Trang chủ Đời sống Vai trò của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường

Vai trò của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Võ Văn Dũng
Trường Đại học Khánh Hòa
ThS. Võ Thị Hồng Thắm
Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa

Tóm tắt

Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động, các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang hết sức nổ lực tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục tình trạng đó. Nhận thức được tầm quan trọng về vai trò, vị trí của môi trường đối với đời sống của con người Phật giáo chủ trương gắn việc xương minh phật pháp với bảo vệ môi trường để khắc tình trạng trên. Bài viết sẽ làm rõ vai trò của đạo Phật trong việc bảo vệ và ứng xử với môi trường sống.

Từ khóa: ô nhiễm, môi trường, xương minh phật pháp, vai trò, Phật giáo.

1. Dẫn nhập

Có thể nhận thấy rằng trong những năm gần đây trên thế giới nói chung và ở Việt nam nói riêng xẩy ra rất nhiều thảm họa của tự nhiên. Đó là sự nóng lên của trái đất, sóng thần, lũ lụt, môi trường ô nhiễm, sự xâm nhập mặn, v.v xẩy ra liên tục và trên phạm vi rộng lớn. Những thảm họa đó không chỉ đã đẩy con người rơi vào cảnh không nhà cửa, không lương thực, nước uống, v.v mà còn cướp đi sinh mệnh của rất nhiều người. Các thảm họa đã và đang xẩy ra bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người. Để góp phần khắc phục thực trạng đó, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra rất nhiều giải pháp khác nhau nhằm góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Quá trình nghiên cứu về triết lý đạo Phật, chúng tôi nhận thấy rằng trong giáo lý có rất nhiều điểm khuyên con người sống chan hòa với môi trường. Phật giáo luôn giáo dục con người phải biết đối xử với môi trường một cách trân trọng. Phật giáo xem môi trường là một cơ thể sống động và tồn tại song hành với sự sống của con người, do vậy con người và môi trường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nếu xem môi trường là chủ thể thì con người được xem là khách thể. Sự sống của con người không thể tách rời với môi trường nên con người phải biết bảo vệ, có như thế con người mới có cuộc sống tốt đẹp và lâu dài. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu về vai trò, vị trí của đạo Phật trong việc bảo vệ môi trường. Làm rõ các phương pháp để bảo vệ môi trường của đạo Phật.

Vai trò của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường cho đến nay đã có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm như: Thích Chơn Thiện, Quan niệm của Phật giáo về môi sinh và đạo đức môi sinh, Thư viện Hoa Sen; Thích Nguyên Hiệp, Đạo đức Phật giáo và vấn đề môi trường, Sangdaotrongdoi.vn,… Nhìn chung các công trình đã bước đầu làm rõ vai trò của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do các tiếp cận vấn đề khác nhau về vai trò của Phật giáo đối với môi trường nên các công trình nghiên cứu không thống nhất. Sự không thống nhất này xét ở một khía cạnh nào đó sẽ tạo ra những kết quả đa chiều trong cách nhìn về Phật giáo đối với môi trường. Trong bài viết này, tác giả sẽ sử dụng thế giới quan và phương pháp luận của triết học, đồng thời tác giả còn sử dụng các phương pháp khác như: tra cứu cơ sở văn bản học, phân tích và tổng hợp, diễn dịch và quy nạp, lôgíc và lịch sử, so sánh, khái quát.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Vai tro cua Phat giao trong bao ve moi truong 1

HT.Thích Gia Quang trình bày tham luận tại Hội nghị toàn quốc Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH vào tháng 12/2015. Ảnh: Tạp chí Môi trường

2. Nội dung

2.1. Vai trò và tầm quan trọng của Phật giáo đối với việc bảo vệ môi trường

Môi trường bao gồm tất cả các yếu tố vô sinh và hữu sinh có tác động, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe, đến đời sống con người. Môi trường cung cấp cho con người không gian để sống, tài nguyên để sản xuất và là nơi chứa đựng các chất thải. Môi trường có vai trò to lớn đối với con người, nhưng trong thời gian gần đây nhiều nhà khoa học, nhà quản lý của các quốc gia trên thế giới đều có chung nhận định về sự biến đổi của môi trường mà nguyên nhân chủ yếu là do sự tác động thô bạo của con người. Để cứu vãn tình hình đó nhiều hội nghị, hội thảo đã diễn ra khắp nơi trên thế giới nhằm truyền đi những thông điệp, cảnh báo về vấn đề môi trường, kinh tế xanh, v,v. để bảo vệ môi trường một cách tích cực. Chung tay với việc bảo vệ môi trường, ngay từ khi xuất hiện Phật giáo đã khuyến khích các tín đồ của mình sống gần gũi với môi trường, hòa mình với thiên nhiên, giảm thiểu các yếu tố tác động đến môi trường và bảo vệ môi trường. Phật giáo cho rằng, khi con người hòa mình vào tự nhiên thì tâm trạng sẽ trở nên thanh thản, nhẹ nhàng và giảm tải được những áp lực của cuộc sống. Có thể xem Phật giáo là một tôn giáo gắn chặt với việc bảo vệ môi trường, điều đó được thể hiện ở việc tôn trọng sự sống, yêu mến tự nhiên và đề cao bình đẳng giữa các loài. Thái độ của Phật giáo đối với môi trường là một sự trân trọng và gần gũi. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra hiện nay, Phật giáo cho rằng đó là do nghiệp mà ra. Hành vi thô bạo của con người tác động vào tự nhiên trái với quy luật dẫn đến con người đang phải gánh chịu hậu quả bởi bầu không khí ô nhiễm, thiên tai đe dọa. Phật giáo giải thích các hiện tượng đó là quả báo mang tính tất nhiên. Từ đó khuyên con người phải biết đối xử với tự nhiên một cách trân trọng, phải nhận thấy nghiệp của mình khi đối xử bất công với tự nhiên và phải sửa được sự can thiệp vào tự nhiên một cách thô bạo. Việc khắc phục tình trạng đó không phải là công việc của cá nhân mà nó là công việc của cộng đồng trên toàn thế giới. Nhận thấy môi trường đóng vai trò quan trọng đối với con người, Phật giáo cho rằng phải làm cho con người hiểu được luật nhân quả để mọi người sống đúng, có lòng vị tha, biết yêu quý môi trường tự nhiên thì bầu không khí sẽ trở nên trong sạch và thiên tai sẽ được giảm nhẹ. Để góp phần vào việc bảo vệ môi trường, Phật giáo luôn chủ trương giáo dục để mọi người biết yêu quý môi trường. Và con người là đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ tự nhiên nên trách nhiệm của con người là cùng nhau chung sức bảo vệ môi trường.

Nhận thức được vai trò to lớn của môi trường đối với con người nên suốt cuộc đời đức Phật sống rất gần gũi với tự nhiên. Đức Phật chào đời dưới vườn cây “sal”[1], thành đạo dưới gốc bồ đề, chuyển pháp luân ở vườn Nai, nhập diệt dưới vườn cây Sala. Trong quá trình hoàng hóa độ sinh, Ngài chỉ sử dụng đôi chân của mình và nghỉ ngơi dưới những gốc cây. Với trí tuệ uyên bác, đức Phật hiểu rõ tầm quan trọng của môi trường đối với con người. Ngài cho rằng con người và môi trường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong mối quan hệ ấy môi trường có vai trò quyết định còn con người có tính độc lập nhưng lại quyết định tính chất của môi trường. Trong luật tạng Pali quy định, tỳ kheo không được đốn cây, không được nhổ cỏ. Các tỳ kheo được khuyên nên tránh các hoạt động có thể gây tổn thương cho những sinh vật khác. Theo giới luật, đức Phật cấm các đệ tử sát sinh để bảo vệ môi trường sống của muôn loài, sự sống đó sẽ giúp cân bằng sinh thái. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật thường ca ngợi núi rừng, xem núi rừng là nơi trú ẩn lý tưởng cho những vị xuất gia hành đạo. Như vậy, đức Phật dạy các đệ tử phải luôn giữ giới để tránh sát sinh, tránh làm tổn thương sự sống và tránh gây tổn hại đến môi trường.

Trước những thách thức của môi trường, Phật giáo luôn chủ trương thực hành trì giới với nguyên tắc chúng sinh luôn bình đẳng. Ngày nay, con người đang cố gắng chinh phục tự nhiên nhưng sự chinh phục đó không theo quy luật vốn có của nó dẫn đến sự thịnh nộ của tự nhiên. Sự thịnh nộ đó đã và đang mang lại những hậu quả khó lường đối với con người. Để khắc phục tình trạng đó Phật giáo đã đề cao sự tu tập, lòng từ bi, an lac,… Tại các ngôi chùa hiện nay luôn đề cao vai trò của tự nhiên, chính vì thế các ngôi chùa được thiết kế hài hòa với tự nhiên.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Vai tro cua Phat giao trong bao ve moi truong 3

2.2. Phương pháp bảo vệ môi trường của Phật giáo

C.Mác đã từng khẳng định rằng “giới tự nhiên… là thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người, thân thể mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại. Nói rằng đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với tự nhiên, nói như thế chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền với bản thân giới tự nhiên, vì con người là một bộ phận của giới tự nhiên”[2]. Chính vì thế tự nhiên là điều kiện, tiền đề cho con người tồn tại và phát triển. Để bảo vệ môi trường, Phật giáo chủ trương từ bi, “thương yêu chúng sinh, mang lại cho họ niềm an lạc vui sướng gọi là Từ (maitrya, maitri). Đồng cảm với nổi khổ và thương xót chúng sinh, trừ bỏ nổi khổ cho họ gọi là Bi”[3]. Đó là lòng từ bi tuyệt đối bình đẳng khởi lên nhờ giả kiến xa lìa sai biệt và không có tâm phân biệt. Quan điểm từ bi của Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã hòa quyện với lòng nhân ái của người dân tạo nên một nét đạo đức truyền thống hết sức đặc sắc. Chính giá trị truyền thống tốt đẹp đó đã góp phần hun đúc nên cốt cách của người Việt trong cuộc sống hàng ngày, đó là tình yêu quên hương đất nước, yêu chuộng hòa bình và sống chan hòa với tự nhiên.

Sự biến đổi của tự nhiên như: bão lụt, hạn hán, động đất, sóng thần,… đã và đang trở thành nỗi ám ảnh của con người. Tình trạng ca thiệp một cách tàn nhẫn của con người vào môi trường đã làm nó biến đổi và đang đứng trước những thách thức to lớn. Đó là sự nóng lên của trái đất, sự ô nhiễm môi trường, nạn chặt phá rừng tràn lan, tình trạng khai thác tài nguyên một cách vô tội vạ,… Tình trạng đó đã dẫn đến sự ô nhiễm môi trường một cách nặng nề và không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của con người mà còn gây ra sự mất cân bằng sinh thái. Ngày nay muôn loài xuất hiện thêm một nỗi khổ đau quằn quại nữa đó chính là sự ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân của nó bắt nguồn từ sự đối xử bất công của con người đối với tự nhiên, con người đang vắt kiệt toàn bộ gia tài mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Quan niệm từ bi hiện nay được thể hiện trong việc đối xử của con người với môi trường sống của chính mình. Đó là sự yêu mến tự nhiên, yêu mến môi trường, không gây tổn hại đến các loài khác, sinh vật khác, sống hài hòa với tự nhiên, không phá hủy môi sinh,… Sự tác động vào tự nhiên một cách thô bạo sẽ dẫn đến sự nổi giận của tự nhiên, sự nổi giận đó không chỉ đối với hiện nay mà cho cả mai sau. Thực hiện lời Phật dạy về sự từ bi đối với môi trường, sống hài hòa với tự nhiên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng ra sức bảo vệ môi trường sống bằng những hành động thiết thực như: trồng cây xanh xung quanh chùa, bảo hộ rừng, không làm tổn hại đến sinh vật khác,… Như vậy, từ bi có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường sống trong bầu không khí ô nhiễm nặng nề như hiện nay. Lòng từ bi giúp con người đối xử với môi trường một cách trân trọng, và luôn có những hành động đẹp để bảo vệ môi trường.

