Tự do của một nhà nước phải đi kèm điều luật. Tự do trong khuôn khổ mà nhà nước cho phép. Còn tự do Phật giáo không có một quy luật. Phật giáo dựa trên bổn phận và trách nhiệm mình đã tạo ra với hành động và ý nghĩ.

Thích Đồng Niệm Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024

Mở đề: Nói đến tự do - dân chủ là nói đến một lĩnh vực rộng lớn, gắn liền với hoạt động của xã hội, có giai cấp và có lợi ích của mỗi giai cấp và mỗi con người cụ thể trong xã hội. Cho nên, việc nghiên cứu về tự do - dân chủ vừa là một nhu cầu vừa là một trách nhiệm. Tất cả các tôn giáo cũng như các ngành khoa học xã hội, trực tiếp hoặc gián tiếp đều có phần nghiên cứu về lĩnh vực tự do - dân chủ của đời sống xã hội.

Có nhận định cho rằng, Phật giáo là một tôn giáo tách rời với đời sống xã hội, có thật như vậy không? Chúng ta cùng trao đổi những quan điểm của Phật giáo về “tự do – dân chủ”.

Từ khóa: Tự do – dân chủ, Phật giáo, tôn giáo, quan điểm...

1. Quan điểm tính dân chủ trong Phật giáo

Nói đến đạo Phật có nhiều người hỏi rằng đạo Phật là một tôn giáo hay triết học? Trải qua thời gian nghiên cứu và thực nghiệm giới học thuật đã đưa ra kết luận: Đạo Phật không phải là Tôn giáo cũng không phải là Triết học. Bởi vì đạo Phật không có chủ trương có một chủ thể toàn quyền năng sáng lập vũ trụ, không nương tựa thần quyền và cũng không phải là phiếm luận hão huyền, không phải là những lý thuyết bàn suông.

Nhưng vì sinh hoạt con người luôn phải đặt để vào hai phạm trù trên. Nếu là Tôn giáo thì đạo Phật là một Tôn giáo cá nhân, nếu là triết học thì đạo Phật là một Triết học thực tiễn.

Sở dĩ nói Tôn giáo cá nhân, bởi vì đạo Phật không có giáo quyền, không có Giáo hội tập trung bắt buộc giáo đồ phải tuân phục theo những giáo lệnh do các giáo sĩ đặt ra, cho đó là lời của thánh, thần...Ngược lại tín đồ Phật giáo hoàn toàn tự do khi phát nguyện tuân giữ Giới luật vốn không phải là luật lệ nghiêm cấm bắt buộc, mà đó là những phương tiện để nâng cao đời sống tinh thần của người trì giới đã thọ.

Chùa Một Cột (Hà Nội) - Ảnh: Minh Khang

Nói là Triết học thực tiễn vì đạo Phật không phải thiết lập nên những nguyên lý để bàn cãi hay quảng bá bằng danh từ, ngôn thuyết mà chính là để áp dụng những nguyên lý đó vào cuộc sống tu tập của mỗi cá nhân với mục đích đạt đến giác ngộ.

Cho nên, đức Phật thường dạy học trò của mình rằng:

“Không nên chấp nhận lời dạy của ta do lòng kính trọng, mà trước hết phải kiểm nghiệm lời dạy đó, như dùng lửa thử vàng vậy”.

Ngài còn dạy: “Một điều là đúng hay sai không phải do quyền uy và thần khải”. Ngài ví những tín đồ Bà La Môn giáo tụng thuộc lòng kinh Veda như một đoàn người mù dẫn dắt nhau đi, người đi đầu không thấy gì hết, người đi giữa cũng không thấy gì hết và đi sau cùng cũng không thấy gì hết. Với Ngài chấp nhận chân lý và giác ngộ chân lý là hai việc khác nhau. Giác ngộ chân lý như người nếm mật, còn chấp nhận chân lý mà không hiểu thì cũng giống như người dùng thìa hứng mật, múc mật mà không nếm”.(1)

Cũng vậy, chấp nhận chân lý do quyền uy của người khác, dù người đó là bậc Đạo Sư cũng không thể nào có được sự giác ngộ tâm linh, giải thoát tối hậu. Tuân thủ truyền thống hay quyền uy, tự nó không có giá trị.

Có thể nói đạo Phật là đạo không có hệ thống tín điều, không lấy tín điều làm căn bản như hầu hết các tôn giáo khác. Đức tin của đạo Phật luôn đi đôi với cái “Thấy” bởi Phật giáo không bắt buộc hay dụ dỗ mọi người đến với đạo, mà chủ trương của đạo Phật là đến để mà “Thấy” chứ không phải đến để mà “Tin”. Vì vậy, chính kiến luôn đứng đầu trong các đức tính. Lời dạy của Thế Tôn cho dân Kàlama được các nhà học giả phương Tây coi là bản tuyên ngôn về tự do dân chủ của nhân loại.

“Này các Tỳ kheo đừng để dẫn dắt bởi những cáo buộc, hay bởi truyền thống, hay bởi tin đồn. Đừng để dẫn dắt bởi thẩm quyền kinh điển, hay bởi lý luận suông, hay bị suy lý, hay bởi xét đoán bờ ngoài…hay bởi ý nghĩ đây là bậc Đạo Sư của chúng ta. Nhưng này các Kàmala, khi nào các ông biết chắc rằng những điều ấy là thiện, là tốt, hãy chấp nhận và theo chúng”.(2)

Phật giáo không có vị trí dành riêng cho thượng đế hay đấng sáng tạo tối thượng. Hệ thống giáo lý đạo Phật dựa trên quan niệm về một nền vũ trụ, trong đó mỗi cá nhân đều tiềm tàng năng lực phát huy đạo đức và trí tuệ đến chỗ hoàn thiện bằng chính nỗ lực của mình.

Tuy nhiên, Phật giáo không phải là một tôn giáo nhất thể, ngược lại Phật giáo rất đa dạng và ngay trong một dòng truyền thừa đã có thể có những cách lý giải và hành trì khác nhau của các chi phái. Có người tu theo Tịnh Độ Tông, có người theo Thiền Tông vv...tùy theo căn tính của mọi người mà chọn lấy pháp môn thích hợp. Như vậy, Phật giáo không bắt buộc, mang tín dân chủ trong tín ngưỡng.

Khung cảnh Đại lễ Phật đản LHQ Vesak 2017 tại Borobudur, Indonesia. Ảnh Minh Minh

2. Quan điểm về quyền tự do

Theo Phật giáo tự do là sự vắng mặt của những hạn chế hoặc giới hạn. Con người tự do để nói hoặc hành động tuỳ theo điều kiện, hoặc tư tưởng với những giới hạn và hạn chế của luật. Tự do trong ý nghĩa là sẵn lòng cho người khác một cơ hội nhưng không cho người khác tự do với sự ích kỷ. Trong Kinh Trung Bộ giải thích rằng: “Tự do của con người bị giới hạn trong điều kiện khi tâm con người dính chặt đến cảm xúc lạc thọ và không lạc thọ”.

Đạo Phật ủng hộ tư tưởng thiết yếu rằng mỗi con người được sinh ra với trách nhiệm và tự do hoàn hảo. Con người không phải là sản phẩm của đấng sáng tạo, do vậy họ có quyền lựa chọn cho mình một niềm tin tôn giáo mà không phải qua sự áp đặt nào. Đức Phật không nói rằng Phật giáo là tôn giáo chân thật duy nhất và những tôn giáo khác đều sai.

Ngài cũng không tuyên bố rằng Ngài chính là Đạo Sư chân chính, thật sự duy nhất và nếu một ai đó đến với Ngài, sùng bái và cầu nguyện Ngài thì sẽ được cứu rỗi tội lỗi của người đó sẽ dứt trừ.

Ngài cũng không bao giờ đề nghị chúng ta nên xem thường những bậc Đạo Sư của các tôn giáo khác. Mà dạy chúng ta rằng nên “tôn trọng những ai xứng đáng được tôn trọng”. Và có quyền tự do điều khiển vận mệnh của chính mình. Là người đầu tiên trong lĩnh vực tự do tư tưởng.

Phật đã tìm ra con đường của tự do và chấm dứt mọi đau khổ xuyên qua sự phát triển của trí tuệ. Lời khuyên của Ngài không chỉ phụ thuộc trên những học thuyết sự tôn thờ và những bậc thầy có uy tín, mà còn chủ trương mạnh mẽ học thuyết tự lực, thanh tịnh, khiêm cung chứng ngộ, an lạc và lòng từ.

Ngài đã đạt được sự chứng ngộ đó là do những nổ lực của chính bản thân Ngài, nhận thức nghị lực và thanh tịnh của trí tuệ tối cao mà không có bất cứ một vị thầy hoặc thiên thần nào dạy Ngài làm như thế. Giá trị ấy được tìm thấy trong bài kinh Sapasadaniya của Trường Bộ kinh. Khi Thế Tôn ca tụng nổ lực cá nhân, cố gắng của con người, sức mạnh của con người, nghị lực của con người, dũng cảm và trách nhiệm của con người.(3)

Phật giáo không chấp nhận học thuyết định mệnh mà Makkali Gosàli tin rằng “Kinh nghiệm lạc khổcủachúng sinh không có quyền chủ động, con người thì trống rỗng của tự do ý chí, nỗ lực, mong muốn năng lượng phẩm giá, quyền tự quyết hoặc tự nỗ lực cho chính mình”. Từ chối tất cả các học thuyết áp đặt lên con người, Phật giáo tán thành học thuyết nhân quả không định mệnh cùng với học thuyết tự do ý chí.

Tự do ý chí theo Phật giáo là tự điều phục bản thân, chế ngự những cấu uế của tâm, giúp cho con người ra khỏi những phiền muộn, những trói buộc và vướng mắc của dục vọng, sân hận và ác ý. Nói cách khác Phật giáo đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân và cộng đồng. Cho nên trong Kinh Pháp Cú có nói: “con người quả thật bậc thầy của chính mình”.

Như vậy, tự do là cái nhìn sáng suốt mà con người và tất cả chúng sinh khát khao hạnh phúc. Phật giáo chủ trương lòng tự tin, tự kiềm chế, tự lực và tự thanh tịnh đến mỗi cá nhân trong xã hội. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn.

Trước lúc diệt độ Thế Tôn đã gửi lời khuyên nhẹ nhàng đến chúng đệ tử của Ngài: “hãy là ngọn đèn của chính các con. Hãy là nơi an trú cho chính các con. Đừng đam mê đến chỗ an trú bên ngoài. Cần giữ chân lý như ngọn đèn. Cần giữ sự an trú đến chân lý. Đừng tìm kiếm chỗ an trú bất cứ bên ngoài nào của các con”.(4)

Đó là con đường tối hậu mà mọi người sẽ đạt đến tự do trừ tất cả khổ đau.

Đại lễ Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam - Ảnh Minh Minh

Hiện nay trên thế giới có nhiều quốc gia luôn xung đột lẫn nhau vì tôn giáo. Họ luôn tìm mọi cách bắt buộc những người dân phải tin tôn giáo riêng mình. Nếu không theo họ thì bị khủng bố. Họ còn khuyến khích mọi người chỉ có tôn giáo của họ mới là tối thượng, sau khi mạng chung sẽ được lên thiên đường. Nhưng theo Phật giáo dù một người theo tôn giáo khác, hay không có tôn giáo nhưng trong hiện tại họ làm những việc thiện sau khi lâm chung cũng vẫn sinh về thế giới an lành mà tôn giáo khác gọi là thiên đường.

Như vậy, qua những sự nhận định trên ta thấy rằng: Phật giáo nhìn nhận giá trị của con người, không phải do sinh ra hay nguồn gốc xuất thân mà quyết định. Sự cao thượng hay thấp kém đều phụ thuộc vào hành động và nhân cách của con người và đức Phật cũng khẳng định rằng: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính mà có khả năng thành Phật.

3. Tự do tôn giáo

Đức Phật là một nhà cách mạng tài ba trong nền lịch sử văn minh nhân loại. Ngài đã trao quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo đến cho mọi người mà ngày nay các nước trên thế giới đã thực hiện quyền tự do tôn giáo ấy.

Chính đức Phật đã đề ra cách đây hơn 25 thế kỷ khi Ngài còn tại thế, một hôm có một nhóm người không biết chọn lựa tôn giáo nào để theo tu tập . Bởi vì, lúc này ở Ấn Độ có hơn 92 tôn giáo. Do đó, họ đã đến thưa với đức Phật, xin đức Phật chỉ dạy những băn khoăn trong lòng không thể giải quyết được. Họ nói: họ không biết để chọn cho mình một tôn giáo cho phù hợp.

Lúc bấy giờ đức Phật không cho rằng Phật giáo là tôn giáo thích hợp đối với họ, còn những tôn giáo khác là không phù hợp. Đức Phật đã khuyên mọi người nên suy nghĩ một cách tự do không lệ thuộc vào trào lưu, quyền lợi, uy quyền của vị lãnh đạo của tôn giáo đó.

Từ đây chúng ta thấy đức Phật không bao giờ Ngài tự xưng là bậc đạo sư tối thượng, cũng không chê bai xem thường những vị đạo sư khác. Ngài truyền đạo cũng không khuyên mọi người vào đạo chắc chắn sẽ được giải thoát... Ngài chỉ dạy chúng ta nên “tôn trọng những ai xứng đáng được tôn trọng”.

Điều này được đức Phật công bố sau khi Ngài chứng đạo, Ngài đã bảo các đệ tử: “Này các Tỳ kheo, bây giờ chư vị và ta tự do, giải thoát khỏi những trói buộc của chư thiên và loài người”.

Thông thường các nhà tôn giáo luôn tìm cách trói buộc tín đồ của mình với những điều lệ, hay dụ những cảnh giới thiên đàng mà mọi người tin sẽ hướng đến thọ hưởng thú vui tuyệt đỉnh, trần gian không bao giờ có được. Đức Phật đã bác bỏ những tư tưởng quan điểm đó. Ngài nói chính Ngài và các vị đệ tử tự do giải thoát khỏi sự trói buộc chư thiên và loài người. Chúng ta biết hiện nay trên thế giới có rất nhiều tín đồ sùng bái tôn giáo mà họ lựa chọn. Nhưng sự sùng bái đó không có một lý trí phán đoán, nhận xét.

Vì vậy thường dẫn đến sự tiêu cực, cũng có lắm khi có những nhà chức trách tôn giáo cấm các tín đồ của mình, không được xem kinh sách của tôn giáo khác, hoặc nghe pháp sẽ bị đọa vào địa ngục. Chính điều này tạo ra sự sợ hãi khiến cho con người bị màng vô minh che lấp tâm tính làm mê mờ tự tâm.

Nhưng trái lại Phật giáo không bao giờ cấm các tin đồ học hỏi các giáo lý khác với tinh thần tuệ giác và có lý trí. Vì thế đức Phật dạy: “hãy chấp nhận chân lý bất cứ khi nào chân lý ấy có giá trị. Hãy ủng hộ tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo của họ”.(5)

Thật đúng như vậy, bất cứ một cuộc sống nào, đều phải có điều kiện thống nhất, hoà hợp, bình đẳng mới tạo nên một sức mạnh, mới đưa đến thành công trong cuộc đời. Thực tế trong cuộc sống hằng ngày không có điều gì tai hại bằng sự bất công thiếu bình đẳng, dân chủ. Chính điều này gây nên sự hận thù.

4. Tinh thần dân chủ

Nói đến chính trị là một lĩnh vực bao trùm toàn bộ đời sống xã hội. Không có một lĩnh vực nào của đời sống xã hội không có mối quan hệ trực tiếp hay gián triếp với chính trị. Chính trị là nhu cầu cần thiết của con người hiện đại. Bởi vì, chính trị là một nguyên tắc để quản lý xã hội. Công tác này không phải riêng một cá nhân nào, mà mọi người đều có quyền tham gia, vì sự bình đẳng, dân chủ.

Tháp chùa Diên Phúc (Quảng Xương, Thanh Hóa) - Ảnh Minh Minh

Mới tạo nên hệ thống pháp luật nhằm đem lại quyền bình đẳng cho mọi người. Muốn có bình đẳng trong chính trị xã hội, cần có hai yếu tố cần thiết đó là “giáo dục và vật chất”.

Điều căn bản thứ nhất là việc giáo dục phải bình đẳng, nghĩa là mọi người dân được có quyền đến trường học tập, người tham gia công tác chính trị phải tài giỏi và có đạo đức. Nếu thiếu một trong hai việc đó rất nguy hiểm đối với xã hội.

Thứ hai là vấn đề vật chất, có nghĩa là người làm chính trị không bị vật chất chi phối.

Ví dụ như các cuộc bầu cử lợi dụng vật chất làm tiền đề trong việc bầu cử để tuyên truyền. Nó đã tổn hao tiền của mà còn dẫn đến không công bằng trong việc cạnh tranh. Điều tốt nhất trong việc bầu cử nên cạnh tranh bằng quan điểm quản lý xã hội đem lại phúc lợi cho xã hội. Chúng ta nghĩ rằng nếu dùng vật chất để tranh giành công tác chính trị, điều đó biểu thị thái độ không công bằng.

Đặc biệt, tư tưởng của Hồ Chí Minh đã vận dụng tinh thần về dân chủ. Đó là, quyền làm chủ của nhân dân được khẳng định về mặt pháp luật. Quyền làm chủ của các tầng lớp người trong xã hội được thực hiện trên cơ sở các hình thức sở hữu mới về tư liệu sản xuất được thiết lập. Ruộng đất thuộc về nông dân, nhà máy, xí nghiệp, do Nhà nước quản lý thông qua quyền làm chủ của công nhân. Hồ Chí Minh là người xây dựng nền móng cho nền dân chủ.(6)

Hồ Chí Minh cho rằng, dân chủ có vai trò hết sức to lớn, là “chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”(7). Theo Người, dân chủ là cái quý nhất. Trong việc xây dựng và củng cố chính quyền nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì dân.

Trong đó, đức Phật đã tuyên bố: “Không có giai cấp trong dòng máu, cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”. Thông qua lời nói này là một tiếng chuông báo động làm thức tỉnh mọi tầng lớp mà phân chia giai cấp. Giáo lý Phật giáo không phân biệt giàu sang hay bần tiện, màu da, tiếng nói và Ngài cũng nói “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Đây là tinh thần để thiết lập lên nền tảng dân chủ và mang tính bình đẳng. Phật giáo rất coi trọng con người, vì mọi người đều có quyền bình đẳng và dân chủ, xây dựng một xã hội không bạo động và đoàn kết. Phật giáo dạy con người có đạo đức phải đủ hai phương diện đó là từ bi và trí tuệ. Nếu từ bi mà không có trí tuệ là từ bi mù quáng, có thể dẫn đến tai hại cho bản thân cũng như xã hội. Có trí tuệ mà không có từ bi thì trở thành một con người chuyện gì cũng dám làm.

Hiện nay, quốc gia nào sử dụng vũ lực, hay một yếu tố bất chính nào khác, có mục đích làm lũng đoạn một quốc gia khác đó không phải là đạo đức trong chính trị lành mạnh. Giữa các nước phải có sự bình đẳng giao lưu văn hoá, kinh tế...nhưng chúng ta tôn trọng tập quán phong tục giữa các quốc gia, không nên căn cứ trên phương diện những gì mình ưa thích mà lấy đó làm tiêu chuẩn, bắt người khác phải tuân thủ theo. Chính điều đó gây nên sự xung đột bất hoà thiếu dân chủ bình đẳng.

Từ đây chúng ta thấy rằng tự do của một nhà nước và tự do của tôn giáo là hai lĩnh vực khác xa. Tự do của một nhà nước phải đi kèm điều luật. Tự do trong khuôn khổ mà nhà nước cho phép. Còn tự do Phật giáo không có một quy luật. Phật giáo dựa trên bổn phận và trách nhiệm mình đã tạo ra với hành động và ý nghĩ.

Thích Đồng Niệm Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024 ***

CHÚ THÍCH:

(1) Huyền Chân(1998), Phật học hàm thụ, “Đạo Phật có phải là tôn giáo không”, NXB TP.HCM, tr.316.

(2) HT. Thích Minh Châu ( dịch) Tăng Chi Bộ, tập 1.

(3) HT. Thích Minh Châu (1993) Trường Bộ Kinh, tập 3, VNCPHVN, tr. 113.

(4) HT. Thích Minh Châu (1993) Trường Bộ Kinh, tập 3, VNCPHVN, tr. 241-242.

(5) HT Ksri Dhammananda. T. Quảng Bảo (dịch), Phật giáo và tư tưởng tự do, Đạo Phật Ngày Nay.

(6) Nguyễn Khắc Mai (2007), 100 câu hỏi về dân chủ của Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, Tp. HCM, tr. 30

(7) Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 249.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Thích Hạnh Bình (2007), Tìm hiểu giáo lý Phật giáo nguyên thủy, NXB Phương Đông.

2. HT. Thích Minh Châu (1993) Trường Bộ Kinh, tập 3, VNCPHVN.

3. Huyền Chân(1998), Phật học hàm thụ, “Đạo Phật có phải là tôn giáo không”, NXB TP.HCM.

4. Nina van gorkom “ Abhidhamma in daly life”, Thích Thiện Minh(2001) (dịch), Tâm lý và triết học Phật giáo áp dụng trong đời sống hằng ngày, Kỳ Viên Tự xuất bản.

5. Nguyễn Khắc Mai (2007), 100 câu hỏi về dân chủ của Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, Tp.HCM

6. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Nhiều tác giả(1995), Đạo đức học Phật giáo, VNC PHVN ấn hành.