Tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 50 (WEF Davos 2020), Thiền giả Yuval Noah Harari, nhà sử học người Israel, giáo sư Khoa Lịch sử Đại học Hebrew Jerusalem, đã đưa ra một cảnh báo đầy gay gắt: Nhân loại đang đối mặt với ba mối đe dọa hiện sinh trong thế kỷ XXI.

Ba mối đe dọa đó là: Chiến tranh hạt nhân, sự sụp đổ sinh thái và sự gián đoạn công nghệ.

Trong khi chiến tranh hạt nhân và khủng hoảng sinh thái đã là những mối nguy quen thuộc, thì theo Harari, nguy cơ từ sự gián đoạn công nghệ là một thách thức mới và ít được chú ý hơn nhưng không kém phần nghiêm trọng.

Từ “thuộc địa dữ liệu” đến chế độ độc tài kỹ thuật số

Tại Davos, người ta thường nói nhiều về những lời hứa hẹn của công nghệ, - những điều đó không sai. Tuy nhiên, Harari cảnh báo rằng công nghệ cũng có thể phá vỡ cấu trúc xã hội loài người và làm lung lay ý nghĩa sống còn của đời sống nhân loại.

Ông cảnh báo về khả năng công nghệ tạo ra một “tầng lớp vô dụng toàn cầu”, làm trỗi dậy “chủ nghĩa thực dân dữ liệu” và mở đường cho các chế độ độc tài kỹ thuật số.

Harari đặt ra một ví dụ thực tế: một tài xế xe tải 50 tuổi mất việc vì xe tự lái. Dù những công việc mới như thiết kế phần mềm hay dạy yoga có thể ra đời, thì việc tái đào tạo để thích nghi với thời đại công nghệ không dễ dàng, đặc biệt với người lớn tuổi hoặc những người không có điều kiện tiếp cận kiến thức mới.

“Và thách thức đó không chỉ diễn ra một lần,” ông nhấn mạnh, “mà sẽ là chuỗi gián đoạn liên tiếp, vì AI vẫn đang trên hành trình phát triển và mở rộng quyền năng của nó”.

Không còn bị bóc lột - mà là trở nên “vô hình”

Harari chỉ rõ: nếu trong quá khứ, con người từng phải đấu tranh chống lại sự bóc lột, thì trong thế kỷ XXI, điều đáng sợ hơn chính là bị trở nên không còn quan trọng - bị gạt ra ngoài lề của một thế giới vận hành bằng công nghệ.

“Bị trở nên không quan trọng còn đáng sợ hơn cả bị bóc lột”, ông kết luận.

Với giọng điệu vừa sắc bén vừa đầy từ bi, Harari không chỉ lên tiếng cảnh tỉnh, mà còn kêu gọi sự hợp tác toàn cầu: “Nếu bạn thích World Cup, bạn đã là một người theo chủ nghĩa toàn cầu rồi,” ông nói, gợi nhắc rằng chỉ bằng cách hợp tác, nhân loại mới có thể đối mặt được với những thách thức lớn lao ấy.

Khi con người có thể bị “hack” và thế giới trở thành thuộc địa dữ liệu

Nếu trong thế kỷ XX, cuộc đấu tranh chống lại sự bóc lột, thì trong thế kỷ XXI, mối nguy lớn hơn lại đến từ việc trở nên không còn cần thiết. Những ai không theo kịp nhịp phát triển công nghệ sẽ trở thành một “giai cấp vô dụng”, không phải vô dụng trong mắt gia đình hay bạn bè, mà là vô dụng trong mắt hệ thống kinh tế - chính trị toàn cầu. Và khi khoảng cách giữa họ và giới tinh hoa ngày càng bị nới rộng, bất bình đẳng xã hội sẽ chạm đến mức độ chưa từng thấy.

Cuộc cách mạng AI có thể tái định hình trật tự toàn cầu theo cách nguy hiểm. Cũng như một số quốc gia từng công nghiệp hóa sớm để rồi đi chinh phục thế giới, giờ đây những quốc gia dẫn đầu về AI như Mỹ và Trung Quốc, có thể tích lũy khối lượng tài nguyên số khổng lồ, trong khi phần còn lại của thế giới tụt lại, trở thành “thuộc địa dữ liệu”.

Sự phân hóa này không chỉ diễn ra giữa các giai cấp mà còn giữa các quốc gia, làm trầm trọng thêm chia rẽ toàn cầu.

Chúng ta không nói về viễn cảnh robot nổi loạn như trong phim viễn tưởng. AI hiện tại tuy còn “nguyên thủy” nhưng đã đủ sức làm đảo lộn nền kinh tế, chính trị và cấu trúc xã hội. Hãy tưởng tượng khi việc sản xuất tại California rẻ hơn tại Mexico, điều gì sẽ xảy ra với các quốc gia phụ thuộc vào lao động giá rẻ? Hoặc khi một trung tâm công nghệ như San Francisco hay Bắc Kinh nắm toàn bộ lịch sử y tế, tình cảm, điểm yếu và cả các vụ tham nhũng của chính trị gia tại nước bạn, liệu quốc gia đó còn thực sự độc lập?

Trong thời đại dữ liệu, bạn không cần quân đội để xâm chiếm một quốc gia. Chỉ cần đủ dữ liệu, bạn có thể kiểm soát mọi thứ.

Không chỉ bất bình đẳng, một hiểm họa khác cũng đang lặng lẽ trỗi dậy: chế độ độc tài kỹ thuật số, nơi mọi hành vi đều bị theo dõi, và mọi quyết định đều có thể bị thao túng.

Harari đã đưa ra một “phương trình của thế kỷ XXI”:

B x C x D = AHH!

(Biology x Computing power x Data = Ability to Hack Humans)

Nếu bạn có đủ hiểu biết về sinh học, kết hợp với sức mạnh tính toán và dữ liệu, bạn có thể “hack” con người, hiểu, dự đoán, thậm chí điều khiển cảm xúc và quyết định của họ. Tệ hơn, hệ thống ấy có thể đưa ra quyết định thay con người. Và đó không còn là giả thuyết. Nó đang dần trở thành hiện thực.

Trước đây, các chính quyền độc tài có thể giám sát người dân, nhưng không thể hack hàng triệu cá nhân vì thiếu hiểu biết về sinh học và sức mạnh tính toán. Cảnh sát mật vụ của Đức Quốc xã hay cơ quan KGB của Liên Xô từng là cỗ máy giám sát khét tiếng, nhưng họ vẫn bất lực trước tâm trí con người. Giờ đây, một số chính phủ và tập đoàn đang tiến gần đến khả năng làm điều đó một cách có hệ thống.

Chúng ta không còn là “linh hồn bí ẩn”, mà đã trở thành những sinh thể có thể bị hack. Đây là bản chất của con người trong kỷ nguyên số.

Quyền năng này có thể mang lại lợi ích, như cải thiện y tế cá nhân hóa. Nhưng nếu rơi vào tay kẻ độc tài, thì nó có thể tạo ra một chế độ toàn trị khủng khiếp hơn bất kỳ quá khứ nào. Hãy tưởng tượng một Bắc Triều Tiên trong tương lai, nơi người dân đeo thiết bị sinh trắc 24/7: bạn nghe bài phát biểu của lãnh đạo, và dù bên ngoài mỉm cười, hệ thống sẽ phát hiện nếu bạn thấy tức giận, hôm sau bạn có thể bị bắt giữ.

Đừng nghĩ rằng chỉ những người bình thường mới bị giám sát. Trong một chế độ toàn trị kỹ thuật số, càng lên cao, càng bị theo dõi sát sao.

Bạn có muốn tổng thống hay CEO biết chính xác bạn nghĩ gì về họ không?

Vì thế, bảo vệ nhân quyền và ngăn chặn các chế độ độc tài kỹ thuật số không chỉ là vì lợi ích của đại chúng mà còn là sự bảo vệ chính giới tinh hoa.

Ngay cả khi chưa rơi vào tay kẻ độc tài, khả năng “hack con người” vẫn đe dọa đến ý niệm tự do. Khi càng nhiều quyết định được giao cho AI, quyền chủ động của con người sẽ dần bị thay thế bởi thuật toán.

Thực tế, điều này đã bắt đầu. Hàng tỷ người tin vào thuật toán Facebook để biết điều gì đang xảy ra, Google để biết điều gì là đúng, Netflix để chọn chương trình giải trí và Amazon để quyết định món hàng nên mua.

Không lâu nữa, các thuật toán có thể quyết định ai nên được thuê, ai nên kết hôn với ai, ai được vay tiền, và thậm chí hướng dẫn chính sách lãi suất. Khi bạn hỏi “tại sao”, câu trả lời sẽ là: “Máy đã quyết định”. Nhưng bạn không thể tranh luận, vì không ai hiểu được cách máy tính suy nghĩ, trí tuệ nhân tạo biết nhiều hơn bạn, kể cả về chính bạn.

Chúng ta đã sống như vậy hàng ngàn năm. Nhưng trong vài thập kỷ gần đây, chúng ta đã xoay chuyển được điều đó. Tỷ lệ bạo lực giữa các quốc gia đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Chúng ta đã học được cách sống với nhau. Chúng ta đã học được cách hợp tác không hoàn hảo, nhưng tiến bộ.

Luật rừng, “mạnh được yếu thua”, “ai cũng vì mình” đã dần nhường chỗ cho luật hợp tác: đàm phán, hiệp ước, tổ chức quốc tế, luật pháp xuyên quốc gia. Những thể chế như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, Tòa án Hình sự Quốc tế… không phải là không có khuyết điểm, nhưng chúng tượng trưng cho một bước nhảy vọt đạo đức và trí tuệ của loài người.

Tuy nhiên, ngày nay, khi đối mặt với những thách thức chưa từng có như AI, biến đổi khí hậu, công nghệ sinh học và bất bình đẳng toàn cầu, chúng ta có nguy cơ quay trở lại luật rừng. Những ai gieo rắc sợ hãi, kích động lòng thù hận và đẩy lùi hợp tác toàn cầu đang mở đường cho một thế giới chia rẽ, hỗn loạn và nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Không ai, dù là siêu cường hay quốc đảo nhỏ có thể đơn độc chống lại làn sóng công nghệ và thảm họa sinh thái đang hình thành. Chúng ta chỉ có thể vượt qua bằng tinh thần đoàn kết toàn cầu, bằng cách lắng nghe lẫn nhau, đồng lòng thiết lập những quy tắc chung, chia sẻ trách nhiệm và thành quả.

Lịch sử nhân loại đã từng làm được điều tưởng như bất khả. Vấn đề là chúng ta có đủ can đảm để tiếp tục tiến về phía trước, hay sẽ quay đầu trở lại bóng tối?

Khi có “hòa bình” giữa, chẳng hạn Athens và Sparta, hoặc Pháp và Đức, điều đó có nghĩa là hiện tại họ không có chiến tranh, nhưng sang năm họ có thể lại giao chiến. Và trong hàng nghìn năm, con người tin rằng không thể thoát ra khỏi quy luật ấy.

Nhưng trong vài thập kỷ vừa qua, nhân loại đã làm được điều tưởng như bất khả, chúng ta phá vỡ quy luật ấy và thoát khỏi khu rừng hung bạo. Chúng ta đã kiến lập được một trật tự toàn cầu tự do, dựa trên luật lệ, dù không hoàn hảo, nhưng đã mang lại thời kỳ thịnh vượng và hòa bình nhất trong lịch sử loài người.

Bản chất của từ “hòa bình” đã thay đổi.

“Hòa bình” không còn chỉ có nghĩa là “tạm thời không có chiến tranh” nữa. Hòa bình ngày nay có nghĩa là: chiến tranh không thể xảy ra.

Có những quốc gia mà bạn khó có thể tưởng tượng sẽ "đánh nhau" vào năm tới, ví dụ như Pháp và Đức. Dĩ nhiên, vẫn còn chiến tranh ở một số nơi trên thế giới. Tôi đến từ Trung Đông, nên tôi biết điều đó rất rõ. Nhưng điều này không nên làm chúng ta mù lòa trước bức tranh toàn cảnh toàn cầu.

Hiện chúng ta đang sống trong một thế giới mà chiến tranh giết hại ít người hơn cả tự sát; và thuốc súng ít đe dọa tính mạng bạn hơn những hợp chất hóa học ở dạng tinh thể thuộc nhóm cacbohydrat.

Phần lớn các quốc gia, trừ một vài ngoại lệ nổi bật như Nga, thậm chí không mơ đến việc chinh phục hay sáp nhập các nước láng giềng. Đó là lý do vì sao hầu hết các nước chỉ cần chi khoảng 2% GDP cho quốc phòng, trong khi dành nhiều hơn rất nhiều cho giáo dục và y tế. Đây không còn là khu rừng hung bạo nữa.

Đáng tiếc là chúng ta đã quá quen với tình trạng tuyệt vời này đến nỗi xem nó như điều đương nhiên, và bởi thế, trở nên cực kỳ lơ là.

Thay vì làm mọi thứ có thể để bảo vệ và củng cố trật tự toàn cầu vốn mong manh ấy, các quốc gia lại phớt lờ hoặc thậm chí cố tình phá hoại nó.

Trật tự toàn cầu bây giờ giống như một ngôi nhà mà mọi người cùng ở nhưng không ai chịu sửa chữa. Nó có thể trụ thêm vài năm nữa, nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục như thế này, nó sẽ sụp đổ và khi ấy, chúng ta sẽ quay trở lại khu rừng hung bạo của chiến tranh thường trực.

Chúng ta đã quên nó từng đáng sợ đến mức nào, nhưng xin hãy tin tôi, với tư cách một nhà sử học, bạn không muốn quay trở lại đó đâu. Nó tệ hơn nhiều so với những gì bạn tưởng tượng.

Vâng, đúng là loài người đã tiến hóa trong khu rừng đó, đã sinh tồn, thậm chí phát triển suốt hàng nghìn năm trong đó. Nhưng nếu chúng ta quay lại khu rừng đó vào thời điểm này, với những công nghệ đầy uy lực của thế kỷ XXI, thì rất có thể loài người sẽ tự hủy diệt chính mình.

Tất nhiên, ngay cả khi chúng ta biến mất, đó vẫn chưa phải là ngày tận thế. Sẽ có điều gì đó sống sót sau chúng ta. Có thể loài chuột sẽ trỗi dậy và xây dựng lại nền văn minh. Biết đâu, lúc ấy, chuột sẽ học được bài học từ những sai lầm của chúng ta.

Nhưng tôi thật sự hy vọng chúng ta có thể đặt niềm tin vào những nhà lãnh đạo đang hội họp tại đây, chứ không phải là những con chuột.

Xin cảm ơn quý vị.

Việt dịch: Thích Vân Phong/Nguồn: www.weforum.org