ cần nửa đêm thức dậy lắng nghe tiếng gào thét của những con vật đang bị sát hại ở nhà đồ tể. Cho nên nếu có nhiều người thực tập ăn chay đàng hoàng thì chiến tranh sẽ giảm. Có rất nhiều nhà chính trị, kinh tế và khoa học đang nghiên cứu cách thức làm giảm bớt chiến tranh. Nhưng chúng ta phải biết rằng chiến tranh chỉ có thể giảm bớt khi tâm từ của chúng ta phát triển. Ăn chay để tâm từ bi và tâm bất hại phát triển trong lòng từ trẻ em đến người lớn, tốt hơn nữa là tâm từ bi này nảy mầm từ khi còn là bào thai, được ươm trong lòng cha mẹ ăn chay, niệm Phật và có tâm từ bi bất hại, thì đứa bé đã sớm được tiếp nhận giáo dục tình yêu thương, đó là một trong những phương pháp hay nhất để mang lại hoà bình.

Tôi nằm hấp hối
Trên mạn thuyền
Em phải giết tôi
Vì mạng sống của em

Có người nói rằng: “Trời sinh con cá để cho người ăn, tại sao không ăn? Người ta sẽ hỏi lại: Trời sinh con người để làm thức ăn cho vi trùng, hay cọp beo, tại sao không để cho vi trùng hay cọp beo ăn?”

2.5 Tinh thần vô ngã vị tha

Một chân lý hiển nhiên đã được kiểm chứng thực nghiệm là ai đang đi trên lộ trình hướng đến “Vô ngã” thì người đó sẽ dần đạt đến cảnh giới hạnh phúc, an vui và giải thoát. Ngược lại, ai đang đi trên con đường hướng đến “Chấp ngã” ích kỷ thì chắc chắn rằng người ấy lún dần vào hố sâu nguy hiểm của sự khổ đau triền miên bất tận.

V ô ngã là một phần rất quan trọng trong giáo nghĩa cơ bản của Phật giáo, là một trong Tam pháp ấn (Vô thường, Vô ngã, Niết bàn). Vô ngã quán cũng gọi Giới phân biệt quán là pháp quán tưởng thân người do sáu thứ: đất, nước, gió, lửa, không, thức giả hợp thành, không phải thật có để xả bỏ ngã chấp thuộc Ngũ đình tâm quán (Bất tịnh, Từ bi, Duyên khởi, Giới phân biệt, Sổ tức). Hiểu sâu và thực hành đúng triết lý Vô ngã là con đường tất yếu đưa chúng ta vượt qua biển khổ sống mê đến bến bờ an lạc, hạnh phúc. “Vô ngã nghĩa là không có cái ta chắc thật. Ngã là vĩnh viễn bất biến (thường), tồn tại độc lập, sở hữu chủ trung tâm (chủ), có năng lực chi phối, là sự thật có của linh hồn hoặc bản thể. Chủ trương tất cả sự tồn tại không có cái Ngã như thế mà nói Vô Ngã, gọi là Chư pháp vô ngã”.

Trên căn bản quán nhân duyên đúng như thật, đức Phật nhận thấy giữa Ngài và các loài có mối tương quan tương duyên cộng tồn rất mật thiết và sự hiện hữu tốt hay xấu đều do mình quyết định. Vì vậy, Phật quyết định xây dựng con người vì muôn loài, nói cách khác, xây dựng người là xây dựng mình, cứu giúp người chính là cứu giúp mình. Lo cho chúng sinh tốt, trong đó có mình cũng được hưởng sự tốt đẹp; đó chính là ý nghĩa đúng đắn của vị tha vô ngã. Ngày nay loài người khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, làm trái đất này bị ô nhiễm gây ra nhiều bệnh trầm trọng và rút ngắn thọ mạng của con người. Vì mục đích vị kỷ, chỉ muốn làm giàu cho bản thân, nhiều người đã hủy hoại môi trường sống, trong đó có sự sống của họ tất yếu cũng không thể thoát khỏi tác động xấu. Thiết nghĩ thể hiện pháp vị tha vô ngã trong thời hiện đại đồng nghĩa với bảo vệ môi trường sống của muôn loài và cũng là thiết thực bảo vệ sự sống của chính mình.

Tóm lại, tinh thần “Vô ngã vị tha” là nét nhân cách độc đáo và xuyên suốt của những người con Phật giáo trong Phật giáo Việt Nam, và có lẽ cũng là nét nhân cách mà con người trong xã hội hiện đại cần hướng tới, nhằm mục đích xây dựng một xã hội Chân- Thiện- Mỹ với cuộc sống an vui hạnh phúc thật sự.

2.6 Triết lý duyên khởi: Cơ sở của quan điểm bảo vệ môi trường sinh thái

Trong khi tất cả chúng ta đang khủng hoảng trong việc tìm kiếm một giải pháp cho công cuộc bảo vệ môi sinh thì đức Phật đã dạy bài học này từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước trong bài pháp Duyên Khởi: không có sự tồn tại độc tôn giữa người với người, giữa người với động vật, giữa người với môi sinh. Vậy thì con người không được phép giết hại lẫn nhau bằng súng đạn chiến tranh, giết hại thú vật và phá hoại cây cối.

Nguyên lý Duyên khởi của Phật giá: Khi cái này có thì cái kia có; Khi cái này hiện, cái kia hiện; Khi cái này không, cái kia không; Khi cái này mất, cái kia mất). Học thuyết Duyên khởi của Phật giáo chỉ ra rằng con người là tập hợp 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong đó, sắc uẩn của một người bao gồm thân vật lý của người ấy và toàn thể thế giới vật lý. Điều đó có nghĩa thiên nhiên thực sự là cơ thể của con người, chính xác là một phần rất lớn của cơ thể con người. Con người không thể tồn tại được nếu không có môi trường. Nếu môi trường hay thiên nhiên bị ô nhiễm trầm trọng thì cơ thể vật lý của con người, hay đời sống của con người cũng bị hủy diệt.

Vạn pháp tương duyên, tương sinh với nhau và các mối liên hệ với con người rất quan trọng trong bối cảnh xã hội. Phật giáo Đại thừa xem tất cả vạn pháp là sự hiển thị của Phật tính, vạn pháp đều có Phật tính. Vạn pháp này không chỉ bao gồm loài vật hữu tình mà cũng bao gồm thực vật, vật vô cơ không có tình cảm ý thức. Tuy vậy, tương quan giữa con người với các phương diện sinh thái cũng đóng vai trò chính yếu cho sự tồn tại của loài người. Tất cả các loài có sự sống và không có sự sống trong thiên nhiên đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chúng hỗ trợ, giúp đỡ nhau để sinh tồn lâu dài hơn. Mỗi cá thể nhân loại có liên hệ với nhau, với các loài động thực vật cũng như với toàn hệ sinh thái. Dù cho các mối liên hệ này ở tầm vĩ mô hay tầm vi mô, nó vẫn hiện hữu. Vì vậy, để hiểu được vũ trụ và sự liên kết phức tạp trong mạng lưới của nó, chúng ta cần phải nhìn vào bên trong chính mình để nhận thức tiềm năng và bản thân chúng ta trước. Kiến thức về vũ trụ và các mối quan hệ phức tạp của nó có thể cơ bản giúp thay đổi thái độ hành xử của con người chúng ta đối với thiên nhiên. Ngay trong việc thực tập tu tập theo đạo Phật, lòng trắc ẩn chính là một thể hiện về quan điểm đối với môi trường. Do vậy, lời dạy của đức Phật có thể được sử dụng để khai sáng cho loài người về sự đồng sinh tồn, không thể chia tách giữa con người và thiên nhiên.

Hữu tình – vô tình đều bình đẳng với nhau, vì thế cần có thái độ phù hợp bình đẳng, không quá coi trọng loài hữu tình mà xem nhẹ loài vô tình. “Loài vô tình có tính giác” và cần yêu quý thiên nhiên, đây là tinh thần cơ bản của quan điểm về thiên nhiên của Phật giáo. “Không chỉ tất cả chúng sinh hữu tình mà ngay cả các loại vô tình như cỏ cây, gạch đá cũng có Phật tính”. “Một hạt bụi có đủ Phật tính của tất cả chúng sinh, cũng có đủ Phật tính của chư Phật trong mười phương”. Đại sư Trạm Nhiên (711-782) của Thiên Thai Tông định nghĩa rõ ràng: Loài vô tình có tính giác là chỉ sông núi, đất đai, gạch đá v.v…không có tình cảm ý thức đều có Phật tính. Thiền Tông còn nhấn mạnh hơn “Hoa vàng thơm ngát không gì chẳng phải là Bát-nhã, trúc biết xanh tươi há lại chẳng phải là Pháp thân?”. Một cọng cỏ, một thân cây trong đại tự nhiên đều là sự biểu lộ của Phật tính, đều có giá trị tồn tại của nó. Dựa trên nguyên lý này, làm thanh tịnh quốc độ, yêu quý thiên nhiên chính là sứ mạng về thiên nhiên của Phật giáo. Sư Trạm Nhiên đã viết trong Kim Cương Ty như sau: “Thuyết Tùy duyên bất biến được rút ra từ Đại giáo, lời nói cỏ đá vô tình phát sinh Tiểu tông”. Tùy duyên bất biến là nói bản thân Phật tính, đều có giá trị bình đẳng. Đây là lý luận của Phật giáo Đại thừa. “Đại địa luân lý học thay đổi địa vị của nhân loại là từ chinh phục trái đất-xã hội chuyển thành một thành viên và công dân bình thường trong đó”. Điều này có nghĩa là nhân loại phải tôn trọng các sinh vật bạn bè khác và cũng dùng thái độ bạn bè tôn trọng xã hội, đại địa. Hành vi con người phải có lợi ích cho sự cộng tồn của vạn vật.

Triết học gia môi trường người Mỹ, Holmes Rolston là người kế thừa Đại địa luân lý học của Aldo Leopold, ông ta chỉ ra: “Một loài (sinh vật) trong môi trường nó sinh ra và lớn lên trở thành chỗ của nó. Luân lý học môi trường phải phát triển thành Đại địa luân lý học, phải có sự tôn trọng thích đáng với tất cả cộng đồng sinh vật có quan hệ mật thiết của các thành viên. Chúng ta phải quan tâm hệ thống sinh thái của đơn vị sinh tồn cơ bản này”. Theo lý tương tức thì chúng sinh được làm bởi những yếu tố không phải chúng sinh. Nhìn vào bản thân mình, ta sẽ thấy có cả khoáng vật và nhiều yếu tố không- phải- chúng-sinh khác. Như vậy thì tại sao ta lại phân biệt ta và những cái mà ta gọi là vô tri giác? Để bảo vệ tất cả các chúng sinh, ta phải bảo vệ cả đất đá, sông hồ và đại dương. Con người và thiên nhiên không thể tách rời nhau ta nên đối xử với thiên nhiên như đối xử với chính bản thân mình, với tất cả sự cẩn trọng nhẹ nhàng, với tất cả tình thương yêu như yêu thương chính bản thân ta vậy. Nếu chúng ta không muốn bị bệnh tật, bị đau khổ, vì thương tổn, bất an thì ta cũng không làm thương tổn tới thiên nhiên. Toàn thể vũ trụ và vạn vật trong đó đều có tính tôn nghiêm, nó là sự tồn tại trên loại ý nghĩa này. Nói cách khác, vật vô sinh và vật vô cơ của giới tự nhiên cũng đều có tính tôn nghiêm. Đất đai, không khí, nước, nham thạch, suối, sông, biển…. tất cả các vật này đều có tính tôn nghiêm. Nếu con người xâm phạm tính tôn nghiêm của nó chính là xâm phạm tính tôn nghiêm của chính chúng ta.

Hành tinh của chúng ta có rất nhiều loại sinh vật khác nhau, mọi loài đều nương tựa vào nhau để giúp nhau tồn tại, cho nên chúng ta luôn có mặt cho nhau, chúng ta cần phải ôm lấy đất mẹ với tất cả trái tim của mình và dang rộng hai cánh tay để bảo vệ tất cả các loài sinh vật trên trái đất.

Tình dữ vô tình đồng thành Phật đạo, vô tình chúng sinh chỉ cho cây cỏ, rừng núi. Một câu chuyện bao hàm Sinh thái quan của Thiền tông để cùng suy ngẫm: Có một vị Hòa thượng biết được một vị Thiền sư ngộ đạo sống một mình bên bờ một con sông, vì thế quyết định đến tham vấn. Trải qua vài tháng trèo đèo vượt suối, cuối cùng ông cũng đến được bên bờ sông gần nơi vị Thiền sư ở. Lúc đó, vị Hòa thượng này bỗng thấy một lá cây rất đẹp từ am tranh nơi vị Thiền sư rơi xuống trôi lênh đênh trên dòng nước, ông vô cùng thất vọng, đang lúc muốn bỏ đi thì thấy vị Thiền sư chạy dọc theo dòng sông, đuổi theo chiếc lá đó, cuối cùng vớt được nó lên và mang về am tranh. Vị hòa thượng này thấy vậy rất vui, tự nghĩ mình đã tìm được một vị Chân sư.

Khi ta muốn bảo vệ môi trường sinh môi, trước tiên ta phải chăm sóc chính mình, làm cho bản thân ta mạnh hơn, mạnh về nội tâm, khi đủ mạnh rồi ta sẽ không còn lo lắng, bất an. Một cá nhân biết chăm sóc chính mình, khi nhiều cá nhân cũng biết chăm sóc chính họ, vậy chúng ta được một tập thể biết chăm sóc những nguồn năng lượng tốt đẹp ấy. Khi càng nhiều năng lượng cá thể tốt, người ta sẽ hạn chế dần sự độc chiếm, sự tàn phá, sự hủy hoại thế giới xung quang, trong đó có cả môi trường thiên nhiên.

Thiền sư Nhất Hạnh đã nhắc nhở cho chúng ta nhớ rằng mình đã từng là đá, là mây, là cây lá. “Con người là sinh vật mới xuất hiện gần đây thôi. Chúng ta nên nhớ lại nguồn gốc xa xôi của mình, để biết khiêm tốn hơn”. Mỗi sáng, khi ta tiếp xúc với một ly trà, cầm ly trà trên tay, khứu giác ta thấy ly trà này rất thơm, mạc giác ta cảm nhận thấy hơi ấm từ ly trà lan tỏa vào tay ta. Nhưng nhìn sâu vào ly trà, là có cả một thế giới, ta thấy được nụ non trà mới nhú, thấy được bầu trời nhiều mây, những cơn mưa nuôi dưỡng đất để cây trà phát triển, thấy được cả những giọt mồ hôi của người nông dân…Có cái nhìn sâu trong chính niệm như thế, ta mới biết ta không chỉ có ly trà mà ta có cả thế giới, có như vậy ta mới biết trân quý thế giới xung quanh ta, cả thế giới hữu hình và vô hình. Có là một ly trà, một cây cỏ hay một lạt lúa đều chứa đựng cả thế giới.

3. Lời kết

Chúng ta còn là một bào thai trong bụng mẹ hay sinh ra đời với mọi phức cảm hớn hở, chúng ta phải dựa vào người khác đặc biệt là mẹ để có những tiếng nói bập bẹ bước chân bé nhỏ đầu tiên. Sự tồn tại và phát triển của một cá nhân phụ thuộc vào một cộng đồng. Cộng đồng là nguồn hạnh phúc của chúng ta, vì vậy chúng ta phải chăm sóc cộng đồng đó. Hãy cùng cộng đồng nỗ lực không ngừng để bảo hộ đất mẹ, nhìn sâu vào những điều xảy ra trong quá khứ, nhìn sâu vào những gì đang có ở hiện tại để nguyện mỗi giây phút này chúng ta sẽ tư duy và hành động vì nhân loại, vì thế giới bảo vệ môi trường sinh thái và đó cũng là vì bảo vệ sự sống của chính chúng ta.

Tác giả: TT.TS Thích Hạnh Tuệ – BTV Lưu Hồng Hoa

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Vạn Trân, Bùi Thị Trà Giang, (2018) Cơ sở môi trường sinh thái, Nxb Tài nguyên môi trường & bản đồ Việt Nam
2. Charles Darwin, Orkid dịch (2019), Nguồn gốc muôn loài, Nxb tri thức
3. Joanthan landaw, Thích Chân Tính dịch, (2012) Lược truyện Đức Phật Thích Ca, Nxb Tổng hợp TPHCM
4. Thích Nhất Hạnh, (2005), Đường xưa mây trắng, Nxb Tôn giáo
5. Thích Nhất Hạnh, (2018), Không diệt không sinh đừng sợ hãi, Nxb Hội nhà văn
6. Thích Nhất Hạnh, Chân Hội Nghiêm chuyển ngữ, (2020), Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và sinh môi, Nxb Lao động
7. Thích Hạnh Tuệ (2019), Văn học Phật giáo Việt Nam một hướng tiếp cận, Nxb Khoa học xã hội.
8. Thích Hạnh Tuệ (2018), Hạnh phúc Minh Trần, Nxb Lao động.
9. Thích Thanh Kiểm (2003), Khóa hư lục, Nxb Tôn giáo
10. Thích Phụng Sơn (2003), Những nét văn hóa của Đạo Phật. Nxb Tôn giáo
11. Thích Nguyên Hiệp, Đạo Đức Học Phật Giáo Và Vấn Đề Môi Trường. Thư Viện Hoa Sen. Tải xuống ngày 27 tháng 10, 2015. https://dieungu.org/a14074/dao-duc-hoc-phat-giao-va-van-de-moi-truong-thich-nguyen-hiep
12. Thích Tâm Pháp, Phật Giáo và Môi Trường trong Tuyển tập Phật Thành Đạo. Nhiều tác giả, ở Phần III. Tải xuống ngày 20 tháng 10, 2015. http://www.tuvienquangduc.com.au/DucPhat/40td-tamphap.html
13. Thích Trí Siêu ( 2008), Xin cứu độ Đất mẹ, Nxb Phương Đông
14. Tuệ Sỹ (2020), Duy ma cật sở thuyết, Nxb Phương Đông
15. Nguyễn Thị Ngọc, 2019. Chính sách bảo vệ môi trường của một số nước Châu Âu và gợi mở cho Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội
16. Ngô Thế Vinh ( 2009), Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng, Nxb Văn nghệ mới
17. Vũ Quang Mạnh ( 2011), Môi trường và con người sinh thái học nhân văn, Nxb Đại học sư phạm
18. Evrlyne Blau, Vũ Toàn dịch,( 2007), Thiền, Nxb Lao động
19. TS Hạnh Tuệ – Lưu Hồng Hoa – Nguyễn Ngọc Tấn (2022) Hạnh phúc chỉ nam, Nxb Phụ Nữ

>> Xem thêm: Vai trò của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường