Việt Nam là quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, lãnh thổ nằm trên bán đảo Đông Dương ven bờ biển Đông, thực tế đã là nơi gặp gỡ đường biển của nhiều nền văn minh trên thế giới. Thế nhưng, không như hai quốc gia Lào và Myanmar, cũng có đường biên giới với Trung Quốc, Việt Nam lại có nền văn hóa chịu ảnh hưởng Trung Hoa giống như Nhật Bản và Triều Tiên và nền Phật giáo chủ đạo ở Việt Nam là Phật giáo Đại thừa.
Các bậc tổ sư, đại sư, người chọn tiếp thu tiếp biến tư tưởng Phật giáo Đại thừa ngay từ những năm đầu công nguyên đã là nhân tố giúp nhân dân ta gìn giữ bản sắc Việt và thành tựu trong việc giành lại độc lập tự chủ sau hơn một ngàn năm bị người phương Bắc đô hộ. Phải chăng, chính yếu tố Thiền học trong nền Phật giáo Đại thừa mà người Việt sớm tiếp thu cùng với tinh thần yêu nước sâu sắc đã hun đúc cho nhân dân ta sức mạnh tinh thần không bao giờ chịu khuất phục trước mọi sức mạnh cường bạo của ngoại bang nhằm giữ gìn, bảo vệ nền độc lập cũng là bảo vệ văn hóa dân tộc, tạo điều kiện để Phật giáo phát triển và đồng hành cùng dân tộc. Đây cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hai nghìn năm lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Thiền sư Thanh Ðàm - Minh Chính
Thiền sư Thanh Đàm Minh Chính xuất thế ngày 07 06/1786; viên tịch ngày 24/01/1848) là một Thiền sư, cao tăng Việt Nam đời nhà Nguyễn, thuộc thế hệ thứ 37 tông Tào Động. Ông là đệ tử nối pháp của Thiền sư Khoan Dực Phổ Chiếu tức là thiền sư Đạo Nguyên Thanh Lãng. Thiền sư từng có thời gian đảm nhiệm vị trí Tăng cang (Tăng cương) thời nhà Nguyễn. Lưu truyền hậu thế, ông để lại hai tác phẩm nổi tiếng là Pháp Hoa đề cương và Bát Nhã trực giải.
Thiền sư Thanh Ðàm - Minh Chính trụ trì chùa Bích Ðộng, ngôi chùa cổ trên dãy núi đá vôi Trường Yên thuộc thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Ngài là đệ tử của Thiền sư Ðạo Nguyên Thanh Lãng, lúc bấy giờ đang chủ trì Thiền viện Nguyệt Quang, một tổ đình của môn phái Chân Nguyên. Ngài Thanh Ðàm phát bồ đề tâm xuất gia tu hành năm 1807 với đại sư Đạo Nguyên, thọ giới Tỳ kheo năm 1810. Ngài viết tác phẩm Pháp hoa đề cương vào năm 1820 và sách Tâm kinh trực giải vào năm 1843.
Thời kỳ Chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX, hai tác phẩm Pháp hoa đề cương và Tâm kinh trực giải đã được bộ phận hoằng pháp thuộc Tổ đình Vĩnh Nghiêm tổ chức khắc in từ năm 1920 đến năm 1933 hoàn tất, ván in được lưu trữ tại chùa Bích Động. Năm 1943, bộ phận Ấn hành Kinh điển thuộc Hội Phật giáo Bắc Kỳ lại tái bản tác phẩm Tâm kinh trực giải.
Thời hiện đại, dưới sự khuyến khích và hướng dẫn của Thiền sư Thích Thanh Từ - tông chủ thiền phái Trúc Lâm đương đại, cả hai tác phẩm này đã được Hòa thượng Thích Nhật Quang dịch ra tiếng Việt, bản Pháp hoa đề cương được thực hiện tại Tu viện Chân Không, còn bản Tâm kinh trực giải được dịch tại Thiền viện Thường Chiếu.
Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang so sánh tác phẩm Pháp hoa đề cương của ngài Thanh Đàm đối với người thật tử như chiếc la bàn đối với người thủy thủ đi biển: nếu người thủy thủ đi biển mà có la bàn sẽ không còn sợ phương hướng, lạc bờ bến; với người phật tử, có Pháp hoa đề cương, người đọc kinh Pháp hoa sẽ nắm được ý chỉ của kinh. Tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận nhận định như vậy vì quả thật, kinh Pháp hoa là một trong những bộ kinh đại thừa có rất nhiều ý nghĩa tượng trưng, ẩn dụ, không có sự hướng dẫn thì rất dễ hiểu sai, mà Pháp hoa đề cương lại như kim chỉ nam, la bàn dẫn đường vậy.
Nội dung tác phẩm Pháp hoa đề cương và Tâm kinh trực giải
Tác phẩm Pháp Hoa đề cương
Nghiên cứu kỹ tác phẩm, ta có thể thấy nội dung của Pháp hoa đề cương gồm có năm phần chính, không lạc vào việc giải thích dài dòng về hai mươi tám chương, mà ngay từ đầu đã nêu bật những điểm chủ yếu về đường hướng chung của bộ kinh, là nhằm chỉ bày cho chúng sinh hiểu ra và có thể đi thẳng vào những điều thấy biết của bậc giác ngộ, nhờ vậy, người đọc kinh Pháp hoa được định hướng trong lúc theo dõi ý nghĩa của kinh.
Kế tiếp, thông qua việc giải thích ý nghĩa đề tựa của bộ kinh, Pháp hoa đề cương chỉ ra cho người đọc hiểu rằng kinh này khẳng định tâm chân thật của chúng sinh vốn không ô nhiễm, chẳng khác tâm Phật; tâm Phật và tâm chân thật của chúng sinh không khác. Pháp hoa đề cương cũng cho biết không phải chỉ riêng kinh Pháp hoa mới khẳng định điều này, mà hầu các kinh Đại thừa đều xác định như vậy, chỉ trình bày khác nhau tùy căn cơ chúng sinh.
Phần thứ ba, rất ngắn, chỉ để nói rằng kinh Pháp hoa lưu xuất từ định Vô lượng nghĩa, cho thấy việc chỉ bày cho chúng sinh cách tiếp cận và bước vào sự thấy biết chân thật của bậc giác ngộ là một đại nhân duyên. Phần thứ tư bao gồm mười tám mục trình bày đại ý của hai mươi tám phẩm kinh Pháp hoa, trong đó có những mục tóm chung ý chính của vài phẩm liên tiếp có quan hệ với nhau mà không sa đà vào những hình ảnh được mô tả trong nội dung kinh. Phần thứ năm có lẽ là phần quan trọng nhất, tác giả giải thích rõ hơn ý nghĩa của từng chữ trong đề tựa Diệu pháp Liên hoa kinh.

Theo đó, diệu chỉ cho bản chất của tâm xưa nay vẫn trong sạch, nhưng có những kẻ tăng thượng mạn không chịu tin như vậy. Pháp là hết thảy mọi hiện tượng, cũng là ứng dụng của diệu tâm, pháp là điều kiện của diệu hữu, ở đây, pháp chủ yếu gồm có căn, trần và thức. Cách trình bày của tác giả thể hiện việc pháp có thể được phổ biến qua kỹ thuật tâm truyền tâm, không cần qua trung gian của ngôn ngữ văn tự.
Liên tượng trưng cho sen, một loài thực vật sinh trưởng trong môi trường ô nhiễm nhưng không nhiễm ô, là thí dụ cho diệu pháp. Hoa là nở ra, là sự tỏ lộ cho mọi người cùng biết. Sau cùng, Kinh là lối tắt, là con đường đi vào đạo; kinh là từ tơ se thành từng sợi chỉ, xỏ thành một xâu làm ra nghĩa lý. Tác giả cũng nói rằng văn tự trong kinh là diệu dụng của tâm; văn tự là sự ghi khắc bằng ngôn ngữ, ngôn ngữ là sự máy động của lưỡi mà lưỡi là mầm mống của tâm, tâm chính là cái linh ứng của diệu.
Ngoài ra, Pháp hoa đề cương còn có thêm bốn phần phụ lục mang tính thực hành về đường hướng chung của việc Khai thị ngộ nhập nhất Phật thừa tri kiến đạo trí tuệ (chỉ bày để hiểu rõ và bước vào trí tuệ thuộc con đường thấy biết trên cỗ xe duy nhất của bậc giác ngộ), những bài tụng bằng thơ Đường luật giúp dễ nhớ và những bài thực hành trong việc thiền tập. Ngài giải thích “tắc là khuôn phép để hành giả nương theo đó mà hạ thủ công phu. Thông thường, hình thức của một tắc là một câu hỏi, tức một đề án. Đó là nguồn kích động hành giả, quyết định đi tới. Sức mạnh kích động này, chính là nghi tình, niệm nghi hay đại nghi”.
Tất cả cho thấy thiền sư Thanh Đàm đã tham cứu nghiền ngẫm kinh Pháp hoa bằng tất cả chân tâm một Thiền sư thông đạt uyên bác và ngài đã liên hệ nội dung Pháp hoa với hầu hết những bộ kinh Đại thừa quan trọng. Ở thế kỷ XVIII, trong hoàn cảnh đất nước loạn lạc kéo dài, sách và tài liệu thiếu thốn, tác phẩm Pháp hoa đề cương vừa cho thấy trình độ tu học của các Thiền sư Việt Nam không vì hoàn cảnh mà chậm lụt, vừa thể hiện khát vọng xây dựng nền văn hóa mang tính dân tộc của Phật giáo Việt Nam trên tinh thần hết mực khiêm tốn của người con Phật.
Khi nghiên cứu, phân tích nội dung tư tưởng tác phẩm Pháp hoa đề cương, có nhà nghiên cứu nghĩ rằng “Nhận thức về tâm của thiền sư Thanh Đàm - Minh Chính có mâu thuẫn. Một mặt, với quan điểm Phật tại tâm, tính Phật ai cũng có, ông đã nâng con người lên, đã thừa nhận giá trị độc lập của mỗi người, không phân biệt thánh hay phàm, hiền hay ngu. Điều đó có ý nghĩa chống thuyết mệnh trời của nhà Nho, một thuyết chỉ cho kẻ thống trị, người siêu phàm là đáng quý. Nhưng mặt khác, với chủ trương giải thoát trong tinh thần, giải thoát bằng sự không quan tâm đến đời sống hiện thực, đến những giá trị tinh thần đã hình thành trong đời sống xã hội thì lại sa vào chủ nghĩa hư vô, coi cuộc sống con người chẳng có nghĩa lý gì. Vì vậy, muốn giải thoát mà không tài nào giải thoát được, muốn nâng con người lên nhưng thực tế lại hạ con người xuống”.
Nhận định này chưa ổn lắm, có mấy vấn đề cần xét lại. Thứ nhất, việc thiền sư Thanh Đàm - Minh Chính nhắc lại quan điểm Phật tại tâm mà ngài thừa kế từ chư tổ, tuy có thừa nhận giá trị độc lập của mọi người không phân biệt thánh phàm hiền ngu, thực ra không nâng con người lên mà chỉ trả lại giá trị thực cho họ. Quan niệm này không nhằm chống lại thuyết thiên mệnh của nhà Nho, mà nhằm đối luận quan điểm tất định luận nói chung.
Thêm nữa, quan điểm giải thoát của Phật giáo mà Thiền sư Thanh Đàm thể hiện không chỉ chủ trương giải thoát trong tinh thần, không chủ trương giải thoát mà không quan tâm đến đời sống hiện thực, không xem nhẹ cuộc sống con người, lại càng không xem nhẹ những giá trị tinh thần đã hình thành trong đời sống xã hội. Thực tế, sự giải thoát mà Phật giáo chủ trương không phủ nhận bất kỳ giá trị tinh thần nào của xã hội loài người mà chỉ khuyến cáo mọi người đừng bị trói buộc vào những giá trị vật chất của đời sống ấy, hơn thế nữa, sự giải thoát của Phật giáo vẫn kêu gọi mọi người hoàn thiện cuộc sống hiện tại trên tinh thần không bám víu vào đó, không lấy đó làm cứu cánh.
Khi nhìn nhận con người có khả năng thành Phật tại đây và ngay bây giờ, Phật giáo không hề phủ nhận xã hội, chỉ kêu gọi mọi người góp phần hoàn thiện xã hội mà đừng bám víu vào những thành tựu ấy, vì Phật giáo biết rằng mọi thành tựu của hôm nay sẽ bị ngày mai vượt qua. Sự giải thoát của Phật giáo mang tính biện chứng vượt lên trên mọi giá trị vật chất mà không hề phủ nhận vật chất. Con người hoàn toàn có thể giải thoát được trong cuộc sống hiện tại, hoàn toàn ung dung tự tại trong mọi hoàn cảnh bằng cách thực hiện giới định tuệ theo đúng các hướng dẫn chi tiết của Phật giáo.
Tác phẩm Bát nhã trực giải
Trong các tự viện Phật giáo Bắc tông Đại thừa, các thời kinh đều có tụng Bát nhã tâm kinh, các cư sĩ, phật tử tại gia cũng thuộc làu làu nhưng để hiểu đúng và áp dụng thực hành trong đời sống hàng ngày thì chắc hẳn không nhiều. Đây là điều khá đáng tiếc, nói Bát nhã tâm kinh là lời châu ngọc, còn quý hơn châu ngọc cũng không quá.
Bát nhã tâm kinh gồm 260 chữ, là tinh hoa cốt tủy của bộ Đại Bát Nhã Ba la mật đa 600 quyển, 25.000 câu và khoảng 4.500.000 chữ.
Đây chính là trái tim của Phật giáo, là tâm tông của Phật tổ, là cốt tủy của các kinh Đại thừa, là tuệ giác của Bồ tát, là uyên nguyên của vạn loại chúng sinh, gồm đủ ba Thừa, diệu nghĩa hoàn toàn trọn vẹn, là pháp thân Phật chân thật.
Theo tác phẩm Bát nhã tâm kinh trực giải của ngài Thanh Đàm thì Tâm kinh được nói ra là để giúp chúng sinh sống với tâm chân như, vốn có bản chất là không sinh không diệt và như vậy, Tâm kinh trình bày một lộ trình tu tập, pháp môn được Tâm kinh chỉ ra là nương theo chỗ bắt đầu và đường lối của Bồ tát Quán Tự Tại, thực hành sâu vào một môn để thấy rõ năm uẩn đều không, khi đã hiểu rõ uẩn không thì thật tướng chân như hiển hiện.
Tâm kinh trực giải nói rõ đường hướng chính của Tâm kinh là khẳng định vai trò to lớn của tâm, chỉ có tâm là lớn nhất, dung chứa mọi hiện tượng của pháp giới. Hiểu được như vậy và thực hành theo lộ trình được Tâm kinh vạch ra thì hành giả có thể trực ngộ chân tâm.
Trong Tâm kinh trực giải, ngài Thanh Đàm không chỉ giới thuyết về tâm như ở Pháp hoa đề cương mà tập trung vào lộ trình tu tập cụ thể. Bản văn của Tâm kinh trực giải có hai phần chính. Phần đầu ngài Thanh Đàm giải thích cụ thể về ý nghĩa của Tâm kinh; phần thứ hai là các bài kệ tụng nêu rõ những điều chủ yếu của mười khuôn phép tu tập theo Tâm kinh, giải thích bài kệ Bát nhã của cổ đức, nêu lên hai câu kệ “Lục căn thất đại” của Phật hoàng Trần Nhân Tông rồi căn cứ vào đó trình bày mười ba bài kệ có liên quan.
Để giải thích ý nghĩa Tâm kinh trong tác phẩm của mình, ngài Thanh Đàm ngắt 262 chữ của Tâm kinh làm 19 đoạn để trình bày chi tiết các nội dung hàm chứa, cho biết Tâm kinh lấy chỗ bắt đầu cùng với phương pháp và kết quả tu hành của Bồ tát Quán Tự Tại làm cơ sở cho việc nhận thức được năm uẩn, sáu căn, sáu trần, sáu thức và mười tám giới đều từ tâm lưu xuất, do đó đều không có tướng trạng chân thật; do không có tướng trạng chân thật, vạn pháp đều không sinh diệt, không nhiễm tịnh, không tăng giảm, do vậy cũng không có vô minh hay sự chấm dứt vô minh.
Ngay cả sinh lão bệnh tử hay việc chấm dứt sinh lão bệnh tử cũng là không, cũng như không có trí tuệ và việc đạt được trí tuệ, nghĩa là thấy Phật và chúng sinh bình đẳng, trên không thấy quả Phật để tìm cầu, dưới không thấy có chúng sinh để cứu giúp. Chính vì chỗ không đạt được này mà chư Bồ tát đều nương vào phương pháp của Bát nhã Ba la mật đa khiến tâm không bị ngăn ngại, từ đó không sợ hãi, xa lìa mọi mộng tưởng điên đảo, thực sự đạt được kết quả Niết bàn.
Tâm kinh khẳng định, chính chư Phật trong ba đời đều nương theo phương pháp của Bát nhã Ba la mật đa để đạt Chính đẳng chính giác. Nên phải biết rằng, “Bát nhã Ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ được tất cả khổ, chân thật chẳng dối” . Ngài Thanh Đàm viết: “đây là lời tán dương Tâm kinh hết sức tha thiết, để hiển thị phó chúc lưu thông”.
Vì Tâm kinh lấy ngài Xá Lợi Phất ra làm nhân vật đương cơ, Tâm kinh trực giải dẫn kinh Lăng nghiêm nói Tôn giả Xá Lợi Phất chứng A La Hán nhờ nhãn căn viên thông, để cho rằng Tâm kinh lấy nhãn căn làm nền tảng tu tập.
Ở phần thứ hai, Tâm kinh trực giải nêu lên những điểm chính yếu của mười khuôn phép thực hành theo đường hướng của Tâm kinh, trình bày bằng mười bài kệ tụng theo mười chủ đề sau:
1) Thể hiện việc chỉ bày để hiểu ra và có thể đi thẳng vào chân lý mầu nhiệm không thể nghĩ bàn;
2) Giới thiệu việc Bồ tát Quán Tự Tại thực hành rốt ráo về phương pháp Bát nhã Ba la mật đa;
3) Khi Bồ tát Quán Tự Tại thấy rõ tướng trạng của năm uẩn đều là không, ngài liền vượt qua mọi hoạn nạn và tai ách;
4) Trực diện khai thị cho ngài Xá Lợi Phất;
5) Chỉ rõ thật tướng của các pháp;
6) Quét sạch tư tưởng chấp ngã và chấp pháp;
7) Hiểu rõ việc không có chỗ để mà đạt được;
8) Chứng nhập cảnh giới tịch diệt;
9) Tu chứng, giá trị của Bát nhã tâm kinh;
10) Đầy đủ hạnh nguyện.
Ngài Thanh Đàm còn viết bổ sung bằng hai mươi bài kệ hậu bạt khẳng định giá trị pháp môn Bát nhã Ba la mật đa bằng cách nêu lên các yếu tố tín, giải, hạnh, chứng. Nương vào lòng tin (tín) mà được thông suốt (giải); đã thông suốt rồi thì thực hành (hạnh) và sau khi thực hành thì đạt được kết quả mong muốn (chứng).
Thay lời kết
Hai tác phẩm của ngài Thanh Đàm thể hiện sự nhất quán trong lộ trình tu tập mà ngài chỉ dạy, hướng dẫn. Ngài đã dành ra hơn hai mươi năm sau khi soạn thảo xong Pháp hoa đề cương mới công bố Bát nhã tâm kinh trực giải, chứng tỏ ngài đã dụng công rất nhiều để viết nên tác phẩm sau. Việc ngài soạn bài kệ Lục căn thất đại dựa trên hai câu kệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông cho thấy ngài lưu tâm đến lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam.
Nghiên cứu toàn diện về cuộc đời, hành trạng đạo nghiệp và tư tưởng Phật học của thiền sư Thanh Đàm - Minh Chính, ít nhiều góp phần làm rõ hơn lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam nói chung, tư tưởng Phật giáo thời Nguyễn nói riêng
Không thể phủ nhận rằng, hai tác phẩm Pháp hoa đề cương và Tâm kinh trực giải là những viên ngọc quý, là điểm sáng trong lịch sử chú giải, sơ giải kinh điển của Phật giáo Việt Nam, bởi xưa nay số lượng các tác phẩm chú giải luận giải về kinh điển trong lịch sử Phật giáo Việt Nam khá hiếm hoi và quý giá, cần được quan tâm nghiên cứu và lưu truyền.
Tác giả: Thích nữ Diệu Thông - Thượng tọa Tiến sĩ Thích Hạnh Tuệ
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử ký toàn thư của Tư Mã Thiên
2. Lịch sử Phật giáo Việt Nam, 3 tập của Lê Mạnh Thát
3. Tư ưởng Phật giáo Việt Nam, nhóm tác giả Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế
4. Lịch sử Phật giáo Việt Nam, của nhóm tác giả Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế, Đinh Văn Viễn
5. Bát nhã tâm kinh thực giải, Thích Hạnh Tuệ - Thích Thanh Quế
6. Triết học văn hóa giá trị và con người của Nguyễn Huy Hoàng
Bình luận (0)