Tu tính là một trong những phương pháp quan trọng nhằm bảo môi trường của Phật giáo. “Tu là sự tu chỉnh, rèn luyện thân tâm. Tính là cái bản tính vốn lành của người ta, của chúng sinh, tức là cái tính Phật”[4]. Thật vậy, khi con người kìm hãm được sự tham dục thì sẽ làm cho tâm của mình trở nên thiện. Phật giáo cho rằng, sở dĩ con người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm, xét theo góc độ đó thì mọi việc diễn ra đều tuân theo quy luật nhân quả. Trên quan điểm “gieo niềm tin sẽ gặt được phép màu” thì biện pháp tu tính để tịnh hóa tâm hồn trong việc bảo vệ môi trường là một việc làm mang nhiều ý nghĩa. Sự tu tập sẽ giúp con người trừ được ái dục và thoát khỏi sầu khổ, tham lam để đến với sự thanh tịnh. Việc tu tính sẽ giải trừ được lòng tham quá độ của con người và lối sống thực dụng, vô cảm trước những nỗi đau của đồng loại. Trước thực trạng một số tổ chức, cá nhân đang đặt lợi nhuận lên trên hết và trước hết, họ xây các nhà máy, xí nghiệp nhưng không chú trọng đến việc xử lý rác thải. Sự thờ ơ đối với môi trường đã dẫn đến những hậu quả nặng nề như: vụ xả thải trên sông Thị Vải năm 2008; vụ Formosa ở Hà Tĩnh năm 2016 và hàng ngày các hộ kinh doanh, các nhà máy, xí nghiệp xây dựng bên các con sông đang xả thải trực tiếp ra các dòng sông. Những hành động đó đang trực tiếp giết chết các dòng sông và những sự sống trong đó. Bên cạnh đó là sự ô nhiễm về không khí, rác thải,…, cùng với đó là sự khai thác tài nguyên một cách cạn kiệt đã đẩy môi trường vào những thảm họa. Tự nhiên có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con người, nhưng không thể đáp ứng được lòng tham của con người. Chính lòng tham là nguyên nhân chính của mọi tội lỗi xuất hiện. Lòng tham đã làm cho con người chỉ biết tới lợi nhuận mà không chú trọng đến môi trường, sự khai thác tàn nhẫn quá mức làm cho tự nhiên phải trở mình một cách vô thức. Sự trở mình đó là bão lụt, là sóng thần, là nước biển dâng cao đã mang đi những giá trị vật chất, giá trị tinh thần và thậm chí là tính mạng của con người. Để khắc phục tình trạng đó, Phật giáo đã khuyên các phật tử của mình cần phải tu tính để bảo vệ môi trường như: không sát sinh, ý thức được vai trò của môi trường, tránh khai thác tài nguyên thái quá, phải xem việc trồng cây là một nhiệm vụ của sự tu tập,…

Việc tu tính để phát huy thiện tính của mỗi con người nhằm bảo vệ tự nhiên là điều cần thiết. Theo đạo Phật thì, thiện tính là những suy nghĩ, lời nói và việc làm đem đến lợi ích cho mình, cho người và cho những loài sống khác. Vậy một người tu tính đạt đến thiện tính là người không tham, không sân và không si mê. Vì từ bỏ được tham, sân, si nên con người sống chan hòa với tự nhiên, tôn trọng tự nhiên và quý trọng sự sống của mọi sinh vật. Ngược lại, nếu không tu được tính thì luôn nghĩ đến cái lợi, luôn làm điều ác làm tổn hại đến sự vật xung quanh. Đức Phật cho rằng, sát sinh là bất thiện, nói láo là bất thiện, ác khẩu là bất thiện,… để có thiện tính thì phải tu tập. Tu tập sẽ giúp con người từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ ác khẩu, từ bỏ nói phù phiếm, không tham dục, không sân, chính tri kiến. Như vậy từ lời nói, hành vi hay suy nghĩ nào xuất phát từ tham- sân- si đối với tự nhiên đều là hành vi bất thiện. Như vậy việc tu tính không dừng lại ở việc ứng xử giữa con người với con người mà còn là việc ứng xử giữa con người với tự nhiên cùng với tất cả sự sống. Với quan điểm đó, Phật giáo mong muốn mang lại sự cân bằng trong sinh thái, tạo nên một nếp sống có trật tự và tuân theo các quy luật tự nhiên giữa con người với thế giới. Khi mọi sự vật, hiện tượng trở về đúng với bản chất của nó thì thế giới sẽ trở nên yên bình và con người sẽ xích lại gần nhau hơn. Phật giáo cho rằng nếu con người thực hiện tốt các giới điều của đức Phật dạy thì họ sẽ phát huy được thiện tính của mình, xây dựng xã hội có trật tự, một môi trường xanh, sạch, đẹp và con người với tự nhiên sẽ đối xử với nhau một cách trân trọng.

Phật giáo chủ trương tu tập để được giải thoát và xem đó là con đường duy nhất để đạt được tự do sau khi buông xả tất cả những trói buộc trong cuộc sống. Đức Phật cho rằng, tất cả chúng sinh đều có phật tính ở trong lòng, do vậy mỗi người đều có thể nâng cao trình độ hiểu biết của mình về cuộc sống, về chân lý, về phương pháp tu tập, giải thoát. Để phát huy được phật tính ở mỗi con người thì cần phải bảo vệ môi trường sống. Khi môi trường được bảo vệ sẽ góp phần làm cho tâm của con người thanh tịnh. Đức Phật đã chỉ ra con đường để diệt khổ, đó là đạo đế, bát chính đạo để phát huy trí tuệ của con người. Khi con người đạt đến trí tuệ sáng suốt sẽ nhận được pháp thế gian là vô thường, giả tạm. Con người sẽ không tham, không chấp lúc đó tâm sẽ an lạc và dĩ nhiên môi trường sẽ được bảo vệ bởi con người biết trân trọng, bảo vệ và vun đắp mỗi ngày.

Phật giáo luôn đề cao sự an lạc trong mỗi cá nhân, đó là trạng thái nhẹ nhàng, bền bỉ, mang lại sự bình an cả thân và tâm cho chính mình và lan tỏa đến người khác. An lạc thường đến từ tuệ giác, đưa đến sự tự tại, ung dung, cân bằng cả về vật chất lẫn tinh thần. Một người được coi là an lạc thì sẽ không có quan điểm xem việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ, mà xem đó là hành động bình thường hàng ngày của bản thân. Họ không làm để mọi người tán dương, khen thưởng mà là sự cống hiến một cách âm thầm, lặng lẽ. Đó là những hành động mang tính từ, bi, hỷ, xả đối với môi trường để không còn những tiếng kêu cứu từ những sinh vật nhỏ bé nhất. Đức Phật đã chỉ cho chúng sinh, con người có mười loại thân hình khác nhau, mười loại thân hình này biến ra hằng hà sa số Phật. Theo kinh Hoa Nghiêm thì thân ngũ uẩn của con người cũng gắn liền với vũ trụ và môi trường tự nhiên. Ngũ uẩn bao gồm: sắc, thụ, tưởng, hành, thức là pháp căn của Phật giáo, do vậy chinh phục được chính mình là chinh phục được cả vũ trụ. Phật giáo cho rằng, vạn vật đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng do con người ra sức cô lập các sự vật dẫn đến sự phản ứng của chúng. Nếu lấy thân thể chúng ta là một vũ trụ thu nhỏ và mỗi phần là một sự vật riêng lẻ khác nhau thì chúng ta sẽ thấy khi một phần bị đau thì cả cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi. Môi trường với con người cũng vậy, nếu môi trường bị ô nhiễm thì con người sống ở đó sẽ không thể trở nên an lạc. Trên quan điểm của Phật giáo thì ngũ uẩn có mối liên hệ chặt chẽ với vũ trụ, với môi trường, nhưng nếu con người không an lạc sẽ khiến tâm mất thăng bằng khiến cho môi trường và xã hội không ổn định. Đức Phật dạy “cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”, chính mối tương quan này nên mỗi bộ phận mất thăng bằng sẽ làm cho mọi bộ phận khác không ổn định. Quan điểm đó đòi hỏi con người phải nhận thức rõ vai trò của việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh vật là điều kiện quan trọng đối với việc bảo vệ con người.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc GHPGVN phat trien ben vung moi truong sinh thai VN 2

Vấn đề môi trường là vấn đề nóng bỏng mà hiện nay rất được con người quan tâm. Sự ô nhiễm môi trường có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là con người. Để bảo vệ môi trường, Phật giáo đã chủ trương xương minh phật pháp kết hợp bảo vệ môi trường là phương châm hành động. Để xương minh phật pháp, Phật giáo lấy trí tuệ làm sự nghiệp, nhờ vào ngọn đuốc trí tuệ của Chính pháp làm hành trang trên con đường hoằng pháp độ sinh, sống chan hòa với tự nhiên nên Phật giáo tồn tại và phát triển hơn hai ngàn năm qua. Ngày nay, Phật giáo vẫn tiếp tục chủ trương hướng phật tử sống hòa bình, an vui, hạnh phúc với môi trường và xã hội. Thuyết duyên sinh của Phật giáo cho rằng, “tất thảy các pháp hữu vi đều do duyên mà sinh ra”[5]. Dựa vào học thuyết duyên sinh để lý giải về vấn đề ô nhiễm môi trường, chúng ta thấy rằng  nó là hậu quả của sự phát triển của tư duy ngã tính- con đường tư duy đầy dục vọng và tham muốn tận hưởng lạc thú của con người. Nguyên nhân cốt lõi là do vô minh và lòng tham ái. Vậy nhiệm vụ của Phật giáo là xương minh phật pháp gắn liền với việc bảo vệ môi trường là làm cho phật tử hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Trong các hành động đảm bảo an sinh xã hội, cần phải chú trọng đến việc đào tạo nghề thay vì cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân. Gắn liền việc truyền đạo với việc truyền giảng cho các phật tử biết bảo vệ tài nguyên và môi trường sống xung quanh. Lấy các hiện tượng tự nhiên để truyền tải các hiện tượng xã hội nhưng phải phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh việc truyền giảng lý thuyết cần phải có những hành động thiết thực như hành động vì một môi trường xanh, hành động trồng cây gây rừng,…

Việc xương minh phật pháp gắn với việc bảo vệ môi trường cần được phát triển và phổ biến sâu rộng đến mọi phật tử. Bởi hành động vì một môi trường xanh, sạch, đẹp là một hành động không chỉ của riêng ai. Đức Phật cũng từng cho rằng, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này không tồn tại thì cái kia cũng không thể tồn tại. Đây là mối quan hệ hỗ tương của các sự vật, tồn tại cùng nhau, không có chủ thể và khách thể. Để từ đó con người có thể tự nguyện bảo vệ môi sinh cũng là bảo vệ chính mình. Vì con người có mặt thì tự nhiên có mặt, hoặc giới tự nhiên không có mặt thì con người không có mặt. Do vậy, việc con người tác động vào giới tự nhiên một cách tiêu cực thì sự có mặt hay diệt vong của con người cũng không sớm thì muộn phải chịu chung số phận. Xương minh phật pháp gắn với việc bảo vệ môi trường là một phương thức hữu hiệu để con người ứng xử đúng đắn với môi trường thiên nhiên.

3. Kết luận

Tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang trở nên nghiêm trọng và đe dọa đến đời sống của con người. Việc làm cho người dân nhận ra để cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường đang là một điều cấp thiết. Các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam bước đầu đã có những hành động thiết thực, toàn diện, trên cơ sở tôn trọng lợi ích của mỗi quốc gia và lợi ích của toàn nhân loại.

Trong những năm vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát huy vai trò của mình để đồng hành cùng dân tộc. Sinh thời, đức Phật luôn đề cao vai trò của môi trường và điều đó được thể hiện qua những bài giảng của Người. Người luôn răn dạy các phật tử phải đối xử với môi trường một cách trân trọng và xem môi trường như một phần không thể thiếu đối với con người. Kế thừa quan điểm đó, ngày nay phật giáo luôn có ý thức giữ gìn, phát triển, bảo vệ môi trường sinh thái. Phật giáo luôn xem việc xương minh phật pháp phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường. Truyền giảng để các phật tử luôn sống để thương yêu muôn loài, yêu thương thiên nhiên, sống gần gủi với tự nhiên không tổi hại đến môi trường. Có như vậy, trái đất sẽ mãi xanh và con người sẽ được sống an lạc.

Võ Văn Dũng
Trường Đại học Khánh Hòa
ThS. Võ Thị Hồng Thắm
Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa

***

CHÚ THÍCH

[1] Một loại cây thân gỗ mọc ở trên núi Himalaya, hoa mọc từ gốc lên đến cành.
[2] C.Mác & Ăngghen (1994), Toàn tập, tập 42, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.135
[3] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.1421.
[4] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 1404.
[5] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 330

Tài liệu tham khảo

Mác & Ăngghen (1994), Toàn tập, tập 42, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Khoa học xã hội, Hà Nội.
Nguyễn Tài Thư (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Khoa học xã hội, Hà Nội.
Võ Văn Dũng, Sự dung hợp đạo đức Phật giáo với phong tục tập quán người Việt Nam ở Nam Bộ, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 2-2015 (131), tr 26-31, 2015.
Võ Văn Dũng, Đóng góp của đạo đức Phật giáo trong việc giáo dục đạo đức cho đoàn viên, thanh niên Việt Nam hiện nay, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 2-2016 (136).

Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống con người

Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững môi trường sinh thái tại Việt Nam

Phật giáo tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường