Phần 3. Xuất gia Bồ tát
I. Tổng quan về Xuất gia Bồ tát
Chư Phật và chư Bồ tát lấy đại bi làm sự nghiệp. Vậy người đã phát tâm Bồ Đề, nếu muốn cứu độ chúng sinh, chỉ nên nguyện sinh trong ba cõi, ở nơi đời ngũ trược, vào ba đường ác mà cứu khổ cho chúng hữu tình. Nếu đã phát tâm tu theo Phật mà lại xa rời chúng sinh, tự sống riêng một cuộc đời an ổn, e rằng thiếu lòng từ bi, chuyên lo tự lợi và trái với đạo Bồ Đề.
Theo Đại Sư Trí Giả và Thiên Như trong Tịnh Độ Thập Nghi Hoặc Vấn Luận, có 2 hạng Bồ tát:
Thứ nhất là bậc tu Bồ tát đạo đã lâu, đã chứng được Vô Sinh Pháp Nhẫn. Bậc này có thể nguyện sinh trong đời ác để cứu độ chúng sinh mà không sợ cùng chúng sinh đắm chìm trong biển sinh tử luân hồi. Luận Đại Trí Độ dạy: “Bậc Bồ tát đã chứng Vô Sinh Nhẫn cũng ví như người có thân nhân bị nước lôi cuốn, mà có đủ đầy khả năng và phương tiện, người ấy tỉnh sáng lấy thuyền bơi ra cứu, nên cả hai đều không bị nạn trầm nịch.”
Thứ nhì là bậc chưa chứng Vô Sinh Pháp Nhẫn và hàng phàm phu mới phát tâm Bồ tát. Những vị này cần phải thường không rời Phật mới có cơ thành tựu được nhẫn lực và có thể ở trong ba cõi, vào nơi đời ác để cứu độ chúng sinh.
Cho nên Đại trí Độ Luận nói: “Hạng phàm phu còn đủ mọi sự ràng buộc, dù có lòng đại bi, nhưng vội muốn sinh trong đời ác để cứu độ chúng hữu tình khổ não, đó là điều không hợp lý. Tại sao thế? Vì trong cõi đời ác trược, nghiệp phiền não mạnh mẽ. Khi ấy mình đã không có nhẫn lực, tức tâm sẽ tùy cảnh mà chuyển, rồi bị sắc, thanh, danh, lợi trói buộc, sinh ra đủ nghiệp tham, sân, si. Chừng đó tự cứu đã không xong, nói chi là cứu độ chúng sinh? Giả sử được sinh trong cõi người thì cảnh xấu ác, kẻ tà ngoại dẫy đầy, người chính chân khó gặp, cho nên Phật pháp không dễ gì được nghe, Thánh đạo không dễ gì chứng được. Nếu là người do nhân bố thí, trì giới hay tu phước mà được làm bậc quyền quý, mấy ai không mê đắm cảnh giàu sang, buông lung trong trường dục lạc? Lúc đó dù có bậc thiện tri thức khuyên bảo, họ cũng không chịu tin làm theo, lại vì muốn thỏa mãn lòng tham dục của mình, nương quyền cậy thế sẵn có, gây ra thêm nhiều tội nghiệp. Đến khi chết rồi, bị đọa vào tam đồ trải qua vô lượng kiếp, khi khỏi tam đồ dầu có sinh được làm người cũng phải thọ thân bần tiện; nếu không gặp thiện tri thức lại mê lầm gây thêm tội ác thì lại bị đọa nữa. Từ trước đến nay chúng sinh luân hồi đều ở trong tình trạng ấy."
Vì thế mà Kinh Duy Ma nói: “Chính bệnh của mình còn không tự cứu được, đâu có thể cứu được bệnh cho kẻ khác.”
Luận Đại Trí Độ cũng nói: “Ví như hai người, mỗi kẻ đều có thân nhân bị nước lôi cuốn, một người tính gấp nhảy ngay xuống nước để cứu vớt, nhưng vì thiếu khả năng và phương tiện nên cả hai đều bị đắm chìm.” Bậc Bồ tát mới phát tâm vì chưa đủ nhẫn lực nên chẳng những không cứu được chúng sinh, mà còn hại đến chính bản thân mình.
Thế nên Đại Trí Độ Luận dạy tiếp: “Bồ tát sơ tâm như trẻ thơ không nên rời mẹ, nếu rời mẹ thì hoặc rơi vào hầm giếng, té xuống sông đầm, hoặc đói khát mà chết. Lại như chim non chưa đủ lông cánh, chỉ có thể nhảy chuyền theo cành cây; đợi chừng nào lông cánh đầy đủ, mới có thể bay xa, thong thả vô ngại. Phàm phu không nhẫn lực; chỉ nên chuyên niệm Phật A Di Đà cho được nhất tâm, đợi khi tịnh nghiệp thành tựu, lúc lâm chung sẽ được Phật tiếp dẫn vãng sinh, quyết định không nghi. Khi thấy Phật A Di Đà và chứng quả Vô Sinh rồi, chừng ấy sẽ cưỡi thuyền Pháp Nhẫn vào biển luân hồi cứu vớt chúng sinh, mặc ý làm vô biên Phật sự”.
Chư Bồ tát Xuất gia có 4 Vô Úy:
Thứ nhất là tổng trì bất vong, thuyết pháp vô úy. Bồ tát có khả năng nghe hiểu giáo pháp và ghi nhớ các nghĩa mà chẳng quên, nên thuyết pháp không hề e sợ trước đại chúng.
Thứ nhì là tận tri pháp dược cập chúng sinh căn dục tâm tính thuyết pháp vô úy. Biết cả thế gian và xuất thế gian pháp, cũng như căn dục của chúng sinh nên Bồ tát chẳng sợ khi thuyết pháp ở giữa đại chúng.
Thứ ba là thiện năng vấn đáp thuyết pháp vô úy. Khéo biết hỏi đáp thuyết pháp chẳng sợ.
Thứ tư là năng đoạn vật nghi thuyết pháp vô úy. Có khả năng dứt mối nghi ngờ cho chúng sinh nên thuyết pháp chẳng e sợ.
Ngoài ra, có 5 điều thuận lợi cho những ai đã đạt được Bồ tát quả. “Bồ tát” là một chúng sinh giác ngộ, một vị Phật sẽ thành, hoặc một người mong đạt được giác ngộ, hay một người đang tìm cầu giác ngộ, bao gồm chư Phật, chư Bích Chi Phật, hay chư đệ tử của Phật. Theo Các Nhà Nhất Thiết Hữu Bộ, có 5 điều thuận lợi cho những ai đã đạt được Bồ tát quả:
Thứ nhất, không sinh nơi cõi ác, mà chỉ ở cõi người hoặc cõi trời.
Thứ nhì, không sinh trong nhà nghèo hoặc giai cấp thấp.
Thứ ba, sinh làm người nam đạo , chứ không phải là phụ nữ.
Thứ tư, sáu căn hoàn hảo không thiếu kém.
Thứ năm, nhớ những đời sống trước của chính mình mà không quên.
II. Xuất gia Bồ tát Giới
Tổng quan về Bồ tát Giới cho người Xuất gia
Bồ tát Giới hay giới luật của Bồ tát Đại Thừa. Có mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh. Bất cứ ai cũng có thể thọ giới Bồ tát vì thọ giới Bồ tát không chỉ với quyết tâm thoát vòng luân hồi sinh tử, mà còn quyết tâm theo ý hướng đạt được quả vị Bồ Đề nhằm làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Bồ tát giới có tác dụng chế ngự tâm thái ích kỷ. Bồ tát giới không chỉ điều chỉnh những hành động về thân hay khẩu, mà còn tác động tới tư tưởng và tâm thái nữa. Như vậy Bồ tát giới khó hành trì hơn các giới phẩm nhằm giải thoát cho cá nhân khác. Bồ tát giới chỉ có trong các xứ theo truyền thống Phật giáo Đại Thừa mà thôi. Cư sĩ, Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni đều có thể thọ Bồ tát giới. Mặc dầu bản chất của giới phẩm Bồ tát giới giống nhau nhưng số giới điều khác nhau giữa Phật giáo Trung Hoa và Tây Tạng.
Khi đã thọ lĩnh những giới phẩm này, chúng ta phải có quyết tâm tu tập cho đến khi nào thành đạt chính quả. Việc thọ lĩnh giới luật Bồ tát là việc hoàn toàn tự nguyện. Để thọ giới chúng ta phải thông hiểu những lợi lạc của một đời sống có đạo. Có rất nhiều điều lợi lạc nhưng có thể nói tóm tắt là đời sống đạo đưa chúng ta đến giải thoát, giác ngộ và khiến cho chúng ta có thể làm lợi ích cho người khác. Một số người chần chừ trong việc thọ giới vì họ cảm thấy khó lòng mà giữ giới luật một cách hoàn toàn. Chúng ta không nên mong mỏi rằng chúng ta sẽ giữ tròn giới luật ngay từ phút đầu. Nếu có thể giữ gìn những giới luật một cách hoàn hảo thì chúng ta đâu cần phải thọ giới làm gì vì chúng ta đã là một vị A La Hán hay một vị Phật rồi còn gì.
Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng chúng ta thọ lĩnh giới luật vì chúng ta chưa có thể tự tròn giữ chúng một cách hoàn hảo. Nhưng nhờ cố gắng mà thân, khẩu, ý của chúng ta được cải thiện. Ngược lại, chúng ta không nên thọ giới nếu chúng ta chưa sẵn sàng chịu giữ giới. Để giữ giới chúng ta cần phải chính tâm và tỉnh thức. Nếu sai phạm, chúng ta có thể áp dụng bốn sức mạnh đối trị: sám hối, quy-y với chí hướng xả thân bố thí, lấy công chuộc tội và quyết chí không tái phạm... để thanh tịnh những dấu ấn xấu trong dòng chảy tâm thức của chúng ta. Với Phật tử thuần thành, giới luật phải được xem như là những món trang sức của một hành giả chân chính.
Trong Kinh Phạm Võng, Phật dạy: “Nếu ai thọ giới mà không giữ, người đó không phải là Bồ tát, người đó cũng không có chủng tử Phật. Ngay cả Phật mà còn phải trì tụng những giới này. Tất cả chúng Bồ tát đã học giới trong quá khứ, sẽ học trong tương lai, hay đang học trong lúc này. Ta đã giải thích những điểm chính của Bồ tát giới. Mấy ông phải học và hành Bồ tát giới trong chính tâm mình.”
10 Giới trọng của chư Bồ tát cho người Xuất gia
Trong Kinh Phạm Võng, Phật đã dạy chúng đệ tử rằng: “Có Mười giới trọng cho Bồ tát: không sát sinh, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ, uống và bán rượu, giới rao lỗi của tứ chúng, giới tự khen mình và chê người, giới bỏn xẻn và lợi dụng người khác, giới giận hờn không nguôi, và giới hủy báng Tam Bảo. Nếu ai thọ giới mà không giữ, người đó không phải là Bồ tát, người đó cũng không có chủng tử Phật. Ngay cả Phật mà còn phải trì tụng những giới này. Tất cả chúng Bồ tát đã học giới trong quá khứ, sẽ học trong tương lai, hay đang học trong lúc này. Ta đã giải thích những điểm chính của Bồ tát giới. Mấy ông phải học và hành Bồ tát giới trong chính tâm mình.”
Trong tu tập Thiền, hành giả tham cứu "Thập trọng cấm giới" như một đề tài công án. Giới luật Phật giáo có thể được nhìn từ hai hướng. Thí dụ, giới thứ nhất "Không sát sinh" thường được hiểu như là một lời khuyến cáo có liên quan trực tiếp đến thái độ hành xử đúng đắn hay phù hợp với đạo. Trong khi lời giáo huấn như vậy là cần thiết, những hành giả tiếp tục Thiền tập và mở rộng sự xác chứng về thức ngộ của họ khi nhập cảnh giới hư không biết rằng, trong cảnh giới ấy, thật sự không có ai làm chuyện sát sinh mà cũng không có ai bị sát sinh. Từ quan điểm tối hậu ấy, "không sát sinh" cũng cảnh báo chúng ta đừng rơi vào quan điểm nhị nguyên sát sinh và không sát sinh.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi lý giải giới luật trên phương diện quan niệm tối hậu để biện minh cho những hành vi tội lỗi. Đối lại với thói quen thông thường về nhận thức sự vật dựa trên quan điểm tốt xấu, người Phật tử thấy thế giới với toàn bộ các mặt thiện ác như một thực tại nhất như, đúng như bản chất vốn có của nó. Về cơ bản mà nói, thế giới vốn không tốt cũng không xấu. Thiếu một cái nhìn chân thật, cái gọi là hành vi hoàn thiện về mặt đạo đức của con người đều lệch lạc và hời hợt.
Chính kiến (nhận thức chân chính) không những chỉ đưa đến thực chứng rằng không có kẻ giết và người bị giết, mà nó còn đưa đến sự thực chứng rằng người ta không thể giết một ai hay một cái gì cả. Trong khi "không sát sinh" chỉ mang tính giới điều, một dạng mệnh lệnh hay huấn thị, có lẽ không cần thiết để đưa đến thái độ giác ngộ, thì thực chứng "không thể sát sinh" chuyển biến tự nhiên ăn sâu vào ý niệm xác quyết “Ta sẽ không sát sinh”.
Tuy vậy, đường ranh chia cắt giữa "không sát sinh" (mệnh lệnh giới điều) và "không thể sát sinh" (nhận thức) dường như tan biến khi chúng ta thấy rằng chúng ta luôn hủy hoại cái gì đó. Chúng ta có thể quyết định không sát hại động vật để làm thức ăn, nhưng các loại rau cỏ thì sao? Với mọi thứ khác mà chúng ta hủy hoại và liệng bỏ. Nếu chúng ta tuân thủ mệnh lệnh giới điều "không sát sinh," chúng ta không được phép ăn uống, chúng ta sẽ phải nhịn đói nhịn khát đến chết, kết quả là chính sinh mạng của chúng ta bị hủy hoại. Làm sao để vượt qua tình trạng khó xử này?
Khi nhu cầu thúc bách phải lấy đi sinh mạng hay sự sống, dầu là của sinh vật hay cây cỏ, hay vật vô tri giác, hành giả nên hết lòng an trụ tâm mình ở cảnh giới "Vô". Theo đó, cứ mỗi khoảnh khắc mà chúng ta lấy đi cuộc sống từ một hình thái sinh tồn khác có thể là một cơ hội để cho chúng ta nhận thức sâu sắc tính nhất thể giữa con người và toàn bộ vũ trụ trong cảnh giới "Vô". Duy trì thái độ này là điểm then chốt của việc thọ trì Ngũ Giới, Thập Trọng Cấm Giới, cho đến 250 giới hay 348 giới. Những giới luật này không nhằm trói buộc hay nô dịch con người.
Được áp dụng với kinh nghiệm nội kiến về "Vô" các giới luật ấy trở thành phương tiện giải thoát của con người. Thập Trọng Cấm Giới được sử dụng như một công án không chỉ có giá trị đơn thuần như những giới cấm, mà chúng còn tạo nên một bước tiến xa hơn trên con đường thực chứng hoàn toàn toàn cảnh giới của tính nhất thể trong mọi hoạt động của cuộc sống hàng ngày. Sự chứng ngộ như vậy không hề phủ định hiệu lực của các giá trị tương đối; nó chỉ đơn thuần không cho phép những giá trị tương đối này làm mờ đi Phật tính của chúng ta, hay ngăn trở sự tự tại bổn lai của con người.
Trong Kinh Phạm Võng, Phật đã dạy chúng đệ tử rằng: “Đối với mười giới trọng cho Bồ tát. Nếu ai thọ giới mà không giữ, người đó không phải là Bồ tát, người đó cũng không có chủng tử Phật. Ngay cả Phật mà còn Phải trì tụng những giới này. Tất cả chúng Bồ tát đã học giới trong quá khứ, sẽ học trong tương lai, hay đang học trong lúc này. Ta đã giải thích những điểm chính của Bồ tát giới. Mấy ông phải học và hành Bồ tát giới trong chính tâm mình.”
Thứ nhất là Giới Sát Sinh: Là Phật tử, không tự mình giết, không xúi người giết, không phương tiện hay khen tặng ai giết, không thấy giết mà tùy hỷ, không dùng bùa chú giết, không nhân, duyên, hay cách thức mà giết, không nghiệp giết. Phàm tất cả loài hữu tình có mạng sống đều không được cố ý giết. Là Phật tử, phải luôn phát đại bi tâm và lòng hiếu thuận, lập thế cứu giúp tất cả chúng sinh, mà trái lại tự phóng tâm nỡ lòng sát sinh, Phật tử này phạm “Bồ tát Ba La Di Tội.”
Thứ nhì là Giới Trộm Cướp: Là Phật tử, không tự mình trộm cướp, không bảo người trộm cướp, không phương tiện trộm cướp, nhẫn đến không dùng bùa chú mà trộm cướp; không nhân trộm cướp, duyên trộm cướp, cách thức trộm cướp hay nghiệp trộm cướp. Tất cả tài vật, dù là của quỷ thần, từ cây kim ngọn cỏ đều có chủ, không đặng trộm cướp. Là Phật tử, phải luôn có lòng từ bi hiếu thuận thường giúp cho mọi người được phước an vui. Trái lại, lại sinh tâm trộm cướp tài vật của người, Phật tử này phạm “Bồ tát Ba La Di Tội.”
Thứ ba là Giới Dâm Dục: Là Phật tử, không tự mình dâm dục, không bảo người dâm dục, với tất cả phụ nữ, các loài cái, loài mái, cho đến thiên nữ, quỷ nữ, thần nữ cùng phi đạo mà hành dâm; không nhân dâm dục, duyên dâm dục, cách thức dâm dục, hay nghiệp dâm dục. Là Phật tử, đối với tất cả không được dâm dục, mà phải có lòng hiếu thuận cứu độ tất cả, phải đem pháp thanh tịnh mà khuyên dạy người. Dâm giới cũng là một trong ngũ giới cho Phật tử Tại gia (một trong năm điều giới của hàng Phật tử Tại gia là phải diệt trừ tà dâm. Một trong mười giới trọng của hàng xuất gia là phải hoàn toàn cắt đứt dâm dục). Trái lại nếu không có tâm từ, làm cho mọi người sinh việc dâm dục, không lựa súc sinh, cho đến hành dâm với mẹ, con, chị, em trong lục thân, Phật tử này phạm “Bồ tát Ba La Di Tội.”
Thứ tư là Giới Vọng Ngữ: Là Phật tử, không vọng ngữ, không bảo người vọng ngữ, không phương tiện vọng ngữ, không nhân vọng ngữ, duyên vọng ngữ, cách thức vọng ngữ, nghiệp vọng ngữ. Nhẫn đến không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, hoặc thân vọng ngữ, tâm vọng ngữ. Là Phật tử, phải luôn luôn chính ngữ chính kiến, và cũng làm cho tất cả chúng sinh có chính ngữ chính kiến, mà trái lại làm cho mọi người tà ngữ, tà kiến, tà nghiệp, Phật tử này phạm “Bồ tát Ba La Di Tội.”
Thứ năm là Giới Uống Rượu và Bán Rượu: Là Phật tử, không tự mình uống hay bán rượu, không bảo người uống hay bán, không duyên uống hay bán, không cách thức uống hay bán, không nghiệp uống hay bán rượu. Tất cả rượu đều không được uống hay bán vì rượu là nhân duyên sinh tội lỗi. Là Phật tử phải làm cho tất cả chúng sinh có trí huệ sáng suốt, mà trái lại đem sự mê say điên đảo cho tất cả chúng sinh, Phật tử này phạm “Bồ tát Ba La Di Tội.”
Thứ sáu là Giới Rao Lỗi của Tứ Chúng: Là Phật tử, không tự mình rao lỗi của Bồ tát xuất gia, Bồ tát Tại gia, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, không bảo người rao lỗi; không nhân rao lỗi, duyên rao lỗi, cách thức rao lỗi, nghiệp rao lỗi. Là Phật tử, khi nghe kẻ ác, kẻ ngoại đạo, cùng kẻ nhị thừa nói những điều phi pháp trái luật, phải luôn có lòng từ bi giáo hóa những kẻ ấy, khiến cho họ sinh lòng lành với Đại thừa, mà trái lại Phật tử tự mình rao nói những lỗi trong Phật pháp, Phật tử này phạm “Bồ tát Ba La Di Tội.”
Thứ bảy là Giới Tự Khen Mình và Chê Người: Là Phật tử, không tự khen mình chê người, không bảo ai khen mình chê người; không nhân chê người, không duyên chê người, không cách thức chê người, không nghiệp chê người. Là Phật tử, nên sẵn sàng nhận lấy những khinh chê cho tất cả chúng sinh và nhường tất cả việc tốt cho người, chứ không bao giờ tự phô trương tài của mình mà dìm điều hay tốt của người, nếu không Phật tử này phạm “Bồ tát Ba La Di Tội.”
Thứ tám là Giới Bỏn Xẻn và Lợi Dụng Người Khác: Là Phật tử, không tự mình bỏn xẻn hay lợi dụng người khác, không xúi người bỏn xẻn, không nhân bỏn xẻn, duyên bỏn xẻn, cách thức bỏn xẻn, nghiệp bỏn xẻn. Là một Phật tử đã thọ Bồ tát giới, khi thấy người bần cùng đến cầu xin, phải bằng mọi cách giúp đỡ theo nhu cầu của họ, chứ không đem lòng giận ghét không cho một mảy may; hoặc có người đến cầu học giáo pháp, đã chẳng nói một kệ một câu mà còn mắng đuổi, là phạm “Bồ tát Ba La Di Tội.”
Thứ chín là Giới Giận Hờn Không Nguôi: Là Phật tử, không tự mình hờn giận, không bảo người hờn giận; không nhân giận, duyên giận, cách thức giận, nghiệp giận. Ngược lại, phải luôn có lòng từ bi hiếu thuận, khiến giúp cho chúng sinh, cho đến loài phi chúng sinh luôn được lợi lạc. Nếu đối với tất cả các loài chúng sinh, cho đến trong loài phi chúng sinh mà đem lời ác mạ nhục, còn thêm dùng tay chân, dao gậy để đánh đập mà vẫn chưa hả dạ, cho đến nạn nhân kia lấy lời nhỏ nhẹ xin lỗi, cầu sám hối tạ tội, nhưng vẫn không hết giận, Phật tử này phạm “Bồ tát Ba La Di Tội.”
Thứ mười là Giới Hủy Báng Tam Bảo: Là Phật tử, không bao giờ tự mình hủy báng Tam Bảo, không xúi ai hủy báng; không nhân hủy báng, duyên hủy báng, cách thức hủy báng, nghiệp hủy báng. Là Phật tử thuần thành, một khi nghe ngoại đạo hay kẻ ác hủy báng Tam Bảo dù chỉ một lời, thì đau đớn chẳng khác chi trăm ngàn đao kiếm đâm vào tâm, huống là tự mình hủy báng? Là Phật tử chẳng những luôn đem lòng tôn kính Tam Bảo, mà còn khiến cho người người đều đem lòng tôn kính. Ngược lại, không có tin và lòng hiếu thuận đối với Tam Bảo, lại còn giúp sức cho những kẻ ác, kẻ tà kiến hủy báng nữa, Phật tử này phạm “Bồ tát Ba La Di Tội.”
48 Giới Khinh cho Bồ tát Xuất gia
Bốn mươi tám giới khinh theo kinh Phạm Võng Bồ tát Giới: kính thầy bạn, không uống rượu, không ăn thịt, không ăn ngũ vị tân, không phát tâm dạy người sám hối, không cúng dường thỉnh pháp, không đi nghe pháp, phế bỏ Đại Thừa, không chăm sóc người bệnh, chứa chấp khí cụ sát sinh, đi sứ, buôn bán phi pháp, hủy báng Phật pháp, phóng hỏa, dạy giáo lý ngoài Đại Thừa, vì lợi mà giảng pháp lộn lạo, cậy thế lực để quyên góp tiền của, không thông hiểu mà làm thầy truyền giới, lưỡng thiệt, không phóng sinh, đem sân trả sân đem đánh trả đánh, kiêu mạn không thỉnh pháp, khinh ngạo không dạy Pháp cho những người đang cầu hiểu pháp giới, không tu tập giáo pháp Đại Thừa, tri chúng vụng về, riêng thọ lợi dưỡng (tất cả của cúng dường phải thuộc về Tăng già hay chùa viện, vì thế nhận cúng dường riêng là một hình thức ăn cắp của chùa viện), thọ biệt thỉnh (không được nhận cúng dường riêng dù được mời đặc biệt đến nhà Phật tử Tại gia, vì làm như vậy cũng là một hình thức ăn cắp của Tăng già), biệt thỉnh Tăng, tà mạng nuôi sống (không được làm thương mại trong bất cứ hoàn cảnh nào), quản lý thương mại cho cư sĩ (bạch y), không mua chuộc lại hình tượng Phật (khi thấy kẻ gian lấy trộm và đem bán hình tượng Phật, Phật tử thuần thành phải bằng mọi cách mua lại), tổn hại chúng sinh (không mua bán dao, búa, gậy gộc, không lợi dụng địa vị để tịch thu tài sản của dân chúng, không nuôi chó mèo và các loại gia súc khác).
Tà nghiệp giác quán (không nhìn những hành động tà vạy như đánh lộn, bài bạc, hay nghe nhạc, nghe đàn, sáo,...), tạm bỏ Bồ Đề tâm (tạm thời phế bỏ tâm Bồ đề là một giới khinh cho hàng phật tử, nhất là chư Tăng Ni), không phát nguyện, không phát thệ (thà uống nước đồng sôi hay quấn mình trong lưới sắt nóng, hay nuốt banh sắt, nằm trên sắt nóng, hay nhảy vào vạc dầu sôi, hay chân cẳng bị đao búa nóng chặt đứt, hay mắt bị trăm ngàn đao kiếm đâm thủng,..., chứ thệ quyết không phá giới), vào chỗ hiểm nạn, trái thứ tự tôn ti, không tu phước huệ, không bình đẳng truyền giới, vì tư lợi mà thuyết giảng, vì danh mà giảng giới cho kẻ ác, cố mống tâm phạm giới, không cúng dường kinh luật, không giáo hóa chúng sinh, thuyết pháp không đúng pháp (Phật tử thuần thành nhất là chư Tăng Ni phải luôn phát đại bi tâm hóa độ chúng sinh), chế hạn phi pháp (lợi dụng chức vị trong Tăng đoàn mà chế hạn giới luật đi ngược với Phật pháp), vì danh lợi mà phá diệt Phật Pháp.
48 Giới Khinh mà Phật đã dạy trong Kinh Phạm Võng Bồ tát Giới có thể được giải thích sơ lược như sau đây:
Thứ nhất là Giới Không Kính Thầy Bạn: Nếu Phật tử lúc sắp lĩnh ngôi Quốc Vương, ngôi Chuyển Luân Vương, hay sắp lĩnh chức quan, trước nên thọ giới Bồ tát. Như thế tất cả quỷ thần cứu hộ thân vua và thân các quan. Chư Phật đều hoan hỷ. Đã đắc giới rồi, Phật tử nên có lòng hiếu thuận và cung kính. Nếu thấy có bực Thượng Tọa, Hòa Thượng, A Xà Lê, những bực Đại , đồng học, đồng kiến, đồng hạnh đến nhà, phải đứng dậy tiếp rước lạy chào, thăm hỏi. Mỗi sự đều đúng như Pháp mà cúng dường, hoặc tự bản thân cho đến quốc-thành con cái, cùng bảo bảy báu trăm vật để cung cấp các bực ấy. Nếu Phật tử lại sinh lòng kiêu mạn, sân hận, ngu si, không chịu tiếp rước lạy chào, cho đến không chịu y theo pháp mà cúng dường, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ nhì là Giới Uống Rượu: Nếu Phật tử cố uống rượu, mà rượu là thứ làm cho người uống hay sinh ra vô lượng tội lỗi. Nếu tự tay trao chén rượu cho người uống, sẽ mang ác báo năm trăm đời không tay, huống là tự uống. Cũng chẳng được bảo người và tất cả chúng sinh uống rượu, huống là tự mình uống! Tất cả các thứ rượu, Phật tử không được uống. Nếu mình cố uống và bảo người uống, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ ba là Giới Ăn Thịt: Nếu là Phật tử cố ăn thịt. Tất cả thịt của mọi loài chúng sinh đều không được ăn. Luận về người ăn thịt thời mất lòng đại từ bi, dứt giống Phật tính; tất cả chúng sinh thảy đều tránh xa người này. Người ăn thịt mắc vô lượng tội lỗi. Vì thế nên tất cả Phật tử không được ăn thịt của tất cả mọi loài chúng sinh. Nếu cố ăn thịt, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ tư là Giới Ăn Ngũ Tân: Phật tử chẳng được ăn loại “ngũ tân” loại hành, hẹ, tỏi, nén và hưng cừ. Loại ngũ tân này thêm vào trong tất cả các thứ thực phẩm đều không được ăn. Nếu cố ăn, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ năm là Giới Không Dạy Người Sám Hối: Nếu là Phật tử khi thấy người khác phạm ngũ giới, bát giới, thập giới, phá giới, hay phạm thất nghịch, bát nạn tất cả tội phạm giới,..., phải khuyên bảo người ấy sám hối. Nếu Phật tử chẳng khuyên bảo người phạm tội sám hối, lại cùng ở chung, đồng sống chung, đồng chúng bố tát, đồng thuyết giới, mà không cữ tội người ấy, không nhắc người ấy sám hối, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ sáu là Giới Không Cúng Dường Thỉnh Pháp: Nếu là Phật tử, thấy có vị Pháp Sư đại thừa, hay những bậc đồng học, đồng kiến, đồng hạnh đại thừa, từ trăm dặm nghìn dặm đến nơi Tăng phường, nhà cửa, thành ấp, thời liền đứng dậy rước vào, đưa đi, lễ bái, cúng dường. Mỗi ngày ba cúng dường, trăm thức uống ăn, giường ghế, thuốc men, tất cả đồ cần dùng giá đáng ba lượng vàng đều phải cấp hộ cho Pháp Sư. Mỗi ngày sáng, trưa, chiều, thường thỉnh Pháp Sư thuyết pháp và đảnh lễ. Không hề có lòng sân hận buồn rầu. Luôn thỉnh pháp không mỏi nhàm, chỉ trọng pháp chớ không kể thân. Nếu Phật tử không như thế thời phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ bảy là Giới Không Đi Nghe Pháp: Nếu là Phật tử, hàng tân học Bồ tát, phàm nơi chốn nào có giảng kinh, luật, phải mang kinh luật đến chỗ Pháp Sư để nghe giảng và thưa hỏi. Hoặc nơi núi rừng, trong vườn cây, chùa, nhà,..., tất cả chỗ thuyết pháp đều đến nghe học. Nếu Phật tử không đến nơi ấy để nghe pháp cùng thưa hỏi, thời phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ tám là Giới Trái Bỏ Đại Thừa: Nếu là Phật tử, có quan niệm trái bỏ kinh luật Đại Thừa thường trụ, cho rằng không phải của Phật nói mà đi thọ trì kinh luật tà kiến và tất cả cấm giới của hàng Thanh Văn nhị thừa cùng ngoại đạo ác kiến, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ chín là Giới Không Chăm Sóc Người Bệnh: Nếu là Phật tử, thấy tất cả người tật bệnh phải tận tâm cúng dường như cúng dường Phật. Trong tám phước điền, chăm sóc cho người bệnh là “phước điền thứ nhất.” Nếu như cha mẹ, Sư Tăng cùng đệ tử có bệnh, có tật, trăm thứ bệnh đau khổ, đều nên săn sóc cho được lành mạnh, Phật tử lại vì lòng hờn giận mà không chăm sóc, nhẫn đến thấy trong Tăng phường, thành ấp, nơi núi rừng, đồng nội, đường sá có người tật bệnh mà không lo cứu tế, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ mười là Giới Chứa Khí Cụ Sát Sinh: Nếu là Phật tử, không đặng cất chứa những binh khí như dao, gậy, cung, tên, bùa, giáo,..., cùng những đồ sát sinh như chài, lưới, rập, bẫy,... Là Phật tử, dầu cho đến cha mẹ bị người giết, còn không báo thù, huống lại đi giết chúng sinh! Không được cất chứa những khí cụ sát sinh! Nếu cố cất chứa, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ mười một là Giới Đi Sưù: Nếu là Phật tử, chẳng đặng vì quyền lợi và ác tâm mà đi thông sứ mạng cho hai nước hiệp hội quân trận, đem binh đánh nhau làm cho vô lượng chúng sinh bị giết hại. Là Phật tử không được vào, cùng qua lại trong quân trận, huống lại cố làm môi giới chiến tranh. Nếu cố làm, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ mười hai là Giới Buôn Bán Phi Pháp: Nếu Phật tử cố bán người lành, tôi trai, tớ gái, lục súc, buôn bán quan tài, ván cây, đồ đựng thây chết, còn không được tự mình buôn bán các thứ ấy, huống lại bảo người. Nếu cố tự buôn bán hay bảo người buôn bán các thứ ấy, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ mười ba là Giới Hủy Báng: Nếu Phật tử, vì ác tâm, nơi người tốt, người lành, Pháp Sư, Sư Tăng, hoặc Quốc Vương và hàng quý nhân, vốn vô sự mà hủy báng là phạm bảy tội nghịch, mười giới trọng. Với cha mẹ, anh, em, lục thân phải có lòng từ bi hiếu thuận, mà trở lại vu khống cho là phạm tội nghịch, đọa nơi ác đạo, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ mười bốn là Giới Phóng Hỏa: Nếu Phật tử, vì ác tâm, phóng hỏa đốt núi, rừng, đồng nội. Từ tháng tư đến tháng chín phóng hỏa. Hoặc cháy lan đến nhà cửa, thành ấp, Tăng phường, ruộng cây của người và cung điện tài vật của quỷ thần. Tất cả chỗ có sinh vật không được cố ý thiêu đốt. Nếu cố thiêu đốt, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ mười lăm là Giới Dạy Giáo Lý Ngoài Đại Thừa: Nếu Phật tử, từ Phật đệ tử, lục thân, tất cả thiện tri thức, đến ngoại đạo ác nhân, đều phải khuyên bảo thọ trì kinh luật Đại thừa. Nên giảng cho hiểu nghĩa lý khiến phát Bồ Đề Tâm, Thập Phát Thú tâm, Thập Trưởng Dưỡng tâm, Thập Kim Cang tâm. Trong ba mươi tâm ấy, giảng cho họ hiểu pháp dụng tuần thứ của mỗi món. Nếu Phật tử vì ác tâm, sân tâm mà đem kinh luật của Thanh Văn Nhị thừa cùng các bộ luận của ngoại đạo tà kiến để dạy cho người, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ mười sáu là Giới Vì Lợi Mà Giảng Pháp Lộn Lạo: Nếu Phật tử, phải tận tâm học kinh luật oai nghi Đại thừa, thông hiểu nghĩa lý, khi thấy có hàng tân học Bồ tát từ xa trăm dặm nghìn dặm đến cầu học kinh luật Đại thừa, nên đúng như pháp giảng giải tất cả khổ hạnh, hoặc đốt thân, đốt cánh tay, đốt ngón tay. Nếu không đốt thân hay cánh tay, ngón tay cúng dường chư Phật thời không phải là hàng Bồ tát xuất gia. Nhẫn đến xả thịt nơi thân mình cùng tay chân mà bố thí cho tất cả những cọp, sói, sư tử đói, cùng tất cả loài quỷ đói. Rồi sau mới tuần tự theo căn cơ của mỗi người mà giảng chính pháp cho hàng tân học ấy được mở thông tâm ý. Nếu Phật tử vì quyền lợi, đáng dạy mà không dạy, lại giảng kinh luật một cách điên đảo, văn tự lộn xộn không có thứ lớp trước sau, thuyết pháp có tính cách hủy báng Tam Bảo, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ mười bảy là Giới Cậy Thế Lực Quyên Góp Tiền Của: Nếu Phật tử, tự mình vì việc ăn uống tiền của, lợi dưỡng, danh dự mà thân cận quốc vương, hoàng tử cùng các quan, nương quyền cậy thế bức người để lấy tiền của, lại bảo người khác cũng cầu lợi như vậy. Tất cả sự cầu lợi ấy gọi là ác cầu, đa cầu, đều không có lòng từ bi, lòng hiếu thuận. Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ mười tám là Giới Không Thông Hiểu Mà Làm Thầy Truyền Giới: Nếu Phật tử, phải học mười hai phần kinh, thường tụng giới. Mỗi ngày sáu thời, nghiêm trì Bồ tát giới, hiểu rõ nghĩa lý tính, Phật tính của giới. Nếu Phật tử không hiểu một kệ một câu cùng nhân duyên của giới luật, mà dối rằng thông hiểu, đó chính là dối gạt mình và cũng là dối gạt người khác. Không hiểu một pháp, không biết một luật mà lại đi làm Thầy Truyền Giới cho người, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ mười chín là Giới Lưỡng Thiệt: Nếu Phật tử, vì ác tâm, thấy Thầy Tỳ Kheo trì giới tay bưng lư hương, tu hạnh Bồ tát, tự đi đâm thọc hai đầu, cho sinh sự bất hòa, khinh khi người hiền, tạo nhiều tội ác. Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ hai mươi là Giới Không Phóng Sinh: Nếu là Phật tử, phải vì tâm từ bi mà làm việc phóng sinh. Người ấy phải luôn quán tưởng: “Tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhân là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sinh nơi đó.” Nếu giết chúng để ăn thịt, thì chính là giết cha mẹ ta, mà cũng là giết thân cũ của ta. Tất cả chất tứ đại đều là bổn thân bổn thể của ta, cho nên phải thường làm việc phóng sinh, và khuyên bảo người làm. Nếu lúc thấy người đời sát sinh, nên tìm cách cứu hộ cho chúng được thoát khỏi nạn khổ! Thường đem giới Bồ tát giảng dạy để cứu độ chúng sinh. Nếu ngày cha mẹ hay anh em chết, nên thỉnh Pháp sư giảng kinh luật Bồ tát giới. Người chết nhờ phước ấy, hoặc được vãng sinh Tịnh Độ ra mắt chư Phật, hay thác sinh trong cõi trời người. Nếu không làm các điều trên đây, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ hai mươi mốt là Giới đem Sân Báo Sân, đem Đánh Trả Đánh: Nếu Phật tử, không được đem giận trả giận, đem đánh trả đánh. Nếu cha mẹ anh em hay lục thân bị người giết cũng chẳng được báo thù, hoặc quốc chủ bị người thí chết cũng chẳng được báo thù. Giết sinh mạng để báo thù sinh mạng, đó là việc không thuận với hiếu đạo. Hãy còn không được chứa nuôi tôi tớ, rồi đánh đập mắng nhiếc chúng, mỗi ngày tam nghiệp tạo vô lượng tội, nhứt là khẩu nghiệp. Huống lại cố đi làm tội thất nghịch. Nếu xuất gia Bồ tát không có lòng từ bi cố báo thù, nhẫn đến cố báo thù cho trong hàng lục thân, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ hai mươi hai là Giới Không Kiêu Mạn Không Thỉnh Pháp: Nếu Phật tử, mới xuất gia chưa thông hiểu kinh luật, mà tự ỷ mình là trí thức thông minh, hoặc ỷ mình là cao quý, lớn tuổi, hoặc ỷ mình là dòng sang, con nhà quyền quý, hoặc ỷ mình học rộng, phước to, giàu lớn,..., rồi sinh lòng kiêu mạn mà không chịu học hỏi kinh luật với các vị Pháp sư học đạo trước mình. Vị Pháp sư ấy hoặc dòng hèn, con nhà hạ tiện, tuổi trẻ, ngèo nàn, hèn hạ, hay có tật nguyền, nhưng lại thực có hạnh cùng thông hiểu nhiều kinh luật. Hàng tân học Bồ tát không được nhìn vào dòng giống vị pháp sư mà không chịu đến học đạo lý Đại thừa với vị ấy. Phật tử nếu như vậy thời phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ hai mươi ba là Giới Khinh Ngạo Không Tận Tâm Dạy: Nếu Phật tử, sau khi Phật nhập diệt, lúc có tâm tốt muốn thọ giới Bồ tát, thời đối trước tượng Phật, cùng tượng Bồ tát mà tự nguyện thọ giới. Nên ở trước tượng Phật cùng tượng Bồ tát sám hối trong bảy ngày, hễ được thấy hảo tướng là đắc giới. Như chưa thấy hảo tướng thời phải sám hối mười bốn ngày, hăm mốt ngày, hay đến cả năm, cầu thấy được hảo tướng. Khi được thấy hảo tướng rồi, thời được đối trước tượng Phật hay tượng Bồ tát mà thọ giới. Như chưa thấy hảo tướng thời dầu có đối trước tượng Phật thọ giới, vẫn không gọi là đắc giới. Tuy nhiên, nếu đối trước vị Pháp sư mà thọ giới Bồ tát, thời không cần thấy hảo tướng. Tại sao vậy? Vì vị Pháp sư ấy là chư sư truyền giới cho nhau, nên không cần hảo tướng. Hễ đối trước vị Pháp sư ấy mà thọ giới liền đắc giới, do vì hết lòng kính trọng nên đắc giới. Nếu ở trong nghìn dặm, mà không tìm được vị Pháp sư truyền giới, thời Phật tử được phép đối trước tượng Phật và Bồ tát mà tự nguyện thọ giới Bồ tát, nhưng cần phải thấy hảo tướng. Nếu các vị pháp sư ỷ mình thông kinh luật cùng giới pháp Đại thừa, kết giao với các nhà quyền quý, khi có hàng tân học Bồ tát đến cầu học nghĩa kinh luật, lại giận ghét, hay khinh ngạo, không chịu tận tâm chỉ bảo, vị này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ hai mươi bốn là Giới Không Tập Học Đại Thừa: Nếu Phật tử, có kinh luật Đại thừa pháp, chính kiến, chính tính, chính pháp thân, mà không chịu siêng học siêng tu, lại bỏ bảy của báu, trở lại học những sách luận tà kiến của nhị thừa, ngoại đạo, thế tục, đó là làm mất giống Phật, là nhân duyên chướng đạo, chẳng phải thực hành đạo Bồ tát. Nếu cố làm như vậy, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ hai mươi lăm là Giới Tri Chúng Vụng Về: Nếu Phật tử, sau khi Phật nhập diệt, làm Pháp sư, Giảng Sư, Luật Sư, Thiền Sư, Thủ Tọa, Tri Sự, Tri Khách, phải có lòng từ bi khéo hòa giải trong chúng, khéo giữ gìn tài vật của Tam Bảo, chớ dùng vô độ như của riêng mình, mà trở lại khuấy chúng gây gỗ, kình chống, lung lòng xài của Tam Bảo, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ hai mươi sáu là Giới Riêng Thọ Lợi Dưỡng: Nếu Phật tử, ở trước trong Tăng phường, lúc sau thấy có khách Bồ tát Tỳ Kheo đến, hoặc nơi thành ấp nhà cửa của Tăng hay của Vua, nhân đến chỗ kiết hạ an cư cùng trong đại hội… Chư Tăng ở trước phải rước đến đưa đi, cung cấp cho những đồ uống ăn, đồ nằm, thuốc men, nhà, phòng, giường, ghế, vân vân. Nếu tự mình không có, thì phải bán thân, bán con cái, lóc thịt thân mình mà bán, để sắm đồ cung cấp cho những khách Tăng ấy. Nếu có thí chủ đến thỉnh chúng Tăng thọ trai, khách Tăng có dự phần, vị tri sự phải theo thứ tự phái khách Tăng đi thọ trai. Nếu chư Tăng ở trước riêng đi thọ trai mà không phái khách Tăng đi, thời vị tri sự mắc vô lượng tội, không đáng là hàng Sa Môn, không phải dòng Thích Tử, nào khác loài súc sinh. Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ hai mươi bảy là Giới Thọ Biệt Thỉnh: Nếu Phật tử, tất cả chẳng được nhận của cúng dường dành riêng về mình. Của cúng dường này thuộc thập phương Tăng, nếu nhận riêng thời là lấy của thập phương Tăng đem về phần mình. Và của vật trong tám phước điền: chư Phật, Thánh nhân, chư Tăng, cha, mẹ, và người bệnh, mà tự mình riêng nhận dùng. Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ hai mươi tám là Giới Biệt Thỉnh Tăng: Nếu Phật tử, có những hàng Bồ tát xuất gia, Bồ tát Tại gia và tất cả đàn việt lúc muốn thỉnh Tăng để cúng dường cầu nguyện, nên vào Tăng phường thưa với vị Tri Sự. Vị Tri Sự bảo theo thứ tự mà thỉnh thời được thập phương Hiền Thánh Tăng. Mà người đời thỉnh riêng năm trăm vị A La hán Bồ tát Tăng vẫn không bằng theo thứ tự thỉnh một phàm phu Tăng. Trong giáo pháp của bảy Phật đều không có pháp thỉnh Tăng riêng. Nếu thỉnh Tăng riêng đó là pháp của ngoại đạo, là không thuận với hiếu đạo. Nếu Phật tử cố thỉnh riêng thời phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ hai mươi chín là Giới Tà Mạng Nuôi Sống: Nếu Phật tử dùng ác tâm vì lợi dưỡng buôn bán nam sắc, nữ sắc, tự tay làm đồ ăn, tự xay, tự giã xem tướng, bàn mộng, đoán sẽ sinh trai hay gái, bùa chú, pháp thuật, nghề nghiệp, phương pháp nuôi ó và chó săn, hòa hiệp trăm thứ thuốc độc, nghìn thứ thuốc độc, độc rắn, độc sinh kim, sinh ngân, độc sâu cổ, đều không có lòng từ bi, lòng hiếu thuận. Nếu cố làm các điều như thế, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ ba mươi là Giới Quản Lý Cho Bạch Y: Nếu Phật tử vì ác tâm, tự mình hủy báng tam Bảo, giả tuồng kính mến, miệng thì nói không, mà hành vi lại có, làm quản lý cho hàng bạch y, vì hàng bạch y làm mai làm mối cho nam cho nữ giao hội dâm sắc, gây thành các nghiệp kiết phược; những ngày lục trai trong mỗi tháng, ba tháng trường trai trong mỗi năm, làm việc sát sinh, trộm cướp, phá trai, phạm giới. Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ ba mươi mốt là Giới Không Mua hay Chuộc lại hình tượng Phật: Phật tử, sau khi Phật nhập diệt ở trong đời ác, thấy hàng ngoại đạo, bọn giặc cướp cùng tất cả người ác đem bán hình tượng Phật, Bồ tát, cha mẹ, đem bán kinh luật, đem bán Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cùng người hành đạo Bồ tát, kẻ phát tâm Bồ Đề, để làm tay sai cho các quan hay làm tôi tớ cho mọi người. Phật tử thấy những sự như thế, nên có lòng từ bi tìm cách cứu vớt. Nếu không đủ sức, Phật tử phải đi quyên tiền các nơi để chuộc hình tượng Phật, Bồ tát và tất cả kinh luật, chuộc Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, người tu hạnh Bồ tát, kẻ phát tâm Bồ Đề. Nếu không chuộc, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ ba mươi hai là Giới Tổn Hại Chúng Sinh: Phật tử không được buôn bán dao, gậy, cung, tên, những khí giới sát sinh. Không được chứa cân non thước thiếu. Không được nương thế lực quan quyền mà lấy tài vật của người. Không được ác tâm trói buộc người, và phá hoại việc thành công của người. Không được nuôi mèo, chồn, heo, chó. Nếu cố làm các điều trên, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ ba mươi ba là Giới Tà Nghiệp Giác Quán: Phật tử không được vì ác tâm đi xem tất cả nam nữ đánh nhau, hay quân trận binh tướng, giặc cướp, vân vân, đấu chiến với nhau. Cũng chẳng được đi xem hát, nghe nhạc, chơi cờ, đánh bạc, đá cầu, đá bóng, vân vân, cho đến bói xủ. Chẳng được làm tay sai cho kẻ trộm cướp. Nếu cố làm các điều trên, Phật tử phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ ba mươi bốn là Giới Tạm Bỏ Bồ Đề Tâm: Nếu Phật tử, ngày đêm sáu thời đọc tụng giới Bồ tát này. Nên giữ gìn giới luật trong tất cả khi đi đứng nằm ngồi, vững chắc như kim cương, như đeo trái nổi để qua biển lớn, như Tỳ Kheo bị cột bằng dây cỏ. Thường có tín tâm lành đối với Đại thừa. Tự biết rằng mình là Phật chưa thành, còn chư Phật là Phật đã thành, rồi phát Bồ Đề Tâm và giữ vững không thối chuyển. Nếu có một tâm niệm xu hướng theo Nhị thừa hay ngoại đạo, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ ba mươi lăm là Giới Không Phát Nguyện: Nếu Phật tử, nên phát những điều nguyện lớn: nguyện ăn ở hiếu thuận với cha mẹ, sư trưởng; nguyện được gặp Thầy tốt bạn hiền, để thường được học hỏi các kinh luật Đại thừa, được dạy về Thập Phát Thú, Thập Trưởng Dưỡng, Thập Kim Cang, Thập Địa; nguyện hiểu rõ để tu hành đúng chính pháp; nguyện giữ vững giới luật nhà Phật: thà chết chớ không chịu phai lòng. Nếu tất cả Phật tử không phát những điều nguyện trên đây thời phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ ba mươi sáu là Giới Không Phát Thệ: Nếu Phật tử, khi đã phát đại nguyện trên đây rồi, phải giữ gìn giới cấm của Phật. Phải tự thệ rằng: “Thà nhảy vào đống lửa, hố sâu, núi dao, quyết không cùng với tất cả người nữ làm điều bất tịnh để phạm điều cấm trong kinh luật của Tam Thế chư Phật. Lại thề rằng thà lấy lưới sắt quấn thân mình cả ngàn lớp, quyết không để thân này phá giới mà thọ những đồ phục của tín tâm đàn việt. Thà chịu nuốt hòn sắt cháy đỏ và uống nước đồng sôi mãi đến trăm nghìn kiếp, quyết không để miệng này phá giới mà ăn các thứ thực phẩm của tín tâm đàn việt. Thà nằm trên đống lửa lớn, trên tấm sắt nóng, quyết không để thân này phá giới mà nhận lấy các thứ giường ghế của tín tâm đàn việt. Thà trong một hai kiếp cho cả trăm gươm giáo đâm vào mình, quyết không để thân này phá giới mà thọ các thứ thuốc men của tín tâm đàn việt. Thà nhảy vào vạc dầu sôi trong trăm nghìn kiếp, quyết không để thân này phá giới mà lĩnh những phòng nhà, ruộng vườn, đất đai của tín tâm đàn việt.”
