Tác giả: Thích nữ Huệ Cảnh
Kinh điển Pāli là một bộ sưu tập quý giá của Phật giáo Nam truyền, chứa đựng những lời dạy trực tiếp của đức Phật về nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Trong đó, có những giá trị cốt lõi của Phật giáo như lòng từ bi và sự tôn trọng đối với sự sống của mọi loài.
Đức Phật đã khẳng định rõ ràng tâm từ bi trong nhiều bài kinh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không làm tổn thương bất kỳ sinh vật nào.
Bài viết này sẽ nghiên cứu và phân tích sâu về những lời dạy của đức Phật trong kinh điển Pāli liên quan đến việc tôn trọng và bảo vệ sự sống muôn loài.
1. Tôn trọng và bảo vệ sự sống
Khái niệm tôn trọng và bảo vệ cuộc sống của tất cả các loài (respecting and protecting the life of all beings) liên quan đến việc coi trọng và bảo vệ cuộc sống của mọi hình thái tồn tại. Dựa trên các khía cạnh khác nhau, nó có ý nghĩa sau:
Trong ngữ cảnh của Nhân quyền và Luật pháp: Đây là một nguyên tắc cơ bản của Nhân quyền. Nó khẳng định rằng tất cả con người đều có quyền được sống và được tôn trọng vì đơn giản là họ là con người. Không có yếu tố nào khác (như đẳng cấp xã hội, tôn giáo, giới tính, v.v...) ảnh hưởng đến giá trị của cuộc sống của họ.(1)
Trong khung pháp luật, quyền con người phát sinh từ sự tôn trọng cuộc sống này.
Trong ngữ cảnh tôn giáo: Nhiều tôn giáo trên thế giới coi trọng cuộc sống của tất cả các loài.
Ví dụ: Trong Phật giáo có thuyết tất cả chúng sinh đều có phật tính, hay nếu ta sợ gươm đao, sợ chết chóc sao lại đem điều đó tổn hại chúng sinh.
Tôn giáo Công giáo sử dụng thuật ngữ Human Dignity (tôn trọng cuộc sống của con người và mọi loài) để thể hiện sự thiêng liêng của cuộc sống. (2)
Nhưng dù trong ngữ cảnh nào, ý nghĩa chung là tôn trọng và bảo vệ cuộc sống của mọi hình thái tồn tại, không phân biệt loài, tôn giáo hay bất kỳ yếu tố nào khác.
Khái niệm Bảo vệ sự sống được Thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn tả giới thứ nhất trong năm giới của đức Phật trong tác phẩm Hướng đi của Đạo Bụt cho hòa bình và sinh môi. Đó là: Giới thứ nhất: Bảo vệ sự sống. Giới thứ hai: Hạnh phúc chân thực. Giới thứ ba: Tình thương đích thực. Giới thứ tư: Lắng nghe và ái ngữ. Giới thứ năm: Nuôi dưỡng và trị liệu.
Trong giới thứ nhất này, tác giả ghi rõ: “Ý thức được những khổ đau do sự giết chóc gây ra, con xin nguyện thực tập nuôi dưỡng tuệ giác Tương Tức và lòng Từ Bi để có thể bảo vệ sinh mạng của con người, của các loài động vật, thực vật và môi trường của sự sống.” (3)
Việc ý thức rất là quan trọng trong cuộc sống, một người có sự chính niệm biết rất rõ các suy nghĩ và việc làm của mình sẽ có sự ảnh hưởng ngược lại đến chính người đó và môi trường xung quanh trong hiện tại cũng như tương lai. Cho nên việc sống có ý thức vô cùng cần thiết, nếu không chúng ta sẽ có lối sống dửng dưng, vô cảm như thể thế giới xung quanh chẳng có liên quan gì đến chúng ta, thì đây chính là lối sống nguy hiểm cho xã hội và môi trường.
Vì nếu ai cũng có suy nghĩ như thế thì mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi quốc gia đều chỉ lo cho bản thân mình như vậy thì trái đất của chúng ta sẽ ra sao trong thời gian tới.
Rất may mắn cho chúng ta, đó là bắt đầu từ những năm 1960, những dấu hiệu cho thấy sự phát triển ngày càng tăng của nạn suy thoái môi trường đã ngày một rõ ràng hơn, con người đã bắt đầu ý thức được về những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống.
Hội nghị của Liên Hợp quốc về Con người & Môi trường tổ chức tại thủ đô Stockholm của Thuỵ Điển từ 5 - 6/6/1972 là kết quả của những nhận thức mới này, là hành động đầu tiên đánh dấu sự nỗ lực chung của toàn thể nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường. (4)
Ngày ‘Môi trường Thế giới’ còn có tên gọi khác là ngày bảo vệ môi trường, được viết theo tên tiếng anh là World Environment Day. Đây cũng chính là một ngày đặc biệt mà người dân trên toàn cầu cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường và Trái Đất của chúng ta. Thông qua các hoạt động ý nghĩa và thiết thực, mỗi chúng ta cần có trách nhiệm hơn đối với môi trường - Trái Đất xanh.
Trong sự kiện này nhằm mục đích tập trung sự chú ý của toàn thế giới đối với môi trường bằng cách hành động vì môi trường và Trái Đất. Sự kiện này làm cho các vấn đề môi trường mang tính nhân văn; trao quyền cho mọi người để trở thành tác nhân tích cực của quá trình phát triển bền vững và bình đẳng; nâng cao hiểu biết của các cộng đồng về vai trò then chốt làm thay đổi hành vi hướng tới các vấn đề môi trường; ủng hộ mối cộng tác để đảm bảo rằng, tất cả các quốc gia và các dân tộc được hưởng một tương lai an toàn và thịnh vượng hơn.
Tôn trọng và bảo vệ sự sống (respecting and protecting the life of all beings) là một trong những giá trị cốt lõi của Phật giáo, được truyền tải thông qua nhiều bài kinh và lời dạy của đức Phật.
Theo quan điểm này, mọi sinh vật, dù lớn hay nhỏ, đều có quyền được sống và không bị hại. Điều này phản ánh trong nhiều nguyên tắc đạo đức, hành động và tư duy của Phật giáo, mà trọng tâm là tâm từ – không làm tổn thương hoặc gây đau khổ cho bất kỳ chúng sinh nào.
Để đóng góp giải pháp cho các vấn nạn này từ xưa đức Phật đã khuyến khích con người hãy sống tình thương và trí tuệ. Cụ thể qua các bài kinh văn được xem cổ xưa nhất để chứng minh điều này.
2. Các bài kinh tiêu biểu trong tạng Pāli về tôn trọng sự sống
Theo kinh điển Pāli, mọi sinh vật đều có cùng bản chất của khổ đau (dukkha) và đều trải qua chu kỳ sinh tử. Đức Phật nhấn mạnh rằng tất cả chúng sinh đều có quyền được sống, phát triển và tồn tại trong hòa bình. Trong kinh Tiểu Bộ, đức Phật nói về việc tôn trọng và thấu hiểu rằng mọi sinh vật đều có những nhu cầu và mong muốn và việc không thỏa mãn hoặc làm hại đến những nhu cầu này là hành vi trái với từ bi.
Nói rõ hơn theo kinh Tập (5) là bản văn kinh thứ năm của kinh Tiểu Bộ trong kinh tạng Pāli có tên nghĩa đen là ‘Tuyển tập các bài kinh’ (The Sutta Collection) (6) được lưu truyền dưới dạng biệt bản rất sớm nên kinh Tập được xem là bản văn cổ xưa nhất của kinh điển Phật giáo Thượng Tọa bộ.
Không những thế, đối tượng người nghe và đối thoại với đức Phật trong kinh Tập rất đa dạng, đại diện cho nhiều thành phần trong xã hội như nhà vua, đạo sĩ Bà-la-môn, tiên nhân, người nông dân và người chăn trâu. Ngôn ngữ lời thoại trong kinh Tập rất giản dị đi vào các vấn đề thực tiễn, đồng thời cũng nhấn mạnh đến việc tu dưỡng đạo đức. Như các kinh Châu báu (Ratanasutta); kinh Tâm từ (Mettasutta); kinh Điềm lành (Mangalasutta). (7)
Trải qua hàng thế kỷ, các bài kinh nêu trên đã trở thành các kinh gối đầu giường rất quen thuộc với cộng đồng Phật giáo Nam truyền.
Kinh Châu báu đức, đức Phật dạy rằng: “Do vậy các sinh linh, tất cả hãy chú tâm, khởi lên lòng từ mẫn.” (8) Ngoài ra, kinh Điềm lành ghi lại rằng những ai: Mong ước và đợi chờ, một nếp sống an toàn, […] Biết đủ và biết ơn, […] Ở trú xứ thích hợp, công đức trước đã làm, chân chính hướng tự tâm, là điềm lành tối thượng.” (9)
Đồng quan điểm này, đức Phật dạy trong kinh Tâm từ rằng: “Mong mọi loài chúng sinh, được an lạc, an ổn […] Như tấm lòng người mẹ, đối với con của mình. Trọn đời luôn che chở, con độc nhất mình sinh" (10). Không những thế, đức Phật còn nhấn mạnh: “Hữu tình có mạng sống, Không bỏ sót một ai, trung, thấp, loài lớn, nhỏ. Loài sống xa, không xa, các loài sẽ được sinh, sống hạnh phúc, an lạc.” (11)
Kinh Tâm từ (Mettasutta, Sn; I. §8, 慈 經), đức Phật dạy cách phát triển và trải tâm từ đến với mọi người, động vật và thực vật để xây dựng một cuộc sống hòa bình và hạnh phúc. Do đó, môi trường tự nhiên là nơi chung sống của mọi loài và phá hoại môi trường cũng là một hình thức gây hại gián tiếp đối với sự sống. (12)
Quen thuộc nhất là kinh Châu báu (Ratanasutta, Sn. II. §1, 尊 經) nói về giá trị siêu tuyệt của Phật, Pháp, Tăng; giá trị về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm do thiền định. Kinh Điềm lành hay kinh Cát tường (Mangalasutta, Sn. II. §4,吉 祥 經), đức Phật dạy về 38 giá trị sống tạo nên chất lượng hạnh phúc cao và bền vững.
Kinh Nālanka (13), kinh Pháp cú đức Phật nhắc các đệ tử nhiều lần về việc “không giết, không bảo giết” (14). Ngoài ra, kinh Pháp cú (Dhammapada, 法 句 經) (15) là quyển kinh Phật được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới, là kinh phổ biến nhất trong cộng đồng Phật giáo, đặc biệt tại các nước Phật giáo Nam truyền.
Bên cạnh đó, kinh Jataka là một tập hợp các câu chuyện tiền thân của đức Phật, nhiều câu chuyện nhấn mạnh lòng từ bi đối với muôn loài và việc bảo vệ các loài động vật.
Trong một số câu chuyện, tiền thân của đức Phật đã hy sinh thân mình để cứu sống các sinh vật khác, cho thấy sự tôn trọng cao độ đối với sự sống của muôn loài.
“Chuyện Tiền thân (Jātaka) còn được gọi là Bổn sinh (本生), là tuyển tập thứ 10 trong kinh Tiểu Bộ gồm 16 tập thuộc Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam. Chuyện Tiền thân khơi dậy cảm xúc tích cực và hiền thiện trong tâm hồn của người nghe cũng như người đọc, đồng thời xây dựng, củng cố niềm tin nơi Phật pháp và làm cho những thông điệp về từ bi và trí tuệ của Phật giáo lan xa tỏa rộng.” (16)
Trong Phật giáo, lòng từ và bi mẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tôn trọng và bảo vệ sự sống. Tâm từ (Mettā) là tình yêu thương vô điều kiện dành cho tất cả chúng sinh, không phân biệt đối xử. Bi (Karuṇā) là lòng trắc ẩn đối với những đau khổ của các sinh vật, thúc đẩy con người hành động để giảm bớt đau khổ và bảo vệ sự sống. Đức Phật khuyến khích tất cả chúng sinh phát triển và lan tỏa tình thương này đến mọi loài qua các bài kinh như kinh Tâm từ (Mettā Sutta), trong đó dạy rằng mọi người cần yêu thương và không làm hại bất kỳ loài nào, dù lớn hay nhỏ.
Phật giáo không chỉ tập trung vào sự sống của con người và động vật, mà còn nhấn mạnh sự tôn trọng đối với thiên nhiên và môi trường sống. Do đó, người phật tử được khuyến khích bảo vệ thiên nhiên, duy trì cân bằng sinh thái để không làm tổn thương các loài sinh vật khác.
Tôn trọng và bảo vệ sự sống muôn loài trong kinh điển Pāli thể hiện sự hòa hợp giữa các nguyên tắc đạo đức Phật giáo với lòng từ bi và sự hiểu biết về sự khổ đau của mọi sinh vật. Đức Phật khuyến khích các đệ tử của Ngài sống một cuộc đời từ bi, giảm thiểu tổn hại đến bất kỳ chúng sinh nào, đồng thời bảo vệ và duy trì sự cân bằng của tự nhiên.
Việc thực hành các giá trị này không chỉ giúp con người phát triển tâm từ bi mà còn tạo điều kiện cho một xã hội bền vững và hài hòa hơn.
Đức Phật khuyến khích các đệ tử thực hành lòng từ (mettā) và bi mẫn (karuṇā) với tất cả chúng sinh, bao gồm cả loài người và những sinh vật nhỏ bé như côn trùng, chớ giết loài hữu tình. (17)
Đức Phật nhấn mạnh sự tôn trọng và bảo vệ sự sống thông qua việc không giết hại hay tham gia vào việc giết hại chúng sinh.
Trong kinh Trường Bộ (số 5, kinh Cứu La Đàn Đầu) (18), có câu chuyện về việc một đàn tế lớn chuẩn bị hy sinh hàng ngàn gia súc cho lễ tế của Bà-la-môn Kūtadanta. Đức Phật đã chỉ trích sự hy sinh này và nhấn mạnh rằng các bậc trí thức không chấp nhận việc tổ chức tế đàn qua việc giết hại các loài động vật, coi đây là phi pháp và trái với chính pháp.
Ngược lại, đức Phật dạy rằng một đàn tế thực sự mang lại hạnh phúc và lợi ích không cần đến việc giết hại bất kỳ sinh vật nào hay gây đau khổ cho con người hoặc động vật. Sau khi nghe lời đức Phật, Bà-la-môn Kūṭadanta đã nhận ra lẽ phải và quyết định trả tự do cho tất cả các con vật, để chúng có thể sống hạnh phúc, hưởng cỏ xanh và nước mát.
Ngoài ra, kinh Tiểu Bộ nói về sự tế đàn bị người trí chỉ trích như sau: "Vật vô tội bị giết/ Còn người lễ tế đàn/ Thối thất khỏi Chính pháp/ Vậy tùy pháp cổ này/ Bị bậc trí khiển trách/ Chỗ nào lễ tế đàn/ Như vậy, được xem thấy/ Quần chúng liền chỉ trích/ Các vị lễ tế đàn." (19)
Đoạn kinh này nhấn mạnh thông điệp về lòng từ bi và sự tôn trọng sự sống muôn loài của đức Phật, khuyến khích một lối sống hòa hợp với tự nhiên và không gây tổn hại đến bất kỳ sinh vật nào.
Như vậy, trên đây là một số bài kinh tiêu biểu của lời Phật dạy về lòng từ bi. Đức Phật khuyên mọi người nên tôn trọng và bảo vệ sự sống của muôn loài như bảo vệ chính bản thân mình.
3. Mối liên hệ giữa con người và môi trường sống theo quan điểm của đức Phật
Trong đời sống hiện nay, mặc dù khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề đương đại, nhưng thái độ và hành vi của con người mới là yếu tố quyết định. Khoa học và công nghệ chỉ là công cụ, còn mục tiêu cuối cùng phải dựa trên sự tôn trọng và bảo vệ sự sống muôn loài.
Điều này hướng tới một lối sống đạo đức dựa trên nền tảng khoa học, giúp con người xây dựng mối quan hệ bền vững với thiên nhiên, nhằm bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu và duy trì sự tồn tại lâu dài trong vũ trụ.
Con người vì sự ích kỷ và thiếu hiểu biết của mình mà cướp đi sự sống của nhiều sinh vật, tàn hại môi trường thiên nhiên. “Chúng ta thản nhiên cướp đi sự sống của rất nhiều loài vật để phục vụ cho đời sống của mình, đôi khi một cách xa xỉ không cần thiết. Bạn nghĩ sao khi một con tê giác nặng hàng tấn phải ngã xuống chỉ để người thợ săn có được cái sừng mang về?...” (21)
Có học giả cho rằng: “Vấn nạn về môi trường đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự sống, sự tồn vong của toàn nhân loại. Ở nước ta, hiện tượng bão lũ, động đất, lũ quét, v.v… đã gây hậu quả khôn lường, cướp đi bao sinh mạng con người, chưa kể tài sản, vật chất. Nguyên nhân của tình trạng đó, chủ yếu do con người khai thác kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên để thỏa mãn nhu cầu vật chất của mình..” (22)
Hòa thượng Thích Minh Châu, khi sinh thời Ngài đã từng nỗ lực khuyến hóa các hàng đệ tử: “Chớ có giết và chớ có chấp nhận giết hại. Làm hết sức mình để bảo vệ sự sống, chớ có làm những nghề nghiệp có hại cho người khác và thiên nhiên. Hãy gắng hết sức mình để nâng cao chất lượng sống của mình và mọi người. Hãy đừng tiếc sức mình để bảo vệ nền hòa bình thế giới và hòa bình khu vực.” (23)
Không những thế có những người không tán thành chủ trương không sát sinh của đạo Phật thì xin đừng quên lòng nhân ái (24), tình thương bao la bát ngát của đạo Phật và đừng quên rằng chủ trương không sát sinh này có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái để bảo vệ sự sống bền vững cho trái đất và cho loài người.
4. Thực hành bảo vệ sự sống trong đời sống phật tử
Người phật tử có thể thực hành việc tôn trọng và bảo vệ sự sống muôn loài bằng nhiều cách trong đời sống hằng ngày:
- Không sát sinh: Theo ngũ giới, người phật tử tránh hành vi giết hại bất kỳ sinh vật nào. Điều này mở rộng đến việc tránh các hành động trực tiếp gây hại đến động vật hoặc môi trường. Thiền sư Nhất Hạnh nhấn mạnh: “Có thể chúng ta không biết rằng trái đất xanh tươi của chúng ta đang trong tình trạng nguy kịch. Mỗi bước chân ta dẫm lên mặt đất đều có thể ảnh hưởng đến các loài động vật và cây cỏ.” (25)
- Ăn chay: Nhiều phật tử chọn ăn chay để tránh việc giết mổ động vật và giảm bớt sự tham gia vào các chuỗi cung ứng thực phẩm gây tổn hại đến sự sống của các loài. Theo báo cáo của Cơ quan Bảo vệ môi trường ở Mỹ thì trong năm 2000, khoảng 80% số lượng bắp thu hoạch được ở Mỹ đã được dùng để nuôi gia súc, gia cầm và làm thức ăn cho cá. Do đó, chúng ta ăn thịt là góp phần tiêu tốn một lượng nước và lúa thóc khổng lồ trong khi có hàng triệu người lại chết do đói khát và thiếu lương thực. (26)
- Bảo vệ môi trường: Bằng cách bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống, người phật tử thực hiện việc bảo vệ sự sống không chỉ của con người mà còn của tất cả các sinh vật trong tự nhiên. Như phân loại rác, sử dụng xe đạp hoặc xe dùng bằng năng lượng thay cho xe chạy bằng nhiên liệu, lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời, ủng hộ các tổ chức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã,…
- Sống biết đủ: Lối sống biết ơn thiên nhiên và môi trường giúp chúng ta nhận ra rằng mọi thứ xung quanh đều đóng góp vào sự tồn tại và hạnh phúc của con người. Từ không khí để thở, nước để uống, thực phẩm để nuôi dưỡng cơ thể, đến cảnh quan thiên nhiên giúp chúng ta thư giãn và tái tạo năng lượng, tất cả đều là món quà vô giá từ thiên nhiên.
Chúng ta nên biết ơn cuộc sống này bằng cách bảo vệ và gìn giữ môi trường, sử dụng tài nguyên một cách bền vững, đồng thời có ý thức trong từng hành động nhỏ như giảm rác thải, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái. Sự biết ơn không chỉ nằm ở lời nói, mà còn trong chính những hành động của chúng ta, nhằm giữ gìn thiên nhiên cho thế hệ tương lai.
Trong đời sống hàng ngày, người phật tử thực hành sự chính niệm thông qua việc thực tập năm giới, trong đó giới đầu tiên là không sát sinh. Việc không sát sinh không chỉ giới hạn ở việc không giết người mà còn bao gồm cả việc bảo vệ sự sống của tất cả các loài.
Phật tử thường áp dụng nguyên tắc này bằng cách ăn chay, không săn bắn và tránh các hoạt động gây hại cho môi trường và động vật. Không những thế chuyển hóa tâm thức cộng đồng giúp mọi người “ý thức được những khổ đau và tình trạng thoái hóa của sự sống do việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên trên trái đất gây ra, con nguyện tìm mọi cách để giúp mọi người sử dụng những tài nguyên thiên nhiên với chính niệm và có ý thức sáng tỏ về những hậu quả lâu dài của việc sử dụng ấy đối ới chính bản thân mình và thế hệ tương lai.” (27)
Đức Phật cũng khuyến khích người phật tử trau dồi tâm từ và lòng bi mẫn thông qua việc thực hành thiền định. Trong các bài kinh trên, đức Phật chỉ dẫn rằng khi con người phát triển lòng từ, họ sẽ tự nhiên giảm thiểu các hành động gây tổn hại đến các loài khác.
Thiền sư Nhất Hạnh có câu nói nổi tiếng về cách thực tập chính niệm nhằm giúp bảo vệ sự sống như sau: “Mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp một cái gì đó cho công việc bảo vệ và chăm sóc hành tinh xinh đẹp của chúng ta. Phải sống như thế nào để con cháu chúng ta có một tương lai tươi sáng, đó là gia tài đích thực ta để lại cho con cháu chúng ta.” (28)
5. Kết luận
Các bài kinh trong kinh tạng Pāli chứa đựng những lời dạy sâu sắc về việc tôn trọng và bảo vệ sự sống muôn loài. Thông qua lòng từ bi và trí tuệ, đức Phật đã chỉ ra rằng việc bảo vệ sự sống không chỉ là một hành động đạo đức mà còn là con đường dẫn đến giải thoát.
Phật giáo không chỉ khuyến khích bảo vệ sự sống của con người mà còn mở rộng đến việc bảo vệ môi trường và thiên nhiên. Trong Kinh Tiểu bộ, đức Phật dạy rằng mọi sinh vật đều phụ thuộc vào môi trường sống của mình và việc phá hoại thiên nhiên cũng là một hình thức gây hại gián tiếp đến sinh vật. Thông qua những lời dạy này, Phật giáo đề cao sự tương tác hài hòa giữa con người và thiên nhiên, nhấn mạnh rằng sự phá hủy môi trường cũng là sự phá hủy chính nguồn sống của con người và các loài khác.
Phật giáo khuyến khích con người sống hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng sự sống của tất cả sinh vật và không gây hại đến môi trường. Trong thời đại ngày nay, những lời dạy này trở nên càng quan trọng hơn khi con người đối mặt với các vấn đề về môi trường và sự biến đổi khí hậu. Những lời dạy của đức Phật không chỉ là kim chỉ nam cho đời sống cá nhân mà còn mang tính toàn cầu, hướng dẫn con người xây dựng một thế giới hòa bình, bền vững và tôn trọng sự sống của muôn loài.
Tác giả: Thích nữ Huệ Cảnh
CHÚ THÍCH
Thích nữ Huệ Cảnh, hiện đang theo học: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hồ Chí Minh.
1. Tham khảo: What is Human Dignity? Common Definitions. | Human Rights Careers. Truy cập 16/09/2024.
2. Tham khảo: Respect and Care for the Community of Life - Earth Charter. Truy cập 16/09/2024.
3. Thích Nhất Hạnh, Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và sinh môi, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2017, tr.38.
4. Tham khảo: trhttps://kinhtemoitruong.vn/ngay-moi-truong-the-gioi-la-gi-vi-sao-ngay-moi-truong-the-gioi-duoc-ra-doi-76993.html. Truy cập 16/09/2024.
5. Kinh Tiểu bộ, Tập 1, Dẫn luận Kinh Tập, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, 2021, tr.229.
6. Tham chiếu: Phật Quang đại từ điển (佛光大辭典)丄侥原婚佛教聖典中最古老之作品.尤其是義 品, 彼岸道品兩章乃最早孺立流通者,故苛謂爲彳弗教最古老之璽典.https://www.fgs.org.tw/fgs_ book/fgs_drser.aspx/ (truy cập ngày 14/2/2021).
7. Kinh Tiểu bộ, Tập 1, Dẫn luận Kinh Tập, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, 2021, tr.301.
8. Kinh Tiểu bộ, Tập 1, Kinh Châu báu, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, 2021, tr.337.
9. Kinh Tiểu bộ, Tập 1, Kinh Châu báu, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, 2021, tr.342.
10. Kinh Tiểu bộ, Tập 1, Kinh Tâm từ, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, 2021, tr.326-327.
11. Kinh Tiểu bộ, Tập 1, Kinh Tâm từ, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, 2021, tr.326.
12. Kinh Tiểu bộ, Tập 1, Dẫn luận Kinh Tập, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, 2021, tr.303.
13. Kinh Tiểu bộ, Tập 1, Kinh Tập, Kinh Nālanka, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, 2021, tr.386.
14. Kinh Tiểu bộ, Tập 1, Kinh Pháp cú, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, 2021, tr.47. Thích Thiện Siêu, Lời Phật Dạy, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2000, tr. 50.
15. Kinh Tiểu bộ, Tập 1, Dẫn luận Kinh Pháp cú, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, 2021, tr.22.
16. Kinh Tiểu bộ, Tập 2, Dẫn luận chuyện tiền thân, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, 2021, tr..xIvii.
17. Kinh Tiểu bộ, Tập 1, Kinh Dhammika, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, tr.356.
18. Kinh Trường bộ, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, 2020, tr. 105.
19. Kinh Tiểu Bộ, Tập 1, Kinh Tập, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, 2021,tr.347.
20. Tham khảo: Ước tính sơ bộ bão Yagi và lũ lụt gây thiệt hại khoảng 1,6 tỉ USD - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn). Truy cập 16/09/2024.
21. Nguyên Minh, Phóng sinh chuyện nhỏ khó làm, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2003, tr. 31.
22. Bùi Thị Tỉnh, “Triết Lý Nhân Sinh Của Phật Giáo Với Vấn Đề Bảo Vệ Môi Trường Ở Việt Nam Hiện Nay.” Quan Điểm Phật Giáo Về Cách Mạng Công Nghiệp 4.0 Và Môi Trường Bền Vững: tr. 199.
23. Thích Minh Châu, Chánh pháp và hạnh phúc, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2001, tr. 76.
24. Ban Giáo Dục Tăng Ni TW, Hội Thảo Khoa Học: Giáo Dục Phật Giáo - Định Hướng & Phát Triển, Nghĩ về vai trò phật giáo trong cuộc sống của đất nước hôm nay, Lưu hành nội bộ, 2012, tr. 40.
25. Thích Nhất Hạnh, Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và sinh môi, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2017, tr.24.
26. Thích Nhất Hạnh, Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và sinh môi, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2017, tr.53.
27. Thích Nhất Hạnh, Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và sinh môi, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2017, tr.127.
28. Thích Nhất Hạnh, Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và sinh môi, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2017, tr.19.
Bình luận (0)