Trang chủ Quốc tế Tiếp cận về lịch sử nghệ thuật “bánh xe cầu nguyện” trong Phật giáo Tây Tạng

Tiếp cận về lịch sử nghệ thuật “bánh xe cầu nguyện” trong Phật giáo Tây Tạng

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nguyên Định
Chùa Vĩnh An, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai

1. Lời dẫn

Kinh luân, bánh xe cầu nguyện hay bánh xe Pháp (s. dharmacakra; t. khor-lo, འཁོར་ལོ་།; e. dharma wheel, prayer wheel; h. 經綸) là một trong những bộ pháp khí linh thiêng của các truyền thống Phật giáo Tây Tạng. [1] Nó được biến thành mọi cơ hội để tạo ra các công đức, phước lành của lòng từ bi; đem lại phúc lợi, an lạc cho tất cả chúng sinh.

Cách đây hai nghìn năm về trước, bậc thầy luận sư nổi tiếng Phật giáo Ấn-độ Long Thọ (s. nāgārjuna; t. klu-sgrub, ཀླུ་སྒྲུབ་།) đã xác định rằng: Việc chuyển tải những lời dạy của đức Phật sẽ tạo ra các phước đức, tăng trưởng thiện căn, giống như việc đọc chúng bằng giọng nói của con người. Bánh xe cầu nguyện là một biểu hiện vật chất của cụm từ “chuyển pháp luân” (turning the wheel of Dharma), mô tả cách thức mà đức Phật đã giảng dạy. Cách làm này được in trên những cuộn giấy dán lại với nhau, hay chạm khắc trên một tấm kim loại đồng hoặc gỗ v.v… câu thần chú “Oṃ Maṇi Padme Hūṃ” (t. ཨོཾ་མ་ནི་པ་དྨེ་ཧཱུྃ་།) bằng tiếng Phạn. Mỗi vòng quay như vậy nhằm tạo ra vô lượng công đức, thanh tịnh tam nghiệp (thân, khẩu và ý) đối với người trì tụng.

Trong bài viết này, chúng tôi đề cập tới không phải là lịch sử nói chung mà là lịch sử nghệ thuật, từ góc độ phương pháp tiếp cận của người nghiên cứu.

2. Phương pháp tiếp cận lịch sử nghệ thuật của các nhà nghiên cứu

Từ ngữ kinh luân hay bánh xe cầu nguyện trong tiếng Anh là một cách đọc nhầm lẫn. Trên thực tế, bên trong không phải những lời cầu nguyện – mà là thần chú (s. mantra; t. sngags, སྔགས་།). Sai lầm này là do những du khách phương Tây ban đầu không biết thần chú là gì. Việc sử dụng từ “bánh xe” có lẽ là do bản dịch theo nghĩa đen từ tiếng Tây Tạng, trong đó “khor-lo” có nghĩa là cái gì đó quay tròn, nhưng không nhất thiết phải là bánh xe. Tiếng Đức là Gebetmühle – nhà máy cầu nguyện (prayer mill) gần đúng ý nghĩa của nó hơn từ “bánh xe” trong tiếng Anh.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Banh Xe Cau Nguyen Lon

Bánh xe cầu nguyện lớn

Peter Simon Pallas (1741-1811) một nhà động – thực vật học người Đức, từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX sử dụng trống cầu nguyện Gebettrommel. [2] Bettrommel được dùng cho kinh luân lớn và Gebetmü – nhà máy cầu nguyện cho kinh luân cầm tay. [3] Julius Heinrich von Klaproth (1783-1835) một nhà ngôn ngữ học, sử học, dân tộc học, phương Đông học và nhà thám hiểm người Đức. Năm 1814 sử dụng Bet-zylinder. [4] Bản dịch tiếng Anh sử dụng “kinh luân”. [5] James Bell (1769-1833) vào năm 1832 gọi là “nhà máy cầu nguyện.” [6]

Có hai loại kinh luân: loại lớn di chuyển bằng tay cầm hoặc dùng tay đẩy nhẹ nhàng, nhờ sức gió, [7] sức nước [8] hoặc không khí nóng [9] (hình 1) và loại cầm tay nhỏ xoay tròn (hình 2) được giữ chuyển động bằng dây xích. [10] Dây xích và quả cầu trong công nghệ hiện đại (phương Tây) gọi là bộ điều tốc (governor). [11]

Ý tưởng về đại kinh luân (bánh xe cầu nguyện lớn) thường được cho là bắt nguồn từ một phát minh của người Trung Quốc: hộp đựng sách xoay hình bát giác để đựng tất cả các tập của Tam tạng (s. tripitaka) lại với nhau. Đề cập đến một kho lưu trữ hình bát giác xoay vòng đối với kinh điển Phật giáo Trung Quốc – cùng thời với sự kiện này, dường như tìm thấy trong dòng chữ trên một tấm bia có ghi ngày tháng; tương đương với ngày 16 tháng 1 năm 823 stl, vào năm 1942 được đặt tại tu viện Pei-lin ở His-an hoặc Hsingan (興安省) Trung Quốc. [12]

Vào năm 836 stl, một hộp sách cũng tương tự như vậy được đề cập đến ở chùa Nan-Chhan (南禪寺) Suchow (徐州), nơi có một thiết bị hỏng-không thể sử dụng được. Vì vậy, để làm rõ vấn đề này, bằng cách người ta đem các tập sách được đựng trong hộp đọc và nghiên cứu rất kỹ lưỡng. [13] Bằng chứng về việc xây dựng các kho lưu trữ kinh luân cho những tập sách trong thế kỷ VIII và IX dường như rất ít ỏi. Đến thế kỷ XI, được xem là đầy đủ và phong phú hơn. Một lý do chính đáng về điều này, Luther Carrington Goodrich (1894-1986), một nhà Hán học và sử học về Trung Quốc người Mỹ, nói rằng: “Có thể là việc in ấn kinh điển Phật giáo Trung Quốc từ năm 971 stl đến 983 stl, đã đặt toàn bộ phạm vi kinh điển Phật giáo trong sự thẩm quyền quyết định của bất kỳ tu viện nào có tầm quan trọng.” [14]

Thực tế là ở Mông Cổ hiện đại, một số trụ cầu nguyện lớn có hình bát giác được công nhận ở vùng Trung Á, các thiết bị này ghi những câu thần chú (mantra) được truyền cảm hứng từ các hộp sách quay (kinh luân sách). [15]

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Banh Xe Cau Nguyen Cam Tay

Bánh xe cầu nguyện cầm tay

Một quan điểm khác, theo Bunyiu Nanjio (1849-1927) tu sĩ, học giả Phật giáo người Nhật Bản, trong phần giới thiệu Danh mục của ông: Bản đồ (trong ấn bản tiếng Nhật của kinh điển Phật giáo năm 1681 về một tủ sách lớn có tám góc được làm để quay quanh một trục thẳng đứng), được cho là phát minh vào năm 544 stl bởi một người nổi tiếng, cư sĩ Mahasattva (đại sĩ) Trung Quốc. Người ta nói rằng, theo suy nghĩ của vị cư sĩ này: nếu bất kỳ người Phật tử nào có thể chạm tay vào tủ sách chứa toàn bộ Tam tạng kinh điển và xoay một vòng, thì sẽ có công đức như những gì mà người đó đã đọc toàn bộ Tam tạng vậy. [16]

Điều thú vị hơn, để xác định từ những ghi chép của Tây Tạng – khi các chiếc hộp cầu nguyện lớn ghi những câu thần chú (mantra) lần đầu tiên được đề cập đến. Chúng dường như là một phát minh của người Tây Tạng, sau đó lan rộng ra khắp các vùng Trung Á, nơi Phật giáo Tây Tạng phát triển mạnh mẽ.

Vào thế kỷ XII, các Phật tử Trung Quốc dường như đã thích nghi với việc sử dụng tủ sách của họ-với ý tưởng tích lũy công đức, bằng cách xoay các hình trụ chứa các bản kinh linh thiêng. Theo Yeh Meng-tê (葉夢得, 1077-1148), một học giả, nhà thơ và bộ trưởng Trung Quốc thời Tống đã nói: Đối với sáu hoặc bảy trong số mười ngôi chùa, người ta có thể nghe âm thanh của những chiếc hộp đang xoay. [17] Điều này cho thấy rằng, đây không phải là kết quả của việc gia tăng hoạt động học thuật mà là một nỗ lực nhằm vào cái mà ông gọi là “tín ngưỡng máy móc” (mechanised piety).

Mục đích của kinh luân, dù dưới bất kỳ hình thức nào đi nữa, luôn hướng tâm trí con người quay trở về lĩnh vực tâm linh của cuộc sống, ngay cả trong các hoạt động hằng ngày. Thậm chí khi nó không được đẩy bởi bàn tay con người và được điều khiển bởi nước, gió hoặc khí nóng, như chúng ta sẽ thấy sau này; nó vẫn được nhìn thấy bởi những người hành hương đi ngang qua xoay chúng và lần lượt đi vòng trở lại. Theo thuật ngữ hiện đại gọi là “sự chuyển động tròn của trái đất” (the circular movement of the earth). Nhằm nhắc nhở cho chúng ta thấy về lần Chuyển pháp luân đầu tiên (sơ chuyển pháp luân), khi đức Phật thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như (s. kauṇḍinya) tại vườn Lộc Uyển ở Varanasi, và hai lần chuyển pháp luân khác bắt đầu Đại thừa và Kim cương thừa. Các hành giả cũng có thể cảm thấy nó phản ánh sự quay của bánh xe trong cơ thể (luân xa) như được dạy trong Yoga và y học Tây Tạng, [18] nhưng bánh xe cầu nguyện chủ yếu thuộc về lĩnh vực thờ cúng phổ biến, như nghi lễ đi nhiễu (p. padakkhiṇā; t. bskor, བསྐོར་།; e. circumambulation) có từ thời kỳ đầu của Phật giáo ở Ấn-độ và Đông Nam Á.

Các nhà tâm lý học phương Tây cũng cho biết rằng, việc lặp đi lặp lại một câu thần chú (mantra) liên tục có thể dẫn đến tình trạng tự thôi miên (self-hypnosis) và xuất thần (trance), nhưng có những trạng thái xuất thần có lợi như thiền định (s. dhyāna; t. bsam-gtan, བསམ་གཏན་།) sau khi hành thiền, và những trạng thái xuất thần có hại khi sự cân bằng của tâm trí có thể bị đảo lộn. Điều này phụ thuộc vào khả năng và kinh nghiệm trong quá khứ của từng cá nhân, cũng như sự hướng dẫn mà họ lãnh thọ và chấp nhận. Trong trường hợp của bánh xe cầu nguyện, chuyển động quay của các dải dài của một câu thần chú (mantra) được lặp đi lặp lại nhiều lần với nhau, mà một vị thần được liên kết đặc biệt, được cho là sẽ kích hoạt sức mạnh của âm thanh, [19] đây là truyền thống kế thừa từ Ấn giáo (Hinduism).

Người ta có được một nguồn cảm hứng khi tiếp cận các tủ sách xoay; bánh xe cầu nguyện do gió chuyển động có thể tìm thấy ở Tây Tạng trước khi cối xay gió (windmill) trục thẳng đứng đến châu Âu. Ở Tây Tạng, cối xay gió chỉ được sử dụng trong nghi lễ cầu nguyện. Ứng dụng đầu tiên của năng lượng gió đối với các trụ cầu nguyện, là cách nhìn nhận trở nên rất khó hiểu đối với nghiên cứu của phương Tây. Cối xay gió không được tìm thấy ở Trung Quốc cuối thế kỷ XIII, và chỉ được áp dụng để bơm hoặc kéo thuyền trên kênh qua các âu thuyền. [20] Có thể ý tưởng sử dụng năng lượng gió để xoay các trụ cầu nguyện được lấy cảm hứng từ việc sử dụng những lá cờ cầu nguyện tung bay trong gió, và mang thông điệp tôn giáo ở những khu vực mà Shaman giáo (shamanism) [21] và đạo Bön (t. བོན་།) [22] đã được thực hành từ rất sớm.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Ban Thao Cua Ky Su Mariano Jacopo Taccola

Bản thảo của kỹ sư Mariano Jacopo Taccola. Sao chép từ Lynn White jr. (1964), Mediaeval Technology and Social Change, Oxford University Press

Ở châu Âu, cối xay gió trục đứng đầu tiên xuất hiện như một bản phác thảo (sketch) trong cuốn sổ tay chưa xuất bản của kỹ sư người Ý – tên là Mariano Jacopo Taccola (1438-1450). [23] Cối xay gió châu Âu trước đó quay quanh một trục ngang hơi nghiêng sang một bên, và có lẽ được lấy cảm hứng từ cối xay nước (watermill) trục ngang có hộp số. [24] Khả năng thiết bị có trục thẳng đứng của kỹ sư Taccola. Trên thực tế, có nguồn gốc từ Tây Tạng được xác nhận bởi sự xuất hiện trong nghệ thuật Ý vào thời điểm đó, với những họa tiết như vũ điệu của thần chết, [25] cũng như đôi cánh dơi (bats) và các vị thần phẫn nộ từ các bức tranh châu Âu thế kỷ XIII trở đi. Berthold Laufer (1874-1934) [26] đã mô tả những chiếc trống cầu nguyện Tây Tạng, với những cánh gió uốn cong được bảo quản trong các viện bảo tàng phương Tây. Ngày nay, Savonius S-rotor cung cấp điều hòa không khí dưới dạng quạt thông gió xoay trên nóc xe tải có động cơ, và toa xe lửa đông lạnh được cho là hậu duệ trực hệ của những thứ này.

Bánh xe nước nằm ngang cũng được áp dụng để xoay trụ cầu nguyện ở Tây Tạng, trong khi đó sức nước chưa bao giờ được áp dụng để quay hộp đựng sách ở Trung Quốc. [27] Đối với những người du mục Mông Cổ, trong một số trường hợp đã sử dụng không khí nóng để xoay các trụ cầu nguyện trong gió lùa phía trên ngọn lửa nơi lều ở của họ.

Như thường xảy ra với các phát minh, vật phẩm lớn hơn tiếp đó được theo sau bởi một dạng nhỏ hơn của nó, như trong trường hợp đồng hồ và đồng hồ đeo tay, hoặc súng đại bác (cannon), súng trường (rifle) và súng lục (pistol). Sự đổi mới thiết yếu trong ống trụ cầu nguyện cầm tay [28] xoay trên một cái chốt cắm lỏng lẻo vào tay cầm, với một vòng vỏ sò (shell) hoặc ngà voi (ivory) giữa ống trụ và tay cầm là một quả bóng hoặc khối lập phương nặng được gắn vào cạnh của hình trụ bằng dây xích, hoặc dây da để tạo ra động lượng ly tâm (centrifugal momentum), khi hình trụ quay trên trục của nó. Thiết bị duy trì vòng quay này được gọi là bộ điều tốc (governor) trong công nghệ hiện đại.

Vào những năm 1420 ở châu Âu, các kỹ thuật viên phương Tây quan tâm nhiều đến các thiết bị giúp tay quay cơ khí chuyển động qua “điểm chết” (dead spot). Điều này dẫn đến việc khám phá các linh kiện của bộ điều tốc. Trong bản vẽ tay quay phức hợp và thanh kết nối được tìm thấy trong bản thảo – tác phẩm của một họa sĩ và kỹ sư người Ý – Mariano Jacopo Taccola (hình 3). Từ năm 1482 đến 1501, người ta tìm thấy một bộ điều tốc quả cầu và dây xích theo đúng mô hình của Tây Tạng. [29]

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Ben Trong Kinh Luan Co Dai Giay

Bên trong Kinh luân là một dải giấy có câu thần chú

3. Tiếp cận nghệ thuật Tây Tạng Bánh xe cầu nguyện

Vào năm 1970, Tarthang Rinpoche còn gọi Tarthang Tulku (1934-nay) đã chọn một bộ sưu tập các thần chú (s. mantra; t. sngags, སྔགས་།), đặc biệt có lợi cho thời đại ngày nay. Ngài huấn luyện các học trò của mình theo phương pháp truyền thống để in ấn và cuộn bản kinh văn cho kinh luân (hình 4). Thay vì tay cầm, vốn thường thấy ở các bánh xe nhỏ hơn, ngài Rinpoche bọc các bản kinh văn đã cuộn lại bằng vải và đặt chúng trên bàn xoay, sử dụng điện để khiến các câu thần chú cổ xưa chuyển động vĩnh viễn (hình 5). Trong những năm gần đây, Tarthang Rinpoche đã áp dụng các kỹ thuật in và sắp chữ trên máy vi tính hiện đại để tạo ra những bánh xe có nội dung tương đương với những bánh xe lớn nhất như đã từng được sản xuất ở Tây Tạng. Thế hệ bánh xe cầu nguyện mới này mô phỏng truyền thống Mani Dong-khor, [30] bánh xe cầu nguyện gồm mười triệu câu thần chú (hình 6) được đánh giá cao ở Tây Tạng.

4. Khi nào nên sử dụng Bánh xe cầu nguyện

Không có bất kỳ định nghĩa chính xác nào về thời điểm sử dụng kinh luân, một người có thể quay kinh luân bất cứ lúc nào, thậm chí trong khi hành thiền hoặc trì tụng thần chú hằng ngày; kể cả lúc thực hành một số nghi thức tâm linh. Bánh xe cầu nguyện cũng có thể được quay trong khi đi nhiễu quanh một bảo tháp (s. stūpa; t. mchod-rten, མཆོད་རྟེན་།) và ngay cả khi chúng ta đang xem TV, nghe kinh (pháp thoại) hoặc đọc sách cùng với tất cả những công việc hằng ngày khác. Nhưng bánh xe cầu nguyện không nên quay trong khi một vị Lạt-ma đang đọc diễn văn hoặc giảng dạy.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Banh Xe Cau Nguyen Duoc Lam Tu Go

Bánh xe cầu nguyện được làm từ gỗ Walnut (óc chó), chứa bên trong 10 triệu câu thần chú

5. Cách sử dụng Bánh xe cầu nguyện

Kinh luân nên quay theo chiều kim đồng hồ, với sự tập trung vào một điểm của thân, khẩu và ý. Quay kinh luân thật dễ dàng và nhanh chóng, không đòi hỏi nhiều sức mạnh thể lực to lớn hay lặp đi lặp lại nhiều lần. Hoạt động dễ thực hiện, có ý nghĩa, mục đích và lợi ích rất lớn đối với người thực hiện.

6. Thay lời kết

Từ những kết quả có được bởi các nhà nghiên cứu, cũng như việc hành trì nghi thức tâm linh phổ biến trong Phật giáo Tây Tạng; ứng dụng kinh luân nhằm tu tập tâm và chuyển hoá tâm để hành giả đạt đến trạng thái an lạc, giác ngộ. Mặc dù, đối với hành giả sử dụng kinh luân không chỉ để tạo ra công đức (s. puṇya; t. bsod-nams, བསོད་ནམས་།) và thiện nghiệp (s. kuśalakarma; p. kusala-kamma; t. dge-ba’i las, དགེ་བའི་ལས་།) cho bản thân, mà còn hồi hướng cầu nguyện cho khắp pháp giới chúng sinh đồng viên lợi lạc. Phổ biến nhất – lời cầu nguyện được xướng tụng trong khi sử dụng kinh luân là “Oṃ Maṇi Padme Hūṃ” (t. ཨོཾ་མ་ནི་པ་དྨེ་ཧཱུྃ་།). Khi xướng niệm “Lục tự đại minh chơn ngôn” nhằm đánh thức đức tính từ bi nơi tự tâm của hành giả, và cần cầu sự gia hộ đức Quán Thế Âm, hiện thân của lòng từ bi trong Phật giáo Tây Tạng. Cũng vậy, kinh luân được khắc câu thần chú này có một năng lực diệu dụng vô cùng.

Thích Nguyên Định
Chùa Vĩnh An, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai

***

Tham khảo và Chú thích
[1] Xem Patton Dodd, Jana Riess và David Van Biema (2018), The Prayer Wheel: A Daily Guide to Renewing Your Faith with a Rediscovered Spiritual Practice, Published by Convergent Books.
[2] Peter Simon Pallas (2016), Sammlungen zur politischen, physikalis chen und moralischen Geschichte der mongolischen völkerschaften, St. Petersburg, vol. 2, tr. 304.
[3] Sđd. tr. 335.
[4] Julius Heinrich von Klaproth (1812), Reise in den Kaukasus und nach Georgien, Published by Berlin, Hallisches Waisenhaus, vol. 1, tr. 108.
[5] Xem F. Shoberl (trans.) (1814), Travels in the Caucasus and Georgia, performed in the years 1807 and 1808, Published by London, Henry Colburn.
[6] James Bell (1832), A system of popular and scientific geography, Published by Glasgow, Fullerton and Blackie, vol. 5, tr. 403.
[7] Loại bánh xe này được quay bằng gió. Gió chạm vào bánh xe cầu nguyện nhằm tiêu trừ nghiệp chướng của những người khi chạm vào.
[8] Loại bánh xe cầu nguyện này được quay bằng dòng nước chảy. Nước chạm vào bánh xe – cho là sự kiết tường, và mang sức mạnh thanh lọc của nó vào tất cả các dạng sống trong các đại dương và hồ mà nó chảy vào.
[9] Bánh xe này được quay bằng sức nóng của lửa hoặc đèn điện. Ánh sáng phát ra từ bánh xe cầu nguyện sau đó tẩy trừ nghiệp chướng của chúng sinh khi chạm vào.
[10] John Lowry (1973), Tibetan Art, Published by London, Victoria and Albert Museum, tr. 79.
[11] Lynn White jr. (1960), Tibet, India and Malaya as sources of Western Mediaeval technology, American Historical Review, vol. 65, tr. 520.
[12] Luther Carrington Goodrich (1942), “The revolving book-case in China,” Harvard Journal of Asiatic Studies, vol. 7, tr. 133.
[13] S. Levi & E. Chavannes (1915), ‘Quelques titres énigmatiques dans la hiérarchie ecclésiastique du Bouddhisme indien.’ Journal Asiatique, 11th series, vi, tr. 308.
[14] “May be the printing of the Chinese Buddhist canon between 971 and 983, which placed the whole range of sacred Buddhist literature within the reach of any monastery of importance.” Luther Carrington Goodrich (1942), “The revolving book-case in China,” Harvard Journal of Asiatic Studies, vol. 7, tr. 137.
[15] Lynn White jr. (1978), Mediaeval Religion and Technology, University of California Press, tr. 86.
[16] Bunyiu Nanjio (1883), A Catalog of the Chinese Translation of the Buddhist Tripitaka, the Sacred Canon of the Buddhists in China and Japan, Clarendon Press, các tr. 131-132, 137.
[17] Lynn White jr. (1964), Mediaeval Technology and Social Change, Oxford University Press, tr. 86.
[18] Xem Margarita Alcantara (author) (2017), Chakra Healing: A Beginner’s Guide to Self-Healing Techniques that Balance the Chakras, Althea Press.
[19] W. Zwalf (1981), Heritage of Tibet, London, British Museum Publications, tr. 87.
[20] Joseph Needham (1954), Science and Civilisation in China. vol. I, Cambridge University Press, tr. 245.
[21] Xem Mircea Eliade (1989), Shamanism: Archaic Techniques of Ecstasy, Published by Arkana Books.
[22] Xem Dhundup Tsering (1995), A Collection of Studies on the Tibetan Bön Tradition, University of Oslo, Serinda Publications, London.
[23] Xem Lynn White jr. (1978), Mediaeval Religion and Technology, University of California Press.
[24] Lynn White jr. (1960), Tibet, India and Malaya as sources of Western Mediaeval technology, American Historical Review, vol. 65, tr. 519.
[25] Jurgis Baltrušaitis (1955), Le Moyen Åge fantastique : antiquités et exotisme dans I ‘art gothique, Paris, Published by Armand Colin, tr. 247.
[26] Berthold Laufer (1934), “The noria or Persian wheel,” in Oriental studies in honour of Cursetji Erachji Pavey, Oxford at the University Press, tr. 238.
[27] Joseph Needham (1954), Science and Civilisation in China. vol. IV, part 2, Cambridge University Press, tr. 552.
[28] Lynn White jr. (1960), Tibet, India and Malaya as sources of Western Mediaeval technology, American Historical Review, vol. 10, tr. 49.
[29] Sđd, tr. 49.
[30] Mani Dong-khor là một ngôi chùa Phật giáo ở Bhutan. Mani Dongkhor nằm gần Jenkhana Chorten và NRDCL (văn phòng chính phủ Bhutan).

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường