1. Bối cảnh lịch sử ra đời kinh Pháp Hoa

1.1. Bối cảnh lịch sử

Những diễn biến về mặt Tôn giáo

Sau Phật Niết-bàn khoảng một trăm năm, Phật giáo bắt đầu phân chia thành hai khuynh hướng, khuynh hướng bảo thủ gọi là Thượng tọa bộ và khuynh hướng tiến bộ gọi là Đại chúng bộ, đây gọi là sự phân chia căn bản. Nếu ở thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, đức Phật luôn xem trọng về bốn chúng đệ tử của Ngài thì Phật giáo Bộ phái lại chú trọng về xuất gia và đặt trọng tâm vào vấn đề chuyên môn hóa, tạo nên những cá thể riêng, những tổ chức riêng, tư tưởng riêng đưa đến sự tương đồng và dị biệt giữa tông gốc và các tông phái khác.

Thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, đức Phật xác định tứ chúng của Ngài có tầm quan trọng trong việc duy trì và phát triển đạo Phật nên Ngài khuyến khích đệ tử của mình: “Này các Tỳ-kheo, hãy ra đi vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích an lạc hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”[1]. Đức Phật xác định rõ vị thế của hàng đệ tử Phật giữa lòng xã hội: “Chúng đệ tử của Thế Tôn đã đi vào thiện đạo, chính đạo, nghĩa là bốn đôi tám vị, chúng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cúng dường, cung kính chấp tay chào, là phước điền vô thượng của thế gian”[2].

Không phải vô lý khi đức Phật nói đến tứ chúng mà thực tế khi tứ chúng vận hành một cách hòa hợp thì đạo Phật phát triển một cách mạnh mẽ. Những Phật sự nào không có sự hỗ trợ của quần chúng thì khó để thành tựu.

Vì vậy khi Phật giáo Bộ phái chỉ chuyên tâm vào nghiên cứu, tranh luận, xem trọng xuất gia tức là đã bỏ mất lực lượng quần chúng phía sau mình. Đây chính là cơ hội để Bà-la-môn giáo mở rộng ngay một chiến dịch để thâu phục quần chúng Phật giáo. Bởi trước khi đức Phật ra đời thì kinh Vệ đà chỉ dành cho thượng cấp, giáo sĩ, tôn giáo đó chỉ dành cho những đặc quyền. “Đại cương về nội dung tứ vệ đà”: 1/ Lê Cu Vệ Đà: Được dùng trong việc tế tự, chỉ chừng 1/10 là có liên quan đến thế tục. 2/ Sa Ma Vệ Đà: Được các Tăng lữ Bà la môn xướng lên trong lễ tửu tế,… [3]. “Tư tế có quyền lợi của Tư tế, từ đó đưa đến chủ trương tế tự phải thế tập, hoặc người cùng giai cấp mới được kế thừa. Nhân đó, giai cấp tế tự cậy vào quyền uy của thần thánh mà đề ra bốn giai cấp.” Khi Phật giáo xuất hiện và hoằng pháp một cách bình đẳng đã tạo nên một thế lực lớn “Ở thời kỳ này Phật giáo chính thức dùng khí vận mới để phát triển và áp đảo Bà la môn giáo và giáo đoàn của họ”[4]. Từ đó Bà la môn giáo mất đi vị trí của mình trên diễn đàn tôn giáo. Nhưng đến khi Phật giáo đi vào vấn đề chia rẽ, tranh luận hơn thua, bỏ quên lớp quần chúng, từ đó những chuyển động của thời đại, những nhu cầu của xã hội, của quần chúng, Phật giáo không nắm bắt được, không đáp ứng được, nên tín đồ xa dần họ. Nếu trước đây Asoka là vị vua phật tử đã ủng hộ Phật giáo thì đến giai đoạn này Phật giáo đã mất đi sự ủng hộ của chính quyền. Ngay lập tức Bà-la-môn giáo đã làm một chiến dịch gọi là xiển dương đạo Hindu. Bây giờ thay vì Tôn giáo đặc thù thì lại là Tôn giáo của quần chúng “Bằng cách bình dân hóa những bất hợp lý trong Bhagavad Gita, đồng thời điều hòa lại các mâu thuẩn đã có từ trước và làm cho lực lượng Tăng lữ Bà la môn giáo tươi tắn hơn và hướng về tân lộ - con đường mới”[5].

Những diễn biến về mặt chính trị

Về mặt chính trị, đây là thời kỳ mai một của Vương triều Khổng Tước. Sau khi vua A Dục qua đời, năm 187 (trước Tây lịch), Pusyamitra lên nắm chính quyền, Vương triều Khổng Tước đi đến diệt vong. Sau khi lên ngôi Pusyamitra đã sáng lập ra triều đai Sunga, phục hồi ngay các nghi thức thế tự truyền thống bằng cách giết sinh vật của Bà la môn giáo, thực hiên những hoạt động phá hoại Phật giáo[6].

Trên đây được xem là những nguyên nhân nội tại cũng như ngoại tại khiến Phật giáo mất đi một lực lượng quần chúng Phật tử đông đảo, vì thế buộc lòng Phật giáo phải phát triển theo một phương thức mới để thích ứng cho những hoạt động của mình. Do đó, để lấy lại vị trí của mình trên diễn đàn Phật giáo, buộc lòng Phật giáo phải phát triển ngay trong tự thân nội bộ của mình, khi nói tự thân Phật giáo phát triển tức buộc phải thêm vào đó những gì có thể đáp ứng được nhu cầu của con người ở xã hội đương thời. Chẳng hạn như những bộ luận, những tác phẩm mang tính triết học sâu xa, mang tính hàn lâm là những đóng góp lớn lao cho ngành Phật học, nhưng lại không phù hợp với thế giới quần chúng, có chăng chỉ là thượng tầng trí thức. Để theo kịp đà phát triển của tư tưởng, các cựu tông phái phải cố gắng vượt bực để kiện toàn và giữ vững vị trí của mình. Và kết quả của sự cố gắng này là chúng ta có văn học Abhidhamma của phái Theravada (Thượng tọa bộ) và phái Sarvastivada (Nhất thế hữu bộ)[7],… Trong khi đó Hindu đang thu phục tín đồ bằng tín ngưỡng, là nhu cầu mà quần chúng đang cần. Vì thế Phật giáo Đại thừa ra đời và có những đặc tính sai khác với Tiểu thừa. Nói một cách tổng quát, Đại thừa được liên hệ tương quan với: 1/ Quan niệm Bồ tát; 2/ Sự thực hành các hạnh Ba la mật; 3/ Sự phát triển Phật tâm; 4/ Mười tầng bậc của sự tu hành chứng quả; 5/ Mục đích Phật quả; 6/ Quan điểm về Ba thân; 7/ Quan điểm về Pháp không và Chân như[8]. Với cương lĩnh là làm phục hưng lại tinh thần căn bản của đức Phật, đó là lấy việc cứu tế chúng sinh làm mục đích của bản hoài – tâm Bồ đề của Bồ tát đạo[9].

1.2. Sự ra đời của Kinh Pháp Hoa

Những nỗ lực của Đại thừa lúc này là hiện thực hóa những tư tưởng của Phật giáo vào trong xã hội một cách đơn giản, gần gũi, dễ hiểu, mỗi bài kinh Đại thừa ra đời đều mang một sứ mệnh như, Bát nhã ra đời đáp ứng được nhu cầu thơ văn tri thức của con người, Kinh A Di Đà đáp ứng nhu cầu của con người nói chung mà đặc biệt là người dân ở các nước vùng Trung Đông với tín ngưỡng thờ mặt trời, mặt trăng, thần lửa,… Cũng vậy, khi hàng ngũ tu sĩ đã có sự không đồng nhất thì sự ra đời của kinh Pháp Hoa chính là để hòa giải, thống lĩnh, điều hòa và hợp nhất các tông phái nên tạo ra nhất thừa. Cũng giống như các con sông ở khắp nơi, sâu cạn có khác nhau, tên gọi khác nhau, rộng hẹp, dài ngắn khác nhau,… nhưng tất cả chúng đều có chung một điểm là đều chảy về biển cả và chỉ có một vị duy nhất là vị mặn. Hoặc thuốc thì có nhiều loại, thuốc đau bụng, đau đầu, đau lung,… giá tiền của mỗi loại cũng khác nhau, nhưng mục đích vẫn là để chữa lành bịnh.

Vì thế Tam thừa (chỉ cho tục đế hay Chính pháp) được xem như là phương tiện để đi đến cái Nhất thừa (chân đế). Do đó, kinh Pháp Hoa đóng vai trò then chốt trong việc thống nhất chính pháp, phẩm Phương Tiện và Như Lai Thọ Lượng cho ta thấy rõ điểm này.

Nói chung, Phật giáo Ấn Độ trong một bối cảnh lịch sử như vậy, sự chia rẽ đã diễn ra ngay trong hàng ngũ Tăng đoàn, đường lối sinh hoạt và tu tập của chư Tăng ngày càng tách biệt với quần chúng và quần chúng cũng không biết theo ai. Trong khi đó, triết lý Bà-la-môn đang có chiều hướng phát triển và tranh chấp ảnh hưởng với Phật giáo, nhu cầu phát triển đổi mới, tạo tác dụng thực tiễn của giáo lý vào đời sống xã hội là một nhu cầu bức xúc. Đại thừa xuất hiện trong bối cảnh ấy, và trong đó có đội ngũ những Phật tử tri thức, đầy tâm huyết, muốn thấy Phật giáo có sự sống sinh động và có tác dụng tích cực như thời đức Phật, nên họ đứng lên khởi xướng phong trào mới là Đại thừa (Mahayana). Những kinh điển Đại thừa lần lượt xuất hiện xiển dương giáo lý Đại thừa, giải thích giáo lý mang tính tích cực và đại chúng hơn. Xuất hiện khá sớm là Bát Nhã, triển khai tư tưởng “không”, chân không; Kinh Hoa Nghiêm chủ trương pháp giới duyên khởi; Đến Duy Ma Cật thì Tiểu thừa bị chỉ trích thậm tệ. Sự đả phá, chỉ trích lẫn nhau đã dẫn đến không chấp nhận nhau làm cho Phật giáo suy yếu. Đại thừa mặc dù đã đưa ra đường lối tu tập sinh động hơn, nhưng bên cạnh đó lại tạo ra sự mâu thuẩn, chống trái nhau. Khi xu hướng phê phán và sự mâu thuẫn, xung đột ngày càng mạnh thì nhu cầu về việc hòa giải là vấn đề cấp thiết.

Vào thời điểm đó, Kinh Pháp Hoa xuất hiện chủ trương hòa giải mọi mâu thuẫn gay gắt của các luồng tư tưởng Đại thừa đối với giáo lý truyền thống, tạo sự thống nhất về tư tưởng và đường lối Phật giáo: Phật giáo không tách rời thế gian, vì con người và phục vụ con người. Mặc khác, Pháp Hoa cũng tổng hợp những tư tưởng cốt tủy của Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Duy Ma, đồng thời mở ra chân trời mới cho mọi con người trong xã hội: Ai ai cũng có Phật tính và ai ai cũng có khả năng thành Phật như lời tuyên bố của đức Phật: “Ta là Phật đã thành và chúng sinh là Phật sẽ thành”. Với đường lối dung hòa, tư tưởng pháp chân không siêu thoát, mặt khác là đã đặt lại giá trị của mọi đường lối tu tập ngang qua những phương tiện quyền xảo, dưới những màu sắc đa dạng của hình ảnh Bồ-tát. Chính ý tưởng này đã làm nền tảng cho tư tưởng Đại thừa và con đường thực hành Bồ-tát hạnh. Và cuối cùng, Kinh Pháp Hoa đã đạt được mục đích của mình là “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Có lẽ cũng vì vậy mà Kinh Pháp Hoa được tôn thờ quý kính, hành trì và phổ biến một cách sâu rộng

2. Giải thích Tựa đề kinh

2.1. Giải thích từ nguyên

Bất kỳ một tác phẩm nào thì tựa đề cũng được xem là rất quan trọng, nó phải mang nội hàm của nội dung tác phẩm đó. Kinh Pháp Hoa cũng vậy, tựa đề kinh cũng hàm chứa những triết lý thâm sâu của kinh.

Kinh Pháp Hoa có tựa đề chữ Phạn là: SADDHARMAPUNDARIKA = SA + DHARMA + PUNDARIKA = DIỆU PHÁP – LIÊN HOA

SA: Chữ này chỉ sự vi diệu, mầu nhiệm, thù thắng, là siêu việt, khó thấy và vượt lên trên cái thường tình.

DHARMA: Chữ pháp này thông thường đựơc hiểu theo năm nghĩa:

1. Chỉ cho sự chứng ngộ của đức Phật

2. Quy luật của vũ trụ

3. Chỉ cho giới luật

4. Chỉ cho những phương pháp

5. Chỉ cho những sự vật hiện tượng

Riêng đối với Kinh Pháp Hoa, chữ pháp (Dharma) này đề cập đến hai loại pháp:

1. Pháp có nghĩa là chỉ cho trạng thái chứng ngộ của đức Phật.

2. Pháp có nghĩa chỉ cho sự vật, hiện tượng như nhà cửa, xe cộ, ruộng vườn… Những trạng thái buồn, vui, ghét, thương, giận hờn…[10]

2.2. Ý nghĩa của hình tượng hoa sen

Điều đặc biệt và cũng là cái hay của Kinh Pháp Hoa là đã dùng hình tượng hoa sen để nói lên đặc trưng của “diệu pháp”. Bởi thông thường khi nói đến pháp thì chắc chắn một điều rằng sẽ rất khó hiểu, huống gì là “diệu pháp”. Thế nhưng, khi nói đến hoa sen và đặc tính của nó thì người ta sẽ dễ hiểu rằng: Hoa sen là loài hoa mọc trong bùn, sống trong bùn nhưng vượt lên khỏi nó để hướng đến mặt trời mà không hề bị bùn làm ô nhiễm, vấy bẩn. Sen thơm, hương lại hữu sắc, dù trong hoàn cảnh nào sen cũng hàm chứa trong nó sự tinh tế, thuần khiết và cao đẹp. Như vậy hình tượng hoa sen mọc lên từ bùn nhơ nhưng vẫn không hôi tanh mùi bùn, ngược lại nó còn tỏa hương, mùi hương tinh khiết, ngào ngạt không thể lẫn lộn vào đâu. Điều này nói đến hai thực tại đang hiện hữu trên thế gian này là “chân đế” và “tục đế”.

Chân đế: Theo Long Thọ, có hai loại chân lý – Chân đế và Tục đế, chân đế siêu việt cả ý và lời, hữu và phi hữu đều không thể áp dụng được. Hiểu hai chân lý là một điều rất quan trọng, nếu không, người ta không thể hiểu lời dạy của đức Phật. Tục đế là phương tiện nhằm đạt đến đích thực tại. Long Thọ nói: Không nhờ tục đế thì chân đế không thể được trình bày. Không thể biết chân đế thì không thể chứng Niết-bàn[11]. Tục đế được hiểu là tất cả những gì đang diễn ra trong đời sống thường ngày của chúng ta như: những mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình hoặc họ hàng; những mối quan hệ xả giao giữa bạn bè, đồng nghiệp,… những việc làm phước thiện; sự tu tập, nghiêm trì giới luật, thiền định…

Thế nhưng, nếu chỉ biết đến tục đế thì không thể nào đạt được giải thoát, đạt được Thánh quả. Nên phải biết chân đế hay sự thật tuyệt đối, phải thấy rõ sự thật để đạt chân lý. Sự thật đó là gì? Đó chính là nhìn thấy các pháp như thật, các pháp như thế nào thì thấy như thế đó, tức nhìn thấy tính duyên sinh của nó, mà đã là duyên sinh thì nó phải là vô thường - khổ - vô ngã. Phải thấy rõ ngay cả con người chúng ta cũng như mọi sự vật hiện tượng trên vũ trụ này đều do trùng trùng duyên khởi mà có mặt, như đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ kheo, cái gì có mặt, già chết mới có mặt? Do duyên gì, già chết phát khởi?... Do sinh có mặt, già chết mới có mặt. Do duyên sinh, già chết phát khởi… Cái gì có mặt, sinh mới có mặt? Do duyên gì, sinh phát khởi?... Do hữu có mặt, sinh mới có mặt. Do duyên hữu, sinh phát khởi… Cái gì có mặt, thức mới có mặt? Do duyên gì, thức phát sinh?... Do danh sắc có mặt, thức mới có mặt. Do duyên danh sắc, thức phát khởi…”[12] Nhân duyên là định luật hình thành cũng như tan rã của mọi sự, vật hiện tượng trên cuộc đời. Do đó mà mọi vấn đề về thế giới và con người đều được đức Phật vận dụng tư tưởng duyên khởi để giải quyết nên Ngài đã dạy rằng: “Ai thấy duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Ta”[13].

Như vậy, hình tượng hoa sen chính là cách dẫn dắt chúng ta đi từ tục đế đến chân đế, hay từ phiền não đến Bồ-đề, bởi:

Bùn nhơ ở đây chỉ cho sự thật của cuộc đời này hay tục đế, đó là những nổi khổ niềm đau, âu lo sầu muộn từ sự tranh hơn tranh thua… nói chung là hỷ, nộ, ái, ố.

Hoa sen vẫn luôn tỏa hương từ bùn lầy chỉ chân đế, đó là sự an lạc, hạnh phúc hay còn gọi là thế giới Cực lạc.

Cũng như hoa sen mọc trong bùn lầy, chân đế cũng từ tục đế mà có. Chân và tục dính liền nhau không thể tách rời. Vì thế, Cực lạc không ở đâu xa mà ngay tại thế gian này, gần nhất là ở ngay trong tâm chúng ta. Giữa cõi đời ô trược nhưng chúng ta vẫn luôn sống an lành trong chính pháp, từ bỏ ác pháp, tu tập và sống với thiện pháp thì đó chính là Chân đế, là Cực lạc ngay tại thế gian này. Còn nếu tâm chúng ta đầy dẫy những tham, sân, si, lúc nào cũng phiền não khổ đau bởi thấy cuộc sống luôn là một chuỗi những điều bất toại nguyện thì đó chính là địa ngục, là tục đế.

Vì thế, cái diệu dụng trong hình tượng hoa sen chính là chỉ cho chúng ta một cách dễ hiểu nhất từ tục đế đến chân đế. Mà chân đế chính là pháp. Pháp (Dharma) chính là trạng thái chứng ngộ tuyệt vời của đức Phật được mô tả  ngay phẩm đầu tiên của Kinh Pháp Hoa.

3. Trạng thái chứng ngộ của đức Phật qua Phẩm Tựa

3.1. Giải thích từ nguyên

“Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn, hàng tứ chúng vây quanh cúng dường cung kính ngợi khen tôn trọng, vì các vị Bồ tát mà nói Kinh Đại thừa tên là: “Vô Lượng Nghĩa Giáo Bồ tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm”.

Nói Kinh này xong, đức Phật ngồi xếp bằng nhập vào Chính định “Vô lương nghĩa xứ”, thân và tâm của Phật đều không lay động. Khi đó, trời mưa hoa Mạn-đà-la,… khắp cõi Phật sáu điệu vang động,… Đại chúng vui mừng chấp tay một lòng nhìn Phật. Đức Phật từ nơi tướng lông trắng giữa chặng mày phóng ra luồng hào quang chiếu khắp cả một muôn tám nghìn cõi ở phương Đông, dưới thời chiếu đến địa ngục A-tỳ, trên suốt thấu trời Sắc Cứu Cánh…”[14]. Đại ý phẩm này mô tả đức Phật ngồi thiền vô lượng nghĩa xứ, thân tâm bất động, chỉ hiện tướng lạ: Một luồng hào quang phóng ra giữa hai chặng mày, hướng về phương Đông, soi rõ 18.000 thế giới từ địa ngục A-tỳ lên cõi Phật Hữu Đảnh. Đây chỉ cho trạng thái giác ngộ của đức Phật, vượt ra ngoài diễn tả của ngôn ngữ, đối đãi, phân biệt hơn thua của chúng sinh. Có thể nói, phẩm Tựa là chân đế, siêu thế gian; và hai mươi bảy phẩm còn lại là tục đế, phương tiện của thế gian, dùng ngôn ngữ để diễn tả trạng thái giác ngộ ở phẩm Tựa.  

Vô lượng nghĩa xứ: Tức thiền siêu việt.

Thế Tôn trở thành bậc giác ngộ cũng xuất phát từ bốn mươi chín ngày đêm thiền quán dưới cội bồ đề. Và Tứ niệm xứ, tức Thiền siêu việt là một trong những nội dung quan trọng của thiền quán. Chính đức Phật đã khẳng định: “Này các Tỳ kheo, có người tu tập Tứ niệm xứ chỉ trong một tuần cũng có thể chứng một trong hai quả: Một là chứng Chính trí ngay trong hiện tại; hay nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất hoàn. Này các Tỳ kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho hữu tình chúng sinh vượt sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chính trí, chứng ngộ Niết bàn”[15]. Và thế nào là tu tập Tứ niệm xứ: “Này chư Hiền, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, quán thọ trên các cảm thọ, quán tâm trên tâm và quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, nhiếp phục tham ưu ở đời.”[16].

Có thể nói, Tứ niệm xứ là cột sống nâng đỡ thân thể sự nghiệp xuất gia. Nội dung các pháp môn tu tập, dù đốn hay tiệm đều có mặt của những chất liệu Tứ niệm xứ, niệm thân, thọ, tâm và pháp có công năng làm cho tâm xuôi về sự buông bỏ, xa rời, viễn ly, như những con sông luôn xuôi về biển cả, không thể khác được.

Giữa chặng mày phóng ra luồng hào quang (hay ánh sáng giữa hai chặng mày)

Chữ “giữa” trong câu này ý nói con đường trung đạo. Trung đạo này cũng chính là chân đế, chơn đế này là trạng thái chứng ngộ tuyệt vời của đức Phật. Như vậy, Trung đạo = Chân đế = Tính không = Trạng thái giác ngộ. Khi đề cập đến con đường Trung đạo chúng ta liền nghĩ đến đó là con đường dẫn đến sự giác ngộ. Những ai đã chọn con đường này thì có hai thái cực mà họ cẩn thận và phòng tránh: Thứ nhất, thái cực nuông chiều, ham muốn dục lạc. Thứ hai, khổ hạnh, hành xác một cách quá đáng. Điều này đã được đức Phật dạy:

“Khi những sợi dây đàn quá căng, đàn của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

Thưa không, bạch Thế tôn.

Khi những sợi dây đàn quá chùng, đàn của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

Thưa không, bach Thế Tôn.

Khi những sơi dây đàn không quá căng, cũng không quá chùng, vặn đúng mức trung bình, khi ấy đàn của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

Thưa được, bạch Thế Tôn. Cũng vậy, này Sona, khi tinh cần tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến dao động; khi tinh cần tinh tấn quá thụ động, thời đưa đến biếng nhác. Do vậy, Thầy phải an trú tinh tấn một cách bình đẳng”[17].

Vượt khỏi hai thái cực này và dẫn đến sự Giác ngộ, đó là con đường Trung đạo gồm Bát chính đạo: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định.

Mọi khổ đau hay tất cả những trạng thái hỷ, nộ, ái, ố của con người có thể nói là đều được kể đến từ những phạm trù đối đãi: giàu nghèo, đẹp xấu, cao thấp, hay dở,… Để bước trên con đường Trung đạo, vượt ra ngoài những phạm trù đối đãi, đẹp tốt thì vui thích,  xấu dở thì buồn phiền, điều kiện đầu tiên là phải có chính kiến. Chính kiến này đã được đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, Chính kiến đi hàng đầu. Và thế nào, này các Tỳ kheo, là chính kiến đi hàng đầu? Chính tư duy, này các Tỳ-kheo, do chính kiến được khởi lên. Chính ngữ do Chính tư duy được khởi lên,… Chính định do Chính niệm được khởi lên,…

Này các Tỳ-kheo, Chính kiến đi hàng đầu. Và như thế nào, này các Tỳ-kheo, là chính kiến đi hàng đầu? Tà kiến, này các Tỳ-kheo, do chính kiến làm cho tiêu diệt, và những ác, bất thiện pháp được tà kiến duyên khởi, các pháp ấy bị tiêu diệt trong vị có chính kiến. Và những thiện pháp được chính kiến duyên khởi, các pháp ấy được tu tập và trở thành viên mãn. Tà tư duy, này các Tỳ-kheo, do chính tư duy làm cho tiêu diệt, và những ác, bất thiện pháp được ta tư duy duyên khởi, các pháp ấy bị tiêu diệt trong người có chính tư duy. Và những thiện pháp được chính tư duy duyên khởi, các pháp ấy được phát triển và trở thành viên mãn… Tà định, này các Tỳ-kheo, do chính định làm cho tiêu diệt, và những ác, bất thiện pháp được tà định duyên khởi, các pháp ấy được tiêu diệt trong người có chính định. Và những thiện pháp được chính định duyên khởi, các pháp ấy được tu tập và trở thành viên mãn”[18]. Bát chính đạo là con đường tâm linh hay lộ trình tu tập giúp chúng ta loại trừ những pháp bất thiện để hoàn thiện và giải thoát bản thân khỏi đời sống tham lam, sân hận và si mê. Trong đó chính kiến được xem là điểm xuất phát, là yếu tố đi đầu trong bảy yếu tố còn lại, cũng giống như sự mở đường của tri thức mà đỉnh cao nhất là trí tuệ.

18.000 thế giới

Con số 18 này ý chỉ sự bao la của vũ trụ. Nó cũng chỉ cho sáu căn, sáu trần và sáu thức. Có thể nói, cả thế giới này cũng từ đây mà biến hiện. Điều này đã được đức Phật dạy trong bài kinh Kinh Sáu Sáu: “Do duyên mắt và duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức… Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức… Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức,… Do duyên xúc là thọ, do duyên thọ là ái…”[19].

Tham ái này ý nói đến sắc, thinh, hương, vị, xúc. Đối với sắc đẹp, những lời khen, tân bốc, hương thơm, vị ngọt ngon, thân xúc chạm những thứ mềm mại như lụa là gấm vóc, thời tiết ôn hòa dễ chịu thì sinh tâm yêu thích, muốn giữ lấy, được thì vui mừng hớn hở, không được thì buồn chán, tuyệt vọng… Còn đối với sắc không đẹp, những lời chê bai, hương không thơm, mùi vị không ngọt ngon, thời tiết nóng bức hay giá rét… liền sinh tâm chán ghét, khổ đau…

Tất cả những hình ảnh, âm thanh, vị ngọt ngon, những cảm xúc về thân, tâm,… đều được lưu giữ vào trong ý thức của con người, khi chúng ta nhận thức là ý thức căn cứ vào những thứ được lưu giữ này để làm công việc đánh giá, phê bình,… Chúng ta nhận thức về thế giới này cũng từ đây, từ sự lưu giữ này, thật không có gì khác. Kho lưu giữ này chính là Alaya (chủng tử), từ chủng tử này mà thế giới được tạo ra, vì thế nên nói “nhất thiết duy tâm tạo”.

3.2. Trạng thái chứng ngộ của đức Phật được diễn tả qua Phẩm Tựa

Bằng con đường thiền quán siêu việt (Tứ niệm xứ), đức Phật đã chứng ngộ - trạng thái chứng ngộ tuyệt vời, khó diễn tả và cũng khó để cho người khác hiểu. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà Ngài im lặng, không vội vàng thuyết pháp, bởi chúng sinh nghiệp chướng sâu dày, thật khó lãnh hội được tuệ giác duyên khởi-vô ngã. Và cho đến về sau, không phải với bất cứ ai Ngài cũng giảng cho họ về điều này, trừ những trường hợp đủ duyên lành, có thể lãnh hội được. Sự im lặng của đức Phật rất đặc biệt, bởi không chỉ Ngài im lặng sau khi chứng ngộ mà về sau này nếu có ai đó đưa ra những câu hỏi về những vấn đề như truy tìm bản nguyên thế giới,… đức Phật đã không trả lời, trả lời không dứt khoát hay trả lời bằng sự im lặng. “Những pháp gì được Ta tuyên thuyết, trình bày một cách không dứt khoát. Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên hay vô biên… Những pháp này không thuộc về mục đích giải thoát, không thuộc về pháp, không thuộc căn bản phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, đến ly dục, đến tịch diệt,… Đến giác ngộ, đến Niết bàn”[20].

Điều tuyệt vời trong trạng thái im lặng của đức Phật là muốn chỉ cho cái chân đế, là thực tại tối hậu biểu hiện qua sự im lặng tuyệt đối, không còn các dấy động của phiền não, vọng tưởng, một bản tâm hoàn toàn thanh tịnh. Tâm ý thanh tịnh này đã được Kinh Pháp Hoa trình bày dưới những khái niệm như bình đẳng, chân đế,… Hoặc nói theo Ngài Long Thọ thì là tính không.

Phẩm Tựa mô tả đức Phật ngồi thiền định tức chỉ cho trí tuệ, đó cũng chính là trung đạo, bình đẳng, không tính. Bởi như mô tả trong kinh: Phật phóng hào quang từ giữa lông mày xuyên suốt mười tám ngàn thế giới phương đông, từ địa ngục A-tỳ lên đến các cõi Phật. Điều này có nghĩa: Địa ngục là khổ, các cõi Trời là vui sướng, hạnh phúc. Con người chúng ta vốn dĩ là ích kỷ, chỉ biết cho riêng mình, nếu đó là điều tốt đẹp, là an vui hạnh phúc thì hướng đến, còn không tốt đẹp, khổ đau thì quay lưng. Chúng ta quá thiên vị trong cách hành xử của mình, thấy giàu sang thì dù xa cách mấy cũng nhận bà con. Còn với người nghèo khổ thì dù có cật ruột cũng xem như người dưng! Vì thế, Phẩm Tựa chỉ đức Phật ngồi thiền định mang ý nghĩa vô cùng thâm sâu, điều đó nói rằng, đối với hai thái cực, cảnh giới địa ngục và cõi Trời, đức Phật hoàn toàn không phân biệt đối xử, cõi Phật Ngài cũng nhìn, địa ngục Ngài cũng nhìn. Đối với hai thái cực này, đức Phật nhìn một cách bình đẳng, cái nhìn của một bậc Đại giác, nhìn con người và vạn sự vạn vật dưới cái nhìn duyên sinh, vô ngã hay tính không. Còn chúng ta vì thấy có ta và của ta nên luôn nhìn thiên lệch. Vì thế nên đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ kheo, sắc là khổ…, thọ là khổ…, tưởng là khổ…, các hành là khổ…, thức là khổ,…

Này các Tỳ kheo, sắc là vô ngã…, thọ là vô ngã…, tưởng là vô ngã…, các hành là vô ngã…, thức là vô ngã… Sắc, này các Tỳ kheo, là vô thường; cái gì vô thường là khổ; cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã, cần phải như thật quán với chính trí tuệ: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi”[21]. Đức Phật dạy về bản chất thật của con người như vậy rõ ràng là để chúng ta có một cái nhìn bình đẳng, không còn sự phân biệt đối với các pháp.

Điều đặc biệt cũng mang ý nghĩa thâm sâu ở đây là: Đức Phật từ nơi tướng lông trắng giữa chặng mày phóng ra luồng hào quang chiếu khắp cả một muôn tám nghìn cõi ở phương Đông. Người ta có thể đặt câu hỏi, tại sao đức Phật lại phóng hào quang về phương Đông mà không phải các phương khác như Tây, Nam hay Bắc? Bởi phương Đông là nơi mặt trời mọc, bình minh vừa ló dạng là con người và vạn vật dường như đều thức dậy. Đức Phật phóng luồng hào quang về phương Đông có nghĩa Ngài đã bắt đầu đi hoằng pháp, và đang hướng về chúng sinh, nơi đó chúng sinh đang tỉnh thức, và chỉ có người thức thì mới lắng nghe. Chữ thức này cũng có nghĩa là tỉnh thức, không mê muội, chìm đắm trong dục lạc. Người tỉnh thức này mới lãnh hội được Pháp âm của đức Phật. Pháp mà Thế Tôn chứng ngộ rất sâu xa, ở thế gian chưa từng có. Từ khi thành Phật cho đến nay Ngài dùng vô số phương tiện dìu dắt chúng sinh làm cho xa lìa lòng chấp, chỉ có Phật mới thấu tột tướng chân thật của các pháp, các pháp đó trước sau rốt ráo như thị.

Trạng thái im lặng trong thiền định hay trạng thái chứng ngộ của đức Phật được mô tả trong phẩm tựa là chỉ cho cái chân đế, tức tri kiến Phật. Đức Phật phóng hào quang hay tuyên thuyết được diễn tả trong cả hai mươi bảy phẩm còn lại là chỉ cho phần tục đế. Như vậy, Kinh Pháp Hoa dường như đã mô tả toàn bộ cuộc đời của đức Phật từ khi Ngài chứng ngộ cho đến khi nhập diệt.

Ta có thể thấy rằng, dù chỉ là một phẩm duy nhất đề cập đến chân đế, nhưng Phẩm Tựa vẫn được xem là nòng cốt của toàn bộ kinh. Bởi Phẩm Tựa đề cao trí tuệ ngang qua con đường thiền định của đức Phật. Sự im lặng trong thiền định hay trạng thái chứng ngộ của Ngài chính là đỉnh cao của trí tuệ. Bằng trí tuệ siêu việt này, Đức Phật đã không ngừng dấn bước trên con đường hoằng pháp lợi sinh, làm lợi lạc cho chư Thiên và loài người. Cuộc đời của đức Phật từ khi chứng ngộ cho đến khi nhập diệt được diễn tả qua Kinh Pháp Hoa đã nói lên một điều rằng: Cả ảo tưởng bởi cuộc đời đầy những bụi bặm và Giác ngộ đều bắt nguồn từ tâm trí, và tất cả sự hiện hữu hay hiện tượng phát sinh cũng từ chức năng của tâm trí, từ sự vô minh và lòng tham mà thế gian ảo tưởng này ra đời. Vì thế, chân đế không lìa Tục đế, cũng như trạng thái chứng ngộ của đức Phật cũng từ nơi thế gian này, không phải là cái gì đó lìa tục đế cả.

Tóm lại, Pháp Hoa là bộ kinh Đại thừa mang ý nghĩa thâm sâu, với tinh thần thống lĩnh và hợp nhất Tam thừa thành Nhất thừa. Không thể dùng văn tự mà hiểu được nghĩa kinh, cũng như chuyển tải được thông điệp của kinh được ẩn chứa bên trong những khái niệm, những câu chuyện mang đầy màu sắc thần thoại hay những phương tiện thiện xảo. Đó là cuộc đời của đức Phật từ khi chứng ngộ cho đến khi nhập diệt, là công hạnh của Bồ-tát, là con đường Bồ-tát đạo. Lý tưởng Bồ-tát cũng được ví như là ngọn lửa thiêng, là ánh đuốc soi đường cho bao thế hệ những người con Phật hôm nay và mai sau dấn bước trên con đường phục vụ xã hội, nhân sinh. Như ở phẩm Tùng địa dõng xuất, hình ảnh Bồ tát từ dưới đất vọt lên, trụ giữa hư không,… Ý nghĩa của Bồ-tát ở đây không thể hiểu ở nghĩa đen mà phải vận dụng phương pháp phân tích triết học để thấy được triết lý thâm sâu nằm ở nghĩa bóng, để thấy đất ở đây chỉ công hạnh của Bồ-tát, vọt lên, trụ giữa hư không là tinh thần vô sở chấp,… Tinh thần phá chấp và buông xả của Bồ-tát cũng được mô tả trong phẩm “Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự” qua hình ảnh Ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ tát đốt thân để cúng dường Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức và kinh Pháp Hoa. Nếu hiểu theo văn tự thì ta lại nghĩ: tại sao đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai lại để cho đệ tử mình đốt thân cúng dường Ngài? Trong khi đó Ngài là đấng đại từ, đại bi, như vậy ở đây lại có sự mâu thuẫn? Theo tinh thần kinh Pháp Hoa thì những ẩn ý hàm chứa công hạnh của Bồ-tát nằm sau ngôn từ. Vì thế đốt thân ở đây muốn nói: một hành giả muốn nhập tri kiến Phật, thành Phật thì phải đủ trí tuệ để phá ngũ uẩn, mà muốn phá ngũ uẩn thì trước tiên phải phá cho được sắc uẩn, một khi sắc uẩn được phá thì thọ, tưởng, hành, thức mới không còn. Vì thế Bồ-tát đốt thân ở đây ý nói Bồ-tát thấy được ngũ uẩn là giai không, là giả hợp, không hề có một cái ngã thường hằng bất biến nào trong ngũ uẩn này cả, mà nó là một thực thể giả hợp bởi đất, nước, gió, lửa, vì thế nó là vô ngã. Bồ tát đã phá chấp ngã, chấp pháp nên các ngài tự tại trên con đường độ sinh cũng như hướng về quả vị Vô thượng Bồ đề.

Cuộc đời đức Phật từ khi chứng ngộ cho đến khi nhập diệt dường như hiện rõ ràng xuyên suốt trong hai mươi tám phẩm của kinh. Trạng thái chứng ngộ của đức Phật là chân đế, là đỉnh cao của trí tuệ, là trung đạo, là bình đẳng, là không tính đúng như tinh thần của Đại thừa là làm mà không làm, tu mà không tu. Nếu như Phẩm Tựa mô tả trạng thái chứng ngộ của đức Phật là chân đế thì hai mươi bảy phẩm còn lại là phần tục đế bao gồm những pháp tu, và nổi bật ở đây chính là đề cao tinh thần Bồ-tát đạo ngang qua những câu chuyện về các vị Bồ-tát trong các phẩm như Tùng địa dũng xuất, Quan Âm, Dược Vương,…

Bài học từ Kinh Pháp Hoa được xem như một công thức trọn vẹn để áp dụng vào con đường tu học cũng như hành đạo cho những đệ tử Phật. Nhất là trong bối cảnh mưu sinh đầy cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu không có trí tuệ và đủ nội lực mà bước vào đời thì việc ô nhiễm thói đời hoặc bị lôi cuốn vào vòng xoáy của cuộc đời là điều không thể tránh khỏi huống gì là thực hành hạnh buông xả của Bồ-tát. Chất liệu để tạo nên nội lực chính là thiền định, loại thiền định siêu việt (Tứ niệm xứ), con đường mà đức Phật đã trải qua và chứng ngộ. Vì thế, trong cơn lốc cám dỗ vật chất của đời sống hiện đại, Tứ niệm xứ là một trong những thành lũy kiên cố và vững chải nhất mà người tu cần phải nương tựa. Cuộc đời dẫu có mời gọi nhưng nếu có nội tâm thanh tịnh, an trú Tứ niệm xứ, hướng về viễn ly thì chúng ta vẫn an nhiên, tự tại trên con đường dấn thân phụng sự.

Tác giả: Thích nữ Hạnh Lý

***

Tài liệu tham khảo:

1. Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo.
2. Thích Minh Châu dịch (2017), Kinh Trung Bộ, tập II, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo.
3. Thích Minh Châu dịch (2000), Kinh Tương Ưng tập I, III, V, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo.
4. Thích Minh Châu dịch (1988), Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, III, TPHCM, VNCPHVN.
5. Thích Minh Châu (dịch), Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, TPHCM, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 
6. Thích Trí Tịnh (dịch) (2017), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo. 
7. Thích Thánh Nghiêm, (2008), Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, TPHCM, Nxb. Phương Đông.
8. Thích Hạnh Bình, Phương Anh (dịch), Khái Luận Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, Tp HCM, Nxb Phương Đông.
9. Thích Tâm Đức, Buddhist Solutions (Những Giải Pháp Phật Giáo),Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo.
10. Thích Nữ Trí Hải (dịch) (2000), Đức Phật Đã Dạy Những Gì, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo.
11. Triết lý kinh Pháp hoa - phần 1 - Giảng sư Thượng tọa Thích Tâm Đức – YouTube.
Tham khảo tại: https//m.youtube.com > watch. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2018.

Chú thích:

[1] Kinh Tương Ưng Bộ, tập I, Thích Minh Châu dịch (2000), Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, tr. 129.

[2] Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, Thích Minh Châu dịch (1988), TPHCM, VNCPHVN, tr. 286.

[3] Thích Thánh Nghiêm (2008), Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, TPHCM, Nxb Phương Đông, tr.  25

[4] Thích Thánh Nghiêm (2008), Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, TpHCM, Nxb Phương Đông, tr. 36

[5] Thích Thánh Nghiêm  (2008), Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, TpHCM, Nxb Phương Đông, tr. 36.

[6] Thích Hạnh Bình, Phương Anh (dịch), Khái Luận Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, Tp HCM, Nxb Phương Đông, tr. 69.

[7] Thích Minh Châu (dịch), Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, TPHCM, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Tr 15.

[8] Thích Minh Châu (dịch), Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, TPHCM, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 49, 50.

[9] Thích Thánh Nghiêm, Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, TPHCM, Nxb Phương Đông, Tr 302-303.

[10] Triết lý kinh Pháp hoa - phần 1 - Giảng sư Thượng tọa Thích Tâm Đức - YouTube

Tham khảo tại: https//m.youtube.com > watch. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2018.

[11] Thích Tâm Đức, Buddhist Solutions (Những Giải Pháp Phật Giáo),Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, tr. 131-132

[12] Kinh Trường Bộ, Thích Minh Châu dịch (2013), Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, tr. 246-247.

[13] Kinh Tương Ưng, tập III, Thích Minh Châu dịch (1991), Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, tr. 219.

[14] Thích Trí Tịnh (dịch) (2017), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, tr. 24.

[15] Thích Nữ Trí Hải (dịch) (2000), Đức Phật Đã Dạy Những Gì, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, tr. 229.

[16] Kinh Tương Ưng Bộ, tập V, Thích Minh Châu dịch (2002), Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, tr. 450.

[17] Kinh Tăng Chi Bộ, tập III, Thích minh Châu dịch (1996), TPHCM, VNCPHVN, tr. 155.

[18] Kinh Trung Bộ, tập II, Thích Minh Châu dịch (2017), Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, tr. 405-406.

[19] Kinh Trung Bộ, tập II, Thích Minh Châu dịch (2017), Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, tr. 628-629.

[20] Kinh Trường Bộ, Thích Minh Châu dịch (2013), Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, tr. 175.

[21] Kinh Tương Ưng Bộ, tập III, Thích Minh Châu dịch (2000), Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, tr. 45-46.