Tác giả: Andrew POWELL trong Living Buddhism Dịch: Huyền Cương Lê Trọng Cường
1. Nhìn chung
Có thể đi đến một nhận định tổng quát, tuy chưa chặt chẽ lắm, rằng pháp Bụt trong giai đoạn cuối Thế kỷ 19 đầu Thế kỷ 20 ở châu Âu chịu ảnh hưởng chủ yếu từ truyền thống Đầu Nguồn (Theravãda; Nguyên Thủy). Cuộc tìm kiếm thuộc địa của chủ nghĩa thực dân đã tạo cơ hội để người Âu tiếp xúc với truyền thống Đầu Nguồn của pháp Bụt. Trong khi đó truyền thống Thiền đã vượt qua Thái Bình Dương và đến châu Mĩ theo hướng quần đảo Ha Oai. Hiện nay hầu như tất cả các truyền thống chính của pháp Bụt đã có mặt tại hầu hết các nước phương Tây, cả châu Âu và châu Mĩ. Đặc biệt từ năm 1959, khi người Tây Tạng rời bỏ đất nước mình, sống lưu vong theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, tính quốc tế của pháp Bụt càng thể hiện rõ nét hơn.
2. Pháp Bụt truyền sang Hoa Kì
Lần đầu tiên Suzuki viếng thăm Hoa Kì kéo dài bảy năm. Ông qua đời vào năm 1966, lúc đó ông 96 tuổi. Hầu như ‘đơn thương đọc mã’ chính Suzuki đã làm cho Thiền Tông trở thành một phần không thể thiếu của văn hoá Hoa Kỳ. Mối quan tâm của công chúng Hoa Kì bắt đầu được khơi dậy nhờ tác phẩm Bàn Về Pháp Bụt Thiền Tông (Thiền Luận) của ông, xuất bản năm 1927. Sau đó ông đã cống hiến một phần đáng kể cuộc đời làm việc của mình để giải thích Thiền học cho công chúng Hoa Kì trong các khoá giảng mà có lẽ chính ông cũng biết rằng họ đã hiểu được. Trong thập kỉ 1950, vào độ tuổi tám mươi, ông vẫn đảm nhiệm những bài giảng do viện Đại Học Columbia ở Niu Óoc mời. Nhiều sách của Suzuki về Thiền học và văn hoá Nhật Bản được ông viết rất ngẫu hứng và hoàn toàn độc lập về phong cách, đã để lại một ấn tượng rõ nét trên khắp thế giới của những người nói tiếng Anh.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai ở phương Tây xuất hiện một phong trào quan tâm tới việc nối kết giữa kinh nghiệm tôn giáo với hiệu quả của các chất gây ảo giác, ví dụ như chất mescalin (chất được chiết xuất từ chồi cây xương rồng). Một số người tự thử nghiệm đã đạt tới đỉnh cao của hiện tượng mà người ta gọi là thiền mệt đừ (beat zen). Những cuốn sách xuất hiện trong thời kì này, như cuốn Những Cánh Cửa Của Nhận Thức (The Doors of Perception) của tác giả Aldous Huxley và những cuốn sách khác bàn về các vấn đề liên quan tới tâm thức con người, đã tạo ra một xu hướng văn hoá có nhiều nét gần gũi với các thuật ngữ và khái niệm cơ bản của các tôn giáo phương Đông. Điều đó đã trở thành một điều kiện tiên quyết không thể thiếu cho sự tiến bộ xã hội. Hiện nay nhiều người phương Tây nghiêm túc quan tâm đến Pháp Bụt sẵn sàng thừa nhận rằng họ đã được giới thiệu tôn giáo này chính là vào thập kỉ 1960 và đầu thập kỉ 1970, lúc mà xuất hiện phong trào híp pi chống lại khuôn phép cứng nhắc của nhà thờ.
Không giống như sự hoằng truyền sang châu Âu, pháp Bụt đến châu Mĩ từ hai hướng khác nhau. Mối quan tâm mang tính học thuật và văn chương như ở Anh, Pháp và Đức đã song song có mặt tại Hoa Kì nhờ công trình của các học giả, các nhà văn và bởi các tổ chức, như Thiền Viện đầu tiên của Mĩ, thành lập năm 1930 tại Niu Óoc… Tuy vậy Hoa Kì không chỉ tiếp giáp với Đại Tây Dương mà còn trông ra Thái Bình Dương. Khoảng cuối Thế kỷ 19 có nhiều người di cư từ Trung Hoa và Nhật Bản sang California. Trong số đó có nhiều người theo Tịnh Độ Tông. Dẫu cho những người di cư phải cố gắng bươn chải rất nhiều trong sinh hoạt để khỏi bị lạc lõng giữa một xã hội với tinh thần Cơ Đốc giáo của đa số người Hoa Kì, pháp Bụt vẫn tiếp tục phát triển tại bờ Tây trong cộng đồng con cháu những người nhập cư từ châu Á. Đó là pháp Bụt đã được sửa đổi với những nghi thức cầu nguyện mà nhìn bề ngoài có nhiều nét giống với nghi thức trong truyền thống Cơ Đốc giáo. Từ năm 1944, các nhóm Jõdo-Shinshũ (Tông Tịnh Độ Nhật Bản) đã được tổ chức dưới hình thức giống như ‘một nhà thờ Phật Giáo tại Hoa Kì’.
Trong những năm gần đây có một nhân tố rất quan trọng, ảnh hưởng mạnh mẽ đến những người theo pháp Bụt ở Hoa Kì, đó là sự hình thành phong trào ‘tôn giáo mới’ của người Nhật, chưa từng có từ trước, mang tên Sõka Gakkai. Tại châu Mỹ phong trào này được thành lập tại Santa Monica với tên gọi Nichiren Shõshũ. Hiện nay người ta ước tính có trên nửa triệu người theo. Câu hỏi rằng tại sao Sõka Gakkai lại trở nên hấp dẫn như vậy đối với người Hoa Kì và hiện nay cũng đang thu hút sự quan tâm đối với người châu Âu vẫn chưa có lời đáp. Có lẽ nhờ không phải là một tôn giáo có hệ thống tổ chức tập trung chặt chẽ với những giáo điều khô cứng, nên pháp Bụt đã có thể dễ dàng phát triển theo nhiều truyền thống rất khác nhau. Tuy nhiên, câu hỏi sự thành tựu đáng ngạc nhiên của Nichiren Shõshũ có thể được coi một cách giản đơn như là một bằng chứng đối với nhu cầu đổi mới trong việc hoằng truyền pháp Bụt hay không, vấn đề này hiện đang còn nhiều tranh cãi. Dẫu sao thì đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây ra dư luận cho rằng pháp Bụt là tôn giáo phát triển mạnh nhất ở phương Tây hiện nay.
3. Ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do quá trớn (tự do cực đoan)
Lịch sử còn chưa đủ thời gian để hình thành một cái nhìn công bằng và ổn định đối với những chuyển biến văn hoá ở phương Tây trong thập kỉ 1960 và những năm đầu thập kỉ 1970. Liệu có phải là một Sự Tỉnh Táo Lớn hay chỉ là một Sự Lệch Lạc Lớn trong quá trình đi lên của một xã hội, như một vài ý kiến đã đề cập loáng thoáng ở đâu đó. Quá khứ có thể được tạm thời bỏ qua, nhưng không thể bị quên lãng hoàn toàn. Chủ nghĩa tự do quá trớn (cực đoan) trong thời kì đó có thể xuất phát từ tính ngây thơ và được cổ vũ bởi sự tự buông thả, nhưng dẫu sao nó cũng đã tạo điều kiện cho con người dám nhìn thẳng mặt vào thế giới, vượt qua mọi thông lệ, mọi định kiến và cả những truyền thống cũ mèng. Tinh thần dũng cảm ấy đã cho phép người phương Tây dễ dàng tìm đến những giá trị tinh thần của phương Đông một cách tự nguyện và tỉnh táo hơn.
4. Tu viện Rừng Chithurst
Vào năm 1979 một sự kiện mà từ lâu được coi là không thể xảy ra được đã xuất hiện tại miền nam nước Anh và trở thành một hình mẫu nổi tiếng. Đó là Tu Viện Rừng Chithurst, một tổ chức tăng già của pháp Bụt được thành lập và hoạt động ngay trên đất châu Âu, hệt như nó được đặt tại một vùng đất ở phương Đông. Mỗi sáng các thầy đi khất thực dọc theo những con đường nhỏ miền quê nước Anh, mang theo bình bát đến các nhà vui lòng cúng dàng thức ăn cho các thầy. Trong tu viện có khoảng hai mười lăm tì kheo thụ giới Vinaya, giới luật theo truyền thống Đầu Nguồn (Nguyên Thủy). Chẳng hạn như các thầy không bao giờ cầm tiền và khi các thầy cần đi đâu, một người theo pháp Bụt sẽ mua vé cúng dàng. Về mọi sinh hoạt hàng ngày trong tu viện hầu như không có gì khác giữa tu viện Chithurst và tu viện Wat Nong Pah Pong, một tu viện ở đông bắc Thái Lan, là tu viện đỡ đầu cho tu viện Chithurst này.
Vị cựu viện trưởng của tu viện Wat Nong Pah Pong, một bậc thầy đáng kính theo truyền thống pháp Bụt Đầu Nguồn, Ajahn Chah, trong nhiều năm đã thu nhận nhiều môn đệ là người nước ngoài. Một trong những môn đệ xuất sắc nhất của Ngài là một người Hoa Kì có pháp danh là Ajahn Sumedho, đã được Ngài giao phó nhiệm vụ thành lập Tu Viện Rừng Quốc Tế Wat Pah Nanachat, cũng ở vùng đông bắc Thái Lan. Tu viện này đã thành công vượt mức. Năm 1977 Ajahn Sumedho tháp tùng Ajahn Chah sang thăm nước Anh và sau đó ông ở lại để thành lập một tăng già rất thành công tại Tu Viện Rừng Chithurst nói trên. Bước ngoặt đó là vào năm 1978 với một tặng phẩm không ngờ. Đó là khoảng 44 hecta đất rừng không có người ở tại miền Sussex Tây - một môi trường thích hợp để tạo lập một Tu Viện Rừng theo mẫu hình của Thái Lan. Ngay trong năm sau đó Toà Nhà Chithurst cũ kĩ, siêu vẹo, nằm cách cửa rừng khoảng vài trăm mét được mua lại và bắt đầu sửa chữa.
Bao nhiêu nỗ lực bỏ ra thật bõ công. Chithurst ngày nay đã trở thành một tu viện mang tính quốc tế nổi tiếng với các tu sĩ đến từ châu Âu và các nước nói tiếng Anh trên toàn thế giới. Nhiều trung tâm khác theo truyền thống Đầu Nguồn cũng đã lần lượt xuất hiện ở những địa điểm khác nhau trên đất Anh, trong số đó có những phức hợp rất rộng lớn ở vùng Hertfordshire hiện cũng do Ajahn Sumedho phụ trách chính. Năm1985 hai tu sĩ thuộc phức hợp này đã được cử sang Niu Di Lân thành lập một tu viện chi nhánh. Hình như cũng đang có kế hoạch thành lập thêm một tu viện chi nhánh nữa ở Thuỵ Điển. Số lượng các tu viện chi nhánh tăng nhanh như vậy chưa hẳn đã gây ấn tượng lớn. Điều đáng chú ý nhất ở đây chính là chất lượng của đời sống tinh thần trong các tu viện đó được duy trì một cách vững vàng và đều đặn. Tại Chithurst giới luật được giữ thật nghiêm trong một điều kiện sống hết sức thanh đạm. Ngay cả những khách thăm tình cờ cũng đều cảm thấy một không khí hoà hợp không thể nghi ngờ trong tu viện. Bầu không khí ấy chỉ có thể có được nhờ chính các tu sĩ trong tu viện thường xuyên thực hành các giới hạnh một cách tinh cần và tự giác, không cần tới sự nhắc nhở hoặc cổ xuý. Cho dù trước kia người phương Tây thường bị lên án là họ chỉ theo các tôn giáo phương Đông một cách không chuyên sâu, ngày nay dường như đã có những người Âu-Mĩ tại chính các tu viện này sẵn sàng hiến dâng cả đời mình một cách thật sự nghiêm túc theo đường lối tu hành chặt chẽ của pháp Bụt Đầu Nguồn.
Sở dĩ Chithurst có được thành tựu như vậy chính là nhờ mối liên hệ mật thiết với một tu viện ở phương Đông nên nó được tiếp xúc trực tiếp với truyền thông lâu đời và có thể được thừa hưởng những kinh nghiệm của nhiều thế kỉ.
5. Về Ni sư Rõshi Jiyu-Kennett
Dẫu việc mở đường đã được D. T. Suzuki thực hiện một cách thành công tại Hoa Kì, nhưng những người nước ngoài được nhận đến tu học tại Nhật Bản hoặc được nhận làm dự tuyển thụ giới vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Người Nhật không chỉ là một dân tộc hải đảo, mà đất nước họ lại đóng cửa với thế giới bên ngoài tới gần hai thế kỉ (từ TK17 đến TK19). Trong xã hội Nhật thời đó người phụ nữ chịu nhiều thua thiệt. Nếu tính cả chủ nghĩa sô vanh văn hoá cộng thêm sự thua thiệt của phụ nữ trong xã hội thì thành công của Peggy Kennett, mà sau này trở thành ni sư Rõshi Jiyu-Kennett quả thật là đáng nể. Nguyên là một người tu học theo truyền thống Đầu Nguồn, năm 1962 Kennett được thụ giới trong truyền thống Thiền Lâm Tế ở Malaysia. Sau đó sư thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được thu nhận vào Sõjiji, một trong hai thiền viện chủ yếu của phái Sõtõ ở Nhật Bản (thiền viện kia là Eiheiji). Năm 1969, sau khi được phép giảng pháp, sư đã thành lập Shasta Abbey, một thiền viện Sõtõ ở bắc California và trở thành viện trưởng đầu tiên của thiền viện này. Lòng quyết tâm và dũng cảm mãnh liệt mà sư phải có để vượt qua những trở ngại lớn lao ở cả hai xã hội - Nhật Bản và phường Tây - thật đáng được mọi người thán phục.
Dù rằng hiện nay có lẽ nổi tiếng nhất ở Hoa Kì là Trung Tâm Thiền San Francisco được thành lập từ năm 1961 dưới sự chỉ đạo của thiền sư phái Sõtõ Shũnryu tên là Suzuki, tác giả cuốn sách nhỏ ‘Tâm Thiền, Tâm Của Người Bắt đầu’ (Zen Mind, Beginer’s Mind), Shasta Abbey cũng là một trong những thiền viện rất thành công ở bờ Tây Hoa Kì. Chỉ ba năm sau khi thành lập Shasta Abbey đã đủ sức thành lập một chi nhánh tại nước Anh, Thiền Viện Throssel Hole Priory, gần Hexham vùng Bắc Umberland. Cả hai thiền viện này đều giống các thiền viện Sõtõ Nhật Bản, tuy có khác đôi chút. Điểm khác biệt chủ yếu là sự bình đẳng hoàn toàn của nữ giới. Bên Nhật các thiền viện Sõtõ chỉ dành riêng cho tăng và có lần các thiền viện này dạy rằng các thiền sư phái Sõtõ được phép lấy vợ. Trong khi ở Shasta Abbey và Throssel Hole Priory tăng và ni sống bên nhau và cùng sử dụng một thiền đường, họ cùng ăn, cùng ngủ, cùng nghỉ, cùng thực tập thiền. Tuy vậy, nếp sống độc thân được yêu cầu hết sức nghiêm khắc đối với cả bên tăng lẫn bên ni. Những khác biệt khác là thuộc về hình thức, như các kinh văn tiếng Nhật được dịch sang tiếng Anh và được tụng đọc với giai điệu giống như hát thánh ca trong các nhà thờ Cơ Đốc giáo. Dù rằng những nhượng bộ như vậy chỉ là để dễ hoà hợp với nền văn hoá phương Tây, nhưng không phải đã luôn được nhất trí ủng hộ. Về cơ bản việc thực hành thiền tại các thiền viện này ngày càng được yêu cầu thực hiện gần giống như ở Nhật Bản. Đối với những ai chấp nhận thiền như là một lối sống thì được yêu cầu thực hành các giới luật cá nhân cao hơn.
6. Truyền thống Tây Tạng truyền sang phương Tây
Trung tâm pháp Bụt Tây Tạng có mặt sớm nhất ở phương Tây, mang tên Samyé Ling, được bắt đầu xây dựng từ năm 1967 tại Eskdalemuir, một ngôi làng nhỏ thuộc một vùng hẻo lánh phía Tây Nam Scotland, nước Anh. Nguyên do là vào năm 1963, hai lạt ma (thầy, sư) Tây Tạng, tên là Trungpa Rinproche và Akong Rinproche, đã đến du học ở trường Cao Đẳng St. Antony và bệnh viện Radcliff tại Oxford (nước Anh). Bốn năm sau đó, nhân duyên đã đưa đến cho hai thầy một khu nhà trại rộng lớn ở một vùng quê xanh thẳm và mù sương nơi biên cương xa xôi xứ Scotland (Xcôtlen). Chấp nhận thách thức, các thầy bắt tay vào việc dựng xây một Trung Tâm Pháp Bụt Tây Tạng tại đó. Ban đầu công việc gặp nhiều khó khăn và tiến triển rất chậm chạp, cho nên đến năm 1970 Trungpa Rinproche đã rời sang đất Hoa Kì. Sự kiên trì của Akong Rinproche dần dần cũng được đền đáp, vào năm 1978 Samyé Ling đã thành hình, đủ để khai trương một ngôi đền (temple; gompa), và sau đó trở thành một tụ điểm, hay đúng hơn, một phức hợp văn hoá Tây Tạng, bao gồm một thư viện, một phòng đọc, một phòng lưu trữ băng tiếng và băng hình, các phòng họp, các phòng làm việc và những tiện nghi khác. Trung tâm hoạt động với một kế hoạch mà kinh phí ban đầu lên tới bốn ngàn bảng Anh như vậy quả là đáng kể. Thành tựu ấy một phần có lẽ là tiền đóng góp của khoảng 600 người đến Samyé Ling tham gia sinh hoạt và tu học mỗi năm.
Mặc dù có nhiều vị tăng ni tu hành ở đó, nhưng Samyé Ling lại có dáng vẻ một trung tâm văn hoá Tây Tạng hơn là một tu viện. Khách tới thăm thường là để học hỏi về nền hội hoạ, hoặc theo các lớp nghiên cứu về nghi thức tín ngưỡng. Điều đó dẫu sao cũng làm cho càng ngày càng có nhiều người quan tâm đến truyền thống này. Trong Samyé Ling còn có một trung tâm ẩn cư biệt lập. Nơi đây dành cho nhưng ai tự nguyện khép mình vào một kỉ luật tu hành nghiêm ngặt, mong sẽ chứng ngộ sau một khoá tu dài tới chín năm, trong đó có bốn năm sống hoàn toàn lẻ loi và tách riêng dưới sự giám sát của một vị thầy hướng dẫn. Những khoá tu như vậy hầu như bao giờ cũng được đăng kí hết chỗ.
Cũng có một số trung tâm Tây Tạng khác được thành lập ở lục địa châu Âu, nhiều nhất là ở Thuỵ Điển và Pháp. Cho đến khi Đức Đạt Lai Lạt Ma và các lạt ma khác của Tây Tạng di tản sang Ấn Độ, người Âu hầu như chỉ biết rất ít về truyền thống văn hoá và pháp Bụt Tây Tạng. Nhưng hiện nay sự quan tâm đến truyền thống này đang tăng nhanh ở khắp châu Âu. Đành rằng có một số người bị cuốn hút mạnh bởi truyền thống này chỉ vì tò mò, muốn tìm đến với những điều lạ lùng huyền bí, nhưng số đông lại là bởi niềm say mê tìm hiểu phương pháp phân tích sâu sắc tâm thức con người (duy thức học) và sự tinh tế trong kĩ năng đưa người tu hành đến tuệ giác.
Thực tế này của truyền thống Tây Tạng tại châu Âu cũng đồng thời diễn ra tại Hoa Kì. Có lẽ vì thế mà gần đây người ta dự đoán rằng khoảng vài ba chục năm nữa pháp Bụt Tây Tạng sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hoá Hoa Kì, cũng giống như ảnh hưởng của Thiền tông mấy chục năm trước. Sau khi rời Samyé Ling năm 1970, Trungpa Rinproche tìm đến các trung tâm Tây Tạng đã thành lập ở Nova Scotia, Vermont và Colorado (Hoa Kì). Một số lạt ma khác cũng đã tới Hoa Kì, thường là để cộng tác với các viện Đại Học lớn. Dĩ nhiên điều này cũng góp phần làm tăng thêm sự quan tâm đến truyền thống Tây Tạng tại Hoa kì.
7. Thiền Thấu Suốt (Vipassanã) lan truyền sang phương Tây
Quả là thiếu sót nếu bàn đến tình hình pháp Bụt ở phương Tây mà không đề cập đến sự truyền bá pháp môn Vipassanã (Thiền Thấu Suốt) ngày nay. Trong một số tư liệu người ta hay dùng cụm từ Hán-Việt ‘Thiền Minh Sát Tuệ’ hoặc ‘Thiền Quán’ để chỉ pháp môn Vipassanã. Đó chính là một pháp hành (Dhamma) độc đáo theo đúng đường lối của chính Bụt Thích Ca. Vipassanã là một từ ghép gồm hai phần: phần thứ nhất ‘Vi’ dùng để chỉ ba nét chung nhất (dấu ấn, đặc tính) của mọi diễn trình của thân-tâm, đó là: 1/ Tính thoáng qua (anicca; vô thường), 2/ Tính chẳng vừa lòng hoặc tính khó chịu (dukkha; bất an, đau khổ), và 3/ Tính không Cái Tôi (anatta; vô ngã, chẳng có cái tự nó). Phần thứ hai ‘passanã’ nghĩa là thấy rõ ngay (trực giác) nhờ trau dồi sức chăm chú đúng (sammã-sati; chính niệm). Như vậy, Vipassanã (Thiền Thấu Suốt) là phương pháp trau dồi và mở mang tâm trí nhờ gây dựng sức chăm chú đúng nhằm thấy rõ ngay ba nét chung nhất của diễn trình thân-tâm. Hơn 2500 năm trước nhờ thực hành pháp môn này, thái tử Sĩ-Đạt-Tha đã đạt tới tỉnh thức và giải thoát trọn vẹn khỏi nỗi khổ đau trong lòng và trở thành Muni (bậc đại giác), mà ta quen gọi là Bụt (Buddha). Phương pháp thực hành này được xây dựng dựa trên nội dung của kinh Maha-Satipathãna (Gây Dựng Sức Chăm Chú Lớn).
Nhằm mục đích mở rộng sự hướng dẫn nghiên cứu tận gốc và ứng dụng thực hành Vipassanã trong đời sống, năm 1985 Hội Sở Nghiên Cứu Vipassanã (Vipassanã Research Institut - VRI) được thành lập trên Đồi Pháp Bụt, nằm ngay gần bên Viện Quốc Tế Vipassanã (Vipassanã International Academy - VIA), thuộc tiểu bang Maharasta, miền trung Ấn Độ.
Hàng năm VRI mở nhiều khoá tu học miễn phí về Vipassanã, mỗi khoá có tới 600 người từ các nước đến dự. Trong các khoá người tu học được nghe giảng và thực hành trau dồi, lọc sạch và làm chủ lòng mình; nhờ đó tâm trí và đạo đức được chuyển hoá, trí tuệ và tình thương rộng lớn được khơi mở. VRI cũng hướng dẫn ứng dụng Vipassanã trong việc phát triển xã hội, giáo dục, bảo vệ sức khoẻ và chữa bệnh, nhất là việc điều trị bệnh quá căng thẳng tâm sinh lí (stress). Đặc biệt gần đây Vipassanã còn được thử nghiệm trong việc giúp giải toả nỗi căng thẳng ở những người cai nghiện ma tuý và người tù.
Ngoài ra VRI cũng tổ chức nhiều khoá hội thảo quốc tế 10 ngày để trao đổi kinh nghiệm thực tế trong nghiên cứu và ứng dụng Vipassanã ở những lĩnh vực khác nhau trong đời sống. VRI cũng phát hành nguyệt san và ứng dụng mạnh mẽ Internet để hướng dẫn rộng rãi Vipassanã tới khắp mọi miền trên trái đất.
Ngày nay Vipassanã không chỉ được thực hành ở các nước theo truyền thống pháp Bụt Đầu Nguồn, mà nó còn có mặt ở nhiều nơi khác trên thế giới. Tại Ấn Độ, Nê Pan, Nhật Bản, Mông Cổ, Đài Loan, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Anh, Pháp, Đức, Canađa, Hoa Kì… đều đã có những trung tâm Vipassanã. Chỉ riêng tại Ấn Độ, quê hương của Bụt, đã có tới trên 30 trung tâm. Dưới đây chỉ thử điểm vài nét tình hình truyền bá Vipassanã ở Bắc Mĩ.
Khoá tu học Vipassanã đầu tiên ở Bắc Mĩ do Goenkaji mở tại Canađa vào mùa hè năm 1979. Ngay năm sau ông tiếp tục mở nhiều khoá tại các bang Massachusetts, Chicago, California (Hoa Kì), mỗi khoá có hàng trăm người tham gia tu học.
Trung tâm Vipassanã đầu tiên tại Hoa Kì, mang tên Dhamma Dhara, được xây dựng trên một ngọn đồi có diện tích vài hecta ở bang Masachussetts. Khoá học thứ nhất của trung tâm được mở vào tháng 8 năm 1982. Mỗi năm trung tâm mở ít nhất 20 khoá tu học, mỗi khoá kéo dài 10 ngày. Ngoài ra còn thêm một khoá 20 ngày và một khoá 30 ngày. Vài năm sau trung tâm Vipassanã thứ hai, mang tên Dhamma Mahavana, được thành lập tại bang California. Trung tâm này, ngoài những khoá học ngắn hạn dành cho người lớn, còn mở những khoá ngắn hạn dành cho trẻ em trong độ tuổi đi học và những khoá dài hạn dành cho người lớn nữa. Mười năm trở lại đây có thêm nhiều trung tâm Vipassanã khác mới được thành lập tại Hoa Kì và Canađa. Ngoài các khoá tu học ngay tại trung tâm, còn có nhiều khoá tu học được tổ chức ở những địa điểm khác ngoài trung tâm. Đặc biệt gần đây một chương trình Vipassanã được hướng dẫn thử nghiệm tại các trại giam cho người tù, như trại giam gần Seatle, Washington, năm 1997 và một chương trình khác dành cho người cai nghiện ma tuý. Cả hai đều đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ.
Như vậy chỉ chưa đầy 15 năm kể từ khi Hội Sở Nghiên Cứu Vipassanã (VRI) được thành lập tại Ấn Độ (năm 1985) cho đến nay phương pháp thực hành trau dồi và mở mang tâm trí này đã được truyền lan nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu và đang trở thành một trong những phương pháp nhập thế quan trọng của pháp Bụt. Việc ứng dụng phương pháp tu tập có bài bản rõ ràng (hiển pháp) này góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề bức thiết và nan giải đang nảy sinh trong xã hội hiện đại của loài người đã thu hút sự quan tâm của nhiều người và nhiều tổ chức trên thế giới. Có lẽ tình hình đó đã gợi lên những nhận định lạc quan về tương lai hoằng truyền pháp Bụt trên quy mô toàn cầu.
8. Nhận định về quy mô toàn cầu của pháp Bụt
Từ khi Mashall Mc Luhan đưa ra lời dự đoán lúc mở đầu kỉ nguyên công nghệ điện tử như sau: “Nhờ mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau mới bằng các phương tiện điện tử, thể giới sẽ được tạo dựng lại trong hình ảnh một ngôi làng toàn cầu”, tính đến nay đã là trên ba mươi năm. Cũng trong quãng thời gian ấy pháp Bụt đã củng cố vững chắc vị thế của mình tại các nước phương Tây và đang tiếp tục gặt hái những thành tựu mới. Nhưng thật ra bước tiến ấy quan trọng đến mức nào? Pháp Bụt liệu có thể tiến tới trở thành một tôn giáo mang tính thế giới được hay không, hoặc hơn nữa, liệu nó có thể trở thành tôn giáo của ngôi làng toàn cầu trong tương lai hay không? Điều này cần được nhận định một cách đúng mức.
Rất tương hợp với tinh thần khoa học TK20 (và cả sau đó nữa), pháp Bụt nhấn mạnh tới sự sống chung hoà bình trong thời đại mà thế giới hiện nay đang bị đe doạ bởi sự gia tăng nhanh chóng số lượng vũ khí hạt nhân. Pháp Bụt cũng đã ra lời tuyên bố về sự tương duyên của các dạng thức sống và về một thế giới ngày càng trở nên đáng lo ngại bởi sự suy thoái của môi trường. Với nhiều biểu hiện khác nhau, đường lối của Bụt dường như đã đưa ra một phương châm rất thích hợp với thời đại chúng ta. Đó là: Thật ra hạnh phúc của con người không được giải quyết bởi cái năng lực mà họ dùng vào việc thiết kế những bộ phận máy móc tài tình hơn nhằm chinh phục thiên nhiên; thay vào đó, con người chỉ cần một chút cố gắng trau dồi một cách có hệ thống khả năng chăm chú đúng đắn vào chính diễn trình thân-tâm của mình, nhằm thấy rõ bản chất thật (Lẽ Thật) của cuộc đời; hơn là cứ theo lối mòn, ngây thơ và mù quáng chấp nhận những ảo tưởng vốn có, là con người có thể tự chuyển hoá và vượt qua khỏi nỗi khổ đau có mặt lâu đời của mình.
Thế giới được mỗi người cảm nhận không hoàn toàn giống nhau và tuỳ thuộc vào cách nhìn của từng người. Hơn nữa, thực tế thường diễn ra khác với những điều người ta mong muốn hoặc tưởng tượng. Bởi thế có lẽ lúc này còn là quá sớm và chưa đủ cơ sở để khẳng định rằng pháp Bụt sẽ được chấp nhận rộng rãi ở các nước phương Tây, ít ra trong một tương lai gần. Có thể nói rằng trong giai đoạn hiện tại sự quan tâm của các học giả phương Tây đối với pháp Bụt dường như đang có tác động mạnh đối với phương Đông hơn là đối với phương Tây. Chính sự quan tâm ấy đã góp phần khơi dậy phong trào đánh giá lại một số hình thái văn hoá truyền thống đang diễn ra tại Thái Lan và Nhật Bản… Về cơ bản pháp Bụt là một tôn giáo đòi hỏi người tu phải nỗ lực để chuyển hoá chính mình. Chỉ đơn giản với đức tin và sự tán thành những giá trị được khuyến khích thôi thì vẫn là chưa đủ. Quá trình thực hành giáo pháp mới là quan trọng. Mỗi cá thể phải dành cho mình thời gian cần thiết thực tập tương xứng để tự mình có thể tiến bước về mặt tinh thần, mà thời gian lại là vô cùng quý hiếm trong nhịp sống gấp hiện tại, nhất là ở phương Tây. Dẫu đã có nhiều người thử nghiệm thấy rằng những chu kì trau dồi và mở mang tâm trí ngắn hạn và đều đặn cũng có thể giúp người thực tập tiến bước đáng kể về mặt tinh thần trong hoàn cảnh sống và làm việc hối hả hiện nay. Nhưng để đạt tới tỉnh thức và giải thoát người tu hành vẫn phải trải qua một quá trình thực hành nghiêm ngặt và tận tuỵ hơn nhiều. Nói cách khác, phải dành hẳn một thời gian sống trong môi trường tu viện, rời xa hẳn những ràng buộc chằng chịt của thế gian; như vậy pháp Bụt vẫn còn mang đậm mầu sắc tu viện.
Tuy nhiên, là một tôn giáo đang đà phát triển nhanh chóng trên khắp thế giới, pháp Bụt sẽ nở hoa, kết trái. Pháp của Bụt đã truyền tới và ngày càng đứng vững ở phương Tây, chắc chắn nó không thể bị lụi tàn. Đã có một số người Âu-Mĩ gia nhập tăng đoàn một cách thật lòng và tự nguyện. Chính họ đã gặt hái những thành tựu đáng kể trong đời tu của mình. Vả lại, trong những xã hội mà ở đó dường như không thể có sự nhất trí hoàn toàn đối với những giá trị và mục đích cuối cùng, như ở các nước phương Tây, thì thông điệp của Bụt được Ngài nói với niềm tự tin vững chắc trước các môn đệ, rằng đã tới hạn cuối cùng sự có mặt trên trần thế của Ngài, mãi mãi sẽ là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn: “Hỡi các Tỳ kheo, ta chia tay các ngươi. Tất cả những cái hợp thành con người là thoáng qua. Hãy tinh tiến tu hành để tự giải thoát mình”.
Tác giả: Andrew POWELL trong Living Buddhism Dịch: Huyền Cương Lê Trọng Cường
Bình luận (0)