DẪN NHẬP

Gia đình là nền tảng, là tế bào cấu thành để ổn định xã hội. Tuy nhiên hiện nay ly hôn là hiện tượng phổ biến, nơi nào cũng có. Khiến nhiều gia đình tan vỡ, ly tán; trẻ em thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ, xảy ra nhiều vấn đề tâm lý, hoặc thù hận chán ghét mọi người, thậm chí phạm tội; người già thiếu sự phụng dưỡng, có khi còn phải chăm sóc các cháu do hậu quả của cuộc ly hôn từ cha mẹ chúng. Vì áp lực tâm lý và tinh thần không ngừng gia tăng, khiến cho xã hội ở trong trạng thái bất ổn, ai nấy đều cảm thấy bất an. Một số gia đình đã không còn là bến bờ hạnh phúc để mọi người tránh mưa gió cuộc đời, nhiều người không có gia đình để trở về. Xã hội càng phát triển một cách lành mạnh thì giúp đời sống cá nhân mỗi người thêm phần văn minh. Nhưng ở đây đó, những mặt tiêu cực cần sự thấu hiểu, cảm thông, các vấn đề như nền đạo đức dần xuống cấp, sự bạo lực, không tin vào cuộc sống cần phải được giải quyết kịp thời, giải quyết các vấn đề gia đình cũng chính là giải quyết các vấn đề của xã hội.

Tag: bạo lực gia đình, hôn nhân, gia đình, ứng dụng giáo lý đạo Phật,…

NỘI DUNG

1. Khái niệm

Bạo lực gia đình là: “một dạng thức của bạo lực xã hội, là “hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại… với các thành viên khác trong gia đình”[1] (Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình). Tức là “các thành viên gia đình vận dụng sức mạnh để giải quyết các vấn đề gia đình”[2]. Gia đình là hình thức thu hẹp của xã hội, hành vi bạo lực trong gia đình được xem như hình thức thu gọn với nhiều hình thức khác nhau của sự bạo lực vậy.

2. Thực trạng bạo lực gia đình ở nước ta

Hiện nay, bạo lực gia đình để lại hậu quả nặng nề cả về thể xác và tinh thần cho nạn nhân, gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Một điều nữa là hầu hết những người phụ nữ đều tự mình chịu đựng bạo lực. Khi không chịu nổi nữa phải trốn chạy thì họ lại không dám lên tiếng vì tâm lí sợ ảnh hưởng đến bố mẹ, con cái, không còn con đường quay về gia đình. Vì vậy, sự giải quyết tận gốc trở nên nan giải. Theo sự thống kê ở Việt Nam: “bạo lực gia đình đã làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,78% GDP mỗi năm nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam cũng cho thấy: có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một bạo lực gia đình; gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Theo thống kê của Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL, thì trong số các vụ nạn nhân là nữ chiếm đến hơn 74%, trẻ em là hơn 11%. Đặc biệt, có đến khoảng 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết, cuộc đời họ đã từng phải trải qua ít nhất 1 trong 3 loại bạo lực: thể xác, tình dục, tinh thần.”[3] Qua các con số báo cáo cho chúng ta biết tình hình bạo lực diễn ra rất phức tạp. Như việc đối với người lớn trong nhà thì hình thức bạo lực chính là bất hiếu, không nghe lời, không chăm sóc, có khi đánh đập, xem thường… về phần trẻ em, nguyên nhân bắt đầu từ tranh cãi của cha mẹ và con cái, hay sự nghịch ngợm, không tuân theo phép tắc cha mẹ, ông bà đặt ra... từ những hành vi như thế nuôi dưỡng tâm thế không tốt dẫn đến khi lớn lên y như vậy mà làm thì hậu quả rất khó lường. Theo lý giải của “Ts.Khuất Thu Hồng” nguyên do bắt nguồn từ tư tưởng “bất bình đẳng giới, đàn ông được phép dạy vợ”. Hay Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói: “cầu xin các chính phủ giải quyết tình trạng bạo lực gia đình gia tăng khủng khiếp trên toàn cầu, đối với nhiều phụ nữ và trẻ em gái, mối đe dọa hiện hữu lớn nhất ở nơi họ nên được an toàn nhất trong chính ngôi nhà của họ vì vậy, hôm nay tôi đưa ra lời kêu gọi mới vì hòa bình ở gia đình và trong gia đình trên khắp thế giới... chúng tôi biết việc khóa và cách ly là điều cần thiết để ngăn chặn COVID-19. Nhưng họ có thể gài bẫy phụ nữ với những người bạn đời bạo hành”.[4] Thông qua đó, chúng ta thấy được tình trạng bạo lực trong mỗi gia đình đều đang là con số báo động rất lớn cần phải lên tiếng bảo vệ. Tình hình thực tế chính là như vậy, chưa kể cả trong nhiều môi trường khác nữa con số còn hơn cả thống kê trên. Và nguyên nhân bắt nguồn từ đâu hậu quả ra sao chúng ta cùng nhau tìm hiểu.

3. Nguyên nhân và hậu quả

Trong cuộc sống hôn nhân của mỗi gia đình tác nhân dẫn đến sự bạo lực chính là vợ chồng không tôn trọng lẫn nhau, dẫn đến mâu thuẫn và xung đột kéo dài, không thống nhất được chuyện tiền bạc, kết hôn vì lợi ích trong kinh doanh, không cùng chung suy nghĩ, hoặc vợ hay chồng ngoại tình, ghen tuông qúa mức, chuyện cờ bạc, rượu chè, kém kham nhẫn có chất hẹp hòi thiếu bao dung tha thứ, hay gặp vấn đề trong quá trình nuôi dạy con cái... dẫn đến bạo lực gia đình. Đó đều là phần ngọn, bởi trong hôn nhân chúng ta chưa hiểu hết được nguồn gốc nội hàm của hôn nhân, không thấy được sự thiêng liêng và những điều tốt đẹp của hôn nhân. Hôn nhân duyên phận đời đời kiếp kiếp mà thành duyên đến thì mới có thể kết duyên vợ chồng. Trong Danh ngôn Trung Quốc: “Bách thế tu lai đồng thuyền độ, thiên thế tu lai cộng chẩm miên,”[5]. Nói theo ông cha ta ly hôn là trái với ý Trời. Vậy làm thế nào để giữ được ngọn lửa gia đình. Bởi không hiểu rõ hôn nhân là được xây dựng trên cơ sở đạo-nghĩa không đơn giản là dùng tình cảm để duy trì. Đạo- nghĩa là chuẩn mực nhân loại, tình cảm thường thay đổi. Do đó, nếu hôn nhân dựa vào tình cảm để duy trì thì đổ vỡ bất cứ lúc nào, đạo-nghĩa còn hơn cả mối quan hệ huyết thống, quan hệ thân tình, trong hôn nhân mỗi người đa phần đều lấy mình làm trung tâm, lấy lợi ích bản thân làm chính. Chỉ cần người kia chạm đến ý kiến của mình thì nhất định là cãi nhau, đánh nhau, đòi ly hôn, để người kia thua mình, là điều không hay trong hôn nhân. Nếu có thể đứng ở vị trí của nhau mà xem xét vấn đề, quan tâm đến cảm nhận của nhau thì chuyện tranh cãi, bạo lực không xảy ra. Thay vào đó là sự bao dung, cảm thông cho nhau thì hôn nhân sẽ bền vững. Hậu quả để lại là ảnh hưởng đến sự phát triển của nhân cách con người, sự tan vỡ của gia đình, gây tổn thương về tâm lý tinh thần cho trẻ, làm rối loạn về an ninh trật tự xã hội, gây tổn hại về sức khỏe thể chất cho bản thân. Đôi khi xảy ra án mạng với nhau, cha mẹ đau khổ.. thật đáng tiếc cho hậu quả của sự bạo lực. Khi chúng ta một việc gì thì chúng ta phải có trách nhiệm về mặt pháp lý cũng như pháp luật tự mình nhận lấy là lẽ thường tình nhưng đằng sau còn có những người yêu thương chúng ta nữa.

4. Giải pháp và khắc phục

a, Đối với nhà nước

Đảng và Nhà nước chúng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến với việc phòng, chống bạo lực gia đình và ban hành nhiều điều luật cũng như pháp luật dù hình thức trực tiếp hay gián tiếp như: “Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự,.. đặc biệt Luật phòng chống bạo lực gia đình”. Thường tổ chức các hoạt động giáo dục phòng chống bạo lực gia đình. Tư vấn kịp thời để ứng phó với khó khăn trong đời sống. Và có sự liên kết giữa các cá nhân với tập thể để dễ dàng hợp tác hơn hết là nhà nước nên mở các lớp học về phòng chống bạo lực. Nhằm khi gặp tình huống như thế chúng ta rất nhanh và dễ dàng ứng phó kịp lúc không phải để những hậu quả rồi mới có kinh nghiệm hay bài học.

b, Đối với Phật giáo

Phật giáo chưa bao giờ tách khỏi xã hội luôn hiện hữu và Phật giáo đồng hành cùng dân tộc để nhanh chóng kịp thời đưa ra phương pháp, cách thức hữu ích mỗi cá nhân thành viên trong gia đình giải quyết những vấn đề mà chúng ta tạm thời gọi là “nóng” trong xã hội hiện nay. Như thúc đẩy bạn trẻ đến chùa để các em được ươm mần chủng yêu thương, thấu hiểu được sự tuần hoàn của nhân quả, phân biệt được đâu là thiện ác, ngăn chặn hành vi bất bạo động. Tham gia những khóa tu để học thay đổi cách sống cũng như nền tảng đạo đức. Tổ chức lễ hằng thuận tại chùa, lễ hằng thuận mang đậm tính nhân văn, là dịp để người con bày tỏ lời phát nguyện sống đời sống yêu thương dưới sự chứng minh của chư Phật và chư Tăng cũng như lời tri ân sám hối đến hai đấng sinh thành. Đôi bạn trẻ lắng nghe những lời răn dạy của quý Thầy, cha mẹ đôi bên bằng cả tấm lòng và sự biết ơn sâu sắc, nguyện sống đời đời bên nhau theo lời Phật dạy ở trong “Kinh Thiện Sinh”.

Ngoài ra, để tránh sự tan vỡ của hôn nhân hay có mặt của sự bạo lực, đức Phật dạy về đời sống gia đình hạnh phúc đúng mực của con người: “Này Gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang cho vợ. Này Gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc. Này Gia chủ, người vợ được người chồng đối xử như phương Tây theo năm cách và người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách. Như vậy phương Tây được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi”[6]. Đây được xem là nét đẹp tâm linh đặc thù của văn hóa về hạnh phúc gia đình của mỗi lứa đôi, Phật giáo tinh thần nhập thế ở tại đây.

Ngoài ra, đức Phật cũng dạy có bốn kiểu hôn nhân như sau: “Này các Gia chủ, có bốn loại sống chung này. Thế nào là bốn? Đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ. Đê tiện nam sống chung với Thiên nữ. Thiên nam sống chung với đê tiện nữ. Thiên nam sống chung với Thiên nữ”[7]. Và đức Phật cũng trình bày như sau: “Này các Gia chủ, thế nào là đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ? Ở đây, này các Gia chủ, người chồng sát sinh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men rượu nấu, ác giới, tính ác, sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối, nhiếc mắng chưởi rủa các Sa môn, Bà La Môn. Còn người vợ cũng sát sinh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men rượu nấu, ác giới, tính ác, sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối. Như vậy, này các Gia chủ là đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ”[8]. Sau cùng đức Phật kết luận: “Vậy này các Gia chủ, khi cả hai vợ và chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này, và cũng muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa, và cả hai người là đồng tín, đồng giới, đồng thí đồng trí tuệ, thời trong đời hiện tại, các người được thấy mặt nhau, và trong đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau”[9]. Đức Phật không chỉ mô tả các mối quan hệ vợ chồng, ở đây chúng ta cần nhận thức đúng bối cảnh hiện tại của riêng mình, từ đó nổ lực hướng đến gia đình lý tưởng theo kiểu mẫu đức Phật đưa ra thì sẽ hạnh phúc, an vui.

Tinh thần nhập thế của Phật giáo đã xây dựng nên một thành lũy đạo đức chuẩn mực đưa con người đến bờ hạnh phúc của cuộc sống “chân – thiện – mỹ”. Cũng từ những tinh hoa ấy đã làm thay đổi đường hướng tư duy giáo dục. Phật giáo luôn đề cao những người có chánh kiến, sống có ý chí, tự cường tự lực, là bước đệm cho sự an lạc giải thoát, là động cơ thúc đẩy sự vững bền cũng là nền tảng cho đồng cảm đồng tình. Bởi duy chỉ có trí tuệ và lòng từ bi mới có năng lực điều hành những tác nhân bất xuất phát từ vô minh như các tệ nạn, bạo lực học đường,chủng loại xấu...

Một trong những giải pháp hữu ích nhất để giải quyết bạo lực học đường trong Phật giáo đó là các bậc cha mẹ là phật tử thuần thành nên khuyên răn các trẻ đến chùa để học hỏi giáo lý, cùng các bạn tham gia các lớp búp sen, cùng trao đổi các vấn đề đúng sai thì không còn có mặt của sự bạo lực, mà lúc này tình thương lan tỏa, bao trùm khắp trong tâm các bạn. Hiện nay, nhiều chùa trên toàn quốc thường xuyên tổ chức các lớp thiền để các bạn thiền sinh tham gia khóa tu một ngày hay khóa tu ngắn hạn để khoảng thời gian này các bạn nhỏ trau dồi với nhau về nhân cách hay đạo đức, tạo cơ hội tiếp xúc với những người thiện lành, hay bạn thiện để học sự chia sẻ, yêu thương, năng lượng tích cực. Thông qua các hoạt động như thế đã giúp các em có cơ hội vươn đến tương lai vạch ra những kế hoạch mang tích chất hoạt động hữu ích cho cộng đồng và xã hội.

Đối với nhà trường, việc lên lớp với các bài khóa ta thì cần phải dạy các em con đường đạo đức “tiên học lễ, hậu học văn”, tạo cho các em nhiều cơ hội cũng như những thử thách tình huống về bài học đạo làm con làm người sao cho có ích em và cần ươm đúc cho các em những phương pháp giáo dục tâm linh Phật giáo mục đích là khơi dậy Phật tính vốn sẵn nơi các. Đưa tinh thần từ bi, bất bạo động vào trường học hay trong gia đình để các em biết giúp đỡ trao yêu thương đến với nhau nhằm diệt trừ những vấn đề cá nhân, trong quan hệ bạn bè; khuyến khích các em tham gia hoạt động hữu ích để giải tỏa áp lực.

Mục đích của các lễ hội hay khóa tu sẽ giúp các em trải nghiệm và hiểu hơn về giáo lý tuần hoàn nhân quả hay đạo làm người. Tại đây, các em sẽ ý thức được việc làm của mình, những gia đình là Phật tử thuần thành cần tinh tấn hành trì nền tảng đạo đức và tinh thần lục hòa để nuôi dạy các con. Đừng để các vấn đề như bệnh stress, trầm cảm, nghiện game online, ảnh hưởng trực tiếp đến với gia đình chsung ta. Cố găng kết nối với nhau trong mọi lúc bằng hình thức luôn trao đổi với nhau những gì xảy ra trong một ngày làm việc. Đừng quá chủ quan vào các công nghệ hiện đại mà dần đưa gia đình chúng ta xa rời với thực tại cuộc sống.

Kết quả của việc Phật giáo nhập thế qua vấn đề bạo lực gia đình đã làm được là mang lại niềm tin cho gia đình, hiểu sâu hơn về nội hàm của hôn nhân, cùng nhau san sẻ về cuộc sống, sống an hòa với nhau. Đặc biệt, các gia đình sau khi hiểu được giáo lý Phật giáo tỷ lệ ly hôn so với lúc chưa hiểu rất thấp đi vào đó là cùng nhau lan tỏa sự hạnh phúc với nhau đến với cộng đồng và xã hội, mang lại niềm tin tuyệt đối về trách nhiệm, bổn phận của người chồng người cha, sự ý thức của người vợ, người mẹ một cách trọn vẹn hơn.

KẾT LUẬN

Gia đình là một tổ ấm duy nhất để xây dựng nên một xã hội mới với nguồn hạnh phúc yêu thương. Đời sống cá nhân vốn là nền tảng chuẩn mực đạo đức mà chúng ta cần phải có là nền móng kiên định để dựng xây một gia đình văn hóa uy tín, tràn đầy nhiệt huyết hạnh phúc. Một gia đình sống hòa thuận, không có mặt của bạo lực thì mỗi thành viên trong gia đình sẽ được sống trong sự yêu thương, đùm bọc, chia sẻ, tôn trọng nhau. Tư tưởng nhập thế của Phật giáo tạo dựng nên nền tri thức để chính chúng ta dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể tự mình catm nhận được sự hạnh phúc, và có lối sống hành vi đúng đắn. Sự thay đổi tư duy con người, giúp họ hoàn thiện nhân cách ngày một tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng nét đẹp truyền thống người Việt ngày một phát triển hơn về mọi mặt. Sự tinh vi ở câu nói “đời không đạo đời vô liêm sĩ, đạo không đời đạo chỉ cho ai” là sự kết hợp tinh hoa giữa đời và đạo tạo nên bức tranh hài hòa với nhau trong mọi hoàn cảnh. Thông qua những vấn đề trên chúng ta nghiệm ta rằng dù ở trong trường hợp hay hoàn cảnh nào đi chăng nữa Phật giáo luôn có mặt và cùng đưa ra những giáo lý phù hợp cho mọi tình huống sự hỗ tương với nhau trong cuộc sống là điều cần thiết nhưng phải phù hợp và thích hợp mới đem lại hạnh phúc cho con người với nhau.

Thích Chúc Hòa - Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

------------------

CHÚ THÍCH:

[1] Chính phủ nước CHXHCNVN (2009), Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04-02-2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. [2] Lê Thị Quý – Đặng Vũ Cảnh Linh, “Bạo lực gia đình – một sự sai lệch giá trị”, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007. [3] Nguồn: http://www.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1145/87893/bao-luc-gia-dinh-gay-thiet-hai-khoang-178-gdp-moi-nam Truy cập: 12/12/2020. [4] Nguồn: https://www.spotlightinitiative.org/news/un-secretary-general-antonio-guterres-calls-ceasefire-homes-violence-against-women-and-girls Truy cập: 12/12/2020. [5] Nguồn: https://tiengtrunganhduong.com/danh-ngon-vo-chong-trong-tieng-trung-va-tieng-viet.htm Truy cập: 12/12/2021. [6] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trường Bộ 2, 31. Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 543. [7] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương IV Bốn Pháp VI. Phẩm Nguồn Sanh Phước”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 661. [8] Sđd, tr.662. [9] Sđd, tr. 669.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Nguồn: http://www.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1145/87893/bao-luc-gia-dinh-gay-thiet-hai-khoang-178-gdp-moi-nam Truy cập: 12/12/2020. 2. Nguồn: https://www.spotlightinitiative.org/news/un-secretary-general-antonio-guterres-calls-ceasefire-homes-violence-against-women-and-girls Truy cập: 12/12/2020. 3. Nguồn: https://tiengtrunganhduong.com/danh-ngon-vo-chong-trong-tieng-trung-va-tieng-viet.htm Truy cập: 12/12/2021. 4. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 2, 31. Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991. 5. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương IV Bốn Pháp VI. Phẩm Nguồn Sanh Phước, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996. 6. Chính phủ nước CHXHCNVN (2009), Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04-02-2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. 7. Lê Thị Quý – Đặng Vũ Cảnh Linh, Bạo lực gia đình – một sự sai lệch giá trị, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.