Trang chủ Văn hóa “Tháp Bát Vạn” thời Lý và các Tsa Tsa của Phật giáo Ấn Độ, Tây Tạng

“Tháp Bát Vạn” thời Lý và các Tsa Tsa của Phật giáo Ấn Độ, Tây Tạng

Tháp Bát Vạn thời nhà Lý của nước ta so với các loại Tsa Tsa của Tây Tạng, Ấn Độ hay cả Thiên Phật thiết tháp của Nam Hán đời Ngũ Đại Thập Quốc cho chúng ta thấy nổi bật tính phương tiện thiện xảo để tích lũy công đức qua việc tạo tháp, tượng.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tháp Bát Vạn thời nhà Lý của nước ta so với các loại Tsa Tsa của Tây Tạng, Ấn Độ hay cả Thiên Phật thiết tháp của Nam Hán đời Ngũ Đại Thập Quốc cho chúng ta thấy nổi bật tính phương tiện thiện xảo để tích lũy công đức qua việc tạo tháp, tượng.

Tác giả: Davis Le
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024

Tháp là kiến trúc xuất hiện trong tất cả các tông phái Phật giáo ở các quốc gia khác nhau tùy duyên khế hợp với kiến trúc bản địa nhưng vẫn giữ các ý nghĩa biểu pháp dùng để thờ Phật, Thánh tăng, các Thánh vật…Tương truyền khi thái tử Tất Đạt Đa xuất gia thì các vua trời Phạm Thiên, Đế Thích đã xuống thâu y áo cũ và tóc của ngài để mang về thiên cung xây tháp báu để thờ cúng. Từ đó tháp thờ trong Phật giáo xuất hiện và các vua chúa, trưởng giả, tín đồ cũng xây các tháp về sau này trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2500 năm qua.

Xây tháp hay phù đồ trong Phật giáo là hành động tích lũy được rất nhiều công đức, với cảm quan thường tình chúng ta sẽ nghĩ rằng việc đó đòi hỏi rất nhiều tiền của công sức và chỉ có các hoàng thất, quý tộc, quan lại, đại thí chủ mới làm nổi và vượt quá sức với những người bình thường.

Tuy nhiên nếu tìm hiểu kỹ về tháp Bát Vạn thời Lý (1009-1225) tại Đại Việt hay các Tsa Tsa của Ấn Độ, Tây Tạng chúng ta sẽ có cái nhìn khác và hoàn toàn có thể tự mình xây bảo tháp để tích lũy công đức cho mình và mọi người trong hoàn cảnh cho phép.

1. Tháp Bát Vạn

Đây là tên gọi tương đối của các tháp Phật bằng đất nung được tìm thấy rất nhiều tại núi Bát Vạn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh nên từ đó dùng Bát Vạn làm tên. Ngoài ra tháp này cũng được tìm thấy tại chùa Phật Tích và Hoàng thành Thăng Long mà từ đầu thế kỷ XX Bảo tàng Louis Finot đã sưu tầm, sau này Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội kết hợp với Viện Khảo cổ cũng tìm thấy tại Đông Bắc điện Kính Thiên(1).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Thap Bat Van thoi ly va cac Tsa Tsa cua Phat giao An Do Tay Tang 3

Tháp Bát Vạn – Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam

Tháp hiện vật tìm được có kích thước đáy 14,7cm x 13,9cm còn 3 tầng cao khoảng 21 cm, 4 mặt đều có các Kim Cương hộ pháp mặc giáp trụ, đáy vuông 3 tầng giật cấp trên rìa có hàng 8 chữ Hán Tháp Chủ Khai Thiên Thống Vận Hoàng Đế.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư khi nói về vua Lý Thái Tông (1000-1054) chép “bầy tôi dâng tôn hiệu là Khai Thiên Thống Vận Tôn Đạo Quý Đức Thánh Văn Quảng Vũ Sùng Nhân Thượng Thiện Chính Lý Dân An Thần Phù Long Hiện Thể Nguyên Ngự Cực Ức Tuế Công Cao Ứng Chân Bảo Lịch Thông Huyền Chí Áo Hưng Long Đại Địch Thông Minh Từ Hiếu Hoàng đế”(2).

Như vậy dòng chữ tháp chủ khai thiên thống vận hoàng đế trên các tháp Bát Vạn nhàm chỉ vị đại thí chủ cho tạo tháp là vua Thái Tông của nhà Lý nước Đại Việt. Việc xác định được vị thí chủ dựng tháp cũng xóa đi các đồn đoán dân gian về việc các tháp Bát Vạn là do Cao Biền (821-887) viên quan nhà Đường trị nhậm ở Tĩnh Hải Quân thường bị coi dùng pháp phù thủy để trấn yểm long mạch nước ta, kỳ thực đây là các tháp Phật giáo dùng để tích lũy công đức thiện nghiệp.

Đại Việt Sử ký toàn thư, nội kỷ, kỷ nhà Lý, mục Thần Tông hoàng đế ghi “Kỷ Dậu, [Thiên Thuận] năm thứ 2 [1129], (Tống Kiến Viêm năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, Nhập nội điện trung là Lý An Dậu dâng hươu trắng. Cho An Dậu tước Đại liêu ban. Thái úy Dương Anh Nhĩ dâng hươu trắng. Mở hội khánh thành 8 vạn 4 nghìn bảo tháp ở gác Thiên Phù.”

Ở đây chúng ta chú ý đến con số 8 vạn 4 nghìn, đây là túc số thường thấy trong đạo Phật như 8 vạn 4 nghìn Pháp môn hay vị vua vĩ đại Asoka cũng tương truyền đã dựng 8 vạn 4 nghìn bảo tháp thờ Xá Lợi Thế Tôn trên khắp cõi Diêm Phù Đề.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác thì thấy để Lý Thần Tông (1116-1138) khánh thành được số lượng tháp khổng lồ như vậy thì tháp có lẽ kích thước chỉ bằng hoặc nhỏ hơn cả các tháp đất nung thời Lý Thái Tông. Qua đây cũng thấy việc tạo dựng các tháp nhỏ để cầu phúc, tạo dựng công đức là việc rất phổ biến ở thời Lý.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Thap Bat Van thoi ly va cac Tsa Tsa cua Phat giao An Do Tay Tang 4

Tây Thiết Tháp của Nam Hán – Ảnh: Quang Hiếu tự

Câu hỏi đặt ra là xây tháp nhỏ thì công đức ra sao khi so với xây tháp lớn? thì theo quan điểm tôn giáo nó bắt nguồn từ động cơ xây tháp, nếu động cơ thiện và rộng lớn, vị tha hay động cơ Bồ Đề Tâm thì công đức  là không thể nghĩ bàn thậm chí lớn hơn cả việc xây dựng các tháp lớn mà với động cơ nhỏ, vị kỷ.

Như vậy việc xây dựng nhiều tháp nhỏ này là 1 phương tiện rất thiện xảo thậm chí người hiện đại chúng ta ngày nay cũng có thể ứng dụng vào đời sống bằng cách tự mình lấy đất và nặn ra những ngọn tháp của mình.

Nói tới khía cạnh tích lũy được nhiều túc số trong việc dựng tượng, xây tháp hàng trăm hàng nghìn thì cũng phải nói đến 1 loại tháp tại Trung Quốc thuộc thời Ngũ Đại Thập Quốc (907-960) có nhiều nét tương đồng đó là Thiên Phật Thiết Tháp của nhà Nam Hán (917-971), đây là quốc gia cũng thuộc vùng Lĩnh Nam và có biên giới chung với Tĩnh Hải Quân (866-968) chính là tiền thân của Đại Cồ Việt, Đại Việt thời Lý sau này.

Thiết tháp của nhà Nam Hán còn lại cũng không ít và cụ thể là chùa Quang Hiếu thành phố Quảng Châu tỉnh Quảng Đông ngày nay, đây là ngôi chùa có lịch sử bậc nhất vùng Lĩnh Nam. “Ở phía Đông và phía Tây phía sau Đại Hùng Điện của chùa Quang Hiếu có tháp Thiên Phật đúc bằng sắt. Tháp Tây được xây dựng vào năm Đại Bảo thứ sáu (963) thời Nam Hán thuộc Ngũ Đại, và Tháp Đông được xây dựng vào năm Đại Bảo thứ mười (967), muộn hơn tháp Tây bốn năm…

Mặt bằng của Tây Thiết Tháp có hình vuông, do thái giám Cung Trừng Khu thời Nam Hán và nữ đệ tử Đặng Thị Tam Thập Tam Nương xây dựng, trước đây có 7 tầng, cao 7,7 mét, 3 tầng còn lại còn sót lại chiều cao 3,1 mét. Toàn thân tháp có các hốc nhỏ để tượng Phật nhỏ, lần lượt có 208, 204 và 168 tượng Phật nhỏ ở tầng 1, tầng 2 và tầng 3.

Ở giữa có một hốc lớn để tượng Phật ngồi. Thân chùa được làm toàn bộ bằng sắt, phù điêu bay theo phong cách Đôn Hoàng, tượng Phật mang hình dáng nhà Đường. Tháp Đông gần giống với Tháp Tây nhưng không bị hư hại gì, vẫn cao 7 tầng, có tổng chiều cao 7,69 mét. Ngôi chùa này được hiến tặng bởi hậu chủ Lưu Sưởng, vị vua cuối đời Nam Hán, vì vậy mỗi tầng của chùa đều có thêm một lớp hoa văn rồng được chạm khắc trên đó. Toàn bộ chùa có hơn 900 hốc Phật và gần 1.000 tượng Phật nên được gọi là tháp Thiên Phật.”(3)

Ngoài hình dáng kiến trúc tương đồng do cùng không gian văn hóa Đông Á rồi dạng thức tạo tượng ở các tầng thì điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh lại giữa tháp Bát Vạn và tháp Thiên Phật đó là tính phương tiện thiện xảo để tạo ra nhiều biểu tượng linh thiêng, nếu với tháp Bát Vạn có thể tạo ra hàng vạn tháp thì tháp Thiên Phật cũng đúc được cả ngàn tượng Phật.

Một khía cạnh khác đã nêu ở trên đó là việc Lý Thần Tông khánh thành 8 vạn 4 nghìn tháp được chép vào cả chính sử thế thì các tháp này bày ở đâu? Nếu bày dàn trải trên đất hoặc trên ban thờ thì không gian chứa nổi chừng đó hiện vật?

Và các tháp Bát Vạn này cũng được tìm thấy tại khu vực chùa Phật Tích nơi có cây tháp cao vài chục mét từ thời Lý như vậy đặt ra giả thuyết các tháp Bát Vạn có thể tôn trí độc lập như 1 bảo tháp hoặc an trí, yểm tâm vào các bảo tháp lớn, từ giả thuyết này thì sẽ liên hệ đến 1 loại tháp thứ 3 vừa tương đồng với cả tháp Bát Vạn và cả tháp Thiên Phật đó là Tsa Tsa của Ấn Độ và Tây Tạng.

2. Tsa Tsa

“Tsa Tsa” gọi theo cách quen thuộc là tiểu nê Phật (tượng Phật làm bằng bùn đất với kích thước nhỏ), là cách dịch từ tiếng Phạn ra tiếng Tạng, dịch nghĩa là “chân tướng” hoặc “phục chế”.

Về nguồn gốc thì lịch sử ghi lại, Tôn giả Atisa mỗi ngày làm 49 chiếc Tsa Tsa. Có vị đệ tử muốn làm thay Tôn giả, Tôn giả không đồng ý, Ngài hỏi: “Chẳng lẽ đồ tôi ăn, các ông cũng muốn ăn thay tôi sao?”

Trong quá khứ, việc tôn giả Atisa mỗi ngày làm 49 chiếc Tsa Tsa, là có liên quan tới sự thọ kí của Độ Mẫu. Khi Atisa còn là Thầy củ sát (duy trì trật tự) ở tu viện Nalanda, trong tu viện có 1 vị Đại sư Maizhiba, là 1 vị Đại Bồ tát rất tài giỏi. Vì để cúng dàng Hộ Pháp và Không Hành Mẫu, Maizhiba đã tích giữ rượu trong Tăng phòng, sau đó bị Atisa phát hiện, thế là bị Atisa khai trừ khỏi tu viện. Sau khi bị khai trừ, Maizhiba không đi ra từ cửa phòng, mà liền bay thẳng ra ngoài.

Khi chứng kiến việc này, Atisa liền biết mình đã khai trừ 1 vị Đại Bồ tát, Ngài vô cùng hối hận, liền hỏi Độ Mẫu phải làm sao. Độ Mẫu nói: “Nếu ông tới Tây Tạng hoằng dương phật pháp, và mỗi ngày làm 49 chiếc Tsa Tsa, như vậy mới có thể thanh tịnh tội nghiệp”. Vì sự thọ kí này, mà trong suốt quãng đời sau đó, mỗi ngày Atisa đều làm 49 chiếc Tsa Tsa.< Đại Viên Mãn Tiền Hành> có chép lại, có đệ tử muốn thay Atisa làm Tsa Tsa, Tôn giả không đồng ý, Ngài nói: “Chẳng lẽ đồ tôi ăn, các ông cũng muốn ăn thay tôi sao?”

Tôn giả Atisa (982-1054) là 1 vị Đại Thành Tựu Giả, khi Ngài từ Ấn Độ sang Tây Tạng hoằng Pháp, có nghe tới câu chuyện của Tôn Giả Di Đế Gia Na (vị học giả, đại thành tựu giả nổi tiếng nhất Ấn Độ thời ấy). Sau khi mẹ của Tôn Giả Di Đế Gia Na mất, Ngài biết thần thức mẹ mình đang ở trong 1 viên đá, trong nhà 1 gia đình du mục xa xôi ở Tây Tạng, Ngài dùng thần thông quán sát thấy điều đó, sự đầu thai như vậy cũng chính là 1 hình phạt như ở địa ngục cô độc vậy.

Tại mỗi gia đình ở Tây Tạng thời đó, thì mỗi nhà đều có 3 viên đá để dùng kê xoong nồi khi đun nấu, tuy không đáng giá trị, nhưng cũng rất quan trọng với họ. Quán sát thấy thần thức mẹ mình trong viên đá đó, hàng ngày bị họ đun nấu, Ngài vô cùng thương xót nên đã quyết định 1 mặt đi cứu mẹ mình, 1 mặt hoằng dương Phật Pháp ở Tây Tạng. Nhưng vì không biết tiếng Tạng, nên Ngài đã mang theo 1 phiên dịch, không ngờ trên đường đi, người phiên dịch đã mất vì trúng bạo bệnh.

Một mình Ngài lưu lạc khổ sở suốt hơn 1 tháng trời cuối cùng cũng tìm được gia đình đang giữ viên đá có chứa thần thức của mẹ mình. Ngài đã làm người chăn dê cho gia đình đó 3 tháng, sau đó Ngài muốn rời đi, gia đình đã hỏi “ông đã giúp gia đình tôi chăn dê suốt mấy tháng, chúng tôi lấy gì để báo đáp?” Ngài liền chỉ vào viên đá đó và nói “nếu có thể, xin cho tôi viên đá này” Gia đình đó rất ngạc nhiên, nhưng cuối cùng cũng đồng ý yêu cầu của Ngài.

Tôn giả Di Đế Gia Na mang viên đá chứa thần thức của mẹ mình đi, rồi chính tay Ngài đập nát vụn viên đá đó, dùng khuôn đúc thành tháp Phật nhỏ (hay còn gọi là tiểu Tsa Tsa). Mọi người liền gọi đó là Di Đế Tsa Tsa. Di Đế Tsa Tsa đến nay ở Tây Tạng vẫn được coi là Đại Bảo Vật. Tuy sau đó Ngài có học được 1 chút tiếng Tạng, nhưng cũng không cách nào hoằng dương Phật Pháp, cuối cùng Ngài chỉ dạy được vài đệ tử, rồi Ngài cũng qua đời ở Tây Tạng.

Khi Tôn Giả Atisa nghe tới đó liền lấy 2 tay ôm mặt khóc lớn thành tiếng mà nói rằng “Phúc đức của người Tây Tạng mỏng quá, ở Đông Ấn và Tây Ấn, là nơi Phật Pháp hưng thịnh nhất, mà không có 1 vị đại học giả hay 1 vị đại tu hành giả nào có thể thắng được Tôn Giả Di Đế Gia Na, không ngờ Ngài đã lưu lạc tới Tây Tạng, rồi chỉ làm 1 người chăn dê!”. Cho nên, có những lúc không đủ nhân duyên thì Cao Tăng cũng không thể quảng truyền Phật Pháp.

Theo tài liệu ghi lại, sau hành động hiếu thuận của Tôn giả Di Đế Giá Na, toàn bộ vùng Tây Tạng đã có mưa lớn, những hạt mưa rơi xuống mang theo hình của Tsa Tsa Tháp Phật, chính những Tăng Nhân trong các tu viện cũng đã thấy việc hy hữu lạ thường này. Nhờ nhân duyên đó mà Tôn Giả Di Đế Giá Na đã cứu mẹ mình thoát khỏi địa ngục cô độc, đầu thai vào cõi lành.(4)

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Thap Bat Van thoi ly va cac Tsa Tsa cua Phat giao An Do Tay Tang 2

Như đã nói các Tsa Tsa tương đồng và là trung gian giữa tháp Bát vạn của Đại Việt cũng như tháp Thiên Phật của Nam Hán, Tsa Tsa là tháp nhỏ đa phần bằng đất giống như tháp Bát Vạn nhưng trên thân Tsa Tsa tạc rất nhiều tháp nhỏ hơn hoặc tượng Phật trùng điệp vào nhau như tháp Thiên Phật (điều này dễ liên tưởng tới kinh Hoa Nghiêm nơi có thí dụ về lưới báu vô cùng vô tận của Thiên Đế Nhân Đà La).

Về công dụng thì tương tự như Bát Vạn, Tsa Tsa có thể tôn trí trên ban thờ, đặt yểm tâm vào các đại bảo tháp kích thước lớn cũng như an trí ở hang động, thánh địa. Hiện nay các chùa theo hệ phái Kim Cang Thừa tại Việt Nam cũng tạo Tsa Tsa rất nhiều để các tín đồ nhân dân Phật tử tích lũy công đức. Vế mặt mở rộng khái niệm thì nếu tháp Bát Vạn và tháp Thiên Phật chủ yếu tạo từ chất rắn như đất, kim loại thì Tsa Tsa còn mở rộng ra đúc cả thủy Tsa Tsa tức đúc tháp trong nước!

Bằng cách gắn các khuôn đúc vào giá và dập trên mặt nước khiến tạo ra các tháp bằng nước dù nó tan chảy vô thường ngay sau đó nhưng tháp vẫn đã được tạo và hòa tan gia trì vào nước nơi có vô số chúng sinh trong đó hoặc dùng nó để uống. Thậm chí còn nghe nói đến tạo tháp các đại phong và hỏa tuy nhiên với thủy đại thì tác giả có ảnh minh họa còn với hỏa và phong thì chưa nhìn thấy cụ thể.

3. Kết luận

Từ những sự tương đồng của tháp Bát Vạn thời nhà Lý của nước ta so với các loại Tsa Tsa của Tây Tạng, Ấn Độ hay cả Thiên Phật thiết tháp của Nam Hán đời Ngũ Đại Thập Quốc cho chúng ta thấy nổi bật tính phương tiện thiện xảo để tích lũy công đức qua việc tạo tháp, tượng.

Nó cũng cho thấy Phật giáo nước ta thời Lý ngoài về lý tính như các tập thơ thiền, kệ thời Lý còn lại ở đó đậm chất của Bát Nhã, Tánh Không…thì còn chú trọng cả sự tướng như các chùa chiền với kiến trúc to lớn, hoa văn tinh kỳ đa dạng, các đặc điểm này cho thấy Phật giáo thời kỳ đó mang ảnh hưởng của Mật giáo vì Mật giáo chú trọng cả 2 phương diện này.

Trường hợp của nhà Nam Hán thời Ngũ Đại như nhắc nhở thêm cả Nam Hán và Tĩnh Hải Quân và Đại Việt sau này đều ảnh hưởng chung từ thời kỳ Đại Đường rực rỡ và cũng là thời kỳ Mật giáo rất rực rỡ ở khu vực Đông Á.

Khi hiểu về các loại tháp trên chúng ta thấy rằng khi có động cơ đúng đắn, thanh tịnh, bớt bám chấp cho rằng xây tháp tức phải xây 1 lầu cao hay phải to lớn mới là bảo tháp thì chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội tạo công đức dùng rằng tự làm 1 bảo tháp đất nhỏ bằng ngón tay thì công đức vẫn không thể nghĩ bàn. Đây cũng là bài học quý mà chúng ta có thể học và ứng dụng từ cha ông ta thời Lý thời kỳ vàng son của Phật giáo Việt Nam.

Tác giả: Davis Le
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024

***

CHÚ THÍCH:
(1) TS.Nguyễn Đình Chiến, ThS.Đinh Ngọc Triển, Những cây tháp thờ của vua Lý Thái Tông, Thông báo khoa học 2020 Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. https://baotanglichsu.vn/DataFiles/2021/03/News/thang%203%20nam%202021/thong%20bao%20khoa%20 hoc%20so%202%20nam%202020/Nhung%20cay%20thap%20tho%20cua%20vua…%20Nguyen%20Dinh%20Chien.pdf
(2) Đại việt sử ký toàn thư, tập I, Ngô Sĩ Liên 1972, Nxb Khoa học xã hội, trg 207
(3) Nguyên văn tiếng Hán “在光孝寺大雄宝殿后东西两侧,各有一座铁铸千佛塔。西铁塔建于五代南汉大宝六年(963年), 东铁塔建于大宝十年(967年,晚于西铁塔四年。西铁塔被公认为我国现存时代最早的铁塔。西铁塔平面为四方形,由南汉 太监龚澄枢与其女弟子邓氏三十三娘合名建造,原有七层,高7.7米,上世纪30年代因台风造成塔殿塌毁压坏四层,现余三 层,残高3.1米。塔身各面遍铸小佛小龛,一二三层各有小佛208尊、204尊和168尊,正中铸一大佛龛,内供坐佛。塔身整 体以铁铸成,飞天浮雕有着敦煌风格 ,佛像呈现唐代形仪。东铁塔大致和西铁塔相同,但未曾损坏,仍为七层,总高7.69 米。此塔以南汉后主刘鋹(chǎng)的名义捐造,故每层塔檐多了一层专刻龙纹。全塔共有九百多个佛龛、近一千尊佛像 trích Quang Hiếu tự chí《光孝寺志》https://freewechat.com/a/MzA5OTI0MTYzMA==/2655152567/2
(4) Nguồn gốc Tsa Tsa Mật tông, Việt dịch Phật tử Nguyễn Văn Ngọc pháp danh Minh Đức 20/3/2019 http://vatphammattong. com/ct/vat-pham-mat-tong-vat-pham-mat-tong-do-mat-tong/3955/nguon-goc-cua-tsa-tsa.html

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường