Thích Đàm Uyên Học viên Thạc sĩ Phật học khóa 3 - Học viện PGVN tại Hà Nội
Tóm tắt: Người con Phật luôn khắc ghi lời dạy trong kinh Pháp cú của đức Thế Tôn bởi hương người đức hạnh, ngược gió khắp tung bay. Chúng ta cũng biết tôn giáo hay chính trị mà không có đạo đức sẽ dẫn tới phá sản, gia đình thiếu đạo đức dễ đổ vỡ, tan nát. Vậy quan điểm đạo đức của người đức hạnh ấy có gì khác với quan điểm đạo đức thường nhật mà chúng ta hiểu và đạo đức phật giáo có vị trí như thế nào trong mỗi cá nhân, cộng đồng quốc gia?
Để hiểu rõ thêm vấn đề này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu.
1. Dẫn nhập
“Chỉ hương người đức hạnh Bay ngược chiều gió thổi Chỉ có bậc chân nhân Biến mãn mọi phương trời.” (Kinh Tăng Chi Bộ - Chương III - Ba Pháp - VIII. Phẩm Ananda)
Quả thật từ ngàn xưa cho đến nay đạo đức luôn được đề cao. Vì sao lại như vậy? Bởi vì nếu một người có tài năng nhưng thiếu đạo đức thì người ấy sẽ hại vô số người, tạo nên tang thương khắp nơi như thời Tào Tháo vậy, còn có đức mà không có tài thì một số vấn đề cần giải quyết đến trí tuệ sẽ khó khăn.
Để trở thành người hữu ích cho gia đình, xã hội nói chung và người xuất gia mô phạm chúng ta cần nên trau rèn cả tài và đức.
Trong tam tạng Kinh điển Phật giáo cũng phần nào giáo dục con người sửa đổi từ đức tính xấu trở thành đạo đức tốt. Đạo đức Phật giáo nhằm thiết lập một xã hội chân thiện mỹ, từ một xã hội bạo động thành một xã hội hòa bình, từ những tư tưởng tiêu cực, bi quan yếm thế trở về lý tưởng tích cực, lạc quan năng động và tốt đẹp. Đạo đức Phật giáo là một lối sống thực hành mang lại an lạc hạnh phúc cho con người trong cuộc sống hiện tại và giải thoát trong tương lai chứ không phải niềm tin suông. Vậy “Đạo đức Phật giáo có vị trí như thế nào đối với cá nhân và xã hội?”
2. Đạo đức và đạo đức Phật giáo
Trong các ngôn ngữ phương Tây, thuật ngữ “đạo đức” đều có nguồn gốc từ “tập quán” [1]. Điều này không chỉ đơn thuần là vấn đề từ ngữ mà ở đây đã bộc lộ bản chất của đạo đức: Phong tục tập quán là những thói quen sống, sinh hoạt, ứng xử, được hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của cộng đồng nhằm duy trì những nếp sống mà cộng đồng cho là tốt đẹp, qua đó bảo vệ bản sắc và thậm chí cả sự sống còn của cộng đồng.
Đạo đức tiếng Anh gọi là Ethic có nghĩa là Moral principles that control or influence a person’s behavior. A system of moral principles or rules of behavioul[2]. (Những nguyên lý đạo đức chế ngự và ảnh hưởng đến hành vi của con người. Hệ thống những nguyên lý đạo đức hay nguyên tắc đạo đức của hành vi).
Theo từ điển Đào Duy Anh cũng đề cập: “Nguyên lý tự nhiên là đạo, được vào lòng người là đức. Cái pháp lý người ta nên noi theo”[3].
Với từ điển Thiều Chửu định nghĩa rằng: “Đạo Đức là cái đạo để lập thân”[4].
Theo Phật Quang Đại Từ Điển của Hòa Thượng Quảng Độ (dịch), khái niệm về đạo đức được định nghĩa như sau: “Đạo đức là nguyên lý thiện ác, chính tà có liên quan đến hành vi của nhân loại. Đạo đức chữ La tinh là mors, cùng nghĩa với chữ ethos (tập tục), bởi vì tập tục là nền tảng đạo đức và pháp luật, trong đó pháp luật là phép tắc trong hoạt động xã hội, còn đạo đức thì là mẫu mực tất yếu của cá nhân trong phép tắc sinh hoạt xã hội loài người”[5].
Trong từ điển Graw Hill Book định nghĩa: “Đạo đức là môn học đánh giá các hành vi thiện ác của con người biểu hiện qua thân, lời, ý và được thực hiện bởi ý chí, tình cảm.”[6]
Từ điển Từ Nguyên giải thích về Đạo đức như sau: Lễ Khúc Lễ nói: “Đạo đức nhân nghĩa không lễ không thành”, Trịnh Chú Châu Lễ giải thích rằng: “Đạo nhiều tài nghệ, đức có thể vâng làm. Nay nói về đạo đức, nếu nói rộng thì bao trùm cả vạn sự, nếu nói tâm là tài nghệ và thiện hạnh của con người. Không luận rộng hay hẹp đều phải dùng lễ mà thực hành, lễ này là công cụ tạo nên đạo đức cho nên nói không lễ không thành tài nghệ thiện hạnh của con người. Người được coi có đạo đức là nhờ bản thân được khai thông. Bản thân có sự tốt đẹp với đạo lý cho nên gọi là đạo đức”[7].
“Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, qui tắc, chuẩn mực xã hội, nhằm điều chỉnh cách đánh giá và cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi sức mạnh của truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội”[8].
Đạo đức theo quan điểm đạo Phật được hiểu như sau: “Đạo là chính pháp, đức là đắc đạo, là không làm sai lệch nền chính pháp” hay “Các chân tính, các nguyên lý tự nhiên là đạo; vào được lòng người, cảm ứng với người là đức. Đạo đức là nền pháp giáo mà người ta nên theo”[9].
Nói chung, đạo đức thường được hiểu như ước lượng để đánh giá cho việc xác định tư cách đạo đức của con người, những hành động, những lý tưởng, những khuynh hướng, tính khí, những dự định hay các phương thức, cách sống của cuộc sống và các tục lệ. Như trong quan điểm Phật giáo nói chung và đạo đức Phật giáo nói riêng đã lấy luật nhân quả - nghiệp báo để làm định luật chi phối hành vi thiện ác của mỗi cá nhân nên Phật từng dạy con người là chủ nhân của nghiệp và là thừa tự nghiệp. Những gì chúng ta dụng tâm tạo ra thời nghiệp ấy do mình nhận lãnh ở chính cuộc sống hiện tại và vị lai. Cho nên mọi hành vi đạo đức của mỗi người sẽ tác động sinh ra các tạo tác và từ đó hình thành nghiệp thiện - bất thiện và phải nhận quả nghiệp không ai có thể trốn tránh cho nên những gì xảy ra với chúng ta không phải tự nhiên mà có, tất cả đều do nghiệp nhân tạo ra.
Ví như chúng ta hay chặt phá rừng, hủy hoại thiên nhiên thì đến môt ngày nào đó môi trường sinh thái mất cân bằng dẫn đến nhiều biến đổi như hiện tượng nhà kính, thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, cạn kiệt nguồn tài nguyên v.v… Vì vậy, những gì chúng ta tạo ra trong quá khứ thì chúng ta là người sẽ nhận lãnh khi nó đến thời điểm chín mùi chứ không phải do đấng thần thánh siêu nhiên tạo ra. Nếu quá khứ tác động đến hiện tại vậy ngay giây phút này chúng ta hãy sống với chính pháp, sống với đạo đức nhân văn thì tương lai ắt sẽ an lạc, hạnh phúc, viên mãn. Vì vậy, trong từng hành vi, ý nghĩ v.v… mỗi người cần nên tỉnh giác, không nên có ý nghĩ, hành vi bất thiện cũng như không cho nó tồn tại trong tâm thức mình tức là tự làm cho tâm ý mình được trong sạch, chỉ khi ấy mới định tĩnh, sáng suốt nhìn ra chân tướng sư vật.
Mặt khác, đạo đức còn là một nhóm cộng đồng riêng biệt hay nhóm tôn giáo tín ngưỡng nghiên cứu thực nghiệm bằng phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội để khám phá ra những giá trị và nguyên do những giá trị đó tồn tại trong xã hội của con người. Đạo đức học cũng có nghĩa là nghiên cứu mang tính triết học nhằm giải thích một cách tổng quát về ý nghĩa của những thuật ngữ đạo đức cũng như chỉ tiêu đạo đức chuẩn mực.
Trong triết học đương đại có sự phân biệt giữa hai chiều hướng phát triển khác nhau trong triết học đạo đức. Đầu tiên được xem như là một nghiên cứu mang tính chuẩn mực hay đạo đức quy chuẩn nhằm xác định giữa đúng - sai, tốt - xấu và không liên quan đến việc đánh giá đạo đức đối với hành động của con người.
Chiều hướng thứ hai được xem là việc vận dụng mang tính chất phân tích và hợp lý có tên gọi là đạo đức học siêu hình dùng để phân định ngữ nghĩa của từ ngữ đạo đức, mô tả những cấu trúc thuộc về ngôn ngữ đạo đức. Mặc dù nội dung về đạo đức trong giáo lý Phật giáo không có sự phân định rõ ràng nhưng có thể thấy được giáo pháp theo tất cả các phương diện như giáo lý, tư tưởng, giáo pháp Phật giáo chứa đựng rất nhiều điều liên quan đến ý nghĩa về đạo đức.
Tuy là các bản kinh văn Phật giáo không có chứa đựng những luận thuyết riêng biệt chỉ dành riêng cho sự hiến dâng, cho việc nghiên cứu triết học đạo đức một cách có hệ thống để so sánh như các tác phẩm hy lạp cổ đại thể hiện tiêu biểu trong đạo đức luận của Aristotle. Nhưng sự quan tâm đến những vấn đề về đạo đức dường như đã trở thành một nét nổi bật mà nó dàn trải khắp toàn bộ giáo lý của Phật trên tinh thần duyên sinh vô ngã để chứng minh vạn pháp tồn tại bởi duyên sinh. Chúng ta có thể sắp xếp lại thành một hệ thống hoàn thiện được góp nhặt từ những chi tiết nằm rải rác trong nguồn văn bản kinh điển chính thống. Và bản chất của đạo đức Phật giáo là hướng đến phát triển các phẩm chất cao quý của con người như từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha đem lại an lạc, hạnh phúc cho cá nhân và xã hội. Bởi vì, khi nhân phẩm được tôn trọng, quyền lợi con người được bảo đảm, coi trọng và phát huy giá trị chân thực của cộng đồng, quan hệ giữa người với người thấm đẫm nghĩa nhân thì mới đạt đến nhân sinh hạnh phúc mà chúng vẫn vẹn nguyên giá trị từ thời Phật tại thế cho đến ngày nay.
Giáo pháp của Phật không quá chú ý đến những điều phức tạp mang tính lý thuyết suông mà các nhà triết học đương đại chỉ quan tâm về học thuật hay là mang tính khái niệm trừu tượng. Với Phật giáo sự quan tâm đến các khái niệm trừu tượng chỉ là thứ yếu so với điều quan trọng là thành tựu về tu tập thực tiễn.
Theo Kinh Thiện Sinh trong Trường A Hàm, đức Phật dạy rằng: “Sáu nghiệp tổn tài là: đam mê rượu chè; cờ bạc; phóng đãng; say mê kỹ nhạc; kết bạn với người ác; biếng lười”[10]. Như vậy chúng ta biết đức Phật rất chú trọng đến kinh tế gia đình vì nó góp phần ảnh hưởng đến hạnh phúc mỗi cá nhân. Đạo đức Phật giáo là một nếp sống trong sạch và chính thiện. Đạo đức đó kêu gọi tất cả chúng ta hãy trở về với con người thật của mình. Muốn xây dựng một nền kinh tế vững mạnh thì theo đức Phật, trước hết phải chọn nghề nghiệp mưu sinh chính đáng, nếu lòng tham muốn quá độ sẽ dẫn đến hành vi phạm tội.
Như vậy đạo đức Phật giáo hình thành trên cơ sở kế thừa các tư tưởng đạo đức trước đó, được hiểu là lấy xa lìa ngã chấp, ngã dục làm tiêu chí, lấy tư tưởng duyên khởi vô ngã làm chủ đạo. Đạo đức Phật giáo được hiểu một cách khái quát là những giới điều Phật dạy nhằm ngăn chặn những điều ác và phát triển những điều thiện đem đến sự an lành và hạnh phúc cho mọi người, mọi loài. Kinh Thiện Sinh là một trong những bài kinh thể hiện tư tưởng đạo đức của Phật giáo trong nhiều mối quan hệ của cuộc sống. Bên cạnh đó, khi được hỏi cần phải hành trì những pháp gì để đem lại hạnh phúc trong hiện tại, trong Tăng Chi Bộ Kinh đức Phật đã trả lời: “Có bốn pháp, tức là tháo vác, phòng hộ, làm bạn với thiện, sống điều hòa”[11]. Tháo vác là nắm thật vững nghề nghiệp của mình, mọi người phải có một nghề trong tay để sinh sống và thiện xảo trong nghề ấy. Thứ hai là phòng hộ, tức là phải khéo léo phòng hộ tài sản thu hoạch được, do công sức làm ra đúng pháp. Tài sản tạo ra đúng như pháp cần phải được hộ trì, bảo vệ, không cho lửa thiêu đốt, không cho kẻ thừa tự hư hỏng chiếm đoạt. Làm bạn với thiện nghĩa là làm bạn với người có lòng tin để học tập lòng tin, làm bạn với người có giới đức để học tập giới đức, làm bạn với người chăm bố thí để học tập bố thí, làm bạn với người trí để học tập trí tuệ. Sống điều hòa tức là sống có tiền nhập nhiều hơn tiền xuất, sống vừa phải, không quá keo kiệt, không quá phung phí xa hoa, sống một đời sống thăng bằng điều hòa. Khi đã có tài sản trong tay, đức Phật khuyên nên dùng tài sản ấy như thế nào để đem lại hạnh phúc an lạc cho cho mình, cho vợ con mình, cho những người phục vụ mình, cho bạn bè bà con thân hữu mình. Có tài sản không phải chất chứa để làm giàu, không phải nhịn ăn nhịn uống để tích trữ. Đức Phật khuyên nên dùng số tiền thu hoạch đúng pháp để đem lại hạnh phúc cho mình và cho mọi người xung quanh, được như vậy thì xã hội đoạn trừ được nhiều tham nhũng, bất công, lừa đảo....
Nhìn chung, trong cuộc sống chúng ta đang tồn tại trong vô vàn các mối liên hệ luôn đan xen để tồn tại. Vì vậy, nhân cách được thể hiện qua đạo đức sống luôn đóng vai trò quan trọng. Qua đoạn kinh trên, Phật đã dạy những phương cách tối thiểu mà mỗi các nhân muốn hoàn thiện bổn phận trách nhiệm giữa tự thân và cộng đồng xã hội cần phải có. Đây cũng là những quan hệ xã hội mẫu mực và lý tưởng có giá trị vượt thời gian.
Do vậy, không nên cố gắng theo đuổi những vẫn đề mang tính triết học bằng tranh luận với sự nghiêm khắc, cố chấp và sự đam mê tranh luận giống như là đặc tính truyền thống triết học Tây phương. Tuy nhiên, trong truyền thống Phật giáo vẫn có một số luận điểm đặc biệt đáng được lưu tâm vì nó có liên quan đến các vấn đề đạo đức, nó đề cao tinh thần phản tỉnh tự giác con người; đề cao việc rèn luyện trí tuệ và giải thoát con người. Từ đây, chúng góp phần giáo dục, xây dựng và hoàn thiện đạo đức của con người; góp phần củng cố, bù đắp các thiếu hụt trong đời sống tinh thần và xây dựng một xã hội nhân ái, vị tha, hòa bình, là nơi để gửi gắm niềm tin, tinh thần che chở cho bản thân trước những cám dỗ và thử thách của cuộc đời.
Phật giáo có thể được xem như là một hệ thống học thuyết tư tưởng đã có đóng góp quan trọng và bền vững trong lịch sử tư tưởng đạo đức học, những vấn đề có liên quan đến đạo đức từ thời nguyên thủy cho đến truyền thống phát triển sau này thì hệ thống tư tưởng đạo đức đóng vai trò chủ đạo trong Phật giáo. Phật giáo chứa đựng nguồn từ vựng liên quan đến đạo đức vô cùng phong phú, có nền tảng quy chuẩn đạo đức riêng biệt đối với hành vi đạo đức, có những học thuyết to lớn mang ý nghĩa luân lý với nhà luân lý học.
Trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ, Phật giáo hiển nhiên đã đảm nhận vai trò trong công cuộc cải cách đạo đức, phê phán mê tín, nghi lễ, tế lễ thuộc hai truyền thống sa môn và bà la môn vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Những bản kinh văn được lưu giữ dưới dạng tạng kinh được lưu trữ trong hệ thống đại tạng kinh, kinh điển Nam truyền, Bắc truyền đều được xem như nguồn chính để phục hưng lại những học thuyết đạo đức Phật giáo. Những học thuyết của Phật giáo có thể phân biệt giữa những nhà triết gia đương thời gọi là luận điểm mô phỏng và luận điểm mang tính đánh giá. Giáo lý căn bản của hệ thống đạo đức Phật giáo có sự liên kết chặt chẽ của thế giới quan Phật giáo (dưới cái nhìn, quan điểm của Phật giáo) và thuyết chân như. Lối sống mà đạo phật định hướng bắt nguồn từ niềm tin chân chính về bản chất của con người, của vũ trụ và nguồn gốc của vận mệnh nhân sinh. Các niềm tin này được xem như là căn bản, cốt lõi trong giáo lý Phật giáo đặc tính vì rằng đặc tính gọi là thực tế được đề cập ở đây bao gồm cả chân lý được thiết lập thông qua các loại tuệ mà được Phật giáo thừa nhận. Các bản kinh văn Phật giáo cũng bao hàm những lời chỉ dạy thực tiễn và cả lời dạy mang tính đánh giá liên quan sự xác định phẩm chất về các hành vi, ứng xử, thói quen, lối sống của con người và khiến họ quy chuẩn thành hành vi ứng xử kiểu mẫu, tu tập tâm tính và hướng về mục tiêu rõ ràng trong xây dựng đời sống của mình. Những luận điểm hình thành về sau này đã hình thành nên nội dung về đạo đức Phật giáo (học thuyết về đạo đức Phật giáo). Nếu trên bước đường tu hành chúng ta cùng ngồi lại bàn luận những vấn đề còn bị gút mắc để tìm ra chân lý giải thoát thì điều này đáng được hoan ngênh. Còn như tranh luận để tự đề cao, cho những điều mình thấy, biết là đúng. Còn những cái gì của người khác thì không chấp nhận với những tranh luận như thế này dễ dẫn đến xung đột, mất đoàn kết.
Theo như Phật giáo khẳng định rằng, mục đích tối thượng của Phật giáo bao gồm sự chứng đạt mà nó chứng đạt trên cả 3 phương diện cốt yếu và có sự tương quan lẫn nhau giữa ba nguyên lý này.
Thứ nhất, đó chính là thành tựu sự giải thoát theo quan điểm tự độ, sự giải thoát này là sự giải thoát khỏi khổ đau và bất như ý (cứu ai thoát khỏi cái gì...).
Thứ hai, là sự thành tựu một loại tuệ mà chính loại tuệ này có ý nghĩa giá trị đạo đức. Tuệ này được gọi là chính trí, trí tuệ, sự thấy biết vạn pháp đúng như thật, trí biết rõ đoạn tận về các lậu tận. Thứ ba, sự thành tựu giới hạnh viên mãn là sự chuyển hóa về nhân cách làm cho một người nào đó trở thành một bậc A la hán, sự giải thoát khỏi nỗi khổ niềm đau, tuệ giác, viên mãn được thành tựu đồng thời. Đó chính là sự giác ngộ tối thượng bao gồm cả ba phương diện mà Phật giáo miêu tả như là sự chứng đạt Niết bàn mà Phật giáo đề cập đến.
Người nào khai sáng đưa đến mục đích cuối cùng này sẽ trở thành Phật. Những cá nhân đó thành tựu được mục đích cuối cùng như vậy thông qua sự hướng dẫn thực hành theo giáo pháp của Phật đều xứng đáng được ca ngợi. Theo lời dạy của Phật những ai đạt quả vị A la hán sẽ không làm điều bất thiện; các vị ấy có đầy đủ phẩm chất để hướng dẫn cho chúng sinh kém phước đức trên con đường hướng thiện của mình có ý nghĩa quan trọng về mặt đạo đức vì Niết bàn là tượng trưng cho giới hạnh viên mãn. Một số học giả đương thời đã cố gắng (sự nỗ lực của một số ít học giả) giải thích thiên lệch về vai trò của đạo đức trong Phật giáo bởi vì sự hiểu nhầm về nghĩa của thuật ngữ liên quan đạo đức trong Phật giáo. Theo cách giải thích lệch lạc này không có sự phản biện nào trong suốt thời gian dài là quan điểm của S. Tachibana trình bày trong cuốn đạo đức Phật giáo.
Một đặc sắc nữa của đạo đức Phật giáo là ý nghĩa thực tiễn, sống động của những nguyên lý đạo đức Phật giáo, chúng ta phải là những khuôn mẫu ứng xử hàng ngày, hàng giây phút và của cả đời. Mỗi người phải biểu hiện thường xuyên bằng những hành động đạo đức, lời nói đạo đức cho tới ý nghĩ đạo đức, trước hết là của tất cả tăng, ni, phật tử. Nhờ vậy, chúng ta tỏa sáng cho đời để cuộc đời sáng đẹp hơn lên.
Và như thế, đạo Phật có mặt trong đời sống không chỉ diễn bày qua chùa chiền, tượng Phật, kinh sách, các nghi lễ cầu an, mà trước hết là bằng nếp sống đạo đức của tăng, ni, phật tử, bằng những quan hệ ứng xử mẫu mực của mọi người với nhau trong xã hội. Khi mỗi người đã nhận chân ra đặc trưng của đạo đức Phật giáo là gì, thì chắc chắn rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười với bất cứ ai thực hành theo nếp sống này. Đạo đức chắc chắn bắt đầu từ sự chấm dứt các tà hạnh và là năng lực cho sự chấm dứt ấy. Khi tâm mỗi người chúng ta có thể bây giờ chưa ở yên nhưng nhờ thân biết giữ giới luật nên tạm thời bản thân không vi phạm những nguyên tắc đạo đức mà xã hội quy ước và đảm bảo được sự bình an tâm hồn. Chắc chắn có giới mới có đức, con người nếu chấm dứt cái ác thì thiện pháp sẽ tỏa sáng, chắc hẳn nguyên lý này luôn có mặt và bổ trợ cho nhau. Đức Phật luôn khiển trách những con người phạm giới bởi đó chính là tà hạnh không đạo đức, bản thân người ấy đã vi phạm những nguyên tắc tối thiểu cần có của một thành viên dù trong bất cứ môi trường xã hội nào.
Đạo đức Phật giáo chính là một hệ thống xuất thế, giá trị của nó thiên về nội tâm cũng như phản tỉnh hơn là xử lý các quan hệ bề ngoài. Chính vì vậy nên Phật giáo luôn phát huy tối đa tính sự tự chủ cá nhân trong việc thực hành và thực hiện các quy tắc đạo đức. Sự phán xét chính là nghiệp báo nó điều chỉnh đạo đức của cá nhân con người theo quy luật nhân quả tự tại. Phật giáo với những khung chuẩn giá trị đạo đức đúng mức có thể được xem như là một chiếc gương trong sáng về nhân sinh để bản thân mỗi người có thể soi mình vào đó và nhận chân được giá trị đích thực trong chính quãng đời vô cùng ngắn ngủi của mình trong thế giới này. Như thế, dù với chế độ chính trị khác nhau, tinh thần từ bi, đoàn kết, hòa hợp và vô ngã vị tha của Phật giáo vẫn có giá trị đối với xã hội Việt Nam xưa cũng như nay. Mọi người phải luôn nhận thức được rằng phương thức tốt đẹp nhất để bảo vệ hạnh phúc của mình là không gây đau khổ cho người khác, phải ban bố đạo đức của mình đến muôn người muôn loài. Phải biết sống thanh bạch giản dị, khước từ những dục vọng thấp hèn và ước mơ một đời sống an lành hướng thượng. Một đời sống đạo đức như thế chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình, xã hội và cho toàn nhân loại hôm nay.
Thế giới đang vào buổi kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của công nghiệp và qui luật tất yếu của Việt Nam ta cũng phải chuyển mình theo đà ấy, thời đại công nghiệp thời gian ít ỏi hơn, có lẽ các Phật giáo có một hành trình mới, hợp thời cơ hơn để Phật giáo Việt Nam ngày càng nhân rộng ra, các người ngoại quốc tìm đến Phật giáo Việt Nam ngày càng đông.
3. Kết luận
Một cách tổng thể, đạo đức học Phật giáo là một hệ thống đạo đức tôn giáo xuất thế có khuynh hướng vô thần, thiên về thế giới nội tâm và phát huy tính tự giác rất cao. Điểm mạnh riêng của đạo đức Phật giáo ở chỗ, tuy là một tôn giáo song lại dựa trên nền tảng triết lý Duyên khởi, Vô ngã mang tính biện chứng, tự giác và vô thần. Quan niệm Nhân quả - nghiệp báo của Phật giáo có yếu tố tâm linh huyền bí, tuy không kiểm chứng được hết bằng khoa học hiện đại, song cũng không thể phủ định các yếu tố hợp lý của thuyết này và trên phương diện đạo đức cá nhân, quan niệm này vẫn phát huy tính tự giác, tính hướng nội cao hơn hẳn so với các tôn giáo hữu thần và các đạo đức vô thần khác. Khả năng tự phán xét không đổ lỗi cho số mệnh, cho thần thánh của triết lý nhân quả - nghiệp báo ngày nay vẫn có ý nghĩa nhân văn rất cao. Sự phán xét của luật nhân quả cho đến nay vẫn có giá trị răn con người phải dè chừng với từng hành động (thân, khẩu, ý) của bản thân.
Trong xã hội công nghệ 4.0 cuộc đấu tranh thiện, ác sẽ tinh vi hơn, khó khăn hơn bởi vì khoa học và kỹ thuật 4.0 đồng thời mặt trái cũng đang tạo ra khả năng huỷ diệt sự sống khủng khiếp hơn, đa dạng hơn và tội ác cũng “sạch sẽ” hơn, khiến kẻ gây tội ác khó phản tỉnh hơn. Do đó thời kỳ hiện đại đạo đức hướng nội có tính tự giác cao của Phật giáo là sự bổ sung cần thiết để xây dựng đạo đức nhân văn mới tự giác cao hơn, phù hợp hơn. Tuy nhiên, đạo đức Phật giáo có thể bị hạn chế bởi chính khuynh hướng xuất thế và hướng nội khi giải thích vì sao Phật giáo không chú trọng tới phương diện chính trị, kinh tế - xã hội. Đây là một trong những điểm yếu mà Phật giáo không ngừng khắc phục liên tục trong quá trình hội nhập vào các nền văn hoá, để hoàn thành sứ mệnh tôn giáo của nó. Phật giáo đang là một trong ba tôn giáo lớn trên thế giới đặc biệt thu hút được sự chú ý của nhiều nhà khoa học và những bộ óc duy lý phương Tây bởi chính các giá trị đạo đức và cách tiếp cận độc đáo mà xã hội hiện đại đang thiếu hụt.
Albert Einstein người sáng lập ra thuyết tương đối đã có nhận định về sự tuyệt đối đó của Phật giáo: “Phật giáo là một chiếc cầu nối liền tôn giáo với những tư tưởng khoa học, khích lệ con người khám phá những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong bản thân con người và môi trường sống của con người. Phật giáo là siêu vượt thời gian”.[12]
Thích Đàm Uyên Học viên Thạc sĩ Phật học khóa 3 - Học viện PGVN tại Hà Nội ***CHÚ THÍCH [1] Từ Latinh moralis bắt nguồn từ mos, moris (phong tục tập quán), từ Sittlichkeit trong tiếng Đức bắt nguồn từ Sitten (tập quán), trong tiếng Hy Lạp cũng có liên hệ từ nguyên tương tự”. G.Bandzeladze (1985), trang 48. [2] Oxford University Press, Oxford Advanced Learner’s Dictionary Of Current English – 2000, trang 125. [3] Đào Duy Anh, Từ điển Hán Việt , NXB Khoa học xã hội (1998), trang 251. [4] Thiều Chửu, Hán việt từ điển, NXB Văn hóa thông tin (1999), trang 177. [5] Phật Quang Đại Từ Điển quyển 2 (2000),Thích Quảng Độ (dịch), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, trang 1621-1622. [6] Will Durant Câu chuyện Triết Học (1971), Bửu Dích dịch, Tủ Thư Vạn Hạnh, trang 18. [7] Bửu Kế, Từ Nguyên từ điển (2000), Nxb Thuận Hóa, trang 523. [8] . Học viện chính trị quốc gia (2000), Giáo trình đạo đức học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 816. [9] Đoàn Trung Còn (1997), Phật học từ điển, quyển 2, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, trang 524. [10] Kinh Trường A-Hàm quyển 1, HT.Thích Minh Châu (dịch) 2005, trang 558. [11] Tăng Chi Bộ Kinh tập3, Thích Minh Châu (dịch), 2005, trang 119. [12] Trích dịch từ Collected famous quotes from Albert Einstein. http://rescomp,stanford,edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm. Nguyên văn: “Buddhism is a bridge between religious and scientific thoughts, that the stimulates man to discover the talent potentialities within himself and his environment. Buddhism is timeless”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bửu Kế, Từ Nguyên từ điển (2000), Nxb Thuận Hóa. 2. Đào Duy Anh, Từ điển Hán Việt , NXB Khoa học xã hội (1998). 3. Đoàn Trung Còn (1997), Phật học từ điển, quyển 2, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh. 4. Học viện chính trị quốc gia (2000), Giáo trình đạo đức học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 5. http://rescomp,stanford,edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm. 6. Kinh Trường A-Hàm quyển 1, HT.Thích Minh Châu (dịch) 2005. 7. Oxford University Press, Oxford Advanced Learner’s Dictionary Of Current English – 2000. 8. Phật Quang Đại Từ Điển quyển 2 (2000),Thích Quảng Độ (dịch), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản. 9. Tăng Chi Bộ Kinh tập3, Thích Minh Châu (dịch), 2005. 10. Thiều Chửu, Hán việt từ điển, NXB Văn hóa thông tin (1999). 11. Will Durant Câu chuyện Triết Học (1971), Bửu Dích dịch, Tủ Thư Vạn Hạnh.
Bình luận (0)