Chủ trương của Thánh Vũ Thiên hoàng đã đưa Phật giáo phát triển đến sự tột độ, nhưng lại đưa chính trị rơi vào khủng hoảng. Qua đó, thấy rõ người tăng sĩ muốn giúp đất nước phát triển thì nên đứng ở vị trí là cố vấn như những vị Thiền sư trong thời Lý – Trần của Việt Nam, chứ không nên đi sâu vào chính trị của triều đình.
Tác giả: Hoàng Thị Thanh, Pháp danh Thích nữ Trung Nhân Học viên cao học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh
Dẫn nhập
Phật giáo được truyền vào Nhật Bản đã hơn 15 thế kỉ, từ thế kỷ thứ VI Phật giáo đã hòa nhập một cách nhuần nhuyễn vào đất nước và con người Nhật Bản, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đất nước Nhật Bản. Từ những buổi đầu đã được các vị Thiên hoàng nhiệt thành, tích cực truyền bá Phật giáo, biến Phật giáo trở thành tôn giáo trấn hộ đất nước, thành quốc giáo, được quốc gia ủng hộ và đưa ra nhiều phương pháp, chủ trương làm cho thể chế Nhật bản thêm phát triển vững mạnh.
Nhật Bản đón nhận Phật giáo hơi muộn nhưng những vị Thiên hoàng đã tích cực phát triển, giúp Phật giáo trở thành tôn giáo chính trong xã hội, đặc biệt hưng thịnh nhất vào thời kỳ Nại Lương.
Đây là thời kỳ Phật giáo được xây dựng trên tinh thần thống nhất giữa đạo đức của Phật giáo và ý thức về vận mệnh quốc gia, Thánh Vũ Thiên Hoàng là người đã hình thành nhiều phương pháp, chủ trương để đưa Phật giáo lan tỏa mạnh mẽ vào trong đời sống xã hội, nhưng đặc biệt với chủ trương “chính giáo liên hoàn” của ông đã đưa Phật giáo có mặt trong đường lối chính trị của triều đình.
Đó là hệ thống tương tác, hộ trợ nhau giữa chính trị và tôn giáo nên đã thay đổi bộ mặt của đất nước cũng như bộ mặt của Phật giáo càng phát triển vào thời điểm này. Thánh Vũ Thiên Hoàng là người rất thuần tín và kính trọng Phật giáo nên ông muốn đưa tinh thần Phật giáo vào chính trị để ổn định đất nước.
1. Tình hình Phật giáo trong thời kỳ Nara
Tư tưởng phát triển quốc gia trong thời kì Nại Lương đã thể hiện qua hai việc làm, đó là thực hiện chế độ định đô và thực hiện tư tưởng chính giáo liên hoàn. Nhờ hai yếu tố này giúp Nại Lương trong vòng một thế kỉ đã trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, tôn giáo, kinh tế... của xã hội Nhật Bản thời cổ đại và là bộ mặt mới của đất nước Nhật Bản thời bấy giờ.
Chính sự thay đổi rất nhiều về phương diện của dân tộc, Phật giáo Nại Lương đã trở thành mô hình tiêu biểu cho Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo lúc này đồng hành cùng dân tộc, với thể chế chính trị xã hội và được xem là quốc giáo.
Nhưng đến đời Thánh Vũ Thiên hoàng (724 – 749) danh từ “Quốc gia Phật giáo” mới có thực nghĩa và chế độ “chính giáo” mới tạo được thế liên hoàn, từ giới thượng lưu, quý tộc, quan lại đến bình dân đại chúng đều vào một nền chính trị và một hệ thống tín ngưỡng, chúng hỗ tương lẫn nhau tạo thành một hệ thống tổ chức tôn giáo và chính trị quốc gia.
Khi lên ngôi Hoàng Đế Shomu (Thánh Vũ), vị Thiên Hoàng thứ 45 thì đất nước Nhật-bản đã được thống nhất về cả hai phương diện chính trị và tâm linh.(1) Đây chủ trương chính trị đi đôi với tôn giáo nên đã phát triển chùa chiền của Phật giáo song hành với tổ chức hành chính của triều đình.
Do đó, ngay những năm đầu lên ngôi Thánh Vũ Thiên Hoàng đã thể hiện đức tin của mình thông qua các việc làm nhằm đưa Phật giáo có mặt trong mọi thành phần trên xã hội. Một trong những điểm nổi bật nhất đó là ông cho thành lập hệ thống tự viện trên toàn đất nước để nguyện cầu phước lạc cho nhân dân, tránh khỏi thiên tai, dịch bệnh.
Có những năm bệnh đậu mùa lan rộng toàn quốc, để cầu mong diệt trừ tai họa, ông bắt toàn dân phải kính thần tôn Phật và ra lệnh cho các nước mỗi nước đúc một tượng Thích Ca cao một trượng sáu và chép một bộ Kinh Đại Bát Nhã. Tiếp đến năm thứ 10 Thiên Bình, ra lệnh Tăng Ni ngày mồng 8 mỗi tháng đều phải tụng Kinh Tối Thắng Vương, cứ nửa tháng tụng giới Kiệt Ma, mỗi tháng 6 ngày trai, cấm chỉ người trong nước sàn bắn đánh cá và giết mổ súc vật. Thế là hoàn thành lý tưởng chính trị Phật hóa.(2)
Đến năm Thiên Bình thứ mười ba, đời Thánh Vũ Thiên Hoàng, trong bối cảnh thiên tai, hạn hán, tà pháp, huyễn thuật nổi lên làm cho người dân khổ sở, xã hội bất an. Nên Thánh Vũ Thiên Hoàng bắt đầu ra sắc lệnh mỗi tỉnh phải xây dựng hai ngôi chùa, một Quốc Phần tự Tăng và một Quốc Phần tự Ni để dân chúng có nơi lễ bái, cầu nguyện.
Tất cả mọi điều kiện trong đời sống đều do triều đình cung cấp. Đó là thời kỳ mà hầu như tất cả đồng và cây gỗ trong nước đều được dùng để xây chùa và đúc tượng. Thiên hoàng và thần dân cùng nhau trông nom công việc kiến tạo chùa chiền tự viện và đúc các pho tượng cho được hoàn thành tốt đẹp. Nơi nào không đủ tài nguyên vật liệu, có thể xin triều đình trợ cấp.(3)
Kinh phí được lấy từ lợi tức của 10 mẫu ruộng nước, nhưng một số nơi chính quyền địa phương còn lấy lợi tức thu được từ việc cho dân vay thóc hoặc cắt một phần quốc thuế để đưa vào kinh phí xây dựng Quốc phần tự.
Thiên hoàng còn đưa ra chiếu chỉ quy định cụ thể về quy mô, tự hiệu và sinh hoạt rõ ràng: “Mỗi nước Phải xây dựng một Quốc phần tăng tự và một Quốc phần ni tự. Phải cấp cho mỗi chùa 10 mẫu ruộng nước. Chùa Tăng phải có 20 vị Tăng ở và đặt tên là Kim Quang Minh Tứ Thiên Vương Hộ Quốc Chi Tự. Chùa ni phải có 10 vị Ni ở và đặt tên là Pháp Hoa Diệt Tội Chi Tự. Cả hai chùa nên giáo giới lẫn nhau, nếu khuyết vị nào thì phải bổ sung ngay vào cho túc số.”(4)
Từ đó, Thánh Vũ Thiên hoàng đã xiển dương, truyền bá chính pháp qua những ngôi Quốc Phần Tự này. Mỗi chùa đều hành trì theo bản Kinh chính được triều đình chỉ định đó là: “Kinh Kim Quang Minh” và “Nhân Vương Bát Nhã Kinh”. Hai bản Kinh này trong giai đoạn đầu của Phật giáo Nhật Bản rất được phổ biến, được sự quan tâm của triều đình.
Vì nội dung có liên quan đến việc hộ trì chánh pháp và quốc độ. Ngoài ra, hai bản Kinh này còn có năng lực trấn hộ quốc gia nên những bậc quốc vương lấy chánh pháp tu tập và điều chỉnh đất nước. Từ đó sự gắn bó giữ triều đình và Phật giáo càng thêm chặt chẽ.
Bên cạnh việc xây dựng Quốc Phần tự, Thánh Vũ Thiên hoàng tiếp tục đặt nền móng cho việc xây dựng Tổng Quốc Phần tự tức là Đông Đại tự, là ngôi chùa được xây dựng tại kinh đô. Đông Đại tự lúc đầu là đạo tràng Kim Chung do Ngài Lương Biện xây dựng vào năm 733. Khi có chiếu chỉ xây dựng Quốc phần tự, Kim Chung đạo tràng được thăng cách thành Quốc Phần tự, đến khi đúc đại Phật Tỳ Lô Giá Na thì được trở thành Tổng Quốc Phần tự và đổi tên thành Đông Đại Tự.(5)
Chỗ vĩ đại của chùa Đông Đại là ở công trình xây dựng tráng lệ, quy mô Đại Phật điện 4 tầng, 4 mặt đều 11 gian, xây 1350 chiếc bình, cao 15 trượng 6 thước. Dụng ý của Thánh Vũ thiên hoàng trong việc xây dựng chùa Đông Đại là do ông rất am tường tư tưởng Kinh Hoa Nghiêm nên đã lấy sự gợi ý của tư tưởng Hoa Nghiêm ứng dụng vào việc phát triển đất nước cho nền chính trị lý tưởng.
Do đó ông lấy Tổng Quốc Phần tự có chức năng là nơi trung tâm quyền lực, hành chánh trung ương nhằm kiểm soát, điều phối và ra lệnh cho mọi hoạt động ở Quốc Phần tự. Nơi đây là nơi tạo ra mối liên kết giữa Phật giáo và triều đình. Có lẽ ai cũng thấy là muốn hoàn tất một dự án to lớn tầm cở quốc gia và trải khắp đất nước nầy phải tốn thời gian rất lâu. Nhưng chỉ trong vòng 30 năm thì Chùa Đông Đại đã khánh thành ở thủ đô Nara (Nại-lương) và mỗi tỉnh trong 64 tỉnh khắp nước Nhật Bản đều có xây dựng một Kokubunji Quốc Tự và một Quốc Ni Tự.(6) Thánh Vũ Thiên hoàng xây dựng Tổng Quốc Phần tự để Phật giáo có một cơ sở Phật sự trung ương chuyên trách điều khiển và liên lạc với các Quốc Phần Tự trên toàn quốc. Hoặc việc xây dựng này còn chỉ cho hệ thống chính trị từ triều đình đến địa phương và thống nhất toàn bộ Phật giáo.
Năm 737 vua lệnh cho dân chúng xây đắp một pho tượng Thích-ca Mâu-ni chính giữa với hai bức tượng hộ vệ hai bên để tôn trí phụng thờ trong những ngôi quốc tự của địa phương và năm 738, Thánh Vũ Thiên hoàng ban chiếu chỉ: “Các nước trong thiên hạ, mỗi nơi nên xây một ngôi tháp 7 tầng, thư tả 10 bộ Kinh Kim Quang Minh.
Tối Thắng Vương bằng vàng để cúng vào mỗi ngọn tháp”.(7) Tiếp theo vào năm 739, Thánh Vũ Thiên hoàng cho tập trung đồng trong cả nước để đúc tượng Phật Tỳ Lô Giá Na. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói Đức Phật Tỳ Lô Giá Na có nghĩa là biến nhất thiết xứ, nên ông muốn giáo pháp của đức Thế Tôn được phổ biến khắp nơi và nhân dân sống theo chánh pháp của Ngài.
Năm 21 niên hiệu Thiên Bình, Thánh Vũ Thiên hoàng ban sắc chỉ cho các chùa khi giảng Kinh luận, lấy Kinh Hoa Nghiêm làm gốc và lấy Đông Đại tự là chùa gốc Hoa Nghiêm và đổi tên thành chùa Hoa Nghiêm. Thánh Vũ Thiên hoàng hết sức trọng Hoa Nghiêm, lấy tư tưởng Hoa Nghiêm thực hiện lý tưởng chính giáo nhất trí. Vì vậy, tông Hoa Nghiêm đương thời có địa vị là tôn giáo của đế vương.(8) Ngoài ra, Kinh Hoa Nghiêm còn là kinh mẫu để Tăng già thực hiện trong việc sinh hoạt.
Thánh Vũ Thiên Hoàng đã áp dụng thế giới lý tưởng trong kinh Hoa Nghiêm qua việc xây dựng thế giới hiện thực trong xã hội. Trong thế giới lý tưởng, đứng đầu là Phật Tỳ Lô Giá Na được xem là Pháp thân của chư Phật, nói lên nội dung của chân lý là vĩnh hằng, là sự thật bất diệt.
Còn đức Phật Thích Ca là hóa thân hay ứng thân, nghĩa là biểu hiện pháp thân của Phật Tỳ Lô Giá Na. Vị trí trung tâm là Phật Tỳ Lô Giá Na, tương ứng như Thiên Hoàng là ngôi vị trung tâm, trong thế giới tương đối của con người không thể bị thay đổi trong bất kì hoàn cảnh nào.
Trong thế giới hiện thực, đứng đầu là Thiên hoàng ở tại Kinh đô, dưới Thiên hoàng là các quốc gia trực thuộc triều đình. Người đứng đầu quốc gia ở dưới Thiên hoàng tương đương với Thích Ca, còn muôn dân như những cánh sen, biểu hiện cho tiểu Thích Ca. Theo Thánh Vũ Thiên hoàng đường lối và chủ trương này theo Kinh Pháp Hoa có thể đưa đến cho dân giàu nước mạnh.
Như vậy đã có những chiếu chỉ nhằm xây dựng những ngôi Quốc tự đồng thời lại có những mệnh lệnh khác nhằm xây dựng ở mỗi ngôi Quốc tự một ngôi tháp 7 từng và nhằm tiến hành việc sao chép kinh Konkomyosaishookyo (Kinh Kinh Quang Minh Tối Thắng Vương) và kinh Myohorengekyo (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh). Bản thân thiên hoàng cũng phát nguyện chép Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương bằng chữ vàng và tôn trí trong mỗi ngôi tháp. Những việc làm này đã khiến cho dân chúng rất mực tôn thờ Phật Pháp, và nhờ đó đạt được sự bình an và hạnh phúc.(9)
Qua đó, thấy rằng việc chép kinh dưới thời Nara rất phát triển(10), hoạt động rất quy mô, không chỉ các cơ quan chép kinh của nhà nước, còn có cơ sở chép kinh của các chùa, viện và quý tộc. Vì vậy, các sử gia gọi Phật giáo Nara là Phật giáo chép kinh và phong trào chép kinh diễn ra rất sôi nổi, những người đầu tiên làm công việc này là giới hoàng thân quốc thích trong triều đình, với mục đích dem lại lợi trong đời sống cho bản thân và gia đình.
Hai bộ Kinh được tăng, ni, phật tử chép nhiều nhất là Hoa Nghiêm Kinh Và Nhân Vương Bát Nhã Kinh, việc làm này còn đóng góp rất lớn cho nền văn hóa Nhật Bản.
Cuối thời kì Nại Lương, hệ thống tư tưởng dần hoàn bị, nhiều sự lựa chọn cho người học Phật. Tăng sĩ đi du học trở về rất nhiều, nền học thuật đã chuyển từ việc học các nguyên lý đại cương sang tìm hiểu sâu xa hơn về các trường phái. Có sáu trường phái tư tưởng Phật học của Trung Hoa được truyền bá vào Nhật Bản trong thời kỳ này, sau được gọi là “Nam Đô lục tông” (Nanto Rokushu), còn gọi là Cựu Phật giáo.(11)
Các luận sư của các trường phái này đã viết nhiều sớ giải về các kinh và luận, nghiên cứu trong những ngôi chùa lớn, nhưng những giáo học đó chỉ là những học vấn trong phòng sách của một số Tăng lữ hiếu học và chỉ tập trung vào những kiến thức trên văn tự không có liên quan gì đến những tín ngưỡng hiện thực. Lúc bấy giờ, Pháp Tướng tông có ảnh hưởng mạnh nhất.
Phật giáo là một trong những yếu tố mà Thánh vũ Thiên Hoàng rất ngưỡng mộ, nên Ông không chỉ truyền bá Phật giáo bằng phương tiện xây chùa, chép Kinh mà Ông còn đưa những vị Tăng sĩ vào triều đình để xây dựng đất nước. Đầu tiên là Ngài Hạnh Cơ là vị cao tăng được tôn kính nhất trong thời gian này.
Ban đầu, Ngài là một vị Tăng tự độ, không được triều đình chấp nhận. Nhưng Ngài vẫn dấn thân trên con đường truyền bá trong dân chúng, Ngài quan tâm đến các vấn đề từ thiện xã hội như xây cầu đường, nhà dưỡng lão, xây dựng tự viện ở nông thôn.
Có thời gian Ngài bị triều đình đàn áp với tội danh vọng xưng thánh giáo, yêu hoặc quần chúng, nhiễu loạn đạo tục. Mặc dù bị đàn áp như vậy, nhưng khi triều đình kêu gọi thần dân tích cực trong việc đúc đại Phật Tỳ Lô Giá Na và Đông Đại tự thì Ngài là người kêu gọi dân chúng tích cực tham gia phật sự này.
Nên việc xây dựng thành công Đại Phật và Đông Đại Tự không thể không có công đức của Ngài. Triều đình cảm được công đức của Ngài, nên phong cho Ngài chức Đại Tăng chính (một chức vị vinh dự trong hàng Tăng cang). Với đạo hạnh cao cả như thế, Ngài được dân chúng bấy giờ tôn xưng là Bồ tát.(12)
Về sau, sự ra đời của chế độ Tăng cang và sự hộ trì của triều đình, có những vị Tăng được phong chức Tăng cang nhưng lại đi sâu vào con đường chính trị làm chao đảo triều đình và cuối cùng tự mang nhục vào thân. Hai nhân vật tiêu biểu thời đó là Tăng Chính Nguyên Phương và Thiếu Tăng đô Đạo Kính. Nguyên Phương (Gembo).
Là học giả của Pháp Tướng Tông, du học ở Trung Hoa trên 15 năm, sau khi về nước, nhờ sự thông minh về học thuật của nền Trung Hoa nên ông đã trọng dụng và đưa vào hệ thống chính trị triều đình, nhất là nền y học cổ truyền. Mẹ của Thánh Vũ Thiên Hoàng bị bệnh ông đã chữa khỏi nên được Thánh Vũ Thiên hoàng ưu ái rất nhiều và xây cho ông một ngôi chùa trong cung thành gọi là Hải Long Vương Tự.
Từ đó, ông được tiếp cận với nhiều người trong hệ thống chính trị. Nghĩ mình có công lao chữa bệnh cho mẹ của Thiên hoàng nên đã lộng hành, can thiệp quá sâu vào chính trị làm cho cơ quan chia rẽ. Quan lại gọi ông là “tên làm loạn triều đình” trong giới chính trị. Bấy giờ có một vị đại thần tên là Đằng Nguyên Quảng Tự lo lắng cho vận mệnh triều đình, đã can thiệp với Thiên hoàng là nên cho loại Nguyên Phương ra khỏi hệ thống chính trị trong triều đình.
Thiên Hoàng không nghe, nên Ông tự tổ chức một quân đội kéo về Nại Lương làm loạn. Thiên hoàng nghe tin nên đã bắt ông và sử tử. Vì Nguyên Phương mà một vị đại thần của triều đình đã chết một cách vô lý.
Vì vậy, Nguyên Phương cũng không tồn tại lâu dài trong triều đình, sau bị giáng chức và lưu đày về chùa Nguyên Hưng, về sau chết trong cảnh cơ hàn. Từ đó, nhân dân đã có cái nhìn ác cảm về các vị Tu sĩ Phật giáo, để lại tiếng xấu cho Phật giáo. Tinh thần nhập thế này không tốt đẹp, đã lợi dụng lòng ngưỡng mộ của bậc Quân vương mà tham vọng chức quyền cá nhân.
Vào năm thứ tám niên hiệu Thiên Bảo nhà Đường, Thánh Vũ Thiên Hoàng nhường ngôi cho con gái là nữ hoàng Hiếu Khiêm trở thành Thượng hoàng và chuyên tâm nghiên cứu, thực hành Phật giáo và còn tự xưng là Sadi Thắng Mãn. Hiếu Khiêm cũng noi theo gương cha nhường ngôi cho Thuần Nhân rồi xuất gia tu học. Hiếu Khiêm đã thọ giới Tỳ kheo ni nhưng vẫn muốn được tôn xưng là nữ hoàng Thánh Đức. Bà nghĩ rằng một vị Thiên Hoàng trước đã xuất gia nên cần một vị bộ trưởng tu sĩ phò tá.
Vì vậy mà Ngài Đạo Kính đã được bổ nhiệm vào vị trí này. “Đạo Cảnh được phong tước hiệu là ‘Dojodaijin-Zenji’ (Đức Tăng Thống). Vị nữ thiên hoàng nầy càng ngày càng kính tin Phật Giáo; lòng sùng thượng Phật Giáo của Nữ Hoàng đến độ làm cho nhiều người gia nhập tăng đoàn chỉ có mục đích là được danh lợi và sự tôn kính. Điều nầy dẫn đến sự sa sút trong nội bộ tu sĩ và nền tài chánh của quốc gia và cuối cùng là sự sụp đổ của chính quyền Nara (Nại-lương).”(13)
Năm 766, Cơ Chân và Viên Hưng là hia vị đệ tử của Đạo Kính đem dấu xá lợi Phật ở trước tượng Tỳ Sa Môn Thiên vương rồi phao tin cảm đức độ của Đạo kính mà xá lợi Phật xuất hiện. Nhờ đó, ông được tôn sùng làm Pháp vương, mọi việc lớn nhỏ trong triều đình đều thỉnh ý kiến của ông. Không lâu, chuyện này đã bị phát hiện, Cơ Chân và Viên Hưng bị tội đày. Đến năm 769, Đạo Kính còn âm mưu để được Xưng Đức Thiên Hoàng phải hạ chiếu thư công nhận ông được kế vị sau này.
Đạo Kính lại nhờ người khác dựng lên tin đồn rằng: “Theo ý của Thần thì nên đưa Đạo Kính lên làm Thiên hoàng.” Âm mưu này lại bị quan đại thần tên Thanh Ma Lữ phá vỡ(14). Qua đó thấy rõ là Tăng giới mưu đồ thoán đoạt ngôi Thiên hoàng bằng cách lấy lòng tin của Thiên hoàng và sự ngưỡng mộ Phật giáo của triều đình. Chính Đạo Kính đã làm ô danh Phật giáo, lũng đoạn chính trị và chính quyền, làm đảo lộn cả hệ thống Hoàng gia, triều đình và trật tự xã hội khiến nảy ra cuộc đảo chính năm 770.
Cuối cùng Xưng Đức Thiên hoàng bị truật phế, Đạo Kính bị đưa đi đày và thất bại trong âm mưu của mình. Từ đó, triều đình ra chính sách mới nhằm tách rời hoạt động của Phật giáo ra khỏi chính trị. Trong thời gian này, chính trị rối bời, cho nên bị các sử gia Nhật Bản phê phán mãi.(15)
Chính trị và tôn giáo đều có sự liên quan đến vận mệnh quốc gia. Do đó với tinh thần yêu nước, Thánh Vũ Thiên Hoàng sau khi lên ngôi đã xây dựng đất nước phát triển trên hai nền tảng trên. Như vậy nước Nhật-bản dưới chính thể thiên hoàng đã có niềm tin Phật Giáo làm nền tảng và đã trở nên cường thịnh hơn. Chính vào thời thiên hoàng Shomu (Thánh Vũ) mà Phật Giáo và thể chế chính trị hoàn toàn hội nhập với nhau. Thời đại nầy được gọi là ‘Tempyo’ (Thiên Bình), có nghĩa là ‘Sự an bình thiên giới và nhân giới’. Trong thời đại nầy có một chính quyền lý tưởng, một chính quyền dưới sự hướng đạo của Giáo Pháp Phật-đà. Cũng vào thời đại nầy mà nền văn hóa Nhật-bản đã được thăng hoa.(16) Nhưng một số Tăng sĩ vì danh vọng quá lớn nên đã đi sâu vào chính trị để lại cho Phật giáo và đất nước nhiều hệ lụy về sau.
2. Ảnh hưởng của Thánh Vũ Thiên Hoàng đối với Phật giáo thời kỳ Nara
Đối với văn hóa Nại Lương thì người có công nhất là Thánh Vũ Thiên Hoàng. Ông lấy việc bảo hộ Phật giáo để thúc đẩy việc xây dựng chính trị, do đó đã đưa nền văn hóa Thiên Bình đến chỗ phát triển thịnh vượng. Nhưng mục đích của Thánh Vũ Thiên Hoàng là hợp nhất chính trị với tôn giáo, vì vậy khi Thánh Vũ Thiên hoàng trở thành một Phật tử ông rất thành kính và sùng bái Phật giáo.
Nên Ông đã rất nhiệt thành về việc thúc đẩy Phật giáo phát triển và dùng tư tưởng Phật giáo để xây dựng chính sách của đất nước mình. Khi ông lên ngôi, đã độ cho Tăng ni đến ba nghìn người và đã mời sáu trăm tăng lữ chuyển đọc kinh Đại Bát Nhã trong cung. Ông đã dựa vào tinh thần từ bi của Phật giáo mà tiến hành đại xá, cấm giết mổ xúc vật, miễn thuế, cho thuốc, cho gạo để nhân dân được sống bình yên.(17)
Thánh Vũ Thiên Hoàng nêu cao ý thức phát triển quốc gia và thống nhất về mặt tư tưởng bằng chính sách Phật giáo kết hợp với chính trị, sử dụng trí thức Phật giáo vào bộ máy quyền lực của triều đình đã tạo ra thành công trong việc xây dựng đất nước và phát triển Phật giáo.
Từ khi Thánh Vũ Thiên Hoàng tức vị việc đoái tưởng đến chế độ thành lập các Quốc Phần Tự, kiến lập giới đàn, các bức nguyện văn tạo dựng tượng Đại Phật,... là lấy sự thống nhất quốc gia và quốc dân làm lý tưởng, xem trọng Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh, Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Kinh, như là những kinh điển để trấn hộ quốc gia và quốc độ được thái bình.
Còn Pháp Hoa Kinh thì để trang nghiêm quốc độ, Duy Ma Kinh, Lăng Già Kinh, Hoa Nghiêm Kinh, thì được dùng như pháp hộ quốc. Thiên Hoàng lấy Pháp Hoa Kinh để làm pháp thủ hộ biên giới quốc gia, lấy Đại Nhật Kinh làm pháp môn căn bản cho quốc gia được bình an, và Vô Lượng Thọ Kinh ngay từ lúc ban đầu đã được xem như là pháp để làm cho thiên hạ thuận hòa.(18)
Nên thời kỳ Nại Lương, Phật giáo phát triển cực thịnh đến nỗi sách sử ghi lại: “Chùa huy hoàng hơn cung điện, dân gian chăm việc lễ bái hơn là mệnh lệnh cấp trên, buổi sớm ban chiều tiếng chuông mõ lại rộn ràng hơn lời bàn quốc sự”(19). Vì vậy, chùa chiền nhiều hơn cung phủ của hoàng thân và tài lực kinh tế của tự viện tương đương xấp xỉ với triều đình.
Như vậy, chúng ta đủ thấy Phật giáo lúc này phát triển cực thịnh về mọi mặt, ảnh hưởng sâu rộng đến tầng lớp nhân dân và có sức mạnh tương đối so với triều đình. Nhưng Chùa tập trung phát triển ở đô thị nên khó tránh khỏi nhiễm tạp trần, ảnh hưởng sự huyên náo, phát triển của thị thành và Tăng ni dễ bị cám dỗ bởi thanh sắc mà sa đọa theo niềm vui thế gian.
Cho nên chủ trương chánh giáo liên hoàn không chỉ phát triển ở mặt tích cực mà còn đưa đến những mặt tích cực theo sau. Theo quy luật tự nhiên của vũ trụ khi một sự việc phát triển đến một đỉnh cao, sẽ chuyển sang hướng ngược lại, sự vật cũ diệt vong, vật mới xuất hiện.
Đó chính là quy luật “vật cực tất phản” của tự nhiên, nghĩa là mục đích của bất cứ một hành vi nào cũng đều đi đến một kết quả, nhưng nếu đi đến chỗ thái quá thì có thể để lại một kết quả xấu hoặc có thể nguy hiểm hơn. Vì đẩy sự vật đi đến cùng cực thì chắc chắn nó sẽ phản lại ngay, đó là một quy luật tất nhiên của vũ trụ. Nên làm việc gì cũng nên có giới hạn, chứ đẩy sự vật, sự việc nào đó đi đến đường cùng thì thế nào nó cũng biến hóa trở lại, có khi còn ngược hơn lúc trước nữa.
Trong Kinh Di giáo đức Phật cũng có dạy: “Tỳ-kheo các ông! Muốn cầu tịch tĩnh, vô vi, an lạc, nên lìa chỗ tụ họp huyên náo, một mình ở nơi thanh vắng. Người ở nơi yên tĩnh, Đế-thích và chư thiên đều kính trọng. Vì vậy, chúng hội của mình, của người khác đều nên xả bỏ, đến ở một mình nơi chỗ thanh vắng, suy nghĩ mà diệt tận gốc khổ.
Nếu ưa thích nơi chúng hội, tất phải chịu mọi khổ não. Ví như cây lớn, có nhiều chim chóc tụ họp, tất không khỏi mối họa cành nhánh khô gãy. Bị vướng buộc vào cảnh thế tục, tất phải chìm đắm trong bể khổ, như con voi già sa lầy, chẳng thể tự ra khỏi được.” Do đó, vào thời kì hoàng gia nương tựa vào Phật giáo để thống nhất quyền y và Thánh Vũ Thiên Hoàng là người hết mực cưng chiều Phật giáo, nên Tăng giới từ trung ương đến các nơi biên viễn dần dần lấn sang chỉ huy cả chính trị.
Cùng thời gian này, trên toàn quốc đều xây dựng rất nhiều chùa mới thuộc loại Quốc phần Hộ quốc tự, lợi dụng danh nghĩa “hộ quốc” Tăng giới thúc bách các nhà hành chánh địa phương, bắt dân chúng đóng góp nào tiền nong, nào vật liệu, nào nhân công đi phu liên miên, chưa đóng xong đợt này đã lại quân bổ kỳ tới, nặng nề đến độ có những gia đình bỏ làng bỏ ruộng, nửa đêm lẻn trốn đi xứ khác vì không lo chạy vào đâu cho đủ tiền và vật liệu cung ứng.
Vì vậy sớ điệp của khắp các địa phương tâu trình mọi nỗi lầm than và kiệt quệ của dân gian vì phục vụ xây cất chùa chiền, không mấy ngày là không có đệ nạp về tới Thiên hoàng.(20) Tính từ thời của Thánh Vũ và Xưng Đức Thiên hoàng mà tư sản của chùa chiền chiếm hết quá bán điền địa và lâm sản của quốc gia.
Tư sản của thiền môn đều được miễn tô thuế, nội bao nhiêu tư dân của nhà chùa đều được miễn phu dịch, tạp dịch, binh dịch, khiến nền tài chính và tài nguyên quốc gia lọt sang bên thiền môn, chính quyền thiếu thốn, ngân quỷ nhà nước bị thiếu hụt trầm trọng từ năm này qua năm khác. Về phần Hoàng gia, vì ngưỡng mộ Phật pháp và cũng vì phải làm gương cho dân gian trong việc khuếch trương số lượng các Quốc phần Hộ quốc tự nên có chút tư sản nào đều bỏ ra để cất dựng chùa chiền.
Cho nên sự phát triển đến cực độ của Phật giáo dưới thời Nại Lương đã tạo nên mặt trái của xã hội, sự nghèo túng của Hoàng gia và toàn khối bình dân bên cạnh sự ấm no của quý tộc và sự giàu có đến vô lượng của nhà chùa. Sự kiện trái ngược này có ghi chép rõ trong bản I ken ju kasho (ý kiến thập nhị cá điều) của chính trị gia Tam Thiện Thanh Hạnh (847-918) phê bình về mười hai điều khuyết điểm của nền chính trị dưới thời Nại Lương.(21)
Chính sử còn ghi rằng: Dưới thời Nại Lương, tại đế đô, chùa nhiều hơn cung phủ và công sở, sư sãi đông ngang với dân chúng. Nhân đà thao túng được Thiên hoàng và Hoàng gia, sư sãi ra vào cung cấm và triều đình cùng các tư phủ triều quan cứ như đi chợ, yêu sách hết điều này, điều khác. Toàn thể viên chức triều đình từ cấp nhỏ trở lên chỉ những tiếp đãi và phục vụ sư sãi cũng hết ngày, không còn thì giờ để lo việc nước.
Ngoài ra, Nhật Bản là đất nước từ trước đã là một tôn giáo có bản địa là Thần đạo, Phật giáo muốn bám rễ để tồn tại, phát triển thì không thể du nhập bằng lý thuyết suông mà còn phải có trách nhiệm, dấn thân vào việc bảo hộ đất nước và thần dân, do đó tinh thần Bồ Tát đạo trong Phật giáo đã được ứng dụng rất rõ trong giai đoạn này. Chúng ta có thể so sánh tinh thần đó với tinh thần nhập thế của xã hội Việt Nam vào thời Lý, Trần.
Hai chủ trương đều có sự kết hợp, đan xen giữa Phật giáo và chính trị “Phật giáo Việt Nam có các Thiền sư tham gia công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước và được tôn làm Quốc sư”(22), và để lại trang sử vàng cho Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam vào thời bấy giờ. Nhưng những vị Thiền sư Việt Nam vào thời điểm này chỉ là những vị cố vấn, trên tinh thần hỗ trợ cho sự tồn vong của đất nước.
Mọi hành vi, mọi ứng xử trong xã hội với mục đích là đem lại cuộc sống an lạc cho muôn dân, chứ không giữ vị trí nào trong triều đình và không lợi dụng lòng tin của Vua, quan mà đòi quyền lực, chức vụ như ở Nhật Bản. Đây là điểm đặc biệt trong tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam nói chung và các Thiền sư thời Lý-Trần nói riêng.
Hành trang của những người con Phật chính là trí tuệ và từ bi, nên các Ngài đã lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Chính nhờ có trí tuệ siêu việt như vậy mà các Thiền sư đã quán triệt một cách thấu đáo những lời Đức Phật dạy áp dụng trong công việc trị nước an dân. Có thể nói rằng trong suốt mấy trăm năm trị vì đất nước cả hai triều đại này đã dùng phương pháp đức trị. Phải chăng chính phưong pháp ấy đã nói lên sự bền vững của hai triều đại, nên dươí hai triều đại này đất nước rất thái bình an lạc.
Với một tâm niệm là đem lại niềm vui cho muôn dân, đặt vận mệnh đất nước lên hàng đầu, lấy ý dân làm ý chung. Chính sự xả bỏ tự ngã đó cho nên đất nước luôn sống trong cảnh giới hoà bình. Vì vậy, các Ngài đã hiện hữu trong cuộc sống bằng tuệ đức và trả về cho chính bản thân cuộc sống bằng sự từ bi. Các vị đã thực hiện rất tốt tinh thần này, đó mới là người xuất gia đồng hành cùng dân tộc để đất nước càng ngày càng phát triển hơn.
Như vậy, vai trò của người tu sĩ giữa Nhật Bản hay Việt Nam đều là những vị đồng hành cùng quốc gia, nhưng quan trọng là họ dùng thái độ nào đối với quốc gia và hệ thống chính trị để không mất đi bản chất của một Tăng sĩ mà vẫn phục vụ cho quốc gia, dân tộc.
Trên tinh thần bảo vệ sự tồn vong và giúp quốc gia phát triển chứ không đi sâu vào chính trị quốc gia. Vì sự phát triển của đất nước cần sự hỗ trợ của Phật giáo hoặc ngược lại sự thịnh vượng của đất nước cũng mang lại sự thịnh vượng cho tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng.
Kết luận
Trải qua bao nhiêu thăng trầm với Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo thời kỳ Nại Lương đã trở thành một giai đoạn lịch sử huy hoàng, đặt nền móng cho sự phát triển của Phật giáo Nhật Bản qua các triều đại, cho đến ngày nay. Phật giáo đã không tách rời lịch sử phát triển dân tộc, luôn thể hiện vai trò hộ quốc an dân trên tinh thần căn bản là hướng đến mục đích phụng sự Tam bảo, cứu tế xã hội, cầu nguyện cho quốc thái dân an.
Do đó trong thời kì Nại Lương, sự phát triển Phật giáo được quan tâm tuyệt đối bởi các vị Thiên Hoàng và triều đình đã nâng đỡ để phát triển rất nhiều, đặc biệt qua chủ trương chính giáo Liên hoàn của Thánh Vũ Thiên hoàng đã đạt tới hai mục đích chính là khẳng định vai trò, vị trí trong hệ thống chính trị và xác lập vai trò, vị trí của Phật giáo trong đời sống văn hóa của đất nước.
Chưa bao giờ tinh thần hộ quốc an dân được phát triển mạnh mẽ như trong thời kì Phật giáo Nại Lương. Tăng sĩ được nâng lên một tầm cao trong xã hội nói chung và chính trị nói riêng. Tăng sĩ được các vị tin tưởng, kính trọng và đánh giá là người có kiến thức, năng lực để trở thành yếu tố quan trọng trong hệ thống chính trị. Nhưng một số đã lợi dụng kiến thức, năng lực của mình và sự tin tưởng của Thiên hoàng để thực hiện nhiều âm mưu đem lại lợi ích và danh vị cho bản thân.
Vì vậy, chủ trương của Thánh Vũ Thiên hoàng đã đưa Phật giáo phát triển đến sự tột độ, nhưng lại đưa chính trị rơi vào khủng hoảng. Qua đó, thấy rõ người Tăng sĩ muốn giúp đất nước phát triển thì nên đứng ở vị trí là cố vấn như những vị Thiền sư trong thời Lý – Trần của Việt Nam, chứ không nên đi sâu vào chính trị của triều đình.
Cho nên Phật giáo trong thời kì Nại Lương đã phản ánh đầy đủ các mặt về đời sống tư tưởng, đức tin. Do đó Phật giáo Nại Lương còn gọi là thời kì Phật giáo phổ biến rộng rãi trong nhân dân, có tầm ảnh hưởng rất lớn với một mô hình Phật giáo có liên hệ đến vận mệnh quốc gia, phát triển tinh thần quốc gia, gắn kết đến sự phát triển, hưng thịnh đất nước.
Tác giả: Hoàng Thị Thanh, Pháp danh Thích nữ Trung Nhân Học viên Cao học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh *** Tài liệu tham khảo 1. PS. Thánh Nghiêm, PS. Tịnh Hải, “Lịch sử Phật giáo thế giới”, NXB Khoa học, xã hội. 2. GS. Shinsho Hanayama, TS. Thích Minh Thành dịch, “Lược sử Phật giáo Nhật Bản”, NXB TP. HCM, 2001. 3. Sueki Fumihiko, Phạm Thu Trang (dịch), “Lịch Sử Tôn Giáo Nhật Bản”, NXB. Thế giới, Hà Nội, 2011. 4. Thích Giác Dũng, Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản, NXB. Tôn giáo, TP.HCM, 2002. 5. Ishi Da Kazu Yoshi, Chân Vũ Nguyên Văn Tần (dịch), “Nhật Bản tư tưởng sử”, Nxb khoa học xã hội, 2019. 6. Nhiều tác giả, Thích Nguyên Tâm dịch, “Tinh hoa Phật giáo Nhật Bản”, Nxb Phương Đông 2010. 7. Nguyễn Văn Tần dịch, “Nhật Bản Sử Lược quyển 1”, Cơ Sở Báo Chí Và Xuất Bản Tự Do, 1959.
Chú thích: 1. GS. Shinsho Hanayama, TS. Thích Minh Thành dịch, “Lược sử Phật giáo Nhật Bản”, NXB TP. HCM, 2001, tr. 24
2. HT. Thánh Nghiêm, HT. Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới, NXB Khoa học, xã hội, tr. 448.
3. Ishi Da Kazu Yoshi, Chân Vũ Nguyên Văn Tần dịch, Nhật Bản tư tưởng sử, Nxb khoa học xã hội, 2019, tr. 112.
4. Giác Dũng, Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản, NXB. Tôn giáo, TP.HCM, 2002, tr. 75.
5. Giác Dũng, Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản, NXB. Tôn giáo, TP.HCM, 2002, tr. 78.
6. PS. Thánh Nghiêm, PS. Tịnh Hải Lịch sử Phật giáo thế giới, NXB Khoa học, Xã hội, tr. 447.
7. Giác Dũng, Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản, NXB. Tôn giáo, TP.HCM, 2002, tr. 75.
8. PS. Thánh Nghiêm, PS. Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới, NXB Khoa học, xã hội, tr. 442.
9. GS. Shinsho Hanayama, TS. Thích Minh Thành dịch, “Lược sử Phật giáo Nhật Bản”, NXB TP. HCM, 2001, tr. 24
10. Sueki Fumihiko, Lịch Sử Tôn Giáo Nhật Bản, Phạm Thu Giang dịch, NXB. Thế Giới, Hà Nội, 2011, tr.72.
11. Giác Dũng, Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản, NXB. Tôn giáo, TP.HCM, 2002, tr.80. 12 Giác Dũng, Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản, NXB. Tôn giáo, TP. HCM, 2002, tr. 127.
12. Giác Dũng, Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản, NXB. Tôn giáo, TP. HCM, 2002, tr. 127.
13. GS. Shinsho Hanayama, TS. Thích Minh Thành dịch, “Lược sử Phật giáo Nhật Bản”, NXB TP. HCM, 2001, tr. 26.
14. Giác Dũng, Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản, NXB. Tôn giáo, TP. HCM, 2002, tr. 130. 15 PS. Thánh Nghiêm, PS. Tịnh Hải, Lịch sử thế giới, NXB Khoa học, xã hội, tr. 453.
15. PS. Thánh Nghiêm, PS. Tịnh Hải, Lịch sử thế giới, NXB Khoa học, xã hội, tr. 453.
16. GS. Shinsho Hanayama, TS. Thích Minh Thành dịch, “Lược sử Phật giáo Nhật Bản”, NXB TP. HCM, 2001, tr. 25.
17. PS. Thánh Nghiêm, PS. Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới, NXB Khoa học, xã hội, tr.
18. Nhiều tác giả, Thích Nguyên Tâm dịch, Tinh hoa Phật giáo Nhật Bản, Nxb Phương Đông 2010, tr. 157. 19 Nguyễn Văn Tần dịch, Nhật Bản Sử Lược quyển 1, Cơ Sở Báo Chí Và Xuất Bản Tự Do, 1959, tr.207.
19. Nguyễn Văn Tần dịch, Nhật Bản Sử Lược quyển 1, Cơ Sở Báo Chí Và Xuất Bản Tự Do, 1959, tr.207.
20. Ishi Da Kazu Yoshi, Chân Vũ Nguyên Văn Tần dịch, Nhật Bản tư tưởng sử, Nxb khoa học xã hội, 2019, tr. 116.
21. Ishi Da Kazu Yoshi, Chân Vũ Nguyên Văn Tần dịch, Nhật Bản tư tưởng sử, Nxb khoa học xã hội, 2019, tr. 22 .
22. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, NXB. Văn học, Hà Nội, 2014, tr.184 -200.
Bình luận (0)