Để giữ gìn duy trì pháp học Phật giáo cho được đầy đủ, không để rời rạc, không cho thất lạc; cho nên, chư Đại Trưởng Lão kết tập Tam Tạng và Chú giải bằng tiếng Pāḷi.
Kết tập Tam Tạng Pali lần thứ nhất
Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa tổ chức kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải Pāḷi lần thứ nhất, sau khi đức Phật tịch diệt Niết Bàn được 3 tháng 4 ngày (nhằm vào ngày mùng 4 tháng 7 Âm lịch, trong mùa an cư nhập hạ) tại động Sattapaṇṇi gần thành Rājagaha xứ Māgaddha. Kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải này gồm có 500 vị Thánh Arahán có đầy đủ trí tuệ phân tích, lục thông…đặc biệt thông thuộc Tam Tạng và Chú giải Pāḷi, Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa chủ trì Đại hội, chất vấn Ngài Đại đức Upāli về Tạng Luật và chất vấn Ngài Đại đức Ānanda về Tạng Kinh và Tạng Vi Diệu Pháp. Kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải được thực hiện suốt 7 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam Tạng và Chú giải. Kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải Pāḷi lần này bằng cách truyền khẩu (mukhapāṭha) chưa ghi chép bằng chữ viết. Đức vua Ajātasattu xứ Māgaddha là người hộ độ chư Thánh Arahán trong kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải Pāḷi này.
Phân chia phận sự duy trì Tam Tạng, Ngũ Bộ: Sau khi kết tập Tam Tạng và Chú giải xong, chư Thánh Arahán phân công mỗi vị có bổn phận giữ gìn duy trì Tam Tạng và Chú giải như sau:
– Về Tạng Luật (Vinayapiṭakapāḷi) thuộc về phận sự của Ngài Đại đức Upāli. Ngài có trách nhiệm dạy Tạng Luật và Chú giải đến nhóm đệ tử, giữ gìn duy trì Tạng Luật này.
Khi Đức Phật còn tại thế, Đức Phật đã từng tuyên dương Ngài Đại đức Upāli là bậc Thánh Thanh Văn xuất sắc nhất về trì luật trong các hàng Thanh Văn đệ tử.
– Về Trường Bộ Kinh (Dīghanikāyapāḷi) thuộc về phận sự của Ngài Đại đức Ānanda. Ngài có trách nhiệm dạy Trường Bộ Kinh đến nhóm đệ tử, giữ gìn duy trì Trường Bộ Kinh này.
– Về Trung Bộ Kinh (Majjhimanikāyapāḷi) thuộc về phận sự của nhóm đệ tử của Ngài Đại đức Sāriputta, các vị này có trách nhiệm dạy Trung Bộ Kinh đến nhóm đệ tử, giữ gìn duy trì Trung Bộ Kinh này.
– Về Đồng Loại Bộ Kinh (Samyuttanikāyapāḷi) thuộc về phận sự của Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa. Ngài có trách nhiệm dạy Đồng Loại Bộ Kinh đến nhóm đệ tử, giữ gìn duy trì Đồng Loại Bộ Kinh này.
– Về Tiểu Bộ Kinh (Khuddakanikāyapāḷi), thuộc về phận sự chung của 500 chư Thánh Arahán. Quý Ngài có trách nhiệm dạy Tiểu Bộ Kinh đến các nhóm đệ tử, giữ gìn duy trì Tiểu Bộ Kinh này.
– Về Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭakapāḷi), gồm có 7 bộ lớn thuộc phận sự chung của 500 chư Thánh Arahán. Quý Ngài có trách nhiệm dạy Tạng Vi Diệu Pháp đến các nhóm đệ tử, giữ gìn duy trì Tạng Vi Diệu Pháp này.
Kết tập Tam Tạng Pali lần thứ hai
Giáo pháp của đức Phật được giữ gìn duy trì đúng theo Chính Pháp trải qua được 100 năm, thì có nhóm Tỳ khưu Vajjīputta xứ Vesāli đặt ra 10 điều không hợp với pháp luật của Đức Phật là:
1 – Kappati siṅgiloṇakappo: Tỳ khưu cất giữ muối trong ống bằng sừng với tác ý rằng: để làm đồ gia vị thức ăn ngày hôm sau, cũng được.
2 – Kappati dvaṅgulakappo: Tỳ khưu thọ thực quá ngọ, mặt trời ngả qua hai lóng tay, cũng được.
3 – Kappati gāmantarakappo: Tỳ khưu đã ngăn cản vật thực rồi tự nghĩ rằng: bây giờ ta đi vào xóm để dùng vật thực nữa, mà không cần làm đúng theo Luật, cũng được.
4 – Kappati āvasakappa: Trong cùng Mahāsīmā, có nhiều nhóm riêng rẽ hành uposathakamma, cũng được.
5 – Kappati anumatikappa: Chư Tăng trong nhóm hành tăng sự nghĩ rằng: Sẽ cho phép Tỳ khưu đến sau, cũng được.
6 – Kappati ācinnakappa: Tỳ khưu hành theo pháp mà Thầy Tổ của mình thường thực hành, cũng được.
7 – Kappati amathitakappa: Tỳ khưu đã ngăn cản vật thực rồi, dùng sữa tươi đã biến chất, chưa biến thành sữa chua, cũng được.
8 – Kappati jaḷogiṃ pātuṃ: Tỳ khưu uống rượu nhẹ chưa thành chất say, cũng được.
9 – Kappati adasakaṃ nisīdanaṃ: Tỳ khưu dùng tọa cụ không có đường lai, cũng được.
10 – Kappati jātarūparajataṃ: Tỳ khưu thọ nhận vàng bạc, cũng được.
Đó là 10 điều do nhóm Tỳ khưu Vajjīputta đề xướng không đúng theo Chính Pháp của đức Phật.
Đại Trưởng Lão Yassa Kākaṇḍakaputta (Mahā Yassa), nghe tin nhóm Tỳ khưu Vajji xứ Vesāli đặt ra 10 điều như vậy, Ngài liền đến tận nơi hội họp chư Tỳ khưu Tăng giải thích để cho họ hiểu rõ, đó là 10 điều sai trái, không hợp với luật pháp của Đức Phật. Đây cũng là nguyên nhân khiến Đại Trưởng Lão Yassa Kākaṇḍakaputta triệu tập kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhì tại ngôi chùa Vālikārama, gần thành Vesāli khoảng 100 năm sau khi đức Phật tịch diệt Niết Bàn.
Kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhì này gồm có 700 bậc Thánh Arahán có đầy đủ Tứ Tuệ Phân Tích, Lục thông, thông thuộc Tam Tạng, Chú giải… do Ngài Đại Trưởng Lão Yassa Kākaṇḍakaputta làm chủ trì, Ngài Đại Trưởng Lão Revata vấn, Ngài Đại Trưởng Lão Sabbakāmi giải đáp…Công cuộc kết tập được thực hiện trong suốt thời gian 8 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam Tạng và Chú giải, hoàn toàn y theo bản chính của kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhất. Kỳ kết tập Tam Tạng lần này cũng bằng khẩu truyền (mukhapātha) chưa ghi chép bằng chữ viết. Đức vua Kālāsoka xứ Vesāli hộ độ kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải lần này.
Giáo pháp của Đức Phật một lần nữa được giữ gìn duy trì đúng theo chính pháp. Tất cả chư Tỳ khưu thực hành nghiêm chỉnh giới luật, làm cho những người chưa có đức tin nơi Tam Bảo, lại phát sinh đức tin, những người nào đã có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo rồi, đức tin càng tăng trưởng.
Kết tập Tam Tạng Pali lần thứ ba
Sau kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ hai, Phật giáo càng ngày càng phát triển, chư Tỳ khưu, Tỳ khưu ni càng đông, cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo càng nhiều, họ làm phước hộ độ cúng dường 4 thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu rất đầy đủ, nhất là vào thời kỳ Đức vua Dhammāsoka (Asoka). Đức vua là Bậc Minh Quân, trị vì toàn cõi Nam Thiện Bộ Châu, có đức tin trong sạch trong Phật giáo, hộ độ cúng dường 4 thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu rất đầy đủ, sung túc. Ngược lại, các nhóm tu sĩ ngoại đạo thì đời sống thiếu thốn khổ cực. Do đó, một số tu sĩ ngoại đạo xâm nhập vào sống chung với chư Tỳ khưu, về mặt hình thức thì giống Tỳ khưu, nhưng về mặt nội tâm vẫn giữ nguyên tà kiến cố hữu của mình không hề thay đổi.
Vì vậy, Tỳ khưu thật chính kiến và Tỳ khưu giả tà kiến sống chung không thể hành tăng sự được, tình trạng này kéo dài suốt 7 năm. Chư Tỳ khưu trình sự việc này lên Đức vua Dhammāsoka (Asoka) và nhờ uy quyền của Đức vua để thanh lọc Tỳ khưu giả ngoại đạo tà kiến. Đức vua Asoka là Đấng Minh Quân và cũng là một cận sự nam có đức tin trong sạch hộ trì Tam Bảo, Đức vua học giáo pháp của Đức Phật với Ngài Đại Trưởng Lão Moggaliputtatissa, nên hiểu rõ chính kiến trong Phật giáo và các tà kiến của ngoại đạo. Đức vua thỉnh chư Tỳ khưu xét hỏi từng vị một, qua cuộc xét hỏi này đã loại bỏ ra được 60.000 Tỳ khưu giả có tà kiến ngoại đạo, Đức vua ban cho mỗi người một bộ đồ trắng, bắt buộc hoàn tục, trở thành người cư sĩ; còn lại tất cả Tỳ khưu thật có chính kiến trong Phật giáo đoàn kết cùng nhau hành tăng sự trở lại.
Nhân dịp này, Ngài Đại Trưởng Lão Moggaliputtatissa đã đứng ra triệu tập kỳ kết tập Tam Tạng Pāḷi lần thứ ba. Kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ ba này được tổ chức tại chùa Asokārāma xứ Pāṭaliputta, khoảng thời gian 235 năm, sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn. Kỳ tập Tam Tạng lần thứ ba này, gồm có 1.000 bậc Thánh Arahán đắc Tứ Tuệ Phân Tích, Lục thông, thông thuộc Tam Tạng, Chú giải… do Ngài Đại Trưởng Lão Moggaliputtatissa làm chủ trì, công cuộc kết tập được thực hiện trong suốt thời gian 9 tháng mới hoàn thành trọn bộ Tam Tạng và Chú giải hoàn toàn giống như bản chính của hai kỳ kết tập trước. Kỳ kết tập Tam Tạng lần này cũng bằng khẩu truyền (Mukhapātha, chưa ghi chép bằng chữ viết). Đức vua Asoka xứ Pāṭaliputta hộ độ kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải lần này.
Kết tập Tam Tạng Pali lần thứ tư
Đức vua Asoka không những hộ trì Phật giáo được phát triển trong nước, mà còn gửi các phái đoàn chư Tăng sang các nước láng giềng khác, để truyền bá Phật giáo, như phái đoàn chư Tăng do Đại đức Mahinda dẫn đầu sang truyền bá Phật giáo ở đảo quốc Srilankā. Trên đất nước Sri Lankā Phật giáo được thịnh hành và phát triển tốt, từ Đức vua cho đến quan quân và dân chúng đều có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, đã xuất gia trở thành Tỳ khưu và Tỳ khưu ni rất đông.
Một thời đất nước Sri Lankā gặp phải cuộc phiến loạn, dân chúng gặp cảnh thiếu thốn, nên đời sống của chư Tỳ khưu cũng chịu ảnh hưởng. Có số Tỳ khưu sức khỏe yếu kém, nên phận sự ôn lại Tam Tạng và Chú giải thuộc lòng rất vất vả. Khi cuộc phiến loạn đã dẹp xong, chư Đại đức suy xét về sau này, trí nhớ và trí tuệ con người càng ngày càng kém dần. Cho nên, chư Tỳ khưu học thuộc lòng Tam Tạng và Chú giải, để giữ gìn duy trì cho được đầy đủ không phải là việc dễ dàng.
Một hôm, Đức vua Vaṭṭagāmanī ngự đến chùa Mahāvihāra; nhân dịp ấy, chư Đại Trưởng Lão thưa với Đức vua rằng:
– Thưa Đại vương, từ xưa đến nay, chư Đại đức Tăng có phận sự học thuộc lòng Tam Tạng và Chú giải, để giữ gìn duy trì giáo pháp của Đức Phật. Trong tương lai, đàn hậu sinh là những Đại đức khó mà học thuộc lòng Tam Tạng và Chú giải một cách đầy đủ được. Như vậy, giáo pháp của Đức Thế Tôn sẽ bị mai một mau chóng theo thời gian.
– Thưa Đại vương, muốn giữ gìn duy trì Tam Tạng, Chú giải được đầy đủ, vậy nên tổ chức kỳ kết tập Tam Tạng, Chú giải ghi chép bằng chữ viết trên lá buông, để lưu lại cho đời sau.
Đức vua Vaṭṭagāmanī hoan hỷ với lời của chư Đại Trưởng Lão.
Kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ tư này được tổ chức tại động Ālokalena vùng Matulajanapada xứ Sri Lankā, khoảng thời gian 450 năm sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn.
Kỳ kết tâp Tam Tạng lần này gồm 1.000 bậc Thánh Arahán đắc Tứ Tuệ Phân Tích, do Ngài Đại Trưởng Lão Mahādhammarakkhita làm chủ trì, công cuộc kết tập được thực hiện suốt một năm mới hoàn tất việc ghi chép trọn bộ Tam Tạng, Chú giải bằng chữ viết trên lá buông. Sau đó, chư bậc Thánh Arahán kết tập Tam Tạng bằng cách khẩu truyền một lần nữa, hoàn toàn y theo bản chính của ba kỳ kết tập Tam Tạng lần trước. Kỳ kết tập Tam Tạng lần này là lần đầu tiên ghi chép bằng chữ viết trên lá buông đầy đủ bộ Tam Tạng và Chú giải, gọi là: “Potthakaropanasaṅgiti”. Đức vua Vaṭṭagāmanī Abhaya xứ Srilankā hộ độ kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải lần này.
Kết tập Tam Tạng Pali lần thứ năm
Dưới thời vua Asoka có gửi phái đoàn chư Tăng do Ngài Đại Trưởng Lão Soṇa và Ngài Đại Trưởng Uttara sang vùng Suvaṇṇa bhūmi gồm các nước: Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào… để truyền bá Phật giáo. Phật giáo ở các nước trong vùng này trải qua bao cuộc thăng trầm, tùy theo vận mệnh của mỗi nước. Đất nước Myanmar vào thời đại Vua Mindon đóng đô tại kinh thành Mandalay, Đức vua là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nhiệt tâm hộ trì Tam Bảo, nghĩ rằng: “Phât giáo thường liên quan đến sự tồn vong của quốc gia, mỗi khi đất nước bị xâm lăng, kẻ thù thường đốt kinh sách Phật giáo”.
Đức vua muốn bảo tồn giáo pháp của Đức Phật, nên Người thỉnh chư Đại Trưởng Lão tổ chức cuộc kết tập Tam Tạng, khắc chữ trên những tấm bia đá, để giữ gìn duy trì Tam Tạng Pháp Bảo được lâu dài. Chư Đại Trưởng Lão vô cùng hoan hỷ chấp thuận theo lời thỉnh cầu của Đức vua, tổ chức kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ năm tại kinh thành Mandalay xứ Myanmar Phật lịch 2404. Kỳ kết tập Tam Tạng lần này gồm 2.400 vị Đại đức là những bậc uyên bác Tam Tạng và Chú giải, do Ngài Đại Trưởng Lão Bhaddanta Jāgara làm chủ trì; ngoài ra còn có những vị Đại đức rất xuất sắc như Ngài Bhaddanta Narindabhidhaja,…bắt đầu khởi công khắc Tam Tạng trên bia đá vào Phật lịch năm 2404 cho đến Phật lịch 2.415, trải qua suốt 11 năm ròng rã, mới hoàn thành xong bộ Tam Tạng trên 729 tấm bia đá:
– Tạng Luật gồm có 111 tấm.
– Tạng Kinh gồm có 410 tấm.
– Tạng Vi Diệu Pháp gồm có 208 tấm.
Sau khi khắc bộ Tam Tạng bằng chữ trên những tấm bia đá xong, chư Đại Trưởng Lão tổ chức cuộc kết tập Tam Tạng bằng khẩu truyền suốt 6 tháng mới hoàn thành xong bộ Tam Tạng y theo bản chính của bốn kỳ kết tập Tam Tạng trước. Gọi là: “Selakkharāropanasaṅgīti”. Kỳ kết tập Tam Tạng này do Đức vua Mindon xứ Myanmar hộ độ. Lần đầu tiên toàn bộ Tam Tạng được ghi khắc trên bia đá, những tấm bia đá này hiên nay vẫn còn nguyên vẹn ở kinh thành cổ Mandalay xứ Myanmar . Các nhà in kinh sách Phật giáo đều y cứ vào những tấm bia đá này làm nền tảng căn bản. Về sau có Đạo sĩ Khanti đứng ra tổ chức khắc toàn bộ Chú giải trên những tấm bia đá, hiện nay vẫn còn nguyên vẹn tại Mandalay.
Kết tập Tam Tạng Pali lần thứ sáu
Phật giáo đã trải qua thời gian khá lâu, Tam Tạng, Chú giải, Ṭīkā… đã in ra thành sách, việc sao đi chép lại, in đi in lại nhiều lần, khó mà tránh khỏi sự sai sót. Do đó, các bộ Tam Tạng, Chú giải…của mỗi nước có chỗ sai chữ dẫn đến sai nghĩa, làm cho pháp học Phật giáo không hoàn toàn giống y nguyên bản chính. Chính phủ Myanmar thành lập hội Phật giáo có tên “Buddhasāsanasamiti” vào năm Phật lịch 2497 để lo tổ chức kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ sáu, tại động nhân tạo Lokasāma (Kaba Aye) thủ đô Yangon , Myanmar. Chính phủ thỉnh tất cả mọi bộ Tam Tạng, Chú giải hiện có trên các nước Phật giáo, để làm tài liệu đối chiếu từng chữ, từng câu của mỗi bản.
Kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ sáu này gồm 2.500 vị Đại đức thông hiểu Tam Tạng, Chú giải… rành rẽ về ngữ pháp Pāḷi, chia thành nhiều ban đối chiếu sửa chữa lại cho đúng. Công việc được thực hiện bắt đầu từ ngày rằm tháng tư Phật lịch năm 2.498 cho đến ngày rằm tháng tư Phật lịch năm 2.500, ròng rã suốt 2 năm mới hoàn thành xong bộ Tam Tạng, Chú giải, Ṭīkā….
Sau đó, chính phủ Myanmar thỉnh chư Đại đức kết tập Tam Tạng bằng khẩu, do Đại Trưởng Lão Revata chủ trì, Đại Trưởng Lão Sobhana vấn, Đại Trưởng Lão Vicittasā-rābhivaṃsa thông thuộc Tam Tạng trả lời theo Tam Tạng, Chú giải. Trong buổi lễ này Chính phủ Myanmar, đứng đầu là Thủ tướng U Nu, tổ chức khánh thành kết tập Tam Tạng rất long trọng, có mời nguyên thủ Quốc gia của các nước Phật giáo cùng phái đoàn chư Tăng, cân sự nam, cận sự nữ gồm có 25 nước trên thế giới đến tham dự, để đánh dấu lịch sử Phật giáo đã trải qua một nửa tuổi thọ 2500 năm, dưới sự bảo trợ hộ độ của Chính phủ Myanmar cùng Phật tử trong nước và các nước khác trên thế giới.
Bộ Tam Tạng, Chú giải được kết tập lần thứ sáu này được xem là mẫu mực cho các nước Phật giáo hệ phái Theravāda.
Để Phật giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian này chừng nào, thì chúng sinh được hưởng sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc chừng ấy. Cho nên, chư Đại Trưởng Lão tiền bối đã dày công gìn giữ và duy trì pháp học Phật giáo từ thời kỳ Đức Phật còn tại thế, và sau khi Đức Phật đã tịch diệt Niết Bàn. Tất cả quý Ngài có phận sự bảo tồn trọn vẹn pháp học Phật giáo, nên đã tổ chức qua 6 kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải Pāḷi, không để cho rời rạc, thất lạc. Chư Đại Trưởng Lão đã cố gắng giữ gìn duy trì từ trước cho đến nay.
Công việc học Tam Tạng và Chú giải Pāḷi để bảo tồn trọn vẹn pháp học Phật giáo là bổn phận của mọi người Phật tử, là bậc xuất gia cũng như các hàng tại gia cư sĩ. Chữ Pāḷi là ngôn ngữ của Chư Phật, đối với chúng ta học Tam Tạng và Chú giải Pāḷi cần phải hiểu rõ ý nghĩa trực tiếp hoặc gián tiếp qua ngôn ngữ riêng của mình.
Tại nước Myanmar, công việc học Tam Tạng và Chú giải Pāḷi được phổ cập đến chư Sadi, chư Tỳ-khưu. Hằng năm, bộ Tôn giáo Myanmar có tổ chức kỳ thi đọc thuộc lòng Tam Tạng bằng tiếng Pāḷi, và thi viết trả lời những câu hỏi về Tam Tạng và Chú giải Pāḷi.
Nguồn: theravada.vn
Bình luận (0)