Lại phát thệ rằng: “Thà dùng chày sắt đập thân này từ đầu tới chân cho nát như tro bụi, quyết không để thân này phá giới mà thọ sự cung kính lễ bái của tín tâm đàn việt. Thà lấy trăm nghìn lưỡi gươm giáo khoét đôi mắt mình, quyết không đem tâm phá giới này mà nhìn xem sắc đẹp của người. Thà lấy trăm nghìn dùi sắt, đâm thủng lỗ tai mình trải trong một hai kiếp, quyết không đem tâm phá giới này mà nghe tiếng tốt giọng hay. Thà lấy trăm nghìn lưỡi dao cắt bỏ lỗ mũi mình, quyết không đem tâm phá giới này mà ngửi các mùi thơm. Thà lấy trăm nghìn lưỡi dao cắt đứt lưỡi mình, quyết không đem tâm phá giới này mà ăn các thức tịnh thực của người. Thà lấy búa bén chặt chém thân thể mình, quyết không đem tâm phá giới này mà tham mặc đồ tốt.” Lại phát nguyện: nguyện cho tất cả chúng sinh đều trọn thành Phật quả. Nếu Phật tử không phát những điều thệ nguyện này, thời phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ ba mươi bảy là Giới Vào Chỗ Hiểm Nạn: Nếu Phật tử mỗi năm phải hai kỳ hành đầu đà, mùa đông mùa hạ thời ngồi thiền và an cư kiết hạ. Thường dùng nhành dương, nước tro, ba y, bát, bình, tọa cụ, tích trượng, hộp lư hương, đãy lọc nước, khăn tay, con dao, đá lửa, cái nhíp, giường dây, kinh, luật, tượng Phật, tượng Bồ tát. Khi Phật tử hành đầu đà cùng lúc du phương đi lại trăm dặm ngàn dặm, mười tám món này luôn mang bên mình. Đây là hai kỳ hành đầu đà trong mỗi năm: từ rằm tháng giêng đến rằm tháng ba, và từ rằm tháng tám đến rằm tháng mười. Trong hai kỳ hành đầu đà, luôn mang theo mình 18 món ấy như chim mang hai cánh. Mỗi tháng hai lần, hàng tân học Phật tử, phải luôn tụng giới Bố Tát, tụng mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh.
Lúc tụng giới, nên ở trước tượng Phật và Bồ tát mà tụng. Nếu chỉ có một người bố tát thời một người tụng. Nếu có hai người, ba người, nhẫn đến trăm nghìn người, cũng chỉ một người tụng, còn bao nhiêu thời lắng nghe. Người tụng ngồi cao, người nghe ngồi thấp. Mỗi người đều đắp y hoại sắc cửu điều, thất điều và ngũ điều (chín, bảy hay năm mảnh). Trong lúc kiết hạ an cư mỗi mỗi đều phải đúng theo phép tắc. Lúc hành đầu đà chớ đi đến chỗ có tai nạn, cõi nước hiểm ác, nhà vua hung bạo, đất đai gập ghềnh, cỏ cây rậm rạp, chỗ có giống sư tử, cọp, sói, cùng nơi bị bão lụt, nạn cháy, giặc cướp, đường sá có rắn rít,... Tất cả những nơi hiểm nạn ấy đều không được đến. Chẳng những lúc hành đầu đà, mà lúc kiết hạ an cư cũng không được vào những chỗ hiểm nạn ấy. Nếu cố vào những nơi ấy, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ ba mươi tám là Giới Trái Thứ Tự Tôn Ty: Nếu Phật tử, phải theo thứ tự đúng pháp mà ngồi: người thọ giới trước thời ngồi trước, người thọ giới sau thời ngồi sau. Không luận già trẻ, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, người sang như Quốc Vương, Hoàng Tử, nhẫn đến kẻ hèn như huỳnh môn, tôi tớ,..., tất cả đều nên theo thứ tự mà ngồi (người thọ giới trước ngồi trước, người thọ giới sau ngồi sau). Không được như hàng ngoại đạo, si mê, hoặc già, hoặc trẻ, ngồi trước sau lộn xộn không có thứ tự, không khác cách ngồi của bọn binh nô. Trong Phật pháp, hễ người thọ giới trước thời ngồi trước, còn người thọ giới sau thời ngồi sau. Nếu Phật tử không theo thứ tự đúng pháp mà ngồi, thời phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ ba mươi chín là Giới Không Tu Phước Huệ: Nếu Phật tử, thường phải khuyến hóa tất cả mọi người kiến tạo Tăng phường nơi núi rừng vườn ruộng, xây dựng Phật tháp, chỗ an cư, ngồi thiền trong mùa đông mùa hạ, tất cả những cơ sở hành đạo đều nên kiến lập. Người Phật tử phải giảng thuyết kinh luật Đại thừa cho tất cả chúng sinh. Lúc tật bệnh, nước có nạn có giặc, ngày cha mẹ, anh em, Hòa Thượng, A Xà Lê khuất tịch, và mỗi tuần thất, nhẫn đến bảy tuần thất, cũng nên giảng thuyết kinh luật Đại thừa. Tất cả những trai hội cầu nguyện, những lúc đi làm ăn, những khi có tai nạn bão lụt, hỏa hoạn, ghe thuyền trôi giạt nơi sông to biển lớn, gặp quỷ la sát, vân vân, đều cũng đọc tụng kinh luật Đại thừa. Nhẫn đến tất cả tội báo, tam ác, bát nạn, thất nghịch, gông cùm xiềng xích trói buộc tay chân, hoặc người nhiều dâm, nhiều sân, nhiều ngu si, nhiều tật bệnh, đều nên giảng kinh luật Đại thừa. Nếu hàng tân học Phật tử không thực hành như trên đây, thời phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ bốn mươi là Giới Không Bình Đẳng Truyền Giới: Nếu Phật tử, lúc cho người thọ giới không được lựa chọn. Tất cả hàng Quốc vương, Hoàng tử, các quan, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thiện nam, Tín nữ, Dâm nam, Dâm nữ, Phạm Thiên trong 18 cõi sắc, Thiên tử trong sáu cõi dục, người thiếu căn, hai căn, huỳnh môn, tôi tớ và tất cả quỷ thần đều được thọ giới. Tất cả y phục ngọa cụ nên bảo phải hòa màu: xanh, vàng, đỏ, đen, tím nhuộm thành hoại sắc cho hợp với đạo.
Trong tất cả các quốc độ, nên theo y phục của người trong nước ấy mặc, y phục của Thầy Tỳ Kheo đều phải khác với y phục của người thế tục. Khi ai muốn thọ giới Bồ tát, vị sư phải hỏi rằng: trong đời này ngươi có phạm tội thất nghịch chăng? Bồ tát Pháp Sư không được cho người phạm tội thất nghịch thọ giới trong đời này.
Đây là tội thất nghịch: Ác tâm làm thân Phật chảy máu; hại bậc Thánh nhân; giết cha; giết mẹ; giết Hòa Thượng; giết A Xà Lê; phá Yết Ma Tăng hay Chuyển Luân Tăng. Nếu phạm tội thất nghịch, thời hiện đời không đắc giới. Ngoài ra tất cả mọi người đều được thọ giới.
Theo pháp của người xuất gia, không lạy quốc vương, cha mẹ, lục thân và quỷ thần. Phàm hễ ai nhận hiểu lời nói của Pháp Sư đều được thọ giới. Mà có người từ trăm dặm nghìn dặm đến cầu pháp, nếu Bồ tát Pháp Sư vì ác tâm, sân tâm, mà không mau mắn truyền giới Bồ tát cho người ấy, thời phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ bốn mươi mốt là Giới Vì Lợi Làm Thầy: Nếu Phật tử, giáo hóa người sinh lòng tin tưởng pháp Đại thừa, Bồ tát làm pháp sư giáo giới cho người. Lúc thấy có người muốn thọ giới Bồ tát, nên bảo người ấy thỉnh hai đại sư: Hòa Thượng và A Xà Lê. Phải hỏi người ấy có phạm tội thất nghịch không? Nếu người ấy hiện đời có phạm tội thất nghịch, thời Pháp Sư không được cho người ấy thọ giới. Như không phạm tội thất nghịch, thời cho thọ giới. Nếu có phạm trong mười giới trọng, phải bảo người ấy sám hối trước tượng Phật và Bồ tát. Ngày đêm sáu thời tụng giới Bồ tát tha thiết đảnh lễ Tam Thế Chư Phật, cho được thấy hảo tướng. Sám hối như thế trong bảy ngày, mười bốn ngày, hăm mốt ngày, nhẫn đến trọn năm, mãi đến chừng nào thấy được hảo tướng. Đây là hảo tướng: thấy Phật đến xoa đầu mình, thấy quang minh, thấy hoa báu…, các thứ cảnh tượng lạ.
Thấy được những hảo tướng ấy là triệu chứng tội đã tiêu diệt. Nếu không được thấy hảo tướng, dầu có sám hối vẫn vô ích. Người này hiện đời cũng không đắc giới, nhưng đặng tăng-ích thọ giới. Nếu là người phạm trong bốn mươi tám điều giới khinh, “đối thú sám hối,” thời đặng tiêu diệt, không phải như tội thất nghịch. Vị Pháp Sư giáo giới ở trong những pháp này phải hiểu rõ. Nếu không hiểu kinh luật Đại thừa, những giới khinh, giới trọng, hành tướng phải, chẳng phải; không hiểu đệ nhất nghĩa đế, thập chủng tính, trưởng dưỡng tính, tính chủng tính bất khả hoại tính, đạo chủng tính, chính pháp tính. Những quán hạnh đa thiểu, xuất nhập trong các pháp đó, cùng mười chi thiền, tất cả pháp hạnh, mỗi mỗi đều thông hiểu.
Phật tử vì tài lợi, vì danh tiếng, cầu quấy, cầu nhiều, tham đệ tử đông nên giả tuồng là mình hiểu biết tất cả kinh luật, để được cúng dường, đó là tự dối mình mà cũng khi dối người khác. Nếu cố làm Giới Sư truyền giới cho người, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ bốn mươi hai là Giới Vì Người Ác Giảng Giới: Nếu Phật tử không được vì tài lợi mà đem đại giới của chư Phật nói với người chưa thọ giới Bồ tát, hoặc với hàng ngoại đạo, những kẻ tà kiến,... Trừ Quốc vương, ngoài ra không được nói với tất cả hạng người ấy. Những hạng người chẳng thọ giới của Phật, gọi là súc sinh, đời đời sinh ra không gặp được Tam Bảo, như cây đá, không có tâm thức; gọi là ngoại đạo, bọn tà kiến, nào khác cây cối. Với những hạng người tà ác ấy, nếu Phật tử giảng nói giới pháp của chư Phật, thời phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ bốn mươi ba là Giới Cố Mống Tâm Phạm Giới: Nếu Phật tử, do tin mà xuất gia, thọ chính giới của Phật, lại cố mống tâm hủy phạm giới pháp, thời không được thọ lĩnh đồ cúng dường của tất cả đàn việt, cũng không được đi trên đất của quốc dân. Năm nghìn đại quỷ luôn đứng án trước mặt người đó mà gọi là “Gã bợm giặc.” Nếu khi đi vào trong phòng nhà, thành ấp, các quỷ thường theo chà quét dấu chân của người ấy. Tất cả mọi người đều mắng kẻ ấy là kẻ giặc trong Phật pháp. Hết thảy chúng sinh đều không muốn nhìn ngó người ấy. Người phạm giới, khác nào loài súc sinh, cây cỏ. Nếu cố phá hủy giới pháp của Phật, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ bốn mươi bốn là Giới Không Cúng Dường Kinh Luật: Nếu Phật tử, phải thường nhất tâm thọ trì đọc tụng kinh luật đại thừa, dùng giấy, vải, hàng, lụa, thẻ tre, vỏ cây, cho đến lột da làm giấy, chích máu làm mực, lấy tủy làm nước, chẻ xương làm viết, để biên chép kinh luật, dùng vàng bạc cùng hương hoa vô giá và tất cả châu báu làm hộp, rương, đựng những quyển kinh luật. Nếu không y theo pháp mà cúng dường kinh luật, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ bốn mươi lăm là Giới Không Giáo Hóa Chúng Sinh: Nếu Phật tử, nên có lòng đại bi, khi vào trong tất cả nhà cửa thành ấp, thấy những loài chúng sinh, phải xướng lên rằng: “Các người đều nên thọ tam quy và thập giới.” Nếu gặp trâu bò, chó, ngựa, heo, dê,… nên tâm nghĩ miệng nói: “Các ngươi là súc sinh phát Bồ Đề tâm.” Khi Phật tử đi đến núi, rừng, sông, nội cùng tất cả chỗ, đều làm cho hết thảy chúng sinh phát Bồ Đề tâm. Nếu Phật tử không phát tâm giáo hóa chúng sinh, thời phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ bốn mươi sáu là Giới Thuyết Pháp Không Đúng Pháp: Nếu Phật tử, thường nên có lòng đại bi phát tâm giáo hóa. Lúc vào nhà đàn việt sang giàu, cùng trong tất cả chúng hội, không được đứng thuyết pháp cho hàng bạch-y. Phải ngồi trên tòa cao trước chúng bạch-y. Vị Tỳ Kheo Pháp Sư không được đứng dưới đất thuyết pháp cho tứ chúng. Khi thuyết pháp, vị pháp sư ngồi tòa cao, dùng hương hoa cúng dường, còn tứ chúng, hàng thính giả, thời ngồi dưới. Đối với Pháp sư phải như là hiếu thuận mẹ cha, kính thuận Sư trưởng như Bà La Môn thờ lửa.
Nếu Phật tử thuyết pháp mà không đúng như pháp thời phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ bốn mươi bảy là Giới Chế Hạn Phi Pháp: Nếu Phật tử, đều đã có lòng tin thọ giới của Phật, hoặc Quốc vương, Hoàng tử, các quan, bốn bộ đệ tử tự ỷ thế lực cao quý, phá diệt giới luật Phật pháp, lập ra điều luật chế, hạn chế bốn bộ đệ tử của Phật, không cho xuất gia hành đạo, cũng không cho tạo lập hình tượng Phật và Bồ tát, cùng Tháp và Kinh Luật. Lại đặt ra chức quan đổng lý nhằm hạn chế tứ chúng, và lập sổ bộ ghi số Tăng. Tỳ Kheo Bồ tát đứng dưới đất còn bạch y ngồi tòa cao, làm nhiều việc phi pháp như binh nô thờ chủ. Hàng Bồ tát này chính nên được mọi người cúng dường, mà trở lại bắt làm tay sai của các quan chức, thế là phi pháp phi luật. Nếu quốc vương và các quan có lòng tốt thọ giới của Phật, chớ làm tội phá Tam Bảo ấy. Nếu cố làm thời phạm “Khinh Cấu Tội.”
Thứ bốn mươi tám là Giới Phá Diệt Phật Pháp: Nếu Phật tử do lòng tốt mà xuất gia, lại vì danh tiếng cùng tài lợi, giảng thuyết giới của Phật cho Quốc vương và các quan, làm những sự gông trói các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, người thọ giới Bồ tát như cách của ngục tù và binh nô. Như trùng trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử, chớ chẳng phải trùng ở ngoài đến ăn. Cũng thế, các Phật tử tự hủy phá Phật pháp, không phải ngoại đạo hay Thiên Ma phá được.
Người đã thọ giới của Phật, nên hộ trì giới luật của Phật như ấp yêu con ruột, như kính thờ cha mẹ, không được hủy phá. Người Phật tử khi nghe ngoại đạo, người ác dùng lời xấu hủy báng giới pháp của Phật, thời đau đớn không khác nào cả ba trăm cây giáo nhọn đâm vào tim mình, hay cả nghìn lưỡi dao, cả vạn cây gậy đánh bổ vào thân mình. Thà tự cam vào ở địa ngục đến trăm kiếp, chớ không muốn nghe lời hủy báng giới pháp của Phật do bọn người ác. Huống là không lòng hiếu thuận, tự mình hủy phá giới pháp của Phật, hay làm nhân duyên bảo người khác hủy phá. Nếu cố phá giới pháp, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.”
(Hết)
Tác giả: Thiện Phúc
Nguồn: thuvienhoasen.org
Bình luận (0)