Chùa Sùng Nghiêm và núi Vân Lỗi từ thời Trần đã là một thắng cảnh của xứ Thanh, lại nằm bên con đường giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam, nên nơi đây cũng là điểm dừng chân của các bậc vua chúa cũng như các bậc danh Nho, tao nhân mặc khách mỗi khi có dịp đi qua. Nhiều người trong số họ đã sáng tác và lưu lại những tác phẩm thơ văn ca ngợi cảnh đẹp của vùng đất này. Hiện nay chùa chỉ còn rất ít tấm bia đá có khắc thơ, trong đó cổ nhất là tấm bia đá có khắc bài "Sùng Nghiêm sự Vân Lỗi sơn Đại Bi tự" của danh nhân Phạm Sư Mạnh vào thời Trần (thế kỷ XIV) trên.

Tác giả: Đặng Việt Thuỷ Nhà 35, hẻm 120/4/3, ngõ 120, đường Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê, Quận Tây Hồ
 
Phạm Sư Mạnh là danh thần nhà Trần, sống vào khoảng thế kỷ XIV, chưa rõ năm sinh và mất của ông. Ông tự là Nghĩa Phu, hiệu là Úy Trai, người làng Hiệp Thạch, huyện Hiệp Sơn (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Thời trẻ, là học trò xuất sắc của Chu Văn An, nổi tiếng thông minh, lế độ nên rất được quý mến. Ông thi đỗ Thái học sinh đời vua Trần Minh Tông (1314 - 1329), được đưa vào làm quan ở Sảnh, Viện, mấy năm sau được cử đi sứ nhà Nguyên. Tương truyền rằng, Phạm Sư Mạnh có trí nhớ tuyệt vời, khi quan lại nhà Nguyên hỏi tại đặt tên là Mạnh, ông trả lời là có trí nhớ rất mạnh. Họ thách ông đọc thiên "Mạnh Tử" ông đọc luôn một mạch không sót chữ nào. Thực ra, theo "Đại Việt sử ký toàn thư", nguyên tên ông là Phạm Độ, sau khi thi đỗ được vua Trần Minh Tông đổi tên là Phạm Sư Mạnh. Năm 1345, sứ nhà Nguyên sang hỏi về cột đồng Mã Viện, vua sai ông ra biện bác khiến họ phải thôi, từ đó về sau không hỏi đến nữa. Năm sau, ông được phong Tham chính Khu mật viện. Năm 1358, vua lại thăng ông lên chức Nhập nội hành khiển tri Khu mật viện sự. Năm sau đó ông chuyển làm Hành khiển tả ty Lang trung. Bấy giờ Trung Quốc rối loạn, vùng biên ải không lúc nào yên, ông đã được cử lên đó tuyển duyệt binh sĩ, bố trí việc canh phòng, ngày đêm làm việc không quản gian lao. Phạm Sư Mạnh có tài xuất khẩu thành thơ. Những bài thơ của ông được sưu tập lại trong "Hiệp thạch tập" đậm đà tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Nhưng "Hiệp thạch tập" nay không còn . Chỉ còn lại 33 bài thơ, chép rải rác trong các tuyển tập: Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi, Trích diễm thi tập và Toàn Việt thi lục. Về văn, Phạm Sư Mạnh để lại một bài văn bia "Sùng Nghiêm sự Vân Lỗi sơn Đại Bi tự" (Chùa Sùng Nghiêm trên núi Vân Lỗi thờ tượng Đại Bi). Trong cuộc đời, Phạm Sư Mạnh đã dốc hầu như toàn bộ tài năng và sưc lực cho sự nghiệp dựng nước và giữa nước của nhà Trần. Ông chăm lo củng cố quốc phòng, hoàn thành sứ mệnh ngoại giao trọng đại và góp phần đắc lực vào công việc nội trị, nhằm duy trì đời sống hạnh phúc cho nhân dân. Từ ý thức đó, thơ của Phạm Sư Mạnh có một màu sắc thời sự nóng hổi, mỗi bài thơ thường đánh dấu một việc làm, một hoạt động chính trị cụ thể của tác giả, như các bài: Đăng Dục Thúy sơn  lưu đề - Lên núi Dục Thúy đề thơ, Đăng Thạch Môn sơn tác - Lên núi Thạch Môn làm thơ, Hộ giá Thiên Trường thư sự - Ghi chep khi hộ giá nhà vua về Thiên Trường... Thơ của ông còn nói lên niềm tự hào về non sông xã tắc, về những đặc sản của dân tộc. Đặc biệt, ông từng trở lại với đề tài chiến công Bạch Đằng, nhưng không trùng lặp với Trương Hán Siêu hay Trần Minh Tông. Phạm Sư Mạnh thường hay đến thăm và vãn cảnh chùa, đề thơ ca ngợi cảnh đẹp ở chốn Thiền môn cũng như nói lên những suy tư của mình. Thăm chùa Phật Tích, Phạm Sư Mạnh có bài "Du Phật Tích sơn ngẫu đề" (Thăm chùa Phật Tích ngẫu hứng đề thơ) "Ngâm tiên từ khách thượng thiều nghiêu, Đạp biến chiêu đề tuyệt thế hiêu. Tùng lãng phiên phong hàn động khẩu, Nguyên thần tha bạch lặc sơn yêu. Quần phong yên vụ tam thần đảo, Vạn khiếu sinh dung cửu tấu Thiều. Từ thị quái kỳ hưu thuyết trước, Bồi hồi ngâm bãi hựu xuy tiêu". Dịch nghĩa: Ngâm nga, khác văn chương bước lên hòn núi cao chót vót, Dạo khắp cảnh chùa, quên hẳn sự phiền nhiễu ở đời. Gió thổi rừng thông thành tiếng sóng, lạnh đến cửa hang. Thần đất đem những dải mây như lụa thắt vào sườn núi. Trên các đỉnh non, mây mù phảng phất như ba đảo thần, Muôn hốc núi, tiếng sênh, tiếng chuông tấu chín khúc nhạc Thiều. Thôi, đừng nói chuyện quái đản về họ Từ nữa, Bâng khuâng hết ngâm thơ lại thổi sáo. Dịch thơ: Ngâm nga khách bước đỉnh non cao, Dạo khắp cảnh chùa, quên nỗi đau. Gió thổi rừng thông thành sóng lạnh, Sườn non thần thắt lụa mây đào. Đỉnh non phảng phất mây thần đảo, Hốc núi rền vang khúc nhạc Thiều. Chuyện quái họ Từ thôi chớ nói, Bâng khuâng ngâm hết thổi kèn tiêu. (Lương Trọng Nhàn dịch) Đến chùa Cam Lộ, Phạm Sư Mạnh có bài "Đề Cam Lộ tự" (Đề vịnh chùa Cam Lộ): "Hiểu nhiếp vân yên khấu thạch phi, Tăng phòng Phật xá phủ liên y. Tuyết xâm lưỡng mấn phong xuy lệ, Trùng độc Mục lăng đề tự thi". Dịch nghĩa: Buổi sớm dẫm lên khói mây, gõ vào cửa đá, Tăng phòng, Phật điện nhìn xuống giòng nước lăn tăn. Tuyết điểm bạc hai bên mái tóc, gió thổi rơi lệ, Đọc lại bài thơ của vua Trần Minh Tông đề ở chùa. Dịch thơ: Rẽ đám mây mù gõ trước rèm, Buồng tăng nhà Phật nước quanh thềm. Gió lay giọt lệ sương pha tóc, Thơ Mục Lăng xưa lại đọc lên. (Đinh Văn Chấp dịch)
 
Cuối bài thơ trên có câu "Trùng độc Mục Lăng đề tự thi” là Phạm Sư Mạnh muốn nhắc đến bài thơ "Cam Lộ tự"  của vua Trần Minh Tông. Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) tên húy là Trần Mạnh, lên ngôi năm 14 tuổi, nhường  ngôi cho con năm 30 tuổi để làm Thượng hoàng. Vua Trần Minh Tông đã khéo kế thừa những thành quả tốt đẹp và làm cho đất nước tiếp tục phát triển phồn vinh. Sinh thời nhà vua hay làm thơ, trong đó có bài "Cam Lộ tự" (Thơ đề ở chùa Cam Lộ). Ngày 19 tháng 12 năm Đinh Dậu (1357) vua mất, sau đó được táng ở Mục lăng tại Yên Sinh (An Sinh). Tuy nhiên, Phạm Sư Mạnh không chỉ sống trong không khí thịnh trị, ông cũng chứng kiến bước đường suy vong của nhà Trần (từ thời Dụ Tông nhà Trần bắt đầu suy yếu). Vì vậy trong thơ ông cũng phảng phất mối ám ảnh về xu thế khó cưỡng này. Tâm sự đó của ông thể hiện qua một vài bài thơ, trong đó có bài "Đông Sơn tự hồ thượng lâu" (Lầu trên hồ chùa Đông Sơn): "Trì viên cổ tự quỳnh dao một, Tùng trúc nhất sơn phong vũ lai Chí kim bạch phát thôn tiền tẩu, Do đạo Thái sư bình tặc hồi". Dịch nghĩa: Vườn ao chùa cổ đã mất vẻ ngọc rồi, Thông trúc đầy núi, gió mưa kéo đến. Đến nay những ông già tóc bạc ở trước thôn, Còn kể chuyện Thái sư đi dẹp giặc về qua đây. Dịch thơ: Chùa cổ vườn ao vẻ ngọc phai Đầy non thông trúc gió mưa bay Trước thôn đầu bạc thường hay kể Bình giặc Thái sư ghé chốn này. (Trương Việt Linh dịch) Chùa Sùng Nghiêm ở trên núi Vân Lỗi (còn gọi là núi Vân Nham) thuộc làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh (nay là xã Nga Phượng), huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chùa được dựng năm Nhâm Tý niên hiệu Thiệu Khánh thứ 3 (1372) đời vua Trần Nghệ Tông. Chủ trì việc dựng chùa là do một hòa thượng (không rõ tên), trước trụ trì ở chùa Khánh Vân, nhân đi vân du thấy thế đất ở núi Vân Lỗi bốn bề rất đẹp, bèn cho dựng chùa, đúc tượng... Chùa dựng xong, hòa thượng mời Hữu bộc xạ Hiệp thạch Phạm Sư Mạnh soạn văn bia, Chi hậu thư Mai Tỉnh viết chữ để khắc vào bia. Nội dung văn bia như sau: "Sùng Nghiêm sự Vân Lỗi sơn Đại Bi tự" Phù: Nhị nghi hữu tượng, hiển phúc tải dĩ hàm linh sinh, từ thời vô hình, tiềm hàn thử dĩ hóa vật. Viên dĩ: khuy thiên giám địa, dong ngu giai thức kỳ đoan; minh âm vấn dương, hiền triết hãn cùng kỳ số. Nhiên nhi, thiên địa bao hồ âm dương, nhi dị thức giả, dĩ kỳ hữu tượng dã; âm dương xử hồ thiên địa, nhi nan cùng giả, dĩ kỳ vô hình dã. Cố tri tượng hiển khả trưng, tuy ngu bất hoặc; tiềm hình mạc đổ, tại trí do mê. Huống hồ Phật đạo sùng hư, thừa hư không tịch. Kim trụ trì đại hòa thượng, ẩn lâm nhất minh, xả thân xuất gia. Vị hộ lý trụ trì Khánh lâm sự sự hữu chiếu mệnh kỷ niên hỹ. Tắc thừa hứng du phương. Kiến Vân Lỗi sơn, tứ phương uất mậu, kỳ tâm khả ngoạn, tắc khai sơn tạc thạch, kiến lập sổ am, tố Tam Thế nhất bộ, Đại Bi nhất bộ toàn kim, trí vu đình sơn, dần hôn đảo chúc, hoàng đồ củng cố, thiên hạ thái bình, thánh cung vạn tuế. Niệm kỳ đông hữu tụ lạc, lục ly ốc xá, khả vi hào gia chi phú quí; kỳ nam ấp trường giang xuất đại hải chi khẩu, khả vi thế giới chi minh mang; Kỳ tây hữu Kinh, mạch lạc thấu đáo Ma Ni sơn, Đại Ly hương, khả vi quận huyện chi tráng quan; Kỳ bắc hữu đại lộ dẫn xuất Thần Đầu chi hải khẩu, khả vi thứ lai chi giai túc. Chính dĩ tứ phương vi giới, trấn ư Vân Lỗi sơn, sơn chi chủ dã. Kim hữu hoang thổ, hàm thủy cước sơn, dụng đáng nhi hữu dư; đông cận tiểu mạch, Khê Sơn xuất thủy vi giới; tây thủ Vỹ Sơn, để xứ tụ nhân vi giới. Lưu thông thường trụ tam bảo, dĩ dưỡng chúng tăng, bổ trợ mạc lưu đồi hoại. Cẩn thuật bỉ hoài, tư kỷ kỳ nhật nguyệt cố lập thạch khắc minh viết: Vân Lỗi chi sơn, Am tại giang biên Kiến lập chi nhân, Hạnh giải cầu toàn. Ân cập tồn vong, Phúc ấm thiên niên. Đại Bi thùy từ, Cứu độ chúng sinh. Thượng dẫn mê đồ, Hạ tế hàm linh. Nhân nhân hân duyệt, Xứ xứ văn thanh. Diệu đạo ngưng huyền, Mạc tri kỳ tế. Hối ảnh qui chân, Thiên nghi việt thế. Kim dung yểm sắc, Hiển xuất quang lê. Sơn thần ủng hộ, Đàn na cúng thí. Dần hôn bất tuyệt, Phú gia tụy chí. Tư tự tư minh, Khắc vi quốc thụy. Môn Sâm lịch Tỉnh Thướng vân đoan, Thân tại bích tiêu Ngân Hán gian. Hạ thị kình đào thiên vạn lý, Trường thiên phù thủy, thủy phù san. Dịch nghĩa: Chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi thờ tượng Đại Bi. Ôi! Đất trời có tượng, tỏ chở che để nuôi dựng muôn linh; Thời tiết không hình, ngầm nóng lạnh để hóa thành vạn vật. Vì thế cho nên: Ngó nhòm trời đất, kẻ cung phàm đều biết được mối manh; Tra xét âm dương, bậc thánh triết hiếm nay cùng vận số. Thế nhưng: Đất trời chứa đựng âm dương, mà dễ hiểu, là vì có tượng;  Hai khí ở trong trời đất, mà khó hay, là bởi không hình. Cho nên mới biêt: Tượng rõ dễ hay; tuy ngu chẳng rối; Hình ngầm khó thấy, dẫu trí còn mê. Phương chi: Đạo Phật chuộng hư, cưỡi "không" ngự "tịch". Nay trụ trì đại hòa thượng: Ẩn tích non rừng, lìa nhà tu đạo, để giúp đỡ việc trụ trì chùa Khánh Lâm, đã có chiếu mệnh ghi rõ năm tháng. Nhân đó sư thừa hứng du ngoạn nhiều nơi, thấy non Vân Lỗi, bốn bề sầm uất, trong lòng ưa thích, sư bèn mở núi bạt rừng, xây dựng vài am, đúc pho Tâm Thế, cùng tượng Đại Bi, toàn bằng vàng thực, đặt ở đỉnh non, sớm chiều cầu khấn: hoàng đồ bền vững, thiên hạ thái bình, đức vua muôn tuổi. Sư nghĩ nơi đây: Đông có xóm làng, cửa nhà đông đúc, có thể làm nơi chung đỉnh của hào gia;  Nam gần sông lớn, chảy tới biển khơi, có thể làm chốn mênh mông cho thế giới.  Tây có sông Kinh, len lỏi tới hương Đại Ly, núi Ma Ni, có thể làm cảnh tráng quan cho các vùng quận huyện, Bắc kề đường lớn, ăn thông tới Thần Đầu hải khẩu, có thể làm nơi nghỉ tốt cho kẻ lại người qua. Đúng là dùng bốn phía làm giới phong, đứng trấn ở non Vân Lỗi, vì non này là chủ các non. Nay có đất hoang, chân non sát liền nước mặn, thường sử dụng còn thừa, đông gần đường nhỏ, lấy nguồn nước Khê Sơn làm giới hạn, tây giáp Vỹ Sơn, lấy chốn họp đông người làm giới hạn. Việc lưu thông thường ở nhà chùa, để nuôi tăng, cho tu bổ lại không để đổ nát. Tôi kính cẩn giải lời quê vụng, ghi lại tháng năm, cho nên dựng bia và khắc bài minh này: Kề non Vân Lỗi, Am cỏ bên sông. Con người xây dựng, Giới tụê viên thông. Kẻ sống người chết, Ngàn năm phúc chung. Chúng sinh cứu vớt. Từ bi rủ lòng, Bến mê dẫn đặt. Muôn loài qua sông, Mọi người hớn hở, Khắp chốn ngóng trông. Đạo huyền sâu lắng, Bờ bến khôn cùng. Đổi hình lánh tục, Khuất bóng về "không" Nét vàng mờ sắc, Hiện ra huy hoàng. Thần non hộ vệ, Thí chủ cúng dâng. Sớm chiều không ngớt, Tấp nập giầu sang. Minh này tựa ấy, Ghi làm sử vàng. Trèo mây tay với trăng sao, Thân nơi sông Bạc tầng cao xanh mờ. Cúi nhìn muôn dặm sóng xô, Nước lưng trời thẳm, non phô mặt duềnh. (Đỗ Văn Hỷ dịch)
 
Chùa Sùng Nghiêm và núi Vân Lỗi từ thời Trần đã là một thắng cảnh của xứ Thanh, lại nằm bên con đường giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam, nên nơi đây cũng là điểm dừng chân của các bậc vua chúa cũng như các bậc danh Nho, tao nhân mặc khách mỗi khi có dịp đi qua. Nhiều người trong số họ đã sáng tác và lưu lại những tác phẩm thơ văn ca ngợi cảnh đẹp của vùng đất này. Hiện nay chùa chỉ còn rất ít tấm bia đá có khắc thơ, trong đó cổ nhất là tấm bia đá có khắc bài "Sùng Nghiêm sự Vân Lỗi sơn Đại Bi tự" của danh nhân Phạm Sư Mạnh vào thời Trần (thế kỷ XIV) trên. Tác giả: Đặng Việt Thuỷ Nhà 35, hẻm 120/4/3, ngõ 120, đường Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê, Quận Tây Hồ.