Trang chủ Lịch sử - Triết học Tư tưởng tất cả Pháp đều Không trong Tâm Kinh Bát Nhã

Tư tưởng tất cả Pháp đều Không trong Tâm Kinh Bát Nhã

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nữ Nhẫn Hòa
Chùa Tâm Ấn, số 9/1 Đinh Tiên Hoàng – Phường 2- Đà Lạt- Lâm Đồng

Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ trải qua thời gian kết tập và triển khai giáo pháp để có được kho tàng pháp bảo như ngày hôm nay. Điểm mấu chốt trong sự phát triển tư tưởng, sau khi Phật Niết Bàn Tăng già phân phái hình thành nhiều chủ thuyết khác nhau.

Điểm nổi bật các bộ phái, có thể nói từ chủ thuyết phái “Độc Tử bộ” với chủ trương “Ngã pháp hằng hữu” đã tạo bước đột phá táo bạo trong lịch sử phân hóa tư tưởng và các bộ phái. Từ đây khơi nguồn cho những học thuyết phản kháng, trong đó Hữu Bộ với tư tưởng cấp tiến hơn “Tam thế thực hữu pháp thể hằng tồn”, nguyên nhân chủ yếu cho việc loại trừ khái niệm “Hữu” khai sinh tính Không luận. Sau thời kỳ dòng triết học “Đa Nguyên Thực Tại Luận” – phân tích “uẩn, xứ, giới” xác định tất cả pháp đều “Có” phủ nhận ngã thể bất biến, tiếp đến thời kỳ “Nhất nguyên luận” – phủ định về “pháp” đã hình thành nền học thuật Phật giáo Đại thừa với tư tưởng: “Tất cả pháp đều Không” trong hệ kinh Bát nhã.

“Tính Không” một thách thức vĩ đại con người cần vượt qua, hoặc phiêu bồng trong thế gian nghìn năm của hư vô không tận hoặc chỉ có thể buông bỏ mọi thứ ngã chấp. Tính Không là như thế, khi nào con người còn chấp ngã và chấp pháp khi đó còn trong đau khổ không thể thấy được chân như, tự tính. Bên cạnh đó, “Tâm Kinh Bát nhã” trái tim của Đại thừa Phật giáo, hiểu được bản kinh này có thể hiểu được tư tưởng kinh Đại thừa. Tìm hiểu đề tài: “ Sự hình thành tư tưởng tất cả pháp đều Không trong Tâm Kinh Bát nhã” để không rơi vào tư tưởng chấp “Không”.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Bat Nha Tam Kinh 1

1. Vị trí Tâm Kinh Bát-nhã

Văn học Bát-nhã đỉnh cao của tư tưởng triết học Phật giáo, gồm có bộ “Kinh Đại Bát nhã ba la mật đa”, “Bát Thiên Tụng Bát nhã”, “Kinh Kim Cang Bát Nhã”, “Tâm Kinh Bát Nhã Ba la mật đa”, “Trung Quán luận”, “Đại Trí Độ luận”, “Kinh Hoa Nghiêm”, “Pháp Hoa”, “Lăng Già” v.v…Kinh Đại Bát nhã bộ kinh xuất hiện sớm nhất khoảng thế kỷ I, II Tây lịch sau đó Bồ Tát Long Thọ ra đời làm cho Phật giáo Đại thừa phát triển [1].

Tâm kinh Bát nhã ba-la-mật-đa, kinh tâm yếu của tất cả các kinh thuộc hệ Bát-nhã. Kinh này rất nổi tiếng chỉ hơn 200 chữ đã thâu ý toàn bộ nghĩa Bát nhã tức “Tất cả pháp đều Không”[2]. Nội dung quan điểm kinh Bát-nhã nói chung hay Tâm Kinh Bát-nhã nói riêng chủ yếu nói về Bồ tát thực hành sáu ba-la-mật nhờ Bát-nhã thấy được thật tướng các pháp vốn không cho nên vô sở đắc. Bên cạnh đó, hệ Kinh Bát-nhã cũng như Tâm Kinh Bát nhã ẩn chứa triết lý Phật đà và ý nghĩa phản bác chủ trương tư tưởng của Hữu Bộ: “Pháp Thể Thực Hữu”[3]. Quan điểm “Hữu Bộ” cho thế giới tồn tại vĩnh hằng, do đó với chính trí tuệ của các nhà Đại thừa, tư tưởng “Không” xuất hiện: “Theo ‘Kinh Tương Ưng’ thế giới này phần lớn y chỉ hai cực đoan có và không có cần vượt qua hai cực đoan này: “Này Kaccàyana, ai với chính trí tuệ thấy như chơn thế giới đoạn diệt, vị ấy không chấp nhận thế giới là có. Này Kaccàyana, ai với chính trí tuệ thấy như chơn thế giới tập khởi, vị ấy không chấp nhận thế giới là không có”[4]. Nghĩa nhìn nhận thế giới không phải giữa hai cực đoan có hay không có, nó tồn tại theo Duyên sinh vô thường, biến chuyển không ngừng nên tính vốn không. Cái “Không” chỉ sự mô tả khác của nguyên lý Duyên khởi. Đứng trên Duyên khởi các pháp là trung đạo, “Có” và “Không” hai mặt của hai vấn đề khác nhau, không chỉ đơn thuần là khái niệm ngôn ngữ.

Theo Thích Tâm Thiện trong “Lịch Sử Tư Tưởng & Triết Học Tánh Không: “Tánh Không ra đời là sự chuyển y kỳ vĩ nhất trong lịch sử tư tưởng triết học Phật giáo”[5]. Với tiếng nói đầu tiên “Nhất thiết pháp Không” trong hệ kinh Bát nhã nhằm phủ định một cách trọn vẹn thế giới đa nguyên thực tại, khơi nguồn cho “Duyên Khởi Tính Không” của Long Thọ và các kinh Đại thừa về sau. Mọi vật trong phút chốc hóa thành mộng mị, hư ảo, vừa cao siêu nhiệm màu vừa hiển lộ thật tướng các pháp.

Với người viết, Tâm Kinh Bát-nhã bài kinh quan trọng và thâm thúy, chỉ hai chữ “Tính Không” hay “Bát nhã” cũng đủ nói lên toàn bộ giáo lý căn bản Phật giáo: “Duyên khởi và Vô ngã”. Có thể nói, Tâm kinh Bát-nhã nói riêng hay hệ kinh Bát-nhã nói chung là dòng nước thượng nguồn của trí tuệ vô thượng đã khai sinh tính không luận. Kinh Bát nhã đóng góp cho nền học thuật Phật giáo hoàn mỹ và vĩ đại nhất trong lịch sự các tôn giáo, không một tôn giáo nào có nền triết học vượt qua. Kinh Bát-nhã có vị trí quan trọng thứ nhất trong đời sống tu tập và trong nền triết học Phật giáo.

Từ hệ Kinh Bát-nhã khởi nguyên cho hệ thống giáo lý Phật giáo phát triển tới đỉnh cao trí tuệ, học thuyết Như Lai Tạng và Duy thức học ra đời đáp ứng nhu cầu thời đại. Người học Phật ngày nay sống trong “trí tuệ vô lậu” của Phật và các luận sư có thể giải đáp tất cả thắc mắc về thế giới thực tại, thế giới siêu hình qua các Kinh và Luận. Tâm Kinh Bát-nhã như món ăn tinh thần vô giá không thể thiếu trong đời sống tu tập.

2.  Sự hình thành Tư tưởng “Tất Cả Pháp Đều Không” trong Tâm Kinh Bát-nhã

Nói tới Phật giáo Đại thừa sơ kỳ, tư tưởng hệ “Bát Nhã” được xem hệ tư tưởng chủ đạo. Sau thời kỳ bộ phái với tư tưởng: “Tam Thế Thực Hữu, Pháp Thể Hằng Tồn” của “Thuyết Nhất Thuyết Hữu Bộ” lưu danh một thời với không ít tán thán và phê phán. Cũng phải, bởi lẽ khi Phật tại thế chú trọng tuyên dương giáo pháp “Tứ Thánh đế” và thực hành “Bát chính đạo” hơn là khai thác những vấn đề siêu hình và đi vào thế giới của tâm như thời kỳ bộ phái.

Sau khi Phật nhập Niết Bàn, vào kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba sau khi phân chia bộ phái nguyên nhân do “ngũ sự Đại Thiên”[6]: “Văn học Abhidharma có thể xem là một Tâm lý học của Phật giáo vì bốn vấn đề được đem ra giải thích cặn kẽ hoàn toàn thuộc về con người đặc biệt là phần tâm thức”[7]. Bốn pháp đem ra giải thích cặn kẽ “Tâm”, “Tâm sở”, “Sắc’, “Niết bàn”. Để hoàn thiện được hệ thống luận thư đồ sồ, uyên thâm như ngày nay Thượng tọa bộ và Hữu Bộ phải trải qua quá trình lâu dài thế hệ này nối tiếp thế hệ khác với sự đóng góp nhiều công sức trí tuệ các luận sư bộ phái. Theo người viết, bộ phái “Hữu Bộ” với tư tưởng “Tam Thế Thực Hữu, Pháp Thể Hằng Tồn” vào thời điểm cho ra đời tư tưởng trên khi phủ định quan điểm “Độc Tử Bộ” với chủ trương “Ngã pháp hằng hữu” và phê phán chủ trương “Qúa khứ vị lai vô, hiện tại vô vi hữu” từ “Hóa Địa Bộ” một bước ngoặt lớn trong lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ. Bỡi lẽ: “Theo lịch sử tư tưởng của Phật giáo, một trong ba phái vừa đề cập, quan điểm tư tưởng của phái Hữu Bộ chính là nhân tố dẫn đến sự hình thành tư tưởng Phật giáo Đai thừa”[8]. Do đó, tư tưởng cấp tiến nhất Phật giáo bộ phái bấy giờ đó là của “Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ” đã khơi nguồn cho Phật giáo Đại thừa ra đời và hoàn thiện hệ thống giáo lý của tôn giáo (đạo Phật). Học thuyết này đã được chấp nhận và vang bóng một thời, được giử gìn trong văn học A-tỳ-đàm của Hữu Bộ bản dịch Hán ngữ và Sanskrit gồm bảy bộ luận và bản Abhidharmakosa, Sphutartha, Abhidharmakosavakhya, Abhidharmadipa[9].

Trên bình diện triết học, Hữu bộ thừa nhận vô ngã[10]nghĩa “nhân ngã ” hay “Ngã Không” mà Độc Tử bộ gọi “ngã” hay “Bổ- đặc-già-la” nhưng không đồng nghĩa chấp nhận “Bổ-đặc-già-la” là thật có, chỉ là cái giả hợp lấy nguyên tử cực vi làm chổ sở y khi Hữu Bộ đứng trên lập trường: “khi đem các pháp phân chia cho đến cuố i cùng không thể chia chẻ được nữa, còn lại pháp thể tồn tại, pháp thể này là thật hữu”[11]. Nghĩa, Hữu Bộ cho ngủ uẩn- một hiện tượng hòa hợp cái gọi thật có pháp thể, Bổ-đặc-già-la nương “thật hữu” đó tức nương ngủ uẩn nên mang tính “giả hữu” không phải thật hữu: “Do nương tựa sự tương tục chấp thọ mà hình thành tất nhiên nó vốn giả có”[12]. Chấp thọ là khả năng giữ gìn sự tương tục ngủ uẩn, nếu bị gián đoạn sinh mạng tức khắc tan rã. Do đó, Bổ-đặc-già-la giả có, không thật có vì nó là chủ thể của ngủ uẩn hòa hợp, tương tục chấp thọ giả danh thành lập. Mặt khác, Hữu bộ cho pháp thể hình thành năm uẩn thật hữu, từ đó làm chỗ nương tựa cho “bổ-đặc-là-gia” nên thừa nhận vô ngã dựa trên hiện tượng ngủ uẩn. Nếu cho Bổ-đặc-già-la thật có quan điểm hư vọng không phù hợp với quan điểm “vô ngã luận của Phật giáo”. Do đó, quan điểm “vô ngã” được chấp nhận. Tuy nhiên, truyền thống Phật giáo đối với quan niệm chủ thể về ngã của sinh mạng hầu như không đề cập, né tránh dẫn đến phát sinh ngộ nhận vô ngã không cần thiết[13].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tinh Khong 1

Mặt khác, quan điểm “pháp ngã” cho là “pháp hữu” tức “pháp thể thật có” tương đương với đa nguyên thực tại luận: “Tam thế thực hữu pháp thể hằng tồn” của các nhà Hữu Bộ đã gây sự tranh cãi, mâu thuẫn. Hữu Bộ cho rằng “sắc pháp: “Đề cập 10 trong 12 xứ là năm căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân), năm trần (sắc, thanh, hương, vị ,xúc)….Hữu bộ phân loại sắc không biểu lộ là vô biểu sắc thành một hình thức của sắc, tạo thành tổng thể 11 loại sắc”[14]. Hữu bộ chia sắc pháp thành hữu sắc tức 10 xứ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp trong 12 xứ và vô biểu sắc tức những gì không do tứ đại tạo thành là thức uẩn và ý xứ hay tâm, ý và thức đều là thực có, không phải giả có. Sắc pháp thật có chính bản chất của Tứ đại tức bản chất của từng yếu tố đất, nước, lửa, gió khi bị phân chia thành đơn vị nhỏ nhất mắt thường không thể nhìn thấy hay gọi “cực vi sắc” tồn tại “thật có” như những viên gạch cấu tạo nên sự sống[15]. Nếu không có “cực vi sắc” này thì không thể hình thành nên vũ trụ, vạn vật và con người. Hữu Bộ cho rằng tất cả sự vật, hiện tượng và đời sống phải nương theo thời gian, không gian tồn tại, vận hành song bản thể các pháp thật có, không phải giả có, thường tại vĩnh hằng ví như sóng sinh diệt liên hồi nhưng thể tính của sóng tức thể nước là thường tại không mất đi. Có thể nói, Hữu Bộ chỉ mới luận chứng sự tồn tại bản chất “tứ đại” mà chưa giải thích được bản chất “tứ đại sở tạo” tức cái gì do tứ đại tạo thành cái đó do duyên sinh nên giả có tức vô tự tánh hay “Không”.

Quan điểm “Hữu Bộ” theo thời gian và tiến trình tư tưởng chưa phù hợp, thõa mãn, hoàn thiện hay mâu thuẫn dựa trên sự chứng đắc “tuệ vô lậu” của các luận sư bộ phái khác. Theo Ngài Ấn Thuận “Luận thư” hay: “A-tỳ-đạt-ma là sự hiện chứng của vô lậu tuệ”[16] nghĩa đứng trên luận thư các bộ phái mà xét bản chất lý giải các pháp đều dựa trên sự chứng đắc tuệ vô lậu xiển dương giáo nghĩa với mục đích giải thoát khổ đau, đạt Niết bàn. Điều này cũng có ý nghĩa: “đứng trên “bình đẳng môn” Phật tánh ai cũng như ai. Đứng bên “sinh diệt môn” thì vấn đề chủng tánh, căn cơ góp phần quan trọng cho sự “nhất quyết” “nhất thiết liễu” của người tu hành”[17]. Người viết không phê phán tư tưởng của Hữu Bộ mặc dù không phủ nhận “…năng lực trí tuệ, tâm chứng một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc giải minh giáo lý của Phật”[18]. Sự bất đồng phần lớn tùy thuộc mức độ tâm chứng khác nhau. Tuy nhiên, theo TT.Thích Hạnh Bình: “Thuyết Nhất Thuyết Hữu Bộ là phái phát triển mạnh nhất, không những chỉ ở mặt hình thức ngay cả mặt tư tưởng triết học cũng chiếm vị trí quan trọng”[19]. Nếu trả lại bối cảnh lịch sử, tư tưởng “Hữu bộ” tư tưởng cấp tiến có hệ thống giáo lý đầy đủ nhất, khu vực hoằng truyền rộng nhất đáp ứng nhu cầu xã hội và tăng lữ thời bấy giờ khi đã trải qua quá trình chọn lọc, đào thải tư duy.

Trong khi đó các nhà Đại thừa xiển dương Duyên khởi, không đào sâu hý luận đề cao tu tập quay trở về bản tính chân như thanh tịnh không bị chướng ngại bởi tấm thân ngủ uẩn và thế giới vật chất bên ngoài tiến thẳng tới giác ngộ giải thoát bằng trí tuệ bát nhã tức trí tuệ thấy được tánh không, do đó phủ nhận về pháp tức phủ nhận thế giới đa nguyên thực tại luận: “Tam thế thực hữu, pháp thể hằng tồn” mở ra thời kỳ nhất nguyên luận cho rằng: “Tất cả pháp đều Không” dựa trên hiện tượng của “Tứ đại sở tạo”. Để hiểu được tính Không phải căn cứ trên Duyên khởi vì là con đường độc nhất dẫn đến tuệ giác “tính Không” bỡi lẽ: “Duyên Khởi và Tính Không là hai mặt của một thực tại, dầu nó được giải minh trên bất kỳ bình diện nào, công ước hay tuyệt đối, tục đế hay chân đế”[20]. Nghĩa là duyên khởi trên mặt hiển thị “cái này có cái kia có, cái này diệt cái kia diệt” là hiện tượng của tính Không và tính Không trên cái nhìn tuyệt đối bản chất của Duyên khởi. Không nghĩa không phải không có gì, mà sâu xa huyền diệu, thậm thâm, là bên kia bờ giác ngộ là “ba-la-mật’. Vì thế, có thể nói, theo sự phát triển tư tưởng, từ hệ tư tưởng “Có” của Hữu Bộ mà tư tưởng “Tất cả pháp đều Không” trong hệ kinh Bát nhã ra đời mở ra thời kỳ Phật giáo Đại thừa.

Tính Không thật trừu tượng vì thế đã có không ít sự chấp vào Không , họ cho rằng Không là trên hết hoặc chân đế trên hết mà không hiểu biết rằng “Vô” chỉ có thể nhận diện trong “Hữu”. Luận sư xuất sắc Long Thọ đã xiển dương Duyên Khởi để thấy bản chất các pháp là “Không”. Phải giác ngộ để thể nghiệm “tánh Không” vì “Chân lý hay pháp thay vì cần phải trực nhận, cần phải tự mình chứng ngộ cho chính mình”[21]. “Nếu để tâm trống không mà ngồi yên lặng, tức là chấp cái vô ký Không”[22], vì “vô ký Không” giống người tuy sống mà không biết gì. Tánh Không không phải sự im lặng trong hư không vô tận, không phải sự đóng băng trong suy nghĩ là không có gì rỗng không mà là sự tỉnh thức của tuệ giác vượt ra tu duy lý tính nhìn sự vật như vốn nó tự có nghĩa là thế giới trống không mà bao hàm muôn vật, tự tính bao hàm hết thảy muôn pháp. Tính Không nghĩa là trong “chân không” có cái “diệu hữu”. Người tu thiền lấy cửa “Không” đi vào giải thoát.

Kết luận

Nếu không nương tục đế không thể đạt đến chân lý, cũng vậy nếu không nương văn tự Bát-nhã không thể đạt thật tướng Bát nhã vì Bát-nhã là thật tướng, sự cạn sâu của trí tuệ, không thể lấy đó làm tên gọi. Nếu không đạt đến chân lý thì không thể hiểu được phật pháp. Có thể nói, Hữu Bộ muốn hiển bày chân lý, phương tiện giả danh thiết lập “Tam Thế Thực Hữu Pháp Thể Hằng Tồn” để Đại thừa Phật giáo hiển bày tánh Không hay Duyên Khởi.

Thích Nữ Nhẫn Hòa
Chùa Tâm Ấn, số 9/1 Đinh Tiên Hoàng – Phường 2- Đà Lạt- Lâm Đồng

***

Chú thích:
[1] Vu Lăng Ba, Đức Phật Thích Ca Trong Phật Giáo Nguyên Thủy, Nxb.Hồng Đức, 2019, tr.504-505.
[2] Ấn Thuận, Giảng Giải Kinh Bát Nhã, Nxb.Phương Đông, 2014, tr.147.
[3] Sasaki Kyogo, Khái Luận Lịch Sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Hạnh Bình-Phương Anh dịch, Nxb.Phương Đông, 2017, tr.104.
[4] Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng 2, Thiên Nhân Duyên, Viện NCPHVN, 1991, tr.37.
[5] Thích Tâm Thiện, Lịch Sử Tư Tưởng & Triết Học Tánh Không, Nxb. TPHCM, 1999, tr.49.
[6] HT.Thích Thanh Kiểm, Lịch Sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2014, tr.103-104.
[7] Thích Minh Châu, Đức Phật Nhà Đại Giáo Dục, Nxb. Tôn giáo, 2005, tr.31.
[8] Thích Hạnh Bình, Triết Học Có và Không của Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, 2008, tr.142.
[9] Hirakawa Akira, Lịch Sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Nguyên Hiệp dịch, Nxb.Văn Hóa-Văn Nghệ, 2018, tr.218.
[10] Thích Tâm Thiện, Lịch Sử Tư Tưởng & Triết Học Tánh Không, Nxb. TPHCM, 1999, tr.34.
[11] Hoàng Tuấn Oai, Vô Ngã Và Luân Hồi, Thích Hạnh Bình và nhóm Huệ Hải dịch, Nxb.Phương Đông, 2014, tr.174.
[12] Hoàng Tuấn Oai, Vô Ngã Và Luân Hồi, Thích Hạnh Bình và nhóm Huệ Hải dịch, Nxb.Phương Đông, 2014, tr.174.
[13] Hoàng Tuấn Oai, Vô Ngã Và Luân Hồi, Thích Hạnh Bình và nhóm Huệ Hải dịch, Nxb.Phương Đông, 2014,tr.42.
[14] Hirakawa Akira, Lịch Sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Nguyên Hiệp dịch, Nxb.Văn Hóa-Văn Nghệ, 2018, tr.241.
[15] Thích Hạnh Bình, Triết Học Có và Không của Phật giáo Ấn Độ, Nxb.Phương Đông, 2008, tr.123.
[16] Ấn Thuận, Nghiên cứu về các luận sư và các tác phẩm của phái Thuyết Nhất thiết hữu bộ, Thích Hạnh Bình dịch, NXB Hồng Đức, 2020, tr.67.
[17] Huyền Giác, Chứng Đạo Ca Trực Chỉ Đề Cương, Như Huyễn dịch, Nxb.Tôn giáo, 2013, tr.51.
[18] Thích Tâm Thiện, Lịch Sử Tư Tưởng & Triết Học Tánh Không, Nxb. TPHCM, 1999, tr.10.
[19] Thích Hạnh Bình, Triết Học Có và Không của Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, 2008, tr.112.
[20] Thích Tâm Thiện, Lịch Sử Tư Tưởng & Triết Học Tánh Không, Nxb.TPHCM, 1999, tr.86.
[21] Thích Minh Châu, Kinh Phạm Võng, Trường bô kinh
[22] HT.Tuyên Hóa dịch, Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2010, tr.117.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng 2, Viện NCPHVN, 1991.
Thích Minh Châu, Kinh Phạm Võng, Trường bô kinh
Ấn Thuận, Nghiên cứu về các luận sư và các tác phẩm của phái Thuyết Nhất thiết hữu bộ, Thích Hạnh Bình dịch, NXB Hồng Đức, 2020.
Vu Lăng Ba, Đức Phật Thích Ca Trong Phật Giáo Nguyên Thủy, Nxb.Hồng Đức, 2019.
Ấn Thuận, Giảng Giải Kinh Bát Nhã, Nxb.Phương Đông, 2014.
Sasaki Kyogo, Khái Luận Lịch Sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Hạnh Bình-Phương Anh dịch, Nxb.Phương Đông, 2017.
Thích Tâm Thiện, Lịch Sử Tư Tưởng & Triết Học Tánh Không, Nxb. TPHCM, 1999.
Thích Thanh Kiểm, Lịch Sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2014.
Thích Minh Châu, Đức Phật Nhà Đại Giáo Dục, Nxb. Tôn giáo, 2005.
Thích Hạnh Bình, Triết Học Có và Không của Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, 2008.
Hirakawa Akira, Lịch Sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Nguyên Hiệp dịch, Nxb.Văn Hóa-Văn Nghệ, 2018.
Hoàng Tuấn Oai, Vô Ngã Và Luân Hồi, Thích Hạnh Bình và nhóm Huệ Hải dịch, Nxb.Phương Đông, 2014.
Huyền Giác, Chứng Đạo Ca Trực Chỉ Đề Cương, Như Huyễn dịch, Nxb.Tôn giáo, 2013.
Tuyên Hóa dịch, Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2010.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường