Trang chủ Đời sống “Tà dâm” và phương pháp đối trị

“Tà dâm” và phương pháp đối trị

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Vấn nạn tà dâm không thể trong một sớm một chiều có thể giải quyết được, cần có thời gian để giáo dục, cải hóa và trang bị cho con người hành trang đạo đức cơ bản. Chỉ khi nào con người sống trong khuôn khổ, sống theo pháp luật, có đạo đức nhân cách thì khi ấy nạn tà dâm mới suy giảm.

Ni sinh Thích nữ Quảng Hiền
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023

Trong thời đại của nền công nghệ khoa học phát triển vượt bậc, cùng với cách sống thực dụng của con người đã biến đời sống nhân sinh trở nên tha hóa và đáng báo động.

Khi con người vi phạm các quy tắc và chuẩn mực đạo đức nghiêm trọng, điều này dần trở thành một trào lưu xấu đem đến vô số hệ lụy. Điển hình trong những tháng đầu năm gần đây là những vụ đánh ghen do người chồng hay người vợ có mối quan hệ bất chính, ngoài luồng với người khác giới. Đỉnh điểm của các vụ việc đó chính là giết người, cùng nhau tự tử, phá hoại tài sản của những người có liên quan dẫn đến những cái chết hoặc tai vạ đau lòng cho chúng sinh. Đau đớn nhất là con cái vì chữ yêu của người xa lạ mà giết hại cha mẹ, người thân và những câu chuyện bất hiếu, đau lòng khác.

Nguyên nhân xâu xa từ đâu? Do tà dâm. Tà dâm và những hệ lụy sau nó là vấn nạn rất cần quan tâm. Nếu con người sống không tuân thủ quy tắc đạo đức thì phải chịu khổ đau. Dhammapada 336 dạy rằng những ai hằng phục được ái dục, thì sầu bi khổ não rời xa người ấy như giọt nước rơi trên lá sen, không dính lại chút nào.

CHƯƠNG I: TÀ DÂM

1.1. Định nghĩa

Tà dâm là pháp ác, pháp nên tránh xa, pháp không chân thật(1), là pháp đen vì nó đưa đến báo ứng đen, bất tịnh quả, là một trong bốn loại nghiệp, bốn loại ô uế(2), là tà nghiệp. Có nghĩa rằng tà dâm là hành động có tác ý mà chúng sinh đã lặp đi lặp lại nhiều lần, việc hành tà dâm đã có mặt từ rất lâu trong xã hội loài người.

1.2. Giới cố ý tránh xa sự tà dâm

Giới cố ý tránh xa sự tà dâm là giới mà hàng upāsika cần phải có để được gọi là vị có giới đầy đủ, là pháp thứ ba trong bảy pháp để một quốc gia không bị ngoại bang xâm chiếm và phá hại.(3) Xưa nay đã có biết bao vị vua mất nước chỉ vì một nữ nhân. Khi đã rơi vào thác loạn tà dâm thì con người mất đi sự sáng suốt, hao tổn tinh khí, sức lực, tuổi thọ, mất ý chí chiến đấu. Giới cố ý tránh xa sự tà dâm thuộc chính nghiệp, là một trong mười thiện nghiệp đưa chúng sinh đến cảnh giới lành(4), là một trong tám chi đoạn tuyệt tục sự trong thánh pháp luật, tức là y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm, giúp cho chúng cư sĩ đoạn tuyệt dần và đi đến đoạn trừ hẳn tà dâm.(5)

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Ta Dam Va Phuong Phap Doi Tri 1

1.3. Nguồn gốc

Quy định về không tà dâm đã có từ rất sớm thậm chí nó còn được đưa vào hệ thống luật Manu, một bộ luật lớn và có tính cổ xưa bậc nhất tại Ấn Độ. Nhưng giới ra đời nghiêng về việc đề cao vị trí của giai cấp Bà-la-môn hơn là việc thiết lập đạo đức chung cho xã hội. Đức Phật chế giới cố ý tránh xa sự tà dâm cho người cư sĩ là từ câu chuyện pháp cú 309(6). Kể về thanh niên Khemaka thường làm tà dâm với vợ người. Ngài dạy tà dâm là tạo nghiệp ác, sẽ chịu nhiều điều bất hạnh, bị chê trách và chết đọa địa ngục. Người ôm lòng ái dục như kẻ cầm đuốc đi ngược gió sẽ bị bỏng tay. Không tà dâm là bảo vệ hạnh phúc gia đình, tránh oán thù và quả báo xấu.

Các giáo chủ cùng thời với đức Phật có quan điểm khác về vấn đề tà dâm. Như Pūrana Kassapa cho rằng “… tư thông vợ người, nói láo, hành động như vậy không có tội ác gì.”(7) Makkhali Gosāla cho rằng tất cả là do định mệnh , tức là nếu người nữ nào lỡ có bị hãm hiếp, bị bức bách… tất cả đều do định mệnh.(8)

CHƯƠNG II: VẤN NẠN TÀ DÂM TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY

2.1. Hình thức ngụy trang cho việc hành tà dâm

Các hình thức ngụy trang cho việc tà dâm rất tinh vi với nhiều kiểu quan hệ nhằng nhịt, mờ ám như: Sugar daddy (Sugar mommy) và sugar baby, bạn thân khác giới, người yêu cũ, cú đêm (hình thức công khai, ăn bánh trả tiền), anh em nương tựa (từ khóa hót nhất mạng xã hội), anh trai mưa, em gái mưa… địa điểm để hành tà dâm như nhà nghỉ, khách sạn, cafê chòi, karaoke bay, vũ trường lắc, tiệm mát xa, spa, tập thể hình,…

Có các mối quan hệ cha, dượng với con cái, chú cháu, người làng xóm, thầy trò… nhìn bề mặt chúng ta nghĩ đó chỉ là mối quan hệ thân thiết và quan tâm chia sẻ bình thường trong cuộc sống nhưng ẩn trong đó lại là những mối nguy hiểm khó lường. Báo chí liên tiếp đưa các thông tin liên quan đến việc trẻ em bị người lớn (cha ruột, cha dượng, người quen, thầy giáo, cô giáo) lạm dụng tình dục. Đây là loại hình nguy hiểm nhất, được che đậy tinh vi, khó phát hiện và mang đến hậu quả nặng nề.

2.2. Sự nguy hại của việc hành tà dâm

Hành tà dâm phải chịu năm quả báo: “Cầu tài lợi không được toại nguyện, dẫu có được tài lợi, ngày mỗi hao mòn. Đến đâu cũng không được mọi người kính nể. Tiếng xấu đồn khắp thiên hạ. Thân hoại mệnh chung sa vào địa ngục.”(9) Người phạm giới tà dâm rất khó nhập định. Tà dâm đưa đến phạm tội nói dối và nhiều giới khác.

Thân cận kẻ tà dâm sẽ bị nhiễm theo vì tất cả tùy theo chủng loại mà thân cận nhau.

(10) Hành tà dâm là một trong mười loại nghiệp đạo, phải đi vào đọa xứ. Người phạm tà hạnh sẽ bị khinh chê và xa lánh.

“Tà hạnh nhơ đàn bà Xan tham nhớp kẻ thí Ác pháp là vết nhơ Đời này và đời sau.”(11)

2.3. Hệ quả của vấn nạn tà dâm trong xã hội ngày nay

• Đánh ghen

Nhiều cuộc đánh ghen rất mang yếu tố thời đại, như chuyện cha mẹ chồng đến nhà “tiểu tam” yêu cầu cô này phải làm bản cam kết và tránh xa con trai họ. Chuyện người vợ dẫn con đến nhà “tiểu tam” gọi bố về. Và “vừa mắt” hơn nữa là chị vợ nhường chồng cho kẻ kia để giải thoát cho nhau. Hành động nhẹ nhàng nhưng kiên quyết và được khen ngợi.

Trái lại có những cuộc đánh ghen hết sức manh động và bài bản như tìm “tiểu tam” bắt ra giữa đường lớn, lột đồ, đánh đập, cắt trụi tóc tiểu tam rồi quay video tung lên mạng. Hay trường hợp tiểu tam bị hắt axit vô người,… các cuộc đánh ghen xảy ra với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau.

Dù hình thức như thế nào thì người chịu đau khổ nhất vẫn là người bị cắm sừng. Nạn nhân chịu ảnh hưởng và chê bai khinh rẻ của xã hội nhất chính là con cái và bậc làm cha mẹ. Các vụ đánh ghen manh động còn gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, khiến ách tắc giao thông và gây phản cảm xã hội.

• Mất niềm tin

Vợ và chồng đến với nhau là do có niềm tin vững chắc. Gia đình bền lâu hay không là do niềm tin nơi cả hai người dành cho nhau. Một người hành tà dâm không bao giờ dám nói sự thật. Nói dối nhiều lần thành thói quen. Chỉ một lần phát hiện ra sự thật thì nền móng xây dựng gia đình bị lung lay, niềm tin không còn nguyên vẹn.

• Khoảng cách gia đình

Do có bóng hồng, bạch mã bên ngoài nên chuyện chăn gối vợ chồng không còn mặn nồng. Nhất là khi đem so sánh

người kia với bồ nhí thì càng thêm chán ghét và bực bội khi ở chung nhà. Sự bực bối ấy thực ra xuất phát từ việc phải kìm nén tình cảm ham muốn, bị stress, bị lo sợ phát hiện, sợ bị xã hội cười chê hàng xóm dị nghị khinh khi nên luôn gắt gỏng và khó chịu. Từ đó tạo khoảng cách gia đình.

Con cái biết cha mẹ không chuẩn mực, tà hạnh thì càng buồn phiền và tủi hổ với bạn bè, nên càng xa lánh cha mẹ hơn. Nhiều yếu tố khác khiến gia đình không có tiếng nói và sự thấu hiểu chung, không còn sự cảm thông nhau trong mọi việc.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Ta Dam Va Phuong Phap Doi Tri 2

Bạo lực gia đình

Đỉnh cao của những lần bất đồng chính là bạo lực gia đình. Có những người vợ chịu nhịn người chồng đến mức dù người chồng đi ngoại tình nhưng về nhà vợ vẫn phải phục tùng và sợ bị chồng đánh đập. Khi được hỏi nguyên do vì sao không ly hôn thì câu trả lời là vì sợ con cái không có cha mẹ, không nơi nương tựa.

Số liệu khảo sát điều tra xã hội học (tháng 7/2022) cho biết bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91,0%, gây tổn hại về sức khỏe 87,5%, tổn thương tinh thần 89,4%, tan vỡ gia đình 89,7% và làm rối loạn trật tự an toàn xã hội 89%. Nghiên cứu bạo lực gia đình đối với 1.100 phụ nữ tại Việt Nam do Cơ quan UN Women thực hiện cho biết có 64% đã từng chịu bạo lực gia đình, các hành vi bạo lực nghiêm trọng lặp lại nhiều lần. Trong số bị bạo lực, có 76% bị đe doạ nguy hiểm, 79% bị đánh đập, 75% ép quan hệ tình dục, 86% bị xúc phạm.

• Ly hôn

Việc ly hôn thời nay không còn là vấn đề e ngại và xấu hổ trong xã hội, bởi vấn đề ly hôn xảy ra hàng ngày. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng nguyên nhân chính của ly hôn là đối phương ngoại tình. Về mặt pháp luật, ngoại tình là hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ yêu thương, chung thủy của vợ chồng thế nhưng vấn đề ngoại tình vẫn tồn tại.

Hôn nhân đổ vỡ có vô số hệ lụy đi theo, không chỉ là nỗi đau của hai người mà cả những đứa con của họ. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý phát triển của trẻ, chúng thường bị lệch tâm sinh lý, nhút nhát, sợ sệt và có những hành vi bất thường hơn những trẻ cùng trang lứa. Đây là chưa kể những tệ nan xảy ra từ mối quan hệ cha dượng và các bé gái con của mẹ, các em dễ bị lạm dụng tình dục. Vụ án dì ghẻ và cha ruột bạo hành bé gái đến tử vong là ví dụ thức tỉnh rõ ràng.

• Chết người

Khi các mối quan hệ ngoài luồng đi đến việc muốn chiếm hữu, muốn chịu trách nhiệm mà không được đáp ứng thì bi kịch xảy ra. Như vụ án vợ và nhân tình giết chồng ở Đắk-lắk. Gần nhất là vụ giết người tình và phân xác vì không muốn người tình về với chồng tại Ninh Bình. Gây bức xúc cho cộng đồng nhất là vụ án anh rể thông dâm với em họ, cô em họ không chịu được cảnh anh rể không ly hôn đã hại chết chị bằng cách bỏ xyanua vào trà sữa gửi đến bệnh viện nơi người chị làm, cuối cùng cô đồng nghiệp lại chết oan. Cái chết tai bay vạ gió đã để lại cho người sống sự đau khổ. Thông dâm là niềm vui thể xác bất thiện của hai người, nay lại gây ra khổ đau cho người hoàn toàn xa lạ, để lại bao dày vò và cắn rứt lương tâm vì dạy con không nên của bậc sinh thành. Căm phẫn nhất là vụ án con gái giết cha mẹ chỉ vì họ ngăn cản cô không nên qua lại với đối tượng đã có gia đình.

Còn biết bao những vụ án giết người phân xác mà lý do là từ các mối quan hệ bất chính. Những vụ án ấy tạo nên một hồi chuông cảnh tỉnh về tệ nạn tà dâm trong thời đại ngày nay. Con người quá suy đồi đạo đức, mất hết nhân tính, sống thực dụng chỉ muốn được cái của mình mà bất chấp. Giá trị đạo đức của con người quá thấp và cấp thiết phải có một chương trình giáo dục đạo đức cơ bản, dể ai ai cũng hiểu đức thủy chung trở nên hướng thượng và cao đẹp.

CHƯƠNG III: PHƯƠNG PHÁP ĐỐI TRỊ VẤN NẠN TÀ DÂM THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO

3.1. Thấy lợi ích của việc giữ giới và phát nguyện thọ trì

Đức Phật dạy có ba loại con(12): Con tùy sinh (cha mẹ giữ giới không tà dâm, con cái noi theo), con thắng sinh (cha mẹ không thọ giới, con lãnh thọ giới), con hạ sinh (cha mẹ lãnh thọ giới, con không thọ giới). Ba trường hợp trên, con tùy sinh là dễ thấy trong đời sống nhất. Vì con cái chịu ảnh hưởng lớn từ cách sống của cha mẹ, hành hạnh không tà dâm là thân giáo tuyệt vời.

Người hành giới không tà dâm sẽ được thanh tịnh tâm, sáu căn vẹn toàn, đoạn trừ phiền não, không ai xâm phạm vợ chồng con cái, được tiếng tốt(13), an lạc hiện tại, được chính kiến, không lạc lối, sống có ân nghĩa, được năm công đức(14): Cầu như nguyện, tài sản thêm mãi, mọi người kính mến, tiếng tốt đồn khắp, sinh về cõi trời.

Hương giới đức không có một hương nào ở thế gian có thể so sánh được(15). Người cư sĩ có đời sống tâm linh dựa trên nền tảng giới luật thì xã hội sẽ dần vắng bóng các tệ nạn thông dâm, nữ giới không còn lo sợ, người người an nhàn, đời sống nơi nơi an lạc.

3.2. Phương pháp tư thông

“Một pháp này không khả ái, khả ý cho ta, thời pháp này không khả ý, khả ái cho người khác. Và một pháp này không khả ý, khả ái cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác? Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, khuyến khích người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục, nói lời tán thán từ bỏ tà hạnh trong các dục. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.”(16) Những gì mình không muốn người khác làm cho ta thì ta cũng đừng làm cho người.

“Tôi không thích người xâm phạm đến vợ tôi, người khác cũng không thích. Vậy tại sao nay tôi lại xâm phạm đến vợ người? Cho nên phải giữ giới không tà dâm đối với người.”(17) Coi nữ giới như mẹ, vợ, chị, em, con gái, cháu gái thì sẽ không còn tà ý. Khi thấu hiểu nỗi đau của người thân thì không còn tác ý hành dâm với người. Đặc biệt, khi hành tà dâm hãy nghĩ đến con cái mình nếu chúng biết cha mẹ làm tà hạnh, phá vỡ hạnh phúc gia đình người thì nó chịu nổi không? Xấu hổ với con cái, dòng họ là một cách giảm bớt nạn tà dâm.

3.3. Sống thiểu dục tri túc

Đức Phật dạy chúng sinh hành tà dâm như đất đại địa, chúng sinh giữ giới không tà dâm như đất trên móng tay(18). Ta có mặt ở cuộc đời này do dục mà có. Cha mẹ hành dâm mới có chúng ta và chúng ta sinh ra từ ngay cái công cụ để hành dâm ấy. Chúng ta vốn được dục sinh trưởng, nuôi dưỡng và phát triển. Tình dục là nhu cầu tự nhiên, vấn đề là làm sao để chúng ta tiết chế và giảm ham muốn xác thân?

Người hành hạnh không tà dâm phải sống trong tinh thần thiểu dục tri túc. Sở dĩ con người tìm thú vui bên ngoài là do nhàm chán cái cũ, hoặc muốn có nhiều hơn. Nếu con người biết bằng lòng với những gì đã có thì cuộc sống sẽ an nhàn và thảnh thơi. Tiết độ trong ăn uống để không dư thừa năng lượng, dục vọng không sinh khởi. “Đường đi đến tình yêu đi ngang qua bao tử”, ăn ngon thì dục sinh. Quá đặt nặng việc ăn uống và tình dục thì thời gian đâu để học Phật hành thiền? Đời người có một gang tay, ai lo ăn ngủ còn lại nửa gang. Trong nửa gang ấy cũng bận bịu nọ kia, cứ thế tiêu hết kiếp người. Đời này làm người đời sau còn được làm người chăng?

Ăn phải biết lựa chọn và tiết độ, ăn đồ bổ dưỡng thì dục tính tăng trưởng. Khi dục tính hẫy hừng thì bất chấp luân lý đạo đức, chỉ muốn làm sao thỏa mãn cơn thèm khát. Nó là lý do vì sao người nam có thể làm chuyện giao cấu với bé gái mới vài tuổi, thậm chí với chính con gái của mình.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Ta Dam Va Phuong Phap Doi Tri 3

3.4. Phòng hộ các căn môn

Phòng hộ là canh gác, hộ trì, chế ngự những ác bất thiện pháp đi qua các giác quan xâm nhập vào tâm. Phải phòng hộ như “Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì do đó nhãn căn không được chế ngự khiến cho tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, thời Tỳ-kheo chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt.”(19)

Mắt thấy sắc ngay lúc đó ta không chế ngự nó thì sẽ phát sinh sự tham đắm. Theo 12 nhân duyên, có xúc thì có thọ, thọ thì ái sinh, ái có mặt thì chấp thủ cái này của tôi, là tôi… với sự phi như lý tác ý ấy sẽ đưa đến khổ. Nhìn người nữ đi ngang qua mà thấy cô gái này đẹp, body gợi cảm, … thì người này đang quá buông lung với các giác quan của mình. Không nắm giữ tướng là không để ý, lưu giữ hay thâu tóm vào tâm thức mà chỉ dừng ở cái thấy. Như cái thấy thanh tịnh thuần khiết của ngài Nahātisa(20). Tướng riêng sinh ô nhiễm hơn tướng chung, do tướng chi tiết tạo nên nét riêng nổi bật và lực hấp dẫn ở mỗi người.

Như vậy hộ trì sáu căn là làm chủ chúng, chỉ dừng lại ở chỗ tiếp xúc căn và trần mà không để phát sinh tâm phân biệt. Nếu không chế ngự được ở ngay chỗ này thì mọi khổ đau, tham muốn đều xuất phát. Các căn được hộ trì thì nghiệp hiện tại không tạo tác, nghiệp tương lai bị đoạn trừ, nghiệp quá khứ được giảm bớt. Thực hành hộ trì căn môn thì một người dù ở tuổi thanh xuân hẫy hừng dục vọng cũng không còn ham muốn, sống đời sống phạm hạnh.(21)

3.5. Hành thiền định và thiền tuệ

Giới là nền tảng phát sinh Định và Tuệ. Nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ. Con đường đưa đến giải thoát đã được cụ thể hóa ngay trên giới tà hạnh này. Hành giả giữ gìn một giới là giữ gìn tất cả. Giới thanh lọc thân tâm trong sạch giúp cho đạo lộ giải thoát rộng lớn thênh thang.

Hành giả nên thực hành thiền định để tâm không chạy lăng xăng, mơ tưởng các dục lạc, ham muốn trần tục. Hành thiền định để an định tâm, sống chậm, có chính niệm, tỉnh thức trong từng suy nghĩ việc làm để không vi phạm các tội lỗi.

Hành thiền quán để phát triển nội tâm, thấy rõ thật tướng các pháp, đạt tuệ rốt ráo. Được gặp nhau, nên duyên vợ chồng là do nhân gieo từ nhiều kiếp trước. Kiếp này vợ ta bội bạc với ta là do kiếp trước ta từng bội bạc với họ. Quán xét như vậy tâm được buông xả, không dính mắc, dễ tha thứ và cảm thông cho nhau. Duyên hết thì người ra đi, an nhiên chấp nhận, sống có bổn phận, trách nhiệm để không gieo ác nghiệp, kiếp sau có gặp lại sẽ là thiện tri thức của nhau. Sống như vậy mới đúng tinh thần của một người trí.

Cao cả nhất để đoạn trừ được tà dâm đó chính là xuất gia tu học theo giáo pháp Như Lai: “Đoạn trừ tà dâm, từ bỏ tà dâm, trong khi ấy có cả lạc cả khổ.”(22) Chỉ có xuất gia để đạt pháp cao thượng mới thực sự thoát khỏi khổ đau đạt hạnh phúc viên mãn. Khi có niềm tin và có quyết tâm muốn thoát ly khỏi đời sống gia đình đầy những phiền trược, con đường đầy bụi đời, đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không, sống phạm hạnh, thanh tịnh trắng bạch như vỏ ốc.(23) Chỉ có xuất gia hành hạnh không dâm dục, đoạn trừ tham ái mới là con đường giải thoát tối hậu.

Như vậy, vấn nạn tà dâm không thể trong một sớm một chiều có thể giải quyết được, cần có thời gian để giáo dục, cải hóa và trang bị cho con người hành trang đạo đức cơ bản. Chỉ khi nào con người sống trong khuôn khổ, sống theo pháp luật, có đạo đức nhân cách thì khi ấy nạn tà dâm mới suy giảm. Qua đây, người viết muốn gửi thông điệp đến nhân thế đó là hãy thực hành hạnh không tà dâm, hãy hành ngũ giới để xây dựng một đời sống tâm linh vững chắc, một nhân cách đạo đức hoàn thiện. Gia đình có hạnh phúc hay không là do chính bạn, không do “tiểu tam” nào phá hoại. Hãy trang bị và kiện toàn nhân cách cho cả hai vợ chồng trên tinh thần ngũ giới, hiểu giáo lý Phật, hành thiền để hạnh phúc luôn hiện hữu trong gia đình bạn.

Ở Myanma, Thái Lan và một vài nước khác đã đưa năm giới vào giáo dục đạo đức con người. Nhưng hiện trạng tà dâm vẫn còn. Lý do vì sao? Vì nạn tà dâm không thể giải quyết triệt để được. Con người sống trong cõi dục, bị năm dục trưởng dưỡng dụ dẫn. Nếu không phải là người biết tu tập phòng hộ các căn môn, có định lực thì khó có thể vượt qua.

Ni sinh Thích nữ Quảng Hiền
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023

***

CHÚ THÍCH:
(1) ĐTKVN, Thích Đức Thắng (dịch), Tạp A-Hàm, 1052: Kinh Chân Thật, (Nxb. Hồng Đức, 2019), tr4015.
(2) ĐTKVN, Tuệ Sĩ (dịch), Trung A-Hàm, Phẩm 12, 135. Kinh Thiện Sanh, (Nxb. Phương Đông, 2002), tr165.
(3) ĐTKVN, Thích Thanh Từ (dịch), Tăng Nhất A-Hàm, phẩm bảy ngày, (VNCPHVN, 1997), tr678.
(4) Sa-môn Thích Nhật Từ, (soạn dịch), Kinh Phật Cho Người Tại Gia, (Nxb. Hồng Đức, 2017), tr49.
(5) ĐTKVN, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, Kinh Phân Biệt Về Sự Thật, (VNCPHVN, 1992), tr768.
(6) Thiền sư Pháp Minh, (dịch), Chú Giải Kinh Pháp Cú, quyển 4, (Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2013), tr149.
(7) ĐTKVN, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Tập 1, kinh Sa-môn Quả, (VNCPHVN, 1991), tr103.
(8) Kinh Trường Bộ, Tập 1, kinh Sa-môn Quả, sdd, tr105.
(9) ĐTKVN, Tuệ Sĩ (dịch), Kinh Trường A-hàm, Kinh Du Hành, (Nxb. Phương Đông, 2002), tr91.
(10) Tạp A-hàm, 1045. Kinh Tùy Loại, sdd, tr3999.
(11) ĐTKVN, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, (Nxb. Hồng Đức, 2014), tr58.
(12) Tạp A-Hàm, kinh Tam Chủng Tử, sdd, tr3249.
(13) Kinh Phật Cho Người Tại Gia, sdd, tr49.
(14) Kinh Trường A-hàm, Kinh Du Hành, sdd, tr91.
(15) Kinh Pháp Cú, sdd, tr17.
(16) ĐTKVN, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương ưng, tập 2, (VNCPHVN, 1993), tr126. (17)Tạp A-Hàm, Kinh Bề-nữu-đa-la, sdd, tr3996.
(18) Tạp A-Hàm 1, Kinh Trảo Giáp, sdd, tr553-554.
(19) Đại kinh người chăn bò, sđd, tr278.
(20) Thích nữ Trí Hải (dịch), Thanh Tịnh Đạo Luận, Tập 1, (Nxb. Hồng Đức, 1992), tr34.
(21) Tương Ưng IV, Thiên Sáu Xứ, sđd, tr127.
(22) Trung Bộ 2, Tiểu Kinh Sakuludayi, sdd, tr418.
(23) Trung Bộ 2, Tiểu Kinh Sakuludayi, sdd, tr419.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường